Tiểu sử
Ông sinh ngày 4 tháng 4 năm 1910, quê ở làng An Cựu, ngoại thành kinh đô Huế. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937, tại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Sau đó, ông làm trợ lý cho giáo sư bác sĩ người Pháp Henry Galliard chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa Đông Dương (tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội). Năm 1942 ông là trưởng Labo (phòng thí nghiệm) Ký sinh trùng và ông đã hoàn thành 19 công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng. Năm 1943 ông đi du học tại Nhật Bản. Năm 1945, ông là hội trưởng hội Việt kiều yêu nước tại Nhật Bản. Năm 1949, ông về nước tham gia kháng chiến chống Pháp, trở thành giảng viên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa tại Chiêm Hóa. Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc, ông đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc Penicillin, loại thuốc kháng sinh này đã góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này. Năm 1955, ông sáng lập ra Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam, và làm Viện trưởng đầu tiên của viện này. Trong chiến tranh Việt Nam, ông tập trung nghiên cứu phòng chống và điều trị căn bệnh sốt rét tại Việt Nam. Năm ngày 1 tháng 4 năm 1967, ông đã mất trong một trận Mỹ ném bom B52, tại một địa điểm trên dãy Trường Sơnthuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi đang nghiên cứu căn bệnh sốt rét.
Tự thuật của Giáo sư Đặng Văn Ngữ từ nhỏ đến khi về nước tham gia Kháng Chiến (1910 - 1949)
Trong cuộc chỉnh huấn tại chiến khu Việt Bắc năm 1954, giáo sư Đặng Văn Ngữ có viết một bản tự thuật về cuộc đời của mình.
Năm 1988 gia đình đã cho công bố nguyên văn bản tự thuật đó trên tạp chí Sông Hương ở Huế (số 33 tháng 9, 10 năm 1988), với tiêu đề "Trở về với quê hương kháng chiến".
Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910-1967)
|
Cha tôi lúc còn nhỏ tự học chữ nho có tiếng là giỏi, nhưng đến tuổi đi thi thì thực dân Pháp đã bãi bỏ các kỳ thi chữ nho. Mẹ tôi, lúc lấy cha tôi, là người bán hàng xén, hàng ngày gánh một gánh hàng đi bán khắp các chợ ở vùng thôn quê quanh thành phố Huế. Đến lúc đẻ tôi thì vốn hàng rong đã tương đối khá hơn, đã thuê được một tấm phản ở chợ An Cựu. Hàng ngày chị tôi và một người giúp việc gánh hàng ra chợ; mẹ tôi, chị tôi và sau này chị dâu tôi cùng ngồi bán. Không bao lâu gian hàng của gia đình tôi đã trở nên đắt khách nhất và to nhất ở chợ An Cựu. Cha tôi không bao giờ bước chân ra chợ, chỉ ở nhà lo việc sổ sách, chuẩn bị hàng hoá, như làm mứt kẹo, xắt thuốc lá cho mẹ tôi bán. Anh tôi lớn hơn tôi bốn tuổi, tuy từ lúc bé cũng đi học trường Pháp thuộc, không học chữ nho, nhưng chịu ảnh hưởng của nho giáo một cách sâu sắc. Anh tôi lấy chữ "Hiếu" làm mục đích của đời sống, và suốt đời chỉ muốn làm như thế nào cho đúng theo lời dạy của Khổng Mạnh.
Lúc chúng tôi đi học, cha mẹ tôi đã làm ăn khá giả, nên thường xuyên rước thầy về nhà để dạy thêm cho chúng tôi. Các thầy phần nhiều là học sinh người Nghệ An, Hà Tĩnh, học trên anh tôi hai - ba lớp (một trong số thầy giáo đó là đồng chí Hà Huy Tập). Ban ngày các thầy cũng đi học với chúng tôi, đến tối lại ngồi học và giảng thêm cho chúng tôi. Trong mấy tháng nghỉ hè, chúng tôi thường xuyên có thầy dạy ở nhà. Lúc nhỏ, anh tôi rất thông minh và luôn đứng đầu lớp. Cha tôi rất vui mừng, nghĩ rằng đời mình đã không đỗ đạt được thì may ra con mình sẽ đỗ đạt cao để gia đình mình khỏi mang tiếng là "Trọc phú". Tất cả hy vọng của cha mẹ tôi lúc ấy đều đặt vào anh tôi, vì tuy nhà luôn có thầy kèm, nhưng khi nào tôi cũng đứng chót lớp.
Và cũng vì học dốt, nên mỗi năm tôi phải đổi trường để xin lên lớp trên, nếu không nhất định phải lưu ban. Tôi đã học quanh hầu hết tất cả các trường ở Huế: Paul Bert, Chaigneau, Quốc học, Trường Giòng.
Năm 15 tuổi, tôi theo một người dượng (cậu rể) ra học lớp nhất (tương đương với lớp 5 bây giờ) tại Trường Quốc học Vinh. Dượng tôi cũng là giáo viên ở Trường Vinh nên nhờ gửi gắm cho các giáo viên khác và tôi đã thi đỗ bằng Sơ học yếu lược.
Trở về Huế, thi vào Trường Quốc học, tôi thi trượt phải học lại một năm lớp nhất Trường Quốc học Huế. Năm sau thi lại, vẫn trượt nên phải xin vào học lớp đệ nhị niên ở Trường Thầy Giòng, Trường Giòng là trường tư nên chỉ xin vào là được, không cần phải thi. Năm ấy anh tôi đang học lớp đệ tam ở Quốc học, cha mẹ tôi cưới vợ cho anh tôi. Việc đó rất tai hại: cưới vợ chưa được một tháng, anh tôi từ đứng đầu lớp, tuột xuống đứng cuối lớp. Cuối năm ấy phải lưu ban và năm sau không đủ điểm lên lớp nên phải thôi học, xin đi làm giáo viên trường làng.
Cha tôi thất vọng, có lần toan tự tử, gia đình can mãi mới thôi. Nhưng lúc ấy thì tôi lại học khá dần. Tuy học có khá hơn, nhưng về thời sự thì hoàn toàn không hiểu gì hết. Lúc tôi học lớp đệ tứ ở Trường Giòng cũng là lúc có phong trào bãi khoá của học sinh các trường để phản đối cảnh sát bắt giam một số học sinh Trường Quốc học đã để tang cụ Phan Chu Trinh. Một số anh em vận động bãi khoá ở Trường Giòng. ở Trường Giòng, mỗi buổi sáng có một hồi chuông, học sinh xếp hàng theo hai hàng, lớp đệ tứ đi trước, rồi đến lớp đệ tam, đệ nhị... Tôi thuộc loại bé nhất lớp đệ tứ nên đến hồi chuông thứ hai là đi mở đường cho toàn trường. Hôm ấy, trong giờ chơi trước khi sắp hàng, một số học sinh lớp đệ tứ đến gặp bọn nhỏ bảo: chốc nữa cứ xếp hàng như thường lệ, nhưng đến khi hồi chuông thứ hai thì đi thẳng ra cổng trường không đi vào lớp. Bọn trẻ chúng tôi không đồng ý, cho rằng Trường Giòng là trường tư, không có lý do bãi khoá theo trường công, và đến hồi chuông thứ hai chúng tôi vẫn theo thường lệ đi thẳng vào lớp học. Đa số học sinh đã theo chúng tôi vào lớp, chỉ có một số ít bỏ hàng ngũ đi ra cổng.
Trong kỳ thi Thành chung, trong số hơn bốn mươi học sinh Trường Giòng đi thi, chỉ có hai người đậu: tôi và một người khác. Cha mẹ tôi rất vui mừng, bao nhiêu hy vọng trước đây đặt vào anh tôi thì nay chuyển cả sang tôi. Tôi được coi như một vị cứu tinh của gia đình. Thấy tôi đang trên đà học khá, cha mẹ tôi cho tôi ra Hà Nội tiếp tục học ở Ban tú tài bản xứ mới thành lập tại Trường Bưởi. Lúc học ở Hà Nội, tôi được học bổng như tất cả các học sinh ở miền Trung. Năm 1930, tôi thi đỗ tú tài bản xứ và tú tài Tây. Sau đó tôi lại được học bổng để vào Trường Đại học Y - Dược, và đến năm 1937 thì tốt nghiệp Y khoa bác sĩ.
Lúc tôi học đến năm thứ hai Y khoa thì cha mẹ tôi hỏi vợ cho tôi là cô con gái mười bốn tuổi của Thượng thư Bộ Hình triều đình Huế Tôn Thất Đàn. Cha tôi muốn hỏi vợ cho tôi ở nhà quan to để chứng minh với xóm giềng rằng, cha tôi không cần phải vào luồn ra cúi với triều đình nhà Nguyễn, nhưng vẫn vinh dự, không kém kẻ đỗ đạt cao ra làm quan. Tôi lúc ấy chỉ biết học, còn vấn đề vợ con thì hoàn toàn theo ý bố mẹ. Hàng năm đến kỳ nghỉ hè, tôi sang thăm gia đình vợ sắp cưới một lần, cho đến khi thi bác sĩ xong mới cưới. Suốt thời gian "Làm rể" trong sáu năm, tôi không hề thấy mặt vợ chưa cưới của tôi.
Trong thời gian học ở Trường Đại học Y - Dược, tôi luôn luôn đứng đầu lớp, và vì vậy theo quy định, năm nào cũng làm đại biểu sinh viên lớp: năm 1935 tôi là đại biểu lớp năm, đồng thời là đại biểu sinh viên toàn trường, vì lớp năm lúc ấy là lớp cao nhất. Lúc bấy giờ xảy ra một việc làm tôi suýt bị đuổi ra khỏi trường. Sinh viên lúc ấy, từ năm thứ ba trở lên, có nhiệm vụ thường trực ở Bệnh viện Phủ Doãn. Trong lúc thường trực sinh viên ăn cơm ở bệnh viện theo chế độ của bệnh nhân trả tiền thuộc loại cao nhất. Nhưng vì bọn thầu khoán ăn lãi rất nhiều nên cơm ăn rất tồi, sinh viên đòi bệnh viện phải trả tiền cho sinh viên thường trực để tự giải quyết lấy bữa ăn, không chịu ăn ở bệnh viện. Tôi là đại diện của trường có nhiệm vụ đưa yêu cầu của sinh viên cho Giám đốc bệnh viện. Bệnh viện không đồng ý và vấn đề cứ thảo luận đi thảo luận lại mãi. Trong khi giằng co chưa giải quyết, một số sinh viên đến giờ ăn, bỏ cả thường trực bệnh viện ra ngoài hiệu ăn cơm. Một hôm có bệnh nhân cấp cứu đến vào lúc hai sinh viên trực đều bỏ đi ăn cơm. Bệnh nhân chết. Trường Đại học Y khoa đã quyết định đuổi hai sinh viên nói trên ra khỏi trường. Một năm sau vụ này tôi mới biết rằng tôi cũng suýt bị đuổi. Hôm ấy tôi đang soạn thực tập cho sinh viên, Henri Galliard xem tôi làm việc, rất thích và bảo: "Hay quá, nếu năm ngoái tôi không thận trọng thì tôi đã mất một người cộng tác quý báu!".
- Sao vậy?
- Năm ngoái tôi có chỉ thị của Phủ Toàn quyền phải đuổi anh và hai sinh viên thường trực ra khỏi trường vì Sollier báo cáo lên rằng anh là "Meneur" (người cầm đầu) trong việc sinh viên đấu tranh ở bệnh viện. Tôi vừa ở Pháp sang, thấy Sollier rất quỷ quyệt, nó lừa anh vào tròng để hại anh. Tôi xét lại học bạ của anh, thấy anh là học trò xuất sắc nên nhất định không đuổi anh. Đến nay tôi thấy tôi đã làm đúng.
Tôi bắt đầu nghiên cứu ở phòng thí nghiệm và yêu thích công tác nghiên cứu khoa học từ năm thứ ba trung học. Lúc ấy tôi vào loại học sinh khá nhất về toán và lý. Giáo sư lý lúc ấy là Vicenti giao tôi nhiệm vụ chuẩn bị các thí nghiệm vật lý cho lớp.
Đến năm thứ ba Y khoa, tôi lại được một dịp khác để làm công tác ở phòng thí nghiệm. Giáo sư môn lý lúc ấy là Fenix de Lacombe giao tôi chuẩn bị thực tập cho sinh viên cùng lớp.
Khi tôi học đến năm thứ sáu Y khoa, thì trong trường có sự thay đổi lớn. Trước đây sinh viên học năm thứ năm xong, phải sang Pháp học năm thứ sáu và trình luận án Y khoa bác sĩ ở Pháp thuộc Đại học Paris. Nhưng từ năm ấy trở đi, Trường Đại học Y khoa Hà Nội mở thêm một lớp sáu nữa. Đại học Paris cử sang Hà Nội một giáo sư để làm Giám đốc Trường Đại học Y khoa Hà Nội và để làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các luận án. Như thế là sinh viên Y khoa không sang Pháp nữa. Giáo sư được cử sang làm Giám đốc Trường Đại học Y khoa Hà Nội là Henri Galliard, chuyên môn về khoa Ký sinh trùng và kiêm làm Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng. Lúc ấy Phan Huy Quát và tôi cùng ở một nhà, học một lớp cả hai đều muốn làm công tác nghiên cứu khoa học. Chúng tôi đến xin làm phụ trách trợ lý cho Bộ môn Ký sinh trùng. Henri Galliard nhận cả hai. Đến năm 1937 sau khi ra trường bác sĩ Phan Huy Quát chuyển sang làm trợ lý Bộ môn Nội khoa, Chủ nhiệm là Massias. Tôi ở lại làm trợ lý cho Henri Galliard. Phụ cấp cho chúng tôi lúc ấy mỗi tháng là sáu mươi đồng. Được tin tôi đậu Y khoa bác sĩ, anh tôi liền viết cho tôi một bức thư gọi tôi về Huế mở phòng khám bệnh để được gần gũi gia đình và "Trả công lao cho cha mẹ".
Tôi viết thư trả lời lại rằng tôi chỉ muốn tiếp tục học và nghiên cứu ở Trường Đại học Y khoa, còn vấn đề trả hiếu cho cha mẹ, tôi sẽ trả bằng cách sẽ nuôi con tôi như cha mẹ tôi đã nuôi tôi. Anh tôi cho câu nói ấy là láo xược và gửi trả lại thư cho tôi.
Là bác sĩ mới ra trường, mở phòng khám bệnh thì mỗi tháng trung bình có thể thu được năm, sáu trăm đồng, thi vào ngạch bác sĩ bệnh viện thì lương tháng chừng ba trăm đồng, nhưng nếu ở lại làm trợ lý cho Trường Đại học Y khoa thì chỉ được lĩnh phụ cấp mỗi tháng sáu mươi đồng không có lương, vì lúc ấy chưa có ngạch cán bộ giảng dạy là người Việt Nam ở Trường Đại học Y - Dược khoa. Tuy vậy, số anh em cùng tốt nghiệp năm ấy muốn ở lại làm trợ lý không phải là ít. Để có thể sinh sống, đồng thời có thì giờ học thêm ở trường, chúng tôi đã họp nhau lại, tổ chức một cơ sở khám bệnh và bệnh viện gọi là Bách khoa Y viện Lucas Championnière. Lucas Championnière là một giáo sư đã chết mà sinh viên Y khoa đều mến phục. Bách khoa Y viện có các khoa: Nội do Phan Huy Quát trợ lý Bộ môn Nội khoa phụ trách, Sản phụ và Hài nhi do Lê Hữu Mỹ trợ lý Bộ môn Sản phụ ở trường phụ trách. Da liễu do Nguyễn Hữu Phiến trợ lý khoa Da liễu phụ trách. Khoa Chiếu điện và bệnh phổi do Đặng Hữu Lộc trợ lý bộ môn Điện quang phụ trách và khoa Tai-Mũi-Họng do Nguyễn Trọng Tuệ phụ trách. Tôi phụ trách Kiểm nghiệm và Vi trùng, Ký sinh trùng với cả một ít hoá nghiệm. Nguyễn Trọng Tuệ không có nhiệm vụ ở trường đại học làm thường trực bệnh viện. Còn tất cả các anh em khác đều sáng làm công việc trợ lý ở Bệnh viện Phủ Doãn, chiều ở Bách khoa Y viện. Riêng về tôi thì suốt ngày làm việc ở phòng thí nghiệm của trường, chỉ làm việc ở Bách khoa Y viện lúc ban đêm hoặc khi có việc cấp bách. Polyclinique Lucas Championnère có hai cơ sở. Cơ sở khám bệnh ở phố Hàng Trống, có cả máy chiếu điện, kính hiển vi, một ít công cụ mổ xẻ thông thường, có ô tô v.v... Cơ sở điều trị ở phố Jaureguibery (bây giờ là phố Quang Trung) có mười hai phòng, có giường sắt, lavabo, bàn mổ, bàn đẻ v.v... Để xây dựng Y viện, chúng tôi phải vay tiền của một tên địa chủ cho vay nặng lãi, anh vợ của Nguyễn Hữu Phiến. Polychnique Lucas Championnère đã phá sản sau hai năm hoạt động rất khó khăn. Thu hoạch hàng tháng chỉ vừa đủ để trả tiền nhà, tiền y tá, tiền ét-xăng ôtô và tiền nợ. Rút cục, chúng tôi cũng chỉ dựa vào phụ cấp trợ lý để sống. Tiếp đó Lê Hữu Mỹ, rồi Đặng Hữu Lộc mắc bệnh lao mà chết. Bách khoa y viện phải giải tán. Phan Huy Quát nhận cơ sở điều trị ở phố Jaureguibery và mua lại máy điện. Nguyễn Hữu Phiến và Nguyễn Trọng Tuệ chia nhau phòng khám bệnh Hàng Trống. Tôi từ giã tất cả, để chỉ tập trung vào Trường Đại học Y - Dược khoa.
Lúc ấy tôi đã trở thành giảng viên ở Trường Y - Dược khoa. Với lương tháng được một trăm đồng, nhưng vì mới sinh một con nên đời sống khá khó khăn. Vợ tôi phải làm bánh gửi đi các nhà hàng bán để tăng thêm thu nhập. Đến năm 1941 tôi phụ trách giảng thêm môn Sinh vật cho sinh viên Dược khoa, lĩnh thêm một trăm đồng tiền phụ cấp nữa, nên đời sống trở nên dễ dàng đôi chút.
Năm 1941 Massuo Ôta, một giáo sư Nhật Bản, chuyên môn về nấm học sang thăm Hà Nội. ở đại giảng đường đại học, Ôta thường xuyên đến phòng thí nghiệm ký sinh trùng để nghiên cứu về nấm và có dịp hướng dẫn tôi một ít kỹ thuật nuôi cấy nấm. ít lâu sau khi ôta về nước, nhân lúc nói chuyện về Nhật Bản, tôi hỏi Henry Galliard: "Giá như có điều kiện sang Nhật Bản nghiên cứu thêm thì ông có để cho tôi đi không?". Henri Galliard trả lời: "Nếu Nhật có mời học sinh sang học bên Nhật thì chúng sẽ chọn những sinh viên chưa hiểu biết gì để chúng nhồi sọ cho dễ, chúng chả dại nhận những người đã trưởng thành như anh đâu". Tôi hỏi lại: "Nhưng nếu có trường hợp đi được thì ông nghĩ sao?", Henri Galliard bảo: "Anh đi thì thiệt cho tôi thật, nhưng nếu là vì lợi ích của anh thì tôi cũng để anh đi. Brumpt (thầy của Henri Galliard) đối với tôi như thế nào thì tôi cũng đối với anh như vậy. Tôi sang đây Brumpt có gặp khó khăn, nhưng vì sang đây có lợi cho tương lai của tôi nên Brumpt vui lòng để tôi đi. Anh sang Nhật Bản học, sau này về sẽ trở thành một nhà Nấm học giỏi nhất ở á Đông cũng nên".
Câu chuyện hầu như đã quên hẳn, nhưng một hôm Henn Galliard gọi tôi đến và nói: "Câu chuyện đi Nhật Bản thế mà có thật đấy. Có hai loại sinh viên có thể được chính phủ Nhật Bản mời sang. Thứ nhất là nghiên cứu sinh, lấy ba người đã tốt nghiệp đại học; loại thứ hai là lưu học sinh, trình độ học sinh trung học để vào Đại học ở Nhật Bản, lấy bảy người. Henri Galliard lại đưa tôi xem công văn của Nha Đại học giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Y - Dược khoa chọn bác sĩ gửi đi, và có dặn cụ thể nên chọn một người có trình độ khá, đại diện được xứng đáng cho nền Y học Pháp ở Việt Nam. Henri Galliard bảo: "Anh có đủ điều kiện lắm, vả lại tôi đã hứa, tôi để anh đi nhưng nghĩ lại cho kỹ xem, và hỏi lại vợ anh xem".
Vợ tôi sẵn sàng hy sinh, chịu xa cách để tôi theo đuổi một nguyện vọng mà vợ tôi cho là cao quý. Ngày hôm. sau tôi trả lời dứt khoát với Henri Galliard là tôi quyết tâm đi. Henri Galliard làm giấy giới thiệu để tôi đi Nhật Bản. Tôi được gửi đi với tư cách một phái viên của Trường Đại học Y - Dược khoa, vì vậy phụ cấp trợ lý của tôi vẫn được giữ. Vợ tôi về Huế ở với cha mẹ tôi, đem theo ba con: lên năm, lên ba và một tháng tuổi. Hàng tháng Trường Y gửi phụ cấp của tôi cho vợ tôi.
Sinh hoạt phí của tôi ở Nhật Bản thì do Chính phủ Nhật Bản cấp. Cùng đi với tôi lúc ấy có hai nghiên cứu sinh khác là Hà Thứ, cử nhân luật và một người Pháp (tôi quên tên), giáo sư Anh văn và Nhật văn ở Trường Albert Sarraut. Bảy lưu học sinh (năm Việt Nam và hai Pháp) là: Phan Thị Đào, Phạm Thị Lý, Hoàng Đình Lương, Lê Văn Quý, Nguyễn Thanh Nguyên, Rivoalen và Barthelemy. Trừ Nguyễn Thanh Nguyên là sinh viên Nha khoa, tất cả đều là học sinh lớp đệ nhất và đệ nhị trung học.
BS. Đặng Văn Ngữ và Bà Tôn Nữ Thị Cung (Huế - 1937)
|
Đến Nhật Bản, chúng tôi ở Tokyo, tại nhà trú quán dành riêng cho học sinh các nước Đông Nam á. ở đây đã có bảy sinh viên Việt Nam đến trước chúng tôi là: Ngô Văn Mạnh, Phạm Đại Thái, Hồ Quang Phước, Lương Đình Của, Nguyễn Xuân Oanh, Phạm Xuân Ngoạn và Trần Văn Lý. Trong trú quán có chừng vài chục học sinh người Indonesia và vài chục người Thái Lan.
Chủ trương của nhà trường lúc ấy là tất cả học sinh đều phải học qua một năm tiếng Nhật Bản rồi mới vào trường đại học hay vào nghiên cứu. Tôi phản đối chủ trương ấy, vì tôi không thể nào xa rời công tác nghiên cứu lâu như thế được. Nhà trường nhất trí để tôi sáng học chữ Nhật Bản, chiều đi nghiên cứu ở trường đại học trong bộ môn của Ôta. Tuy vậy không có lớp riêng, tôi học một lớp với anh em khác nhưng họ học cả ngày, tôi chỉ học buổi sáng. Do đó chữ Nhật của tôi rất kém, không thể theo kịp anh em khác. Nói chung tất cả lưu học sinh các nước Đông Nam á sang học ở Nhật Bản đều ghét Nhật, nhưng biểu hiện mỗi nước một cách, tuỳ theo tình hình chính trị trong nước mình. Học sinh Thái Lan ỷ thế nước mình được độc lập công khai phản đối, chỉ trích Nhật Bản. Học sinh Nam Dương thì kín đáo ghét Nhật một cách ngấm ngầm. Học sinh Việt Nam thường rất vui vẻ, lễ độ nhưng thỉnh thoảng có những phản ứng bất ngờ.
Lúc ấy do sự phong toả của tàu ngầm Đồng minh, đời sống ở Nhật Bản rất khó khăn.
Biết được thức ăn ở ký túc xá rất kham khổ, bọn Pháp ở Tokyo phân công mời chúng tôi đến nhà chúng ăn cơm vào những ngày thứ bảy, chủ nhật. Chúng tổ chức nói chuyện ở nhà Pháp- Nhật, mời chúng tôi đến nói chuyện về tình hình văn hoá ở Việt Nam. Thính giả là những người Nhật trước đây có học ở pháp, đa số là giáo sư các Trường Đại học ở Nhật Bản.
Đại sứ Nhật Bản lúc bấy giờ là Henry Cosmeno thường mời tôi đến khám bệnh. Ông ta nói rằng không tin tưởng vào bác sĩ Nhật Bản, nên nhờ tôi hàng tuần đến tiêm thuốc. Tôi chữa bệnh không lấy tiền, nhưng phần nhiều tiêm xong thuốc là được mời ở lại dùng cơm. Một năm sau Henry Cosmeno về Pháp, Arsene Henry thay, lại mời tôi đến tiêm thuốc cho con gái.
Tình hình giao thiệp với Pháp như thế kéo dài cho đến ngày Nhật đảo chính ở trong nước. Một hôm tôi đến tiêm thuốc cho Henry Arsene thì thấy Henry Arsene đang chuẩn bị tản cư đi Kazaneva, vì Tokyo bị ném bom dữ dội. Henry Arsene bảo:
- Anh chưa biết, bọn Nhật đã hất chúng tôi và tuyên bố Việt Nam độc lập. Nhưng chỉ tạm thời thôi, Đồng minh nhất định thắng và chúng tôi sẽ trở lại. Tôi nói:
- Nếu các ông trở lại, có thể với tư cách là những người du lịch.
Nói xong, tôi bắt tay Henry ra về. Và từ đó tôi cắt hẳn giao thiệp với Pháp.
Sau khi đình chiến, Mỹ đổ bộ lên đất Nhật Bản ít lâu thì Hội Hồng thập tự Mỹ tổ chức cứu tế cho kiều dân các nước Đồng minh ở Nhật Bản. Một hôm Hội Hồng thập tự Mỹ chở đến khu Học xá một ôtô thức ăn, nào là thuốc lá, cá hộp, biscuit, v.v., tất cả học sinh Việt Nam đều trả lại các thứ viện trợ ấy và viết thư cho Hội Hồng thập tự Mỹ đại ý nói: "Các ông đã gửi nhầm vì tưởng rằng chúng tôi thuộc quốc tịch Pháp, xin nhắc lại chúng tôi là Việt Nam, không phải là Pháp".
Từ sau khi chiến tranh kết thúc tôi không còn được thư nhà nữa. Đến năm 1947, sau khi Pháp chiếm lại Hà Nội, tôi nhận được một bức thư của Đại sứ quán Pháp ở Tokyo mời tôi đến nhận thư. Tôi không đến. Đợi không được, nó lại đánh một bức điện nữa bằng tiếng Nhật để mời tôi đến, và còn cho người nhắn tôi đến nhận thư. Tôi cũng không đến, vì tôi thề không bước chân vào sứ quán Pháp nữa.
Tôi nghĩ nếu chỉ có một cái thư thì cần gì phải đến nhận mới được, nó đã mất bao nhiêu tiền tem, tiền điện để gọi cho tôi, nếu dùng tiền ấy để gửi cái thư cho tôi có phải giản đơn không? Tôi cho rằng vấn đề thư chỉ là cơ hội để bàn với tôi công việc khác, tìm cách mua chuộc tôi như trước, nên tôi không trở lại nữa.
Năm 1948, tôi lại nhận được thư của Huard (lúc này là Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược khoa Hà Nội) đại ý thư có những điểm sau:
1. Từ ngày đảo chính đến nay Trường Đại học Y - Dược khoa không gửi lương cho bà Ngữ. Tôi đề nghị Phủ Toàn quyền gửi lại số tiền lương từ lúc ấy tới nay cho bà Ngữ, nhưng Phủ Toàn quyền nói anh đã cắt đứt liên lạc với Đại sứ quán Pháp từ lâu. Nếu anh muốn bà Ngữ được truy lĩnh số tiền đó thì trả lời cho biết. Chỉ cần ý kiến anh đồng ý là tôi làm giấy trả lương được, không có ý kiến anh, Phủ Toàn quyền sẽ không cho trả.
2. Hiện nay Trường Đại học Y - Dược khoa Hà Nội trang bị rất đầy đủ, anh nên mau trở về để nghiên cứu.
3. Ở Đại học Y- Dược khoa đang có một nhóm làm việc rất tốt như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng đã theo kháng chiến; một số anh em khác hiện cũng đang làm giáo sư ở trường như Hoà, Tân. Chúng tôi rất vui mừng nếu được anh về cùng làm việc. Về thôi, đừng ở Nhật Bản lâu quá mà mất tác phong tốt của anh đi.
BS. Đặng Văn Ngữ trong thời gian học tại Đông Kinh học xá - Nhật Bản (1943 – 1949)
|
Đoàn lưu học sinh Việt Nam và các nước Đông Nam Á tại Đông Kinh học xá - Nhật Bản
Từ trái, hàng thứ hai, người thứ ba: BS. Đặng Văn Ngữ
|
BS. Đặng Văn Ngữ (bên phải, hàng đầu) cùng các lưu học sinh tại Nhật Bản
|
Lúc Mỹ đổ bộ lên Tokyo, tôi ở khu Học xá, cùng ngủ một phòng với Trần Văn Lý. Trần Văn Lý trước có học ở Thượng Hải, Trường Anh, nên nói tiếng Anh thạo, lúc ấy đang học ở Trường Bách Khoa, ban đêm thì đi nói tiếng Việt Nam và tiếng Anh ở đài phát thanh. Được tin Mỹ đổ bộ lên Yokohama - tôi và Lý bàn nhau tìm đến đài phát thanh Mỹ đề nghị cho đọc một bức thư của Việt kiều ở Nhật Bản gửi các Chủ tịch bốn cường quốc. Nội dung bức thư là đòi công nhận chủ quyền của nước Việt Nam. Chúng tôi đi suốt một ngày, nhưng không chỗ nào nhận truyền cho bức thư cả. ở đâu cũng được trả lời: chỉ truyền tín hiệu quân sự, không truyền thư. Cuối cùng đến gặp một nhân viên sứ quán Mỹ, người này cho biết cũng vừa tiếp nhận một toán nhân dân Indonesia cũng ương tự như Việt Nam, nếu các anh hợp tác với nhau mà hành động thì mạnh hơn.
Chúng tôi thấy ý kiến rất hay. Lúc ấy ở Nhật Bản chỉ có hơn mười người Việt Nam nhưng người Indonesia thì có đến vài ba trăm. Chúng tôi liên hợp tất cả anh em Việt Nam thành lập Hội Việt kiều ở Nhật Bản, anh em bầu tôi làm Chủ tịch, rồi liên lạc với Hội nhân dân Indonesia ở Nhật Bản để bàn phối hợp hoạt động. Hai Hội đã quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn, sau mít tinh có tuần hành qua các đường phố chính để đi đến các sứ quán Mỹ, Anh, Liên Xô trao kiến nghị đòi công nhận chủ quyền và độc lập của Việt Nam và Indonesia. Các biểu ngữ đều viết bằng tiếng Anh. Tất cả đều phấn khởi thức suốt mấy đêm liền để viết biểu ngữ. Đến ngày mít tinh tuần hành có cả kiều dân Triều Tiên ở Nhật Bản, lưu học sinh Mông Cổ và Trung Quốc cũng tham gia ủng hộ. Có đến gần ba nghìn người tham gia biểu tình.
Ngày bọn Anh để Pháp trở lại chiếm Sài Gòn, chúng tôi lại tổ chức một cuộc biểu tình lần thứ hai. Lần này tuy chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam nhưng sinh viên Indonesia cũng rất tích cực tham gia. Hội Triều Tiên cũng tích cực ủng hộ người đi dự. Nhưng Mông Cổ và Trung Quốc thì rút lui, không tham gia nữa.
Người Pháp gây chiến ở Hải Phòng, lại một lần nữa chúng tôi tổ chức mít tinh, lần này gặp nhiều khó khăn hơn, nhiều sinh viên Indonesia trở về nước. Sau một số việc xô xát giữa người Triều Tiên và cảnh sát Nhật, bọn Mỹ ra lệnh cấm người Triều Tiên không được biểu tình. Như thế, lần này số người đi biểu tình chỉ có người Việt Nam và người Indonesia ủng hộ. Chúng tôi thuê một camion, đặt một loa phát thanh rồi đi đường cùng hô to "Đả đảo Pháp". Đến trụ sở Pháp ở Nhật Bản, chúng tôi ngừng lại hét to vào loa. Tất cả đại diện các nước lúc ấy ở một nhà cao tầng, gần đấy đều chứng kiến sự việc trên.
Đời sống và công việc nghiên cứu của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tình hình biến chuyển của chiến tranh ở Nhật Bản. Sau ít tháng tôi đã để dành đủ tiền để mua một kính hiển vi. Lúc ấy tất cả sinh viên Việt Nam đều nhận phụ cấp của Nhật cả, trừ một anh là Phạm Xuân Ngôn. Anh này con một người thợ may ở phố Hàng Ngang - Hà Nội sang Nhật trước chúng tôi chừng năm, sáu tháng. Lúc đầu thì gia đình anh gửi tiền qua đều, nhưng về sau thì không nhận được nữa. Nhóm Cường Để ở Nhật Bản bảo anh Ngôn nhận học bổng của Đảng Cường Để nhưng anh Ngôn sợ dính vào chính trị, không dám nhận. Bọn Nhật cũng muốn ủng hộ Cường Để nên không cho anh học bổng. Lúc ấy tôi có khá nhiều tiền, thấy anh Ngôn có khả năng nên hứa mỗi tháng sẽ biếu anh 100 yên. Tôi đã cung cấp cho anh Ngôn cho đến khi đình chiến.
Đầu năm 1945 tình hình chiến tranh ở Tokyo trở nên rất gay go. Tàu bay Mỹ đến thả bom lửa nhiều lần. Một số sinh viên Việt Nam tản cư đi nơi khác lánh bom. Tôi vẫn cứ ở Tokyo. Một đêm máy bay Mỹ đến ném bom vùng Học xá, nhân dân Nhật Bản kéo nhau đến chỗ khác lánh bom. Sau trận bom, người mắc nạn khá nhiều. Nhờ có sẵn một số thuốc dự trữ từ trước tôi đã đem ra cứu chữa cho nhân dân ở vùng ấy gây ảnh hưởng rất tốt.
Lúc mới đến Nhật Bản, tôi giao thiệp ngay với Massuo ôta là giáo sư, người mà tôi đã biết ở Việt Nam năm 1941. Tôi nghiên cứu về nấm ở phòng thí nghiệm của ôta. ôta gặp tôi rất mừng rỡ và giới thiệu cho tôi tủ nấm của ông. Trong tủ có rất nhiều loại nấm quý. ôta bảo tôi cứ lần lượt nuôi cấy các loại nấm ấy. Ôta giới thiệu một người giúp việc cho tôi để làm môi trường nuôi nấm.
Người làm môi trường không chỉ giúp cho tôi mà còn làm cho rất nhiều người. Vì công việc của tôi bị động. Tôi giao thiệp với người giúp việc ấy được một tuần lễ, một hôm người ấy bỏ khẩu trang tôi mới biết rằng anh ta không có môi. Đây là một thứ bệnh hiếm do trùng Pian ăn hết môi (Gangosa). Ôta là một nhà nghiên cứu về bệnh da liễu, nên giữ anh này ở bộ môn mình để làm "bệnh nhân sống" giảng dạy cho sinh viên.
Một hôm, vào năm 1945, Ôta tìm tôi nói ở Mỹ đã chế được penicillin từ mốc xanh. Ôta bảo tôi tìm tất cả các mốc xanh ở mọi nơi để xem có loại nào có khả năng nhả chất kháng sinh không? Tôi bắt đầu nghiên cứu về kháng sinh từ lúc đó. Nói xong, Ôta đi dự hội nghị ở Thượng Hải. Hai tháng sau Ôta về, tôi giao cho Ôta một giống nấm penicillin có tính chất kháng sinh. Ôta đem đi báo cáo ở hội nghị quân sự. Có lẽ giống nấm ấy là một trong những giống nấm penicillin đầu tiên ở Nhật Bản.
Ngoài trường đại học, Ôta còn có một phòng nghiên cứu ở Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm nữa. ở đây Ôta nghiên cứu về hủi và lao, và chuyên môn tiêm trùng hủi và lao cho gà. Ôta chỉ đến nghiên cứu ở đây vào chiều thứ hai, ngày ấy tôi cùng đến với hai trợ lý của Ôta. Tác phong ở Nhật Bản là vào lúc 4 giờ chiều có uống nước trà. Chỗ làm việc nghiên cứu về hủi và lao có một người giúp việc, cứ đến 4 giờ chiều là anh ta đưa đến cho mỗi chúng tôi một cốc nước trà. Người này thường xuyên mang khẩu trang. Một hôm, sau khi mời nước mọi người xong, người này cũng tự rót cho mình một cốc, rồi cất khẩu trang để uống, tôi lại được thấy hai hàm răng trắng bệch; người này cũng như người giúp việc ở trường đại học không còn môi nữa.
Tôi đã nhờ Ôta giới thiệu cho tôi một số phòng thí nghiệm ở Đông Kinh, và có thể nói, tôi đã đi học ở gần khắp các Viện nghiên cứu ở Đông Kinh và ở ngoại ô Đông Kinh. ở mỗi nơi tôi làm việc vài ba tháng, đi từ phòng này sang phòng khác, khi nào không còn gì để học thêm nữa mới đi nơi khác. Điều kiện về kỹ thuật ở Nhật Bản có rất nhiều và rất phong phú. Mỗi một phòng thí nghiệm có một số tác phong, phương pháp làm việc khác nhau. Tôi đã lần lượt đi các Viện Ung thư, Radium, Lao, Nấm, Vi trùng... Đến khi đình chiến thì tôi đang nghiên cứu về kháng sinh ở Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm. Sau đình chiến một thời gian tôi còn nghiên cứu ở Viện này. Lúc này không còn phải giữ bí mật quân sự nữa, nên tôi được giới thiệu đi tham quan khá nhiều cơ sở đã sản xuất penicillin trong chiến tranh và vẫn tiếp tục sản xuất. Chủ trương của Mỹ lúc này là đầu tư vào các xưởng penicillin ở Nhật Bản, nên chúng đã bồi dưỡng khá nhiều các kỹ thuật gia Nhật Bản về phương pháp sản xuất penicillin. Nhờ đó, tôi cũng được học thêm ít nhiều. Năm 1948 chúng biến chất dùng để sản xuất penicillin Q176 và giống streptomycin dùng để sản xuất penicillin và streptomycin ở Mỹ.
Nhưng điều kiện kinh tế sau chiến tranh đã không cho phép tôi tiếp tục nghiên cứu ở Viện này nữa. Trong Hiệp ước trao đổi nghiên cứu sinh, Nhật Bản đã ký với Phủ Toàn quyền Đông Dương, chúng tôi chỉ ở Nhật Bản có ba năm. Chúng tôi bắt đầu đi từ Việt Nam cuối năm 1943 đến cuối năm 1945 thì hết hạn. Nhưng lúc ấy điều kiện Nhật Bản bị phong toả nên chúng tôi không về được. Sau khi đình chiến, Chính phủ Nhật Bản không còn chịu trách nhiệm với chúng tôi nữa. Lúc đó đại đa số sinh viên các nước Đông Nam á đã về nước. Sinh viên Việt Nam không ai chịu về, vì lúc ấy chỉ có thể về vùng bị Pháp tạm chiếm. Chính phủ Nhật Bản đồng ý để chúng tôi ở lại, nhưng không trả trợ cấp nữa, chúng tôi phải tự kiếm sống.
Ba tháng sau, tôi lại đọc báo thấy ở một Viện nghiên cứu y học Mỹ cần một người có khả năng giúp việc. Tôi tìm đến gặp Trưởng phòng nghiên cứu tên là G. Stein. Tôi trình bày khả năng của tôi rồi hỏi về khả năng nghiên cứu của phòng định làm gì? Thảo luận một hồi, G. Stein rất thích tôi được cùng vào làm việc. Để được vào làm việc phải qua một số thủ tục văn phòng. Tôi đến văn phòng tuyển nhân viên. Tên quan hai ở đây hỏi quốc tịch tôi. Tôi bảo tôi là người Việt Nam, nó hỏi đi hỏi lại mãi không biết Việt Nam ở đâu cả. Tôi giải thích là nước ở phía Nam Trung Quốc và phía Đông của Thái Lan. Nó mới hiểu ra và bảo: "Nghĩa là French Indochine". Tôi trả lời là Indochine nhưng không phải là của Pháp nữa mà là Việt Nam. Nó hỏi: "Thế anh có giấy tờ gì để chứng minh anh là người ngoại quốc ở đây không?". Tôi đưa ra cái passport mang theo từ khi sang Nhật Bản và nói ngay rằng giấy không còn giá trị nữa, vì là của Pháp cấp. Nó xem một hồi rồi bảo:
- Đúng, nó không còn giá trị nữa, vì từ 1943 đến nay chưa được gia hạn, anh phải ra sứ quán gia hạn mới chấp nhận được.
Tôi bảo không thể được vì Pháp không còn có quyền hạn gì ở Việt Nam cả. Nó bảo:
- Tôi chỉ biết anh làm thế nào có đủ giấy tờ thì tôi nhận, ngoài ra tôi không biết. Tôi đi về nhà và nghĩ, có thể nhờ một nước khác can thiệp chăng? Nghĩ thế, tôi bèn đến sứ quán Thuỵ Sĩ. Đại sứ Thuỵ Sĩ ra tiếp chuyện rất lịch sự. Tôi trình bày rằng nước tôi và nước Pháp đang tranh chiến với nhau. Tôi không có đại diện ở đây, ông có thể chứng nhận cho tôi là người Việt Nam không. Viên đại sứ cho tôi biết, khi hai nước có chiến tranh thường Thuỵ Sĩ là nước trung lập, nên hay đứng ra để giải quyết quyền lợi cho những người bị cắt đứt liên hệ với nước mình, nhưng chỉ làm việc đó khi có uỷ nhiệm của chính phủ đương sự. Tôi trở lại gặp G.Stein trình bày sự việc trên, G. Stein rất muốn tôi được làm việc nên đi tìm Giám đốc Viện để trình bày, Giám đốc đồng ý tuyển. G. Stein dẫn tôi trở lại văn phòng và yêu cầu đưa ra bất kỳ một giấy gì cũng được. Tôi đến đưa giấy chứng nhận hộ khẩu ở Nhật Bản.
Nơi tôi làm việc rất đầy đủ điều kiện để nghiên cứu G. Stein cung cấp tất cả các dụng cụ, tài liệu để tôi nghiên cứu. Tôi thường xuyên có bác sĩ và một xét nghiệm viên người Nhật Bản giúp việc. Tôi làm việc ở đây rất say sưa, hàng ngày đi làm từ 6 giờ sáng, tạt qua quán cơm, ăn xong đi ngay, trưa, đi ăn cơm rồi về làm việc ngay. Chiều ăn cơm xong lại trở lại làm việc đến 9 giờ tối mới về nhà. Sau tám tháng làm việc, G. Stein và tôi cùng đi đến một nơi nghỉ mát yên tĩnh để viết một công trình nghiên cứu, dần dần tôi được biết G. Stein là người Do Thái. Tôi cũng ngỏ với G. Stein là tôi xa gia đình đã lâu rất muốn tìm cách gặp lại gia đình, nhưng tuyệt đối không muốn về nước ở vùng Pháp chiếm đóng. G. Stein bảo tôi chỉ có cách là sang Mỹ rồi đưa gia đình sang sau. G. Stein còn cho tôi biết ở vùng nào bên Mỹ người da vàng ở thì dễ chịu, không sợ bị phân biệt chủng tộc, vùng nào thì có nạn phân biệt giữa da trắng và da vàng, vùng nào thì phân biệt giữa người Do Thái và người khác v.v... Tôi bèn liên lạc với "Sở công ăn việc làm" ở Mỹ và Sở ấy cũng đã giới thiệu với tôi nhiều hãng thuốc, nhiều trường đại học cần bác sĩ chuyên môn về công tác nghiên cứu.
Tâm trạng của tôi lúc bấy giờ thực là không ổn định, và tôi đang tìm mọi cách để gặp gia đình hoặc đi khỏi xứ Nhật. Lúc đó có Rockefeller sang thăm Nhật, tôi đã viết một lá thư đề nghị ông ta cho tôi học bổng nghiên cứu ở Institute Rockefeller ở bên Mỹ, ông ta trả lời là chỉ có Chính phủ giới thiệu mới được.
Tôi có quen một số bạn người Nhật Bản là đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản. Họ liên lạc thường xuyên với sứ quán Liên Xô. Tôi nhờ họ giới thiệu đến sứ quán Liên Xô tại Nhật Bản để đề nghị sứ quán giới thiệu tôi sang Moscow nghiên cứu, tôi còn nói thêm là chỉ nghiên cứu thôi, không làm chính trị. Một bác sĩ ở sứ quán tiếp tôi bảo phải có giấy giới thiệu của Chính phủ Việt Nam mới được. Tôi nói khó, thì bác sĩ ấy bảo có thể liên lạc qua Thái Lan để lấy giấy giới thiệu của Chính phủ Việt Nam. Tôi thấy khó khăn nên cũng không tiếp tục, vả lại đồng chí ấy có nói, nếu có đi thì đi Kharbin chứ sang Moscow thì khó khăn hơn. Tôi chưa biết Kharbin, nhưng không phải Moscow nên không thích. Lại có lần tôi định lập ngay một phòng khám nghiệm máu ở Nhật Bản, nhận khám máu cho các bệnh viện. Tôi viết thư cho vợ tôi bảo chuẩn bị sang Nhật Bản. Tôi viết cả đơn lên cho quân đội Mỹ chiếm đóng ở Nhật Bản, xin cho vợ con tôi được đến Nhật.
Vào khoảng cuối năm 1948, tôi nhận được một bức thư của Việt Nam Thông tấn xã ở Bangkok hỏi tới tình hình kiều bào Việt Nam ở Nhật Bản. Tôi gửi thư trả lời. Và từ đó, tôi thường xuyên tiếp được những tờ tin tức của Việt Nam Thông tấn xã in ronéo từ Bangkok gửi sang... Nhờ có những bản tin này, tôi mới hiểu rõ tình hình kháng chiến, tình hình thi đua sôi nổi trong nước và nhất là biết rằng ở Thái Lan có nhiều Việt kiều. Tôi quyết định về với kháng chiến, tình hình thi đua sôi nổi trong nước, và nhất là biết rằng ở Thái Lan có nhiều Việt kiều. Tôi quyết định về với kháng chiến bằng đường Thái Lan. Trong lúc nghiên cứu ở Viện Quân y Mỹ tôi đã làm xong một công trình và chúng tôi đang thảo luận tiến hành một chương trình nghiên cứu khác. Tôi cũng đưa ý kiến muốn về nước, G. Stein rất tán thành và bảo: "Trong tất cả ý định của anh từ trước đến nay tôi thấy ý định này là đúng đắn nhất, thích hợp với tình cảm của anh nhất". G. Stein còn dặn tôi là nên thận trọng. G.Stein nói:
- Anh thẳng tính và nóng nảy lắm, có thể khó giao thiệp với người cộng sản, họ có thể lúc đầu không hiểu anh và không tin anh.
Tôi bàn với G. Stein kế hoạch về vùng kháng chiến, và tôi làm đơn xin đi khỏi Nhật Bản, xin Chính phủ Pháp nhập cảnh ở Sài Gòn. G. Stein còn gợi ý cho tôi viết trong đơn lý do về nước là để đưa gia đình từ Việt Nam sang Nhật Bản, để tôi yên tâm nghiên cứu, vợ con tôi được hấp thụ không khí "tự do" của Mỹ đã đem lại trên đất Nhật Bản.
Trước đây tôi cũng đã có đơn xin cho vợ con sang Nhật Bản, nên lần này bọn Mỹ và bọn Pháp sẽ tin vào những lý do trên của tôi là thật. Sau khi được giấy tờ đầy đủ, tôi sẽ đi Sài Gòn nhưng khi đến Bangkok thì sẽ liên lạc với đại diện Chính phủ để tìm cách ra vùng kháng chiến.
Để thực hiện dự định trên, còn một khó khăn căn cần phải giải quyết: đó là tiền tàu đi từ Nhật Bản đến Bangkok. Tiền tàu rất đắt và phải trả bằng đô-la Mỹ. Anh Phạm Xuân Ngôn, người học trò đã được tôi giúp đỡ hồi chiến tranh nay là chủ hiệu buôn lớn, sẵn sàng chịu tiền tàu cho tôi về. Chừng một tuần lễ, trước ngày tôi về nước, tại khu Học xá có một người Việt Nam ở Trung Quốc mới sang Nhật, đó là Trịnh Hưng Ngâu ở Ma Cao, khi giải phóng quân tràn xuống thì tránh sang Nhật. Nó nói chuyện về tình hình thế giới, tình hình kháng chiến của ta ở Việt Nam rất thạo. Tôi nghĩ rằng anh này là một người biết nhiều về chính trị nên đem vấn đề định về nước của mình ra hỏi ý kiến: nó hẹn sẽ đến gặp tôi. Thế là một tối nó ngủ lại ở phòng tôi, nói chuyện cho đến sáng. Nó hỏi tỉ mỉ về đời sống của tôi, sau đó nó phân tích tôi là người trí thức có nhiệt tình, nhưng sống về lý tưởng nhiều, không có thực tế. Sau đó nó lại nói về Việt Minh, cho Việt Minh là tàn bạo, Việt Minh đã giết Tạ Thu Thâu, người thân nhất của nó trên đời, nên nó không bao giờ có thể theo Việt Minh được. Cuối cùng nó khuyên tôi:
- Anh là con người khoa học, muốn nhận định một việc gì anh cũng phải dùng phương pháp khoa học, để chọn con đường đi, trước hết anh phải điều tra kỹ, thu thập tài liệu, nghe nhiều tiếng chuông. ở đây từ trước đến nay anh chỉ nghe có tiếng chuông của Việt Minh. Theo tôi, anh nên nghe thêm tiếng chuông Bảo Đại nữa. Tôi khuyên anh cứ về Sài Gòn, ra Huế, thăm gia đình anh rồi đưa gia đình ra Hà Nội, làm việc ở Đại học Y khoa như cũ, như thế là hợp tình. Trong lúc làm việc anh điều tra thêm, nghe thêm tiếng chuông của Bảo Đại. Sau khi điều tra nghiên cứu kỹ anh sẽ cân nhắc xem bên nào trái và lúc ấy nếu anh muốn ra kháng chiến cũng chả khó gì. Những người già yếu như cụ Ưng Uý mà người ta còn tổ chức đưa ra được huống gì anh!
Tôi tự nghĩ, thằng này ghét Việt Minh, vì thù riêng, vì Việt Minh đã giết Tạ Thu Thâu. Còn giữa Bảo Đại và Việt Minh thì tôi không cần phải điều tra cũng có thể nhận định được đâu là chân lý. Tuy vậy, nghe nói ra vùng kháng chiến từ Hà Nội dễ dàng cũng làm tôi suy nghĩ. Nếu dễ như thế thì việc gì phải cầu kỳ, ta cứ về Hà Nội, sau đó ra kháng chiến cũng được, cần gì phải đi từ Bangkok xuyên rừng xuyên núi cho khó khăn phức tạp. Nhưng tôi lại nghĩ, tôi quyết tâm theo kháng chiến nhưng tình cảm của tôi yếu mềm. Tôi sợ nếu về đến Huế gặp mẹ tôi thì tôi không đủ can đảm rời gia đình ra kháng chiến nữa... Rồi còn vợ con. Nếu cùng đi thì có thể khó khăn. Nếu chỉ đi một mình sau khi gặp gia đình thì tôi lại không nỡ. Vì vậy, tôi quyết tâm đi thẳng về vùng kháng chiến ngay.
Đêm trước ngày tôi lên tàu, anh em tổ chức một buổi tiệc. Trong buổi này có mặt tất cả các anh em người Việt Nam ở Nhật Bản. Một số anh em ở Osaka, Kyoto cũng về dự. Chính nhờ bữa tiệc này mà Trịnh Hưng Ngâu đã bị lột mặt nạ.
Sau bữa ăn, Trịnh Hưng Ngâu đứng dậy bảo:
- Hiện nay, phái đoàn nghị sĩ Mỹ đi điều tra tình hình các nước châu á đang ở Tokyo... Phái đoàn này sắp đi sang Việt Nam, tất nhiên sẽ ở Sài Gòn hay Hà Nội, và chỉ gặp người Pháp, như thế họ sẽ không bao giờ lĩnh hội được ý nguyện của nhân dân Việt Nam cả. Tôi đề nghị chúng ta làm một kiến nghị gửi đến họ để nói rõ ý chí của nhân dân Việt Nam.
Mọi người đều tán thành, vì lúc đó đại đa số còn tưởng Mỹ có thể giúp cho độc lập của Việt Nam. Trịnh Hưng Ngâu đề nghị thêm:
- Chúng ta cần cử một phái đoàn để đưa kiến nghị ấy. Anh Ngữ là Chủ tịch Hội Việt kiều sắp về nước rồi tôi đề nghị cử Cường Để đưa kiến nghị ấy. Chúng ta sẽ cử một vài anh em biết tiếng Anh cùng đi để nói chuyện!
Từ trước đến nay, mọi người đều không ưa Cường Để nhưng trong lúc vui vẻ, muốn giữ không khí ôn hoà không ai đứng ra phản đối cả. Sau đó một số giải tán, một số về học xá viết kiến nghị. Trịnh Hưng Ngâu cũng theo về khu học xá. Chúng tôi bàn nhau viết kiến nghị rồi đưa cho anh Nguyễn Xuân Oanh và Lương Đình Của dịch ra tiếng Anh. Trong lúc ấy Trịnh Hưng Ngâu đánh một giấc ngủ dài ở phòng bên cạnh. Đến 12 giờ khuya thì kiến nghị viết xong. Đại ý của kiến nghị là: "Nhân dân Việt Nam đã tự giành lấy độc lập từ năm 1945; bọn Pháp phản bội Hiệp nghị ngày 6 tháng Ba muốn dùng vũ lực chiếm lại Việt Nam. Nhưng toàn thể nhân dân một lòng theo Chính phủ cụ Hồ Chí Minh để đánh đuổi bọn Pháp ra khỏi đất nước Việt Nam; nhân dân Việt Nam mong nước Mỹ làm đúng Hiến chương Đại Tây Dương và công nhận chủ quyền độc lập của nước Việt Nam".
Trịnh Hưng Ngâu ngủ dậy chạy sang xem bản dự thảo kiến nghị liền giận dữ la to:
- Viết thư như thế này mà cũng viết, thế này mà cũng gọi là kiến nghị, thôi để đây tôi viết cho.
Nó ngồi thảo ra cái kiến nghị mới, đại ý như sau: "Chiến tranh ở Việt Nam, lúc này là chuyện đau xót, cần phải dập tắt. Chiến tranh ở Việt Nam chỉ chấm dứt khi Hồ Chí Minh và Bảo Đại thoả thuận được với nhau. Nhưng nhất định Hồ Chí Minh không bao giờ thoả thuận với Bảo Đại. Nhân dân Việt Nam rất muốn độc lập nhưng không ưa Việt Minh vì nhân dân Việt Nam rất sợ Cộng sản". Đọc bản dự thảo của Trịnh Hưng Ngâu, tất cả anh em bừng bừng nổi giận, có người định lôi Ngâu ra đánh. Tôi họp tất cả anh em hỏi ý kiến muốn chọn bản kiến nghị nào? Mọi người (trừ Ngâu) đều tán thành ý kiến ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Trịnh Hưng Ngâu bỏ về ngay lúc đó. Mấy hôm sau chúng tôi điều tra biết nó đến nhà Cường Để và ở nhà Cường Để. Nó muốn lợi dụng Cường Để làm tay sai cho Mỹ can thiệp vào Việt Nam.
Hôm sau tôi đi Yokohama đáp tàu về nước. Cũng hôm ấy một số anh em ở lại Tokyo để đưa kiến nghị cho nhóm nghị sĩ Mỹ. Trong số đại biểu, tất nhiên không có Trịnh Hưng Ngâu, và cũng không có Cường Để.
Tàu chở hàng nên chỉ có năm hành khách. Đó là tàu của một hãng Anh, không ghé Sài Gòn. Nhưng trên đường đi sẽ ghé Sơn Dầu, Đài Bắc. Mỗi nơi tàu ghé lại từ năm đến bảy ngày. Đến Sơn Dầu, tôi thấy lính Tưởng Giới Thạch nằm ngổn ngang ở hai vệ đường, rách rưới, bẩn thỉu, chờ tàu đi Đài Loan.
Tôi đi vừa đúng một tháng mới đến Bangkok, tàu vừa cập bến, tôi gửi hành lý lại rồi lên bờ thuê xe đến trụ sở đại diện Chính phủ Việt Nam ở Thái Lan mà tôi đã biết trước nhờ đọc tin tức của Việt Nam Thông tấn xã.
Đến nơi, các đồng chí tiếp đón tôi rất niềm nở và đưa tôi đến ở tại trụ sở Việt Nam Thông tấn xã. Tôi trình bày rõ với anh Nguyễn Đức Quỳ, đại diện Chính phủ ta lúc ấy ở Thái Lan ý nguyện tôi muốn về với kháng chiến. Anh Quỳ đưa ra ba khả năng: một là ở lại Bangkok cùng hoạt động với các đồng chí tại đấy vì đồng bào ta ở Thái Lan cũng đông, có thể giúp ích cho đồng bào. Khả năng thứ hai là đi xuyên qua nước Lào lên Việt Bắc tham gia kháng chiến gần Chính phủ Trung ương. Còn khả năng thứ ba là vào kháng chiến vùng Nam bộ.
Tôi trình bày với anh Quỳ là tôi muốn trực tiếp tham gia kháng chiến ở trong nước. Anh Quỳ khuyên tôi nên về vùng kháng chiến ở Nam Bộ và anh đánh điện về nước xin chỉ thị của Trung ương. Tôi có mang theo từ Tokyo các giống nấm kháng sinh để làm penicillin và streptomycin... Trong khi chờ đợi chỉ thị của Trung ương, đinh ninh là sẽ về tham gia kháng chiến ở miền Nam, tôi nghiên cứu nuôi nấm penicillin với nước dừa là nguyên liệu có nhiều nhất ở miền Nam Việt Nam. Tôi mua một số dụng cụ thí nghiệm bằng thuỷ tinh để có thể về miền Nam thành lập một phòng nghiên cứu về kháng sinh.
Sau một tháng chờ đợi, một hôm vào lúc 19 giờ, tôi đang nằm ngủ thì anh Quỳ đến ghé tai tôi nói nhỏ:
- Tôi vừa mới nhận được chỉ thị của Chính phủ trung ương. Trên quyết định anh đi lên Việt Bắc. Sáng sớm mai anh sẽ đi. Anh sang bên tôi mang một chiếc vali đựng vài bộ quần áo. Phải làm như anh đi chơi không mang thứ gì nặng cả, các đồ đạc, sách vở của anh để lại đó anh em sẽ chuyển theo sau.
Sáng ngày hôm sau tôi lên đường về nước tham gia kháng chiến, mang theo hai bộ quần áo, và một giống nấm penicillin.
BS. Đặng Văn Ngữ với các đồng nghiệp Nhật Bản (1948) |
Phòng thí nghiệm ở Tokyo năm 1945 |
Lên trang viet-studies ngày 9-11-11
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét