Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Tình trạng bất định trong sự nghiệp khoa học

Tác-giả: Nguyễn Văn Tuấn

Hôm nọ, tôi biên tập cái EoI cho một em postdoc và sau đó đọc bài viết về chi phí thật sự cho nghiên cứu và công bố khoa học ('The true costs of research and publishing') của Gs Kathryn Rudy (1) tôi thấy ngày nay sự nghiệp khoa học thật là bếp bênh. Thật vậy, người ngoài cuộc có thể không thấy tình trạng bếp bênh đó, vì họ nghĩ giới khoa học rất 'an nhiên'. Cái note này giải thích tại sao đó là một hiểu lầm ...

Ngày nay, chi phí xuất bản khoa học rất cao. Nguồn: https://www.timeshighereducation.com/features/true-costs-research-and-publishing
Thông thường, công chúng nhìn vào giới khoa học, người ta thường hình dung đó là một nhóm người khá lạ thường. Họ có vẻ lập dị, có thể bỏ cả đời để theo đuổi một vấn đề rất nhỏ nào đó chẳng có liên quan gì đến thực tế. Họ cũng viết bài báo, nhưng chẳng ai hiểu họ viết gì vì những từ ngữ có vẻ bí hiểm, cao siêu. Họ nói năng chẳng có cái gì là xác định, còn mặt mũi thì có vẻ đăm chiêu như đang suy nghĩ về một vấn đề nào đó mà người đối diện không rõ. Ngay cả cách họ ăn mặc cũng khác thường, chẳng khác gì thầy cúng sắp làm phận sự. Tóm lại, trong cái nhìn của quần chúng, giới khoa học là những người bất bình thường và có phần ... vô dụng. Vô dụng vì họ lệ thuộc vào tiền thuế của người dân, nhưng người dân thì chẳng hưởng lợi ích bao nhiêu từ họ.

"Nỗi niềm biết tỏ cùng ai"

Nhưng ít ai biết rằng đằng sau những người làm nghiên cứu khoa học là những 'nỗi niềm biết tỏ cùng ai.' Kể ra những nỗi niềm này thì cần đến một cuốn sách và người văn hay chữ tốt. Nhưng ngắn gọn và trên hết là nhà khoa học thường phải đối diện với một tương lai bất định. Hầu hết các nhà khoa học ngoài đại học (tức không hưởng lương từ trường đại học) trên danh nghĩa chỉ tồn tại 1 năm qua hợp đồng, hay nếu may mắn thì 5 năm qua một fellowship rất cạnh tranh. Hôm nay mình còn tồn tại, được mời mọc đây đó, được bay xa và bay cao; còn ngày mai sẽ ra sao rất khó đoán được, vì tất cả phụ thuộc vào nguồn tài trợ. Do đó, tất cả đều không đoán trước được. Cái tương lai bất định và nỗi ám ảnh chông chênh nó đeo đuổi nhà khoa học từ lúc mới bước vào sự nghiệp nghiên cứu cho đến những ngày cuối sự nghiệp, thậm chí cuối đời.
Sau khi xong chương trình tiến sĩ, đa số nghiên cứu sinh phải tìm một vị trí hậu tiến sĩ (postdoc). Tìm được vị trí hậu tiến sĩ không dễ chút nào, vì số vị trí thì ít mà số ứng viên thì nhiều. Các lab có tiếng chỉ tuyển nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ dựa vào công trình khoa học đã công bố. Không phải dựa vào là số lượng bài báo, mà là phẩm chất khoa học của bài báo và tập san. Mới đây, có người chỉ ra rằng để tìm được một vị trí hậu tiến sĩ ở Columbia, mỗi ứng viên phải có ít nhất 1 bài trên các tập san hạng 'top' như Nature, Cell, Science. Còn các lab khác thì ít ai chịu đọc lí lịch khoa học của ứng nếu không có ít nhất 5 bài trên tập san 'top' trong chuyên ngành. Ngay cả tìm được một vị trí thì thời gian cũng chỉ 5 năm là tối đa, chớ không có cố định. Do đó, rất khó tìm vị trí hậu tiến sĩ, nên nhiều người chuyển sang làm việc cho các công ti kĩ nghệ, quản lí hoặc hành chánh, một số người chuyển sang làm nhà báo khoa học (science journalists).

Grant, grant và grant

Tình trạng bất định trong khoa học ngày nay bắt nguồn từ vấn đề tài trợ cho nghiên cứu khoa học (thuật ngữ khoa học gọi là 'grant') mà tôi cần giải thích thêm một chút. Giới khoa học phụ thuộc rất nhiều vào grant để tồn tại. Có nhiều nguồn để xin grant, nhưng nguồn lớn nhứt và uy danh nhứt [cho nhà khoa học] là từ chánh phủ; ở Úc này thì đó là NHMRC cho y học và ARC cho khoa học và công nghệ. Có grant từ hai nguồn này được xem như là ‘chứng chỉ công nhận’ của đồng nghiệp. Có nhiều loại grant: tài trợ cho một công trình / ý tưởng nghiên cứu; tài trợ cho một chương trình nghiên cứu; tài trợ cho cơ sở vật chất; tài trợ cho cá nhân nhà khoa học (fellowship), v.v. Fellowship là quan trọng nhất, vì qua đó mà nhà khoa học có lương bổng để tồn tại [thường là] 5 năm. Khi nhà khoa học tồn tại thì mới xin các grant khác, hay nói theo cách nói của người Việt là an cư rồi mới lạc nghiệp. Nhưng thành công trong grant thì chẳng những rất cạnh tranh (trong số 2000 người đệ đơn chỉ có chừng 100 người được) mà nhiều khi kết quả gần như là một trò chơi lottery. Ngay cả những khôi nguyên Nobel cũng không thể đoán được mình sẽ có grant trong năm tới hay không.

Tỉ lệ nghiên cứu sinh có ý định theo đuổi sự nghiệp khoa bảng ở China là cao nhất so với đồng môn ở Đức và Mĩ.
Nguồn: https://www.nature.com/naturejobs/science/articles/10.1038/nj7574-597a
Nghiên cứu khoa học bắt đầu từ grant. Có grant thì mới có tiền. Có tiền thì mới mướn nhân viên cộng sự. Có nhân viên cộng sự thì mới thực hiện được nghiên cứu. Có nghiên cứu thì mới có bài báo khoa học. Có bài báo khoa học thì người ta mới mời mình đi diễn giảng. Có bài báo khoa học và có diễn giảng thì người ta mới tài trợ grant cho nghiên cứu. Do đó, vòng tròn nghiên cứu khoa học bắt đầu bằng cái grant, nhưng kết thúc cũng là ... grant!

Nhiều nhà khoa học cấp cao mỗi năm phải bỏ ra rất nhiều thì giờ chỉ để viết grant. Có người nói rằng gần 70% thời gian của họ là chỉ để nghĩ ra ý tưởng mới và viết grant xin tài trợ. Nhưng tính trung bình, tôi nghĩ con số là khoảng 40-50% thời gian chỉ để viết grant. Do đó, trái với suy nghĩ của công chúng là giới khoa học chỉ ngồi trên tháp ngà suy nghĩ chuyện đâu đâu, trong thực tế họ bỏ ra rất nhiều thì giờ để viết. Không phải chỉ viết bài báo khoa học, mà phần lớn là viết grant xin tài trợ! Viết rất nhiều, nhưng tài trợ thì chẳng bao nhiêu. Nói theo cách nói của nhạc sĩ là ‘Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu’.

Ngay cả khi có may mắn nhận tài trợ thì lại phải chi cho rất nhiều khoản chi khác trong công bố khoa học và hội nghị mà người ngoài không thấy. Giáo sư Kathryn Rudy (nhà sử học) liệt kê 7 khoản chi cho công tác phí, chi phí mua bản quyền bài báo hay hình, chi phí công bố sách, chi phí công bố bài báo khoa học, v.v. (1) Trong các khoản chi đó, tôi chú ý đến chi cho xuất bản sách. Bà viết rằng khi nộp bản thảo cuốn sách cho nhà xuất bản, họ đòi ấn phí 48,000 đôla Canada trước khi gửi ra ngoài để bình duyệt. Trong khoa học xã hội, xuất bản sách là một trong những tiêu chuẩn để được đề bạt chức vụ giáo sư, mà xuất bản sách với cái giá này thì quả thật là khó khăn cho họ.

Chi phí xuất bản và hội nghị

Đối với khoa học thực nghiệm như chúng tôi thì xuất bản sách không quan trọng, nhưng chúng tôi phải chi nhiều khoản khác như hội nghị, xuất bản bài báo, lưu trữ dữ liệu. Mỗi năm, tôi phải đi dự một số hội nghị quan trọng, thường là 3 hội nghị ở Âu châu, Mĩ, và Úc. Chi phí hội nghị ngày càng đắt đỏ: hơn 20 năm trước, chi phí ghi danh hội nghị ASBMR (khoảng 5000 người) chỉ chừng 150 USD, nhưng ngày nay là 600 USD. Đi dự hội nghị là phải mua vé máy bay, và một chuyến đi Mĩ giá trung bình là 5000 USD. Ngoài vé máy bay, còn phải đặt phòng khách sạn, và mỗi hội nghị 5 ngày thì tiền phòng cũng tròm trèm 1000 USD. Như vậy, chỉ 1 hội nghị thì chi phí cũng cỡ 7000 USD. Hội nghị Âu châu cũng có chi phí cỡ đó, nhưng hội nghị ở Úc thì chỉ chừng 2000 USD. Thành ra, mấy năm gần đây tôi và nhiều người đành bỏ những chuyến đi Âu châu, mà chỉ tập trung vào hội nghị bên Mĩ và địa phương. Nhưng đó là chi phí cho 1 cá nhân, chúng tôi còn phải lo chi trả cho thành viên của nhóm (rẻ hơn chút); nếu nhóm có 3 người đi thì chi phí tròm trèm 15,000 USD cho nước ngoài + 5000 USD cho hội nghị địa phương. Tính trung bình, mỗi năm lab chúng tôi chi gần 20,000 USD chỉ cho hội nghị!

Làm nghiên cứu khoa học là phải công bố kết quả nghiên cứu. Ngày nay, công bố khoa học cũng phải trả ấn phí. Nếu tập san chuyên ngành do hiệp hội chuyên môn quản lí thì cái giá là chừng 1000 USD mỗi bài. Nếu công bố trên các tập san Mở (Open Access) thì giá chừng 1500-2000 USD. Nếu có may mắn công bố trên các tậ san lớn thuộc Nature chẳng hạn thì cái giá là chừng 5000 USD. Mỗi năm, tính trung bình lab tôi chi ra khoảng 10,000 USD cho xuất bản phí. Tất cả những chi phí đó đều lấy từ các grant tài trợ cho nghiên cứu. Do đó, một lần nữa, vai trò của grant rất ư quan trọng.

Nhà khoa học = nhà ngoại giao + quản lí

Nhà khoa học ngày nay không chỉ đơn thuần làm nghiên cứu khoa học, mà còn phải ... hơn thế nữa. Cái 'hơn thế nữa' ở đây bao gồm khả năng quản lí tài chánh và khả năng ngoại giao. Quản lí tài chánh càng ngày càng trở thành một kĩ năng vô cùng quan trọng vì nếu làm không tốt thì rất dễ bị ... sạt nghiệp. Kĩ năng ngoại giao vô cùng quan trọng, vì nói cho cùng nhà khoa học phải sống trong bộ lạc, và làm quen với các nhân vật quan trọng trong bộ lạc là kĩ năng sống còn. Nhưng kĩ năng ngoại giao trong khoa học ở người Việt lại chưa được chú ý. Có nhiều cách để làm ngoại giao tốt trong bộ lạc, nhưng đó không phải là chủ đề của cái note này, do đó chúng ta sẽ bàn vào một dịp sau.

Tóm lại, hầu hết các nhà khoa học chọn nghiệp nghiên cứu đều đối diện với một tương lai bất định suốt đời. Tình trạng bất định xuất phát từ nguồn tài trợ cho khoa học càng hiếm và cạnh tranh rất cao. Dĩ nhiên, những người có lương từ các đại học thì tình trạng bất định không nghiêm trọng (vì họ có lương ổn định) như các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu độc lập. Nhưng ngay cả các giáo sư đại học cũng thích có fellowship vì có tài trợ đó họ không lệ thuộc vào trường đại học mà còn có ‘prestige’ trong chuyên ngành.

Cạnh tranh, cạnh tranh, cạnh tranh

Để biết tính cạnh tranh như thế nào, chúng ta có thể xem qua vài con số về công bố khoa học trong đợt tài trợ fellowship vừa qua của NHMRC. Có 3 loại fellowships chính: Emerging Leadership 1 (EL1), Emerging Leadership 2 (EL2), và Leadership (L). EL dành cho người có bằng PhD dưới 10 năm, còn L dành cho các nhà khoa học đã thành danh. Số liệu dưới đây là do một bạn ở Melbourne dày công thu thập của 3 nhóm fellowships:

EL1 (mới tốt nghiệp tiến sĩ <10 năm):
• Số bài báo trong CV: 32 (range: 1 - 124)
• Số bài báo trong tập san top 10%: 11 (0 - 61)
• Số citation trung bình 689 (0 - 5914)
• FWCI: 2.8 (0.5 - 34.25)
• Hạng: Well-done.

EL2 (tốt nghiệp tiến sĩ <10 năm):
• Số bài báo trong CV: 77 (range: 19 - 172)
• Số bài báo trong tập san top 10%: 36 (4 - 103)
• Số citation trung bình 1669 (0 - 5914)
• FWCI: 2.3 (0.99 - 8.13)
• Hạng: Impressive

Leadership (cấp professor trở lên):
• Số bài báo trong CV: 199 (range: 32 - 1010)
• Số bài báo trong tập san top 10%: 103 (10 - 390)
• Số citation trung bình 8627 (526 - 52912)
• FWCI: 3.4 (0.9 - 20.1)
• Hạng: Jedi!

Đối với đa số nghiên cứu sinh mới tốt nghiệp tiến sĩ, ưu tiên là lo tìm một vị trí postdoc. Họ đâu có thì giờ suy nghĩ đến việc thiết lập một lab/nhóm nghiên cứu độc lập. Cho dù họ có nghĩa đến thì cũng khó thực hiện, vì có ai tài trợ cho họ làm. Mà, chưa đạt trình độ independent thì làm sao tìm được EL1, chứ chưa nói đến EL2. Số phận của họ thật là bếp bênh.

Nếu các bạn đang theo học tiến sĩ hay đang làm postdoc thì phải lưu tâm đến tình trạng bất định trong sự nghiệp khoa học. Đã chọn sự nghiệp nghiên cứu thì phải biết trước tình trạng này và chuẩn bị cho sự chông chênh trước mặt. Nói như vậy không có nghĩa là không chọn sự nghiệp nghiên cứu, vì chọn lựa là quyết định cá nhân. Ai cũng muốn thành công trong sự nghiệp, nhưng thành công chỉ đến với những người chọn con đường khó khăn và chông gai, chớ không bao giờ đến với những người lựa chọn con đường trơn tru.

===
Chú thích:

(2019-09-16)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét