Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Đặng Thái - Xã hội Hàn Quốc

Tác giả: Đặng Thái

Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán
01 tháng 04 năm 2015 - 6:33 am

Cầu đường sắt sông Hán (Hán Giang thiết kiều) sơn hai màu xanh – trắng là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hán. Năm 1897, một kỹ sư người Mỹ là James R. Morse trúng thầu của chính quyền Hàn Quốc nhưng rồi ông gặp khó khăn về tài chính nên thực dân Nhật đã thiết kế lại và hoàn thành vào năm 1900, hơn kém cầu Long Biên mấy tuổi. Cầu có bốn làn riêng biệt, ba làn mới hơn được xây lần lượt vào các năm 1912, 1944 and 1995. Cầu đã từng bị “tiêu thổ kháng chiến” ngay khi bắt đầu chiến tranh Triều Tiên hòng cản bước “xâm lăng” của “giặc phương Bắc” nhưng kết quả là khiến hàng trăm dân thường và quân lính Hàn Quốc không kịp qua sông, bị dồn lại bên bờ bắc và rồi… Đây là cây cầu đã chứng kiến những thăng trầm trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại và được xếp hạng là di sản văn hóa.
Lời mở đầu: Đại Hàn Dân Quốc (mà chúng ta thường gọi tắt Hàn Xẻng) là một đất nước giàu có, đó là một sự thật không thể chối cãi. Mỗi một người Việt Nam dù Thủ Tướng hay thường dân xuất khẩu lao động đi chơi Hàn Quốc về, ắt hẳn đều có nhiều suy nghĩ. Càng trăn trở với đất nước thì càng phải nghĩ nhiều. Hàng năm có trên dưới trăm nghìn người Việt Nam sang Hàn Quốc với rất nhiều mục đích khác nhau, người đi ngắn hạn, người đi rất lâu, có người đi mãi mãi không về, nhưng không nhiều trong số đó hiểu được bản chất của xã hội Hàn Quốc như chiều ngược lại họ hiểu về chúng ta. “Chúng ta cần học tập Hàn Quốc nhiều mặt”, chính xác, nhưng mình sẽ không bao giờ nghe lọt tai cái luận điệu mà nhiều người vẫn ra rả: “Hàn Quốc (hay Đài Loan, Nhật Bản) chính là hình mẫu tương lai mà Việt Nam cần phấn đấu đạt được”. Tại sao mình lại nghĩ như vậy? Có những điều hiển nhiên về một vùng đất mà có người ở đấy mười năm chẳng nhận ra, nhưng có khi chỉ cần nhìn nhận thật khách quan lại thấy nó hiển hiện trước mắt. Mời bạn đọc cùng chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe (chứ không có gì là học thuật cao siêu) qua một chuyến đi của mình, ngắn nhưng (mình cho là) giá trị.
 *
Mình đang đứng trên một cây cầu bắc qua dòng Hán Giang – con sông chảy ngang thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Câu chuyện bắt đầu từ cái tên con sông này đây. Phiên âm tiếng Hàn Quốc (thực ra phải gọi là tiếng Triều Tiên mới đúng) của tên sông là Hangang. Vì cái tên nước Hàn Quốc, nên ở Việt Nam hay nhầm tưởng dòng sông này là sông Hàn, mặc dù tên chữ Hán của nó rành rành trên biển chỉ đường là Hán Giang. “Gang” thì rõ ràng là “giang” rồi còn cái chữ “Han” nó không có dấu mới đau. Mình vừa mới nói dứt lời sông này tên là sông Hán thì bị các bạn đồng hành đồng thanh chụp mũ ngay tập tức, càng giải thích thì cả đoàn càng hăng hái “đàn áp”, đau nhất là còn bị chửi: “Đã dốt còn hay nói chữ”. Chị phiên dịch người Hàn Quốc tiếng Hán cũng kém mà tiếng Việt lại chửa thông nên ú ớ không giải thích được. Có những lúc chúng ta phải “ngậm đắng nuốt cay” như thế đấy các bạn ạ. 

Câu chuyện đơn giản vậy thôi nhưng chứa sâu xa bên trong đó rất nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Người Triều Tiên suốt cả nghìn năm tự nhận rằng mình là người Hán, là hậu duệ chính thống của Hán tộc, nên tên sông mới đặt là Hán Giang, thủ đô Seoul trước đây mới tên là Hán Thành. Sau khi chủ nghĩa dân tộc lên ngôi họ cũng từng bài xích văn hóa Trung Quốc, họ tự nhận là dân tộc Hàn nhưng cuối cùng thì giờ đây chữ Hán vẫn được giảng dạy ở tất cả các bậc giáo dục và con sông vẫn tên là Hán Giang. Quay lại với đoàn khách Việt Nam, lớn bé già trẻ không có một ai đọc nổi chữ Hán trên biển tên và cũng chẳng thèm quan tâm đến sự thật, chỉ biết rằng báo chí viết “kỳ tích sông Hàn” thì chắc chắn là phải đúng rồi. Chúng ta cũng giống Hàn Quốc nhiều năm về trước, đang dừng ở thời kỳ đoạn tuyệt với văn hóa Hán Học, đến mức mà dùng tiếng Việt sai nhan nhản và đền miếu của tổ tông cũng không đọc nổi mà khấn cho đúng.

Quốc kỳ Hàn Quốc với lưỡng nghi: dương – đỏ, âm – xanh và “tứ quái”: Càn, Ly, Khôn, Khảm. Thế mới biết dân Hàn Quốc “tín” nhất Đông Á. Người Hàn Quốc cũng đã có một thời kỳ ngồi miệt mài chứng minh Kinh Dịch là do dân tộc Triều Tiên viết ra.
Có lẽ chính vì sự tương đồng nhiều điểm của hai nước Việt Nam, Hàn Quốc mà nhiều trí thức hay trí ngủ nghĩ rằng chúng ta cần phát triển theo con đường của Hàn Quốc. Nghĩ thế kể cũng phải, vì Hàn Quốc giống với chúng ta hơn Nhật Bản nhiều lắm – Nhật Bản là một dân tộc đặc biệt và sự canh tân Âu hóa của họ đã từ rất rất lâu rồi. Từ thời Đường nước ta là An Nam đô hộ phủ thì Triều Tiên là An Đông đô hộ phủ, cả nghìn năm sau khi cụ Lê Quý Đôn đi sứ sang Tàu, có gặp sứ thần Triều Tiên thì vẫn còn giao tiếp bình thường qua viết chữ Hán. Đến thời hiện đại, hai đất nước cũng bị cắt làm hai, hai nửa trên đều gắn với Trung Quốc. Các cụ khi trước nói là “đồng chủng, đồng văn” cũng phải. Ngày nay quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc không chỉ đơn thuần là quan hệ ngoại giao kinh tế mà còn là quan hệ máu mủ ruột già nữa ấy chứ. Cả trăm nghìn con người lai giữa hai dòng máu đâu phải chuyện đùa. Trong khi đó Hàn Quốc thì rất giàu, còn chúng ta thì rất nghèo, không muốn noi gương mới là chuyện lạ!

Cầu Banghwa (Bàng hoa) “màu son, cong cong như con tôm” bắc qua sông Hán
Chạy xe dọc theo bờ sông Hán, nhìn hai mươi bảy chiếc cầu vắt qua vắt lại hai bên đủ màu sắc kiểu dáng, không ai là không mắt chữ A mồm chữ O trước sự phát triển của Hàn Quốc. Mọc lên cạnh dòng sông là vô số nhà cao tầng, công viên, kiến trúc ngoằn nghèo đủ kiểu không thua kém trời Tây. Vì vậy mà dòng sông này được lấy làm biểu tượng cho sự vươn lên kì diệu của Hàn Quốc trên thế giới. Nhìn thấy thế ai mà chẳng thích, thằng cu em hay chơi logo xếp hình còn muốn về nhà lắp ghép theo kiểu thành phố hai bên bờ sông cơ mà. Người Việt Nam đều nôn nóng muốn mang mô hình này về xây dựng trong nước, đến mức còn định xây thành phố hai bên bờ sông Hồng cơ đấy (mỗi tội lũ sông Hồng hơi to, với lại sông Hồng còn nuôi sống mấy chục triệu miệng ăn, chứ không đơn thuần là dòng sông xinh đẹp yêu kiều như sông Hán); riêng với trường hợp sông Hàn (tên chuẩn không cần chỉnh) ở Đà Nẵng thì đã có thể tạm gọi là thành công.

Đứng bên thành cầu lộng gió, nhìn đôi bờ rất nhiều cây xanh, vỉa hè sạch sẽ, hít thở không khí thoáng đãng, người thì đi thể dục chậm rãi, người thì dắt chó đi dạo, thuyền chở du khách chạy trên sông…, cảm thấy ấn tượng thật đẹp về một đất nước của những người anh em da vàng. Bỗng thấy trên cầu một tác phẩm điêu khắc rất lạ, tượng đồng mô tả hai người đàn ông ngồi trên ghế, một người già lau nước mắt cho người kia mặt trẻ hơn. Dọc thành cầu viết rất nhiều khẩu hiệu “Cuộc đời phía trước đẹp sao”, “Buồn phiền rồi sẽ qua đi”, “Mẹ già con nhỏ đang mong bạn về”… Thì ra là chiến dịch của thành phố nhằm giảm thiểu tình trạng nhảy cầu tự tử đang tăng chóng mặt. Hàn Quốc là nước có tỉ lệ người tự tử cao nhất trong số 34 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) – 34 quốc gia có kinh tế phát triển mạnh nhất thế giới. Chỉ số này của Hàn Quốc vượt xa cả Nhật Bản (đứng thứ hai về tự tử) – đất nước nổi tiếng nhiều năm với “thương hiệu” mổ bụng Seppuku của các Võ sĩ đạo.


Tác phẩm điêu khắc nhằm ngăn cản việc tự tử trên cầu Mapo


Cái giá phải trả cho một nền kinh tế tăng trưởng thần kì là một xã hội đầy những vấn đề ngang trái. Hàn Quốc học Nhật Bản rất nhiều nhưng xã hội lại không Tây hóa được nhiều như ở Nhật (vậy mà xã hội Nhật còn đang khủng hoảng nặng nề). Sự ràng buộc của Khổng giáo và Hán hóa sâu đậm tương phản với sự bùng nổ kinh tế tư bản khiến cho xã hội Hàn Quốc rối loạn trầm trọng, khủng hoảng có trong từng gia đình. Mà “tề gia” thì mới “trị quốc” và “bình thiên hạ” được, những nhà nghiên cứu và quản lý xã hội ở Hàn đang đau đầu tìm (nhiều) lời giải. Mình chợt chột dạ, thấy lờ mờ “tương lai đang đón chờ tay em” ở quê nhà nên quyết định sẽ để tâm tìm hiểu, sẽ gạt bỏ những thành tựu kinh tế hào nhoáng đẹp đẽ bên ngoài để đào sâu nhìn nhận thật khách quan và nghiêm túc về xã hội Hàn Quốc trong thời gian ở đây. Đơn giản là để rút ra chính bài học cho cá nhân mình trong quan hệ với gia đình và bạn bè, nếu không muốn nói rộng hơn là xã hội Việt Nam trong tương lai rất gần.

Vậy là phải trở lại thời điểm còn đang lơ lửng trên máy bay. Máy bay đang giảm độ cao và lượn vòng trên bầu trời phía bắc Hàn Quốc. Nhòm qua cửa sổ mình thấy một cảnh tượng có thể gọi là kinh ngạc. Về phía Seoul, đèn điện vàng rực, sáng chói lóa, chi chít hàng ngàn hàng triệu bóng điện rực rỡ cảm thấy rõ rệt cái sức mạnh cuồn cuộn của dòng năng lượng, vậy mà chỉ cách đó hơn trăm cây số, bên kia giới tuyến là một màu tối om lặng lẽ.

Ảnh chụp bán đảo Triều Tiên từ vệ tinh vào ban đêm (lấy từ internet)
Sân bay khổng lồ và hiện đại lập tức tạo ngay một ấn tượng tốt với khách ngoại quốc (Nội Bài và Tân Sơn Nhất chào đón quý khách bằng xe buýt thì ai mà vui cho nổi). Vào đưa hộ chiếu, cô nhân viên xuất nhập cảnh mặt phấn dày bịch lạnh lùng ra hiệu cho nhìn vào máy ảnh chụp tách một cái, rồi bắt đưa tay điểm chỉ để quét vân tay, cộp dấu – rất nhanh, rất chuyên nghiệp. Incheon là sân bay tốt nhất thế giới chín năm liên tiếp, các cửa hàng miễn thuế cũng số một thế giới, tốc độ làm thủ tục nhập cảnh và hải quan trong top đầu, khách đến không há mồm ngạc nhiên mới lạ. Sân bay có quy mô rất lớn, giữa hai khối nhà chính nối bằng tàu điện ngầm thế mà vẫn còn tiếp tục được mở rộng “tầm nhìn đến năm 2020”. Bước ra khỏi sân bay, hít vào thở ra một hơi sảng khoái, Hàn Quốc đón chào chúng tôi bằng một màn sương mù dày đặc và không khí se se lạnh.

Trạm kiểm soát không lưu với thiết kế lạ và đẹp

Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán
07. 05. 15 - 7:22 am
Lời mở đầu: Hiện nay có vài nghìn du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Nền giáo dục nói chung và cách dạy dỗ trẻ em của một nước tiên tiến như Hàn Quốc có gì ưu việt? Chúng ta có nên học tập họ hoặc mang chương trình giảng dạy của họ về nước như một số người kiến nghị không? Có phải sự phát triển kinh tế thần kỳ của họ là nhờ phần lớn ở giáo dục thế hệ trẻ? Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu mình khi ngồi trên máy bay và nghĩ về cái sự học ở trong nước. Một thông tin duy nhất mình biết được lúc đó: Hàn Quốc đang tiến hành cải cách giáo dục và “vẫn còn gặp phải rất nhiều thách thức”.

*
Chuyến đi này của mình là Chương trình giao lưu thanh niên Việt Nam-Hàn Quốc do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Thanh niên Hàn Quốc đồng tổ chức còn chi phí thì… người tham gia tự trả. Cũng là một dạng đi tour nhưng chương trình có nhiều điểm đến khác với đi du lịch, nhiều thời gian tự do (không phải vào mấy chỗ tiếp thị sâm với linh chi) và quan trọng hơn là có gặp gỡ, giao lưu kết hợp tham quan học tập với cả giới trẻ và giới già Hàn Quốc. Trong đoàn chỉ có mình thực sự là “thanh niên” còn lại toàn “thiếu niên nhi đồng” là chính cộng thêm “các bác phụ nữ và các cụ phụ lão”, trước lúc đi còn bị lôi ra hành: nào tập múa, tập hát, nghĩ lại đến giờ vẫn thấy còn kinh. Một thằng bé ra chiều có kinh nghiệm nói: “Thế này đã là gì, năm nọ em đi Đức còn phải đóng khố múa điệu trống đồng trong khi ngoài trời tuyết đang rơi cơ!”

Thật may là chuyến đi này diễn ra vào dịp hè, không chỉ may vì thời tiết đẹp, thuận tiện đi lại và có nhiều điểm giải trí mà lại còn cái may không ngờ: học sinh của trường bên phía chủ nhà đã… nghỉ hè, đi chơi xa hết cả, “lùng sục” mãi mới ra được bốn đứa lớp Bảy không được đi đâu, nghe thấy được đi chơi cùng đoàn mình thì như bắt được vàng, còn anh em trong đoàn thì thở phào nhẹ nhõm vì không phải “biểu diễn” gì nữa.

Điểm đến đầu tiên được thông báo là Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc (tên thật là Trung ương quốc lập bác vật quán). Ở phía dưới xe nổi lên nhiều tiếng xì xào: “Úi giời”, “Ôi dào”, *chép miệng*, *thở dài*, *tặc lưỡi*… Hình như không chỉ các em không thích đi bảo tàng mà cả các bác lớn tuổi cũng lắc đầu ngao ngán. Cái tâm lý rằng bảo tàng chẳng có cái gì, chán ngán, buồn tẻ và không nên đi lan tràn trong đầu rất nhiều người Việt Nam thì phải. Chẳng biết là lỗi của ai, chỉ biết là tour du lịch cho khách Việt Nam thì người ta không thiết kế đi bảo tàng, trừ duy nhất trường hợp đi Bảo tàng Lourve để chen vai thích cánh chụp La Joconde thì có. Thế mà việc đi bảo tàng hôm đó lại có rất nhiều điều vừa lạ, vừa thú vị, vừa đáng học hỏi. Ấn tượng đầu tiên đập thẳng vào mắt mỗi người là “cha mẹ ơi, sao có cái bảo tàng to như thế!”

Phương án kiến trúc của bảo tàng là những hình khối lắp ghép đồ sộ trải dài trên một không gian rất rộng nên tạo cảm giác vững chãi và choáng ngợp. Mà không hẳn do thiết kế, bảo tàng này “vữ ng vàng” theo đúng nghĩa đen: chịu được động đất sáu độ Richter, toàn bộ nội ngoại thất ốp đá chống cháy, các kệ trưng bày hiện vật đều có hệ thống chống rung lắc, đề phòng (những khi động đất, sóng thần hay bị ném bom) hiện vật không đổ vỡ. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Bảo tàng to thật là to (thứ sáu thế giới cơ mà) lại ốp toàn đá nhưng không có cảm giác nặng nề, ngột ngạt, lạnh lẽo mà lại rất đẹp đẽ và trang nghiêm như thánh đường vậy. Đó là do rất nhiều ánh sáng tự nhiên được đưa vào tòa nhà, tạo thành những vệt nắng dài chạy dọc theo hành lang chính cực kỳ đẹp. Bài học đầu tiên về trường phái kiến trúc hiện đại Hàn Quốc là tối giản và thực dụng. Người thiết kế hy sinh hẳn một hành lang rộng mênh mông, không trưng bày gì vừa để cho khách có một trục đi bộ xuyên suốt, vừa phân chia các khu vực trưng bày và còn để mọi người tập trung vào vật trưng bày duy nhất cuối hành lang, một cái tháp đá cao 13 mét được bê luôn vào nhà!

Đứng trên tầng hai, chụp ngược từ cuối hành lang nhìn về cửa chính
Hiện vật trưng bày rất nhiều nhưng khổ nỗi bảo tàng quá rộng, đi mỏi chân mà thời gian cho phép không được bao nhiêu nên đi mà như chạy, xem bảo tàng mà như tập thể thao. Chỉ đi trong mấy tiếng mà sao thấy quá nhiều điều đáng bàn. Thứ nhất, số lượng hiện vật thì nhiều nhưng chất lượng thì không ăn thua. Đồ gốm sứ, đồ kim loại cho đến đồ gỗ, tượng phật rất nhiều cái sứt mẻ, què cụt, bạc màu, nham nhở, có khi vỡ vụn. Cổ vật cũng không có gì đặc sắc, những đồ quý đều đã bị thực dân Nhật tiêu hủy, mang về nước hoặc bị phá hoại trong chiến tranh Liên Triều. Tuy nhiên họ khéo léo chọn những cách trưng bày rất trang trọng. Trong mỗi một gian, cái đẹp nhất luôn được đưa ra phía trước, riêng một lồng kính, đèn trên đèn dưới bóng lộn. Đặc biệt họ có xếp hạng cổ vật vào hàng quốc bảo (National treasure of Korea) và đánh số thứ tự các cổ vật có giá trị đặc biệt này. Một cái bia đá mẻ góc, nứt đôi ở giữa sẽ nhanh chóng bị người xem lướt qua nhưng thấy có đánh dấu là Quốc bảo số 3 thì ai cũng sẽ dừng lại xem sao mà nó quý thế (Ở ta cũng bắt đầu chọn Bảo vật quốc gia nhưng không hề cảm thấy trịnh trọng như ở đây). Các đồ vật khác nhau có những cách chiếu đèn khác nhau sao cho nhìn đẹp mắt nhất và chụp ảnh đẹp nhất (cho chụp thoải mái, có mòn đi đâu mà phải cấm). Đến khi ra về, thấy nhân viên bảo vệ hạ xuống những cái cửa thép bóng loáng, dày hơn một gang tay mới thấy họ trân trọng những thứ “quý giá” đó thế nào.

Từ trái qua: Quốc bảo số 3 – Bia Bukhasan (Bắc Hán Sơn) nói rằng vương quốc Tân La đã mở rộng đến bờ sông Hán, Thạp gốm đời Lý do các cụ nhà ta chạy loạn giặc Trần mang qua bển, Sư tử gỗ đặt ở cửa đền
Thứ hai, người xem rất đông, chủ yếu là người Hàn Quốc và đặc biệt là trẻ con rất nhiều, nhiều đến mức mình tưởng người ta chuẩn bị tổ chức phá cỗ Trung Thu. Đấy là hai điều mà hiếm bảo tàng nào ở Việt Nam có được. Mấy đứa bé tí còn tập đi, đến mấy đứa lớn hơn biết chạy, đến đội mẫu giáo tập tô tập vẽ, lớn nữa thì bắt đầu biết đọc đang đánh vần chú thích, chúng nó đi, đứng, ngồi, nằm la liệt khắp nơi. Sàn nhà sạch bóng, chỗ nào cũng thấy phụ huynh với con em ngồi chơi, ngồi nghỉ (ngồi bệt luôn trên sàn nhé).

Vào đến khu bảo tàng dành cho trẻ em thì còn đông hơn cái nhà trẻ. Nhân viên bảo tàng tổ chức cho đám “đại học chữ to” viết lên những cái quạt giấy (mô phỏng hình thức thư pháp viết lên quạt ngày xưa), vẽ tranh bắt chước kiểu tranh cổ truyền thần, lớn hơn thì xem phim hoạt hình danh nhân lịch sử và còn nhiều trò chơi nữa nhưng đều liên quan đến lịch sử và văn hóa Hàn Quốc. Người già tóc bạc thì ngồi uống trà hoặc cà phê nghe nhạc cụ cổ truyền. Nhưng mà sốc nhất là thấy các đôi trai gái đi hẹn hò! Chỉ trỏ, nắm tay, ôm eo, mấy góc tối còn hôn nhau túi bụi. Hẹn hò trong bảo tàng?! Trước giờ tưởng chỉ có xã hội đen với điệp viên trong phim Mỹ mới hẹn gặp nhau ở bào tàng thôi chứ! Vì sao? Vì khuôn viên bảo tàng có thảm cỏ mênh mông (trước đây là sân golf của quân đội Mỹ), trong nhà điều hòa mát rượi, lại có quán café, nhà hàng đầy đủ. Vậy là bảo tàng ở đây đã thành công vượt xa chức năng cơ bản của nó. Người tham quan nghiên cứu có không gian yên tĩnh để làm việc, người rỗi rãi thích đi loanh quanh có phần để giải trí mà người muốn có chỗ đưa con đi chơi ngày nghỉ cũng được thỏa mãn, và quan trọng nhất là việc truyền tải kiến thức cho người xem, đặc biệt là cho trẻ em rất hấp dẫn và dễ tiếp thu.

Vương miện và thắt lưng bằng vàng của vua Tân La, người Hàn Quốc tự hào rằng họ đã có một vương quốc độc lập khỏi Trung Quốc từ thế kỉ V. Bộ vương miện này được đặt trang trọng, riêng rẽ trong một phòng lớn, tối om, chỉ có đèn ở chỗ vương miện. Vương miện đã được phục dựng đưa vào phim Nữ Hoàng Seon Deok (nếu ai đã xem trên truyền hình Việt Nam). Ngành nghiên cứu lịch sử trung đại của các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển như vũ bão của phim lịch sử cổ trang Hàn Quốc.
Những ứng dụng công nghệ của bảo tàng này không phải ở nước phát triển nào cũng làm được, phải kính nể mức độ tương tác với người xem của bảo tàng. Mức độ đơn giản nhất là chiếu phim (tưởng gì, bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam cũng làm được!), nhưng ở đây là phim 3D. Cung điện hiện lên trên màn hình, chốc chốc lại thấy hoa anh đào nở, mưa rơi, gió thổi, bốn mùa luân phiên chuyển tiếp hay là mô tả cách xây dựng từng lớp quan quách của lăng mộ các vua Cao Ly (hiện là di sản văn hóa của Trung Quốc). Bảo tàng rộng nên có rất nhiều gian để nghỉ chân, có gian thì thiết kế kiểu thư phòng truyền thống, ngoài cửa sổ (màn hình) là chim hót, một lúc thì đổi thành mưa bão sấm chớp với hiệu ứng âm thanh như thật. Có gian khi ngồi xuống thì trên loa kể chuyện lịch sử. Màn hình cảm ứng được đặt khắp nơi, người xem có thể xoay hình chiếu ba chiều của cổ vật để xem tất cả các mặt cũng như hoa văn họa tiết. Một người không hứng thú gì với văn hóa lịch sử cũng phải thích thú trước những công nghệ này, đừng nói là trẻ con tò mò hiếu động.

Ra đến chỗ cuối cùng là quầy bán hàng lưu niệm càng thấy phải cắp sách sang đây học tập. Rất nhiều loại quà lưu niệm độc đáo và đẹp, bỏ tiền ra mua cũng đáng chứ không phải kiểu chặt chém như bảo tàng nhà ta. Cái ấn hình con rùa của nhà vua lúc nãy thấy trưng bày ở trong giờ ra đây thấy bán cả đống nhưng độc đáo ở chỗ là có thể khắc tên mình lên trên cái ấn, về nhà tha hồ mà dập.

Thích nhất là cái bộ tượng này. Tính ra tiền đồng là gần 800.000 một con, giá thì hơi chát nhưng ở Việt Nam muốn mua thứ tương tự cũng không có. Nhìn mà thấy thương những nhà nghiên cứu cổ trang trong nước, biết bao giờ mới ra được thành phẩm như thế này.
Bảo tàng ta so với bảo tàng Tây thì khập khiễng nhưng so với bảo tàng của một nước tương đồng về văn hóa thì không phải chúng ta không làm được. Vấn đề ở đây không phải số lượng và giá trị hiện vật mà ở cách tiếp cận người xem cũng như đối tượng giáo dục cần hướng đến. Bảo tàng nên trở thành một phần quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Quay lại với hành trình, buổi chiều nghe được đi Time Square, Trung tâm thương mại lớn nhất nhì Seoul thì ngay lập tức mặt ai cũng hớn hở như đi hội. Đang cuối hè sang thu nên bảng Sale treo đỏ rực các hành lang và ai cũng phải thử xem Starbucks với Mc Donald’s nom nó ra làm sao cái đã (lúc ấy ở Việt Nam còn lạc hậu chưa có). Mình thì mọt sách, chui ngay vào hiệu sách trên tầng hai, lỡ bước vào nên mãi mà không quay ra được.

Lớn bé già trẻ ngồi rất đông, cả trên ghế và trên sàn nhà, đọc tự do và chăm chú.
Nhà sách ở quê ta thì chưa mơ đến chuyện có ghế chứ hành lang đi lại cũng chẳng có, dù nhà sách có to đến mấy thì cũng chỉ toàn kệ sách kê sát sạt vừa một người đi. Tại sao người vào đọc nhiều như vậy? Có hai lí do: một là sách rất đắt, mình còn nhớ lúc ấy quyển Steve Jobs mới xuất bản, giá ở Việt Nam là gần 200.000 thì giá tại Hàn Quốc tính ra đã gần 600.000 đồng. Những sách màu và có tranh ảnh còn đắt hơn nữa. Thứ hai, họ muốn bảo vệ bản quyền, thà cho người ta đọc chùa còn hơn in lậu phát triển và sách giả kém chất lượng tràn lan. Ai có tiền thì mua về nhà, không thì tranh thủ ngồi đây mà đọc. Hầu như tất cả các thể loại đều có sách bằng tiếng Hàn Quốc, sách tiếng Anh cũng nhiều không kém, giá đắt như bên Tây nên quầy sách tiếng Anh vắng như chùa bà đanh.

Bộ truyện tranh danh nhân này được nhà xuất bản Kim Đồng mua lại bản quyền, bán rất chạy ở Việt Nam. Trong sáu quyển bày ở đây đã có quá nửa là nói về người Hàn Quốc.
Sách được phân loại theo độ tuổi rõ ràng (có cả loại 0-13 tháng tuổi) chứ không chỉ ghi chung chung là sách thiếu nhi. Có một đặc điểm ở các nước phát triển là trong hiệu sách, các thể loại về nghệ thuật, cơ bản nhất là âm nhạc và mỹ thuật có rất nhiều đầu sách. Sách có tranh ảnh và in màu cũng xuất hiện với tần suất cao hơn nhiều lần.

Nhìn cái bộ này thích mê đi được, những khổ nỗi mù chữ. (Mời các bác thử đọc ra tên các quyển trong phần bình luận nhé). Gần 400.000 một cuốn, vậy mà cuối cùng nghĩ thế nào cũng nhặt vài ba quyển về… xem tranh. Lại nhớ bộ sách Danh họa với Kiến trúc của Kim Đồng, có 5.000 với 7.500 một quyển thế mà ế chỏng chơ.
Vậy là ta đã đi qua bảo tàng và hiệu sách, chúng ta đã thấy gì và nghĩ gì về hai đơn vị giáo dục gián tiếp này nào?

Đợi bài tiếp theo nhé.

Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon 

14. 05. 15 - 6:25 am

Đặng Thái
Ở phần trước ta đã nhìn thấy sự giáo dục gián tiếp, phần này ta sẽ đi sâu vào giáo dục trực tiếp, tức là trong nhà trường, rất nhiều điều các bậc phu huynh có thể tham khảo.

*
Mình hỏi với thằng cu em Hàn Quốc: “Sao không thấy nhiều bọn teen teen em nhỉ, đi đâu cũng toàn là trẻ con?”, nó trả lời lại làm mình cũng hơi ngạc nhiên: “Học cấp hai thì phải tranh thủ đi chơi chứ, còn mấy năm nữa bọn em vào cấp ba thì làm gì còn thời gian tận hưởng cuộc đời”.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc tuyên bố vừa phát triển một ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp hạn chế tỷ lệ học sinh, sinh viên tự sát. Họ cho biết ứng dụng này dò tìm những từ ngữ “có liên quan đến tự sát” mà học sinh, sinh viên sử dụng trên các trang mạng xã hội hoặc trong các tin nhắn điện thoại. Ứng dụng này sẽ lập tức gửi cảnh báo tới điện thoại của phụ huynh. Hàng năm cứ mỗi khi kỳ thi đại học ở Hàn Quốc diễn ra là số học sinh tự sát tăng vọt. Chỉ riêng trong năm 2014 số học sinh, sinh viên tự sát là 118 người. Như vậy cứ ba ngày ở Hàn Quốc lại có một học sinh hoặc sinh viên tự sát (trong đó có vài trường hợp tự sát ở bậc tiểu học). Vì đâu mà đến nông nỗi này?

Bà Park Geun Hye dùng bút lông viết thư pháp tiếng Triều Tiên, bên phải là cha của bà: Tổng thống Park Chung Hee. Ảnh chụp tại Seoul vào 31 tháng Tám năm 1977, lúc này bà Park đang phải nhận cương vị Đệ nhất Phu nhân vì mẹ bà đã bị bắn chết trong một vụ ám sát hụt ông Park năm 1974. Ông Park thuộc thế hệ được đào tạo tại Nhật, còn bà Park thuộc thế hệ học xong Cử nhân hoàn toàn tại Hàn Quốc.
Quay lại vài chục năm trước, khi Park Chung Hee lên nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối ở Đại Hàn Dân Quốc, ông đã tập trung vào xử lý hệ thống giáo dục. Tất cả sự quản lý giáo dục các cấp được tập trung vào Bộ Giáo Dục, giống như Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ở Việt Nam trước đây. Họ đã bắt đầu từ những việc căn bản nhất như tìm ra triết lý giáo dục, đồng bộ hóa ngôn ngữ kỹ thuật chuyên môn bằng cách chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Hàn. Suốt thời kì đô hộ của Nhật, tiếng Nhật được đưa vào giảng dạy ở tất cả các bậc giáo dục, tiếng Triều Tiên gần như bị cấm, người Triều Tiên phải học tiếng Nhật, đọc các sách “thánh hiền” của Nhật. Hàn Quốc thừa hưởng một hệ thống giáo dục rập khuôn như đúc của Nhật Bản, tầng lớp tinh hoa lãnh đạo Hàn Quốc sau khi độc lập, đều đi học bên Nhật về. Người Hàn Quốc tìm cách chối bỏ một sự thật rằng người Nhật đã đào tạo hàng trăm nghìn trí thức cho nền công nghiệp Hàn Quốcvề sau (câu chuyện dài dòng giữa hai dân tộc này sẽ kể chi tiết hơn ở bài sau).

Biếm họa của báo Hankyoreh tháng 12 năm 2008: Tổng thống Lee Myung Bak đang đạp túi bụi vào ba người ngồi dưới là đại diện cho Hiệp hội công nhân viên ngành giáo dục, đài truyền hình cáp YTN và Ủy ban nhân quyền Hàn Quốc. Trong khung ảnh là Tổng thống Park Chung Hee đang khuyên nhủ:“Nhẹ nhàng bình tĩnh thôi, để kiểm soát được ba thằng này tôi mất đúng 18 năm cơ mà!”
Tổng thống Park Chung Hee đã động viên toàn thể sinh viên cả nước, dốc hết sức cho học tập trong các trường đại học, đến mức mà mỗi người Hàn Quốc chỉ cần nhìn thấy lá cờ Thái Cực bay trong sân trường là phải tự nhủ cần quyết tâm hơn nữa. Mọi chỉ tiêu, số lượng sinh viên nhập học, học ngành gì ra trường làm gì, thậm chí biên chế giáo viên mỗi trường đều do bộ Giáo Dục kiểm soát. Xã hội Hàn Quốc mang nặng tư tưởng đạo Khổng, trọng người học cao, những người học kỹ sư, bác sĩ hoặc có trình độ chuyên môn đều được ngưỡng mộ nên chính ý chí sắt đá của cá nhân và mô hình giáo dục “trung ương tập quyền”, chứ không phải việc phát triển con người, đã đóng góp vào sự tăng trưởng thần kì của kinh tế. Môi trường giáo dục khắc nghiệt đó đã đóng góp một lượng lớn trí thức cho việc công nghiệp hóa Hàn Quốc trong thế kỉ XX, nhưng vào thời điểm hiện tại, họ đang loay hoay mắc kẹt không khác gì giáo dục Việt Nam hiện nay, thậm chí ở một số khía cạnh còn khủng hoảng hơn rất nhiều.
Học sinh vái lạy cầu may ngoài cửa trường thi trước ngày thi đại học chính thức. Khi phải đối mặt với những việc nằm ngoài khả năng của mình, con người thường tìm đến những thế lực vô hình.
Mỗi một đứa trẻ khi bước chân vào mẫu giáo là bố mẹ đã mặc định rằng con mình phải đỗ đại học. Có vào được đại học thì ra trường mới có công việc tốt, và (giống Việt Nam nhưng đáng sợ hơn là) để đàn ông còn… lấy được vợ. Vào được đại học thì thằng đàn ông mới có cơ may ngẩng mặt lên với đời, tìm được việc nuôi gia đình và trở thành người có “địa vị” trong xã hội, nếu không dễ dàng trở thành loại “vô học” tức là công dân hạng hai. Vì thế từ nhà trẻ, tiểu học, trung học đều phải chọn trường tốt để có thể thi vào đại học. Đứa trẻ cũng hiểu được điều đó từ khi chưa bước chân vào lớp Một. Trung học phổ thông hay cấp ba không hề bắt buộc ở Hàn Quốc nhưng 97% thanh niên Hàn Quốc hoàn thành chương trình cấp ba, tỉ lệ cao hơn bất kỳ một nước nào trên Trái Đất này!

Gần sáu giờ sáng Chủ Nhật, hàng quán vẫn đóng cửa im lìm nhưng đã lác đác thấy có học sinh đi học thêm, tay vẫn còn cầm đồ ăn sáng chưa bóc.
Anh bạn Lee cùng nhà nói đến kì thi đại học thì lắc đầu và mình thấy rõ ràng gai ốc nổi lên trên cánh tay. Lee thi được 430/500 điểm (khoảng 86%) mới đỗ vào ngành Điện tử của một trường đại học hạng trung. Có năm môn thi đại học trong đó ba môn bắt buộc là Toán, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc, hai môn còn lại tùy vào khối tự nhiên hoặc xã hội. Học sinh cấp Ba vào học lúc 8:30 sáng và ra về lúc 9:00 tối (giờ học chính thức kết thúc lúc 6:00 tối nhưng học “phụ đạo” 3 tiếng nữa). Các lò luyện thi gọi là hagwon dạy học đến 2 giờ đêm và khi bị chính phủ cấm dạy muộn thì chuyển sang bắt đầu dạy từ… 3 giờ sáng để… các em kịp đến trường.

Biển quảng cáo dày đặc cho các Hagwon (tiếng Việt: Học viện), là một dạng trường tư thục hợp pháp dạy phụ đạo tiếng Anh, nghệ thuật, võ thuật cho đến các môn văn hóa nhưng trá hình dạy thêm nhồi nhét các môn thi chuyển cấp và đại học. Trẻ em thường bắt đầu đi học hagwon từ lớp Một.
Gia đình và nhà trường đặt kỳ vọng rất lớn vào một đứa trẻ từ khi bắt đầu đi mẫu giáo, nên đến lúc thi đại học lại càng quyết liệt, đỗ đại học còn là thể diện của bố mẹ với đồng nghiệp, của ông bà với họ hàng, trường này với trường khác và của chính đứa trẻ với bạn bè. Áp lực khủng khiếp đấy khiến gần một nửa số học sinh cấp ba trả lời điều tra của bộ Giáo Dục là “đã từng nghĩ tới tự tử vì áp lực thi cử”. Trong thời gian tổ chức kì thi quốc gia, công sở mở cửa muộn hơn bình thường (10 giờ sáng) vì phụ huynh phải thức đêm giúp con ôn thi, các điểm giải trí, thể thao phải đóng cửa sớm hơn bình thường (6 giờ tối) để học sinh có không gian yên tĩnh ôn luyện. Cả nước bị cuốn vào kì thi quan trọng này (kì thi được mệnh danh là “tạo ra hoặc phá hoại tương lai một con người”).

Phụ huynh đi đền mang sách vở, số báo danh cầu cho con thi đỗ đại học (Ảnh từ trang này)
Trong số sinh viên các nước đi học tiếng Anh ở nước ngoài thì kém hơn Việt Nam chỉ có thể là Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù Chính phủ tiêu nhiều tiền nhất cho việc dạy và học tiếng Anh nhưng khả năng tiếng Anh của học sinh Hàn Quốc vẫn nằm trong top kém nhất châu Á. Chương trình dạy tiếng Anh với mục đích phục vụ thi đại học nên chỉ tập trung vào đọc, viết và ngữ pháp còn nghe, nói không được quan tâm. Một lớp có khoảng 40 học sinh (quá đông so với tiêu chuẩn phương Tây) nên giáo viên không thể quan tâm hết đến từng em. Môn thể dục bị các trường phớt lờ và học sinh gần như không có một cơ hội nào thoát khỏi vòng quay học và thi.

Trong một lớp học thêm. Hệ thống giáo dục chỉ có một bộ sách giáo khoa làm chuẩn khiến giáo viên buộc long dạy kiểu “trên bảo dưới phải nghe”, học sinh buộc phải ghi nhớ y nguyên để phục vụ thi cử. Mục đích của giáo dục Hàn Quốc (và Nhật Bản) là chấp nhận hi sinh sự sáng tạo của (thiểu số) cá nhân có tiềm năng để tạo ra (đa số) những người nề nếp, quy củ, kỷ luật để sống trong một xã hội có trật tự trên dưới rõ ràng. (Ảnh từ trang này)
Vào đến đại học tưởng thoát nhưng lại càng học vất vả hơn, mà ra trường cũng không làm được việc vì học quá nặng lý thuyết, các công ty phải đào tạo lại. 80% học sinh vào đại học nên thiếu người học nghề, không đủ thợ và công nhân được đào tạo trong khi cử nhân ra trường tranh nhau việc ở các chaebol. Cả xã hội trọng bằng cấp theo lối thời xưa, làm quan to hơn thì học vấn phải cao hơn, làm lãnh đạo thì phải học trường xếp hạng cao hơn cấp dưới.

Thất vọng với nền giáo dục trong nước, người Hàn Quốc cho con đi du học rất nhiều, hoặc đơn thuần chỉ đi học tiếng Anh, đặc biệt là đi Mỹ. Điều này khiến cho số sinh viên Hàn Quốc tại Mỹ vượt cả hai đại gia chuyên nghề “đi du học” là Trung Quốc và Ấn Độ.

Còn rất nhiều điều nữa nhưng nếu những dòng trên không được nói rõ là ở Hàn Quốc thì chắc hẳn nhiều người nhầm tưởng đang kể chuyện thường ngày ở Việt Nam. Chuyện ở Việt Nam cũng tương tự chỉ là mức độ chưa nghiêm trọng như trên mà thôi (hay là sắp?!). Nên mỗi lần mình đọc thấy có ai ca ngợi giáo dục Hàn Quốc hay muốn bê về nước bộ sách giáo khoa, hoặc nghe thấy “triết lý” của một vị PGS.TS uy tín, hay phát biểu trên mạng xã hội, nói: “Đã học là phải thi” thì lại giật mình thon thót. Chợt nghĩ đến chữ “sĩ tử” mà mỗi lần thi đại học ở ta diễn ra lại được các báo thi nhau nhai đi nhai lại, ngẫm mới thấy những câu cụ Ngô Tất Tố viết một trăm năm trước đến nay vẫn không hề lạc hậu:

“Ngày nay nghe đến hai tiếng “Lều”, “Chõng” có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những vật ấy từ biệt chúng ta mà đi đến chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay.

“Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, “Lều” “Chõng” vẫn làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta vẫn khoe là “bốn nghìn năm văn hiến”. Những ông ngồi trong miếu đường làm rường làm cột cho nước nhà, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám lều chõng mà ra. Lều Chõng với nước Việt Nam không khác một ông tạo vật, đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hoặc vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa, rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong.Vì nó, nước Việt Nam trong một thời kì rất dài đã phát hiện ra nhiều cảnh tượng kỳ quái, có thể khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rùng rợn hồi hộp.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét