(In trong tạp-chí Ngôn-ngữ số 4 năm 1999, các trang 11-22, Hà-Nội)
Các tác-giả:
- Giáo-sư, Tiến-sĩ Nguyễn-Quang-Hồng, Viện Hán-Nôm, Hà-Nội
- Tiến-sĩ Ngô-Thanh-Nhàn, New York University
- Đỗ-Bá-Phước, Mentor Graphics Corp., California
- Ngô-Trung-Việt, Viện Công-nghệ Thông-tin, Hà-Nội
Lời tòa soạn: Chữ Nôm đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của văn hoá và bản sắc Việt Nam gần suốt thiên niên kỷ thứ nhì. Ngày nay, số người biết chữ Nôm trở thành hiếm hoi, hầu như chỉ hạn chế trong giới nghiên cứu và giới tăng lữ Phật giáo. Nguy cơ mai một của chữ Nôm là mối lo của bất cứ ai thiết tha với văn hoá dân tộc. May thay, công nghệ thông tin lại mở ra một triển vọng khả quan cho phép chúng ta lưu trữ có hệ thống toàn bộ di sản chữ Nôm, và tạo điều kiện thuận lợi chưa từng có cho việc học chữ Nôm, và xử lí các văn bản Nôm (và Hán Nôm).
Chúng tôi vui mừng giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết của bốn tác giả : giáo sư Nguyễn Quang Hồng, Ngô Thanh Nhàn, Đỗ Bá Phước và Ngô Trung Việt.
Khái quát về tiếng Việt và chữ Việt
1. Tiếng Việt
Trong số 54 dân tộc ở Việt Nam thì dân tộc Việt (còn gọi là Kinh) chiếm số lượng tuyệt đối, tổng số dân lên tới trên 72 triệu người (con số năm 1993). Dân tộc Tày có 1,2 triệu, dân tộc Thái trên 1 triệu, các dân tộc Hoa, Khme, Mường, Cơ Ho, Chàm, Sán Dìu trên 900 nghìn người.
Tiếng Việt là ngôn ngữ cộng đồng của dân tộc Việt và cũng là công cụ giao tiếp chung cho các dân tộc sống trong nước Việt Nam.
Theo một số tài liệu nghiên cứu thì tiếng Việt thời thượng cổ là thứ tiếng chưa có thanh điệu. Hệ thống phụ âm đầu trong tiếng Việt có những phụ âm đơn và phụ âm kép như bl, tl, pr, pl ... Các âm cuối bị mất dần một số trong quá trình phát triển (như âm cuối l mất đi, âm cuối r chuyển thành i), nói riêng âm h mất đi và xuất hiện dấu ngã trong tiếng Việt.
Hệ thống thanh điệu đã xuất hiện dần. Vào đầu công nguyên, tiếng Việt chưa có thanh điệu, đến thế kỷ VI xuất hiện ba thanh và đến thế kỷ XII mới có đủ sáu thanh như hiện nay. Sự biến đổi của âm đầu và cuối là nguyên nhân làm xuất hiện hệ thống thanh điệu trong tiếng Việt. Sự biến đổi trong hệ thống các âm đầu diễn ra tương đối rõ hơn trong hệ thống nguyên âm: âm vô thanh chuyển thành hữu thanh (
p b, t d và
k g). Các phụ âm kép
kl, tl, bl, khl ... mất dần, làm xuất hiện các âm uốn lưỡi
tr và
s (
tlăm trăm (thế kỷ 17);
blăng trăng (thế kỷ 18),
khlông (thế kỷ 15)
sông (thế kỷ 17), nhóm
ml chuyển thành
l hoặc
nh (
nlầm lầm, nhầm ; mlẽ lẽ, nhẽ)
Kho từ vựng tiếng Việt phong phú với những từ cơ bản có nguồn gốc Nam Á và Tày Thái cổ. Kho từ vựng trong quá trình phát triển còn tiếp nhận và thuần hoá cả về ngữ âm lẫn ý nghĩa một bộ phận khá nhiều từ gốc Hán (như đũa, đục, muôn, mũi, móc, mùa...).
Hệ thống ngữ pháp tỏ ra bền vững với những phương thức hư từ và trật tự từ, trật tự cú pháp, trật tự tổ hợp từ và khong biến hình từ (amorphous), giữ đặc điểm riêng của tiếng Việt.
Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính (monosyllablism) và có thanh điệu.
2. Chữ Việt
Các tài liệu lịch sử hiện còn (Đại Việt sử lược, An nam chí nguyên, Việt sử thông giám tổng luận) đều có chép thời Hùng Vương "chính sự dùng lối kết nút." Tuy nhiên chưa có tài liệu nào cho biết rõ hơn về việc khi nào có chữ viết được bắt đầu dùng ở Việt Nam. Việc sử dụng chữ Hán cùng với văn hoá Trung Hoa lan xuống phía Nam là đi kèm với việc chinh phục và thôn tính đất đai của các triều đại phong kiến phương Bắc, song đến thời kỳ độc lập từ thế kỷ X, người Việt đã chủ động sử dụng chữ Hán cho nền văn hoá của mình.
Chữ Hán là loại chữ biểu ý. Mỗi chữ là một loạt ký hiệu biểu diễn trong ô vuông để biểu hiện cho một sự vật, sự kiện hay một ý niệm. Tuy mỗi chữ vẫn có tương ứng với một phát âm nào đó nhưng nói chung không có cách ghi biểu thị cho hệ thống cấu tạo ra từ dựa trên các thành tố ghi âm đơn giản. Chữ Hán truyền vào Việt Nam trong thời kỳ Trung quốc chiếm đóng và đô hộ Việt Nam trong ngót 1000 năm. Đất Giao Chỉ bị nhà Hán cai trị từ năm 111 trước công nguyên. Chữ Hán được sử dụng chủ yếu trong công việc hành chính, giáo dục. Lịch sử còn ghi lại Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp (187-226) là người đã đứng ra mở mang việc học hành, thúc đẩy sử dụng chữ Hán trong giáo dục. Không có mấy các tác phẩm văn học, lịch sử của thời kỳ này còn lại cho tới nay, do việc trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước và điều kiện lưu giữ không thuận tiện.
Đặc điểm lớn nhất trong sự tồn tại chữ Hán ở Việt Nam là chữ Hán dần dần bị đồng hoá và bị hấp thu vào trong văn hoá của Việt Nam. Nhiều tinh hoa văn hoá chữ Hán đã được dân tộc Việt Nam hấp thu. Nhiều tác phẩm văn học và văn hoá của Việt Nam đã được viết bằng chữ Hán... Qua nhiều triều đại, chữ Hán đã được dùng như chữ viết chính thức trong bộ máy hành chính của các nhà nước phong kiến Việt Nam.
a. Chữ Nôm
Chưa có sự thống nhất trong giới nghiên cứu về việc chữ Nôm được hình thành từ bao giờ và như thế nào, do việc không còn tài liệu lịch sử chính xác về vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng chữ Nôm hình thành từ thời Sĩ Nhiếp. Một số ý kiến khác cho rằng chữ Nôm xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 8, thứ 9. Sau đó được hình thành và hoàn chỉnh vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 12, trong điều kiện Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập không phụ thuộc vào Trung Hoa nữa.
Chữ Nôm được xây dựng trên cơ sở chữ vuông Hán, cách đọc dựa theo âm Hán-Việt. Chữ Hán chủ yếu là chữ biểu ý, nhưng khi xây dựng chữ Nôm thì yếu tố ngữ âm đã gia tăng thêm nhiều. Muốn đọc hiểu chữ Nôm, không thể thiếu thông tin ngữ cảnh và sự suy đoán logic của người đọc để chọn ra ý nghĩa đúng đắn nhất, do không có tương ứng một đối một giữa từng chữ Nôm với âm hay ý mà nó biểu diễn. Đây là một hệ quả sẽ phải tính tới khi thiết lập quan hệ tương ứng giữa chữ Quốc ngữ, vốn hoàn toàn biểu thị theo ngữ âm, và chữ Nôm, để có thể có các bộ chuyển tự, và trong nhiều trường hợp phải coi đó là bộ trợ giúp chuyển tự thông minh (vì cần chọn nghĩa sát hợp) giữa hai loại chữ viết này cho cùng một ngôn ngữ. Như vậy một đặc thù rất đáng để ý của chữ Nôm là ở chỗ kết hợp cả yếu tố biểu ý và biểu âm.
Chữ Nôm là một tập hợp các ký hiệu hình diễn tả cho các từ tiếng Việt, biểu diễn dựa trên cơ sở cách viết chữ Hán và các bộ trong chữ Hán có cải biên. Chữ bao giờ cũng đi kèm với nghĩa, đó là đặc trưng chung của chữ biểu ý và vẫn được gìn giữ trong chữ Nôm. Cho nên dù yếu tố biểu âm có len vào để diễn tả cho tiếng Việt, thì yếu tố biểu ý vẫn còn rất đậm. Về mặt cấu trúc thì chữ Nôm hoàn toàn khác với chữ ghi âm, mỗi tiếng được biểu hiện bằng một ký hiệu riêng - một chữ vuông - cho nên phải tạo ra rất nhiều ký hiệu mới dùng được. Cũng do đó, công việc tạo ra đủ các chữ Nôm để diễn đạt tư tưởng người Việt đã phải trải qua nhiều thời gian mới đi đến chỗ hoàn chỉnh.
Như vậy về mặt hình chữ thì gần như tất cả các chữ Nôm đều có nguồn gốc từ một nguồn chữ Hán nào đó. Tuy nhiên về mặt ngữ nghĩa và việc sử dụng thì có nhiều chữ Nôm không có thành phần tương đương với chữ Hán, có nghĩa là không tồn tại trong chữ Hán. Các chữ Nôm cấu tạo bằng cách vay mượn nguyên chữ Hán được gọi là phép giả tá. Một cách cấu tạo nữa cũng được gọi là giả tá là dùng chữ Hán, thêm dấu cá hoặc dấu nháy và đọc chệch đi cho đúng tiếng Việt. Chữ Nôm được cấu tạo bằng một yếu tố nghĩa và một yếu tố âm được gọi là phép hình thanh. Chữ Nôm được cấu tạo bằng hai thành phần chỉ nghĩa được gọi là phép hội ý.
Một điều dễ thấy là chữ Nôm chưa bao giờ được chính quyền tiến hành các công tác chuẩn hoá và thống nhất. Do đó phát sinh việc có nhiều cách viết chữ Nôm không thống nhất, một ý được biểu diễn bằng nhiều cách viết chữ khác nhau. Đến thời vua Quang Trung thì chữ Nôm rất thịnh hành trong công việc hành chính, đơn từ kiện cáo và các sắc phong, chỉ dụ của vua quan đôi khi cũng dùng chữ Nôm. Đến thời Minh Mệnh nhà Nguyễn (1820-1840) chính quyền phong kiến bỏ chữ Nôm dùng trong hành chính mà lại quay về dùng chữ Hán, nhưng phải dùng đúng theo chuẩn từ điển Khang Hy. Chữ Nôm từ đó chỉ còn lại trong dân gian.
b. Chữ Quốc Ngữ
Chữ Quốc ngữ hình thành và xuất hiện đi kèm với tiến trình người Châu Âu sang Việt Nam để truyền đạo và sau đó là sự xâm lược của Pháp. Từ giữa thế kỷ thứ 16, nhất là vào cuối thế kỷ, nhiều giáo sĩ người Châu Âu sang truyền đạo ở Việt Nam. Để tiến hành công việc giảng đạo, dịch và in các sách đạo, họ đã học tiếng Việt và tìm cách ghi âm cách nói tiếng Việt bằng chữ cái la tinh. Ban đầu việc ghi âm hoàn toàn tuỳ theo mỗi giáo sĩ, về sau họ mới xây dựng nên lối chữ viết ít nhiều thống nhất. Do vậy chữ Quốc ngữ trong thời kỳ ra đời đầu tiên, là một tác phẩm tập thể của nhiều người Châu Âu và người Việt Nam giúp sức, đưa tư tưởng ghi âm như các chữ của Châu Âu vào ngôn ngữ Việt. Trong gần 3 thế kỷ hình thành, chữ Quốc ngữ chủ yếu chỉ được dùng trong giới công giáo.
Có thể thấy rõ ba giai đoạn chính trong quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ: giai đoạn hình thành ban đầu, do một số người gần như các chuyên gia bên ngoài vào quan sát, lắng nghe tiếng Việt, rồi vận dụng tri thức ghi âm Châu Âu để tạo ra cách ghi âm tiếng Việt, với sự cộng tác của một số người Việt vô danh. Giai đoạn này chủ yếu thực hiện trong giới công giáo. Giai đoạn thứ hai (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20) là giai đoạn truyền bá, chữ Quốc ngữ len lỏi vào tầng lớp trí thức Việt nam, với sự tiếp thu nhanh chóng của giới trí thức và sự động viên của chính quyền thực dân hồi đó. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn đông đảo người Việt Nam tiến tới đón nhận chữ Quốc ngữ và sử dụng phổ cập nó như thứ chữ của chính mình, kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.
So với chữ Hán, chữ Nôm, thì chữ Quốc ngữ dễ học, dễ phổ cập văn hoá và nâng cao tri thức khoa học, kĩ thuật cho quảng đại quần chúng. Về bản chất, chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm, cơ bản theo nguyên tắc ngữ âm học. Nó sử dụng một số ký hiệu nhất định mượn của hệ thống chữ cái la tinh, có bổ sung thêm các dấu nguyên âm và dấu thanh. Một số đặc điểm riêng trong cách ghi tiếng Việt dẫn tới một số khó khăn nhất thời trong quá trình đưa chữ Quốc ngữ vào máy tính, song về cơ bản đều đã được khắc phục.
3. Vai trò của chữ Nôm trong quá khứ
Chữ Nôm ra đời đã tạo điều kiện cho nền văn hoá thành văn của dân tộc và tiếng Việt văn học hình thành và phát triển. Chữ Nôm hình thành và phát triển trong quá khứ thực sự đã trở thành công cụ không thể thiếu được cho nhiều thế hệ người Việt Nam diễn đạt tư tưởng và trí tuệ cũng như tình cảm trong nhiều tác phẩm thành văn của các thời đại trước.
Có thể thấy ngay vai trò thứ nhất của chữ Nôm là dùng làm phương tiện cơ bản trong các sáng tác văn học. Mặc dầu dòng văn học trong chữ Hán vẫn tồn tại trong nhiều triều đại, xu hướng dùng chữ Nôm trong các tác phẩm văn học vẫn không ngừng tăng lên. Những áng thơ Nôm đầu tiên có thể đã xuất hiện từ đời Trần, thế kỷ 14. Tập thơ chữ Nôm đầu tiên là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, thế kỷ 15. Tiếp sau đó là hàng loạt các tác phẩm diễn ca lịch sử như Thiên Nam ngữ lục (thế kỷ 16), Việt sử diễn âm (thế kỷ 17) v.v.. Các tác phẩm truyện thơ và ngâm khúc liên tiếp xuất hiện trong các thế kỷ 17 cho tới tận đầu thế kỷ 20. Đỉnh cao văn học là Truyện Kiều nổi tiếng của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm đều đã được viết bằng chữ Nôm. Các tác phẩm Nôm như Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Sơ kýnh tân trang của Phạm Thái, Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến... vẫn còn được rất nhiều người ưa chuộng cho tới ngày nay.
Một vai trò thứ hai rất rõ của chữ Nôm là được dùng để ghi chép văn hoá dân gian. Với chữ Nôm, kho tàng văn hoá truyền miệng của Việt Nam có được công cụ hữu hiệu để ghi lại thành văn bản và khắc ván lưu truyền ca dao, tục ngữ, thành ngữ và nhiều kịch bản chèo, tuồng, các sách thuốc, sách y đã được viết bằng chữ Nôm. Trong dân gian, chữ Nôm còn được dùng xen lẫn với chữ Hán để ghi lại sinh hoạt xã hội, gia phả, lịch sử, địa chí, bản đồ, đo đạc đất đai, ghi lại số người sống ở các làng xã, ghi lại địa chất, thổ nhưỡng, thuế khoá, thiên tai, v.v. là những việc xảy ra hàng ngày. Điều này cũng tựa như trống đồng được đúc với các cảnh sinh hoạt của thời xưa được tái tạo lại.
Chữ Nôm còn có vai trò thứ ba là phương tiện để chuyển dịch và phổ biến văn hoá Trung Hoa và các tôn giáo. Nhiều tác phẩm Hán văn đã được dịch sang chữ Nôm và phổ biến trong dân chúng. Chữ Nôm lên đến đỉnh cao sử dụng khi nó được chính quyền của vua Quang Trung dùng làm văn tự trao đổi chính thức trong công việc hành chính. (Nhưng sau đỉnh cao này thì chữ Nôm lại trở về với nơi nó được gìn giữ nhiều nhất là trong dân gian).
Có thể nói chữ Nôm đóng góp phần rất lớn trong những bước đầu phổ cập của các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Các kinh sách truyện đạo Nho, đạo Phật, Kitô giáo đều đã được biên soạn và viết trong chữ Nôm để phổ biến trong dân chúng. Toà thánh Vatican hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều văn bản chữ Nôm là bản dịch của Kinh thánh. Các kinh sách đạo Phật cho đến hiện nay vẫn được in trong chữ Hán và chữ Nôm và các nhà sư đều phải học chữ Nôm để đọc những kinh sách này. Tư tưởng của Đạo Lão, Đạo Khổng cũng qua con đường chữ Nôm mà thâm nhập vào các tầng lớp dân chúng.
Chữ Nôm như vậy là loại chữ chủ yếu được các tầng lớp nhà nho bình dân và nhân dân gìn giữ và sử dụng có hiệu quả qua nhiều triều đại mặc dầu chỉ đôi khi nó mới được nhà nước chấp nhận là chữ chính thức. Đặc điểm đó vẫn còn cho tới ngày nay, khi chữ Nôm vẫn còn tồn tại trong một số sinh hoạt xã hội không chính thức, song không phải là ít quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần hiện nay..
4. Hiện trạng chữ Nôm và cách tiếp cận mới
Chữ Nôm đã đi cùng với dân tộc Việt Nam trong nhiều thế kỷ, kể từ ngày giành được độc lập từ sự lệ thuộc phương Bắc. Sau khi đạt tới sự phát triển mạnh mẽ nhất vào thế kỷ 18 và 19, thì người ta chứng kiến sự đi xuống của chữ Nôm trong việc sử dụng. Bắt đầu từ việc chữ Nôm không được phép sử dụng trong các công việc hành chính như chữ Hán, rồi việc bành trướng mạnh mẽ của chữ Quốc ngữ đã đẩy vị trí chữ Nôm sang bên lề, trở thành thứ chữ của lịch sử. Tuy nhiên sức sống của chữ Nôm không phải đã tắt hẳn.
Chữ Nôm vẫn còn được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo ở trong các đình chùa, mặc dầu những người viết và đọc chúng có thể không hoàn toàn hiểu hết tất cả chữ Nôm. Các lá sớ cầu vẫn được viết bằng chữ Nôm và giới tăng lữ, tu sĩ vẫn thường xuyên gửi người tới các Viện nghiên cứu, các trường đại học để học chữ Nôm. Có thể nói ngày nay, số người biết chữ Nôm nhiều hơn cả là trong Phật giáo. Như vậy trong thực tế, bên ngoài giới nghiên cứu và giới Phật học thì hầu như mọi người dân thường không còn biết tới chữ Nôm nữa. Chừng nào mà việc sử dụng chữ Nôm còn chưa có cơ hội phổ cập cho nhiều người dân dùng thì chừng đó nó còn có thể tiếp tục mai một đi.
Tuy nhiên sự ngưỡng mộ và lòng mong muốn sử dụng chữ Nôm ở từng con người Việt Nam không phải là đã tắt. Trong nhiều gia đình Việt nam vẫn còn lưu truyền các cuốn gia phả của dòng họ do nhiều thế hệ trước để lại. Chúng được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm để ghi lại tên tuổi, thế thứ, công trạng của những người trong dòng họ. Đây là tài liệu lưu trữ quí giá của các gia đình, dòng họ. Mối quan tâm tới chữ Nôm thể hiện nhiều ở những người lớn tuổi, những người có thời gian tìm hiểu, suy ngẫm về cuộc đời, dòng họ, dân tộc. Và còn có những khát khao lớn của các thế hệ mới để có thể hiểu được phần lịch sử gần gũi của ông cha để lại. Với tình trạng hiện tại, hầu như các thế hệ mới không thể nào có cách kế thừa và hiểu nổi chữ Nôm của lịch sử, cho dù chúng vẫn hiện hữu trong từng gia đình.
Tất cả các áng văn thơ, các tác phẩm kiệt xuất trong lịch sử thư tịch Việt Nam còn lưu giữ lại cũng là trong chữ Hán Nôm. Các tác phẩm này đều đã có niên đại hàng mấy trăm năm và một số tài liệu đang trong quá trình bị thời gian huỷ hoại, mặc dầu đã được bảo quản cẩn thận. Quá trình huỷ hoại này là không thể nào tránh khỏi nếu không có các biện pháp tái tạo, in mới và chuyển nội dung sang các phương tiện lưu trữ mới. Khả năng bị mất đi những vốn văn hoá cổ bao giờ cũng hiện hữu, dù có cố gắng bảo quản đến đâu, vấn đề huỷ hoại cũng vẫn chỉ là vấn đề thời gian. Một số tác phẩm nổi tiếng trong chữ Nôm đã được phiên chú ra chữ Quốc ngữ và in rộng rãi, nhưng còn rất nhiều tác phẩm vẫn còn chưa được phiên chú. Vẫn có nhu cầu xuất bản song song các tác phẩm bằng cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.
Riêng với kho tàng ấn phẩm chữ Nôm hiện được lưu lại, Nhà nước hàng năm vẫn chi ra nhiều tiền của cho công tác lưu giữ, bảo tồn chúng. Kho sách và thư tịch cổ đặt tại Viện Hán Nôm là một cố gắng của Nhà nước để tập trung tất cả các nguồn tư liệu vào một nơi bảo quản. Việc làm này là cần thiết nhưng mang tính phòng ngự và không triệt để. Mặt hạn chế của việc này là không mở rộng và khuyến khích nhiều người dùng chữ Nôm, một hình thức lưu giữ sống. Một trong những vấn đề rất lớn được đặt ra cho chữ Nôm là nếu không có biện pháp nào để khôi phục sức sống của nó trong lòng các gia đình, con người Việt Nam thì chữ Nôm sẽ thực sự trở thành một thứ chữ chết. Nhưng người Việt Nam vẫn tự hào về truyền thống chữ Nôm của mình và không muốn bị mất đi vốn di sản này. Việc lưu giữ các tác phẩm chữ Nôm tại một nơi tập trung không cho phép mở rộng số lượng người thâm nhập đến kho tàng văn hoá này. Tuy nhiên, nếu không có những hình thức mới để phổ cập chữ Nôm thì khó mà khôi phục được việc sử dụng nó trong nghiên cứu và trong đời sống xã hội.
Trên phương diện quốc gia, Nhà nước đã thành lập Viện Hán Nôm, nơi tập trung các chuyên gia về chữ Nôm để tiến hành các nghiên cứu và gìn giữ về chữ Nôm. Viện Hán Nôm chịu trách nhiệm quản lí một kho sách lớn gồm các văn tự cổ về chữ Hán và chữ Nôm, được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả bản sao dập các văn bia đá cổ trong cả nước. Viện có một đội ngũ nghiên cứu viên khoảng 60 người về các vấn đề Hán Nôm và xuất bản hàng tháng tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm. Việc giảng dậy về chữ Nôm cũng được tiến hành ở các Đại học quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên số người biết chữ Nôm quả thực là rất ít ỏi so với một dân số trên 75 triệu người hiện nay.
Vấn đề rất lớn được đặt ra đối với chữ Nôm của Việt Nam là làm sao bảo tồn và phát huy được vốn văn hoá - tinh thần mà nhiều thế hệ người Việt đã đúc kết, ghi lại trong các tác phẩm chữ Nôm. Việc bảo tồn có thể chỉ nhìn vào khía cạnh gìn giữ những gì của quá khứ còn để lại, càng lâu càng tốt. Theo hướng này nhiều kho tàng, hệ thống bảo quản có thể được thành lập và tập trung phần lớn các tác phẩm liên quan tới chữ Nôm, tới quá khứ để gìn giữ. Điều kiện gìn giữ có thể tốt hơn nhưng điều kiện phổ cập cho mọi người dùng lại khó khăn hơn và không tránh được sự suy hỏng với thời gian. Có thể phát triển những hình thức bảo quản khác như xây dựng các bản sao dưới dạng điện tử cho các tác phẩm cổ, như làm microfilm, quét scanner vào máy tính, làm CD-ROM... rồi lưu trữ tại một chỗ. Những cách này có thể tạo bản sao tốt cho việc lưu trữ nhưng vẫn chưa thật tiện cho sử dụng. Chẳng hạn để tìm kiếm các tài liệu cổ cần có các bảng chỉ báo, mục lục trong chữ Hán Nôm; để tìm kiếm tài liệu, các trích dẫn văn bản cần rút ra được các trích đoạn nguyên gốc chữ Hán Nôm. Tất cả những điều này sẽ không giải quyết nổi nếu chỉ có các bản sao, dù dưới dạng điện tử.
Do đó để bảo tồn và phát huy được vốn văn hoá tinh thần phong phú trong các di sản ghi lại trong chữ Nôm, chúng ta có thể theo một cách tiếp cận khác, tích cực hơn và toàn diện hơn. Đấy là việc làm sao cho chữ Nôm trở thành có sẵn cho mọi người Việt có thể dùng được, chữ Nôm đi vào việc sử dụng thường xuyên của nhiều người. Điều này từ xưa đến nay gặp khó khăn bởi lẽ việc học chữ Nôm không phải là dễ, và số người biết chữ Nôm ngày càng ít. Chữ Quốc ngữ hiển nhiên là phương tiện không gì thay thế nổi trong giao dịch hàng ngày. Chắc chắn chữ Nôm không thể nào còn ở vị trí thứ chữ chính của ngôn ngữ dân tộc như đã từng biết đến trong lịch sử. Tuy nhiên, khi mà cuộc sống vật chất đã không ngừng được cải thiện thì nhu cầu văn hoá cũng sẽ ngày càng cao hơn. Và một nhu cầu văn hoá dân tộc sẽ không thể thiếu được với mọi người Việt là tìm hiểu về quá khứ ngọn nguồn của mình, tìm hiểu về cha ông mình thông qua những di sản văn hoá cổ còn lại, mà cụ thể là văn hoá chữ Nôm.
Rất may là công nghệ thông tin, ra đời trong vài chục năm qua, đang trở thành công cụ đắc lực giúp cho việc lưu trữ và phổ biến tri thức trên toàn thế giới , đang nổi lên thành một công cụ đầy hứa hẹn cho việc khôi phục việc sử dụng chữ Nôm trong các gia đình và mọi người Việt Nam. Một cách tiếp cận đúng đắn tới chữ Nôm, tận dụng được những thành tựu mới của kĩ thuật hiện đại, sẽ vừa có tác dụng giúp cho việc lưu trữ các di sản chữ Nôm tốt hơn, vừa có tác dụng khuyến khích việc dùng chữ Nôm phổ biến hơn, là một vấn đề cần có những suy nghĩ và triển khai thích đáng.
5. Công nghệ thông tin với chữ Nôm
5.1. Mục đích và mục tiêu
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng với việc hình thành các kho tri thức, thông tin điện tử trên mạng Internet là một hình mẫu lí tưởng để có thể thúc đẩy sự trở lại của chữ Nôm trong lòng người Việt Nam và trong các hoạt động xã hội. Với việc các xã hội tiến tới xã hội thông tin, với việc phổ cập máy tính trong xã hội, một điều kiện thuận lợi mới có thể mở ra cho chữ Nôm nếu các máy tính có khả năng chuyển tải chữ Nôm và nếu có những phần mềm thích hợp cho phép khai thác thông tin và tri thức trong chữ Nôm. Do đó có thể nói một cơ hội mới cho việc tái phổ biến chữ Nôm trong chừng mực nào đó đã hình thành. Vấn đề là, những người đi đầu phải tiến hành công tác dọn đường và chuẩn bị phương tiện thuận lợi cho mọi người sử dụng.
Mục đích cơ bản của việc tiến hành công tác tin học hoá chữ Nôm như vậy là nhằm vào khả năng phục hồi phần nào việc sử dụng chữ Nôm như là một phương tiện thể hiện và chuyển tải văn hoá - thông tin từ quá khứ đến hiện tại và tương lai trong đời sống văn hoá xã hội Việt Nam. Công việc này không thể tiến hành được nếu chỉ theo cách cổ điển, truyền thống, mà không nhờ tới khả năng hiện đại của công nghệ thông tin, trong đó cho phép thể hiện mọi loại hình chữ viết và cho phép việc dùng chung tri thức trên quy mô toàn cầu. Từ một kho thông tin tri thức được tích luỹ và tổ chức lại trên mạng thông tin điện tử, người dân Việt Nam với một trình độ học vấn nhất định, có thể thâm nhập vào đó để sử dụng, dùng chung.
Mục đích trước mắt của công tác tin học hoá chữ Nôm là để có thể chuyển các kho tàng tư liệu văn hoá- lịch sử của dân tộc Việt Nam trong dạng chữ Nôm, dù hiện được lưu trữ ở đâu trên thế giới, vào các kho thông tin điện tử, các Web site trong nước cũng như trên thế giới. Chỉ có hình thức lưu trữ nhân bản dạng điện tử này thì mới đảm bảo cho sự gìn giữ lâu dài văn bản và văn hoá chữ Nôm.
Để thực hiện được mục đích lớn lao này, chúng ta có nhiều mục tiêu cần đạt tới dần từng bước.
Mục tiêu thứ nhất là phải tiến hành mã hoá chữ Nôm vào trong bộ mã quốc tế chung, từ đó tạo điều kiện để các nhà sản xuất khi làm ra công cụ xử lí thông tin thì cũng xử lí luôn được cho chữ Nôm.
Mục tiêu thứ hai là xác định rõ các quy cách vào và ra thông tin chữ Nôm để định hướng cho việc triển khai các sản phẩm phần mềm xử lí chữ Nôm. Tiếp sau khi đã có mã, cần phải tiến hành quá trình chuẩn hoá hình chữ Nôm và tạo dựng bộ phông chữ Nôm thể hiện trên các máy tính. Đồng thời phải xác định ra cách gõ đưa thông tin chữ Nôm vào máy tính phù hợp với thói quen sử dụng của người Việt.
Mục tiêu thứ ba sau khi thực hiện xong hai mục tiêu trên là xây dựng cơ sở dữ liệu lưu giữ tất cả các văn bản, tác phẩm hiện có trong kho lưu trữ về chữ Nôm. Đồng thời với điều này là việc tổ chức và duy trì các trang Web giới thiệu về các kho lưu trữ này, tổ chức các thư viện điện tử (hay thư viện số). Có hai hình thức lưu trữ thông tin cần thực hiện. Hình thức thứ nhất là lưu trữ hình ảnh của từng trang, từng bộ văn bản cổ, để thấy được nguyên dạng của chúng. Hình thức thứ hai là lưu trữ theo đơn vị ký tự chữ Nôm, để thuận tiện cho công tác tìm kiếm, tham khảo, nghiên cứu và phát triển về sau.
Mục tiêu thứ tư, bên cạnh việc tiến hành các mục tiêu trên là phải xây dựng và hình thành một đội ngũ chuyên viên mới về chữ Nôm và tin học để duy trì hệ thống chữ Nôm dạng điện tử và thực hiện việc đưa vào máy tính tất cả các tư liệu, tài liệu có liên quan tới chữ Nôm.
Mục tiêu thứ năm (gắn liền với giáo dục, đào tạo và phổ cập máy tính) là dần hình thành một xu hướng nhiều người dân có thể thâm nhập và sử dụng kho tư liệu chữ Nôm trên máy tính khi tham khảo các tư liệu cổ và qua đó chữ Nôm trở thành gần gũi với cuộc sống hàng ngày của mọi người hơn.
5.2. Những cố gắng bước đầu: mã hoá chữ Nôm
Unicode và ISO (International Organization for Standardization) đang cùng nhau xây dựng bộ mã vạn năng cho mọi hệ chữ viết của các dân tộc, kể cả các hệ chữ viết hiện tại không dùng nhưng đã có trong lịch sử. Bộ mã ISO 10646 và Unicode (một phần trùng với ISO 10646) sẽ là cơ sở cho mọi máy tính, thiết bị xử lí thông tin. Nhiều công ti CNTT quốc tế lớn đã và đang xây dựng các phần mềm chạy với bộ mã Unicode và xu hướng toàn thế giới chuyển sang bộ mã này là tất yếu trong thời gian sắp tới.
ISO và Unicode chấp nhận cấp thêm mã cho các loại chữ viết vốn có ý nghĩa lớn và được dùng nhiều trong lịch sử cũng như các chữ viết của các dân tộc trước đây chưa được đăng ký. Do vậy đây là thời cơ thuận lợi để chúng ta có thể đưa chữ Nôm vào bảng mã chuẩn quốc tế, bên cạnh bộ mã chữ Việt phổ thông hiện có. Nếu hệ chữ viết nào không được mã hóa vào bộ mã này thì sẽ rất khó khăn cho việc dùng máy tính xử lí nó.
Bên ngoài nước, nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề và sự gấp rút của thời hạn tham gia xây dựng chuẩn quốc tế, nhóm chuyên gia Ngô Thanh Nhàn, Đỗ Bá Phước, Nguyễn Hoàng, được uỷ nhiệm đại diện cho Việt Nam, đã tích cực nêu vấn đề đưa chữ Nôm vào bộ mã thế giới cho các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế. Trong kỳ họp lần thứ 5 của Nhóm nghiên cứu liên hợp Trung Nhật Hàn (China/Japan/Korea Joint Research Group - gọi tắt là CJK-JRG) tổ chức tại Honolulu, Hawai, Mĩ năm 1992, Việt Nam lần đầu tiên đã có đại diện chính thức tham dự kỳ họp này và đã đưa ra yêu cầu: Đưa chữ Nôm vào kho chữ chung của các chữ biểu ý. Thống nhất các chữ Nôm vốn trùng với chữ Hán và đề nghị bổ sung thêm 1772 chữ Nôm thuần Việt không trùng chữ Hán vào bảng mã này.
Nỗ lực này đã được sự tiếp nối tham gia của Ban kĩ thuật công nghệ thông tin TCVN/JTC1 của Việt Nam và tiếp sau đó là Viện Hán Nôm (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn). Chuyên gia trong nước và ngoài nước đã được đều đặn cử tới tham dự các cuộc họp của Nhóm báo cáo viên chữ biểu ý (Ideographic Rapporteur Group - IRG) để trực tiếp yêu cầu đưa chữ Nôm vào kho chữ chung và thực hiện các nhiệm vụ có tính kĩ thuật. Qua các cuộc họp nhóm công tác quốc tế, Việt Nam đã yêu cầu và được chấp thuận có một cột V dành cho chữ Nôm, với khoảng gần 4500 chữ đã được thống nhất với các chữ biểu ý trong khu vực và được cấp mã trong mặt phẳng 1 của ISO 10646 và trong Unicode.
Các triển khai về chữ Nôm và tin học đã được tiến hành tập trung tại Viện Hán Nôm. Nguyễn Quang Hồng cùng các cộng tác viên, đã tập hợp được hơn 9 000 chữ Nôm dựa trên các tự điển chữ Nôm hiện có và các tài liệu nguyên gốc nhằm cung cấp danh sách chữ cho việc mã hoá. Nhóm chuyên viên tin học thuộc Viện Hán Nôm đã tích cực tham gia việc vẽ phông cho các chữ Nôm. Các chuyên gia mã hoá chữ Nôm trong và ngoài nước đã hoàn thành hai dự thảo về tiêu chuẩn Việt nam cho chữ Nôm, đã được Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng xét duyệt và ban hành thành tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5773:1993 và TCVN 6056:1995.
Viện Hán Nôm, cùng với sự hỗ trợ của Tiểu ban chuẩn thuộc Chương trình quốc gia về CNTT, đã đứng ra chịu trách nhiệm chính trong việc huy động chuyên gia và tiềm lực trong nước để theo đuổi việc đưa chữ Nôm vào bảng mã quốc tế. Hơn 4 200 chữ Nôm thuần Việt (kể cả 1 772 chữ Nôm thuần Việt đã đề nghị từ đầu) đã được đăng ký đưa vào kho chữ biểu ý Đông Á và sẽ được dự kiến mã hoá trong mặt phẳng 2 của ISO 10646.
Như vậy về cơ bản các chữ Nôm thuần Việt đã được khai thác gần hết để đưa vào kho chữ biểu ý IRG. Không thể nói là đã có toàn bộ các chữ Nôm, nhưng với số lượng trên 25 000 chữ Hán đã có trong Unicode, bổ sung thêm khoảng 4 200 chữ thuần Nôm nữa, có thể dùng trong vùng và dùng riêng, thì có thể nói là tạm đủ để biểu diễn cho các chữ Nôm trên máy tính. Như vậy khâu mã hoá chữ Nôm có thể xem như bước đầu được giải quyết.
Đi kèm với quá trình mã hoá và triển khai các hệ thống xử lí chữ Nôm, thì điều cần phải nhấn mạnh là tiến trình chuẩn hoá chữ Nôm cũng thực tế được tiến hành. Các chuẩn quốc gia đã ban hành là nỗ lực chuẩn hoá bước đầu cho một số mã chữ Nôm. Nhưng chính các sản phẩm phần mềm một khi được sử dụng thì sẽ góp phần làm "chuẩn hoá" cho chính chữ Nôm, cả về hình chữ lẫn mã hoá, chữ viết và các qui tắc tương ứng với âm đọc. Như vậy có thể nói là chữ Nôm lần đầu tiên có được cơ hội hệ thống hoá và "chuẩn hoá" trong lịch sử tồn tại và phát triển của nó.
Vấn đề còn lại là triển khai các công cụ phần mềm cần thiết để người dùng có thể sử dụng được khả năng đa ngữ trên cùng một hệ thống máy tính.
5.3. Các vấn đề cần triển khai tiếp theo
Với sự phát triển của các phần mềm mới, có khả năng xử lí đa ngôn ngữ trên máy tính, khả năng máy tính xử lí cho chữ Nôm đồng hiện với chữ Quốc ngữ và các thứ chữ khác là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, một số vấn đề cần có các hoạt động nghiên cứu triển khai cụ thể thì mới thúc đẩy công việc này trở thành hiện thực.
Các chữ Nôm xin đăng ký vào bộ mã chuẩn quốc tế của chúng ta hiện nay mới chỉ có các font chữ bitmap 96x96. Để đưa vào các hệ thống máy tính, cần có việc xây dựng và hoàn chỉnh, làm font đẹp hơn và chuyển sang các dạng PostScript, TrueType, TrueType Open.
Một điểm kĩ thuật cần xử lí là các chữ Nôm thuần Việt hiện bị xếp vào mặt phẳng 2, có nghĩa là hiện chúng chưa có mặt trong bộ mã Unicode. Để dùng được chữ Nôm với bộ mã Unicode, cần thiết phải đưa các chữ Nôm thuần Việt này vào vùng mã dùng riêng (Private Use Area) của Unicode. Do đó cần có phần mềm phụ thực hiện việc này khi các hệ điều hành chính không hỗ trợ cho khả năng này.
Khi các vấn đề về phông chữ và việc bố trí đưa chữ vào không gian mã Unicode đã được giải quyết thì tới vấn đề cần xây dựng cách đưa thông tin chữ Nôm vào từ bàn phím. Bối cảnh xem xét vấn đề bàn phím đưa vào cho chữ Nôm là đại đa số người Việt, quen thuộc với bàn phím chữ Việt hoặc bàn phím tiếng Anh thông thường, quen thuộc cách diễn đạt tiếng Việt, nay muốn đưa vào thông tin chữ Nôm. Do chữ Nôm và chữ Quốc ngữ thực chất đều dùng để diễn tả các từ tiếng Việt, cho nên theo thói quen thông thường là người dùng muốn sử dụng chữ Quốc ngữ để tra tìm chữ Nôm. Và qua quá trình này, người dùng cũng làm quen dần với chữ Nôm đã có thời bị lãng quên. Như vậy chữ Nôm sẽ được nhận dạng theo toàn thể hình chữ ứng với âm đọc, chứ không theo việc hình thành chữ từ cách viết tay, từ từng nét sổ.
Do đó cần phải phát triển các bảng tra tương ứng từ cách biểu diễn âm tiết tiếng Việt viết trong chữ Quốc ngữ sang các hình chữ Nôm và ngược lại, từ một hình chữ Nôm, cần có bảng tương ứng với tất cả các âm tiết viết trong chữ Quốc ngữ. Chỉ khi có hai bảng tra này thì việc đưa vào và sử dụng chữ Nôm mới có thể dễ dàng cho mọi người Việt. Khả năng đưa chữ Nôm vào theo bộ và số nét, theo cách viết chữ Nôm trở thành khó khăn và bất tiện cho người Việt, và do đó khó mở rộng được phạm vi người sử dụng.
Khi đã có đủ các công cụ đưa chữ vào, thể hiện đưa chữ ra trên màn hình, máy in, thì có thể xem xét tới các ứng dụng soạn thảo văn bản chữ Nôm. Điều này có thể trông đợi ở các chương trình xử lí văn bản đa ngữ đang được phát triển và đưa ra thị trường. Với khả năng tổng quát xử lí cho mọi ngôn ngữ, có thể xem xét thêm yêu cầu phụ về việc cho phép soạn thảo chữ Nôm với cách gõ thông tin và hình chữ Nôm như đã xác định ở trên. Điều này đòi hỏi hoặc các chuyên gia CNTT trong các công ti lớn tham gia hỗ trợ, hoặc một nhóm chuyên gia CNTT độc lập phát triển các phần mềm phụ để giúp cho chương trình soạn thảo văn bản tổng quát xử lí chữ Nôm.
Tiếp đó là việc thiết lập cơ sở dữ liệu các văn bản chữ Nôm. Có hai hình thức tạo cơ sở dữ liệu chữ Nôm là kho các hình ảnh thật của các văn bản chữ Nôm (kho ảnh các trang sách) và kho các văn bản chữ Nôm được gõ lại vào máy theo từng chữ Nôm. Hai hình thức này bổ sung lẫn cho nhau và không loại trừ nhau. Tất cả các văn bản cổ đều cần được ghi vào các thiết bị lưu trữ dung lượng lớn. Tổ chức một hệ cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về kho văn bản chữ Nôm này là việc rất xứng đáng và nên tiến hành. Tuy nhiên việc này cũng chỉ có thể làm được một khi đã có những công cụ xử lí đủ mạnh trên máy tính, đồng thời có một đội ngũ chuyên viên sử dụng thành thạo các công cụ đó.
Việc tổ chức lưu giữ hình ảnh của các văn bản chữ Nôm trong máy tính bằng việc dùng máy quét đưa tất cả các hình ảnh của văn bản cổ vào máy tính rồi sau đó có thể đọc lại các hình ảnh đó để sử dụng là một cách thức lưu trữ nhân bản cần thực hiện. Việc này đòi hỏi nhiều đầu tư kĩ thuật và tổ chức thông tin. Tuy nhiên cần phải có các hệ thống phần mềm khai thác, cho phép đưa vào từng chữ Nôm, soạn thảo văn bản từ từng chữ Nôm nếu muốn khai thác được kho lưu trữ này, vì đây là việc xử lí về ngữ nghĩa, không chỉ hình ảnh. Toàn bộ hệ thống lưu trữ hình ảnh sẽ không thể thâm nhập tới được nếu không có việc tra cứu qua các hệ thống mục lục, chỉ dẫn trong chữ Nôm. Các trích dẫn cũng không thể thực hiện được nếu chỉ có hình ảnh. Và khi cần có các ấn bản chữ Nôm đi kèm các thứ chữ khác thì phần lưu trữ hình ảnh văn bản cổ không đáp ứng được.
Việc triển khai xây dựng các trang Web cho phép khai thác thông tin chữ Nôm cũng rất quan trọng và cần thiết để khuyến khích nhiều người tích cực sử dụng chữ Nôm trên máy tính. Công việc này có thể tiến hành ngay mà không nhất thiết phải đợi xây dựng xong cơ sở dữ liệu các văn bản chữ Nôm. Trang Web về chữ Nôm sẽ là nơi tập trung thể hiện được tất cả những thành tựu tin học hoá cho chữ Nôm, một nơi mở rộng giao lưu về chữ Nôm trên toàn cầu. Vai trò và vị trí của nó trong việc động viên và thúc đẩy việc sử dụng chữ Nôm là rất lớn trong tương lai nên cần có sự quan tâm thích đáng. Tất cả các vấn đề tổ chức thông tin trong các văn bản có chữ Nôm này đều có thể được xem xét dưới dạng tổ chức các thư viện điện tử để cho nhiều người thâm nhập tới được.
Trong vấn đề triển khai thông tin trên Web và tổ chức các cơ sở dữ liệu, do những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đang diễn ra, cũng cần phải tính tới việc tạo ra văn bản dạng XML với chữ Nôm và Quốc ngữ trong Unicode, tuân thủ các chuẩn quốc tế và công nghiệp để có tiềm năng phổ biến rộng rãi cho nhiều người dùng và tránh bị lạc hậu về những cách tổ chức và trình bầy thông tin.
XML (eXtensible Markup Language) là một chuẩn mới nổi lên cho các văn bản có cấu trúc, để vượt qua giới hạn của HTML (HyperText Markup Language) nhưng vẫn cung cấp được sức mạnh của SGML (Standard Generalized Markup Language, ISO 8879) mà không phức tạp như SGML. Một văn bản có cấu trúc, có cả nội dung lẫn các đánh dấu, cung cấp một tiêu bản phong phú và linh hoạt cho việc xử lí cơ sở dữ liệu cũng như cho việc trình bầy thông tin.
Như đã thảo luận trước đây, việc xử lí cho chữ Việt - cả chữ Quốc ngữ lẫn chữ Nôm - đòi hỏi một chuẩn mã hoá với các phông hoàn toàn 16 bit. Các nhà cung cấp nội dung có dự định dựa trên hệ điều hành như Windows NT hay MacOS, sẽ hỗ trợ đầy đủ cho việc quốc tế hoá, bằng việc tôn trọng các chuẩn quốc tế như XML và Unicode, và các công nghệ như PostScript và TrueType. Nhà cung cấp nội dung có thể được lợi rất nhiều từ tuyển tập phong phú các công cụ đã có sẵn và phổ biến trên Internet, một số trong chúng có thể được may đo tuỳ theo nhu cầu đặc biệt của nhà cung cấp nội dung. Tuy nhiên không phải mọi người nhận tin tiềm năng đều có thể có được trong hệ máy tính của mình cùng các hệ điều hành và phông như của nhà cung cấp nội dung. Do đó, với thông tin được cung cấp cho người nhận, chẳng hạn qua trình duyệt Web, phải tiến hành chuyển đổi định dạng thích hợp cho họ. Tài liệu XML/Unicode cung cấp các khả năng như vậy. Việc dựa trên các chuẩn quốc tế và công nghiệp cũng làm giảm khả năng lạc hậu về định dạng dữ liệu trong tương lai.
Các nhiệm vụ cụ thể để tiến hành công việc đưa chữ Nôm lên các trang Web và tổ chức các cơ sở dữ liệu có thể được phác hoạ theo ba giai đoạn sau:
1. Giai đoạn thứ nhất
Xác định cách mã hoá Vùng sử dụng riêng (Private Use Area) cho chữ Nôm. Đăng ký việc mã hoá này với IANA.
Thêm các ký Nôm bitmap 96x96 vào bộ phông Unicode, như Bitstream's Cyberbit. Xây dựng phông outline cho chữ Nôm.
Chuyển từng chữ Nôm thành các tệp GIF và JPEG.
Xây dựng bộ chuyển đổi từ tài liệu XML/Unicode Việt Nam cho TrueType sang tài liệu HTML cho GIF/JPEG
2. Giai đoạn thứ hai3. Giai đoạn thứ ba
- Quét và chuyển đổi các tài liệu Nôm vào XML/Unicode
Cũng giống như quá trình hình thành chữ Quốc ngữ, khi mà đại đa số người Việt còn chưa biết gì mấy về cách ghi tiếng Việt, thì một số chuyên gia am hiểu vấn đề cần đi trước để tạo ra các công cụ thuận lợi cho mọi người về sau dùng. Nếu như trước đây công việc chủ yếu do các giáo sĩ - chuyên gia ngôn ngữ người Châu Âu tiến hành, với sự trợ giúp của người Việt Nam, thì ngày nay công việc chủ yếu sẽ là những người biết chữ Việt Nam ở trong và ngoài nước, am hiểu kĩ thuật mới tiến hành.
Để làm được những vấn đề đó, có hai khía cạnh cần xem xét tới. Khía cạnh thứ nhất sẽ là việc tập trung các chuyên gia am hiểu vấn đề và tạo nên đủ các công cụ thuận lợi cho người dùng. Khía cạnh thứ hai sẽ là việc huấn luyện người dùng sử dụng các công cụ mới để viết ra chữ Nôm, sử dụng chữ Nôm thành thạo. Quá trình phổ biến, phổ cập này chắc cũng cần nhiều thời gian, nhưng nhất thiết phải hình thành được đội ngũ những người biết dùng máy tính để sử dụng chữ Nôm và đưa thông tin chữ Nôm vào trong máy. Nếu như chữ Quốc ngữ có thể phải mất ba trăm năm để phát sinh và ổn định, thì sự "tái sinh" của chữ Nôm trên máy tính sẽ nhanh hơn nhiều.
6. Khó khăn và triển vọng
Mặc dầu đã thu được một số kết quả trong cố gắng bước đầu đưa chữ Nôm vào bộ mã quốc tế, song khả năng thực thi tiếp các vấn đề kĩ thuật tin học hoá ở trong nước vẫn còn là điều nan giải và khó khăn. Đội ngũ cán bộ tin học tại chính Viện Hán Nôm vẫn còn yếu và chưa có người đủ tầm cỡ đến quán xuyến một công việc có tầm vóc lớn, chưa nói đến việc còn nhiều người khác chưa hiểu được hết công việc này. Khả năng kĩ thuật tin học của Viện Hán Nôm trong thời gian trước mắt chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhưng Viện có khả năng hấp thu và sử dụng các kĩ thuật, phần mềm công cụ mới nếu được trang bị và huấn luyện thích đáng.
Với tư cách là một viện nghiên cứu chuyên ngành về Hán Nôm, nếu cấp lãnh đạo của Viện thực sự đánh giá đúng ý nghĩa to lớn của công tác tin học hoá kho chữ Nôm thì có thể huy động được tiềm lực của Viện và sự hỗ trợ của Nhà nước cho công tác này. Cấp lãnh đạo Viện và Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có những quan tâm và quyết tâm theo đuổi việc đưa chữ Nôm vào bộ mã quốc tế. Tuy nhiên việc tin học hoá toàn bộ công tác nghiên cứu và bảo trì kho sách chữ Nôm thì cần có những quyết tâm dài hơi hơn và sự chỉ đạo sâu sắc hơn. Việc tin học hoá này gắn liền với việc thay đổi cách nghĩ, cách làm của mọi người trong Viện, và đây cũng vẫn còn là một vấn đề khó khăn và cần nhiều thời gian nữa.
Khó khăn lớn nhất là việc hiện chưa có khả năng thu hút lớp người trẻ năng động, giỏi về tin học mà lại quan tâm tới việc tin học hoá chữ Nôm nói chung trong cả nước. Các công ti CNTT trong nước không thể để ý đến khu vực này vì thị trường hiện tại gần như là không có. Mà để giải quyết vấn đề sử dụng chữ Nôm thì cần phải có các phần mềm cho phép xử lí đa ngữ. Các cố gắng hiện tại của nhóm nghiên cứu tin học tại Viện Hán Nôm vẫn chỉ là xoay xở trong cái khung hạn hẹp của những phần mềm kiếm được, do đó không giải quyết được vấn đề mỗi khi có việc nâng cấp hay thay đổi phần mềm.
Các trở ngại về kĩ thuật để có thể sử dụng chữ Nôm trên máy tính, mặc dầu vượt khỏi tầm giải quyết và quan tâm của lực lượng chuyên viên tại Viện Hán Nôm, không phải là không giải quyết được trên bình diện quốc gia và quốc tế. Để giải quyết các vấn đề kĩ thuật này, cần thiết phải sử dụng tri thức chuyên ngành của các chuyên gia Việt Nam hiện đang tham gia vào các công ti CNTT trong nước và quốc tế. Với việc có công cụ đến mức nào đó thì sẽ có thể tạo nên mối quan tâm bên trong nước về việc sử dụng chữ Nôm. Cũng chỉ khi đã có công cụ đủ mạnh thì việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu các văn bản, sách chữ Nôm mới được tiến hành có hiệu quả. Trong những việc này, cần tìm ra các nguồn kinh phí để có thể phối hợp sự đóng góp của các chuyên gia trên toàn thế giới nhằm đưa chữ Nôm vào hệ thống máy tính. Nhu cầu trước mắt có thể là một hình thức phối hợp nào đó giữa các chuyên gia quan tâm tới việc phát triển phần mềm cho chữ Nôm trên một số môi trường tính toán phổ biến như Windows hay Mac. Một khi có môi trường thuận lợi này thì có thể thúc đẩy sự phổ biến trong nội bộ Việt Nam, từ đó dần hình thành thị trường và lớp người phát triển phần mềm chữ Nôm trong nước.
Có thể cần xem xét tới việc hình thành ra một phong trào hiện đại hoá công nghệ dùng cho chữ Nôm để động viên giới công nghệ thông tin tích cực tham dự và hậu thuẫn cho việc sử dụng kĩ thuật mới. Nên đề cập tới vấn đề treo các giải thưởng tin học để khuyến khích cho các tài năng trẻ phát triển các phần mềm xử lí cho chữ Nôm, thậm chí cả với việc đưa văn bản chữ Nôm vào trong máy tính. Việc tổ chức các đại hội văn hoá chữ Nôm để khuyến khích các gia đình giới thiệu những tài liệu cổ trong chữ Hán-Nôm mà mình còn giữ và sau đó giúp đỡ họ trong công tác in ấn là điều rất nên làm. Tất cả những điều này sẽ được mọi người dân hưởng ứng nếu có chủ trương và sự động viên của Nhà nước.
Có thể dần dần xây dựng một tổ chức liên kết tất cả các chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước xoay quanh việc khôi phục và nghiên cứu, phát huy giá trị của di sản văn hoá chữ Nôm. Sau khi hình thành đủ công cụ xử lí cho chữ Nôm thì công việc tiếp sẽ là tổ chức thư viện điện tử, đưa lên mạng máy tính các tác phẩm chữ Nôm quan trọng, tiến hành phiên chú sang chữ Quốc ngữ. Một liên kết rộng rãi các học giả quan tâm tới chữ Nôm trên quy mô toàn Việt Nam và thế giới như vậy có thể giúp ích rất nhiều cho việc khơi dậy sự quan tâm đến chữ Nôm trong nước. Các trung tâm dịch thuật các tác phẩm Nôm sang Quốc ngữ nên được phát triển rộng rãi.
Hơn nữa những công việc này nên được tiến hành phổ cập trên mạng máy tính để cho tất cả mọi người quan tâm đều có thể thâm nhập tới và sử dụng được những văn bản chữ Nôm. Các tổ chức có khả năng in ấn cả chữ Hán Nôm lẫn chữ Việt sẽ đáp ứng cho nhu cầu in ấn trong quảng đại quần chúng. Và sẽ càng tốt hơn nếu tại từng máy tính, mọi người đều có khả năng in ấn ngay những công trình của mình trong cả chữ Hán Nôm lẫn chữ Quốc ngữ.
Tất cả những việc này sẽ có thể giúp ích cho việc hình thành một tầng lớp trí thức "Nôm học" hiện đại, am hiểu cả chữ Quốc ngữ, chữ Nôm lẫn công nghệ thông tin, để làm việc chuyển tải các giá trị văn hoá tinh thần cổ của lịch sử sang chữ Quốc ngữ. Một khi đội ngũ những người biết chữ Nôm trên máy tính này đã được hình thành thì nó sẽ tự phát triển trong lòng các gia đình và các thế hệ người Việt mới. Lúc đó vai trò gìn giữ và phát huy chữ Nôm lại có thể trả về cho nhân dân. Nhưng rõ ràng là hiện nay đang cần có một chủ trương sáng suốt và mạnh bạo, một định hướng rõ ràng, một sự thúc đẩy mạnh mẽ ban đầu cho công cuộc lớn lao này.
Các chính quyền tại Việt Nam trong lịch sử không phải đã rất chú trọng tới việc bảo tồn và phát huy chữ Nôm như một thứ chữ của dân tộc. Chính nhân dân trong lịch sử mới là người đứng ra gìn giữ và phát huy chữ Nôm như một công cụ diễn đạt tư tưởng, văn hoá của mình. Kĩ thuật khắc ván trong dân gian đã cho phép in ấn nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trong chữ Nôm và phổ biến. Nhưng từ khi chữ Quốc ngữ nổi lên thay thế cho chữ Nôm thì việc in ấn và phổ cập chữ Nôm mất dần. Từ năm 1895 đến nay, hầu như không có nỗ lực và khả năng nào từ phía các chính phủ ở Việt Nam để in các chữ Nôm. Kĩ thuật ngày nay đã tốt hơn rất nhiều lần việc khắc ván in chữ ngày xưa, thế nhưng thực sự chưa có những dự án dù là nhỏ để in ấn và phổ biến chữ Nôm. Và kĩ thuật khắc ván in chữ Nôm thực tế cũng đã bị mai một, kết quả các tác phẩm trong chữ Nôm không còn được phổ biến nữa. Cũng đã có xuất bản một số sách, văn bản hiện đại trong đó có chữ Nôm viết tay, hay gần đây hơn, dùng máy tính để sắp chữ và in chữ Nôm. Tuy nhiên đó chỉ là những cố gắng của từng cá nhân, của từng công ti, chưa có những xem xét của Nhà nước trong vấn đề này.
Các cuộc chiến tranh lớn với Trung Hoa, Pháp, Nhật và Mĩ cũng không thể nào phá huỷ được cây cầu nối chúng ta với lịch sử dân tộc qua chữ Nôm, chúng chỉ phá huỷ được một phần nhỏ di sản vật chất của vốn văn hoá tinh thần này. Nhưng nếu chúng ta không có ý thức gìn giữ, không làm gì để khôi phục và phát huy chữ Nôm, thì thực sự chính chúng ta là người phải chịu tránh nhiệm cho sự sập đổ của cây cầu này. Vai trò của giới trí thức và trong công việc này rõ ràng rất lớn, trách nhiệm của Nhà nước trong công việc này là không nhỏ. Nếu trong lịch sử, nhân dân (kể cả nho sĩ) là người cưu mang, gìn giữ và phát huy chữ Nôm, thì ngày nay trách nhiệm này dồn vào tầng lớp trí thức và nhà nước, bởi vì tầng lớp nho học trong nhân dân không còn nữa. Nếu trong nhân dân không hình thành nên được một lớp người am hiểu và ham thích khai thác nghiên cứu về chữ Nôm, thì sự sập đổ cây cầu nối với quá khứ qua chữ Nôm là điều chắc chắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét