Hình minh họa (Nguồn: Link)
Có tổ hợp song âm nhưng tiếng Nam chọn yếu tố thứ nhất còn tiếng Bắc chọn yếu tố thứ hai: dơ bẩn, đau ốm, lời lãi, bao bọc, mai mối, hư hỏng, dư thừa, kêu gọi, sợ hãi, hình ảnh, la mắng, bồng bế, hăm dọa… còn đây là những tổ hợp ngược lại, người miền Bắc chọn yếu tố đầu, “nhường” người miền Nam chọn yếu tố sau: thóc lúa, giẫm đạp, đón rước, lừa gạt, sắc bén, lau chùi, thứ hạng, chăn mền, chậm trễ, tìm kiếm, vâng dạ, đùa giỡn, thuê mướn, mau lẹ, hung dữ, trêu chọc…Vì vậy, ta thường nghe hai cách nói khác nhau: cái đài này hỏng/ cái đài này hư; coi hình/ xem ảnh; cắt ruột thừa/ cắt ruột dư; kêu má/ gọi mẹ (về ăn cơm); chậm giờ/ trễ giờ (ra tàu); làm mau/ làm lẹ (lên); đón khách/ rước khách (đến chơi); trêu em/ chọc em (hoài); (con) dao sắc/ bén (quá); v.v.
Tác giả: PGS. TS Phạm Văn Tình
Tất nhiên là có khác (với những mức độ nhất định). người ta đặt ra các từ tiếng nếu không thì Nam, tiếng Bắc (cũng như tiếng Hà Nội, tiếng Sài gòn, tiếng Nghệ…) làm gì?
Nói cho đúng thuật ngữ, các nhà ngôn ngữ học gọi là phương ngữ Nam (Bộ) và phương ngữ Bắc (Bộ). Đó là 2 trong số 3 vùng phương ngữ chính (cùng phương ngữ Trung (Bộ) của nước ta từ xưa. Nhưng bây giờ (năm 2011) sau 36 năm nước non liền một dải, có còn sự khác biệt lớn nào giữa 2 vùng phương ngữ này không? Cũng phải nói rằng, phương ngữ là sản phẩm tất yếu của mọi cộng đồng ngôn ngữ trên thế giới. Với những cộng đồng ngôn ngữ lớn thì không nói làm gì, nhưng ngay trong phạm vi một công đồng nhỏ hẹp (có khi chỉ vài chục ngàn người) thì sự khác biệt về phương ngữ, thổ ngữ, biệt ngữ… không phải là không có. Điều này làm tăng thêm vẻ đa dạng và phong phú ngôn ngữ toàn dân.
Trẻ em hay bất cứ một người nào khác, trước khi tiếp cận ngôn ngữ toàn dân phải am hiểu tiếng nói của địa phương mình. Từ nhà ra sân, từ sân ra ngõ, đó là con đường thụ đắc tiếng mẹ đẻ của mọi đứa trẻ nói chung. Thật không có gì buồn hơn là một ngôn ngữ lớn và đông người nói (như tiếng Việt ta chẳng hạn) lại xảy ra hiện tượng “triệu người nói giống nhau như một”.
Có rất nhiều cái khác nhau giữa tiếng Nam và tiếng Bắc. Điều dễ nhận thấy nhất là mặt ngữ âm. Gặp một cô gái Sài Gòn ra thủ đô ta sẽ khó nhận ra nếu dựa vào ngoại hình, trang phục. Song nếu cô rẽ vào chợ mua hàng, bắt đầu mặc cả là người ta sẽ nhận ra ngay: Cô à! cô lựa (chọn) giùm coong (con)
giài (vài) hột (quả trứng) gịt (vịt) loộng (lộn)… Trong cách phát âm lạ tai ấy, xen lẫn nhiều từ lạ. Chẳng cần đọc Vương Hồng Sển, Đoàn Giỏi, Sơn Nam hay Nguyễn Ngọc Tư… chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt của hàng loạt các từ khác âm đồng nghĩa: bát/ chén, cốc/ li, màn/ mùng, quả/ trái, mùi/ ngò, sắn/ mì, doi/ mận, đắt/ mắc, phanh/thắng, dong/ đao, bố mẹ/ ba má, xấu hổ/ mắc cỡ… Số lượng các biến thể như vậy khá nhiều.
PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang (mà tên gọi ban đầu là Ngọc Lan, sau thành Ngọc Lang là do đọc trại âm) trong công trình của mình (1995) đã phát hiện ra nhiều nhóm từ “khác mà giống nhau” thú vị của 2 vùng phương ngữ này. Ấy là các nhóm từ ghép đẳng lập hai yếu tố mà mỗi vùng chọn một yếu tố (trước hoặc sau) để sử dụng, mà xét cho cùng thì ngữ nghĩa 2 thành tố đó lại giống hệt nhau. Chẳng hạn, đây là tổ hợp song âm nhưng tiếng Nam chọn yếu tố thứ nhất còn tiếng Bắc chọn yếu tố thứ hai: dơ bẩn, đau ốm, lời lãi, bao bọc, mai mối, hư hỏng, dư thừa, kêu gọi, sợ hãi, hình ảnh, la mắng, bồng bế, hăm dọa… còn đây là những tổ hợp ngược lại, người miền Bắc chọn yếu tố đầu, “nhường” người miền Nam chọn yếu tố sau: thóc lúa, giẫm đạp, đón rước, lừa gạt, sắc bén, lau chùi, thứ hạng, chăn mền, chậm trễ, tìm kiếm, vâng dạ, đùa giỡn, thuê mướn, mau lẹ, hung dữ, trêu chọc…Vì vậy, ta thường nghe hai cách nói khác nhau: cái đài này hỏng/ cái đài này hư; coi hình/ xem ảnh; cắt ruột thừa/ cắt ruột dư; kêu má/ gọi mẹ (về ăn cơm); chậm giờ/ trễ giờ (ra tàu); làm mau/ làm lẹ (lên); đón khách/ rước khách (đến chơi); trêu em/ chọc em (hoài); (con) dao sắc/ bén (quá); v.v.
Đấy là dùng tách riêng, còn khi dùng cả tổ hợp thì hai miền lại thống nhất dùng gần như nhau: con người hư hỏng, vẻ mặt sợ hãi, hình ảnh nhạt nhòa, công cụ sắc bén, lau chùi sạch sẽ, trêu chọc trẻ em… và có những từ, người vùng này chỉ dùng từ vùng kia (chứ không dùng của mình), như tiếng Bắc vẫn nói “mượn đầu heo nấu cháo”, “bún bò giò heo”… người miền Nam nói “bánh da lợn”, “nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc” (mà không nói "nghe theo tiếng kêu… của Tổ quốc")…
Trong bối cảnh giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa và thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhiều từ đầu tiên vốn là “đặc sản” của một vùng miền, bây giờ đã hòa nhập thành "tài sản" của chung ngôn ngữ toàn dân.
Trong xu hướng này, các từ của tiếng Nam Bộ nhập vào tiếng Việt chung là biểu hiện rõ nhất: bột giặt, kem giặt (thay cho xà phòng bột, xà phòng kem), gạch bông, bông tai (gạch hoa, hoa tai), máy lạnh (điều hòa nhiệt độ), tiêu chảy (ỉa chảy, ỉa lỏng), bà bầu (bà chửa), chỉ, cây (vàng) (đồng cân, lạng (vàng)), quậy (phá), nhậu nhẹt (ăn uống, bia rượu), lì xì (mừng tuổi), nước tương (xì dầu), nhà thuốc/ nhà sách (cửa hàng thuốc/ cửa hàng sách), v.v.
Tiếng Nam Bộ, Bắc Bộ, Trung Bộ có nhiều điểm khác và còn tiếp tục khác. Nhưng ranh giới của chúng đang được kéo gần lại với đường đồng ngữ của chủ thể tiếng việt. Đó là những hiện tượng bình thường và là nhân tố tích cực của sự phát triển. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác (ngữ âm và nhiều từ riêng biệt) thì chúng vẫn được giữ gìn, bảo lưu từ đời này sang đời khác. Đó là tính bền vững, làm nên một nét riêng, nét đẹp của tiếng Việt chúng ta.
Nguồn:
Tiếng Việt Xưa & Nay
Số 247 - năm 2011
Số 247 - năm 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét