Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

Những bài học đời

 Những bài học đời 

          Hình: Overearth/iStock

Tuần qua tôi bắt đầu quay lại campus và nhận được khá nhiều điện thư, điện thoại, thư từ chúc mừng của nhiều nhân vật trong chánh trường mà tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời. Phải nói là một tuần tràn trề năng lượng tích cực. Thành ra, nhân dịp cuối tuần tôi viết vài dòng cảm ơn đời và nghĩ về những bài học trong đời, với hi vọng 'mua vui cũng được một vài trống canh.'


Bài học 1: Đừng so sánh với ai, vì mỗi chúng ta là một người đặc biệt và hãy trân trọng sự thật đó. 


Hôm cuối năm, tôi đi dự tiệc trong khoa và có một bạn giảng viên trẻ than phiền rằng năm vừa qua là năm thảm hại của cô ấy và cô ấy thấy mình chẳng bằng ai trong khoa. Tò mò hỏi thì tôi mới biết là trong năm qua cô ta xin tài trợ chỗ nào cũng thất bại, công bố khoa học thì chẳng đến đâu, xin giải thuởng cũng chẳng được, v.v. Tôi nói lời an ủi rằng hãy nghĩ về tương lai dài, hãy hỏi mình sẽ để lại cái gì cho đời, hơn là chạy theo những cái nhứt thời để làm mình khổ. 


Nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là người trẻ, hay so đo, hơn thua với nhau. Trong khoa học, họ đo lường với nhau bằng những thước đo như số bài báo đã công bố, chỉ số này, chỉ số kia, số tiền tài trợ xin được, v.v. Ngày xưa tôi cũng vậy, cũng chạy theo con số. Chạy miết rồi nhìn lại mới thấy vô lí và sai. Không phải lỗi của tôi hay của họ, mà là của hệ thống. Hệ thống nó buộc họ phải chạy theo mấy con số đó, và làm cho họ trở thành những người đau khổ bởi so sánh hơn thua. Tôi nghĩ so sánh rất ư là phi lí. Để tôi giải thích như sau. 


Lãnh vực nghiên cứu mà tôi theo đuổi là 'precision medicine' (tạm gọi là 'Y học chính xác'). Quan điểm của Y học chính xác là mỗi người chúng ta là một cá nhân đặc thù (unique). Không có ai trong thế giới ~8 tỉ người này giống mình. Mình cũng chẳng giống ai. Tại sao? Tại vì mỗi chúng ta có một hoàn cảnh, khả năng, và lối sống riêng. Tôi có thể cùng tuổi, cùng chiều cao, cùng cân nặng, có cùng học vấn, cùng việc làm với một ai đó, nhưng tôi rất khác với người đó bởi vì tôi tóc đen, da vàng và sanh ra từ miền quê. Nói cách khác, tập hợp những đặc tính như gia đình, gen, cơ thể, tinh thần, lối sống, tri thức, sở thích, kĩ năng, trải nghiệm, v.v. làm cho mỗi chúng ta là đặc thù. 


Tính đặc thù đó làm cho mọi so sánh về tài năng trở nên vô nghĩa. Nhiều người sợ rằng có nhiều người khác tài giỏi hơn họ. Họ hay so sánh ông A giỏi hơn bà B, hay bà C là người giỏi nhứt thế giới. Nhưng đó là so sánh vô nghĩa, bởi vì mỗi chúng ta là một cá nhân đặc thù thì đâu có ai để mà so sánh. Mỗi người tốt hơn mọi người khác, bởi không có bất cứ 2 người nào như nhau. Bạn là bạn, không ai tốt hơn bạn. 


Chúng ta hay bị ám ảnh tìm người giỏi nhứt, tức là người nổi tiếng nhứt, đẹp nhứt, có khả năng nhứt, làm giỏi nhứt, v.v. Tại sao? Nhận ra và tôn trọng sự đa dạng có nghĩa là làm nổi bậc những ưu điểm và các đặc điểm, cá tánh, kĩ năng và lối sống. Hãy nhìn vào kính và hỏi: ai có thể làm những gì bạn làm theo cách tốt nhứt trong điều kiện bạn có. Câu trả lời là: không có ai. Do đó, hãy khám phá ưu điểm của bạn, khám phá những gì bạn làm tốt nhứt. 


Bài học 2: Gia đình chúng ta rộng lớn hơn chúng ta nghĩ.  


Hai chữ 'gia đình' thường được hiểu là quan hệ huyết thống, nhưng trong khoa học, gia đình còn có nghĩa là quan hệ chuyên môn. Gia đình của chúng ta là các thầy cô (mentors), đồng nghiệp, nghiên cứu sinh. Nói rộng hơn, gia đình của chúng ta là các hội đoàn khoa học. Nhận thức được điều này giúp cho chúng ta biết cách sống và tương tác với đồng nghiệp một cách tử tế.


Xin kể các bạn một chuyện cũ. Thuở đó tôi còn tương đối trẻ, mới bước vào 'bộ lạc' loãng xương, và rất hăng hái. Tôi đọc một bài báo và thấy có vài cái sai khá hiển nhiên, và thế là tôi viết một bài commentary (bình luận) chỉ ra những cái sai đó, rồi đưa cho thầy tôi xem. Ổng xem qua rồi mỉm cười và nói: những gì ngươi chỉ ra là ok, nhưng ngươi có nghĩ đến 20 năm sau không? Rồi ông nói cho biết rằng tác giả bài tôi phê bình là một 'trưởng lão' trong 'bộ lạc', rằng những chữ tôi dùng trong bài commentary là không thích hợp cho một người trẻ nói với người lớn, rằng tôi phải biết trước biết sau, v.v. Nói chung là một bài giảng morale. Nói xong, ổng nói thay vì gởi cho tập san, ổng sẽ biên tập lại bài commentary và gởi riêng cho tác giả. 


Thật là một quyết định của bậc thầy! Tác giả (là ông cụ) viết thư (thời đó chưa có email) cám ơn tôi và còn mời tôi hợp tác. Sau này, chúng tôi viết chung 1 bài có ảnh hưởng khá. Sau này, chính ông cụ tác giả đó đã giúp cho tôi rất nhiều trong sự nghiệp, mỗi lần cần giới thiệu là tôi nhờ ổng. Tôi xem ổng như là một người trong đại gia đình vậy. 


Thành ra, trong khoa học, 'gia đình' là cộng đồng bè bạn, đồng nghiệp, thầy cô và các hiệp hội chuyên môn mà chúng ta tương tác. Hiểu rõ như vậy để ứng xử tốt với đồng nghiệp. Đừng tỏ ra là 'ta đây' và đối xử với người cao và thấp hơn mình chẳng ra gì. Hãy là thành viên tốt trong gia đình đó! 


Bài học 3: Tìm hạnh phúc cho mình bằng cách đem hạnh phúc cho người khác. 


Ai trong chúng ta cũng muốn có một cuộc đời riêng và một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng 'hạnh phúc' là gì? Mỗi người có một định nghĩa riêng theo góc nhìn của họ, và khó có một đồng thuận về cách hiểu. Người thì nghĩ hạnh phúc là có nhiều tiền, con cái thành đạt; kẻ thì cho rằng hạnh phúc là có cuộc sống tiện nghi; lại có người nghĩ rằng hạnh phúc chẳng cần nhiều tiền mà là giàu trải nghiệm; vân vân. 


Tôi thì nghĩ hạnh phúc là giúp cho người khác thành công. Nói cách khác, hạnh phúc của mình là mình đã đem lại hạnh phúc cho người khác. Những gì chúng ta cho đi cũng chính là những gì chúng ta nhận lại. Đó chính là lí do tại sao tôi thích giúp người mà có khi chưa bao giờ gặp người ta ngoài đời. Tôi có khi viết thư giới thiệu cho mấy nghiên cứu sinh gốc Tàu không phải trong labo tôi. Trong khi viết cái note này thì tôi nhận được email từ một em ở Đà Nẵng. Email viết như sau (chỉ trích một đoạn): 


"Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, em xin kính chúc Thầy và gia đình một năm mới thật nhiều niềm vui, luôn mạnh khỏe và mong Thầy luôn lan tỏa những năng lượng tích cực, đầy nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học cho các thế hệ. 


Em xin được tự giới thiệu về mình, em là [...] Đại học Đà Nẵng, chuyên ngành [...] Em gởi message mới mong muốn được gởi lời cảm ơn chân thành nhất đến Thầy. Đọc đến đây chắc Thầy sẽ có chút ngạc nhiên đúng không Thầy. Chuyện là cách đây 8 năm khi em đang làm nghiên cứu sinh tại một trường đại học ở Pháp [...], trong lúc em đang hoang mang, loay hoay với một mớ số liệu hỗn độn của các thực nghiệm nhưng vẫn không thể nào xây dựng một mô hình về tiêu hao năng lượng trong một hệ phát hiện té ngã được thực thi trên hệ thống hybrid software/hardware. Trong khoảng thời gian năm 2013, tình cờ em đã xem được 1 số video của Thầy trên blog và trên youtube [...] đặc biệt là bài toán về việc xây dựng mô hình thể hiện mối quan hệ giữa các thông số có tác động đến tình trạng loãng xương như tuổi tác, giới tính,... Tất cả, nhưng điều này đã giúp em có được các ý tưởng cho bài toán của mình và đã hoàn thành nghiên cứu sinh vào năm 2015. [...]" 


Bài học 4: Nghĩ tích cực, đừng bị ức chế bởi những chuyện đâu đâu.  


Tôi nghĩ có lúc các bạn (cũng như tôi) từng bị người khác, kể cả bạn bè và đồng nghiệp, chỉ trích rằng mình bất tài, vô dụng, dở hơn họ, xấu hơn họ, ngu hơn họ, v.v. Có khi họ chính là bạn mình, hay người mình từng giúp đỡ. Mỗi chúng ta đều có trải nghiệm đó. Những người chỉ trích đó chắc chắn có cảm giác tốt khi họ bôi nhọ và đẩy chúng ta xuống bùn đen. Chúng ta trở thành miếng mồi cho cái tôi của họ. 


Bạn đừng buồn và đừng chú ý đến những gì họ nghĩ gì về mình, mà hãy tập trung làm tốt công việc mình theo đuổi. Bạn cũng nên tránh xa những kẻ đó, vì họ không đem lại năng lượng tích cực cho đời sống của mình. Hãy kết bạn với người mới và tích cực và giữ một tinh thần lạc quan. 


Viết đến đây tôi nhớ đến câu nói bất hủ của Richard Feynman (tôi dịch nôm na): "Bạn không có bổn phận phải sống đúng theo những gì người khác nghĩ về bạn phải như thế này hay như thế kia. Bạn không có bổn phận phải giống như những gì họ kì vọng; đó là sai lầm của họ, chứ không phải nhược điểm của bạn".


Bài học 5: Tình thương là thực tế duy nhứt.


Tôi chú ý trong buổi lễ phong hàm đại tá cho một nữ quân nhân Mĩ gốc Việt, người ta cho người của gia đình chị ấy gắn quân hàm một bên cầu vai, còn người đại diện của Chánh phủ / quân đội gắn một bên cầu vai. Tôi thấy nghi lễ đó rất hay vì nó nhắc nhở rằng không có tình thương của gia đình thì chị ấy đã không có ngày hôm nay. 


Không có tình thương gia đình, chúng ta -- bạn và tôi -- không thể sống được. Có lần thầy cũ tôi lúc sắp vào bệnh viện để điều trị ổng nói đại khái rằng chỉ có tình thương là quan trọng trong đời. Lúc đó tôi chẳng hiểu sao ổng nói vậy, vì nó có vẻ quá hiển nhiên. Sau này nghĩ lại thì đúng như thế: chỉ có tình thuơng là thực tế, các thứ khác (như danh vọng, sự nghiệp, tiền tài) đều là ảo. 


Mỗi chúng ta sanh ra trong tình thương của ba má, cùng sự bảo bọc của ông bà và anh em, bà con. Khi lớn lên, chúng ta hay muốn quay về cái thời điểm ấm cúng đó. Nếu chúng ta muốn như vậy thì người khác cũng vậy, và điều này hàm ý rằng chúng ta nên trao tình thương cho tha nhân. Trao bằng cách nào? Một ánh mắt, một cái sờ tay, một câu nói, một cử chỉ trìu mến đều có hiệu quả truyền tải tình thương. Chọn chữ mà nói/viết sao cho không làm cho người ta bị xúc phạm và tổn thương. Câu chuyện trên về thầy tôi là một bài học quí giá vậy.


***


Tóm lại, tôi xin tỏ lời cảm ơn đến tất cả các bạn xa gần đã có lời chúc mừng trong ngày vui của tôi. Và, cũng xin nhân dịp này viết ra đôi ba lời tâm tình, cùng những bài học mà tôi rút ra trong đoạn đường đã qua. Mỗi chúng ta dù ở phương trời nào và làm gì đều có điểm xuất phát, và một ngày nào đó chúng ta quay về điểm xuất phát đó (đi và về). Cuộc đời là một hành trình khai phá và khám phá, và những bài học tôi rút ra trong hành trình đó là (i) chúng ta đừng nên quá quan tâm mình giỏi hay dở vì mỗi chúng ta là một cá nhân đặc thù; (ii) gia đình khoa học của chúng ta rộng hơn là gia đình huyết thống; (iii) làm việc vì phúc lợi của người khác tức là đem lại hạnh phúc cho mình; (iv) nghĩ tích cực và đừng sống vì kì vọng của người ta; và (v) là đem tình thương đến cho gia đình và tha nhân. 

Nguyễn  Văn Tuấn

Bản đầy đủ: https://nguyenvantuan.info/2022/02/12/mot-coi-di-ve-nhung-bai-hoc 

__________


[1] https://www.uts.edu.au/news/tech-design/anniversary-honour-lifes-work-osteoporosis


[2] Richard Feynman: "You have no responsibility to live up to what other people think you ought to accomplish. You have no responsibility to be like they expect me to be. It's their mistake, not your failing.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét