Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

Bò đi Đá Nhảy, Hùm hét La Hà

Bác (Hồ Chí Minh) kể: Năm 16 tuổi, Bác cùng các cụ đồ xứ Nghệ vào Huế thi hương đã đi qua vùng đá nhảy của Lý Hòa, một thầy đồ nhìn thấy con bò gặm cỏ, đá phải hòn đá lăn xuống khe liền ra vế đối gắn liền địa danh Đá Nhảy, nhưng lại nói về 4 hoạt động của cái chân con người (bò, đi, đá, nhảy).

Ông Cổ Kim Thành, nguyên Bí thư Quảng Bình kể: Trong câu chuyện thân mật, Bác Hồ hỏi chú có biết Quảng Bình có câu đối: “Bò đi đá nhảy” đến nay có ai đối được chưa? Một người đứng dậy trả lời: Thưa Bác, có ông Tú người làng La Hà đối được.


Bác hỏi, đối thế nào. Dạ, ông ta đối: “Hùm hét La Hà”. Bác hỏi La Hà ở đâu? Chú có bản đồ cho Bác xem. (địa phận này ở xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch), Bác xem xong rồi nói: La Hà nằm ở hạ nguồn sông Gianh, lại giữa một cái cồn, xung quanh là nước, hùm về thế nào được. Lúc đó mọi người ớ ra.

Bác vui vẻ nói, ông Tú ở La Hà cũng giỏi, đối lại bằng 4 hoạt động của cái miệng (hùm, hét, la, hà). Vế đối hay, chữ nghĩa, nhưng có thực tế không? Lúc đó Bác Hồ đã 67 tuổi, nhưng có trí nhớ thông tuệ.

Trích: http://nguoilambao.vn/thang-9-ve-nho-bac-khon-nguoi-n10804.html

(Báo Người làm báo, Nguyễn Xuân Lương, Tháng 9 về nhớ Bác khôn nguôi, 20/09/2018, 10:10)



-Chú có biết Quảng Bình có câu đối “Bò đi đá nhảy” đến nay đã có ai đối được chưa?
Đồng chí Nguyễn Thanh Đàm đứng bên cạnh thưa:
-Thưa Bác, có ông Tú người làng La Hà đối được ạ!

Bác hỏi:

-Đối thế nào?
-Dạ ông ta đối là “Hùm hét la hà”.

-La Hà ở đâu, chú có bản đồ cho Bác xem.

Tôi chạy đi lấy bản đồ trải ra chỉ vào địa danh La Hà (thuộc xã Quảng Văn, Quảng Trạch). Bác xem xong thì hỏi:

-La Hà nằm ở hạ nguồn sông Gianh, lại giữa một cái cồn, hùm về thế nào được?

Mọi người lúc đó mới ớ ra.

Bác nói tiếp:

-Lúc 16 tuổi, cùng các cụ đồ xứ Nghệ vào thi hương ở Huế, khi đi qua vùng Đá Nhảy của Lý Hòa, một thầy đồ thấy một con bò gặm cỏ đá phải hòn đá lăn xuống khe, bèn ra vế đối thách nhau. Đây là vế đối gắn liền với địa danh Đá Nhảy nhưng lại nói về bốn hoạt động của cái chân con người (bò, đi, đá, nhảy). Ông Tú ở làng La Hà cũng giỏi, đối lại bằng bốn hoạt động của cái miệng (hùm, hét, la, hà). Vế đối hay, chữ nghĩa đấy nhưng có thực tế không?

Mọi người chịu cái thực tế Bác đặt ngược lại như thế. Hơn nữa, lúc đó Bác đã 67 tuổi mà vẫn có một trí nhớ đặc biệt.
(Cổ Kim Thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình)


Bò đi Đá Nhảy
đăng 03:47, 5 thg 10, 2018 bởi Pham Hoai Nhan

Xưa kia có một giai thoại lý thú về câu đối như thế này:

Ông nghè Nguyễn Duy Thiện (làng Lý Hoà, tỉnh Quảng Bình) và ông nghè Trần văn Thống (làng La Hà, tỉnh Quảng Bình) rủ nhau đi chơi. Khi đến bãi biển Đá Nhảy (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), hai người thở hào hển, vừa nhảy vừa bò qua các tảng đá. Ông Thiện nhìn cảnh ấy, xuất ra câu đối: Hùm hét La Hà.

Câu đối này lắt léo ở chỗ vừa diễn tả con hùm (cọp) hét ở La Hà (là tên làng, quê của ông Thống), lại vừa là 4 động từ diễn tả các hoạt động của miệng (hùm - hét - la - hà) và cũng đúng là các động tác mà bạn mình đang thể hiện.

Ông Thống đứng lại để... thở, và đối: Bò đi Đá Nhảy,

Câu đối lại này rất xuất sắc ở chỗ vừa diễn tả con bò đi ở Đá Nhảy (là chỗ hai ông đang đi), lại vừa là 4 động từ diễn tả các hoạt động của chân (bò - đi - đá - nhảy) và cũng đúng là các động tác mà hai ông đang thực hiện.

Có một câu chuyện kể khác về xuất xứ của đôi câu đối này. Rằng sau khoa thi Đình năm Nhâm Tuất 1862, để thử sức các vị tân tiến sĩ, vua Tự Đức ra vế đối: “Bò đi đá nhảy”. Một trong những vị tân tiến sĩ là ông Trần Văn Chuẩn, người làng La Hà tủm tỉm cười rồi thong thả đọc: “Hùm hét la hà”. Ngày nay trong nhà thờ họ Trần vẫn còn ghi lại giai thoại này.

Thôi kệ, ai xuất và ai đối cũng được, miễn là đời sau còn cặp câu đối rất hay. Tui biết cặp câu đối này từ hồi còn rất nhỏ, nhưng không biết hai điểm Đá Nhảy và La Hà ở đâu và có còn mang tên như vậy không. Sở dĩ không biết là vì 2 nơi này ở đâu đó bên kia vĩ tuyến 17.

Bất ngờ thay, giờ biết ra là cả Đá Nhảy và La Hà đều là những địa danh có thật và tồn tại đến tận bây giờ (các bạn không có điều kiện đến đó chỉ việc lên Google Maps search là ra ngay). Chẳng những vậy, đây còn là 2 địa điểm du lịch nổi tiếng nữa chứ!

Đá Nhảy nổi tiếng hơn La Hà. Đây là một quần thể núi đá nằm sát biển, phía dưới chân đèo Lý Hòa. Từ trên cao nhìn xuống, nơi đây như một bức tranh thiên nhiên độc đáo với muôn vàn khối đá mọc lên từ bờ cát. Bãi Đá Nhảy chỉ cách quốc lộ 01 một đoạn ngắn.



Bãi Đá Nhảy
Đến tham quan bãi Đá Nhảy, du khách như lạc vào một trận đồ của đá với muôn hình kỳ thú. Đá to, đá nhỏ, đá tảng, đá hòn, đá thẳng, đá nghiêng, đá kết đôi, xúm xít trên bờ biển (có lẽ vì vậy mà có tên là đá nhảy). Bãi tắm Đá Nhảy cũng không kém phần quyến rũ, với bờ cát bằng phẳng, mịn màng, nước biển trong xanh yên ả, phía trên có dải rừng phi lao bao phủ.





Bãi Đá Nhảy

Điểm du lịch đáng chú ý ở La Hà là đình làng La Hà, thuộc thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là môt ngôi đình lâu đời, nơi để tôn vinh những người con của vùng đất này có thành tích đỗ đạt cao. Đình làng La Hà được xây dựng vào năm 1859, có khuôn viên rộng 2000 m2, trước mặt là nơi giao hội của các nhánh sông Son, sông Nan và các nhánh sông nhỏ.



Đình làng La Hà

Hai địa điểm này cách nhau khoảng 14 km theo đường chim bay, nhưng nếu đi bằng đường bộ phải đi một quãng gần gấp đôi như vậy. Còn nếu chỉ đến bãi biển Đá Nhảy (trên Google Maps ghi là Dancing Rock Beach) thì bạn đi theo quốc lộ 1, cách Đồng Hới 27 km về hướng Bắc.

Phạm Hoài Nhân
http://www.vncgarden.com/lich-su-giai-thoai/bodidhanhay

LÀNG ĐẢO LA HÀ

Từ cửa biển Thanh Trạch ngược lên bến phà II, sông Gianh bắt đầu chia làm hai ngả. Nhánh ngược lên thượng nguồn Bố Trạch gọi là nguồn Son, nhánh ngược lên Tuyên Hóa gọi là nguồn Nậy. Doi đất nổi lên làm giao điểm cho hai nguồn sông ấy là làng La Hà (nay là xã Quảng Văn).

La Hà - hòn đảo nằm giữa sông Gianh, là một trong bốn làng nổi tiếng về truyền thống khoa cử, có nhiều người đỗ đạt làm quan to trong các triều đại phong kiến. Câu ca “Sơn - Hà - Cảnh - Thổ” (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọc) đã trở thành niềm tự hào ăn sâu bao đời trong tâm khảm của mỗi người dân Quảng Bình. Địa danh La Hà một thời đã đi vào văn chương, vào những vế đối nổi tiếng lưu truyền trong dân gian. Nhân dân La Hà kể lại rằng: Trong một cuộc thi đình, nhà vua có một vế đối : "Bò đi đá nhảy" (nghĩa là con bò đi qua khu Đá Nhảy - Lý Hòa) để thử sức các tân tiến sĩ. Câu đối được ghép từ bốn động từ, diễn tả các trạng huống hành động: vừa bò, vừa đi, vừa đá, vừa nhảy. Các tân tiến sĩ hôm ấy đều bó tay, duy chỉ có một vị tiến sĩ quê ở La Hà đã dùng địa danh của làng mình để đối lại : "Hùm hét La Hà". Vế đối cũng dùng bốn động từ ghép lại (vừa hùm, vừa hét, vừa la, vừa hà hơi ra, nhưng lại sử dụng toàn từ tượng thanh, nên có cái thế oai phong, dũng mãnh của vị chúa tể đang trấn an thiên hạ).

Nhân dân còn kể lại rằng: Vào thời Minh Mạng, có thầy địa lý người Tàu qua đây, ông đứng xem thế đất rồi thốt lên: "Tam bút nghiên châu". Thì ra, phía tây La Hà có ba cồn đất nổi giữa sông là : Cồn Bông, Cồn Nổi và Cồn Giáp Tam. Ba cồn đất giống như ba cây bút đang chụm vào "nghiên mực" La Hà. Lời nhận xét của ông thầy địa lý đã trùng hợp ngẫu nhiên với truyền thống khoa cử của làng. "Nghiên mực" La Hà không bao giờ cạn trong tâm trí những bậc nho sĩ tài hoa.

Trong cuốn "Hương triều đăng khoa lục" đã ghi danh hàng trăm người đậu cử nhân, có người đỗ giải Nguyên như: Tạ Kim Khuê, Trần Văn Chuẩn... Đặc biệt, trong cuốn ’’Quốc triều đăng khoa lục’’ đã ghi danh nhiều người con của La Hà đỗ đại khoa, trong đó có những hiện tượng độc đáo như thầy và trò cùng đỗ một khoa. Đó là khoa Tân Hợi (Tự Đức thứ 4 -1851), thầy là Phạm Nhật Tân và trò là Trần Văn Hệ, hai thầy trò cùng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Hoặc trong một gia đình bác cháu đều đỗ đại khoa. Đó là bác Tạ Kim Vực, đỗ phó bảng khoa Mậu Tuất (Minh Mệnh thứ 19-1838) và cháu là Tạ Hàm, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (Thành Thái thứ 4-1892).

Chỉ tính trong triều Nguyễn, làng La Hà đã có bảy người đậu đại khoa (trong đó có 6 tiến sĩ, 1 phó bảng), có người làm quan đến thượng thư như: Trần Văn Chuẩn (đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất - Tự Đức thứ 5 -1861) làm thượng thư bộ công kiêm phó khâm sai đại thần. Trần Văn Thống (tức Diễn) cũng làm thượng thư bộ công (đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu - Thành Thái 13 -1901).

Đặc biệt, ông tiến sĩ tham biện nội các Tạ Hàm từng làm thái sư dạy Vua Duy Tân.

La Hà không những chỉ sản sinh những bậc nho sĩ tài hoa mà còn sản sinh bao người con anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Thời chống Pháp, La Hà là một trong ba làng nổi tiếng về tinh thần ngoan cường chiến đấu, được Quốc hội và Chính phủ tặng Huân chương quân công. Câu ca "Cự Nẫm anh hùng, Cảnh Dương anh dũng, La Hà chiến thắng" đã từng là nguồn cổ vũ tinh thần anh dũng của nhân dân Quảng Bình trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. La Hà đã rào làng chiến đấu, nhiều lần bắn cháy ca-nô, tiêu diệt nhiều toán giặc đến càn quét xóm làng. Nhiều người con La Hà đã hy sinh một cách anh dũng như liệt sĩ Trần Quỳnh (tỉnh ủy viên), Phạm Giang Hồ (trưởng ty công an), Trần Cưởi (đại đội trưởng dân quân) v.v... Thời chống Mỹ, La Hà là nơi trú ẩn của những tàu thuyền quân sự, nơi cất giấu hàng hóa Nhà nước. Tuy xóm làng nhiều lần bị bom đạn Mỹ thiêu hủy, nhưng nhân dân vẫn nhường cơm, sẻ áo, nhường hầm cho thương binh. Nhiều người con La Hà đã anh dũng băng qua bom đạn giặc để cứu thương binh, cứu hàng hóa Nhà nước. Nổi bật nhất là đồng chí Võ Văn Khuể (được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) đã liên tục lái ca-nô anh dũng băng qua bãi thủy lôi đưa hàng hóa tới nơi an toàn.

Ngày nay, La Hà là quê hương của nón lá và mặt mây xuất khẩu. Hàng trăm người thợ lành nghề của La Hà đã trở thành những người thầy đi khắp mọi vùng để truyền nghề mây cho con em các địa phương trong tỉnh. Mỗi năm, La Hà cung cấp cho Nhà nước hàng vạn mét mặt mây xuất khẩu, góp phần đem ngoại tệ về xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh.

Lịch sử đã trải qua bao hiến đổi thăng trầm, nhưng hòn đảo La Hà vẫn là chiếc nôi chao đưa trong tiếng ru ngọt ngào, huyền thoại:

Bao giờ hết cát Mỹ Hòa
Sông Gianh hết nước, La Hà hết quan

Lời ru ấy tuy hiện thời không phù hợp nữa, nhưng niềm tự hào về tổ tiên sẽ là điểm tựa để nhân dân La Hà nhân lên những truyền thống mới.
Nguồn: https://dukhach.quangbinh.gov.vn/3cms/lang-dao-la-ha.htm



Hùm thét La Hà;
Bò đi Đá Nhảy.


Vế 1: Nguyễn Duy Thiện; vế 2: Trần Văn Thống. Ông nghè Thiện (làng Lí Hoà, tỉnh Quảng Bình) và ông nghè Thống (làng La Hà, tỉnh Quảng Bình) rủ nhau đi chơi, đến đoạn đường Đá Nhảy (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), vừa nhảy vừa bò qua các tảng đá, và kẻ thách người đối như trên. Chơi chữ theo cách cùng trường nghĩa: hùm, hét, la, hà (các hoạt động của miệng); bò, đi, đá, nhảy (các hoạt động của chân).
Nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n7253/Nhan-ngay-xuan-doc-lai-may-cau-tieu-doi.html
Nhân ngày xuân, đọc lại mấy câu tiểu đối  16:11 | 28/01/2011

Khoa thi [[Tân Sửu]] – [[1901]]!![[Giáp Thìn]] – [[1904]]!![[Đinh Mùi]] – [[1907]]
Nguyễn Duy Thiện phó bảng cùng khoa với Nguyễn Sinh Sắc
Trần Văn Thống: Quê ở La Hà, Bố Chánh, nay là Xã Quảng Văn, Quảng Trạch Quảng Bình. Đậu tiến sĩ năm 31 tuổi – làm quan Tuần phủ Quảng Trị.
Nguồn: http://fastsofa.net/quoc-trieu-khoa-bang-luc-la-gi-wiki-86315-ar2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét