Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Giáo viên Tây lý giải vì sao người Việt khó học tiếng Anh

Thứ ba, 7/10/2014 | 15:01 GMT+7


Mẹ tôi sang Việt Nam thăm tôi và rất bối rối vì không thể hiểu được tiếng Anh của hàng xóm người Việt.

Jesse Peterson, một người từng dạy tiếng Anh ở Việt Nam chia sẻ bài viết này với độc giả VnExpress:
Khi còn học ở Canada, tôi từng làm việc tại một nhà hàng. Người Việt đầu tiên mà tôi gặp là một đầu bếp. Cô ấy rất đáng yêu, hài hước, luôn mỉm cười nói chuyện bằng tiếng Anh với tôi, nhưng do phát âm không chuẩn nên tôi không hiểu dù chỉ một từ.
Cách đây vài năm, mẹ đến Việt Nam thăm tôi. Những người hàng xóm thân thiện mà tôi nghĩ họ có thể nói tiếng Anh khá tốt đã hỏi thăm mẹ tôi bằng những câu hỏi tiếng Anh đơn giản như: "How are you? (Bạn khỏe không?)". Khi đó, mẹ tôi cũng thực sự bối rối vì không hiểu họ đang nói gì. Từ đó tôi nhận ra rằng, sau một thời gian sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, tôi đã quen với "cách người Việt nói tiếng Anh".
Tôi thực sự rất thích tiếng Việt vì đây là một ngôn ngữ rất độc đáo, có âm điệu và có dấu. Hai yếu tố này làm cho tiếng Việt trở nên rất đặc biệt so với 6.500 ngôn ngữ trên thế giới. Thế nhưng, cũng chính điều này làm cho tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ “khó nhằn” đối với những người nói tiếng Anh bản địa, đồng thời, cũng gây khó khăn cho người bản xứ khi học tiếng Anh.
Là người biết tiếng Việt, tôi nhận ra rằng, người Việt Nam khá bất lợi khi học tiếng Anh so với người nước khác. Đơn giản vì người Việt phải sử dụng cơ miệng theo một cách hoàn toàn khác để “nói” được tiếng Anh.
Ngoài ra, phần lớn sách dạy tiếng Anh ở Việt Nam đều được dịch từ sách nước ngoài, theo giáo trình phổ biến dành cho những học viên ở các nước không sử dụng ngôn ngữ có “thanh điệu” như tiếng Việt.
Phương pháp dạy tiếng Anh tại Việt Nam hiện đều lấy “ngữ pháp” và “từ vựng” làm gốc, trong khi nền tảng cho việc học tiếng Anh hiệu quả lại nằm ở phần “phát âm”.
Tất nhiên, tôi không hề phủ nhận tầm quan trọng của việc học ngữ pháp, thế nhưng, bạn cũng đừng quá chú trọng tới điều đó, trừ phi bạn muốn trở thành một nhà văn chuyên viết bằng tiếng Anh.
daihocfpt-kynang-3587-1412668112.jpg
Việc học tiếng Anh ở Việt Nam chỉ lấy từ vựng và ngữ pháp làm nền tảng chứ không chú trọng vào việc phát âm.
Khi còn là một giáo viên dạy tiếng Anh cho người Việt, tôi luôn muốn tìm ra cách tốt nhất và tôi đã nảy ra ý tưởng học và nghiên cứu tiếng Việt. Rất may mắn tôi có một giáo viên rất tốt và cô ấy nói rằng, nếu muốn học tiếng Việt tốt, việc đầu tiên là phải phát âm rõ ràng, sau đó mới có thể học từ vựng và nói chuyện được.
Nếu tôi học từ vựng trước khi biết phát âm đúng thì khi nói chuyện, tôi sẽ liên tiếp mắc lỗi và tạo thành một thói quen rất “xấu” khó sửa được. Và thật đáng ngạc nhiên, cách học này thực sự rất hiệu quả. Nó giúp tôi hiểu tiếng Việt nhanh hơn và trở nên tự tin hơn khi nói chuyện.

Tôi chắc chắn rằng phương pháp học này cũng sẽ có ích cho người Việt khi học tiếng Anh. Khi chuyển sang làm quản lý bán hàng cho một công ty tại Việt Nam, tôi đã nhận dạy tiếng Anh cho các nhân viên vào buổi tối. Và họ đã trở thành "những con chuột đầu tiên" trong phòng thí nghiệm của tôi.

Chương trình học bao gồm các tiết học phát âm đúng tất cả “ngữ âm” trong tiếng Anh và các bài kiểm tra. Chúng tôi khởi đầu rất tốt. Các học viên rất hăng hái học, nhưng rất nhanh chóng, tôi gặp phải 3 vấn đề không lường trước được.

Thứ nhất, họ chưa bao giờ học tiếng Anh theo cách này và luôn nghĩ theo lối mòn - học càng nhiều ngữ pháp càng tốt.
Thứ hai, các bài học phát âm trở thành nỗi ám ảnh vì phần lớn họ gặp khó khăn khi phải phát âm lặp đi lặp lại nhiều lần một âm bất kỳ trong 2 tháng với cường độ học 3 buổi mỗi tuần. Họ chán nản và một số quyết định từ bỏ sau một vài tuần tham gia.
Thứ ba, một vài bạn biết tiếng Anh, nhưng mắc nhiều lỗi trong phát âm. Đặc biệt, họ không bao giờ sử dụng các “âm gió” và quên cách phát âm đúng khi nói chuyện.
Bản thân tôi cũng vấp phải lỗi tương tự khi mới bắt đầu học tiếng Việt nên tôi rất hiểu. Tôi có thể “học phát âm chính xác” nhưng khi nói thì lại “quên phát âm chính xác”. Tôi chỉ thực sự khắc phục được lỗi này khi cô giáo tiếng Việt “dọa” sẽ không bao giờ dạy nữa, nếu tôi tiếp tục tái phạm.
Kết quả là trong lớp dạy tiếng Anh của tôi rất ít sinh viên hoàn thành khóa học. Tôi hơi thất vọng, mặc dù mình đã đặt rất nhiều tâm ý và công sức vào việc phát triển một phương pháp để dạy tiếng Anh cho người Việt. Thế nhưng trong tiếng Anh, chúng tôi có câu: “Bạn có thể dẫn một con ngựa đến nguồn nước nhưng bạn không thể bắt nó uống”. Tuy nhiên, tôi cũng rất hạnh phúc vì một số sinh viên có thể nói rất tốt. Họ có thể đọc một cuốn sách tiếng Anh với cách phát âm rõ ràng, gần như ngang bằng với tôi.

Phương pháp nghiên cứu về phát âm hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Bạn biết đấy, chỉ cần phát âm rõ ràng, sau đó bạn sẽ tự động hệ thống được những gì mình đã học. Tôi biết sẽ là rất khó khăn, nhưng đấy sẽ là một đòn bẩy tốt cho việc học tiếng Anh của bạn.


Jesse Peterson

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét