[Xứ Đàng Trong trong mắt người Triều Tiên]
Đoàn người của Kim Thái Hoàng ở lại đây được 10 tháng nên đã kinh qua được 4 mùa ở xứ này, thời tiết thì nóng quanh năm mà lúc lạnh nhất thì giống tiết trời độ tháng 8 ở Triều Tiên. Mùa hè thì mưa nhiều và mùa đông thì không có tuyết nên cây cỏ luôn xanh mướt và động vật thì không nhiều lông. Nền đất nơi đây thấp và độ ẩm cao, từ Hội An đến Vương đô hơn 400 dặm có tất cả 7 con sông lớn. Ruộng là dạng mương nên không cần vất vả giẫy cỏ bằng cuốc khi cày ruộng và cấy lúa, sau khi gặt bông lúa xong thì người ta cho bò giẫm lên chúng nên cũng không cần đến đồ đập lúa (枷,도리깨).
Lúa thì có 3 loại, loại lúa trắng cho ra gạo dẻo mềm là thượng phẩm còn lúa vàng và đen là thứ phẩm. Một năm thu hoạch hai vụ, vụ gieo tháng 11, 12 thì chín vào tháng 4, 5 và vụ gieo tháng 4,5 thì chín vào tháng 9, 10. Ngoài những thứ trên không còn loại lúa nào khác. Nơi đây có truyền thống giỏi nuôi tằm, người dân thường chặt nhánh lá cây dâu tằm vào tháng 10 rồi phơi khô dưới ánh mặt trời và để trữ ở ven sông. Đợi đến lập xuân, nước dâng lên, chôn chúng dưới ruộng thì sẽ dần nảy mầm rồi sinh trưởng đến khi lá to hơn tay người sẽ cho tằm ăn. Việc cho tằm ăn thực hiện liên tục không ngừng bắt đầu từ tháng 2 rồi kết thúc vào tháng 9, mà trong thời gian ấy không biết đã thu hoạch được bao nhiêu kén tằm.
Nơi này không sản xuất vải gai (紵布) và vải gai dầu (麻布) nhưng gần với núi nên đất không quá ẩm, là nơi sinh trưởng của cây gai mà một năm có thể thu hoạch được 6 vụ. Những người đi biển dùng nó để làm dây thừng và những người ở đây cũng không biết cách xe sợi vải nên thương nhân Trung Quốc thường lấy một xấp vải gai đổi hai xấp vải Hoa Đoạn (花段), nên mới thấy vải gai quý thế nào.
Hồ tiêu thì sinh trưởng như dây leo và lá của nó giống với hoài sơn (마,薯蕷) nên khá cứng và dày. Tháng 2 nở hoa và tháng 3, 4 thì kết trái có hính dáng giống với nho rừng (머루,野葡萄). Tháng 8 thì chín và khoảng tháng 9, 10 có thể hái rồi mang phơi nắng để dùng. Còn dây leo đó cứ mang buộc lên cây cau thì nó có thể sinh trưởng tiếp, để lâu ngày nó có thể to như bắp đùi của con người.
Cây dừa thì cao khoảng 4, 5 trượng, thân cây trống không và có đốt hẹp. Thân cây thẳng đứng, ở giữa không có cành. Cành và lá đều tụ lại trên ngọn cây, cây nào sum xuê thì táng lá trong như một cái dù lớn rất giống với cây cọ. Quả dừa sẽ kết ở giữa các cành và nó lớn tầm cái đấu. Bổ vỏ ngoài của quả dừa ra sẽ thấy lớp vỏ giống với trái bầu và bên trong có cơm dừa màu trắng cùng nước dừa, có vị hơi ngọt. Cây cau cảo khoảng 2, 3 trượng, vỏ cây màu trắng và lá thì dày rất giống với cây sơn trà (hoa trà/trà my). Trái của nó giống với dương đào (다래,彌猴桃) và sinh trưởng bốn mùa quanh năm.
Dưới đất không có mạch nước ngầm nên người ở đây uống nước ở sông hoặc suối. Nhưng mà trong nước đó có nhiều trùng độc nên những người uống nước này nhất định phải lấy lá hồ tiêu cuộn trái câu chấm với tro được đốt từ vỏ sò đem nhai để giải độc. Do đó mà người ở đây răng ai cũng đen.
Cây mía có hình dáng trông như cao lương (수수,蜀黍), đốt trên cây san sát nhau và nếu chặt để nhai thì sẽ thấy vị ngọt. Qua tháng 1 thì có thể chặt cuối cành cây đem chôn xuống đất, nếu đến tháng 4,5 cây đâm chồi lớn lên thì có thể chặt. Dùng cối gỗ để xay lấy nước, nước mía sẽ chảy theo cái thùng gỗ được liên kết với cối rồi chảy vào nồi. Nước đầu được đun lên để loại bỏ tạp chất gọi là đường phên (烏糖), nước đun lần hai cho ra đường trắng (白糖), nước đun lần ba sẽ đông kết lại gọi là đường phèn (氷糖). Đường cát (沙糖), đường mịn (雪糖), đường năm màu (五花糖 – cái này có vẻ là kẹo) đều là các loại đường được điều chế từ bột đường mía.
Ở An Nam cái dễ thấy nhất chính là cây chuối, cây to có khi vòng thân của nó to hơn cả một sải tay và cây thì cao tầm vài trượng. Sợi cây chuối có thể đan thành vải bố dùng làm dây thừng hoặc hài. Hài thường được các quý nhân mang.
Tre thì cây lớn sẽ to cỡ cột nhà còn cây nhỏ sẽ to cỡ cây xà. Trong làng khi xây nhà tất cả đều dùng cây tre và mái nhà lợp bằng cỏ hoặc lá cây. Duy chỉ có nhà của Vương hầu mới có thể lợp mái bằng ngói. Nơi đó có gỗ đỏ (丹木), gỗ đen (烏木) và gỗ vàng (黃木). Gỗ đó trông như tô mộc (蘇木) và gỗ vàng giống với gỗ hoàng sơn ở Tế Châu. Tất cả đều có thể dùng để nhuộm màu còn gỗ đên thì cứng cáp nên thích hợp để làm đồ gia dụng. Có cây cà cao hơn một trượng và quả có ba màu tím, xanh, trắng. Đến mùa đông thì chúng sẽ ra nhiều trái. Dưa lê, dưa hấu, dưa chuột, bí đao đều được trồng vào tháng 1, độ tháng 3, 4 thì chín và tháng 5, 6 sẽ bắt đầu ỉu không thể ăn được.
Khổng tước to cỡ con cò, có màu xanh biếc và trên đầu có tô điểm thứ gì đó trông như một chiếc ô. Đuôi dài khoảng một trượng rưỡi và lông ở cuối cánh con đực sẽ bo tròn. Nơi chúng sinh sống được xây dựng trong rừng tre và còn ưu tiên xây những nơi để chúng có thể xòe đuôi. Nước Hà Lan (荷蘭國) láng giềng cũng có nhiều giống chim này.
Voi thì to như một ngôi nhà, mũi dài hơn trượng và chúng thích ăn chuối. Ở nhà của các quan thường xây riêng một căn nhà để nuôi voi. Yên ngồi trên voi trông như cái kiệu và cưỡi nó có thể vượt cả sông. Người lái voi sẽ cầm một cây roi sắt, trên đó sẽ có móc và xiên, khi nào muốn di chuyển sẽ dùng xiên để đâm còn khi muốn dừng lại sẽ giựt cái móc. Voi cũng được xem như tiên phong trong lúc thao luyện binh sĩ. Voi sẽ tự mình ra hiệu tập hợp binh sĩ và nghe theo chiêng trống để tiến lui. Thao luyện binh sĩ mỗi tháng sẽ diễn ra trong 3 ngày. Tất cả binh sĩ sẽ sử dụng mũ giáp làm bằng gỗ. Mũi tên không có đầu, dây cung làm bằng da thuộc và cung được làm bằng gỗ. Hoặc binh sĩ cũng dùng pháo đất (土丸). Tuy có kiếm và súng nhưng không có những thứ như chũm chọe (minh bạt,바라,鳴鈸) và lạt bát (나발,喇叭).
Trâu bò thì có hai loại. Loại bò thường thì không cày ruộng cũng không vận chuyển hàng hóa mà chỉ nuôi nhốt trong chuồng. Trâu cày ruộng thì to hơn so với bò thường, lưng bằng phảng và lông thì thô ráp có màu giống con hươu. Sừng dài khoảng nửa trượng gọi là sừng đen (黑角). Trâu không ưa cái nóng nên vào hè chúng thích ngâm mình ở dưới nước.
Ngựa thì chỉ có quan lại và binh sĩ mới được cưỡi đi lại và dân thường còn bị cấm nuôi ngựa. Bò và ngựa đều không thể chuyển đồ nên người ở đây máng đồ lên hai của của một cây tre dài khoảng một trượng rồi vác lên vai để vận chuyển (đòn gánh). Cá và muối vô cùng nhiều, các loài thủy sản nhiều đến mức không kể hết. Tuy nhiên lại không thấy chim nhạn bụng trắng (제비), chim ác là (까치), diều hâu (솔개), trĩ đỏ (꿩), cáo, mèo báo, cây tùng, cây bách, cây đào, cây mận, cây hồng, cây dẻ.
Người ở đây đều xõa tóc đi chân trần, chỉ có phụ nữ và quý nhân mới đi hài. Ngoài ra, quý nhân còn dùng vải bố quấn chân mình. Nữ giới phần lớn đều nuôi tóc dài đến mức khi đi tóc còn bị lê trên đất. Vì vậy họ sẽ buột tóc ở đoạn giữa và cắt phần dư ở cuối, duy trì giữ dài đến mắt cá chân. Luôn bôi dầu lên tóc để dính vào lưng mình. Quý nhân không đội mão còn quan viên thì đội tông mão, hình dáng thì mão quan văn dạng thẳng còn quan võ bị gấp lại (ý chắc mão quan văn nhọn còn quan võ thì phẳng). Tiện dân thì mặc áo tơi đội nón lá và khi ở trước mặt bề trên thì phải bỏ nón xuống. Nam nữ tất cả đều mặc áo dài, không vắt chéo áo chồng lên mà dùng dây để buột áo lại nên một khi cởi ra phải cởi dây buột cả trên và dưới. Độ dài của áo cũng phân biệt thân phận sang hèn, người tôn quý thường mặc áo dài đến mắt cá, dân thường thì đến cẳng chân và tiện dân thì chỉ dài đến đầu gối. Tay áo của nam ngắn và hẹp còn của nữ thì dài và thụng. Dưới thì mặc quần ngắn vừa đến bắp đùi. Phụ nữ thì mặc thêm váy. Sắc phục đại khái phần nhiều là màu đen.
Tất cả những thương nhân Trung Quốc khi đến An Nam đều lấy vợ. Những nữ nhân là vợ của thương nhân Trung Quốc đều mặc trang phục theo chế độ Trung triều. Người Trung Quốc khi hành lễ đều chắp chéo tay, quỳ cúi người trên đất rồi chạm đầu xuống đất, một lần lạy là khấu đầu ba lần. Những người phụ nữ thì không bái lạy. Ngoài ra thì phái nữ thích tụ tập đánh cờ vây hoặc cờ tướng. Khi di chuyển thì dùng kiệu (Giang dư,杠輿). Giang dư là một cái đòn gánh dài hơn một trượng, mắc ngang cái ngáng 2 đầu cuối đòn gánh và chỗ ngồi được bện từ dây vải gai rồi mắc dưới đòn gánh, đủ lớn để chứa cả thân người (có lẽ là võng). Cái ngáng cuối hai đầu đòn gánh được làm như cái lược khung cửi mắc sợi ngang, phần dây vải gai được bện dư ra thì buộc ngang phía trên cái ngáng. Đầu đòn gánh cũng được chạm khắc hình rồng. Hai người sẽ vác nó lên vai để đi, ngồi trên đó rất êm ái nên nằm hay ngồi đều rất thoải mái. Nếu trời mưa thì sẽ phủ chiếu lên trên đòn gánh. Những quý nhân ở đó đều ngồi loại kiệu này.
Người ở tang tùy theo tình huống sẽ chẻ tóc ra theo hướng trái phải. Ở tang cha thì để tóc trái ra phía trước và tóc phải ra phía sau. Ở tang mẹ thì ngược lại để tóc phải ra phía trước và tóc trái ra phía sau. Người có tội thì đeo gông làm bằng tre to, không bị bỏ ngục mà để xin ăn ở trên đường, tới tối thì tập trung về một chỗ. Rượu thì uống loại rượu được nấu từ gạo nếp. Bánh thì được làm bằng cách trộn bột gạo với đường, gói bằng lá chuối rồi hấp lên ăn. Tất cả đều dùng đũa để ăn cơm và đồ ăn, chén dĩa thì dùng đồ sứ. Ly rượu đều dùng loại ly thủy tinh. Mười tiền có thể mua được một ly. Nồi niêu xoong chảo được làm bằng đồng hoặc là nặng bằng đất mà không thấy đồ làm bằng gang.
Thuyền thì dùng nhánh cây đậu tía (藤條) xâu buộc các ván gỗ lại, hình dạng giống với thuyền Man Trang (만장선,蠻裝船) của nước ta (Triều Tiên). Quấn cây đậu tía làm neo, dệt sợi cây đậu tía làm buồm. Khi thuyền di chuyển phần lớn đều dùng mái chèo. Thuyền lớn thì 2 bên trái phải mỗi bên dùng 15 mái chèo, dù là thuyền nhỏ nhất đi nữa thì cũng có ít nhất 3, 4 cái. Khi săn bắn thì dùng lưới da để bắt hổ rồi dâng lên cho vua. Những thợ săn dù đi chân không mà có đạp phải cây gai thì cũng không bị thương. Phong tục của nơi đó đại khái là như vậy.
___
Những điều cần biết:
1. Hà Lan ở đây chỉ các nước chịu sự ảnh hưởng của người Hà Lan vào nửa sau thế kỷ 17. Theo phần Đông Nam Dương Tứ (동남양사,東南洋四) của <Hải Quốc đồ chí (해국도지,海國圖志)> có đề cập bấy giờ thường dùng Hà Lan để gọi chung các nước Lào, Campuchia và Thái Lan.
___
1. Hải ngoại Văn kiến lục (해외문견록,海外聞見錄) – Ký An Nam phiêu hoàn nhân sự (기안남표환인사,記安南漂還人事).
2. Hải ngoại Văn kiến lục – Tế Châu Mục sứ Tống Đình Khuê, ghi chép những câu chuyện đáng kinh ngạc sau hành trình vượt đại dương, NXB Humanist, người bình tuyển Kim Yong Tae và Kim Sae Mi Oh, 2015 (김태오 김새미오 옮김, 해외견문록 – 제주목사 송정규, 바다 건너 경이로운 이야기를 기록하다, 휴머니스트 출판그룹, 2015).
___
Tham khảo thêm người Triều Tiên đầu tiên đến An Nam:
Người Triều Tiên trôi dạt vào xứ Đàng Trong:
Nguồn: Hán Thành Phủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét