Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Hiện tình người Do Thái

Tác-giả: Phan-Khôi

Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.756 (14.8.1928), s.757 (18.8.1928), s.761 (28.8.1928)

Trong số báo vừa rồi, nơi bài nói về việc ông Loewenstein đi máy bay sẩy tay rơi xuống biển Manche, chúng tôi có nói mấy lời đến người Do Thái, vì ông ấy là người DoThái (Juif).

Do Thái là một dân tộc mất nước đã hai ngàn năm nay, hiện bây giờ họ không có một miếng đất cắm dùi, đi ở đậu hầu khắp các nước trên trái đất; thế mà họ có thế lực lớn lắm, cho đến người Âu Mỹ cũng phải lấy cái thế lực họ làm đáng lo. Như thế, há chẳng là một sự lạ mà người An Nam ta nên biết lắm ư?

Đã lâu nay, chúng tôi có ý muốn đem cái dân tộc có vẻ thần bí khó hiểu ấy mà giới thiệu cùng độc giả, tiếc vì chưa có thì giờ mà nghiên cứu cho tường tất được. Nay nhơn trong bài nói sự ông Loewenstein trót đã nói đến, vậy chúng tôi cũng ước lược mà nói luôn cái hiện tình của người Do Thái cho đồng bào ta nghe qua. Chúng tôi không dám tự phụ là khảo cứu đã kỹ càng, chỉ biết được chừng nào thì chúng tôi nói chừng nấy.

Số người Do Thái ở các nước

Người Do Thái ở tản lạc khắp các nước thế gian, số người họ tính hết được bao nhiêu, thật không có sổ thống kê cho rành rẽ. Cứ theo sách Almanach de Gotha, năm 1900, số người họ ở Âu châu được 7.650.000 người. Đến năm 1914, cứ như hội Thống kê số dân Do Thái báo cáo thì đã lên đến 11.000.000 người. Mới đây Do Thái niên giám kể số người Do Thái ở toàn cầu là 16.000.000 người, thế là đã tăng lên nhiều lắm!

Thế nhưng, cái sổ mục ấy chưa chắc đã là đúng. Bởi vì, dân Do Thái ở các nước, có nhiều nhà ở nơi hẻo lánh, xa chốn thành thị và nhà thờ của họ cho nên không có thể làm sổ nhơn khẩu cho phân minh được. Vậy nếu bây giờ điều tra cho thật kỹ ra thì có lẽ dân số họ còn nhiều hơn nữa, không những như trên kia mà thôi.

Có nhà làm sử đã nói rằng: Người Do Thái hiện nay cầm cả quyền kinh tế của thế gian trong tay họ; vả lại họ chỉ có túi vàng mà thôi, trong cuộc đại chiến tranh mới rồi, ai mất chi thì mất, chết mấy thì chết, còn họ không bị hại gì cả, mà cái túi vàng của họ nhơn đó càng nặng thêm. Nhơn vì không bị tổn hao và sự sanh hoạt được sung túc, cho nên người họ sanh sản ra đông lắm và mau lắm.

Nhà sử gia ấy nói như vậy rồi kết luận rằng số dân Do Thái hiện thời đây có lẽ lên đến hơn hai mươi triệu chớ chẳng chơi. Như vậy là suýt soát với số dân An Nam ta rồi.

Vì sao dân Do Thái lan ở các nước

Trong đoạn nầy chúng tôi không dám nhận làm một đoạn nghiên cứu lịch sử Do Thái, chỉ nói qua cho biết mà thôi.

Dân tộc Do Thái vốn ở đất Palestine, về miền Tiểu Á Tế Á (*), đất ấy sau cơn chiến tranh 1914-1918 thuộc về nước Anh cai trị.

Theo sách Cựu ước (Ancien Testament) thì dân Do Thái là "tuyển dân" của Đức Chúa Trời (peuple élu) nghĩa là một dân tộc được Chúa Trời lựa chọn.

Nguyên hồi đầu dân tộc ấy mới phát sanh ra, họ đã thờ phượng một mình Đức Chúa Trời mà thôi, tức gọi là Nhứt thần giáo (Monothéisme). Bởi vậy, phàm sự gì thuộc về vận mạng của dân tộc họ, họ đều tin cậy ở ý chỉ Đức Chúa Trời.

Dân Do Thái đầu hết ở đất Mésopotamie, sau dời đến Palestine, rồi lại lưu ngụ ở nước Ai Cập. Ở đó, họ bị người Ai Cập ngược đãi đến ba bốn trăm năm. Vào khoảng trước giáng sanh 1320 năm, giữa họ nổi lên một bậc thánh triết gọi là ông Moise, tự xưng là vâng lịnh Đức Chúa Trời, đem hết thảy dân Do Thái ở Ai Cập trở về đất Palestine.

Từ đó, người Do Thái chinh phục các dân tộc khác ở chung quanh mình và tự lập thành một nước. Trong nước họ bấy giờ không lập vua, công cử lên một vị gọi là Thầy tế lễ cả để cai trị, cầm cả quyền chánh trị và tôn giáo. Sự cai trị thì lại cứ tuân theo giới mạng và luật pháp của Đức Chúa Trời mà đã do ông Moise truyền lại cho.

Đến năm trước giáng sanh 1055, người Do Thái mới bắt đầu lập vua. Có ông vua danh tiếng nhứt là vua David, bắt đầu đóng đô tại Jérusalem. Song đến con là vua Salomon nối ngôi thì lại xa xỉ và chuyên chế quá, làm cho dân không chịu nổi. Trước giáng sanh 953 năm, vua Salomon thăng hà thì trong nước nổ loạn, chia ra làm hai nước: phía nam gọi là Do Thái,(1) phía bắc gọi là Israel.

Từ đó về sau, dân tộc Do Thái càng ngày càng yếu, cho đến năm trước giáng sanh 722 và 588 tức là thời kỳ La Mã đương hưng thạnh, thì Do Thái và Israel nối nhau bị La Mã chinh phục và mất nước.

Phần nhiều dân Do Thái bị ngược đãi trong xứ ở mình thì bỏ mà đi ra ở ngoại quốc từ lúc đó cho đến bây giờ. Trong đất Palestine hiện ngày nay, chỉ còn một số ít người Do Thái còn ở lại đó mà thôi.

Cũng thì là dân mất nước, song dân Do Thái có một điều đặc biệt hơn các dân mất nước khác. Sự ấy chúng ta cần nên biết, vì nó đã làm cho cái lịch sử vong quốc của họ trở nên vẻ vang. ấy là từ đó đến giờ, mỗi năm nhằm ngày kỷ niệm mất nước của họ thì bao nhiêu người Do Thái còn ở lại trong đất Palestine, bất luận già trẻ trai gái, đều về cả tại thành Jérusalem, ôm lấy tường thành mà khóc.

Theo sách Cựu ước thì những sự dời chỗ ở, lập vua, mất nước, tản ở ngoại quốc của dân Do Thái vừa kể trên kia đều do ở ý chỉ tiền định của Đức Chúa Trời.

Muốn rõ cả mọi điều đó thì phải đọc cả bộ Cựu ước. Ở đây chúng tôi chỉ nói sơ một điều quan hệ mà thôi.

Các đấng tiên tri trong dân Do Thái, ở trước Jésus Christ một vài ngàn năm hoặc năm ba trăm năm, đều có nói tiên tri và chép những lời mình vào sách mà rằng: "Sau nầy Đức Chúa Trời sẽ sai xuống cho dân Do Thái một đấng gọi là Messie (tức Christ, nghĩa là cứu thế), song dân Do Thái không tin theo, thì Chúa sẽ phạt cho, làm cho bị dân khác chinh phục mà mất nước, và phải tan lạc đi ở đậu các nước trong thế giới."

Đến chừng Jésus Christ (người Do Thái dòng vua David) ra đời, xưng mình là đấng Messie bởi Đức Chúa Trời sai xuống, song phần nhiều dân Do Thái không tin theo người. Trong lúc ấy chính là lúc dân Do Thái bị ngược đãi và bắt đầu lưu tán, cho nên người ta nói rằng lời tiên tri ấy đã được ứng nghiệm. Dầu vậy mặc lòng, cho đến ngày nay, phần đông người Do Thái cũng không chịu tin theo Jesus Christ mà vẫn cứ còn đợi đấng Messie.

Nhơn đó cũng nên nói qua về tôn giáo của dân Do Thái. Tôn giáo của họ gọi là "Do Thái giáo" (Israélisme), theo luật pháp ông Moise tin một Đức Chúa Trời, mà không tin Jésus Christ; nhận sách Cựu ước điển mà không nhận sách Tân ước của môn đồ Jésus Christ làm kinh viết ra.

Cái đặc tánh của người Do Thái

Trong bài trước đã nói người Do Thái là "tuyển dân" (peuple élu) của Đức Chúa Trời và tôn giáo của họ ra làm sao, vì vậy mà họ có những tánh chất đặc biệt không giống như các dân tộc khác.

Họ có những tánh tín ngưỡng, tự phụ, đoàn kết, và nhẫn nại.

Thật không có dân tộc nào trong thế gian nầy có cái đức tin cho mạnh bằng người Do Thái. Hiện bây giờ người họ ở khắp các nước, mà ở nước nào thì nhập tịch nước ấy song chẳng hề chịu ảnh hưởng của văn hóa nước ấy chút nào. Bao nhiêu những sự thuộc về tôn giáo, chánh trị, pháp luật, vệ sanh, cả đến những của gì đáng ăn, của gì không đáng ăn nữa, họ cũng đều tuân theo lời trong sách Cựu ước mà Đức Chúa Trời đã phán truyền cho họ.

Vì trong Cựu ước có nói tiên tri rằng dầu Đức Chúa Trời phạt dân Do Thái mà ghét bỏ họ trong một thời lâu, song về sau ngài sẽ đoái thương đến họ, dắt đem trở về đất cũ, hầu để lập quốc lại và trở nên vẻ vang hơn các dân tộc khác; cho nên người Do Thái tin đó mà sanh ra lòng tự phụ kiêu căng. Họ nhận Đức Chúa Trời là chúa riêng của mình, còn mình là con riêng Đức Chúa Trời, mỗi khi nhớ đến ông Abraham, ông Isaac, ông Jacob ngày xưa(2) đã nhờ ơn Chúa thế nào, thì lại tin rằng lời hứa ấy rồi đây sẽ ứng nghiệm trong kỳ nó. Bởi vậy, người Do Thái dầu ngày nay đương ở trong cái cảnh lưu ly cực nhục, song chẳng những không nguội lòng thì chớ, mà lại còn sanh ra cái dã tâm muốn thống nhứt thế giới nữa kia. Thử xem một đoạn trong sách Tư tưởng chiến thắng và người Do Thái của ông bác sĩ Penthatull, người Do Thái, xuất bản năm 1923 tại nước Autriche, thì đủ biết cái lòng tự phụ của họ là thế nào. Đoạn ấy như vầy:


"Người Do Thái chúng tôi không có thành kiến chút nào; đối với mọi sự vật trên đất, chúng tôi xem xét rất rõ ràng; chúng tôi thường dám có cái tinh thần mà người khác không dám có.

"Bởi có cái tinh thần ấy, cho nên, dầu ở trong các nước Âu Mỹ, không tấn tới được mấy chút, song giá ở trong một hòn cù lao nào thì chẳng qua trong 50 năm, chúng tôi sẽ làm chủ nhơn trong cù lao ấy. Trong thế giới không cứ việc gì cũng phải cần đến chúng tôi(**), vì mọi nơi dưới biển trên bờ đều có dấu chơn con nhà Do Thái. Con nhà Do Thái chúng tôi đã lanh lẹ lại siêng năng, cái chỗ mục đích kia một ngày chưa đạt đến thì chúng tôi còn chưa biết mỏi mệt..."

Nói về cái tánh đoàn kết của họ thì thật không có dân tộc nào bì được. Những dân tộc có lãnh thổ, có chánh phủ đã thành ra quốc gia rồi mà biết đoàn kết với nhau thì có lạ gì. Cái nầy người Do Thái bị tan lạc, bị xua đuổi, ở không yên ổn, rày đó mai đây, mà giữa họ nghiễm nhiên có một cái đoàn thể bền chặt và thiêng liêng, như vậy mới là đáng quý.

Kể từ năm trước giáng sanh 70 năm, thành Jérusalem bị hủy phá, cho đến năm 135, khoảng đó là khoảng người Do Thái bị tan lạc. Bấy giờ một mớ thì chạy về các nước phương Tây như I-ta-ly, Y-pha-nho; một mớ thì chạy về các nước phương Đông như Syrie, Perse; còn một số ít người ở lại trong đất Palestine thì đổi họ và không dám ra mặt.

Trong lúc ấy những người Do Thái chạy sang phương Tây còn được phục tùng một vị chủ giáo của mình, song cũng phải tùy theo hoàng đế La Mã, khi nới cho thì được, khi cấm đi thì thôi. Cái cơ quan khi chùng khi sáng ấy tồn tại được hơn 400 năm, về sau phải tiêu diệt và trên lịch sử không thấy nói đến vị chủ giáo của dân Do Thái nữa.

Những người Do Thái chạy sang phương Đông thì tôn dòng dõi vua David nối nhau làm vua mình, gọi là "vua trốn" ở tại thành Ba-bi-lon. Các ông vua trốn đó cũng còn được cai trị dân mình và liên lạc cùng vị chủ giáo phương Tây nữa. Đến năm 1005, giáo chủ đạo Hồi Hồi coi người Do Thái là cừu địch cầm tù vua trốn là Ezéctias và giết đi lại đuổi hết thảy người Do Thái phải dời đi nơi khác, từ đó về sau họ không có chánh phủ ở ngoại quốc nữa.

Cũng từ đó người Do Thái tan lạc càng rộng ra, lần lần xuống á châu, sang Mỹ châu, không những ở Âu châu mà thôi, cho đến bây giờ thì khắp trên mặt đất đâu đâu cũng có họ.

ở tan tác như vậy thì làm thế nào mà đoàn kết với nhau? Người ta nói rằng người Do Thái có một thứ chánh phủ kín. Có người đã tìm ra hai bức thơ của họ gởi cho nhau về hồi thế kỷ thứ 15 mà đoán rằng họ phải có cái cơ quan bí mật ấy.

Muốn cho thứ chánh phủ kín ấy tồn tại luôn, khỏi bị người phát giác ra, thì phải dùng những cái thủ đoạn rất thần bí rất cẩn thận mới được. Lại muốn cho cái chánh phủ ấy không tỏ ra, đối với đoàn thể Do Thái không có sự liên thuộc về giai cấp, như vậy mà lại giữ cho đoàn thể được vững bền, chủng tộc được thuần khiết, sự tín ngưỡng được chuyên nhứt, khỏi bị đồng hóa với người ngoài, thiệt là khó thay, e chỉ có một mình dân tộc Do Thái mới có cái ý chí lạ lùng như vậy.

Đến thế kỷ thứ 19 và sau, nghĩa là từ hồi Pháp quốc Cách mạng phát biểu lời "Nhân quyền tuyên ngôn", người Do Thái mới bắt đầu được giải phóng. Năm 1860 ông Adolphe Crémieux lập ra một hội gọi là "Hội liên hiệp người Do Thái trong thế giới", từ đó giữa đoàn thể Do Thái mới có được một cơ quan chánh thức, rồi các cơ quan khác càng thành lập nhiều thêm cho đến ngày nay.

Xem cả lịch sử người Do Thái từ hồi mất nước đến giờ, bị giết hại bị xua đuổi không biết mấy nơi, không biết mấy lần, mà chẳng hề nao núng, tấn thủ lại càng hăng như vậy thì biết cái tánh nhẫn nại của họ là dường nào. Cái tánh ấy, mà cả đến cái tánh khác của họ nữa cũng đều bởi nơi tôn giáo của họ mà ra.

Số tới, chúng tôi sẽ nói tiếp thế lực hiện thời của người Do Thái ở các nước và các nước đối với họ ra làm sao.

Thế lực người Do Thái trong thế giới

Trong mấy đoạn trước đã nói rằng người DoThái ở khắp các nước trong thế gian, bởi vậy, nếu họ không có thế lực gì thì thôi, bằng đã có, thì cái thế lực ấy thật là bao la cả trên mặt đất.

Một điều lạ nữa, là trong sách Cựu ước có nói tiên tri rằng người Do Thái về sau sẽ bị tan lạc, song được giàu có, thì quả như vậy, dân Do Thái bây giờ giàu hơn hết cả các dân khác. Cái thế lực của họ là ở đó.

Như ông Loewenstein mới rồi chết vì té máy bay mà bổn báo đã nói đến hôm nọ, là một người giàu nhứt trong ba nhà triệu phú ở thế gian.

Họ có nhiều tiền rồi, lại có người nữa. Nhơn tài của Do Thái không mặt nào là không có. Về kinh tế, về chánh trị, về văn học, về kỹ nghệ, bất kỳ phương diện nào, trong dân Do Thái cũng đều có người nổi tiếng về phương diện ấy.

Bởi vậy, bao nhiêu những ngân hàng lớn ở các nước phần nhiều là tiền của người Do Thái bỏ ra, cái đó đã đành rồi, mà cho đến các chức vụ trọng yếu trong ngân hàng cũng về tay họ nữa.

Họ đã cầm cả quyền tài chánh của thế giới vào trong tay, rồi thì các cuộc thiệt nghiệp(***) lớn, như là mỏ sắt, mỏ dầu, cũng đều có người họ làm giám đốc. Rồi đến quyền ngôn luận, là như các nhà báo lớn, các sở thông tin, họ cũng xen vào. Thậm chí như ông Jaurès ở nước Pháp lập ra báo L'humanité, là báo binh vực cho công lý nhân đạo, có tiếng ở thế giới ngày nay, mà người ta nói rằng, lúc mới sáng lập ra, cũng có một vài nhà tư bổn Do Thái bỏ tiền vào giúp. Lại như các giáo viên trong các trường đại học bên nước Pháp hiện bây giờ, cũng có một phần đông là người Do Thái, điều đó đã có nhiều người Pháp lấy làm khó chịu.

Cái thế lực Do Thái ở nước Pháp đã là mấy, ở nước Mỹ mới ghê cho. Nước Mỹ có tiếng là một nước rất giàu, song cũng có thể nói rằng cái giàu ấy là của người Do Thái, vì các cơ quan về tiền bạc, phần nhiều bị họ chiếm hết. Coi như hồi cuối thế kỷ thứ 17, chánh phủ New York có một lần ra lịnh đuổi người Do Thái ở đó đi, rồi có những người Do Thái giàu, có nhiều phần hùn trong các công ty thực dân, rập nhau nổi lên phản đối, làm cho chánh phủ phải tiêu hủy cái lịnh ấy. Hồi đó mà họ đã có thế lực như vậy rồi, huống chi là bây giờ; ở nước Mỹ mà còn như vậy, huống chi là các nước khác.

Nói đến nước Tàu, các đô thành lớn của nước ấy mà có dấu chơn người Do Thái chỉ độ trong khoảng vài trăm năm nay, song cái thế lực ngầm ngấm của họ cũng chẳng vừa. Một người Tàu làm sách có nói rằng: "Nước Trung Hoa mỗi một năm mất cho ngoại quốc phỏng độ 12 triệu đồng bạc (nghĩa là tiền trả lời các món công trái), trong một số tiền lớn ấy, các nước khác chỉ hưởng được phần ít, còn người Do Thái thì hưởng được phần nhiều."

Tóm lại, cái thế lực của người Do Thái đáng ghê nhứt là cái thế lực ở trong các ngân hàng. Cái thế lực trong ngân hàng có thể chỉ huy được các chánh phủ của các nước. Giả như một nước nào muốn vay một món tiền to của ngân hàng lớn nào đó, thì cái quyền muốn hỏi vay về làm chi và cho vay hay không, cũng lại ở trong tay "quân Giu-dêu" nầy. Xem bề ngoài thì cái thế lực ấy tưởng không lấy gì làm quan hệ lắm, song xét kỹ ra thì thật là đáng khiếp. Bởi vì, như người ta nói, có tiền thì tiên hay múa, nếu họ đem lòng hiểm độc bắt ngặt các chánh phủ rồi xoay qua đường khác để làm lợi cho họ, lại không có thể được hay sao? Cho đến đảng Cách mạng nào, đảng Cộng sản nào mà đã túng tiền phải vay của họ thì tất nhiên là khó mà thoát ra ngoài vòng thế lực của họ được.

Nhờ tiền bạc, nhơn tài, và tấm lòng đoàn kết của người Do Thái, nên hiện nay dầu họ chưa khôi phục hẳn được tổ quốc mình, song sự ấy cũng đã rõ manh mối ra một ít. Vì mấy lần Vạn quốc hội nghị vừa rồi, nhơn người Do Thái thỉnh cầu, đều có đem việc ấy ra bàn, và nghe như trong đất Palestine ngày nay, tuy về người Anh đại lý, song đã có một bộ phận thuộc về quyền người Do Thái ở đó.

Có điều nầy ta nên biết, là về phần người Do Thái, họ tin ở lời hứa trong Cựu ước, cho nên họ quyết rằng thế nào rồi họ cũng sẽ về mà lập quốc lại trong đất Palestine.

Các nước đối với người Do Thái - "Họa Do Thái "

Người Do Thái đã có cái thế lực lớn như đã nói trên kia, thì có khó gì mà chẳng vận động cho mình trở về cố quốc, chi đến nỗi ở gởi nằm nhờ đất người ta lâu như vậy? Đó là một vấn đề rất phiền phức về quốc tế, chúng tôi không đủ học thức mà giải minh được, chỉ nói đại lược mà thôi.

Có lẽ cũng vì cái thế lực của Do Thái to quá, làm cho các nước lấy làm lo mà còn dùng dằng chưa dám cho họ trở về cố hương. Vì nghĩ rằng trong khi họ vong gia thất thổ mà còn lừng lẫy thế này, huống chi là khi đã có một miếng đất làm nơi căn cứ.

Trong một đoạn trước đã nói rằng người Do Thái có cái dã tâm muốn thống nhứt thế giới, mà cái dã tâm ấy là sanh ra bởi tôn giáo của họ. Thật thế, đã lâu nay người Do Thái rắp toan cậy cái thế lực của mình mà thiệt hành mọi việc để cho ứng nghiệm những lời đã hứa trong Cựu ước, tức là "sẽ được trở về đất cũ và trở nên một dân làm chủ các dân". Bởi tôn giáo họ xui cho họ có lòng hy vọng lớn lao, có tánh kiêu căng lạ thường, cho nên bây giờ, cái chữ "Do Thái giáo", người ta không coi là tôn giáo nữa, mà coi như là một chủ nghĩa: khi nói đến chữ "Israélisme", tức là có bao hàm cái nghĩa xâm lược, áp bách ở trong, cũng gần gần như khi nói đến chữ "Impérialisme" là "đế quốc chủ nghĩa" vậy.

Vì vậy, các nước bên Âu-Mỹ, bất luận nước lớn hay nhỏ, đối với người Do Thái đều có một tâm lý như nhau: một đường thì ghét dơ, một đường thì lo ngại. Cách hơn trăm năm về trước, người Do Thái đến đâu thì bị xua đuổi đến đó, vả lại còn bị người ta khinh rẻ đến điều, ba chữ "người Do Thái " đã thành ra một câu dùng để mắng trong các nước. (Tức như trong tiếng Pháp khi nào mắng ai mà dùng đến tiếng "C'est un Juif" thế là mắng độc lắm, còn hơn ta nói "đồ Mọi đồ Hời" nữa.) Mà sở dĩ người ta ghét dơ quá như vậy, lại là vì họ cho người Do Thái là tham lam, gian ác và nhứt là hay cho vay ăn lời.

Cái lòng ghét dơ ấy bây giờ lại đổi ra lo ngại. Lo ngại vì cái thế lực và cái dã tâm của Do Thái. Đã lâu nay mấy chữ "Cái vấn đề Do Thái" (Le problème Juif) thường thấy ra trong báo chương sách vở của các nước luôn luôn, hình như họ muốn hiệp cả trí khôn của loài người lại để giải quyết vấn đề ấy mà đến nay cũng còn chưa có phương giải quyết.

Trong khi chưa có phương pháp nào giải quyết được vấn đề Do Thái đó, thì người ta bất giác hốt hoảng kêu lên rằng: "Họa Do Thái! Họa Do Thái!" (Péril Juif).

"Họa Do Thái!" tiếng kêu ấy cũng như tiếng kêu "Họa da vàng!" (Péril jaune), nghĩa là sợ người Do Thái hoặc giả rồi đây sẽ cậy thế lực kim tiền mà thống nhứt thế giới được chăng, cũng như người ta lo cho Nhựt Bổn hoặc Tàu là giống da vàng, rồi đây hoặc sẽ đứng phắt dậy mà làm lôi thôi cho giống da trắng vậy.

Thật vậy, giống Do Thái là giống rất nguy hiểm; người ta sợ rằng hoặc giả rồi đây họ sẽ hiệp hết thảy đồng bào tan lạc lại cùng nhau choán cả tiền bạc trong thế giới, nhơn đó mà mở buộc quyền tài chánh của các nước, làm quân sư cho đám thợ thuyền các nước, rồi có thể xoay cái quyền Vạn quốc hội nghị vào trong tay mình, như thế há chẳng nguy cho các dân tộc khác hay sao? ấy vậy, hiện nay liệt cường đương lo mà giải quyết cái vấn đề Do Thái là phải lắm, vì nó là cần kíp lắm.

Có nhiều người biết chuyện nghĩ đến hiện tình thế giới mà bật cười. Số là hết thảy các dân tộc bị áp bách ngày nay, số người phỏng là 200 triệu rưỡi, trong số ấy người Do Thái chiếm hết một phần mười hai (1/12); thế mà một phần mười hai số người bị áp bách ấy trở lại làm cho các dân tộc áp bách phải lo ngay ngáy như có cái tai vạ gì lớn hầu đến cho mình mà không biết khi nào. Rút lại, ta chỉ có thể đoán ước chừng rằng nếu trong vũ trụ này mà quả có Đức Chúa Trời, và nếu Đức Chúa Trời quả là chúa riêng của dân Do Thái, thì cái vấn đề Do Thái thật cũng khó lòng lấy trí lực loài người mà giải quyết được vậy.

Ấy thế mà, hiện thời nay, trừ An Nam ta ra không kể, còn các nước, không nước nào là không kiếm cách để ngăn ngừa cái họa Do Thái về sau; cho đến nước Tàu, có người đã lo đến rằng phải gấp gấp thiệt hành cái chủ nghĩa Tam dân để có chống cự lại với chủ nghĩa Do Thái, tức là chủ nghĩa Đế quốc mà biến hình ra vậy.

                                                                                                                                 C.D.

                                                                                           Đông Pháp thời báo, Sài Gòn,

                                                             s.756 (14.8.1928), s.757 (18.8.1928), s.761 (28.8.1928)

----------------

(1) Chữ "Do Thái" nầy là tên nước, theo tiếng Pháp là Juda, khác với chữ "người Do Thái", theo tiếng Pháp là Juifs và trong sách đạo hay gọi là "quân Giu-dêu" (nguyên chú của PK);

(2) Abraham, Isaac, Jacob: ba ông nầy là tổ tiên người Do Thái (nguyên chú của PK).

* Á-tế-á (âm Hán-Việt) = Asia =(châu) Á;

**theo diễn đạt ngày nay, ý khẳng định này lẽ ra được viết là "…bất cứ việc gì cũng phải cần đến chúng tôi… "

*** thiệt nghiệp: như « thực nghiệp ».


Bài viết liên quan:

Người Do Thái và giải Nobel + Vì sao người Do Thái thông minh và Việt Nam chúng ta có thể học tập được gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét