Chủ nhật 13/07/2014 18:47
ANTĐ - Mới đây, Bình Nhưỡng đã lên tiếng kêu gọi Seoul bình thường hóa quan hệ và hướng tới sự thống nhất. Bản tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh, hai miền Triều Tiên có thể thống nhất dựa trên cơ sở “Liên bang hóa”.
Một trong những nguyên tắc của “Liên bang hóa” là "sự cùng tồn tại của hai hệ thống xã hội và ý thức hệ khác nhau". Các nhà phân tích lưu ý đến một số điểm quan trọng trong đề xuất của Bình Nhưỡng đã gây ra những phản ứng quốc tế trái chiều, về tính khả thi của thể chế “Một quốc gia nhưng hai ý thức hệ” trên bán đảo Triều Tiên.
Trên thế giới hiện nay, một khuôn mẫu dễ nhận thấy là nguyên tắc tổ chức "Một quốc gia - hai chế độ" mà Trung Quốc từng sử dụng từ khi nhận lại Hồng Kông từ Vương Quốc Anh vào năm 1997. Thế nhưng, liệu nguyên tắc này có thể được áp dụng trên bán đảo Triều Tiên?
Chuyên viên Georgy Toloraya, Giám đốc chương trình Triều Tiên của Viện Kinh tế, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho biết, ý tưởng “Một quốc gia - hai chế độ" được sống lại vào đầu những năm 2000, khi nó đã được xem xét như cơ sở cho cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên. Khi đó, ý tưởng này từ một thủ đoạn tuyên truyền dần biến thành một trong những phương án khả thi trong tương lai.
Nếu có cái nhìn khách quan thì phải thừa nhận rằng, Hồng Kông đang tồn tại khá lâu và tuy tồn tại những bất cập nhưng cũng có thành công, trong thành phần nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Và xét theo những đặc điểm của xã hội dân chủ, thì Trung Quốc ngày càng phát triển theo xu thế giống như Hồng Kông chứ không phải ngược lại.
Tuy nhiên, sự thống nhất của hai miền Triều Tiên là chuyện khác hoàn toàn, trước hết về mặt pháp lý. Hồng Kông là một phần lãnh thổ Trung Quốc, còn hai miền Triều Tiên là hai quốc gia khác nhau. Vì thế, nếu thành lập một quốc gia liên bang thì hai nước chỉ có thể thảo luận về các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại, còn hệ thống kinh tế của hai nước sẽ vẫn khác nhau.
Trong trường hợp Hồng Kông hay cả Đài Loan trong tương lai, 2 chủ thể này bước vào thành phần nước Trung Quốc theo định chế xã hội chủ nghĩa với tư cách là các vùng đất nhỏ, với chế độ “tư bản chủ nghĩa” và đóng vai trò "cánh tay nối dài" về tài chính và công nghệ để tương tác với nền kinh tế toàn cầu.
Đối với hai miền Triều Tiên, nói về quá trình thống nhất Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - một quốc gia theo tư tưởng Xã hội chủ nghĩa với dân số 24 triệu người và Hàn Quốc - nước Tư bản phát triển cao với dân số 50 triệu người là một vấn đề vô cùng gai góc.
Trong quá trình “Liên bang hóa” Hàn Quốc sẽ phải đầu tư khoản tiền khổng lồ vào Triều Tiên. Kinh nghiệm của nước Đức thống nhất cho thấy rằng, cần phải làm việc vất vả trong nhiều năm để thống nhất hai nước với 2 chủ thể chính trị và cơ chế kinh tế hoàn toàn khác nhau, cần phải đầu tư khoản tiền khổng lồ để quốc gia liên bang bắt đầu hoạt động hiệu quả.
Thống Nhất Môn tại thủ đô Pyongyang (Bình Nhưỡng) của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
Trong khi đó, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Đại học Quốc gia Seoul thực hiện, chưa tới một nửa người dân Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng về sự thống nhất với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Đa số người dân lo sợ rằng, kế hoạch này là gánh nặng tài chính bổ sung làm suy kiệt Hàn Quốc.
Ông Georgy Toloraya cho biết, ở Hàn Quốc, lời kêu gọi thống nhất hai miền Triều Tiên đã từ lâu trở thành câu “thần chú” của một số chính trị gia cấp cao để không ai nghi ngờ rằng, đất nước của họ chủ trương làm như vậy. Nhưng, trên thực tế, Seoul có thái độ “lạnh nhạt” hơn.
Xét theo những tuyên bố của Seoul phản ứng với đề xuất của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc không có ý định chuyển nguồn lực kinh tế vào mục đích này, mặc dù họ vẫn nhắc đi nhắc lại những lời nói về sự thống nhất. Còn Triều Tiên hiện đang sẵn sàng mở đầu quá trình bình thường hoá quan hệ và thống nhất hai miền Triều Tiên.
Trong nhiều năm dài, Triều Tiên là quốc gia “khép kín” nhất thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây nước này bắt đầu nhận thức được rằng, cần phải thay đổi vị trí của mình trong hệ thống quan hệ quốc tế. Nguyên nhân là những khó khăn kinh tế.
Nhưng, để bắt đầu quá trình thống nhất hai miền Triều Tiên, Bình Nhưỡng phải được bảo đảm an ninh vững chắc. Chỉ trong điều kiện như vậy Triều Tiên mới có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân và thực thi chính sách phi quân sự hóa. Tuy nhiên, trong khi cuộc đối đầu khốc liệt vẫn tiếp tục, kế hoạch này có vẻ không thực tế và chỉ mang tính chất lí thuyết.
Ngoài ra, Triều Tiên muốn quá trình thống nhất hai miền Triều Tiên diễn ra theo kịch bản của họ, còn Hàn Quốc thì có kịch bản khác. Bình Nhưỡng đưa ra ý tưởng thành lập nước cộng hòa “Liên bang”, nhưng Hàn Quốc dự định thống nhất hai miền bằng cách “hấp thụ” miền Bắc.
Dân số Hàn Quốc lớn hơn gấp hai lần Triều Tiên, có nghĩa là bất kỳ cuộc bầu cử toàn quốc nào diễn ra cũng sẽ được tổ chức theo “kịch bản” của Seoul là “nuốt chửng” Triều Tiên và tất nhiên Bình Nhưỡng không thể chấp nhận diễn biến sự kiện như vậy.
Vì thế, việc thống nhất bán đảo Triều Tiên, xây dựng một thể chế Nhà nước thống nhất hay Liên bang hóa cũng đều tương tự như một kịch bản trong phim khoa học viễn tưởng.
Nguyễn Ngọc
Tổng hợp
Nguồn: An ninh thủ đô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét