Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Cuộc chiến cho bầu sữa mẹ

Thứ Tư, 15/07/2015 | 13:00 GMT+7

Hầu như ai cũng tin mình hiểu rõ giá trị của “sữa mẹ” qua câu “Sữa mẹ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Nhưng còn một vế bỏ lửng, vậy tốt thứ nhì là gì? Nếu bạn thoáng nghĩ đến “sữa công thức” thì chị Hồng chỉnh ngay: “Đây là sai lầm lớn nhất của các bậc cha mẹ khi họ không biết sữa công thức có hại thế nào cho trẻ mới sinh.” Theo chị Hồng, trong 72 giờ đầu mới sinh con, sữa chảy ra rất ít. Từ nghiên cứu khoa học, dạ dày bé mới sinh chỉ chứa được 5 ml sữa trong ngày đầu tiên, nên lượng sữa mẹ ít là hoàn toàn phù hợp với bé lúc ban đầu. Nhưng vì sợ con đói, cha mẹ thường không ngại thay thế bằng sữa bột. 5 ml khoang chứa dạ dày ấy lại thường bị khuyên dồn đến 30 ml sữa bột, khiến bé sẽ bị trớ hoặc nhiễm độc. Hơn nữa, sữa bột từ bò không chứa đủ enzym cần thiết để hoàn thiện niêm mạc hệ tiêu hóa non nớt, nên dễ ảnh hưởng đến phát triển sau này của trẻ.

Suốt 2 năm nay, 68 hiểu lầm phổ biến về sữa mẹ đã được Lê Nhất Phương Hồng “lật ngược”, mở ra vùng kiến thức mới cho các bậc cha mẹ.

Gần đây, trong cộng đồng các bà mẹ Việt Nam đang âm ỉ một cuộc cách mạng độc đáo: “Nuôi con bằng sữa mẹ triệt để”. Đây là ngọn cờ đầu tiên đánh trực diện vào sữa công thức và những ngộ nhận sai lầm quanh sữa mẹ. Từ một hội nhỏ có tên Betibuti (gồm 4 Việt kiều và 5 người Việt), sau 2 năm hoạt động, Betibuti đã tăng thêm 50 tình nguyện viên dịch thuật và 100.000 người ủng hộ qua internet. Ngạc nhiên nhất, dẫn đầu cả đại quân đó lại là một bóng hồng nhỏ nhắn và hiền hòa. Chị tên Lê Nhất Phương Hồng (Việt kiều Úc), chuyên gia sữa mẹ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được công nhận bởi các tổ chức y tế uy tín thế giới, gồm cả Học viện Sữa mẹ Quốc tế và UNICEF. Các bà mẹ đã quen thuộc với chuyên gia Hồng qua mục tư vấn chăm con của chương trình “Sống Khỏe” trên VTV1 và “Tiêu Điểm Sức Khỏe” trên VOV Giao Thông.

Khác với nhiều y bác sĩ hiện tại, chị Lê Nhất Phương Hồng không đưa lời khuyên theo kinh nghiệm nuôi trẻ dân gian. Ngược lại, kinh nghiệm ông bà đang lần lượt bị chị phân tích và giải tỏa bằng dẫn chứng y khoa hiện đại. Suốt 2 năm nay, 68 hiểu lầm phổ biến về sữa mẹ đã bị chị “lật ngược”, mở ra vùng kiến thức mới cho các bậc cha mẹ.

Đầu năm 2014, Nhà xuất bản Phụ Nữ (thuộc Hội Phụ nữ Việt Nam) đã tìm đến đề nghị chị Hồng chuyển những tư vấn ấy thành sách ”68 Ngộ nhận và Giác ngộ: Nuôi con bằng sữa mẹ”. Sách vừa ra mắt tháng 4 năm nay, nhưng khách muốn mua đành xếp hàng chờ lần tái bản tiếp theo. Tuy 70% nội dung sách đã lan truyền miễn phí trên mạng, nhưng 3.700 bản đầu tiên đã bán hết sạch chỉ trong 1 tháng.



Lê Nhất Phương Hồng, chuyên gia sữa mẹ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam - Ảnh: Tuyển Phan

Trả lại vị trí độc nhất cho Sữa Mẹ

Hầu như ai cũng tin mình hiểu rõ giá trị của “sữa mẹ” qua câu “Sữa mẹ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Nhưng còn một vế bỏ lửng, vậy tốt thứ nhì là gì? Nếu bạn thoáng nghĩ đến “sữa công thức” thì chị Hồng chỉnh ngay: “Đây là sai lầm lớn nhất của các bậc cha mẹ khi họ không biết sữa công thức có hại thế nào cho trẻ mới sinh.”

Theo chị Hồng, trong 72 giờ đầu mới sinh con, sữa chảy ra rất ít. Từ nghiên cứu khoa học, dạ dày bé mới sinh chỉ chứa được 5 ml sữa trong ngày đầu tiên, nên lượng sữa mẹ ít là hoàn toàn phù hợp với bé lúc ban đầu. Nhưng vì sợ con đói, cha mẹ thường không ngại thay thế bằng sữa bột. 5 ml khoang chứa dạ dày ấy lại thường bị khuyên dồn đến 30 ml sữa bột, khiến bé sẽ bị trớ hoặc nhiễm độc. Hơn nữa, sữa bột từ bò không chứa đủ enzym cần thiết để hoàn thiện niêm mạc hệ tiêu hóa non nớt, nên dễ ảnh hưởng đến phát triển sau này của trẻ.

Chị Hồng có thể nhận ra ngay ngộ nhận này vì từng nghiên cứu rất nhiều tư liệu nuôi trẻ nhỏ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Khi hai con chị lớn lên hoàn toàn bằng sữa mẹ, chị cũng ngạc nhiên tại sao nhiều người vẫn “không sợ” sữa công thức?

Đây chỉ là một trong nhiều ngộ nhận về vai trò của sữa mẹ tại Việt Nam. Đầu năm 2012, khi đang là cán bộ ở một ngân hàng nước ngoài tại TP.HCM, chị Hồng tình cờ được đồng nghiệp vào trang Facebook giao lưu chia sẻ giữa các bà mẹ Việt. Bất ngờ thay, những sai lầm như trên lại là kinh nghiệm truyền tay nhau của hàng ngàn bà mẹ tại diễn đàn này. Chị phản hồi và trích nguồn đến tư liệu y khoa thế giới để cảnh báo mọi người. Nhưng lời chị lại bị nhấn chìm dưới vô vàn ngộ nhận khác. Có hai lý do. Một là vì 4 năm định cư ở Úc, chị quên mất nguồn dẫn tiếng Anh vẫn là rào cản với người Việt. Hai là chị là ai mà họ cần lắng nghe?

Từ hôm ấy, ngày làm ngân hàng, đêm về chị Hồng cặm cụi học từ xa các khóa chuyên sâu về sữa mẹ của những tổ chức uy tín nhất thế giới gồm Học viện Quốc tế Sữa mẹ, UNICEF và Liên minh Thế giới Hành động vì Nuôi con bằng Sữa mẹ. Năm 2013, chị đến Malaysia để thực hành tư vấn sữa mẹ tại Bệnh viện Seberang Jaya. Song song với quá trình học, chị đã lập hội Betibuti để chuyển ngữ các tài liệu y khoa đến cộng đồng. Đêm nào không có lớp, chị lại ngồi miệt mài tư vấn cho các bà mẹ qua video và email.

Đến đầu năm 2015, 16 chứng chỉ chuyên môn đã giúp chị Hồng có chỗ đứng uy tín của một chuyên gia. Kinh nghiệm tư vấn và kiến thức cho chị lý lẽ để đạp đổ 68 ngộ nhận thu thập được. Vì có dẫn chứng khoa học cụ thể, những bài tư vấn của chị tác động lớn đến cộng đồng. Lúc này đã khác hẳn trước kia. Hơn 110.000 bà mẹ thuộc hội Betibuti đã lắng nghe chăm chú lời chị: “Sữa mẹ là tốt nhất. Tốt nhì là sữa mẹ tự vắt, nếu thiếu sữa. Tốt ba vẫn là sữa của bà mẹ khác, nếu không có sữa.”

Người đi nhặt sao biển

Một số bà mẹ hiểu ra tác hại của sữa công thức, nên đã kiên quyết dùng sữa mẹ. Nhưng họ lại tự mình làm tắc sữa do những thói quen sai lầm, như quan niệm dân gian “ăn móng giò lợi sữa”. Từ nguồn WHO, chất và lượng sữa mẹ rất ít phụ thuộc vào các món ăn của sản phụ. Chúng tùy vào hormone sinh ra từ tinh thần người mẹ khi thấy ngon miệng và dễ tiêu hóa. “Bà mẹ ở nước khác đâu có ăn móng giò để tạo sữa. Thực chất, mỡ động vật là nguyên nhân gây tắc tia sữa nếu cứ ăn món này mỗi ngày,” chị Hồng rút ra lời khuyên.

Đi qua hết 68 ngộ nhận, nhiều người sẽ hiểu tại sao cả nước ta chỉ có 19,6% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ, theo nguồn từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Đặc biệt, theo thống kê của viện này vào tháng 12.2013, ngay tại TP.HCM, con số ấy chỉ còn 1%. “Con số này quá thấp. Chúng tôi nhận ra Betibuti vẫn còn một con đường đấu tranh rất dài phía trước,” chị Hồng chia sẻ.

Trong “Tuần Lễ Nuôi Con Sữa Mẹ Thế Giới” vào tháng 8 năm nay, chị Hồng sẽ tình nguyện tham gia tư vấn sữa mẹ trong “Hành trình xuyên Việt xin sữa mẹ” 10 ngày, tổ chức bởi Ngân hàng Sữa mẹ và Hội sữa mẹ Betibuti. Đầu năm 2016, ngoài hoạt động tư vấn riêng trên truyền hình và qua mạng, chị dự định thành lập Trường Tư vấn Sữa mẹ. Tại đây, các bà mẹ sẽ được truyền lại kiến thức chị Hồng đã tích lũy trong 2 năm qua với 2 mục đích: nâng cao kiến thức chăm con cho bản thân và tham gia xóa bỏ những ngộ nhận còn lại trong xã hội.

Gần đây, chị Hồng đã từ bỏ vị trí cao cấp ở ngành tài chính để toàn tâm chăm lo cho “sữa mẹ”. Liệu có ngày chị hối hận khi gỡ mãi không hết “ngộ nhận”? Chị Hồng lắc đầu: “Lúc tôi đi học về sữa mẹ, tôi nào có nghĩ sẽ thay đổi toàn bộ các bà mẹ trên đất nước này. Tôi chỉ gắng nhặt sao biển thôi.”

Bạn biết câu chuyện ấy không? Trên một bờ biển nọ, sóng đánh dạt hàng vạn con sao biển vào bờ. Một cậu bé nhặt từng con vứt trở về biển. Sóng đánh chúng lại trôi ngược vào. Cậu liền nhặt vứt lại. Ai cũng bảo cậu thật phí công. Chị Hồng đáp thay lời cậu bé: “ Có thể việc này không có ý nghĩa gì đối với cả bãi biển, nhưng đó là sự đổi đời cho từng con sao biển mắc cạn mà chúng tôi đã nhặt”.

Đoàn Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét