Chẳng hiểu sao đến hôm nay tôi mới thấy bài của bác Giang Lê nói về ngôn ngữ – mà thực ra chỉ có vài dòng.
Nó là thế này:
Tôi nhớ ở VN trước đây mọi người hay “truyền tụng” nhau câu nói đại loại là: tiếng Anh là ngôn ngữ cho business, tiếng Pháp cho love, tiếng Đức cho khoa học, còn tiếng Nga cho … everything. Hôm nay thấy Jean-Claude Trichet (người Pháp) nói tiếng Anh và tiếng Pháp là “comunication languages” còn tiếng Đức là “thinking language”, bằng chứng có rất nhiều nhà triết học người Đức. Kiến thức ngôn ngữ của tôi rất hạn hẹp nên chẳng dám bình luận gì, nhưng với tôi tiếng Việt vẫn là nhất, chỉ ngại mỗi khoản xưng hô
Thôi thì ai cũng thuộc cái câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt” rồi. Thế các tiếng khác thì sao?
Nói theo kiểu của ông Trichet – tiếng Đức là ngôn ngữ tư duy vì Đức lắm triết gia – thì hẳn tiếng Tàu phải có khả năng làm người ta phát điên dễ dàng, nếu không thì đã chẳng có chuyện bao nhiêu người nhảy xuống sông bơi theo Mao Trạch Đông để rồi chết đuối (ông Mao thì bơi cực giỏi – đó là sự thật).
Tiếng Hàn nhất quyết là dùng để quát mắng và chửi nhau rồi, vì mấy ông Hàn Quốc lúc nào cũng nói oang oang.
Tiếng Nhật thì sao nhỉ? Tôi thấy mấy cô Nhật (từ già tớ trẻ) nói chuyện cứ gọi là ngọt như mía lùi ấy.
Nghĩ loanh quanh tự nhiên lại ra một truyện cười đọc đâu đó lâu rồi. Đại khái là có ông giáo sư giỏi nhiều ngoại ngữ được phóng viên hỏi về công dụng của từng thứ tiếng với ông. Ông kể lể nào là tiếng Anh đi làm việc, tiếng Pháp đi tán gái, tiếng Latin đi nhà thờ (tôi không nhớ lắm), vân vân và vân vân. Anh phóng viên hỏi khi nào thì dùng tiếng mẹ đẻ. Ông giáo sư cười: khi tôi lỡ rót nước sôi vào chân.
Nhưng nếu ai đó tưởng thế đã là oách thì nhầm to. Hoàng đế La Mã Thần Thánh Charles V có câu tuyên ngôn bất hủ sau đây:
I speak Spanish to God, Italian to women, French to men, and German to my horse.
- dịch (thoát ý một chút xíu-xìu-xiu): Ta nói tiếng Tây Ban Nha với Chúa, tiếng Ý với phụ nữ, tiếng Pháp với đàn ông, còn tiếng Đức thì để dành cho lũ ngựa!
(Lưu ý rằng La Mã Thần Thánh – Holy Roman Empire – còn được gọi là Đệ nhất Đế chế của… Đức đấy ạ)
Một ông hoàng khác cũng của La Mã Thần Thánh – Sigismund – cũng không kém phần long trọng:
I am the king of Rome, and above grammar!
- dịch (cũng thoát ý một chút xíu-xìu-xiu): Ta là vua của Rome, và đứng trên ngữ pháp!
Ngài tuyên vậy khi bị một giám mục chê là dốt ngữ pháp ngay trước Hội đồng Giám mục.
Tôi thì không phải là vua hay hoàng đế gì hết mà chỉ là một phóng viên vô danh thôi. Cho nên, tôi yêu tiếng Việt của tôi, ngay cả khi nó là bão táp.
Nhưng nhân nói tới tiếng Việt, xin được kết thúc bằng lời vàng ngọc của cụ Phạm Thượng Chi:
Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét