Lý Thái Tổ là người dựng ra nhà Lý , huý là Công Uẩn người làng Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh năm Giáp Tuất (974), là con nuôi của thiền sư Lý Khánh Văn, làm quan nhà Tiền Lê đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.
Khi Lê Long Ðĩnh mất, Lý Công Uẩn đã ngoài 35 tuổi. Vua kế tự Long Ðĩnh còn nhỏ, Lý Công Uẩn chỉ huy quân túc vệ trong cung cấm. Bây giờ lòng người đã oán giận nhà Lê nên Ðào Cam Mộc cùng các quan trong triều tôn Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Vua Thái Tổ thấy Hoa Lư hẹp nên bèn dời đô về Ðại La năm Thuận Thiên nguyên niên (1010) Khi ra đến La Thành, Thái Tổ lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng bay lên liền đổi Ðại La thành Thăng Long thành (tức Hà Nội bây giờ), đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An và Cổ Pháp thành phủ Thiên Ðức. Vua Thái Tổ chỉnh đốn việc cai trị, chia nước làm 24 lộ, hội Hoan Châu và Ái Châu là trại.
Vua Lý Thái Tổ trị vì 19 năm thì mất, thọ 55 tuổi.
Ngôi huyệt chỗ giếng nước ở rừng Báng năm xưa, những gò ở xung quanh trông giống như hoa sen nở 8 cánh nên nhà Lý truyền ngôi được 8 đời.
Nhà Lý trị vì được 215 năm (1010 - 1225), qua 9 đời vua, bao gồm :
Nhà Lý suy tàn từ thời vua Lý Cao Tông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét vua Cao Tông chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy.- Lý Thái Tổ (1010-1028)
- Lý Thái Tông (1028-1054)
- Lý Thánh Tông (1054-1072)
- Lý Nhân Tông (1072-1127)
- Lý Thần Tông (1128-1138)
- Lý Anh Tông (1138-1175)
- Lý Cao Tông (1176-1210)
- Lý Huệ Tông (1211-1224).
- Lý Chiêu Hoàng (1225) [2]
Năm 1209, có loạn Quách Bốc ,Thái tử Sảm chạy đến nương nhờ họ Trần ở Haỉ Ấp, nhờ sức họ Trần mang quân về đánh dẹp Quách Bốc. Từ đó họ Trần nắm giữ binh quyền. Năm 1210, vua Cao Tông chết, thái tử Sảm lên thay, tức là Lý Huệ Tông. Triều chính hoàn toàn trong tay họ Trần.
Nhiều thế lực nổi dậy khắp nơi. Nhà Trần chiếm cứ vùng hạ lưu sông Hồng, Nguyễn Nộn chiếm cứ vùng Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm cứ vùng Hồng Châu và Lý Quang Bật là một hoàng thân nhà Lý cũng trở thành một lực lượng chống đối.
Lợi dụng lòng mê tín của dân gian và nói là nhà Trần thay nhà Lý theo thiên mệnh, Trần Thủ Ðộ sai người đặt ra bài sấm, trong có câu :
Trời Đông A soi đến bực hè,
Ba con đóm nọ lập loè làm chi
Ba con đóm nọ là ba lực lượng kể trên và họ Đông A là họ Trần theo cách ghép chữ ngày xưa, bực hè ám chỉ thái miếu nhà Lý.[1]
Các lực lượng đánh lẫn nhau và đều lấy danh nghĩa là phò trợ nhà Lý.Khi các lực lượng của Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn không còn nữa thì Lý Quang Bật cũng bị tiêu diệt.
Chiêu Thánh công chúa lên ngôi năm Giáp Thân (1224), tức là Lý Chiêu Hoàng. Vua còn nhỏ nên quyền binh ở cả Trần Thủ Ðộ. [2]
Đầu năm 1226 (tháng 12 năm Ất Dậu), Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý, đưa Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258), lập ra nhà Trần (1226-1400). Để củng cố nhà Trần, Trần Thủ Độ đã thực hiện ba biện pháp nhằm tiêu diệt họ Lý:
- Thứ nhất, buộc con cháu nhà Lý đổi qua họ Nguyễn.
- Thứ hai, đày con cháu nhà Lý lên vùng biên ải phía Bắc.
- Thứ ba, tàn sát con cháu nhà Lý.
Việc đầu tiên là Trần Thủ Độ bức tử thượng hoàng Lý Huệ Tông. Ngày 10 tháng 8 năm Bính Tuất (1226) Thái sư Trần Thủ Độ ép lý Huệ Tôn phải tự vẫn ở chùa Chân Giáo (quận Ba Đình, Hà Nội). và sau đó chủ trương của Trần Thủ Độ là phải tiêu diệt tận gốc dòng họ Lý để tập hợp nhân tâm hướng vào triều đại nhà Trần, nên ông đã sát hại 70 tôn thất nhà Lý khi họ đang làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường (Hoa Lâm).
Đại Việt sử ký toàn thư: Nhà Trần [3] ghi lại sự kiện này như sau :
Đưa các cung nhân và con gái họ hàng nhà Lý Huệ Tông gả cho các tù trưởng người Man.
Nhâm Thìn, [Kiến Trung] năm thứ 8 [1232],
Vì Nguyên tổ tên húy là Lý, mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý...
Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý.
Khi ấy, Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng.
Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết.
Tuy nhiên có thể có nhiều người trốn thoát và đổi các họ khác chứ chưa chắc đã là họ Nguyễn.
Thái Đường ngày nay là đất xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ Hà Nội, qua cầu Đuống, sang Đông Anh, quãng 500 mét, đến dốc Vân, phía bên tay trái chính là vùng đất Hoa Lâm Viên xưa.
Nơi diễn ra cuộc thảm sát được xác định là chỗ ngoài đê làng Mai Lâm ấy là một gò cao .Sau Cách mạng Tháng Tám thì cây đã bị chặt trụi. Năm 1957 vỡ đê Mai Lâm, khu gò đã trở nên bình địa truyền gọi là Bãi Sập, nay chỉ còn lại trong trí nhớ của nhiều bậc cao niên, nói nó là vùng đất nằm giữa vị trí các thôn Đông Trù, Thái Đường (Thái Bình).
Sau cuộc thảm sát này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và người nào còn sống sót trong nước mang họ Lý phải cải đổi ra thành họ Nguyễn sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt. (theo VNSL).
Vì sự ngược đãi của Trần Thủ Độ, con cháu nhà Lý, nhiều người đã bỏ trốn, trong đó có Lý Long Tường. Ông ra đi không phải để cầu viện hay tìm cách khôi phục nhà Lý, mà nhằm mục đích bảo toàn sinh mạng để lo việc thờ cúng tổ tiên. [4]
Lý Long Tường là con thứ bẩy của vua Lý Anh Tông , em của vua Lý Cao Tông . là chú của vua Lý Huệ Tông , tước Kiến Bình Vương. Ông làm đô đốc hải quân. Sau khi nhà Lý mất ngôi, biết không thể tránh khỏi những cuộc tàn sát, năm 1226, ông đã đem gia quyến và các đồ thờ cúng, áo long bào, vương miện và thương phương bảo kiếm từ đời vua Lý Thái Tổ, cùng với sáu ngàn quân, xuất phát từ cảng Vân Đồn đi tị nạn sang nước Hàn Quốc, ban đầu mang theo tên Hoa Lâm, sau đổi sang tên Hoa Sơn cho hợp cảnh ngộ. Hiện nay, những người hậu duệ nhà Lý đang cố truy tìm văn bản Hoa Lâm Lý thị tộc phả-mà tương truyền tài liệu này được Lý Long- Tường đem theo trong khi buộc phải xuất dương.
Trong dòng họ có Tổng thống Lý Thừa Văn-vị Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc. Trong chuyến viếng thăm Sài Gòn ngày 6-11-1958 ông đã nói: "Tổ tiên tôi là người Việt Nam đấy". Câu nói này hồi đó được báo chí Sài Gòn đăng tải rầm rộ trên trang nhất. Ông là cháu đời thứ 25 của Lý Long Tường.
Con cháu họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc hiện có tới 4.000 người.
Một số người trong gia tộc họ Lý buộc phải đổi sang họ khác nhằm trốn sự truy lùng của nhà Trần.[5]
- Họ Bàng (Đôn Thư, Bình Lục, Hà Nam)
Con cháu Lý Hùng Tích (hoàng tử thứ ba của vua Lý Nhân Tông) đã về sống ở làng Đôn Thư (Bình Lục, Hà Nam) và đổi từ họ Nguyễn Xuân sang họ Bàng.
Nhà thơ Bảng Bá Lân và em là Bảng Sĩ Nguyên là con cháu dòng nẩy.
-Họ Lê ở Sơn Nam Hạ (Diên Hà-Thái Bình) cải từ họ Lý sang họ Lê ,có hai cha con nổi tiếng là Tiến sĩ Lê Trọng Thứ và Bảng nhãn Lê Quý Đôn là con rể của họ.
- Họ Nguyễn ở làng Mọc (Hạ Đình – Hà Nội) nổi tiếng có giáo sư sử học Nguyễn Thiệu Lâu (1917-1967).
- Họ Nguyễn ở Đông Sơn (Thanh Hóa) là dòng dõi Đông Chinh Vương (Lực) và Dực Thánh Vương. Đời nhà họ Lê, có tướng quân Nguyễn Chích (1382-1448) hậu duệ đời thứ 12 của Lý Thái Tổ, là nhân vật thứ 2 , sau Lê Lợi của nghĩa quân Lam Sơn .
Con cháu hiện nay có 2 chi họ Nguyễn Đình …và Nguyễn Thìn …ở xã Đông Hòa, huyên Đông Sơn , tỉnh Thanh Hóa .
-Họ Nguyễn ở Vân-Điềm (Bắc-Ninh)
Trần Thủ Độ đầy những tôn thất nhà Lý bắt đổi ra họ Nguyễn,lên chỗ giáp biên giới Trung Hoa,cho ở tụ vào hai làng Bằng Hà và Ba Điểm.Cả hai làng này đều phản lại triều đình khi quân Mông Cổ xâm chiếm Việt Nam.
Sau khi thắng được giặc Nguyên, vua nhà Trần cấm dân hai làng này không được thi cử hay làm quan và phải đồ làm lính.
Những quân-dân thì được thứ tội cả, duy có hai làng Bàng-hà, Ba điểm trước hết theo giặc, cả làng phải đồ làm binh-lính, không khi nào được làm quan. (VNSL Trần Trọng Kim)
Tại sao triều đình nhà Trần buộc họ Lý đổi thành họ Nguyễn mà không qua họ khác? Điều này rất khó trả lời vì không có tài liệu cụ thể, chỉ biết được rằng họ Nguyễn là một dòng họ ít người bên Trung Hoa, và ngược lại họ Nguyễn có nhiều và có sớm ở nước ta. Phải chăng Trần Thủ- Độ muốn cho họ Lý hòa lẫn trong số đông người Việt rải rác khắp nước?
Trong sách Ngược đường trường thi của nhà văn chuyên tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật, xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1939, có kể về quá trình rời bỏ Du Lâm và trở về Du Lâm của hậu duệ nhà Lý sau hơn 550 năm. Sau thảm họa kinh hoàng bảy mươi người tôn thất nhà Lý bị chôn vùi vào năm 1232, một số người đã phải chạy lên biên giới lánh nạn và đổi thành họ Nguyễn, nhờ vậy đã tránh được tai vạ. Trong gia phả những người gốc Lý vẫn không bao giờ quên chua chữ gốc Lý bên cạnh tên họ Nguyễn.
Khi nhà Trần mất, nhiều gia đình họ Lý đã bị đổi thành họ Nguyễn tìm cách về xuôi. Làng Bằng Hà thì không biết ra sao, còn làng Ba Điểm thì thiên về nam, định cư ở đồng làng Hương Mạc, Kim- Thiều lập thành họ Nguyễn ở làng đó. Hương Mạc là một vùng văn học nổi tiếng mà họ Đàm ở đây là nổi bật nhất, Vùng nầy còn gọi là Xóm Kẻ Đóm.Sau thành làng ,lấy tên chữ là Vân Điềm,nhưng tên nôm Kẻ Đóm kia vẫn còn.
Người đầu tiên về làng Vân- Điềm là cụ Nguyễn Thiện Tính . Cụ Thiện- Tính làm thuê cho một người cũng họ Nguyễn trong làng.
Hơn một trăm năm sau ( khoảng 1400), sống qua mấy đời làm ruộng ở Kẻ Đóm, nhà họ Nguyễn gốc Lý này biến thành dân quê với lời trối từ đời này sang đời kia :
" Họ ta là một cành vua Lý.Nhà Trần bắt ta đổi họ NGUYỄN,nhưng chúng ta phaỉ nhớ rằng ta vốn là dòng doỉ Lý bát đế.Tổ ta ,cụ trung liệt Lý Quang- Bật là con thứ sáu Nghĩa Nam Vương Lý Hưng- Tích là con thứ ba của Lý Thánh- Tông Hoàng đế vì chống laị họ TRẦN mà thiệt mạng.Ngày kia,trời tưạ, ta phaỉ trừ noì giống quân phường chài Haỉ Ấp" ( họ Trần ).
Câu này như văn khấn chữ nho tối nghiã, mất đi một ý nghiã cuả mệnh lệnh lúc đầu.
Cứ như thế truyền được bẩy đời.Rồi đến đời thứ tám là Nguyễn Bồn. Ông Bồn là con một,cha Bồn cũng là con một.đến Bồn cũng lại là con một nốt.
Con Bồn đi học và cháu Bồn là Nguyễn Thực học giỏi, làm con rể Tiến sĩ Thượng thư triều Mạc là Đàm Cư và là học trò của Tiến sĩ họ Nguyễn người làng Kim- Thiều cũng là một đại thần của nhà Mạc. Nguyễn Thực không ứng thí với nhà Mạc và đỗ Đình nguyên Hoàng giáp năm 1595,đời vua Lê Trung Tông. Ông làm đến chức tể tướng.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 4, trang 259 chép về Nguyễn Thực: Người xã Vân Điềm - huyện Đông Ngàn, đỗ Đình nguyên Tiến sĩ khoa Ất Mùi ( 1595) đời Quang Hưng. Năm 1606 ( niên hiệu Hoàng Định thứ 7) sung sứ bổ sang nước Minh. Khi về làm tới chức Thiếu phó, tước Lan Quận công, tham dự chính sự trong Triều, góp nhiều mưu mô kế hoạch, sau thăng Thượng thư bộ Hộ, rồi trí sĩ, được thăng Thái Tể. Trải làm quan ba triều Vua, mà gia đình thanh bạch; có phong độ người đời xưa. Đời Lê lấy tước vị là Thượng thư quốc lão, về hưu bắt đầu từ Nguyễn Thực. Sau này con cháu kế tiếp đỗ khoa giáp, là một họ lớn đất Bắc Giang.
Sách Lịch triều Hiến chương loại chí (t1, tr.219) chép "ông là người thuần hậu trong sạch, cẩn thận, không lập sản nghiệp, làm quan trải qua những bước vinh hiển trọng yếu mà vẫn thanh bạch, có phong độ như bậc danh thần ngày xưa".
Tác phẩm của Ông còn lại có 16 bài thơ cận thể (văn) chép trong " Toàn Việt thi lục",( Lược truyện các tác gia Việt Nam tập I).
Con ông là tiến sĩ Nguyễn Nghi (1619), làm quan đến Lại bộ Thượng thư đồng triều với ông và được sử sách cũ ca ngợi : " Hai cha con đồng thời làm Thượng thư, được phong tước Quận công, đứng đầu các quan, thực là hiếm có".
Vua Lê Thần-Tôn thường khen Làng Vân-Điềm có hai quan Thượng Thư,từ xưa chỉ có một bầy tôi như vậy thôi.
Cháu của Nguyễn Thực là Nguyễn Yến, là võ tướng, tước Hoằng quận công đã từng đi đánh nhà Mạc ở Cao-Bẳng làm đến Thượng tướng quân. Con của ông cũng là võ tướng, được phong tước Ninh quận công.
Con cháu họ Nguyễn gốc Lý làng Vân Điềm bắt đầu nảy nở anh tài với các tiến sĩ. Hai cháu nội Nguyễn Nghi là Nguyễn Khuê và Nguyễn Sĩ đậu tiến sỹ, cùng về làng vinh quy bái tổ năm 1670.
Con Nguyễn Khuê là Nguyễn Thẩm nối đường vinh hiển của cha 36 năm sau đó (1706). Một người cháu của Nguyễn Thẩm (con của em hàng chú ruột) là Nguyễn Thưởng đỗ năm 1754, cùng với Tiến sĩ Nguyễn Lân của dòng họ Nguyễn khác (đỗ năm 1712) làm cho Vân Điềm - Kẻ Đóm trở thành làng khoa bảng có tiếng ở đất Đông Ngàn.
Họ Nguyễn gốc Lý làng Vân Điềm có đến 4 người đi sứ sang Trung Quốc là Nguyễn Thực, Nguyễn Nghi, Nguyễn Sĩ và Nguyễn Thưởng.
Ngoài 7 tiến sĩ, họ này còn có 18 hương cống thời Lê và 1 cử nhân thời Nguyễn.
Khi Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Đường là Nho sinh trúng thức, làm Hiến sát sứ, đã từng ngồi chung với chúa Nam Đoan Vương Trịnh Khải đánh trận Ngũ Long. Khi quân vỡ, ông bị lạc chúa và đi ở ẩn, ông đã tìm về sinh sống tại quê cha đất tổ ở Du Lâm.
Con trai của Nguyễn Đường là Nguyễn Án (1770-1815) là danh nhân văn hóa đất Thăng Long, có cuốn sách Tang thương ngẫu lục viết chung với Phạm Đình Hổ. Ông sống vào thời cuối nhà Lê và ở ẩn ở Hà-nội, không ra thi với nhà Tây sơn.
Trong Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (1968) có ghi về Nguyễn Án ( 1770 – 1815 ): tự Kính phủ , hiệu Ngu Hồ người làng Du lâm, huyện Đông Ngàn ( nay là phủ Từ sơn, Bắc ninh ) Ông thông minh và ham học, xem rộng sách . Năm Gia long thứ 4 (1805 ) ông được vời ra làm quan bổ tri huyện huyện Phù dung ( nay là Phù cử Hƣng yên ), nhân có việc riêng từ quan về . Năm thứ 6 ( 1808) , lại đƣợc bổ tri huyện Tiên minh ( nay là Tiên lãng , Kiến an ) , sau phải bệnh mất ở chổ làm quan . Ông có một tập thơ chữ nho nhan là Phong lâm minh lại thi tập .
Năm Gia Long thứ 7 (1808) nhà Nguyễn mở khoa thi Hương đầu tiên ở Bắc Thành, ông đỗ Hương Cống cử nhân và làm tri huyện Tiên Minh (Yên Lãng, Kiến An).
Gia đình họ ở Nguyễn gốc Lý được kể là một trong 54 gia đình xuất sằc về học vấn trong suốt thời kỳ nhà Lê trung hưng 1427-1802 . [6].
Cháu nội của Nguyễn Án là Nguyễn Tư Giản, đỗ hoàng giáp Tiến sĩ năm 21 tuổi, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại hơn 40 năm dưới triều đình nhà Nguyễn.
Ông và các nhân sĩ thức thời như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện dâng lên vua Tự Đức chương trình canh tân đất nước, mở mang bang giao với phương Tây.
Ông còn là nhà thơ nổi tiếng để lại nhiều tác phẩm giá trị. Trong 2 năm đi sứ nhà Thanh (1868-1869), Nguyễn Tư Giản đã có 3 tác phẩm với hàng trăm bài thơ tặng và đối đáp với danh sĩ Trung Hoa và các sứ thần Triều Tiên. Tài ngoại giao văn chương của ông được triều đình nhà Thanh mến mộ, tặng ông một bức vẽ truyền thần, một bộ đồ thờ cúng hiện còn lưu giữ ở nhà thờ Nguyễn Tư tại TP.Hồ Chí Minh.
Mùa hạ năm Quý Dậu (1873), triều đình Huế cử một phái bộ sang Pháp để điều đình chuộc lại Nam Kỳ. Nguyễn Tư Giản được cử làm Chánh sứ, nhưng ông dâng lấy lý do bệnh tật sức yếu, xin thoái thác,sách Đại Nam thực lục (đệ tứ kỷ, quyển 19) có ghi: Quan đê chính là Nguyễn Tư Giản dâng sớ nói thiết tha rằng không nên hoà với Tây Dương.
Con Nguyễn Tư Giản là Nguyễn Kham cũng đậu Tiến sĩ, làm Án sát Bình-Định, tham biện nội các.
Em họ của Nguyễn Tư Giản là Nguyễn Văn Huyền, cử nhân làm đến bố chánh tỉnh Bình-Định.
Con của Nguyễn Tư Giản là thầy giáo Nguyễn Tiếu Lệ trở thành quân sư của Đề Thám ở Yên-Thế.
Ông Nguyễn Triệu Luật một cháu nội của Nguyễn Tư Giản là nhà văn chuyên viết lịch sử, tiểu thuyết, tên tuổi được khẳng định trong Từ điển văn hóa Việt Nam và Lược truyện các tác gia Việt Nam. Ông có tham gia vào Việt Nam Quốc Dân đảng, chống Pháp, do Nguyễn Thái Học lãnh đạo.
Năm 2012, tại Thư viện Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Hội thảo mang tên "Nguyễn Triệu Luật - con người và tác phẩm" ,nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh (1903 - 2013) của nhà văn,. Đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, gia đình và bạn đọc yêu văn chương của Nguyễn Triệu Luật đã tới dự. Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội và ông Nguyễn Triệu Căn, con trai nhà văn Nguyễn Triệu Luật chủ trì hội thảo.
Cháu họ Nguyễn Tư Giản là Nguyễn Cẩn đậu Cử nhân năm 1879 , làm Tuần phủ Quảng Yên và làm đến Hiệp biện học sỹ triều vua Tự Đức.
Nguyễn Ước-Lễ là con của Nguyễn Cẩn,tốt nghiệp trường cao-đẳng pháp-chính Hà-Nội làm đến Bố Chánh,tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây.Thẩm Phán toà án hành chánh Sài gòn đời vua Bảo Đại.
Ông Nguyễn Dĩnh Nhiếp là cháu năm đời của Nguyễn Án tham gia phong trào Đông-Du của Phan Bội Châu, sang Nhật là thư ký của hoàng thân Cường Để.
Ông Nguyễn Tăng - Nguyên, là anh họ ông Nhiếp, đã từng làm bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Ông là một nhân sĩ trong nhóm Caravelle đã từng lên tiếng chống đối chế độ nhà Ngô .
Ngày nay, truyền thống hiếu học và khoa bảng của cha ông vẫn được con cháu làng Vân Điềm phát huy. Hiện làng có khoảng 120 người tốt nghiệp đại học, 7 người được nhận học vị tiến sĩ, nhiều thạc sĩ.
Nhà văn Nguyễn Triệu Căn và gia đình họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân, Nguyễn Thủy Liên là những nhân vật có tiếng ở Hà-Nội.
Con cháu họ Nguyễn vẫn có nhiều người đã đạt được học vị cao nhất của ngành đại học Âu Mỹ như tiến sỹ Nguyễn Hòa Hợp ở Úc, Nguyễn Thiện Pháp ở Pháp ...
Tại Việt Nam còn khoảng 700 người họ Nguyễn gốc Lý, bà Nguyễn Hạc Đạm- Thư - hậu duệ đời thứ 32 ở Mai- Lâm cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại (tháng 12/2009), số hậu duệ nhà Lý ở thôn Du Lâm (tức Hoa Lâm) có 19 hộ gia đình, với tổng cộng 78 người.
Ông Nguyễn Quốc- Hưng, tộc trưởng họ Nguyễn (gốc Lý) ở xã Mai- Lâm cho biết là hiện tại, số hậu duệ nhà Lý đã kiểm đếm được khoảng hơn 3.000 người, chủ yếu đang sinh sống tại Mỹ và Hàn Quốc. [7]
Về họ ngoại của họ này, có những người nổi tiếng như Bảng nhãn Lê Quý Đôn, bộ trưởng Nguyễn Xiễn, ông là cử nhân toán đầu tiên ở Việt Nam.
Hiện nay, ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế và TP Hồ chí Minh có đường mang tên Nguyễn Tư Giản, tên Nguyễn Triệu Luật được đặt cho một đường ở quận Bình-Tân, và Nguyễn Án ở Quận năm TP Hồ chí Minh.
Ngày 18-1-1993, Bộ VH-TT đã ra quyết định xếp hạng di tích nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Thực ở Vân Điềm.
Mộ cụ Nguyễn Thực được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
[1]- Nguyễn Triệu Luật, Ngược đường trường thi, Sài Gòn 1939
[2]-Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược
[3]- Đại Việt sử ký toàn thư, NXB VHTT, 2004.
[4]- Trần Đại-Sỹ- Nguyên tổ hai giòng họ Lý tại Đại-hàn
[5]- Nguyễn Khôỉ- Cổ Pháp ký sự
[6]-Đàm Văn Chí -Lịch sử văn hoả Việt Nam, NXB trẻ, 1992
[7]- Chu Minh Khôi- Đi tìm gốc tích vua Lý Thái Tổ - kỳ 3-Giác Ngộ-web, 29/03/2010
http://chimviet.free.fr/baivo/nguyenhoat/nguyenhoat_HoNguyenGocLy.htm
Nguyễn Hoạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét