Tác-giả: Nguyễn Văn Tuấn
Hôm nọ, tôi biên tập cái EoI cho một em postdoc và sau đó đọc bài viết về chi phí thật sự cho nghiên cứu và công bố khoa học ('The true costs of research and publishing') của Gs Kathryn Rudy (1) tôi thấy ngày nay sự nghiệp khoa học thật là bếp bênh. Thật vậy, người ngoài cuộc có thể không thấy tình trạng bếp bênh đó, vì họ nghĩ giới khoa học rất 'an nhiên'. Cái note này giải thích tại sao đó là một hiểu lầm ...
Thông thường, công chúng nhìn vào giới khoa học, người ta thường hình dung đó là một nhóm người khá lạ thường. Họ có vẻ lập dị, có thể bỏ cả đời để theo đuổi một vấn đề rất nhỏ nào đó chẳng có liên quan gì đến thực tế. Họ cũng viết bài báo, nhưng chẳng ai hiểu họ viết gì vì những từ ngữ có vẻ bí hiểm, cao siêu. Họ nói năng chẳng có cái gì là xác định, còn mặt mũi thì có vẻ đăm chiêu như đang suy nghĩ về một vấn đề nào đó mà người đối diện không rõ. Ngay cả cách họ ăn mặc cũng khác thường, chẳng khác gì thầy cúng sắp làm phận sự. Tóm lại, trong cái nhìn của quần chúng, giới khoa học là những người bất bình thường và có phần ... vô dụng. Vô dụng vì họ lệ thuộc vào tiền thuế của người dân, nhưng người dân thì chẳng hưởng lợi ích bao nhiêu từ họ.
"Nỗi niềm biết tỏ cùng ai"
Nhưng ít ai biết rằng đằng sau những người làm nghiên cứu khoa học là những 'nỗi niềm biết tỏ cùng ai.' Kể ra những nỗi niềm này thì cần đến một cuốn sách và người văn hay chữ tốt. Nhưng ngắn gọn và trên hết là nhà khoa học thường phải đối diện với một tương lai bất định. Hầu hết các nhà khoa học ngoài đại học (tức không hưởng lương từ trường đại học) trên danh nghĩa chỉ tồn tại 1 năm qua hợp đồng, hay nếu may mắn thì 5 năm qua một fellowship rất cạnh tranh. Hôm nay mình còn tồn tại, được mời mọc đây đó, được bay xa và bay cao; còn ngày mai sẽ ra sao rất khó đoán được, vì tất cả phụ thuộc vào nguồn tài trợ. Do đó, tất cả đều không đoán trước được. Cái tương lai bất định và nỗi ám ảnh chông chênh nó đeo đuổi nhà khoa học từ lúc mới bước vào sự nghiệp nghiên cứu cho đến những ngày cuối sự nghiệp, thậm chí cuối đời.