Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Cuộc-sống ở Canada: Tiếp…

Tác-giả: Phạm-Ngọc-Cương


Không muốn thành người bôi sỹ chỉ biết sơn một màu, và cũng để trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc “Một góc nhìn khác” về những góc tối, mệt mỏi của cuộc sống ở Canada sau bài “Tạp”, tôi xin được góp chuyện tiếp mấy ý sau.

Phạm Ngọc Cương (Toronto, Canada)


          1- Thời gian

Ở Bắc Mỹ đó là thứ mà ai cũng thấy đặc biệt thiếu. Từ ngày đầu đến đây tôi đã để ý là tiệm coffee nhan nhản mọi nơi. Dân tình thường thiếu ngủ, cuộc sống, công việc nhiều sức ép luôn cần cái gì đó cho tỉnh táo.

          2- Việc hãng

Công việc là cả một thách thức nan giải nhưng cũng đồng thời là một sự tưởng thưởng xứng đáng. Con gái tôi 20 tuổi, học năm thứ tư đại học hay thích hỏi han tâm sự với bố. Tôi bảo cháu trong công việc có ba cách tự khẳng định mình. Giỏi là tự mình làm chủ luôn. Dốt hơn là làm thuê một giai đoạn, tích lũy kinh nghiệm sau bước lên làm chủ. Kém nhất là bán mình cả đời. Cháu tự thấy tài sức còn yếu nên quyết định tham gia phỏng vấn xin đi làm công trước. Sau mấy vòng phỏng vấn được hãng Bell- hãng điện thọai Canada- nhận là tháng 4 năm sau khi ra trường sẽ có một công việc lương khởi điểm năm đầu là $53,000/ năm. Từ năm thứ hai bàn thảo tiếp. Kèm theo hợp đồng làm việc là cả một gói lớn bổng lộc: ít nhất thưởng thêm $8,000/ năm, có ba tuần phép ăn lương/ năm, sau 2 năm hãng trả tiền toàn bộ để theo học MBA, bao toàn bộ các lại bảo hiểm từ răng, kính, mắt, du lịch, điện thọai Iphone 5, son phấn… Trả được lương ấy đến tay người lao động thì hãng còn phải trả thêm cả trăm thứ thuế má bảo hiểm khác tổng ra cả 100 ngàn $/ năm. Để được thuê và không bị đuổi việc thì phải đáp ứng được cái người ta cần.

           3- Việc nhà:

Một cái nhà trung bình rộng 1000sqft. Tức là khoảng 100m2. Và có 2 tầng lầu, một tầng hầm/trệt như vậy tổng là cả 300m2. Giữ cho cái nhà đó sạch gọn cũng không ít việc. Thêm nữa nhà ai cũng vườn trước vườn sau 300m2/500m2/1000m2… tùy cỡ, lại thêm nhà xe, vài ba chỗ đậu xe…. Cắt cỏ mùa hè, xúc tuyết mùa đông, dọn lá khô mùa thu, trồng hoa mùa xuân. Mùa nào việc ấy. Chỉ trồng hoa thôi cũng đủ hết ngày rồi. Vài năm trước chúng tôi quyết định trồng ít hoa tulip ở một góc vườn. Loại hoa này chỉ đẹp nếu có đông đồng đội. Tôi mua 500 củ tulip về, vợ hì hục trồng cả tuần mới xong. Tuần sau lại phải đi mua thêm 500 củ nữa vì… lũ sóc và chồn đào bới tứ tung cả vườn chắc ăn gần hết cả củ hoa. Vừa thương vợ vừa an ủi là em ơi nhìn chúng ăn no tung tăng cong những cái đuôi như hoa khắp vườn thế kia thì vui, đẹp quá rồi còn gì. Ở Canada không ai hại chúng cả. Nhiều anh bạn tôi còn thấy gấu vào sau vườn hay hươu nai lượn lờ trước cửa nhà. Ở đây không có mốt thời thượng như Việt Nam mình là nhất nhất cái gì cũng thuê osin. Tự làm hết. Riêng việc nhà cũng đủ thở không kịp rồi.

          4- Dạy con

Cái gì cũng có giá của nó. Muốn con học tốt, khỏe, vui thì trước nhất bố mẹ phải đầu tư cho con thích đáng cả về thời gian, tâm huyết và công sức. Con út của tôi hút chẵn của vợ tôi 8 giờ vàng ngọc mỗi ngày- ngang người đi làm full time. Từ sáng 7:00 A.M dậy chuẩn bị cho ăn uống rồi đưa cháu đến trường. Chiều 3:30 P.M đón cháu về rồi dẫn đi đủ các sinh hoạt khác: bơi lội, trượt băng, bóng đá, tennis… thứ bảy, chủ nhật lại học tiếng nọ tiếng kia. Để đứa bé 7-8 tuổi xoen xoét được 3 ngôn ngữ cũng không phải là ngày một ngày hai. Học là chuyện của nó nhưng biết bao công bố mẹ phải đưa đi đón về. Chuyện biết nhiều thứ tiếng ở đây không có gì lạ. Nhà nào cho con học trường French Immersion thì con cũng đã phải học ở đó song hành hai thứ tiếng Anh và Pháp. Tiếp đó hầu như dân xứ nào cũng cố nhồi cho con tiếng cố quốc của mình. Cậu em tôi lấy vợ gốc Ba Lan khi ở nhà cô cháu gái 7 tuổi cứ phải xoay xỏa tiếng Việt với bố, tiếng Ba Lan với mẹ, với các anh thì tiếng Anh, Pháp. Tuổi trẻ học thêm một ngôn ngữ cũng như ăn thêm cái kẹo, uống thêm cốc nước thôi; để con chóng lớn về trí tuệ hay thể lực thì phải cho con ăn uống luyện tập đều đều.

          5- Tử hình

Canada không chấp nhận án tử hình, án gì thì cùng lắm cũng…ngồi tù dài ngày rồi ra. Trong tù thì mỗi tù nhân đều có tiêu chuẩn phòng riêng, tiện nghi, hiện đại. Tốn của công quĩ khủng khiếp. Ra tù thì cảnh sát, truyền thông báo tin trước cho cư dân là ngày đó X, Y, Z… sẽ hết án về lại nhà hi vọng thành dân lương thiện. Cư dân ở gần nhà các anh bạn mới hoàn lương này ráng mà đề phòng nếu có gì bất thường nhớ báo.

          6- Cảnh sát

Vào đồn cảnh sát thấy một số tờ rơi. Cảnh sát báo là treo thưởng $50,000; $100,000 nếu ai đó phát hiện ra gì đó, ai đó, xin giúp đỡ cảnh sát với. Phá án kiểu đốt tiền này thật đúng là… đồ ăn hại vô tích sự, tốn tiền thuế dân. Vậy mà tỷ lệ tội phạm ở Toronto lại liên tục giảm mấy năm nay so với 10 hay 20 năm trước. Thật đáng đời mấy anh bạn cảnh sát hết việc bị sa thải chỉ vì xã hội có ít hơn tội phạm.

          7- Án vặt

Các tranh chấp tài sản dưới $70,000 gọi là vặt, chỉ tòa Small Claim Court giải quyết. Nhưng cả các vụ lớn ra Supreme Court nếu chứng minh là chả còn gì để trả thì cũng huề cả làng. Và rất nhiều người cứ cà thẻ của các nhà banks cho đã rồi khi ăn chơi hết vài trăm ngàn, vài ba triệu $ khai bại sản và…cũng chả ai động được đến sợi lông chân của họ. Có điều banks là của tư nhân nên nếu kinh doanh ngu thất thu thì banks ráng tự chịu. Chính phủ không cơ cấu nợ xấu, không lấy tiền thuế dân cứu banks. Còn nếu lời nhớ đóng thuế đều nhé, như vắt chanh. Tuy nhiên chắc số đạo tặc không mấy nên thấy quí nào báo cáo kinh doanh của các nhà banks lớn vẫn thấy hoan hỷ là lãi toàn tiền tỷ $.

          8- Lãi xuất

Cả 5- 6 năm nay nhà banks cho vay tiền ra có 0% đến 3%/năm. Tiền rẻ quá dân chúng vay mượn tiêu xài thật quá ư bừa bãi. Ngân hàng TW Canada chắc phù phép con số rồi, cho tiêu, cho xài phá cỡ ấy mà inflation core (lạm phát) toàn dưới 1-2% năm thì tin sao được?

          9- Thuê nhà

Phần đông là thuê nhà trả đủ tiền. Nhưng lỡ cũng gặp anh bạn cứ ở lì không trả tiền thuê. Cùng lắm sau sáu tháng một năm phải ra thì cũng ở chùa được cả khối thời gian. Chủ nhà ở Ontario mà muốn ra tòa so găng thách đấu với người thuê nhà thì chỉ từ chết đến chết mà thôi. Tòa toàn bênh người thuê. Đuổi theo phương pháp xã hội đen ở đây thì thật chả ai dám nghĩ tới. Đành an ủi là ít ra cuối cùng sau vài tháng kiện cáo vẫn lấy lại được nhà, ở nhiều góc khác của địa cầu này có nơi nhà cho ở nhờ còn mất trắng đó thôi.

          10- Án mạng

Mỗi năm vùng GTA với khoảng 5 triệu dân có khoảng 70 vụ thiệt mạng. Đủ cả từ tai nạn xe, súng, cần xa, ma túy tới gái, tai bay vạ gió…Thế mà luận điệu tuyên truyền của cảnh sát Toronto cũng như thống kê của Liên Hiệp Quốc luôn dối trá, trắng trợn và rập khuôn suốt bao năm nay rằng Toronto là thành phố lớn mà an toàn nhất hành tinh này!

Khu Scarborough, phía đông Toronto trước kia yên và đẹp. Mấy chục năm nay người Tàu di dân lậu cũng như hợp pháp tràn đến. Đi cùng họ là băng đảng, tội phạm tràn lan. Dân lành ở đây vốn hèn chỉ nghe ai đó kể là nghe có tiếng đòm gần đâu đó một cái là rủ nhau bán tống nhà cửa dọt sạch. Giá nhà vì thế ở đó lại càng xuống và Tàu lục địa mới sang lại dồn vào đó tiếp.

          11- Bình đẳng

Queen Elizabeth II – Nữ hoàng của toàn khối Thịnh vượng chung đã làm đảo lộn hết cuộc sống của chúng tôi. Đàn ông ở đây sau 60 năm cai trị của bà không còn ai dám ngang hàng với đàn bà kể cả trong ý nghĩ nữa. Nguyên thủ quốc gia là Nữ hoàng, nguyên thủ gia đình là các bà, dưới các bà là con gái các bà, dưới con gái các bà là bạn gái các bà, sau đó là con chó nhỏ của bà, dưới con chó là mảnh vườn trước và sau nhà. Đàn ông thành đẳng cấp tôi mọi trên có thùng rác và suốt ngày phải lo đi đổ rác.

          12- Con mất gốc

Thật khó tìm được một người chồng Việt phù hợp bố ạ. Con gái nói. Sao con? Vì con gặp các bạn từ Việt Nam du học ở đây cũng như bên châu Âu rất khác. Khác sao? Các bạn thường hay co cụm và chỉ chơi với nhau, ít chịu học tiếng Anh, tiếng Pháp cho thật tốt, không có tinh thần làm cái gì giúp đỡ cộng đồng cả. Các bạn FOB (Fresh off the boat- tươi mới rời tàu- cách bọn trẻ bên này gọi những người mới tới Canada) từ nhiều nước khác không tệ đến như vậy. Con ơi với ai con cũng phải kiên nhẫn, với người Việt thì sự kiên nhẫn của con cần phải hơn lên nhiều lần!

          13- Giúp đỡ

Học tiếng Anh, Pháp để hội nhập không mất tiền, sách vở miễn phí. Con nhỏ cũng được trông miễn phí luôn cho lúc đang ngồi học. Khám chữa bệnh miễn phí. Nếu còn ít tiền để sống có thể xin trợ cấp xã hội cho mỗi người $600/tháng. Nếu chưa hết tháng đã hết đồ ăn ngân hàng thực phẩm sẽ cấp tiếp thực phẩm miễn phí, hoặc có thể có các bữa ăn miễn phí tại nhà thờ, chùa. Cách nhìn thứ nhất là xã hội này nhân bản không để ai đói, mù chữ, bị bỏ rơi. Cách nhìn thứ hai: đây là chính sách của bọn nhà giàu. Vì giàu nên nó sợ dân nổi loạn, đập phá nên nó bịt mồm và dạ dầy dân lại bằng tiền. Tự do nhìn nhận và đánh giá mà! Một cô Tàu từ đại lục mới sang định cư Canada trong lớp ESL (English as a second language) lớn giọng: Chả ai giúp đỡ gì chúng tôi ở đây cả. Thầy giáo tiếng Anh nhỏ nhẹ: Chúng tôi đang ở đây để giúp đỡ cô. Chúng tôi muốn biết nếu có thể làm gì để giúp cô hơn nữa chúng tôi luôn sẵn sàng.

          14- Thành công

Trong những năm 70-80 của thế kỷ trước ở nhiều nước XHCN chuyện học là không mất tiền. Lúc đó trong chuyện học, ai không lượm được chữ thì là tại lực học mình kém thôi chả còn gì để kêu ca oán thán cả. Với con mắt đó tôi nhìn những người đến Canada định cư. Ai không thành đạt tôi hiểu có gì đó sai ở chính họ chứ không phải ở cơ cấu tổ chức xã hội này. Bản thân tôi nghĩ ở Canada ai cũng có thể thành công. Chỉ là theo những góc khác nhau mà thôi.

          15-Ngoài- Trong

Người Mỹ, Canada thật giản dị. Khi tôi đến Moscow, Tokyo, Seoul thấy ngập các cô gái xinh xắn tay lủng lẳng các túi hàng hiệu trong các ga tàu điện ngầm. Ở đó không mấy người trẻ tuổi có thể mua được nhà to, xe lớn. Có tiền họ đành dồn tạm cho mấy đồ phụ tùng thật choáng lộn, bắt mắt.

Canada và Mỹ thì thường cứ đi làm là gom tiền mua xe và nhà. Và những người Việt tôi biết ở đây thường trả xong hết nhà sau khoảng 10 năm đi làm.

          16- Công đoàn

Là cả hai thái cực. Từ phía những người lao động già thì công đoàn là tốt vì cứ hãng còn việc là thường không cách gì buộc họ thôi việc được, không ai chen lên trước hàng của họ được. Những người trẻ thì thường khó chấp nhận vì sự già nua đi liền kém hiệu năng trong sản xuất. Người tôi quen làm hãng Bombardier, hãng máy bay Canada, nơi có công đoàn, kể thấy mệt là cứ chui vào trong cánh máy bay làm một giấc, quản đốc gần đến cả hội lại tìm cách báo động cho nhau. Các hãng có công đoàn vì thế chi phí sản xuất cao và chắc là sẽ ngày một tiêu tùng.

          17- Tiến sỹ rởm

Rất cảm ơn anh Nhất và các bạn đã sửa lỗi cho tôi. Từ lúc rời VN năm 18 tuổi đến tận bây giờ tôi thấy sao mình vẫn còn luôn sai hai lỗi s; x và một vài con chữ khác. Chỉ có thể lý giải là tôi cũng giống như rất nhiều người Việt khác cùng thế hệ đã mắc một lỗi ”hệ thống” nào đó. Nghi nghi lắm! Tự nghĩ, chắc mấy cái B.A hay Ph.D. của mình cũng đồ rởm quá à! Bằng ngần này tuổi viết tiếng mẹ đẻ mà còn chưa sạch lỗi chính tả thì còn nước non gì nữa. Nhân đây cũng xin anh Nhất và các bạn đừng gọi tôi là TS. Từ ngày cha mẹ sinh ra đời đến nay tôi chưa viết bất kỳ bài báo nào bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đề là Tiến sỹ Phạm Ngọc Cương ở đâu cả. Ở bên này Ph.D được nhại là Pizza home delivery (người giao pizza tới nhà); GSTS là gà sống thiến sót. Bỗ bã với mấy tay Ph.D hay giáo sư các sắc dân khác thấy đơn giản vậy mà cứ chuyển sang tiếng Việt gọi là TS lại thấy nặng. Ước gì chúng ta chỉ dùng từ tiến sỹ để gọi các tiền nhân xứng đáng của chúng ta tên khắc ở Quốc Tử Giám thôi. Ngày nay nếu tất cả chúng ta đều coi mấy cái bằng cấp ấy chỉ như cái thứ xóa nạn mù chữ thôi thì có lẽ xã hội ta sẽ bớt hình thức hơn nhiều.

          18 – Nhập cư

Nhiều lúc chúng tôi bảo nhau là nếu đón được cả 90 triệu dân Việt sang đây định cư rồi sau 10-20 năm lại đưa về VN thì tình hình đất nước chắc sẽ có thật nhiều đổi khác. Việt Nam cũng như bất kỳ nước nào khác luôn được lợi trong việc giao lưu và trước nhất là giao lưu con người. Canada đón nhận di dân mỗi năm khoảng bằng 1% dân số (xấp xỉ 300 ngàn người). Các cơ hội học hỏi còn bất tận hơn. Anh bạn Mark của tôi ở bài “Tạp” dù bằng cấp cao mà mãi mới xong vì anh không đăng ký theo diện di dân có tay nghề và bằng cấp. Loại này thường lâu tới vài năm. Vì nhân đạo, Canada xét diện hôn thê khá nhanh chỉ vài tháng và anh đi theo diện mì ăn liền ấy. Rủi thay là bị nghi ngờ.

          19-Bầu cử

Đêm qua quyết định ngủ muộn cùng nước Mỹ. Cách chọn người của họ thật công bằng, hay, ấn tượng. Ngay cả George W. Bush là người được đánh giá là một trong những TT tồi của nước Mỹ thì ông cũng là một người rất quyết đoán, hùng biện và được lòng dân nên mới trụ sang tới nhiệm kỳ hai. Khoảng gần nửa đêm anh bạn phe Cộng hòa nhắn tin rằng chắc anh sẽ khóc suốt đêm nay. Đó là cái Spirit của Bắc Mỹ. Đã rất tốt rồi còn luôn khát khao tốt hơn nữa. Thực ra ai làm TT thì cũng chả có thay đổi gì nhiều. Hiến pháp vẫn chẳng phải sửa. Tam quyền vẫn phân lập và độc lập, chả phải thêm bớt của bất cứ ai cái quyền gì. Tứ, ngũ quyền vẫn toàn quyền tự do. Xã hội dân sự vẫn thăng hoa và ổn định. Chỉ khác nhau có chút ít chính sách thuế má, bảo hiểm, chi tiêu công và đối ngoại… Là người gốc Việt tôi mong kinh tế Mỹ hồi sinh mạnh mẽ, có vậy sẽ bớt những trò húng của anh Đại Hán. Nước Mỹ chưa bao giờ cần đến thế một doanh nhân lão luyện khoác vừa vặn chiếc áo đại chính khách như lúc này. Obama và Mitt kẻ tám lạng người nửa cân, ai cũng thật giỏi. Thiếu Trung Quốc hay Việt Nam phương Tây vẫn thịnh vượng. Với lối hành xử ngạo ngược của mình Trung Quốc đáng phải nhận được nhiều đòn thật chứ không chỉ là đòn gió. Khó ngủ quá! Cậu con chín tuổi bỗng ôm cổ bố an ủi: bố ơi đừng buồn, ít nhất là ở Canada những người cần phải thắng đã thắng.

          20- Chùm khế quê

Hôm qua một người quen về VN sang đến chơi. Hỏi chị tình hình bên nhà thế nào? Chị bảo: Bài em viết hồi đầu năm chị đọc ở Một góc nhìn khác “Việt Nam- niềm hi vọng cho sau 20 năm” mất tính thực tế rồi. Chị thấy cứ đà này nên đính chính lại là 200 năm.

Người thực tiễn, không nên hi vọng cái gì sau khi mình chết.

Người có ít nhiều trách nhiệm, càng không nên quăng gánh nặng đời cho thế hệ mai sau, nhất là những thế hệ còn chưa kịp chào đời.

Nói với chị mà thực là nhủ với lòng mình!

          PNC, 7/11/2012

Nguồn: Blog Trương Duy Nhất

Cuộc-sống ở Canada: Tạp...

Tác-giả: Phạm-Ngọc-Cương






2“Tạp...”- Một cái tít ngắn ngọn, những dòng lan man viết vội (như lời tác giả nói với tôi), nhưng hàm chứa nhiều tình cảm và ý tưởng sâu đậm của một trí thức Việt hải ngoại- Trương Duy Nhất.




Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương (Toronto, Canada)


Những điều trông thấy mà vui


Những điều nghĩ tới mà đau đớn lòng (1)


          1-  Thiện nguyện


          Tháng nào thằng bé cũng mang về cái thư của trường báo có ngày sinh hoạt ngoại khóa không bắt buộc: đi xem kịch, bảo tàng, triển lãm nghệ thuật, di sản văn hóa, thảo cầm viên, vườn thú... Nếu bố mẹ đồng ý cho con đi thì ký vào giấy, nếu cháu nào thích đi mà gia đình không có khả năng trả tiền vé thì nhà trường sẽ cấp vé cho cháu miễn phí. Phụ huynh nào có nhã ý tham gia đi theo thiện nguyện giúp thầy cô giáo trông các em cùng thì phải đăng ký trước và tự trả tiền vé cho mình. Sẵn lòng đi giúp không công, tự chi trả cho mình mà vẫn còn hồi hộp vì luôn có quá nhiều người sẵn sàng giống mình, nhiều khi trường phải cho những người thiện nguyện bốc thăm chọn chỉ lấy bốn người cho mỗi lớp 25 cháu. Khó thay để được làm thiện nguyện ở xứ sở được mệnh danh là thiên đường của “vị kỷ” và “cá nhân chủ nghĩa” này!


          2-  Stop Sign


          67 là tuổi nghỉ hưu. Nhiều người già không muốn cho phần đời còn lại vô nghĩa xin thành phố cho làm việc thiện nguyện. Việc của họ có thể là cầm cái biển “STOP” sign ra trực các ngã tư để dẫn học sinh qua đường lúc 8-9h sáng; 12-1h trưa và 3-4h chiều là giờ các cháu đi, về học. Mùa hè ấm áp thì học sinh được nghỉ hè. Thân già, giữa mùa đông tuyết giá ra đứng đường trông trẻ là cả một cố gắng. Cuộc sống thật có ý nghĩa hơn khi nó không phải chỉ cho mình.


          3-  Dọn nhà


          Mấy năm trước tôi dọn đến ở khu vực cũ kỹ của thành phố. Trên trăm tuổi đã được coi là lâu đời vì Canada cũng mới có 145 tuổi. Dọn về đây vì tôi thấy thú khi thấy cái tòa thị chính cũ bé tí tẹo chả nhỉnh gì hơn cái nhà dân thường trong khu. Trong khi đó các trường cấp 1, 2, 3 là các tòa lâu đài thật đồ sộ, vật vưỡng to gấp cả trăm lần tòa thị chính. Nhà thờ tuy to thứ hai sau trường học mà cũng chỉ bằng 1/20 khuôn viên trường. Các ngân hàng, cửa tiệm không bằng cái móng tay so với trường. Mỗi nhà dân chỉ được xây cất xấp xỉ  ½ diện tích đất của mình vậy mà tổng diện tích cây xanh, công viên, hồ, đường xá bên ngoài vẫn chiếm tới 70% toàn khu vực. Cảm ơn các tiền nhân Canada đã mở mắt cho kẻ hậu bối thật nhiều điều.


          4-  Chapters


          Là cửa hàng sách. Một tòa nhà cổ lộng lẫy ở một vị trí cực kỳ đắc địa là đón lõng toàn bộ học sinh mấy trường phổ thông. Ai qua đây cũng có ba việc có thể làm là mua sách, ngắm sách hoặc là lấy bất kỳ cuốn nào, mới tinh, thơm mùi mực in ra ngồi ở bất kỳ cái ghế bọc da hay nỉ êm ái nào trong cửa hàng và nghiền đến lúc nào xong rồi trả sách lại về giá rồi ra về. Nếu chưa đọc xong mai cửa hàng mở cửa lại ra đọc chùa tiếp. Xin mời cứ tự nhiên, vô tư. Yêu khu vực dân cư mà những tòa nhà lớn nhất là trường học, bệnh viện, thư viện bao nhiêu thì càng thấy yêu sự tế nhị và hào hiệp trong nghiệp kinh doanh của Chapters bấy nhiêu. Tri thức cũng như thương mại là cái không phải cứ ép mà được.


          5- Kỳ thị


          Mark sinh ở Chicago. Từng rất cố gắng làm việc từ bồi bàn, dọn dẹp, bán hàng để góp thêm tiền trả học phí đại học và sau đó là... bảo vệ thành công hai bằng tiến sỹ. Một âm nhạc và một về nhân chủng học. Hai hướng đi chả có gì gần nhau nhưng đó là ý thích của anh từ bé muốn hiểu rõ về giống người và âm thanh. 13 năm cuộc đời để làm hai cái Ph.D. rồi chàng yêu và lấy một cô Canada. Hiện nay người trung niên da trắng gốc Mỹ ấy là giáo sư của hai trong ba đại học của Toronto. Vợ bảo lĩnh anh sang Canada theo diện hôn thê. Mark mới nói với tôi là anh thật hạnh phúc vì cuối cùng Bộ công dân và di trú Canada đã hết nghi ngờ anh và anh vừa nhập quốc tịch. Một minh chứng sống cho việc không phải chỉ vài sắc dân châu Á bị nghi ngờ tìm cách vào Canada theo con đường hôn thê dởm.


          6-  Giáo viên


          Chưa yên tâm hành nghề giáo sư đại học; từ khi có con Mark  mới thấy là mình thích thành giáo viên. Để làm giáo viên ở Ontario thì dù là giáo sư anh vẫn phải đi học thêm một năm sư phạm nữa. Nhiều khi gặp các thầy cô ở trường phổ thông hỏi họ trước làm nghề gì. Nhiều người nói là tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư cao cấp... Động cơ nào khiến họ từ bỏ công việc thu nhập cả vài trăm ngàn, học lại ra làm giáo viên với lương chỉ 50-80 ngàn$/năm. Tiền bạc không thể lý giải nổi thì chắc động cơ chỉ còn là niềm đam mê.


          Khi tới Canada định cư, ở sân bay tôi được phát tờ quảng cáo của chính phủ hướng dẫn là có ba nghề rất được tin cậy và tôn trọng ở đây là giáo viên, cảnh sát và bác sỹ. Vào quốc tịch cần có người biết mình từ ba năm trở lên chứng nhận và danh sách hàng đầu những người có thể ký chứng nhận không phải là tiến sỹ hay giáo sư nọ kia ... mà là ba nhóm người hành nghề trên.


          7- Răng đẹp


          Canada không cho phép tư nhân hóa y tế cơ bản. Không có bệnh viện tư, y tế không mất tiền. Tuy nhiên y tế công không bao thẩm mỹ. Và răng lợi được coi là làm đẹp nên phải tự trả tiền túi hoặc bảo hiểm trả. Làm giáo viên ở Ontario có chế độ bảo hiểm răng thật trên mức tuyệt vời. Khi đi khám nha sỹ rất thích đè thầy cô  ra chữa răng, miệng. Lo cho thầy cô luôn có hơi thở thơm tho, nụ cười được nở trên mặt cùng hàm răng đều trắng trẻo sẽ giúp các thầy cô thêm tự tin và duyên dáng trước các công dân tí hon của đất nước.  Xứ “giẫy chết” và “bóc lột” là vậy, còn  sự chu đáo của xứ “triệu lần hơn” thì tầm vóc nhỏ nhoi của mình sao mà tưởng tượng ra nổi?


          8- Vui


          Hôm nào đón con đi học về tôi cũng hỏi là ở trường hôm nay thế nào? Vui lắm bố ạ. Cô giáo của con năm nay thế nào? Cô giỏi lắm bố ạ. Sao năm nào con cũng khen cô giỏi, thế không có ai kém à? Không! Họ đều giỏi theo những cách khác nhau.


          Đứa khác hôm nào tối mịt cũng mới thấy mặt. Hỏi sao con về muộn thế? Bố ơi hôm nào về nhà thấy trời còn sáng con thấy tiếc như mình còn chưa sống trọn vẹn đủ một ngày. Chúng con bây giờ là người Type A tức là người học hết mình nhưng chơi còn hết mình hơn. À ra thế! Nhà trường đã thành công khiến chúng học như chơi và chơi như học.


          9- Thời tiết


          Để làm quen, dân Anglo-Saxon thường bắt chuyện từ thời tiết. Tôi thích mùa xuân vì sau cơn ngủ đông cây ra cả trăm màu xanh của sự sống dâng trào. Mùa thu ngắn như người đàn bà hồi xuân khao khát cháy hết những rạo rực còn lại trong đời. Mùa xuân thong dong như gái mười tám đôi mươi còn dài đường tính. Các danh họa Canada trong Group of Seven thật nổi tiếng nhưng chưa ấn phẩm thu nào của họ sắc nét bằng Golden Autumn của Levitan. Mùa thu nước Nga đã thật mê hồn, nhưng mùa thu Canada còn đầy hấp lực hơn. Vì ở Nga cây chủ đạo là bạch dương trong khi ở Canada cây chủ đạo là cây phong. Mà phong đa dạng hơn bạch dương nhiều lắm. Các lá phong vàng đỏ bay trong gió như những bàn tay nhỏ vẫy chào thế gian đầy lưu luyến. Thật hay là lá còn đang rất tươi và đang độ đẹp đã rời cành. Không đeo bám dai dẳng với quyền lực tới khô đen như nhiều chính trị gia già nua trên thế giới này.


          10- Mẹ


          Các tiếu tâm dòng chính bên này khai thác chuyện con rể mẹ vợ. Còn bên ta chủ đề hót là mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.


         Ở đâu, dù là mẹ, nhưng chèn vào tự do của con cũng bị chê cười.


          11-Khóa cửa


          Mấy lần đổi nhà thi thoảng có người hỏi là có thay ổ khóa cửa không? Tôi hỏi thay làm gì nhỉ khi bên này hai cái thượng tôn nhất, quí nhất là quyền tự do và quyền tư hữu thì đều hiện diện và được bảo vệ chu đáo như nhau cả ở trong nhà cũng như ngoài đường.


          12- Dân chủ


          Ở châu Âu 70% dân chúng ở nhà thuê. Ở Mỹ người ở nhà của mình là 65,4%. Còn chủ nhà Canada chiếm tới hơn 70% dân số.  Tại Ontario các mâu thuẫn của người chủ nhà và người thuê nhà do tòa Landlord and Tenant Board giải quyết. Nếu người thuê kiện người chủ thì người thuê nộp lệ phí tòa là $50 và có luật sư miễn phí cãi hộ tại tòa. Nếu người chủ thưa người thuê thì lệ phí tòa là $150 và phải tự đi thuê luật sư với giá tối thiểu $1000/ngày. Chơi khó người giàu và bao biện người nghèo thế mà sao cái xứ này vẫn để tên cụt lủn là Canada mà không đổi ngay sang là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Canada cho nó thật hoành tráng và xứng tầm thời đại nhỉ?


          13- Công bộc


          Ở Canada nếu thấy xe cảnh sát nháy đèn ngay sau xe bạn thì phải tấp xe vào vệ đường, đánh đèn hỏng, rút bằng lái và giấy tờ bảo hiểm xe ra, hạ cửa kính bên phía người lái xuống, để hai tay lên vô lăng và ngồi chờ. Cảnh sát sẽ tới, cúi chào bạn trước sau đó xin cho xem giấy tờ rồi họ về xe cảnh sát. Khoảng 15 phút sau họ quay lại xe bạn trao trả giấy tờ và phiếu phạt. Giải thích nội dung bạn vi phạm và quyền của bạn rồi chào bạn, đường ai nấy đi. Nếu đồng ý mức phạt bạn trả ngay trong vòng 14 ngày. Nếu không bạn ra tòa. Ra tòa phần đông vì mong cảnh sát vì lí do gì đó không ra thì mình sẽ trắng án. Cậu em tôi cũng thử ra tòa. Rủi thay là chàng cảnh sát đó cũng lại ra. Khi tòa hỏi cậu có muốn đối chất với cảnh sát xem ai sai không thì cậu thấy chả có gì để nói vì cảnh sát đúng. Vậy mà viên cảnh sát đó (đã thay cảnh phục sang comlê đen cà vạt tuyệt đẹp) lại đứng lên nói với tòa: hôm nay tôi đến đây để muốn xin quan tòa cho anh ấy giữ nguyên mức tiền phạt, nhưng không cắt điểm vì trong sổ công tác tôi có ghi chú lại là anh ấy hành sử rất lịch sự lúc nhận phiếu phạt. (Không cắt điểm thì không bị bảo hiểm xe tăng giá). Cậu em kể lại và chua thêm sao bọn này nó đào tạo “đầy tớ” tốt mà lại ít thế nhỉ, chỉ cho có mỗi 2 tên đày tớ trên 1000 dân.


          14- Chết


          Mẹ của cô giáo Doris vừa mất. Ôm chúng tôi cô khóc kể khi chỉ còn nửa bước nữa là tới cửa thiên đường, cụ bỗng mở mắt, nhìn tám người con nuôi và con đẻ đang không cầm được nước mắt vây quanh giường, cười và nói: Các con, mẹ đã sống một cuộc đời vô cùng hạnh phúc. Sau chiến tranh thế giới II dân miền nam nước Ý nghèo đói chỉ làm nông nghiệp và băng đảng đã di cư sang Canada. Là một nông dân chỉ quen cày cuốc ít học mà mẹ đã có các con phương trưởng làm giáo viên, bác sỹ, luật sư. Mẹ xắp được gặp bố. Các con phải vui và chúc mừng cho mẹ đi chứ?


          Đúng là:


“Người dưới vực sâu còn cứu kẻ trên bờ


Nếu dưới vực sâu còn dũng khí” (2)


          15- Lời hứa


          Tôi thường hay tản bộ ra High Park hay Rennie Park. Thiên nhiên mùa nào cũng có bộ cánh tuyệt đẹp. Mùa xuân rạo rực với cả triệu triệu bông anh đào đua sắc. Mùa thu thanh thản suy tư cùng  đàn thiên nga trắng muốt lượn lờ trong hồ. Hai công viên này có đủ thứ từ vườn thú, sân tennis, bể bơi, sân trượt băng...Và tất cả đều miễn phí. Khởi đầu là hai người giàu có trước khi chết hiến tặng lại gia sản cho thành phố với điều kiện thành phố chỉ được dành cho đại chúng và không được thu phí gì kể cả chỗ đỗ xe. Hàng trăm năm qua thành phố luôn giữ lời.


          16- Phương tiện


          Hôm nọ có việc phải ngó vào hồ sơ của hai người hành nghề kiểm toán. Chồng báo kiếm $12,000/tháng, vợ $18,000. Ba mươi ngàn $/tháng, nhà trả hết, Visa Master Cards không nợ và... không có ô tô. Giờ nhiều hãng cho mua chịu ô tô trả dần từ 3-5 năm có 0% lãi xuất. Gặp họ tôi hỏi họ di chuyển như thế nào? Họ nói chúng tôi chỉ dùng xe đạp và đi bộ.


          Anh bạn mới sang Canada họp hội nghị khoa học ở trường Tổng hợp Toronto vào phòng chủ nhiệm khoa thấy bề bộn sách vở và chình ình giữa phòng là ... cái xe đạp. Ồ ra xứ này đang chuyển giao biểu tượng. Người giàu đi bộ, xe đạp, người nghèo ôtô. “Đổi mới” để làm gì nhỉ? Có minh chứng hùng hồn để rao giảng là từ những năm 80 ta đã có phương tiện ngang tầm dân giàu Canada của tận năm 2012 rồi mà?


          17- Chùa


          Tháng chín/2012 ra sân bay tiễn vợ về Việt Nam. Nhìn thấy một em trung tuổi mặt mũi khá sạch nước cản đang gọi điện thoại bằng tiếng Hoa. Hết cú điện thọai bỗng em đon đả bằng tiếng Việt: Anh về Sài Gòn? (à ra em là người Việt gốc Hoa) Không anh chưa, ra tiễn vợ về Hà Nội thăm nhà thôi. Em tưởng anh về dự hội nghị Việt kiều lần II. Có gì hay ở đó hả em? Được xe đưa đón và bao ăn ở khách sạn sang toàn bộ. Em sang Canada bao năm rồi? 30 năm anh ạ. Em làm nghề gì? Em làm công ty bảo hiểm. Trời ạ. Em có công ty riêng, thành đạt ở một xứ giàu có 30 năm về còn hí hửng khoe được bao đi lại và ăn ở. Em không tự lo được nổi cho mình mấy cái vặt vãnh đấy sao?


          (...)


          18- Thủ lĩnh


          Canada có ba đảng chính trị tầm vóc quốc gia. Hữu là Bảo thủ. Tả là Tân Dân Chủ và khuynh tả là Tự Do. Bảo thủ được coi là đảng của người giàu vì nhiều người giàu là đảng viên của đảng; nhưng phần lớn nông dân và binh sỹ cũng tham gia đảng này. Đường hướng của đảng này là nhà nước hãy can thiệp ít nhất vào cuộc sống của dân chúng, giảm thuế sẽ cùng giảm sự bao biện của bộ máy công quyền. Stephen Harper - đảng trưởng Bảo thủ- người đàn ông lên đỉnh cao quyền lực từ năm 2006 khi 46 tuổi theo đánh giá của dân Canada qua 3 lần liên tiếp thắng cử cũng “not too bad” ( không quá tệ)! Về đối nội ông liên tục giảm thuế cho dân chúng và các công ty, dẫn Canada vững bước phát triển qua cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ toàn cầu. Về đối ngoại, (...) ông từ chối tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. Mới đây là nước phương Tây đầu tiên dẹp luôn tòa đại sứ của mình tại Iran và đuổi toàn bộ nhân viên sứ quán Iran ra khỏi Canada. Đêm Stephen Harper đắc cử lần đầu, báo chí Canada chạy tít Thủ tướng Tim Hortons. Tim Hortons là loại cà phê rẻ tiền của Canada (coi như đẳng cấp chè vối của Việt Nam) vì Harper không có tài sản gì đáng kể ngoài cái ôtô cũ và căn hộ nhỏ. Trong khi người mà ông đánh bại là Paul Martin - thủ tướng tiền nhiệm- là thủ lãnh đảng thiên tả Tự do lại là chủ hãng vận tải biển có tài sản trên 70 triệu đô.


          Tài sản và tư tưởng chính trị không hẳn là những giá trị luôn đồng nhất. Nhiều nhà tư bản được bêu riếu là cá mập lại là những người dốc cả tài sản cho từ thiện; còn nhiều lãnh tụ vác danh đại diện cho giới cần lao lại chỉ lao đi vơ vét và đục khoét.


          19- O Canada(3)


          Khi mới tới đây định cư, cảm giác đầu tiên là sao cái đất này cái gì cũng nhẹ nhàng, thiếu quá chất hào hùng kể cả từ bài quốc ca. Ồ Canada cứ như một khám phá nhỏ dịu dàng đến ngỡ ngàng.


          Vậy mà ở càng lâu càng thấy sao câu thơ lại chỉ thấy đúng đến thế ở nơi cách xa quê hương của tác giả tới nửa vòng địa cầu lận:


“Khi ta đến gõ lên từng cách cửa


Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào


Ta nghẹn ngào...”(4)


          Trông người lại ngẫm đến ta... nơi mỗi lần về lại thấy lòng xa quê hơn một chút.


          PNC, 3/11/2012


         (1) Mượn ý cụ Nguyễn Tiên Điền


          (2) Chế Lan Viên


          (3) Nguyễn Khoa Điềm- Mặt đường khát vọng


          (4) Quốc ca Canada


Nguồn: Blog Trương Duy Nhất



Cuộc sống ở Nhật Bản

Tác giả: Nguyễn-Đình-Đăng


Một nghiên cứu viên tại Học Viện Riken - Nhật Bản


Tokyo, 12 tháng 8 năm 2004




 


Rào trước:


Viết bài này, tôi không hề có ý định nói về cuộc sống của người Việt Nam nói chung tại Nhật. Tôi chỉ nêu nhận xét chủ quan của riêng tôi đối với những điều tai nghe mắt thấy tác động trực tiếp đến cuộc sống của cá nhân và gia đình tôi tại Tokyo. Vì thế nếu các ý kiến của tôi khiến một số quý vị không đồng tình, mong các quý vị bỏ quá.


 


Trước khi tới xứ sở của hoa anh đào, tôi đã sống 18 năm thời niên thiếu của mình rồi sau này làm việc vài năm tại Việt Nam, 11 năm tại Liên xô cũ, một thời gian tại châu Âu, và thăm một số trường đại học tại Hoa kỳ. Cuộc sống ở nhiều nước đã giúp tôi kiểm chứng trong một chừng mực nhất định độ tin cậy của câu ngạn ngữ tôi thường nghe thời còn là sinh viên tại Nga:


Ba năm đi Pháp bằng một giáp đi Nga.


Năm năm ở Tây bằng một giây ở Nhật.


 Theo tôi, cái “may mắn” lớn nhất của thần dân xứ Phù Tang có lẽ là nước Nhật đã thua trong Đại chiến thứ Hai. Về mặt tâm lý, thất bại đó khiến người Nhật cảm thấy nhục nhã, và quyết tâm đưa dân tộc mình vươn lên về mọi mặt để “rửa hận”. Thất bại đó cũng khiến dân tộc Nhật trở nên khiêm tốn, nhún nhường hơn trong giao tiếp vì có lẽ họ không có “chiến thắng oanh liệt” nào để họ có thể “vênh váo” với thế giới, và quá khứ thê thảm của Đệ Nhị Thế Chiến không để lại gì để họ có thể trở thành “ăn mày dĩ vãng” [1]. Về chính trị, thất bại đó khiến nước Nhật ngay sau chiến tranh “bị” đặt dưới sự kiểm soát cuả Hoa kỳ. Từ đó Nhật bản được Hoa kỳ giúp đỡ về mọi mặt và trở thành đồng minh chặt chẽ của Hoa kỳ. Bản Hiến pháp của Nhật sau Đại chiến thứ Hai là do người Mỹ viết năm 1946 [2]. Đó là một bản hiến pháp hết sức dân chủ. Người Nhật, từ ông thủ tướng (và gia đình, họ hàng ông ta) đến cậu học sinh tiểu học, tất cả đều rất tôn trọng pháp luật và thực hiện đúng Hiến pháp. Đó là điều mấu chốt đưa đến những ưu điểm dưới đây.


 1) Cuộc sống ở Nhật rất an toàn


Hồi còn đi học, tôi đọc sách thấy nói mô hình của xã hội giàu có thanh bình là thời vua Nghiêu vua Thuấn bên Tàu, tiền rơi ngoài đường không có ai thèm nhặt. Lúc đó tôi đã tự hỏi không biết bao giờ và ở đâu mới lại có được một xã hội như vậy. Nhật bản là câu trả lời khẳng định cho tôi. Ở đây nếu đi tàu mà bạn vô tình quên túi (trong đó có thể có tiền, máy ảnh, điện thoại di động v.v.) trên tàu, bạn chỉ cần báo cho nhân viên nhà ga. Sau đó họ sẽ gọi điện nhắn bạn đến nhận vì thông thường là họ sẽ tìm thấy đồ bạn để quên, do không có ai đụng đến nó cả. Một lần chúng tôi đi tàu ra sân bay. Sau khi chúng tôi lên tàu rồi, trong lúc chờ tàu khởi hành, bỗng một nhân viên nhà ga xuất hiện, tay giơ cao một cái túi và nói to đủ để tất cả hành khách đều nghe thấy: “Cái túi này của ai đây?”. Vợ tôi giật mình nhận ra đó chính là túi của mình để quên trên ghế phòng đợi tàu, vội chạy tới nhận, chỉ vài giây trước khi tàu chuyển bánh. Một lần khác, vợ tôi đi chợ và đánh rơi ví. Trong ví có tiền, giấy căn cước, chìa khóa nhà, v.v. Hai hôm sau, người gác cửa báo xuống nhận. Người nhặt được ví và mang đến trả tận nơi là một sinh viên. Con trai tôi có lần đi chơi cũng đánh rơi ví trong đó có thẻ học sinh và chìa khoá vào nhà. Mấy hôm sau, những thứ cháu đánh rơi đã được ai đó tìm thấy và gửi đến địa chỉ nhà tôi mà không đề địa chỉ người gửi. Năm 1999 chúng tôi tổ chức một hội thảo quốc tế tại viện nghiên cứu vật lý hóa học Nhật bản (gọi tắt là viện RIKEN) – nơi tôi làm việc từ 1995 tới nay. Một nhà vật lý Italia đại biểu hội nghị, trong khi đi chơi ở Tokyo, đã đánh rơi hộ chiếu của mình. Anh ta hết sức hốt hoảng vì chỉ sau hai ngày anh ta sẽ phải bay về nước. Chúng tôi nói anh cứ yên trí, gọi điện báo cho Đại sứ quán Italia, rồi ngồi chờ. Quả nhiên ngày hôm sau, Đại sứ quán Italia gọi điện nói có người đã nhặt được hộ chiếu của anh và gửi đến Đại sứ quán, anh chỉ việc đến nhận lại hộ chiếu. Anh ta thốt lên: “Thật là không thể tin được!”. Anh đã lên đường về nước đúng như lịch trình.


Mặc dù đôi khi đọc báo hay xem TV tôi cũng thấy tin nói về các vụ kẻ trộm đột nhập nhà ở, kẻ cướp cướp nhà băng, kẻ cắp móc túi người say rượu trên các chuyến tàu vắng khách về khuya, nhưng tôi chưa hề bị hoặc chứng kiến bất cứ một vụ ăn cắp vặt nào ở nơi công cộng tại Nhật, kể cả trên những chuyến tàu chật cứng người vào giờ đi làm sáng sớm. Mới đến Nhật người ta có thể lấy làm lạ là mọi người ra đường để đồ đạc của mình rất hớ hênh: ví tiền bỏ túi sau không cài, nhô cả ra ngoài, điện thoại di động nhét túi sau với cả một đám dây trang trí như mời gọi kẻ móc túi, vào tiệm ăn thì vứt túi lên ghế rồi bỏ đấy đi nhà vệ sinh, mà không hề sợ là túi sẽ “bốc hơi” lúc mình vắng mặt. Sau khi đã sống ở Nhật một thời gian, người ta hiểu rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với những “sơ ý” đó, vì xã hội ở đây rất an toàn. Hầu như không có ai động đến sở hữu của người khác. Đi chơi ban đêm mà bị trấn lột là chuyện khó xảy ra ở Tokyo.


Người Nhật không ồn ào, không nói chuyện oang oang hoặc gọi nhau í ới ngoài phố, và tất nhiên là tôn trọng luật đi đường. Nếu họ chẳng may đụng phải nhau, thì cả hai cùng cúi xuống xin lỗi nhau với một thái độ thực sự thành khẩn. Xe cộ rất nhiều nhưng hầu như không nghe thấy tiếng còi xe hơi. Nếu xe hơi hay xe máy quệt phải nhau thi họ cũng từ tốn giàn xếp hoặc chờ cảnh sát tới. Tôi có lần chứng kiến một xe hơi đi từ hẻm ra đường lớn, chẳng may đụng phải một thanh niên đang phóng xe máy phân khối lớn. May thay anh ta không việc gì, vì nhảy vọt được ra khỏi xe, như trong phim Holywood vậy. Chỉ có xe máy là bẹp. Người lái xe hơi chắc chắn là sai.Ngay cả khi đó, anh thanh niên, trông rất “ngầu”, cũng không hề to tiếng. Cả hai bên để nguyên hiện trường chờ cảnh sát tới giải quyết.


 2) Quan chức hành chính và cảnh sát thực sự là các đầy tớ của nhân dân



Điều 15 trong Hiến pháp của Nhật quy định “tất cả các quan chức và nhân viên hành chính là đầy tớ của toàn thể cộng đồng” [2].  Bộ máy hành chính của Nhật cũng khá cồng kềnh, và mọi việc giấy tờ không phải khi nào cũng nhanh. Tuy nhiên, những quan chức và nhân viên hành chính bao giờ cũng cố gắng giải quyết công việc một cách tốt nhất cho dân, với một thái độ rất lịch sự, niềm nở, kể cả khi “dân” là một cậu bé kém họ hai ba chục tuổi. Nếu không giải quyết được ngay ngày hôm đó, thì họ bao giờ cũng hẹn chính xác ngày có  kết quả, và không bao giờ sai hẹn. Họ hiểu rất rõ là họ làm việc để phục vụ nhân dân. Lương của họ là do dân đóng thuế mà có. Bất cứ người dân nào cũng có thể phát đơn kiện nếu họ phục vụ kém, và họ sẽ bị thải hồi ngay. Bất lịch sự, cửa quyền, sai hẹn, chứ chưa nói “ăn hối lộ”, là điều xa lạ đối với hệ thống hành chính cơ sở ở đây. Không bao giờ có hiện tượng nhân viên hành chính lại dám “lên lớp” cho người dân.


 Con trai tôi có lần thốt lên: “Công an ở Nhật hiền thật, bố nhỉ!”. Đấy là sau cái lần cháu đi chơi đánh mất chìa khoá xe đạp. Vì lúc đó đã muộn, các hiệu chữa xe đạp đã nghỉ, nên cháu phải bê xe đến đồn cảnh sát gần đấy cầu cứu các chú cảnh sát. Họ phải dùng kìm cộng lực cắt khóa để cháu đạp xe về nhà. Nói chung, tôi chưa gặp trường hợp nào cảnh sát giao thông chặn người xét hỏi vô cớ giữa đường, huống hồ là hành hung người dân. Họ luôn từ tốn, lịch sự chỉ đường kỹ càng khi được hỏi, vì các đồn cảnh sát thông thường là nơi người đi đường vào hỏi đường. Họ có đầy đủ bản đồ chi tiết của khu vực họ. Chuyện cảnh sát tìm cách chặn xe để phạt tiền là chuyện không có ở Nhật. Người lái xe bị phạt nếu họ thật sự phạm luật, gây tai nạn, v.v. Cảnh sát Nhật không được phép dùng vũ khí nóng (như súng) để uy hiếp dân chúng. Trong những cuộc dẹp rối loạn trật tự công cộng, họ chỉ được dùng quá lắm là gậy bằng gỗ.


 3)       Khách hàng thực sự là vua


Ở Nhật người bán hàng hết sức lễ phép và thực sự chiều chuộng khách hàng, cho dù khách hàng chỉ xem, không mua gì, hoặc giá trị của thứ mua chỉ vài trăm yên (vài USD). Không bao giờ người bán hàng nhận xét, bình phẩm về sự lựa chọn của khách hàng. Sau khi khách hàng mua, trả tiền xong, họ đều gói ghém hết sức cẩn thận trước khi trao hàng cho khách, sau đó chắp hai tay trước bụng cúi chào cung kính, mắt nhìn xuống. Nếu những người bán hàng đó đi mua hàng (đi chợ chẳng hạn), họ cũng là khách hàng như bạn và cũng được những người bán hàng khác phục vụ tử tế như vậy.


 Ít lâu sau khi tôi vừa đến Nhật, một lần tôi ghé hiệu Yamano Music - một hiệu bán nhạc cụ nổi tiếng ở khu Ginza – Tokyo. Tại hiệu này có bán các đàn đại dương cầm Yamaha, Steinway, Bechstein giá hàng trăm ngàn US dollars. Nhưng thứ mà tôi mua chỉ là một miếng dạ đỏ để phủ phím đàn piano. Giá miếng dạ đó là 600 yen (khoảng 6 USD). Tôi gọi người bán hàng. Ông ta dạ ran chạy đến. Tôi lại không có tiền lẻ, nên tôi đưa ông ta 10,000 yen (khoảng 100 USD). Ông ta cúi người, hai tay đỡ lấy tờ tiền, nói: “Xin quý khách đợi cho một lát”, sau đó chạy nhanh vào phía trong. Một khoảnh khắc sau, ông ta quay lại, hai tay cầm một cái đĩa sứ nhỏ trên để miếng dạ đã được gói cẩn thận, hóa đơn thanh toán, tiền thừa. Rồi ông ta lại cung kính cúi mình hai tay nâng cái đĩa lên ngang mặt để tôi dễ lấy. Sau đó, ông ta lại cúi rạp xuống một lần nữa, miệng nói to: “Xin cảm tạ quý khách!”


 Rất ấn tượng về điều này, tôi kể chuyện đó với một giáo sư Nhật. Ông ta nói: “Đấy là tiêu chuẩn phục vụ thông thường ở đây, nhất là tại các cửa hàng nổi tiếng như Yamano Music. Anh trả tiền và anh có quyền được hưởng sự phục vụ tốt nhất”. Sau này tôi thấy đó là trình độ phục vụ rất chuyên nghiệp của xã hội Nhật bản, vượt xa tất cả các nước khác mà tôi đã đến (là Việt Nam quê hương tôi, Trung Hoa, Nga Xô, Ấn độ, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia, Hy lạp, Tây Ban Nha, và Hoa kỳ).


Miếng dạ là thứ nhỏ. Bây giờ tôi kể đến thứ to hơn một chút. Cách đây vài năm tôi mua một cái đàn đại dương cầm (grand piano) ghép kỹ thuật số gọi là GranTouch cuả hãng Yamaha, giá ngót nghét 6,000 USD (kể cả ghế ngồi). Sau khi đàn được vận chuyển đến nhà, tôi chơi vài hôm và phát hiện ra một trục trặc nhỏ là khi chơi một hợp âm nhiều nốt, độ vang của một hai nốt thỉnh thoảng bị cắt sớm hơn các nốt khác. Tôi gọi điện phàn nàn với cửa hàng. Sau vài hôm, hãng Yamaha cử chuyên gia tới nhà tôi dùng máy để kiểm tra, vì hiện tượng này rất khó phát hiện, và không phải lúc nào cũng xảy ra. Sau khi xác nhận là có trục trặc thật, họ vận chuyển một cái đàn khác, cũng mới tinh đến, để cạnh cái đàn kia để tôi chơi cả hai để so sánh. Sau một hồi đắn đo, tôi đã chọn cái đàn họ mới mang đến. Họ lại vui vẻ đem cái đàn kia đi. Mỗi lần vận chuyển như vậy xe cần trục phải trục cả cái đàn to tướng lơ lửng qua bao-lơn nhà (balcony). Một tốp gồm ba người đàn ông lực lưỡng, và một chuyên gia kỹ thuật cùng làm việc. Tôi không phải trả thêm bất cứ một yen nào. Thấy họ lao động vất vả, tôi mời họ uống nước giải khát. Họ lễ phép từ chối với lý do là họ đang làm công vụ.


Vợ tôi luôn cảm kích mỗi khi nhớ lại lần phải nằm bệnh viện nhà nuớc (công) ở Nhật. Tất cả mọi người - từ bác sỹ, y tá, hộ lý, đến nhân viên phục vụ, quét dọn - đều rất lịch sự, dịu dàng, quan tâm chăm sóc như thể cả bệnh viện chỉ có mỗi một mình vợ tôi là bệnh nhân vậy, khiến vợ tôi nói: “Mình thật sự cảm thấy mình là một con người với ý nghĩa đầy đủ của nó.” Máy móc ở bệnh viện đều rất tối tân. Phần lớn các bác sỹ nói được tiếng Anh.Một số bác sỹ trẻ nói tiếng Anh giỏi. Mấy người bạn Việt Nam khác ở đây, từng vào bệnh viện Nhật, cũng đồng ý với chúng tôi như vậy. Đến khi vợ tôi kể chuyện này với một người bạn Nhật, bà này chẳng tỏ vẻ gì là ngạc nhiên cả. Bà ta cho điều đó là tất nhiên. Bà ta bảo: “Người bệnh là người ốm yếu, đầy lo lắng ưu tư, nên bác sỹ, y tá phải có nhiệm vụ làm dịu đi sự băn khoăn đó”. Nghe nói bệnh viện tư nhân phục vụ còn tốt hơn thế.


Chuyện phục vụ tốt trên mặt đất ở Nhật kể không hết. Phục vụ trên trời cũng “siêu” không kém. Ai đã bay Japan Air Lines (JAL) có thể dễ dàng nhận thấy điều đó. Các cô chiêu đãi viên của Nhật bao giờ cũng hết sức nhã nhặn, lịch sự, nói như rót mật vào tai. Có lần tôi đang ngồi trên một chuyến bay của JAL từ Tokyo sang châu Âu, thì một con muỗi từ đâu đó xuất hiện vo ve trước mặt tôi. Tôi đành vỗ hai bàn tay đập chết con muỗi. Ngay lúc đó một cô chiêu đãi viên xinh đẹp tình cờ đi ngang qua nhìn thấy. Cô ta lập tức cúi xuống, miệng mỉm cười, bàn tay trắng muốt xòe ra để … đỡ lấy cái xác con muỗi đem vứt đi.


4) Không ai xâm phạm quyền tự do biểu hiện


Điều 21 trong Hiến pháp cuả Nhật [2] đảm bảo hoàn toàn không có bất cứ một sự kiểm duyệt nào đối với quyền tự do biểu hiện của mỗi người dân. Vì vậy, ở Nhật không có bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền bắt bạn cắt xén sáng tạo của bạn, hoặc ngăn cấm bạn triển lãm hoặc in ấn tác phẩm của mình vì những gì bạn viết hoặc vẽ ra trong tác phẩm của bạn. Nếu có tranh chấp liên quan xảy ra, thì cả hai phía: phía muốn kiểm duyệt và phía tác giả hoặc nhà xuất bản đều bình đẳng trước pháp luật, tức là đều có quyền mời luật sư và giải quyết tranh chấp tại tòa án (Như vụ con gái một chính khách kiện một nhà xuất bản đã đăng vụ ly dị của cô ta lên báo gần đây). Tiêu chuẩn duy nhất để một bức tranh được treo tại triển lãm tập thể của một hội mỹ thuật nào đó, tại một địa điểm công cộng nào đó như bảo tàng mỹ thuật, gallery, v.v. là nghệ thuật thuần tuý, và chỉ có nghệ thuật mà thôi. Tranh đẹp thì được treo. Tranh xấu (hoặc không đẹp bằng) thì bị loại. Tất nhiên đẹp hay xấu còn tuỳ thuộc vào thẩm mỹ của hội đồng nghệ thuật. Vì thế để giảm tối thiểu sự thiên vị của một vài “ủy viên hội đồng nghệ thuật”, các hội mỹ thuật ở Nhật thường mời tất cả các hội viên (vài trăm người) cùng họp để chọn tranh, bằng cách dơ tay biểu quyết. Tranh nào được nhiều hội viên chọn thì được treo.


 5)       Hệ thống văn hoá giáo dục và các viện nghiên cứu


Nhật bản là nước có tỷ lệ người biết đọc biết viết cao nhất thế giới, tới 99% dân số. Người Nhật kể cả tầng lớp lao động ít học cũng hành xử rất có văn hóa. Mọi người nói năng rất lịch sự. Không thấy ai nói tục chửi bậy ở nơi công cộng. Trên các phương tiện giao thông công cộng, ngoài phố, rất khó phân biệt người giàu người nghèo, vì ai nấy đều ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự như nhau, tuy là không ai giống ai. Những người làm cho các công ty thường mặc “com-lê” đeo “cà-vạt”. Giới trẻ ăn mặc hiện đại, lố lăng hơn, nhưng không hề có ai dám tỏ ý phê bình, chê bai, chứ chưa nói là cấm đoán, dù là với bất cứ lý do gì kể cả “thuần phong mỹ tục”. Ai cũng hiểu đó là quyền tự do cá nhân được hiến pháp tôn trọng tuyệt đối. Một số ít trường không cho phép học sinh trung học nhuộm tóc. Nhiều trường khác không hề ngăn cấm.  Có lần một thày giáo bị bố mẹ một học sinh kiện vì đã bắt con của họ gội sạch mái tóc nhuộm, vì như vậy là vi phạm tự do thân thể của học sinh. Trừ một số người “vô gia cư” (homeless) sống thường trực tại công viên Ueno ở trung tâm Tokyo, ngoài phố hầu như không gặp người rách rưới hoặc người ăn xin. Trong quan hệ giao tiếp, người Nhật thường rất nhún nhường, ít khi nói về mình, về gia đình con cái mình. Đặc biệt họ không bao giờ khoe khoang, nhất là khoe giàu, khoe giỏi hơn người khác, vì họ tránh hết sức lòng ghen tị [3]. Họ đánh giá cao tình hữu nghị lâu dài. Sau khi họ đã tin tưởng bạn, họ giúp đỡ bạn vô điều kiện.


Nói chung học sinh Nhật rất tôn trọng thầy cô giáo và các học sinh lớp trên. Hệ thống tiểu học của Nhật khá nhẹ nhàng, học như chơi. Lên trung học thì bắt đầu căng hơn vì phải học để thi vào các trường cao học (cấp 3) tốt thì mới có cơ may thi được vào các trường đại học tốt. Tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng (như ĐHTH Tokyo, ĐHTH Waseda, v.v.) thì khả năng tìm được việc làm ở các công ty tốt sẽ lớn hơn. Vì thế học sinh Nhật cũng “học thêm” ở các trung tâm luyện thi bên ngoài. Nhưng những thầy dạy ở các trung tâm “học thêm” đó tuyệt đối không được dạy tại các trường học chính quy. Hoàn toàn không có việc một thầy (cô) giáo sáng dạy chính khóa, chiều lại dạy “thêm” cho chính học sinh lớp mình. Giáo giới được xã hội rất tôn trọng, và được trả lương khá cao, tăng lương định kỳ, và được tiền thưởng hàng năm bằng 5 tháng lương. Lương một giáo viên độc thân 23 – 24 tuổi mới vào nghề là khoảng 3 triệu yen (27 ngàn USD) mỗi năm. Một giáo viên 40 tuổi có một vợ và 2 con hưởng lương khoảng 5.5 triệu yen (50 ngàn USD) mỗi năm, tương đương lương phó giáo sư đại học (không quá 35 tuổi) khoảng 5 triệu yên (45 ngàn USD) mỗi năm [4].


Sách vở, thiết bị phục vụ cho việc học ở Nhật rất đẹp, hiện đại và đầy đủ. Lớp học thường được trang bị các phương tiện nghe nhìn như TV, video, v.v. Đặc biệt các môn ngoại khóa rất đa dạng. Tất cả học sinh từ trung học trở lên đều tham gia hoạt động ngoại khóa tại các câu lạc bộ khác nhau (âm nhạc, hội họa, thể thao: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng chầy, tennis, badminton, bơi, judo, karate, aikido, kiếm thuật, bắn cung, v.v.). Tất cả đều được trang bị rất chuyên nghiệp và luyện tập hàng ngày (Người Nhật đã làm gì thì thích làm rất “chuyên nghiệp”, ít nhất là về trang bị dụng cụ.).


Khá nhiều trẻ con Nhật được bố mẹ cho học nhạc, tuy không phải tất cả theo được đến cùng. Nhiều gia đình có đàn piano đứng (upright piano), thậm chí đàn grand piano (đại dương cầm). Hãng Yamaha có một mạng lưới dạy âm nhạc trên toàn nước Nhật. Các cô giáo đều tốt nghiệp đại học âm nhạc, tài nghệ cao, trình độ sư phạm rất giỏi, và không bao giờ quát mắng học trò. Một cô giáo piano, khi giảng cho học sinh phải chơi không rung cổ tay, đã để một cục tẩy lên cổ tay mình rồi chạy ngón mà cục tẩy vẫn nằm trên cổ tay cô, không rơi xuống đất (!) Học sinh học piano đến giờ lên lớp bao giờ cũng được chơi đại dương cầm Yamaha. Nhiều người khi vào đại học đã học 10 -12 năm piano, sau đó lại tiếp tục học thêm, tuy không trở thành nhạc sỹ chuyên nghiệp. Vì thế trình độ âm nhạc nghiệp dư của người Nhật khá cao. Các kinh điển của các nhà soạn nhạc cổ điển như Bach, Mozart, Beethoven, Mendelssohn, Chopin, Listz, các nhạc sỹ nghiệp dư này đều chơi như “cháo” cả. Ở Tokyo có nhiều phòng hoà nhạc cho các nhạc sỹ nghiệp dư biểu diễn không mất tiền, hoặc phải trả rất ít tiền, nhưng nhạc cụ bao giờ cũng là hạng đầu bảng như Steinway hoặc Yamaha concert grand piano. Tất nhiên, không phải xin phép bất cứ một cơ quan văn hoá nào để trình diễn ca nhạc. Mọi việc đều do ca sỹ, nhạc công và chủ phòng hòa nhạc quyết định.


Các viện nghiên cứu quốc gia lớn của Nhật thường giầu có hơn các trường đại học. Ví dụ là viện RIKEN đã nói ở trên. Đây là một viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Viện này có khoảng 5,500 người làm việc, trong đó chỉ có khoảng 700 nhân viên hành chính phục vụ các nhà nghiên cứu. Viện có 5 cơ sở đóng tại Wako (ngoại ô Tokyo), Tsukuba, Harima, Yokohama, và Kobe. Kinh phí nghiên cứu của viện hàng năm, chủ yếu do Nhà nước cấp, vào khoảng 80 – 85 tỷ yên (ngót ngét 800 triệu USD), tức là trung bình chi phí cho mỗi đầu người làm việc tại RIKEN là khoảng 150 ngàn USD mỗi năm [5].


Khối cán bộ hành chính của RIKEN làm việc đúng như “các đầy tớ của các nhà khoa học”. Ở đây không hề có chuyện phòng “Tổ chức cán bộ” hay vụ “Hợp tác quốc tế” “tác oai” các cán bộ nghiên cứu. Các nữ thư ký đều hiểu rất rõ vị trí và chức năng của mình. Một số người trong số họ cũng đã từng tu nghiệp ở Anh, Hoa Kỳ, nói tiếng Anh như người Anh người Mỹ. Họ luôn luôn niềm nở, rất lịch sự, khiêm tốn, và rất thành thạo trong công việc của mình. Mỗi lần tôi đi công tác nước ngoài (dự hội nghị quốc tế, hợp tác nghiên cứu), bất kể đó là Hoa kỳ, châu Âu, Trung quốc, hay Việt Nam v.v., tôi chỉ phải làm hai động tác. Đầu tiên là thông báo cho giám đốc của laboratory của tôi. Sau khi giám đốc đồng ý (thường là bằng miệng), tôi phải điền vào một trang A4 in sẵn hành trình, thời gian công tác của tôi, kèm theo một dự báo giá vé máy bay của hãng du lịch. Tất cả mọi việc còn lại là công việc của cô thư ký và bộ phận tài chính của viện. Họ sẽ tính tiền công tác phí chi cho tôi (gồm chi phí ăn, ở, đi lại) cộng với tiền vé máy bay. Sau đó toàn bộ số tiền đó sẽ được viện tự động chuyển tới tài khoản cá nhân của tôi tại ngân hàng, trước khi tôi đi công tác. Sau khi đi công tác về, nếu có những khoản chi tiêu khác liên quan tới công việc, viện sẽ thanh toán nốt theo biên lai. Trong 9 năm trời làm việc ở RIKEN tôi chưa bao giờ thấy họ chậm trễ trong việc chi trả đó. RIKEN quan niệm rằng việc một cán bộ khoa học của RIKEN được mời dự hội nghị quốc tế, hoặc hợp tác quốc tế, là một cơ hội để phát triển khoa học nói chung, đồng thời đem lại lợi ích, danh giá cho RIKEN nói riêng trong cộng đồng quốc tế. Quà cáp biếu xén sau khi đi công tác về là điều “bất ngờ”, không chờ đợi, và không phải thông lệ ở đây, ngoại trừ đó là ý thích của cá nhân người đi công tác.Và cũng không phải vì thế mà người đó được đối xử tốt hơn hoặc tồi hơn so với người khác.


Đón sau:


Một xã hội cho dù có văn minh đến đâu cũng có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Bài này chỉ liệt kê một số mặt tốt của xã hội Nhật bản.


Một anh bạn Việt Nam mới sang Nhật cùng vợ và con trai học lớp 1. Tôi hỏi cháu: “Cháu thấy trường Nhật khác với trường Việt Nam thế nào?” Cháu trả lời: “Ở trường Nhật cháu cảm thấy được nói năng tự do thoải mái.” Tôi nhớ lại câu chuyện không lấy gì làm vui của chính con trai mình. Cháu nói với tôi là cháu đã nói dối lần đầu tiên khi cháu học lớp 1 ở Hà Nội. Hôm đó cô giáo quát: “Ai quên mang lọ mực để tay lên bàn”. Các bạn để tay lên bàn đều lãnh một vụt thước kẻ của cô vào tay rất đau. Con tôi cũng quên mực, nhưng không muốn ăn vụt, nên cháu đã nói dối: “Thưa cô, sáng nay lúc em chuẩn bị lọ mực đi học, mẹ em đã đánh đổ mất!”. Cháu được cô tha. Dạy dỗ dựa trên sự sợ hãi không cảm hóa được con người mà chỉ làm con người trở nên dối trá, thủ đoạn.


Không thể xây dựng một xã hội tự do, văn minh, hạnh phúc dựa trên sự sợ hãi của người dân. Có lẽ người Nhật hiểu rất rõ điều đó khi xây dựng xã hội của họ.




Tokyo, 12 tháng 8 năm 2004


(thêm trích dẫn  [3] ngày 17/8/2004)


 Trích dẫn:




 [1] Theo tên một tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai


[2] Xem “The Consitution of Japan” tại http://www.shugiin.go.jp/itdb_english.nsf/html/kenpou/english/constitution.htm


 [3] Nước Nhật có khoảng 127 triệu dân. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 27 ngàn USD. Theo tác giả Tomoko Otake (Japan Times, 17/8/2004), số triệu phú tiền USD ở Nhật là 1 triệu 312 ngàn người, chiếm 1% dân số. Phần lớn các nhà triệu phú Nhật nằm trong năm loại người: các nhà kinh doanh, các nhà chuyên môn (như bác sỹ, luật sư, lực sỹ,…), các giám đốc công ty, những người thừa kế gia tài, và các văn nghệ sỹ (như các nhạc sỹ và các nhà văn). Các nhà triệu phú Nhật chi tiêu ít hơn nhiều so với thu nhập của họ. Phần lớn họ sống rất giản dị và tiết kiệm.


 [4] Theo Japanese Education System – The Teaching Profession tại http://members.tripod.com/h_javora/jed4.htm


 [5] Theo RIKEN: Personel/Budget tại http://www.riken.jp/engn/r-world/riken/personnel/


Nguồn: http://ribf.riken.go.jp/~dang/Japanlife.html


Bài-viết liên-quan:


Hồ Anh Thái - Những phẩm chất Trời cho: có lẽ muốn học cũng không được