Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Tản·mạn về đề·án chữ Việt không dấu

Tác·giả: Nguyễn·Ninh

(Bài viết trên Diễn đàn Hội Tin học Việt Nam - Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 2007)
Trước đây một năm, cũng vào một ngày đầu Xuân (17/02/2006), đề án "Chữ Việt mới" đã được Cục Bản Quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền, đánh dấu 10 năm nghiên cứu về đề tài này.
Từ ngày ấy đến nay, tôi đã gửi đề án này dến hơn 200 cơ quan thông tấn, báo chí, điện toán (tin học), các trường đại học . . . đồng thời đăng tải trên mạng Diễn đàn Tin học và Đời sống của Hội Tin Học Việt Nam, và đã nhận được nhiều ý kiến khen, chê, thắc mắc.
Tôi thấy đã đến lúc nên tổng kết và trả lời những câu hỏi của quý độc giả trong và ngoài nước.
Vào những ngày này, dân tộc ta đang hân hoan đón chào một mùa Xuân mới của đất trời và của đất nước ta. Tôi xin kính chúc quý vị và các bạn một năm mới nhiều niềm vui mới, hạnh phúc tràn đầy.

Tôi xin bắt đầu trả lời câu hỏi của khá nhiều độc giả: -Tác giả hãy cho biết mục đích của đề án "Chữ Việt mới". Có phải tác giả có ý định đề nghị dùng chữ đó thay thế cho chữ Quốc ngữ của ta hiện nay hay không?
Xin phép trả lời ngay: Tôi không có ý định trên, mà chỉ muốn đề xuất một kiểu chữ Việt không dấu ngấn gọn và tiện lợi dùng riêng cho ngành điện toán (Tin học). Với kiểu chữ này, chúng ta có thể giảm bớt được nhiều thao tác trên máy tính, tiết kiệm được nhiều thời gian, do đó tiết kiệm được kinh phí, mà vẫn bảo đảm được độ chính xác của thông tin. Khi cần phải chuyển các thông tin ra đại chúng bằng chữ có dấu, chỉ cần dùng một nhu liệu (phần mềm) có thể là miễn phí. Như vậy việc đưa "Chữ Việt mới" vào sử dụng trong thực tế không gây tốn kém tiền bạc gì nhiều lắm như một số độc giả đã lo lắng, mà chỉ đem lại nhiều lợi ích cho mọi người mà thôi.

Một điều lý thú là nếu sử dụng "Chữ Việt mới" quý vị và các bạn có thể email, chat, nhắn tin, thậm chí ký các hợp đồng kinh tế quan trọng một cách chính xác, khi chúng ta ở rất xa bất kì nước nào trên thế giới, với trong tay bất kì chiếc máy tính hoặc điện thoại di động nào, mà không cần phải băn khoăn liệu những dụng cụ đó của mình và của đối tác đã được cài đặt nhu liệu (phần mềm) tiếng Việt nào chưa?

Câu hỏi thứ 2 cũng được nhiều độc giả đặt ra: -Tác giả dựa trên cơ sở lí luận nào để đề ra "Chữ VIệt mới"? Chữ này có dựa trên phương pháp ghi âm như chữ Quốc ngữ không?

Chúng ta đã biết chữ Quốc ngữ ra đời từ những năm của nửa đầu thế kỷ thứ 17, do một số nhà truyền giáo phương Tây (Ý, Bồ Đào Nha, Pháp. . . ) sáng tạo ra nhằm mục đích học tiếng Việt để giảng Đạo, soạn Kinh Thánh để truyền Đạo. Họ dùng lối chữ của nước họ, tức là những chữ cái của người La Mã (La Tinh) để phiên âm tiếng Việt. Vì số chữ cái La Tinh có hạn, mà ngữ âm Việt lại rất phong phú, nên họ phải đặt ra nhiều dấu (gồm các dấu phụ của các nguyên âm ă, â, ê, ô, ơ, ư và các dấu thanh điệu huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). Mặt khác, vì áp đặt chữ của các nước phương Tây vào tiếng Việt, nên có nhiều chỗ bất hợp lý (sẽ nói ở mục sau).

Để loại bỏ dấu và khắc phục những chỗ bất hợp lý, tôi mạnh dạn đề xuất một lối chữ không dựa trên phương pháp phiên âm (phonetic transcription) mà dựa trên ký âm pháp (phonetic notation) nghĩa là dùng những ký hiệu (ở đây là những ký tự hay chữ cái) theo những quy ước nhất định, để ghi chép lại các âm vị, âm tiết của tiếng Việt. Điều này cũng tương tự như trong âm nhạc, người ta dùng các nốt nhạc được quy ước trước để ghi chép lại âm điệu của một bản nhạc, hoặc tương tự như cách mã hóa các dữ liệu trong điện toán (tin học).

Chữ mới dùng đủ 26 chữ cái trên bàn phím của máy tính với 2 quy ước sau:
1. Mỗi chữ cái có thể đóng một số vai trò khác nhau tùy thuộc vào vị trí mà nó được đặt trong âm tiết và tùy thuộc vào mối quan hệ của nó với các chữ cái khác.
2. Hai chữ cái kết hợp chặt chẽ với nhau không thể tách rời (gọi là cặp chữ hợp nhất) để biểu thị cho một âm vị nhất định nào đó.

Xin nêu một số dẫn chứng minh họa:
-Từ "siss (siết)" có 3 phụ âm "s" đóng 3 vai trò khác nhau: Tính từ trái sang phải, chữ "s" thứ nhất đóng vai trò phụ âm đầu biểu thị cho âm "sờ", chữ "s" thứ hai đóng vai trò phụ âm cuối kết hợp chặt chẽ với nguyên âm "i" tạo thành vần "iêt". Còn chữ "s" sau chót đóng vai trò chữ thanh biểu thị cho thanh "sắc".
-Từ "babb (bập)" cũng tương tự như trên với 3 phụ âm "b"
-Nguyên âm "a" có thể biểu thị cho a, ă, â tùy theo nó kết hợp với phụ âm cuối thuộc nhóm nào. Thí dụ như: ac: ac, ak: ăc, aq: âc.
-Nguyên âm "e" có thẻ biểu thị cho ê, e, u tùy theo nó kết hợp phụ âm cuối thuộc nhóm nào. Thí dụ như: et: êt, es: et, ed: ut.
-Các cặp phụ âm hợp nhất th, nh, ng, tr lần lượt biểu thị cho các âm nhất định thờ, nhờ, ngờ, trờ.
-Các cặp nguyên âm hợp nhất, thí dụ như: aa, ae, ee, eo. . . lần lượt biểu thị cho các vần nhất định âu, ây, e, eo. . .
-Các cặp hợp nhất của 1 nguyên âm với 1 phụ âm, thí dụ như ac, eq, it, wt. . . lần lượt biểu thị cho các vần nhất định ac, uc, it, oat. . .

Một số độc giả còn băn khoăn: Liệu chữ mới được xây dựng theo những quy ước trên có quá khó không? Để trả lời tôi xin mượn lời của một độc giả phát biểu trên diễn đàn: -Mình thấy kiểu chữ mới trong "Đề án chữ Việt không dấu" không khó. Chữ Anh, chữ Trung Quốc khó hơn nhiều, học chữ nào biết chữ ấy. Vậy mà trẻ em các nước đó vẫn học được. Chữ Anh còn được cả thế giới học.
Vì chữ mới được xây dựng theo một hệ thống chặt chẽ nên cũng không quá khó. Vả lại, những ai đã biết chữ Quốc ngữ rồi thì chuyển sang sử dụng chữ mới rất dễ dàng, nhanh chóng.

Một số độc giả cũng đề nghị tác giả cho biết xuất xứ của các ý tưởng nêu ra trong đề án. Ý tưởng nào kế thừa của những người đi trước?Ý tưởng nào là sáng tạo riêng của tác giả?

Như tôi đã nói ở trên, chữ Quốc ngữ còn nhiều chỗ bất hợp lý. Vì vậy trải qua hơn 3 thế kỷ, đã có nhiều trào lưu cải cách chữ Quốc ngữ. Người đầu tiên nêu những đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ là học giả người Pháp Aymonier (Ay-mô-ni-ê). Trong một công trình nghiên cứu "Những lối chữ phiên âm của chúng ta" (Nos transcriptions-1886) ông đã đề xuất khá nhiều sửa đổi những chỗ bất hợp lý của chữ Quốc ngữ (Vì bài có hạn, tôi xin không nêu ra tất cả). Trong đề án của tôi có dùng một số sửa đổi có giá trị của ông như: Chỉ dùng một chữ k để biểu thị âm "cờ" thay cho k, c, q, dùng c thay cho ch, d thay cho đ, z thay cho d, j thay cho gi, bỏ h trong gh, ngh ở mọi trường hợp. . .
Vậy về phần này tác giả chỉ có sáng tạo riêng làùng q thay cho kh, và đề xuất một số nguyên âm e (ê), w (oa), u (uê), i (i, y), y (uy).

Sáng tạo chính của riêng tác giả là phần xây dựng các vần ngắn gọn (Chỉ với 2 chữ cái) mà vẫn loại bỏ được dấu phụ, bằng cách dùng các phụ âm cuối khác với 8 phụ âm cuối c, t, p, m, n, ng, ch, nh của chữ Quốc ngữ. Phần này tôi đã sắp xếp một cách khoa học, nhất quán để người sử dụng dễ nhớ, dễ áp dụng.

Một số độc giả thắc mắc rằng trong hệ thống vần của đề án có ghi một số vần mà tiếng Việt hiện nay không dùng đến, thí dụ như: wa (uâu), yy (uyêu), oq (ơc), oj (ơng). . .
Tôi nghĩ rằng ngôn ngữ luôn luôn phát triển. Trong tiến trình đổi mới, hội nhập của nước ta, tiếng Việt ngày càng có nhiều từ mượn dịch âm từ tiếng nước ngoài phải dùng đến những vần đó. Vậy nên tôi vẫn ghi những vần đó vào hệ thống vần tiếng Việt, coi như "của để dành".

Một số độc giả khác tỏ ra chưa thoải mái với cách dùng chữ để biểu thị thanh điệu và đề xuất nên bỏ phần này trong đề án.

Chúng ta đều thấy âm, vần và thanh là 3 âm vị có tầm quan trọng như nhau cấu thành âm tiết tiếng Việt, nên chúng phải được đối xử bình đẳng. Vậy vì sao không thể dùng chữ để biểu thị thanh như đã làm với âm và vần?
Ngay từ năm 1919, Phó Đức Thành đã đề xuất dùng một số phụ âm viết ghép đằng sau âm tiết để thay cho dấu giọng (dấu thanh). Tiếp đó rộ lên một phong trào dùng chữ thay cho dấu thanh và lắng đi vào những năm 1930. Tuy vậy, cách này vẫn được dùng trong bưu điện để đánh điện tín, và đến ngày nay lại được dùng trong các bộ gõ tiếng Việt của ngành điện toán (Tin học).

Một số độc giả có ý kiến về từ kép viết liền, cho rằng khó thực hiện, vì viêc xác định từ kép của tiếng Việt chưa rõ ràng và đôi khi viết liền sẽ gây hiểu nhầm.

Ngay từ năm 1912, Roux (Ru) nhà ngôn ngữ học người Pháp đã dự đoán những từ kép của chữ Quốc ngữ sẽ được viết liền. Đến 1919, Nguyễn Hào Vĩnh là người đầu tiên thực hiện viết liền từ kép trong một số bài viết đăng trên tạp chí Nam Phong. Sau đó một số nhà văn, nhà khoa học cũng thực hiện trong các tác phẩm của mình.

Theo tôi tiếng Việt ngày càng có khuynh hướng đa âm tiết (polysyllabics) mà chủ yếu là song âm tiết (dissyllabics). Khoa học càng phát triển, giao lưu càng rộng rãi, tiếng VIệt càng có nhiều từ mượn của tiếng nước ngoài là đa âm tiết. Vì vậy việc viết liền các từ kép là rất cần thiết góp phần hiện đại hóa chữ Việt và mang lại lợi ích nhiều mặt.

Chúng ta không nên cầu toàn. Trước mắt, ta có thể quy định một số từ kép thấy rõ nhất bắt buộc viết liền. Còn những từ kép chưa rõ lắm là phần của các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu và quyết định dần dần. Một số nhỏ từ kép viết liền gây hiểu nhầm ta có thể viết rời hay dùng gạch nối.
Ý kiến cuối cùng của một số độc giả hỏi tại sao tác giả không viết đề án theo cách hướng dẫn thực hành, có nhiều thí dụ minh họa, để độc giả có thể áp dụng dễ dàng. Xin thưa khi viết đề án tôi dự định chia 2 phần: Phần 1 trình bày tổng quát nội dung cơ bản của đề án để đăng ký bản quyền, phần 2 hướng dẫn sử dụng. Nếu độc giả yêu cầu tôi xin đăng tải tiếp phần 2.

Đầu Xuân quá vui, tôi đã viết tản mạn dông dài làm mất thời giờ của quý vị và các bạn.
Xin được thông cảm và một lần nữa kính chúc quý vị và các bạn an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.

Nguyễn Ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét