Nếu Tổng thống Nicolas Sarkozy không thắng được nhiệm kỳ thứ hai như nhiều điều tra dư luận dự đoán trước vòng bỏ phiếu thứ nhất vào Chủ Nhật này, yếu tố quan trọng nhất có thể là vì ông gây ra phản cảm nặng nề với nhiều người Pháp. Và vì sao lại thế?
Kể từ sau khi ông nhậm chức năm 2007, ông Sarkozy là vị tổng thống duy nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp bị ghét công khai tới mức cao độ.
Và thái độ đó lại chẳng liên quan gì nhiều đến các chính sách của ông.
Tất cả các nhà lãnh đạo đều phải chấp nhận bị ghét vì những điều họ làm. Nhưng ít ai bị ghét vì chính cá nhân của họ tới mức như của ông Sarkozy.
Jean-Sebastien Ferjou, chủ bút trang web tin tức Atlantico nói:
"Không thể có cách giải thích sự căm ghét thiếu lý tính này đối với ông Nicolas Sarkozy, và đây lại là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử này.”
Ông giải thích: "Tôi nói ‘thiếu lý tính’ vì nó đúng là như vậy. Điều tra dư luận cho thấy khi hỏi người dân về một chính sách nào đó mà không nêu tên ông Sarkozy là tác giả thì người ta vẫn ủng hộ nó."
Theo ông Ferjou, ông Sarkozy bị thù ghét vì ông là tổng thống Pháp đầu tiên tuyên bố không ngượng ngùng rằng ông thuộc về phe hữu.
"Thật là oái oăm vì thực ra ông ta không hình thành cơ sở ý thức hệ rõ rệt. Tài năng của ông ta đến từ chỗ người luôn nhiều năng lượng, năng động và thật không thể nói gốc gác tri thức của ông thuộc loại gì.”
"Nhưng ông ta gửi ra thông điệp rõ ràng rằng ông không xấu hổ khi nói ông ta thuộc về phe hữu, và điều này khiến người ta có phản ứng thù địch ghê gớm.”
Ông Ferjou cũng giải thích rằng vì nhiều năm qua, phe hữu ở Pháp “đã hoàn toàn rút bỏ khỏi cuộc thảo luận mang tính trí tuệ, để nó lại cho phe tả”.
"Đối với các đảng mang danh là ‘phái hữu’, lập luận duy nhất họ nêu ra là họ biết quản trị tốt hơn phe tả...Nhưng họ đã hoàn toàn đầu hàng trong cuộc chiến về tư tưởng và giá trị”.
Ông Sarkozy trên thực tế đã “chấm dứt vấn đề vẫn ẩn náu đó” và người ta vì thế đã ghét ông, theo giải thích của Ferjou.
Giọng điệu của bệnh thù ghét ông Sarkozy (Sarkophobia) được định hình trong các sa-lông đầy tính văn hóa và các quán cà phê ‘tư sản’ Paris.
Tại các chốn đó, tổng thống Pháp bị cho là kẻ hám tiền, thô thiển, khá phân biệt chủng tộc và nguy hiểm.
Gần đây, đạo diễn điện ảnh Mathieu Kassowitz nói nếu tổng thống Sarkozy vào được vòng tranh cử thứ nhì, thì chứng tỏ là Pháp đã trở thành nước của những kẻ “tân phát-xít”.
Trong một điều tra dư luận gần đây về các lãnh đạo châu Âu, ông Sarkozy được đánh giá là nhân vật nổi tiếng nhất châu lục nhưng cũng không được ưa thích nhất.
Nghệ sĩ giải trí Christophe Aleveque thì nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ông Sarkozy là kẻ "nguy hiểm đến từ hành tinh khác, một thằng ngu tin vào những điều dối trá của chính y, một tên có tâm lý bất bình thường ".
“Nếu ông ấy tham tiền đến thế thì cũng được. Nhưng đó là việc của ông ấy. Tôi thấy ông ấy nên làm trong ngành ngân hàng hay sao đó. Và để cho chúng tôi yên!” Christophe Aleveque nói.
Việc ông mở tiệc ăn mừng thắng cử tổng thống vào năm 2007 tại nhà hàng đắt đỏ Le Fouquet’s ở khu Champs-Elysees tới nay vẫn còn bị xem như là biểu tượng của lối sống xa xỉ của ông.
Tuy nhiên, đó là do những người ủng hộ ông chẳng buồn chỉ ra việc các nhân vật cấp cao của Đảng Xã hội cũng hay đi ăn ở các nhà hàng hạng sang ở Paris đó thôi. Tổng thống Mitterand đâu thiếu gì mấy người bạn giàu.
Vào năm 2002, vợ của ứng viên đảng Xã hội Lionel Jospin đã cho một tạp chí biết bà đi mua đồ hàng ở khu thương xá Le Bon Marche, nơi sang trọng ngang tiệm Harrod ở Anh.
Nhưng phô trương sự giàu có một cách tinh tế như thế thì lại được xem là chấp nhận được.
Theo luật sư cánh hữu và nhà phản biện Gilles-William Goldnadel, nguồn gốc của chủ nghĩa bài Sarkozy nằm sâu trong nền văn hóa chung tôn thờ những ai yêu cánh tả.
“Truyền thống này có từ lâu rồi – vừa cách mạng vừa lãng mạn – vốn sẽ tấn công bất cứ điều gì có mùi tiền hoặc đặc ân đặc quyền,” ông cho biết.
“Văn hóa đó liên minh với nghề báo nghiêng hẳn về cánh tả.
“Điều tra cho thấy 80 đến 95% nhà báo thuộc về cánh tả hay cực tả. Họ tập trung không liên tục vào những thói hư tật xấu của Sarkozy, họ đang thúc đẩy nghị trình như thế.”
“Ông ấy hợp với người thường hơn là với giới tri thức đang chi phối đời sống xã hội”, theo Michel Maffesoli, giáo sư xã hội học.
Còn một cách giải thích nữa về hội chứng Sarkozy của nhà văn Andre Bercoff, tác giả của quyển La Chasse au Sarko (Cuộc săn lùng Sarko).
Theo ông, lý do thực sự tại sao mọi người ghét tổng thống không phải là do “Fouquet’s, hay mấy việc tầm phào, mà là vì ông đã phạm luật về cách làm thế nào để làm tổng thống.
“Khi de Gaulle thiết lập nên Đệ ngũ Cộng hòa, ông đã tạo ra chức tổng thống rất giống như vua. Và kể từ đó, tất cả các tổng thống, bất kể thuộc cánh tả hay cánh hữu, đều vui vẻ trị vì theo kiểu đó."
“Nhưng khi ông Sarkozy lên ngôi thì ông lại tuyên bố, ‘Tôi không muốn làm vua, tôi muốn làm chính trị gia. Tôi muốn giữ vai trò giống như huấn luyện viên bóng đá.’ Vì vậy người ta thật sự nổi giận với ông ấy.”
Đối với Bercoff, lý do duy nhất tại sao tổng thống bị ghét vì ông đã nói với người Pháp một vài sự thật mất lòng.
“Người Pháp đã vui vẻ dưới thời Mitterand hay Chirac cầm quyền, những nhà lãnh đạo nâng niu tư tưởng hậu cách mạng rằng dân tộc Pháp là dân tộc được chọn, mà các luật lệ về kinh tế học không áp dụng vào phù hợp.”, ông nói.
“Ở Pháp vẫn còn nhiều người tin rằng chúng ta nên dọn đường để đạt được cách sống mới. Hãy nhìn vào sự thành công của Jean-Luc Melenchon, ứng viên cực tả."
“Nhưng Sarkozy đã đâm thủng ảo tưởng đó và một lần nữa người ta ghét ông ấy vì thế.”
Cả Ferjou, Goldnadel và Bercoff đều tin rằng Sarkozy đã thất cử rồi, và chính chủ nghĩa bài Sarkozy đang nổi lên mạnh mẽ là nguyên do chính.
Các cuộc vận động bầu cử phải kết thúc vào nửa đêm thứ Sáu.
Nhưng tại trường đại học Sorbonne, Giáo sư Xã hội học Michel Maffesoli thì không hẳn là tin như thế.
Ông lập luận rằng Sarkozy là cái gai đối với văn hóa chính thống ở Pháp và bị các tín đồ của nền văn hóa đó trong giới truyền thông, các đại học và ngành nghệ thuật phần đông đều chống lại.
Nhưng ông cũng nêu rằng cần phân biệt giữa ‘dư luận được công bố’ của giới thức giả và ‘dư luận công chúng’.
Theo ông, với đa số quần chúng, đương kim tổng thống Pháp có mối gắn kết mạnh hơn là những gì được thừa nhận.
Ông nói:"Sinh hoạt công ở Pháp bị chiếm trọn hai, ba thế kỷ qua bởi các ý tưởng duy lý của thời Khai sáng.”
"Nhưng các ý tưởng đó, dù có thể coi là đã định hình cho thời Hiện đại, nay phải nhường bước cho các ý tưởng và giá trị Hậu hiện đại, " ông nói.
"Thời Hậu hiện đại là khi mà các xã hội chuyển biến tới chỗ chọn giác độ mang tính cảm tính hơn là duy lý hay kiểu trí thức.”
"Và ông Sarkozy đã nắm lấy điều này một cách rất rất bản năng. Ông ta gần với người dân thường nhiều hơn là giới trí thức vốn thống trị sinh hoạt công."
Maffesoli không tin vào các cuộc điều tra dư luận nhưng ông nói người dân biết phải chọn cách nói kiểu gì và đồng thời vẫn dành sự ủng hộ cho ông Sarkozy.
"Khi vào phòng đầu phiếu thì chuyện lại khác. Thùng phiếu như là lòng mẹ, nơi người ta tự sự bằng tình cảm. Điều này có nghĩa là họ chọn tình hơn là lý."
Vì thế, ông tin rằng “Sarkozy vẫn có thể thắng".
Điều này xem ra cũng không đơn giản. Dù Maffesoli nghĩ gì thì các cuộc điều tra dư luận khá rõ ràng (nghiêng về phía bất lợi cho ông Sarkozy).
Nhưng ông Ferjou cũng chỉ ra: "Hơn 60% bỏ phiếu cho (đối thủ) Francois Hollande nói họ sẽ làm thế chỉ để tống cổ ông Sarkozy đi."
Đây có vẻ không phải là hướng đi tích cực nhất để Pháp bước vào một kỷ nguyên chính trị mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét