Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

Kỹ sư kể chuyện chế tạo ô tô đầu tiên "made in Việt Nam" năm 1958

Ít người biết rằng, Việt Nam đã từng chế tạo được chiếc ô tô đầu tiên đúng nghĩa "made in Việt Nam" vào năm 1958.

Những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhu cầu giao thông vận tải tăng cao khiến nhiều cán bộ ngành xe máy quân đội trăn trở: Tại sao các nước sản xuất được ô tô? Ta công nghệ lạc hậu nhưng vẫn tự sản xuất được nhiều loại vũ khí làm cho quân thù khiếp sợ, liệu có làm được ô tô?

Chiếc xe ô tô đầu tiên của Việt Nam được sản xuất năm 1958

Năm 1958, Nhà máy Chiến Thắng quyết định sản xuất một ô tô nhỏ theo cách của ta. Nhiệm vụ được giao cho Đại tá, kỹ sư Hồ Mạnh Khang, Giám đốc Nhà máy Z157 - Cục Quản lý xe máy và ông Vũ Văn Đôn, Cục trưởng Cục Quản lý xe lúc đó trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo.

Chiếc ô tô do chính bàn tay người Việt thiết kế, chế tạo có tên là Chiến Thắng và xuất hiện tại miền Bắc từ năm 1958.

Nhà máy ô tô Chiến Thắng lúc đó tập trung những tay thợ tài hoa về cơ khí nhưng điều kiện để sản xuất thì vô cùng khó khăn. Kế hoạch sản xuất là chọn một ô tô, tháo ra làm theo mẫu đó bằng máy hoặc bằng tay. Nhà máy ô tô Chiến Thắng lúc đó hàng năm có thể đại tu được 350 ô tô. Có máy tiện, máy phay vạn năng, máy phay bánh răng, máy mài vô tâm, lò tôi điện, lò phản ứng nhiệt…

Nhà máy đang chuẩn bị đại tu cả xe tăng, xe xích và trạm nguồn điện. Nhiều người trong số họ đã học trong các trường kỹ nghệ của Pháp trước đây, hoặc có cả những công nhân hỏa xa, Avia…rồi đi theo kháng chiến. Họ có năng khiếu và say mê nghề nghiệp. Nhiều năm lăn lộn trong rừng nhưng họ đã làm ra mìn ra súng, ra phụ tùng ô tô. Họ biết cách khử hydro khi nấu nhôm để đúc quả nén, không có crom họ lấy đồng xu của Pháp pha vào gang để làm vòng găng. Không có than cốc, họ biết cách ủ than gầy để luyện kim…

Gần 500 con người nỗ lực ngày đêm, quên ăn, quên ngủ để thực hiện bằng được một công việc mang tính lịch sử của ngành xe máy quân đội.

Có nghĩa họ là những tay thợ tài hoa về cơ khí trong những điều kiện khó khăn nhất. Công cuộc tiếp theo là tìm một mẫu xe để làm mẫu.

Chiếc Fregate chặy bằng xăng của Pháp được đem ra làm mẫu. Các bộ phận như thân máy, nắp máy, chế hòa khí, bơm xăng, bơm dầu được các thợ chiến trường mày mò tìm mẫu, tạo khuôn mẫu trước, sau đó đúc gang rồi mới đưa lên cắt gọt, gia công cơ khí cho thật tinh xảo.

Như vậy là chọn một ô tô, tháo ra làm theo mẫu đó bằng máy hoặc bằng tay. Tuy nhiên có những chi tiết không thể làm được: nến điện, dây điện, hệ thống đồng hồ và chỉ thị, bóng điện, hệ thống kính, săm lốp và vòng bi.

Kỹ sư Hồ Mạnh Khang, Giám đốc nhà máy Z157 cho biết, để tìm ra cách sản xuất trục cơ bản của động cơ, ông đã phải bỏ ra khá nhiều công sức. Chia sẻ trên Tạp chí Ô tô xe máy Việt Nam, số 33 tháng 5-2005, ông Khang cho hay: "Trục cơ bản của động cơ. Nó không thể cắt gọt bằng phương pháp chép hình, còn rèn bằng búa - cái búa con thì không còn gì ngớ ngẩn hơn. Không lẽ xếp nó vào chi tiết không thể sản xuẫt. Tôi viết thư sang Trung Quốc, anh Đỗ An trả lời tôi bằng ảnh một chiếc xe Bắc Kinh chụp trước Thiên An Môn. Và nói rằng, ta không thể sản xuất trục cơ. Ở bên ấy người ta dập 4 phát là xong một trục cơ. Anh còn nói, ở nước Anh có những nhóm người cũng chế tạo ô tô bằng phương pháp thủ công mà xe họ bán rất đắt…". Và cuối cùng, phương pháp được lựa chọn lúc này là tìm thép đã nhiệt luyện về và chế tạo bằng phương pháp thủ công.

Có những chi tiết phải đúc đi, đúc lại rất nhiều lần mới thành công. Nguyên liệu chủ yếu lấy từ đống phế liệu chiến tranh của Pháp "nấu" đúc lại. Đến phần chế tạo trục guồng của máy bàn phải dùng một trục bánh tàu hỏa, đo đạc lấy kích thước, vẽ mẫu chuẩn. Chỉ riêng cái "trục guồng quay" này, cả tổ tiện, nguội, mài... phải "đánh vật" lăn lộn làm suốt đêm ngày mất gần hai tuần lễ.

Ông Khang chia sẻ: "Tháng 10 năm đó, lệnh sản xuất thử được phát ra. Ở phòng kỹ thuật tôi được cử phụ trách chung toàn bộ về chiếc xe. Anh Quang, anh Đỗ Tường phụ trách về gia công cơ khí, tôi sang nhà máy xe lửa Gia Lâm xin một số trục cần thiết, anh Quang, anh Tường thiết kế đồ gá để chép hình, để cắt gọt, để gò và 500 con người lao động ngày đêm trong một tháng mới xong. Các hệ thống của xe chế tạo theo nguyên mẫu Fregate. Vỏ theo thiết kế của nhà máy. Họa sĩ Diệp Minh Châu đã giúp đỡ nhà máy về tạo dáng và màu sắc. Ông còn bỏ tiền mua ngà voi làm núm còi, trên đó khắc nổi hình chùa Một cột. Ông làm một tượng nhỏ bằng thạch cao người chiến sĩ cầm cờ để nhà máy đúc đồng gắn lên nắp capô.

Đúng ngày 21/12/1958, tại nhà máy này, chiếc ô tô 4 chỗ ngồi đầu tiên do người Việt Nam sản xuất, dù chưa phải 100%, đã ra đời. Nó trông "xịn" không kém loại Matxcơvic của Liên Xô lúc bấy giờ. Bác Hồ hay tin đã đến xem và động viên.

Xe được đem chạy thử ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và diễu hành trong phong trào thi đua của Thủ đô…

Gần 500 con người nỗ lực ngày đêm, quên ăn, quên ngủ để thực hiện bằng được một công việc mang tính lịch sử của ngành xe máy quân đội. Ngày 21/12/1958, chiếc xe "Chiến Thắng" mang biển số QS 0001 rời xưởng.

Năm 1971, kíp thợ lại tiếp tục cho "ra lò" chiếc xe máy có tên Ấp Bắc. Chiếc xe có tốc độ trung bình đạt 50-60km/giờ, tiếng nổ giòn và rất khỏe, chạy đường gồ ghề rất tốt". Đó là chiếc xe hoàn hảo nhất với phần lớn thiết bị do Việt Nam chế tạo.

Theo Gia đình Việt Nam
18:48 | 29/04/2015
------

Đầu mùa thu năm 1958, sau cuộc họp của lãnh đạo Cục quản lý xe với lãnh đạo nhà máy Chiến Thắng, Cục Trưởng Vũ Văn Đôn nói: “ liệu chúng ta có sản xuất được ô tô?” Câu hỏi bất ngờ làm không khí cuộc họp chùn xuống. Điều đó chưa có ai dám nghĩ đến, và những khuôn mặt tươi vui đã trở thành băn khoăn, ưu tư. 
Phải đến 5, 6 phút sau Phó Giám Đốc Ngô Trường mới trả lời: 
Báo cáo, không thể. 
-Vì sao? 
-Vì công nghiệp quốc phòng của ta chưa đủ điều kiện để thực hiện công việc khó khăn này. 
-Ta phải sản xuất một ôtô nhỏ theo cách của ta. Trong tháng này, nhà máy hãy nghiên cứu về mọi khả năng rồi báo cáo. Lưu ý rằng đây là sản xuất thử nghiệm để học hỏi, chuẩn bị lâu dài cho quân đội. Chiến tranh vẫn còn dài… 
Tôi được giao chuẩn bị báo cáo đó. Thực sự tôi không biết bắt đầu từ đâu. Hàng năm nhà máy vẫn sản xuất ba bốn chục tấn phụ tùng, nhưng đó là những phụ tùng đơn chiếc phục vụ cho việc sửa chữa ôtô. Còn làm ra một chiếc ôtô bài bản, có lẽ là một việc không tưởng đối với cả nền công nghiệp nước ta lúc đó. Tôi suy nghĩ và lo lắng. Người làm báo cáo thường là người triển khai công việc. Nhưng rồi sau vài ngày hoang mang, tôi bình tĩnh lại và thống kê lại toàn bộ các hệ thống của một chiếc ôtô có cấu tạo đơn giản, Cái gì làm được, cái gì không thể làm được. Chi tiết nào cần đúc, cần tiện, cần nguội, gò hàn …Mệnh lệnh cấp trên tôi chỉ ghi nhớ năm chữ:” cách của ta” và “thử nghiệm”. Như vậy tôi có quyền chọn một chiếc ôtô nào đó làm mẫu. và nếu có sự sai xót cũng không sao. Tôi thấy yên tâm. Nhà máy ôtô Chiến Thắng lúc đó hàng năm có thể đại tu được 350 ôtô. Có máy tiện, máy phay vạn năng, máy phay bánh răng, máy mài vô tâm, lò tôi điện, lò phản ứng nhiệt…Nhà máy đang chuẩn bị đại tu cả xe tăng, xe xích và trạm nguồn điện. Nhiều người trong số họ đã học trong các trường kỹ nghệ của Pháp trước đây, hoặc có cả những công nhân hỏa xa, Avia…rồi đi theo kháng chiến. Họ có năng khiếu và say mê nghề nghiệp. Nhiều năm lăn lộn trong rừng nhưng họ đã làm ra mìn ra súng, ra phụ tùng ôtô. Họ biết cách khử hydro khi nấu nhôm để đúc quả nén, không có crom họ lấy đồng xu của Pháp pha vào gang để làm vòng găng. Không có than cốc, họ biết cách ủ than gầy để luyện kim…Có nghĩa họ là những tay thợ tài hoa về cơ khí trong những điều kiện khó khăn nhất. Có một hình ảnh, một bài học mà tôi nhớ suốt đời, đến nỗi sau này khi đứng trước nhà máy hiện đại ở châu Âu tôi vẫn không thể nào quên. Đầu năm 1954, đi chiến dịch Điện Biên, bên bìa rừng ở Yên Bái, tôi gặp một công nhân đứng đục một khối sắt nặng và huýt sáo vang. Tôi hỏi: 
-Anh đang làm gì? 
-Bánh răng số 4 xe Gát. 
-Bằng thép gì? 
-Cắt ở đại bác của Tây. 
-Liệu có làm được cả hộp số? 
-Được tất miễn là có thép. 
Tôi gặp lại anh trong ngày duyệt binh ở Điện Biên Phủ13//1954. Tôi sung sướng ôm lấy anh và hỏi cái hộp số thế nào. 
-Tốt hơn mới. 
Hóa ra anh cũng học ở Kỹ nghệ Huế, cũng vào quân giới, rồi sang vận tải quân sự như tôi nhưng trước tôi vài năm. 
Trở lại kế hoạch ôtô của tôi. Như vậy là chọn một ôtô, tháo ra làm theo mẫu đó bằng máy hoặc bằng tay. Tuy nhiên có những chi tiết không thể làm được: nến điện,dây điện, hệ thống đồng hồ và chỉ thị, bóng điện, hệ thống kính, săm lốp và vòng bi. Tôi hào hứng đi tìm mẫu xe. Ngày đầu vào đại sứ quán Ba Lan họ cho tôi xem một chiếc Ford, nhưng xem ra phức tạp quá. Ngày sau tôi và ông Chinh, ông Tư cùng đến Đại sứ quán Indonesia, họ cho tôi xem chiếc xe Dodge, họ còn lái xe chở chúng tôi đi quanh bờ hồ. Tay lái xe hỏi huyên thuyên mà chúng tôi chẳng hiểu gì. Xe Dodg có kết cấu khung và nhún nhíp phức tạp, rất khó chế tạo. Nhà máy tôi có một cái xe nhỏ vỏ méo mó nhưng máy móc còn tốt. Đó là chiếc Fregate chặy bằng xăng của Pháp. Xem xét kỹ thấy các hệ thống rất đơn giản. Tôi quyết định lấy xe này làm mẫu. 
Nhưng rồi một ngày, phó giám đốc Ngô Tường hỏi tôi: 
-Cậu giải quyết trục cơ như thế nào? 
Thôi chết, bấy nay tôi mãi nghĩ đến những chi tiết khác mà quên mất trục cơ. Trục cơ bản của động cơ. Nó không thể cắt gọt bằng phương pháp chép hình, còn rèn bằng búa – cái búa con thì không còn gì ngớ ngẩn hơn. Không lẽ xếp nó vào chi tiết không thể sản xuẫt. Tôi viết thư sang Trung Quốc, anh Đỗ An trả lời tôi bằng ảnh một chiếc xe Bắc Kinh chụp trước Thiên An Môn. Và nói rằng, ta không khể sản xuất trục cơ. Ở bên ấy người ta dập 4 phát là xong một trục cơ. Anh còn nói, ở nước Anh có những nhóm người cũng chế tạo ôtô bằng phương pháp thủ công mà xe họ bán rất đắt. Tôi lại nghĩ đến người thợ rừng Yên Bái năm xưa. Phải rồi, tìm thép đã nhiệt luyện về và chế tạo bằng phương pháp thủ công. 

Tháng 10 năm đó, lệnh sản xuất thử được phát ra. Ở phòng kỹ thuật tôi được cử phụ trách chung toàn bộ về chiếc xe. Anh Quang, anh Đỗ Tường phụ trách về gia công cơ khí, tôi sang nhà máy xe lửa Gia Lâm xin một số trục cần thiết, anh Quang, anh Tường thiết kế đồ gá để chép hình, để cắt gọt, để gò và 500 con người lao động ngày đêm trong một tháng mới xong. Các hệ thống của xe chế tạo theo nguyên mẫu Fregate. Vỏ theo thiết kế của nhà máy. Có một họa sĩ đã giúp đỡ nhà máy về tạo dáng và màu sắc. Ông còn bỏ tiền mua ngà voi làm núm còi, trên đó khắc nổi hình chùa Một cột. Ông làm một tượng nhỏ bằng thạch cao người chiến sĩ cầm cờ để nhà máy đúc đồng gắn lên nắp ca-pô. Ông là họa sĩ Diệp Minh Châu. Xe được đem chạy thử ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và diễu hành trong phong trào thi đua của Thủ đô… 

Bùi Đình Hạ 
Tạp chí Ôtô xe máy Việt Nam, số 33 tháng 5-2005

2 nhận xét:

  1. Ảnh hiếm về xe·hơi đầu·tiên của Việt·Nam https://nguyentienhai.blogspot.com/2014/07/anh-hiem-ve-xehoi-autien-cua-vietnam.html

    Trả lờiXóa
  2. Phi·cơ chiến·đấu đầu·tiên do Việt·Nam Cộng·hòa chế·tạo năm 1972 http://nguyentienhai.blogspot.com/2014/08/phico-chienau-autien-do-vietnam-conghoa.html

    Trả lờiXóa