Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Những hạn chế của phương pháp dạy tiếng Anh Phonics

                                                                             Ảnh: Pinterest

Nội dung dạy Phonics không bao gồm trọng âm từ, một trong những phần quan trọng nhất để phát âm tiếng Anh chuẩn.

Thầy giáo Quang Nguyen chia sẻ quan điểm cá nhân về phương pháp Phonics (đánh vần tiếng Anh).

Phonics - hay "đánh vần tiếng Anh" đang được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường ở Việt Nam. Nhiều giáo viên tiếng Anh cấp 1, cấp 2 đã nhắn tin hỏi mình khi gặp những rắc rối trong Phonics. Các câu hỏi thường đơn giản như tại sao "but" lại đọc khác "put", âm "er" trong từ "bird" có khác với trong "doctor" với "teacher" không...Mình viết bài này hy vọng sẽ giúp các cô giáo đang lúng túng với giáo trình Phonic đỡ gặp khó khăn hơn trong quá trình giảng dạy.

Đầu tiên, Phonics là phương pháp dạy đọc ghép vần theo mặt chữ, rất phổ biến ở các trường học Mỹ hiện nay. Cách học là gắn liền chữ cái nhất định vào các âm trong tiếng Anh. Ví dụ, từ "cat" sẽ được phiên thành: "c" sounds like /k/, "a" sounds like /æ/, và "t" sounds like /t/. Kết hợp lại thành /kæt/.

1. Phonics chủ yếu phù hợp với từ đơn âm tiết

Đối với từ đơn âm tiết, ví dụ như "dog", "cat" hoặc "men", Phonics tương đối tốt cho trẻ. Phần lớn những từ này có cách viết giống cách đọc, hoặc có một số quy tắc giúp trẻ nhận diện được.

Tuy nhiên, ngay cả với từ đơn âm tiết, mỗi chữ tiếng Anh có thể đọc theo cách khác nhau rất nhiều. Ví dụ, chữ "a" trong "cat", "share", "ate" và "ball" có cách phát âm hoàn toàn khác nhau.

2. Phonics không dạy trọng âm từ

Tất nhiên, nếu chỉ nhìn vào mặt chữ, không ai có thể khẳng định trọng âm nằm ở đâu. Tiếng Anh có các quy tắc trọng âm có thể ứng dụng, nhưng số lượng ngoại lệ lại quá nhiều.

Hơn thế, trong nội dung dạy Phonics, theo mình biết, không bao gồm "word stress". Điều này chắc chắn sẽ làm bối rối cho giáo viên tiếng Anh, đặc biệt vì tiếng Việt không có khái niệm "trọng âm từ". Ngay ở Mỹ, việc trẻ nhìn vào mặt chữ và đọc sai trọng âm cũng rất nhiều. Đây có lẽ là hạn chế lớn nhất của Phonics.

Hơn thế, từ chỗ xác định được trọng âm đến chỗ đọc từ đó chính xác là cả một quãng đường dài.

3. Phonics không dạy về giai điệu (rhythm)

Khi nói tiếng Anh, "rhythm" đóng vai trò gần như quan trọng nhất, chỉ sau "word stress". Theo một số chuyên gia đầu ngành ở Mỹ, nó còn quan trọng hơn cả IPA (bảng phiên âm quốc tế). Rất tiếc, đây là khái niệm mới với hầu hết thầy cô, và không bao hàm trong Phonics.

Hiểu nôm na, "rhythm" là âm nhạc của ngôn ngữ. Nó xác định mọi người nhấn vào từ nào, không nhấn từ nào, và nhấn như thế nào. Trẻ em Mỹ không quan tâm tới vấn đề này, vì các em dùng tiếng mẹ đẻ. Nhưng trẻ EFL (học tiếng Anh ở nước không bản xứ) thường bị bối rối.

4. Phonics không dạy về ngữ điệu

Ví dụ, "What's your name?" thì đi lên hay đi xuống ở cuối câu? Đây là một câu hỏi về ngữ điệu (intonation), hay cách thức và mức độ nhấn của các từ. Giống "rhythm", trẻ bản ngữ không cần học về "intonation", vì chúng đã hấp thu (acquire) được trong quá trình sử dụng hàng ngày.

Trẻ Việt Nam thì không thế. Và tất nhiên, không phải giáo viên nào dạy tiếng Anh cũng biết về "intonation" - một nội dung tương đối phức tạp và khó dạy trong tiếng Anh.

5. Phonics không dạy về rất nhiều vấn đề khác

Ví dụ, từ "can" trong "We can maintain the relationship..." sẽ đọc khác với "can" trong "Yes, I can". Các vấn đề như nói theo cụm (thought group), nối âm, nuốt âm... đều không được dạy trong Phonics. Lý do là ở Mỹ, Phonics là môn dạy đọc (reading) chứ không phải dạy nói.

Tóm lại, khi các thầy cô được phân công dạy Phonics, hãy hiểu thật kỹ về bản chất của môn học này, đặc biệt về những khía cạnh mà Phonics không dạy.
Để giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả hơn, ít ra có thể đọc to sách giáo khoa mà không bị sai, thầy cô cần trang bị cho các em thêm kiến thức căn bản, ít nhất là về trọng âm và âm trong tiếng Anh.

Đồng thời, các nhà xuất bản sách giáo khoa, khi in sách có thể in đậm trọng âm của các từ khóa (content words), ví dụ: "this is my PEOple", hay "I'm a STUdent", nhằm hỗ trợ thầy cô và học sinh làm quen với khái niệm trọng âm trong tiếng Anh. Một sự thay đổi nhỏ đó sẽ góp phần to lớn cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Anh của các em sau này.

Quang Nguyen
Thứ sáu, 3/8/2018, 07:00 (GMT+7)
VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét