Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Đôi nét về tính cách người Nam bộ

Tác-giả: Trần-Minh-Thuận




Nam bộ là vùng đất cuối cùng phía Nam của đất nước, nằm trong lưu vực hai con sông Đồng Nai và Cửu Long, chủ yếu ở vùng hạ lưu hai con sông lớn này. Nam bộ nằm rất gần biển Đông, là một vùng châu thổ màu mỡ với nhiều cửa sông đổ ra biển. Chính điều này đã tạo nên một Nam bộ trù phú, với biết bao huyền thoại thời mở đất.


Tiến trình lịch sử của Nam bộ khác với những vùng đất khác, nó không phát triển liên tục mà bị đứt quãng. Điển hình là trên vùng đất này đã từng có vương quốc Phù Nam cổ xưa với nền văn hóa Óc Eo một thời phát triển rực rỡ. Những gì mà người ta nói về Nam bộ ngày nay thường chỉ giới hạn trong phạm vi trên dưới ba trăm năm. Người Việt di dân vào Nam có thể nói bắt đầu khi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn nổ ra và sau đó là cuộc di dân thực sự vào thời nhà Nguyễn đầu thế kỷ XVIII khi nhà Nguyễn nắm được chính quyền Đàng Trong và kêu gọi những người giàu có vào khai khẩn trên đất Đồng Nai, Gia Định. Trong mấy trăm năm định hình và phát triển, Nam bộ đã tạo nên cho mình những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, độc đáo và một bản sắc rất riêng so với các vùng miền khác.


* Năng động, sáng tạo


Khi nghiên cứu về tính cách người Việt ở Nam bộ, các nhà nghiên cứu không thể không nhắc đến tính năng động sáng tạo của người Việt trên mảnh đất này. Tính cách này thể hiện rõ ở nhiều khía cạnh khác nhau như thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt trên vùng đất mới, các yếu tố văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần được cải biến để hòa hợp với điều kiện mới. Chính điều này đã tạo cho người dân Nam bộ có những nét riêng khá độc đáo đối với các vùng miền khác.


Trên vùng đất mới còn hoang sơ, rừng thiêng nước độc, hùm beo, rắn rết đầy rẫy, vừa khơi dậy tiềm năng khai thác dồi dào vừa là một thách thức nghiệt ngã đối với những con người phải dấn thân. Nếu như không phát huy được tính cần lao, dũng cảm vốn có của người dân Việt thì khó có thể tồn tại được. Trong buổi đầu khai khẩn vùng đất Nam bộ, chúng ta thấy có đủ hạng người đến đây quần tụ: phần đông là những người mất phương kế sinh nhai nơi quê cũ vì rất nhiều lý do mà giai cấp thống trị phong kiến ràng buộc họ như bị tước đoạt ruộng đất, những người chống đối lại triều đình, trốn lính, hay những kẻ phải mang những bản án vào thân… Tất cả họ đều muốn tìm một cuộc sống mới trên vùng đất mới dù biết trước những khó khăn, khắc nghiệt không dễ vượt qua.


Phải nói rằng vùng đất phương Nam từ khi bắt đầu khai phá và phát triển trải qua mấy thế kỷ nay vẫn là địa bàn sôi động nhất, bắt buộc mọi người đến đây không kể nguồn gốc xuất xứ đều năng động, sáng tạo mới có thể vươn lên trong đấu tranh, xây dựng cuộc sống.


* Yêu nước nồng nàn


Yêu nước là một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc ta. Nhưng đối với người dân Nam bộ, tính cách này được thể hiện một cách phóng khoáng, sinh động. Nó khác với lòng yêu nước của Nho giáo, không bị ràng buộc quá chặt chẽ vào “tam cương”, “ngũ thường”… Người dân chỉ trung thành với vua khi vua là đại diện cho lợi ích của dân tộc. Một khi vua phản bội lại quyền lợi của dân tộc, của nhân dân thì những sắc lệnh của vua có thể sẽ không được thi hành. Tinh thần yêu nước của người Nam bộ mang hơi hướm của hình tượng Lục Vân Tiên mà cụ Đồ Chiểu đã dày công xây dựng. Đó là một Trương Định với câu nói ngang tàng, khí phách nổi tiếng: “Triều đình không công nhận (cuộc kháng chiến của ta) nhưng nhân dân công nhận”. Đó là một Nguyễn Trung Trực không chịu đi nhận một chức vụ cao hơn theo lệnh của triều đình vì nhà Nguyễn muốn dẹp yên phong trào kháng chiến ở Nam bộ để lấy lòng chính quyền Pháp. Câu nói khẳng khái của ông được truyền tụng trong dân gian cho đến bây giờ: “Khi nào nước Nam hết cỏ mới hết người chống Tây”.


Bên cạnh đó còn rất nhiều đại diện tiêu biểu khác như các nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa… Tất cả những tấm gương, những con người khí khái, hào sảng đó được mảnh đất Nam bộ nuôi lớn, hun đúc cho một ý chí, một tấm lòng để rồi chính tên tuổi họ còn lưu danh mãi khi người ta nói về Nam bộ.


* Hào phóng, hiếu khách


Đây là một nét tính cách đặc trưng của người Việt ở Nam bo. Trong tất cả các mối quan hệ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, tính cách này luôn được bộc lộ một cách rõ ràng, sinh động và đầy tính nhân văn.


 Xin nêu một ví dụ đơn giản, chuyện quá giang (hay có giang) là chuyện rất phổ biến. Nam bộ với hệ thống sông ngòi chằng chịt, phương tiện giao thông chủ yếu là đường thủy. Do đó, nhờ người đưa ngang sông hay nhờ một chiếc ghe lạ đưa đi một quãng đường là chuyện hết sức bình thường. Người quá giang bao giờ cũng được đối xử hết sức bình đẳng, hết sức tình người như cơm nước chủ ghe đãi, có thể sử dụng đồ dùng của gia chủ và đương nhiên khi chủ ghe mệt thì người quá giang cứ tự nhiên chèo chống tiếp sức.


Trong gia đình, khi có khách đến nhà lúc nhà đang ăn cơm, chủ nhà mời mà khách từ chối thì hay bị hiểu lầm là khinh rẻ chủ nhà, đã ăn no rồi thì cũng nên ngồi vào mâm cùng ăn, gọi đùa là “ăn ba hột” lấy lệ cho vừa lòng chủ. Bao giờ cũng vậy, người dân Nam bộ luôn muốn dành những gì quý nhất, đẹp nhất trong đối nhân xử thế với hàng xóm, bạn bè và người thân của mình.


Tiêu xài rộng rãi là một đặc điểm thường được nhắc tới khi nói về tính cách người Nam bộ. Thiên nhiên hào phóng thì cũng sẽ tạo ra những con người hào phóng, người ta ít lo lắng cho cuộc sống của mình ở ngày mai. Tất cả chỉ có tình người dù họ biết rằng ngày mai, ngày mốt mình không còn cái gì để sống. Lối sống đó trở thành một tập quán xã hội, ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cả những khi đời sống vật chất khó khăn. Người nông dân bị bóc lột cơ cực, ít có hy vọng trở nên khá giả thì không cần dành dụm, làm được bao nhiêu cứ xài cho hết. Khi lâm vào cảnh thất nghiệp họ vẫn có thể thức đến tận khuya để uống rượu và đờn ca tài tử, chẳng bận tâm gì cho cuộc sống ngày mai.


* Trọng nhân nghĩa


Bất cứ người Nam bộ nào cũng đều rất coi trọng tình nghĩa. Kẻ bất nhân, bất nghĩa thì khó có cơ hội dung thân ở vùng đất này. Có rất nhiều câu thành ngữ nói về tính cách này của người Nam bộ: Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim; thương người như thể thương thân, thi ơn bất cầu báo... Trong ca dao Nam bộ cũng vậy:


- Ngọc lành ai lại bán rao


Chờ người quân tử em giao nghĩa tình


- Lòng qua như đinh sắt


Nguyện nói chắc một lời


Qua không có dạ đổi dời như ai


Lòng qua như sắt, nói chắc một lời


Bạc tiền chẳng trọng chỉ trọng người tình chung.


Đến xứ lạ, mấy ai được đem theo cả gia đình, họ hàng. Vì vậy nhiều người đến hết cuộc đời mình còn không thể gặp lại anh em ruột thì nói chi đến vóc dáng, hình hài của ông bà tổ tiên mấy đời trước. Thế là họ cùng nhau quần tụ lại, lập thành xóm thành làng, cùng nhau khai khẩn, cùng sát cánh với nhau trong cuộc mưu sinh đầy gian khổ, trở thành “bà con một xứ”. Hàng xóm dù không thích nhau nhưng những khi tối lửa tắt đèn cần sự giúp đỡ thì họ cũng sẵn sàng. Muốn cất ngôi nhà mới cũng cần nhiều bàn tay góp sức vào, ma chay, cưới hỏi gì cũng có bà con chòm xóm đứng ra cáng đáng. Trước khi nên cửa nên nhà, ai mà chẳng trải qua một thời kỳ lưu lạc, tha hương cầu thực, ăn quán ngủ đình, trốn nợ, vì vậy thậm chí cả khi phạm tội cũng được chòm xóm bao che.


Do vậy, người Nam bộ rất quý trọng, tin cậy bạn bè. Bạn bè sa sút, túng quẫn lại càng quý trọng hơn, cư xử tế nhị. Người Nam bộ thích làm quen với người nghèo, giúp đỡ kẻ sa cơ thất thế, ghét những kẻ thay lòng đổi dạ, xu nịnh quyền tước. Người dân ở đây thường nói đất lành thì chim đậu, đất hung dữ thì chim bay đi. Ai cậy nhiều tiền, tung tiền ra mướn với thái độ hách dịch, phách lối thì có chết đói cũng không thèm làm, khoái nhau rồi thì làm không công, giúp đỡ người nghèo để lấy tiếng.


* Bộc trực, thẳng thắn


Người Nam bộ rất bộc trực, thẳng thắn, ít khi nói chuyện văn hoa dài dòng, rào trước đón sau. Cũng chính tính cách hay nói thẳng mực tàu này mà đôi khi họ bị giai cấp thống trị lợi dụng, nhưng dù sao đi nữa, trải qua mấy trăm năm nó vẫn là một nét tính cách đẹp trong mối quan hệ giữa người với người. Tính mộc mạc, thẳng thắn thường được nhắc đến trong kho tàng văn học dân gian Nam bộ. Tinh hoa của ca dao, dân ca Nam bộ đều nằm trong sự mộc mạc, trong sáng ấy:


- Đêm khuya ngủ gục, anh với hụt con tôm càng


Phải chi anh vớt được cái kiềng vàng em đeo.


- Hồi buổi ban đầu


Em biểu anh têm ba miếng trầu cùng ly rượu lạt


Anh lắc đầu sợ tốn


Giờ em đã có chồng, sao anh biểu trốn theo anh!


Chúng ta còn bắt gặp tính bộc trực thẳng thắn của người Nam bộ thể hiện trong lời ăn, tiếng nói. Khi gặp những chuyện bất bình hoặc không vừa ý thì họ sẽ nói ngay không cần suy nghĩ và cũng chẳng sợ người nghe giận dữ. Nhưng khi câu chuyện được giải thích rõ ràng cặn kẽ, hợp tình hợp lý thì họ sẽ tiếp thu một cách tích cực, vui vẻ, thấy mình sai thì sẵn sàng nhận lỗi. Khi nói chuyện với người Nam bộ, ta có được cảm giác rất gần gũi, họ không câu nệ chuyện ngôi thứ, lớn nhỏ, giai cấp, bốn bể là nhà, tứ hải giai huynh đệ. Ngôn ngữ của người nông dân Nam bộ đậm vẻ hài hước, tinh tế thể hiện sự lạc quan, yêu cuộc sống. Chẳng hạn, người ta gọi túp lều xiêu vẹo của mình là “nhà đá”, tất nhiên không phải nó được xây bằng đá, mà khi đá một cái là nó sập ngay. Làm ruộng theo kiểu lĩnh canh rày đây mai đó để trốn nợ, trốn thuế được hóm hỉnh gọi là “làm ruộng dạo”. Ngâm mình trong nước để tránh muỗi và bù mắt cắn gọi là “ngủ mùng nước” (thậm chí con bù mắt đôi khi còn được gọi là con bù rảnh vì có rảnh nó mới có thời giờ đi cắn người ta).


Lịch sử Nam bộ dù có trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng dù thế nào đi nữa tính cách của người Nam bộ vẫn thế, ngày xưa hay bây giờ đều yêu nước nồng nàn, hào phóng, hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài, ngang tàng nhưng khẳng khái.


Nguồn: http://namkyluctinh.org/a-vh-vminh/tmthuan-nguoinambo.htm

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Thói ngụy biện ở người Việt

Tác-giả: Nguyễn-Văn-Tuấn /BTĐ (?)

2010.05.11
Tranh luận trên các diễn đàn công cộng là một hình thức trao đổi ý kiến không thể thiếu được trong một xã hội văn minh. Ở nhiều nước, lưu lượng của những tranh luận cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Ở các nước phương Tây, hầu như ngày nào báo chí cũng có những bài của những cây bỉnh bút tranh luận về một vấn đề nóng nào đó. Trên tivi cũng có những cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai hay nhiều người về những chủ đề từ “đại sự” đến những vấn đề tưởng như nhỏ nhất. Trong các hội nghị khoa học, trước một vấn đề còn trong vòng nghi vấn, người ta cũng có những chuyên gia tranh luận dưới dạng những bài giảng khoa học.

Nhưng thế nào là tranh luận nghiêm túc? Nói một cách ngắn gọn, cũng như trong một cuộc đấu võ, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc tranh luận có qui tắc, mà trong đó người tham gia không được, hay cần phải tránh, phạm luật chơi. Những qui tắc chung và căn bản là người tham gia chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự thiển cận, đầu óc hẹp hòi.

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Học động-từ là quan-trọng nhất trong việc học từ-vựng ngoại-ngữ

Tác-giả: Nguyễn-Tiến-Hải

Học động-từ là quan-trọng nhất trong việc học từ-vựng ngoại-ngữ

Phạm-vi áp-dụng: tiếng Anh, Nga, Hàn-Quốc, và ?

Lí-do:

1. Phần lớn trong một câu không-thể không có động-từ làm vị-ngữ, là thành-phần chính trong câu. Trong một-số ngôn-ngữ, chủ-ngữ còn bị lược bỏ, ví dụ tiếng Hàn-Quốc.

2. Học danh-từ mới dễ hơn.

Một danh-từ (khái-niệm) mới có-thể giải-thích nghĩa bằng cách dùng nhiều danh-từ cũ đã biết trước đó. Nhưng để giải thích động từ thì khó hơn rất nhiều, vì thường rất trừu-tượng.

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Thói quen tọc mạch chủ yếu có ở người miền Bắc

(Bài phỏng vấn Nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa Phan Cẩm Thượng của phóng viên Vũ Lụa, báo điện tử Việt Nam Net, 12/9/2012 06:27 GMT+7)


“Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình, nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc” - Nhà nghiên cứu và phê bình Phan Cẩm Thượng nói về thói tọc mạch của người Việt. 


Ngán ngẩm vì đi đâu cũng gặp "chim lợn"




Người Việt thường không muốn ai hơn mình

- Ông đánh giá như thế nào về tính cộng đồng của người Việt trong các mối quan hệ gia đình, xã hội?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Mọi tính cách của một dân tộc, một nhóm sắc tộc không đứng im mà có sự biến đổi theo thời gian. Tính cộng đồng và quan hệ gia đình xã hội của người Việt thời phong kiến và ngày nay hoàn toàn khác nhau, nên cũng cần xem xét nó trong đời sống cụ thể.


Trong truyền thống, tính cộng đồng của người Việt trong chiến tranh là khá cao, vì đó là lúc vận mệnh sống còn của từng người phụ thuộc vào nhau, nhưng khi thời bình, tính cộng đồng này thu hẹp ở mức độ làng xã và rất cục bộ.


Quan hệ gia đình và xã hội thời phong kiến khá chặt chẽ dựa trên nền tảng của Nho giáo, và tất nhiên là những giáo lý của Phật giáo và tín ngưỡng thờ tổ tiên. Tuy nhiên trong thời mới, các quan hệ đó thay đổi về hình thức và bản chất. Xu hướng Tây học và quan hệ gia đình xã hội mới ít nhiều gia nhập vào đời sống của người Việt hiện nay.













Nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa Phan Cẩm Thượng. Ảnh: TTVH


- Có ý kiến cho rằng, bên cạnh những đặc tính tốt tạo nên sự quan tâm, tương trợ lẫn nhau, thì tính cộng đồng cũng dẫn đến những thói quen xấu như thói quen tọc mạch, chĩa mũi và nói xấu lẫn nhau. Ông nghĩ sao về ý kiến này ?

- Người Việt, hay nói chính xác hơn là người nông dân Việt Nam sống trong làng xã hơn 500 năm qua, ở đó người ta luôn nhòm ngó, bàn bạc về nhau, giúp đỡ hay ghét bỏ nhau, cũng trong phạm vi cái làng. Cho đến nay, dù ra thành phố, làm việc trong các tổ hợp công nghiệp, thói quen ấy chưa thay đổi bao nhiêu. Anh bị ốm thì người ta đến thăm, anh kiếm được nhiều tiền thì người ta ghét. Năng suất lao động chưa trở thành thước đo con người, mà vẫn đánh giá nhau qua cư xử nên tọc mạch, nhòm ngó nhau vẫn là thường nhật.


- Vậy thì ông nghĩ như thế nào về thói quen tọc mạch của người Việt?

- Trong nước, tính cách này chủ yếu có ở miền Bắc, ở miền Nam ít hơn. Người Nam ăn nhậu, vui vẻ, ít bới móc, nói xấu, có lẽ do được thoát ly đời sống bao cấp và làng xã thuần túy sớm.


Tính cộng đồng của người Việt trong đời sống hàng ngày cũng không cao, nhất là khi ra nước ngoài, nơi rất cần tính cộng đồng. Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc.


Thói quen xấu làm cho dân tộc bị thụt lùi về khoa học và nghệ thuật

- Có phải sự quan tâm thái quá đã vô tình dẫn đến những thói quen xấu đó, hay là vì một mục đích nào khác, thưa ông?


- Trong sự để ý lẫn nhau, có thể nói người Việt cũng có mặt tốt. Ma chay, cưới xin, ốm đau, khó khăn… người cùng làng, cùng cơ quan, cùng lứa thường chia sẻ, thăm hỏi lẫn nhau. Mục đích vụ lợi không có, mà tình nghĩa luôn được đề cao. Tuy nhiên, tình cảm quá cũng dẫn đến sự phán đoán lý trí ít được sử dụng, tức là cái mục đích lớn thường bị chủ nghĩa tình cảm làm lu mờ. Người ta không quan tâm đến nhà bác học, nghệ sĩ nọ làm ra công trình gì, mà để ý ông ấy có thân ái với mình không. Chuyện nhỏ này, thực ra làm cho dân tộc thụt lùi rất nhiều mặt về khoa học và sáng tạo nghệ thuật.


- Cũng có ý kiến cho rằng, thói quen nói xấu, tọc mạch là thói xấu bản năng của con người. Ông có đồng ý với ý kiến này không? Tại sao?


- Con người sinh ra và lớn lên có cả tính tốt lẫn tính xấu, nhưng thói quen, mục đích và truyền thống cộng đồng sẽ quyết định tính cách nào nổi trội. Có dân tộc lấy sự khám phá sáng tạo, dẫn đường làm mục đích, thì đương nhiên họ phải dẹp bỏ những cái vụn vặt. Lại có những dân tộc lấy ăn ở, làm giàu, tranh đoạt làm mục đích thì đương nhiên cũng phát triển tính cách tiểu xảo, lừa lọc và thiển cận. Đây là sự lựa chọn.


Có nhiều cái xấu còn đang được giáo dục


- Theo ông, những môi trường nào và những yếu tố nào thì sẽ tạo điều kiện cho tính xấu này phát triển?

- Môi trường nào cũng có thể sinh ra cái tốt và cái xấu, nhưng môi trường tốt, có mục đích lớn lao, thì cái tốt là bề mặt xã hội, là đạo đức, quy luật, cái xấu núp dưới những mặt trái và luôn run sợ. Hiện có nhiều cái xấu đang công khai, được sử dụng để kiếm lời, thậm chí được giáo dục…


- Vậy thì ông đánh giá như thế nào về văn hóa ứng xử, văn hóa đạo đức của người Việt trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ kinh doanh ở nước ta hiện nay?


- Nhiều người quan tâm đến sự xuống dốc của văn hóa đạo đức ngày nay, nhưng cần đặt mọi hoạt động xã hội ngày nay vào trong một hoàn cảnh kinh tế khác rất khốc liệt, buộc mọi quan hệ ứng xử thay đổi theo. Do đó muốn giải quyết văn hóa ứng xử không thế chỉ hô hào chung chung, mà cần giải quyết từ lao động và hành chính. Người ta quan tâm đến văn hóa đạo đức, nhưng lại không quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, trong khi đó, chính đời sống văn hóa nghệ thuật nếu được nâng cao thì tự nhiên đạo đức xã hội sẽ được giải quyết.


Đây chính là phần yếu nhất của chúng ta.


- Tuy nhiên thời nay, người ta cũng đang nói rất nhiều về sự vô cảm, và nhẫn tâm đối với đồng loại. Tại sao lại có sự mâu thuẫn này?

- Xã hội cộng đồng cao xưa kia buộc người ta quan tâm đến nhau và tham gia cứu trợ nếu có thể. Nhưng xã hội công nghiệp, thời gian là vàng, trách nhiệm gắn với chuyên môn, dẫn đến sự bàng quan nếu không thuộc chuyên môn của mình. Ví dụ ra đường không phải là bác sĩ thì chớ đụng đến người bệnh. Đây là vấn đề nhân loại, không riêng gì ta, nếu bạn ra nước ngoài, có lăn ra đường vì lý do gì đó, thì người ta cũng mặc kệ, hoặc tốt nhất là gọi điện cho nhà chức trách. Đôi khi là muộn, hoặc người bình thường hoàn toàn có thể cứu giúp.


Xin trân trọng cảm ơn ông !










Theo bạn, thói "tọc mạch" có phải là sự quan tâm lẫn nhau trong cộng đồng? Bạn có bao giờ là nạn nhân của thói tọc mạch?


Mời chia sẻ ý kiến hoặc câu chuyện của bạn trong mục Phản hồi hoặc qua email: doisong@vietnamnet.vn

Vũ Lụa (thực hiện)


Source: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/87482/thoi-quen-toc-mach-chu-yeu-co-o-nguoi-mien-bac.html

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

May mà Việt Nam còn có Sài Gòn

Tác-giả: Trần-Tiến-Dũng


Bài đăng trên báo Người Việt vào năm 2010, tháng 6, ngày 25.




[caption id="attachment_2027" align="aligncenter" width="570"] Sài Gòn, thành phố của những người nhập cư với nhịp sống luôn nhanh và náo
nhiệt. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)[/caption]

Người Sài Gòn từ thời hộ khẩu đến kinh tế thị trường


Khi có ý đi tìm người Sài Gòn, không hiểu sao khi chưa ra khỏi nhà tôi đã biết có đi phỏng vấn đến tết Congo cũng không ai người Sài Gòn tự nhận mình là người Sài Gòn gốc 3 đời hoặc mấy chục đời cả. Chắc rằng mọi người sẽ hỏi lại tôi, sao hỏi chi cái chuyện tào lao, tầm phào hết sức vậy cha nội, kiếm sống được ở Sài Gòn, là người Sài Gòn rồi.


Thật ra trên khắp thế giới, phần căn cước của một người ít ai phân biệt dân tỉnh lẻ hay dân thủ đô và đó là văn minh dân quyền căn bản nhất. Riêng ở Việt Nam thì khác. Dưới chế độ cộng sản, việc phân biệt dân thủ đô, dân thành phố lớn hay dân tỉnh lẻ, nông thôn, dân kinh tế mới,... là chuyện căn bản. Ai cũng biết sự phân biệt đối xử của chế độ hộ khẩu là khắc nghiệt, vấn nạn đó lâu ngày tạo nên cả một gói “tự hào” về địa vị chính trị, kinh tế, văn hóa... dành cho dân có hộ khẩu thủ đô, thành phố trước phần dân cư còn lại của cả nước.


Khi nền kinh tế mở cửa, dù chế độ hộ khẩu vẫn không thay đổi nhưng những yếu tố kinh tế thị trường tư bản đã phá vỡ toàn bộ những công dụng chuyên chế của chế độ hộ khẩu. Theo nhu cầu mưu sinh và nhu cầu nhân lực của kinh tế thị trường, dân tỉnh lẻ, nông thôn tràn về đô thị bất chấp chuyện họ sống đời không hộ khẩu hoặc chỉ có cái gọi là chứng nhận KT3 (một loại giấy tạm trú).




[caption id="attachment_2028" align="aligncenter" width="570"] Tượng Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo, một trong số những biểu tượng của Sài
Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)[/caption]

Theo thời gian, đội quân nhập cư tăng theo cấp số nhân và cả người nhập cư thành đạt, người kiếm sống qua ngày trở thành nguồn dân số bá chủ. Chính nguồn dân số và chất lượng dân số bùng nổ này đã dồn những ai tự huyễn hoặc cho mình dân thủ đô gốc, dân thành phố cố cựu vào hội chứng yếu đề kháng, trở thành những kẻ thất bại.


Nếu ai còn tự cho mình là dân Hà Nội gốc, thật ra đó là lối nghĩ của dân được bảo hộ bởi chế độ hộ khẩu thiếu dân quyền. Họ có thể trưng ra lý do là ông bà cha mẹ sống ở Hà Nội trước chế độ cộng sản và họ thừa kế cái gốc người Hà Nội. Cơ sở lý lẽ này là không minh bạch, vì trong lịch sử cận đại Việt Nam, theo tìm hiểu, trước thời cộng sản nắm quyền không có chuyện độc đoán khoanh tròn mực đỏ dân Hà Nội điểm tối ưu, và phần dân còn lại chỉ có điểm trung bình kém.


Người Hà Nội trước thời cộng sản đủ khỏe mạnh tinh thần và trí thức để rộng tay đón nhận tất cả các nguồn dân cư như đón nhận dòng máu mới, cũng như đủ ứng xử văn minh để biết rằng cực đoan địa phương tính là ngớ ngẩn. Chuyện dân thủ đô được tôn trọng kính nể... đó là do phẩm chất người, chất lượng từ những công việc phục vụ cộng đồng, quốc gia và được cộng đồng xác nhận trong chuẩn giá trị văn hóa chung, chứ không phải một dạng đặc quyền đặc lợi do một thể chế độc tài chỉ đạo.
Người Hà Nội đủ văn hóa để nhìn thấu rằng hiện trạng hư hỏng của xã hội Việt Nam đều có nguyên nhân do thiếu nhân quyền. Cả dân tộc, không phân biệt bất kỳ ai, vùng miền nào đều phải gánh chịu hiện trạng xã hội hư hỏng tệ hại này.


Một giáo sư sinh ra ở Hà Nội di cư vào Nam muốn giấu tên đã nói thật với chúng tôi rằng: “Chỉ thời đại này mới có kiểu tự tôn bệnh hoạn địa phương thượng đẳng.”




[caption id="attachment_2029" align="aligncenter" width="570"] Ngồi quán cà phê, một thói quen của người Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến
Dũng/Người Việt)[/caption]

Dân hào hiệp và dân nhập cư


Mỗi tháng tôi đều đến một tiệm hớt tóc của một ông chủ trẻ trên đường Hồ Bá Kiện. Tuổi chưa đến bốn mươi, anh có tổng cộng ba tiệm hớt tóc. Lần này anh mời tôi hớt tóc, lấy ráy tai, ở một tiệm mới khai trương. Cô gái lấy ráy tai cho tôi nói: “Ổng vài bữa nữa là sắm thêm xe hơi.”


Tôi hỏi thẳng ông chủ tiệm là anh có mấy chiếc xe hơi rồi, anh chàng nói giọng miền Nam lơ lớ: “Tính mua thêm một chiếc nữa là bốn. Xe tôi mua cho cơ quan công ty thuê, họp đồng tính theo năm.”
Rồi anh kể: “Năm 1980, anh từ Huế vô Sài Gòn làm phụ hồ, khổ trơ xương, ba năm không biết mùi bún bò, mì quảng là gì.” Tôi hỏi anh: “Anh thấy người Sài Gòn thế nào?” Mặt anh ngạc nhiên như người từ sao Hỏa xuống: “Rứa, lúc mới vào tôi cũng có nghĩ người trong này ăn ngon, chơi bạo khác người quê tôi, nhưng chỉ ở vài tháng là tôi thấy chỉ người có tiền là khác.”


Cái anh chàng chủ tiệm hớt tóc này cũng như hàng triệu người từ nhiều thế hệ đã nhìn thấy Sài Gòn là một nơi kiếm sống, kiềm tiền làm giàu. Ðối với mọi người Việt Nam, tính cả dân thủ đô Hà Nội, Sài Gòn là vùng đất hứa, là một kiểu giấc mơ Mỹ của người Việt Nam.


Một trí thức người Bắc di cư kết luận: “Sài Gòn là đất Phật.” Nhiều người bạn ông bàn thêm: “Giá trị rõ nhất của đất Phật trước tiên đây là nơi chốn bình yên, bình yên cả trong chiến tranh, thiên tai và những vấn nạn đáng sợ khác có nguyên nhân từ con người. Sài Gòn không có chuyện phân biệt đối xử vùng miền, văn hóa và chủng tộc...”


Nhà báo hải ngoại TG. có lần nói: “Chỉ cần vô Sài Gòn, có một cái bơm xe, ngồi ở vỉa hè Sài Gòn cũng sống được, cũng thoát khổ mà tính chuyện khởi nghiệp.” Họa sĩ TC, có lần kể: “Trước 1975, thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn và cố nhà văn Nguyễn Thụy Long có thời ăn cơm cháy, uống trà đá, ngồi xỉa răng ở một quán cơm xã hội.”


Mỗi người, trong hàng triệu người từ nhiều thế hệ đều có riêng cho mình những kỷ niệm sâu sắc về sự rộng lòng của đất và người Sài Gòn. Có người còn nói nửa đùa nửa thật rằng, nếu ai có chí, dám đứng le lưỡi cho người ta dán tem ở bưu điện thành phố chắc chắn không thiếu khách hàng.




[caption id="attachment_2030" align="aligncenter" width="570"] Sài Gòn, nay vẫn còn đó những xóm nhà ven kênh rạch nghèo xơ xác. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt[/caption]

Nhưng Sài Gòn cũng có bất công. Ðiều bất công này không phải do Sài Gòn gây ra mà chính là do không ít người đến với Sài Gòn gây ra. Có thể thông cảm hiện trạng lúc nào họ cũng thương nhớ ca ngợi nguyên quán xuất thân của họ. Và Sài Gòn cũng dễ quên không chấp khi có những người nhập cư thành đạt, nên cơ nghiệp, chỉ nhận họ là người thành phố này, tỉnh nọ.


Sài Gòn không hề chỉ là Sài Gòn của nơi kiếm tiền, chỉ là một nơi tạm trú, bởi đa phần người nhập cư đã hoặc sẽ có khoảng đời sống ở thành phố này dài hơn so với lúc họ sống ở nguyên quán sinh ra. Hãy đến các nghĩa trang, các chùa có để cốt mà xem, hàng triệu người tứ xứ thuộc nhiều dân tộc, nhiều thế hệ đã chọn gởi lại cho Sài Gòn nắm xương tàn.


Nhưng người Sài Gòn anh là ai? Có người nói ngày nay muốn tìm người Sài Gòn thì qua tiểu bang Cali ở Mỹ hoặc các cộng đồng người Việt lưu vong trên khắp thế giới. Nhưng chúng tôi vẫn muốn tìm người Sài Gòn ở Sài Gòn.


Một cô bạn của chúng tôi sinh ra ở một nhà bảo sanh trên đường Gò Công quận 6, có ông bà nội là người Hoa Minh Hương, ông bà ngoại là dân sanh ra ở bến Mễ Cốc quận 8. Cô nói: “Nếu muốn biết ai là người Sài Gòn thì chỉ cần nhìn cách họ đón tiếp đối xử với bà con cô bác ở quê lên thăm hoặc lên kiếm việc làm. Bà ngoại tôi mỗi lần gặp bà con là mừng lắm, tấm lòng của người tha hương mà. Ai cũng có họ hàng dây mơ rễ má, chớ có phải ở đất nẻ chui lên đâu.”


Theo một ông già từng là lính VNCH, nay chạy xe ôm ở quận Tân Bình, “đất Sài Gòn trước tiên là đất của những tay hảo hớn, bởi chỉ có những người mạnh mẽ từ tâm hồn đến thể xác mới quyết định bỏ xứ ra đi đến đất mới, cũng chính họ mở đường cho con cháu mưu cầu sự sống mới và tự do. Tánh hảo hớn và phóng khoáng là máu huyết căn cơ của người Sài Gòn.”


Ở góc đường Cao Thắng và Phan Thanh Giản cũ (nay là Ðiện Biên Phủ) có một cái miếu lớn gọi là Thành Hoàng Bổn Cảnh. Nơi đây hàng ngày hàng đêm vẫn nghi ngút hương khói tưởng nhớ những vong linh của tướng quân Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê văn Duyệt) và các nghĩa binh bị xử chém, vùi xác ở quanh khu Kỳ Hòa, thành Gia Ðịnh dưới thời vua Minh Mạng. Một nhà nghiên cứu lịch sử miền Nam có lần nói với tôi: “Không rõ lắm những nghĩa quân này có phải là người Sài Gòn không, nhưng tôi tin chắc khi họ chết, anh linh họ là người Sài Gòn.”


Và sẽ không tìm thấy một người Sài Gòn nào nếu tiếp tục nhìn lịch sử theo lối độc quyền và thiển cận. Người Sài Gòn chỉ có một khi lịch sử được minh bạch rằng, người Sài Gòn hôm nay chính là những người nhận được cơ hội từ những người từng đến, sống và chết từ Sài Gòn-Gia Ðịnh trong xuyên suốt các triều đại phong kiến, những anh linh tử sĩ VNCH, những vong linh người vượt biển vì tự do và cả những nạn nhân khác của bóng tối lịch sử.


Chỉ từ cách nhìn nhận này mới sáng rõ đúng nghĩa tánh hảo hớn-hào hiệp vì tự do và công bằng của người Sài Gòn.



May mà còn có Sài Gòn


Gia đình bên ngoại tôi có một người anh họ, anh tên là Ba V. Trước 1975 anh là lính sư đoàn 7 Bộ Binh VNCH đồn trú ở Gò Công. Quê anh ở ở một xã heo hút dù không xa Sài Gòn nhưng rất nghèo... Sau biến cố 1975, anh và gia đình càng lâm cảnh nghèo tệ hại hơn. Sài Gòn với anh là một thiên đường tại thế, có lần anh nói với tôi: “Tao phục mày quá, sống được ở Sài Gòn ngon thấy mẹ.” Lời anh đơn giản nhưng chí lý, người Sài Gòn thời nào cũng rất bảnh trong cách nhìn của người địa phương khác.


Có người sẽ phản bác tôi rằng, người Sài Gòn ngày nay không còn sang trọng nữa. Nhưng trường hợp gia đình anh họ tôi thì lại đồng ý với tôi. Sau 1975 cả bảy đứa con của anh họ tôi đều không đủ ăn đến xanh mặt. Khi Sài Gòn vào thời kinh tế thị trường cả năm đứa con trai, con gái của anh đều trở thành người Sài Gòn, anh chỉ giữ lại được đứa con gái và đứa con trai út làm người Gò Công cày cấy trên nửa mẫu ruộng hương hỏa. Ðiều đáng nói là những người con Sài Gòn của anh, dù chỉ làm thợ hồ và nấu bếp ở Sài Gòn nhưng đã đem lại một cuộc cách mạng kinh tế, lối sống văn minh cho cả gia đình anh. Chất nông dân cố cựu của anh không còn như trước, ở anh ngày càng rõ ra cái chất thị dân Sài Gòn do con anh truyền bá.


Có hàng triệu gia đình ở Việt Nam hôm nay giống như anh, người ta không thể thống kê hết những thay đổi theo kiểu Sài Gòn. Nhưng có một điều người ta chắc chắn là văn hóa thị dân Sài Gòn hình thành từ tinh hoa thể chế thực dân và ánh sáng của nền dân chủ tự do Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa, ánh sáng này đủ mạnh để dung chứa mọi cách sống và để truyền bá những điều tốt đẹp.




[caption id="attachment_2032" align="aligncenter" width="570"] Người Sài Gòn hôm nay vẫn còn thói quen hóng gió trên bến Bạch Ðằng. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)[/caption]

Tôi có dịp nói chuyện với cô gái người Hà Nội, cô vào Sài Gòn làm nghề báo. Tôi không biết cô có phải là người Hà Nội gốc hay không, cô nói: “Khi mắng cái dân thiếu văn minh ngoài đấy, em có Sài Gòn để chứng minh là trong này người ta không ai làm việc xấu hổ thế.”


Tất nhiên, không có vùng rộng của lối sống văn minh nào lại không có mặt tệ nạn, nhưng cộng đồng thị dân Sài Gòn không có kiểu hí hởn cả tập thể hùa nhau hái hoa Anh Ðào của Nhật Bản triển lãm về làm của riêng, cũng không có những vấn nạn không thể tưởng tượng được như chiếm thang máy chung cư, cho thang máy chạy lên chạy xuống liên tục để vỗ con và đút cơm cho con mình ăn ngon miệng.


Và không có cái kiểu nghĩ và hành xử như một cô ca sĩ trẻ mà tôi quen. Cô này từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm cơ hội thành “sao.” Trong thời điểm Hà Ðông có quyết định sáp nhập vào Hà Nội, cô luôn miệng tục tằn gay gắt với những người “đời đời kiếp kiếp” cô không nhận là người Hà Nội, dù hàng ngày đang cùng thở, cùng sống ở không gian Hà Nội mở rộng với cô.


Chính từ những cách nhìn kỳ thị kiểu này đã xác lập một thứ ranh giới mà ở đó người ta tự cho Hà Nội như mình đây là tốt đẹp, phần còn lại là tệ hại vì không phải là Hà Nội. Có gì đáng buồn cười và xấu hổ cho bằng kiểu kỳ thị “địa phương thượng đẳng” đó. Và chính đó mới là mầm mống, là nguyên nhân của vô số vấn nạn xã hội.


Vấn đề không phải Sài Gòn không có người nhập cư quê mùa kém cỏi, nhưng cái chính là văn minh Sài Gòn đủ mạnh để hướng mọi người đến phẩm chất tôn trọng lợi ích cộng đồng và tự trọng trong lối sống cá nhân.


Ở phạm vị rộng hơn, nhiều bậc thức giả chiêm nghiệm rằng, không phải năm 1975 “giải phóng Sài Gòn” mà chính là biến cố đó đem đến cơ hội giải phóng toàn diện xã hội miền Bắc.
Hơn ba mươi năm qua, những ai công tâm sẽ nhìn thấy những dòng người không thể thống kê hết từ miền Bắc vào Sài Gòn để mưu cầu cuộc sống tốt hơn, qua từng cá nhân, họ hàng, thôn làng vào Sài Gòn vào miền Nam rồi về thăm quê đã đưa về, đã truyền bá lối sống văn minh vật chất và tinh thần Sài Gòn.


Bạn tôi, nhà thơ, là một người Hà Nội sang trọng, anh vào và chọn Sài Gòn để sống và cũng có thể coi anh là người tị nạn văn hóa ở Sài Gòn. Anh có những kỷ niệm vui buồn sâu sắc dành cho Hà Nội, nên mỗi lần về quê trở vào là anh nói: “Mình đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất là thấy nhẹ người.” Tất nhiên cũng trùng hợp, người biết và chia sẻ tâm trạng “nhẹ người” này là những Việt kiều lưu vong mỗi khi rời Việt Nam bay trở lại đất nước bao dung mình.


Và từ những năm đen tối nhất của lịch sử cho đến thời tạm dễ thở, không một nơi chốn nào của đất nước này được hàng triệu triệu người Việt đồng tâm tin rằng: May mà Việt Nam còn có Sài Gòn!


Trần Tiến Dũng


Nguồn: www.viet-studies.info/MayCoSaiGon.pdf


https://www.facebook.com/notes/tran-tien-dung/may-m%C3%A0-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%B2n-c%C3%B3-s%C3%A0i-g%C3%B2n/10151053800052503  ( Thursday, September 6, 2012 at 6:48pm)