Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Về Nguồn - Vài nhận-xét về danh-từ Việt-ngữ

(Đây là phần 5 trong sách Về Nguồn)

Tác-giả: Đoàn-Xuân


A. Giống của danh-tự 


Trong Việt-ngữ chỉ có một số ít danh-tự chỉ giống, và đặc-biệt nhất là chỉ dùng cho người và động-vật mà thôi, không dùng cho thực-vật (ngoại-trừ vài trường-hợp đặc-biệt để chỉ vài loại cây ăn-qả hơi khác nhau như cây đu-đủ đực (có bông mà không có trái ăn-được) và cây đu-đủ cái), và nhất là không áp-dụng cho đồ-vật. Ví-dụ như ta gọi cái bàn, cái ghế,... chữ ‘cái’ là mạo-tự chỉ đơn-vị, chứ không phải để chỉ giống-loại; khác “cái" và “con" là mạo-từ chỉ giống-loại.



1. Giống đực:


Ông, cha, ba (cha), chú, anh, cậu, dượng, chồng, kỳ (con cái là lân), phượng (hay phụng; con mái là loan hay hoàng), lộc (con hưu đực; con hưu cái là ưu), chàng, nam, trai, rể, thằng, sui (thuộc bên trai), nô (như nô-bộc, nô-tài), quân (chồng), phụ (cha; bộ phụ), bố, tiá, da (cha), gia (cha), thúc (chú), huynh (anh), đệ (em trai), tế (rể), nội (về phiá nam, như ông nội, bà nội, cháu nội, họ nội, bên nội), tử (đàn ông có đức-hạnh), bá (con trai trưởng dòng đích), mạnh (con trai trưởng dòng thứ), và những chữ ghép như xuân-đường (cha), nghiêm-đường (cha), nghiêm-phụ (cha), nghiêm-thân (cha), nghiêm-quân (cha), gia-phu (chồng), gia-đệ (em trai), gia-nghiêm (cha), gia-phụ (cha), gia-quân (cha), gia-thúc (chú), gia-huynh (anh), tiểu-lang (tiếng chi dâu gọi em trai của chồng), tiểu-đệ (tiếng khiêm xưng với người lớn tuổi),...


2. Giống cái:


Bà, thím, mẹ, cô, dì, mợ, vợ, thiếp, nàng, đẻ (mẹ), phi (cung phi), tần (cung tần), di (dì), muội (em gái), tỷ (chị), tức (dâu), để (em gái, em dâu), tẩu (chị dâu), cấm (mợ), kĩ (nữ phường chèo), nương (con gái), mẫu (mẹ), ẩu (mẹ), mụ (mẹ), tự (em dâu), bu, má, nữ, gái, chị, cái, dâu, con, tỳ (như nô-tỳ), thê (vợ), ảo (bà lão), đích (vợ cả), thẩm (thím, em dâu), phụ (bộ nữ), loan (con trống là phụng), hoàng (con trống là phụng), lân (con đực là kỳ), ưu (con hưu cái; con hưu đực là lộc), ngoại (về phiá nữ, như ông ngoại, bà ngoại, cháu ngoại, họ ngoại, bên ngoại), gia (thuộc bên gái), và những chữ ghép như gia-tẩu (chị dâu), từ-mẫu (mẹ hiền), huyên-đường (nhà huyên, mẹ), gia-mẫu (mẹ), tiểu-kiều (cô gái đẹp còn nhỏ tuổi), tiểu-thư (con gái nhà qan sang-trọng hoặc nhà phú-hào), tiểu-cô (em gái chồng),...


3.Trung tính:


Bác (trai, gái), cụ (ông, bà), ngài (ông, bà), nhi (đứa bé, nam nhi: bé trai; nữ nhi: bé gái), bạn (trai, gái), vị (quý vị = ông, bà), bá (bác), em (trai, gái), ngải (người già từ 50 đến 59, ông, bà), kỳ (người già từ 60 đến 69, ông, bà; lễ hạ-thọ), lão (người già từ 70 đến 79, ông, bà; lễ trung-thọ), điệt (người già từ 80 đến 89, ông, bà; lễ thượng-thọ), mạo (người già từ 90 (có sách cho từ 80) tuổi trở lên, ông, bà; lễ đại-thọ), tổ (có khi gọi là tằng; ông tằng, bà tằng; hay ông tổ, bà tổ; có sách cho là tằng-tổ; đời thứ nhất), tôn (có khi gọi là tông; ông, bà; đời thứ hai), kỵ (có khi gọi là sơ; ông, bà; đời thứ ba), cụ (có khi gọi là cố; ông, bà; đời thứ tư), nội (ông, bà, đời thứ năm). Trường-hợp bên ngoại cũng kể như trên, nhưng thêm chữ ngoại, như ngoại tổ, ngoại tôn,...Điệt (bộ nhân, bộ nữ): cháu (trai, gái [với chú, bác]).

Riêng về hai chữ ‘nội’ và ‘ngoại’, các cụ giải-thích: Ở trong là nội, ở ngoài vào là ngoại. Vậy nói bên-nội hay bên-ngoại, không có nghĩa rõ-ràng là bên đàng-trai hay bên đàng-gái, mà là dùng để chỉ ‘chế-độ mẫu-hệ hay phụ-hệ’. Ví-dụ như chế-độ mẫu-hệ, vợ cưới chồng, thì chồng là bên-ngoại (thường xảy ra ở các sắc-tộc thiểu-số của Việt-nam); theo chế-độ phụ-hệ thì bên người-mẹ là bên-ngoại.

Danh-từ chỉ động-vật như: Trâu, bò, gà, chó,... phải có tĩnh-từ để chỉ giống đứng sau, như bò cái, trâu đực,... Loại lông vũ thì gọi giống đực là trống (có khi còn gọi là cồ, như gà trống hay gà cồ, vịt trống hay vịt cồ), và giống cái là mái.

Trong hai chữ đứng gần nhau, nếu chữ đầu không là mạo-tự của chữ sau, thì chữ sau bổ-túc cho chữ đứng trước nó. Ví-dụ, cái bàn, ‘cái’ là mạo-tự dùng để chỉ về bàn. Đây là con cái, chữ ‘con’ chỉ động-vật, chữ ‘cái’ ở đây chỉ về giống. Đây là con bò, chữ ‘con’ ở đây là mạo-tự, dùng để chỉ động-vật, chữ ‘bò’ ở đây chỉ về loại động-vật. Cái (chỉ giống) An lại đây = Con (chỉ giống) An lại đây. Nên nhớ chữ ‘con’ hay ‘cái’ phải dùng trước danh-tự riêng của người, mới chỉ về giống cái. Nếu đứng trước động-vật khác, hay người, hay dụng-cụ thì nó chỉ là mạo-tự.

Chữ ‘cái, đực, trống, mái’ thường được xem như tĩnh-tự để chỉ giống cho động-vật không phải người như các loại thú, chim, cá, và thường dùng sau danh-tự, bởi-vì danh-tự chỉ động-vật trong Việt-ngữ đều là trung-tính, ngoại trừ những chữ nêu trên: kỳ (đực), lân (cái), phụng (trống), hoàng (mái), phượng (trống), loan (mái). Ví-dụ: ‘Đây là hai con nghé (bò, trâu còn nhỏ), con nầy đực, con kia cái’, ‘Trong hai con chim (hay con cá) nầy, có một trống, một mái’, ‘Trong hai đứa bé, có một nam, và một nữ’. ‘Rể’, ‘dâu’, phải định-nghĩa rõ-ràng là người con trai hay con gái không phải huyết-tộc. (Phong-tục Việt-nam không cho phép bà-con bên nội (như đời Trần Thủ Độ) hay bà-con bên ngoại lấy nhau; gia-phả kể từ năm đời trở xuống). Khi nói ‘con rể’, thì chữ ‘con’ là mạo-tự, dùng để chỉ người (động-vật), chữ ‘rể’ có nghiã là ‘trai, không thuộc huyết-tộc’. ‘Anh’ (nam), ‘chị’ (nữ), là người con cùng cha-mẹ nhưng lớn tuổi hơn. ‘Em’ (trai hay gái), là người con cùng cha-mẹ nhưng nhỏ tuổi hơn. Do đó, khi gọi ‘anh trai’, ‘chị gái’, là gọi sai, bởi-vì ‘anh’ đã là trai rồi, và ‘chị’ đã là gái rồi, tức là nói ‘trai trai, gái gái’ vậy. Khác với chữ ‘anh, chị’, chữ ‘rể, dâu’ chỉ giống chứ không chỉ già hay trẻ (tuổi). Chữ ‘anh rể, em rể, chị dâu, em dâu’ dùng để chỉ người rể hay người dâu lớn tuổi hay nhỏ tuổi, chữ ‘anh, chị, em’ không dùng để phân-biệt giống. ‘Anh trai, chị gái’ cũng giống như trường-hợp ta gọi ‘bà qả phụ’ (qả: bộ miên; phụ: bộ nữ), vì ‘bà’ đã là ‘phụ’ rồi, tức gọi ‘bà bà (cà-lăm) góa’ vậy.

Trong Việt-ngữ, chữ ‘ông, bà’ chỉ có hai cách dùng, một là chỉ người không quen biết nhiều và không hạn-định tuổi-tác, hai là chỉ những người thân đáng vai-vế với ông bà của mình, nghiã là bậc sinh ra cha-mẹ mình. Đối với loại thứ nhất thì người đối-thoại thường xưng ‘tôi’, nhưng đối với loại thứ nhì thì thường xưng là ‘cháu’.

Đừng lầm-lẫn là ‘ông, bà’ sinh ra ‘con’, ‘ông, bà chỉ có cháu mà thôi’. ‘Ông,bà’ sinh ‘con’, thường chỉ dùng cho người thứ ba nói. Ví-dụ, ông A nói: ‘Ông B và Bà C sinh con là D’. Đây là sự sai-lạc của những người thay-vì viết ‘song-thân, song-đường, xuân-huyên, nghiêm-từ, phụ-mẫu, cha-mẹ,...lại viết ‘ông, bà’ sinh con.

Phong-tục cũng như trong ngôn-ngữ Việt-nam, khi đã gọi người thân là ‘ông, bà’ thì không được xưng ‘con’, bởi-vì xưng ‘con’ là hỗn-láo đối với cha-mẹ của chính mình, vì mình đã tự đặt mình ngang-hàng với cha-mẹ mình để xem ‘ông, bà’ như bậc sinh-thành của mình chứ không phải là bậc sinh-thành ra cha-mẹ mình vậy. Cha-mẹ không nên xưng ‘ông, bà’ đối với ‘con-cái’, vì như vậy là chính mình đã hỗn-láo với cha-mẹ của mình rồi. Đây là đặc-thù trong cách dùng tiếng Việt. Nhiều khi con của ‘ông, bà’ còn nhỏ tuổi hơn người xưng ‘cháu’ nữa.


B. Cách viết nhân-danh: Danh-tự riêng.


- Nhân-danh chỉ có họ và tên: Viết hoa cả hai chữ và có dấu ngang-nối. Ví-dụ như Trần-Thương, Lê-Hoa. Nếu không viết hoa thì chúng là từ-ngữ (hai chữ đứng gần nhau); nếu không viết hoa và có dấu ngang-nối thì chúng là chữ ghép; trường-hợp nầy chúng trở thành danh-tự chung. Người Việt còn có một lối gọi khác hay dùng thường ngày như Bác Tám, Chú Ba, Dượng Bảy, Cô Năm,... thường phải viết hoa cả hai chữ mà không có dấu ngang-nối. Thêm vào đó, có nhiều khi có hai (hay nhiều hơn) người mang cùng một thứ (cả, hai, ba, bốn,... nên thường phải kê thứ + tên như Bác Hai-Miên, Ông Năm-Nhiêu,... Những chữ Dượng, Cô, Bác, Chú, Ông,... cũng giống như cấp-bậc, thường gọi là thứ-bậc, nên nhiều khi viết hoa.

- Nhân-danh có họ và họ lót, tên: Viết hoa họ chính, ngang-nối với họ lót không viết hoa, rồi tên viết hoa: Nguyễn-phước Chu. Ỏ đây ta có hai ý-kiến khác nhau: một ý-kiến cho rằng hai họ ghép nhau, như vậy phải có giá-trị như nhau, nên phải viết hoa cả hai (Nguyễn-Phúc; dễ lầm với người chỉ có họ và tên); một ý-kiến khác thì cho rằng họ chính là họ Nguyễn, rồi tùy theo dòng mà thêm vào chữ lót cho họ chính, tức là một chi riêng ra vậy, cũng giống như một họ nào đó di-chuyển đến một địa-phương nào rồi mới thêm chữ lót sau để tạo thành dòng chính của nơi mới đến, nên chữ họ phụ không viết hoa (Nguyễn-phúc). Có những trường-hợp hai vợ chồng lấy họ của cha ghép vào họ của mẹ, rồi đặt tên con, ví-dụ như Đoàn-nguyên Long, Lê-hoàng Hoa, v.v.

Ỏ Việt-nam, thường có dùng ba chữ cho tên người về phái nữ, như: Nguyễn-thị Sương, Cao-thị Tú,... Chữ ‘thị’ có nghĩa là ‘cô, bà, cụ,... về bên nữ’, chứ không phải là họ-lót: ta gọi cô (hay bà, cụ,...) họ Nguyễn, bà họ Cao... , chứ không ai gọi bà Nguyễn-thị, bà Cao-thị,... cũng không gọi bà Nguyễn, bà Cao, ... ; khi gọi tên, thì ta gọi bà Sương, bà Tú ... , chứ không ai gọi bà Thị-Sương, bà Thị-Tú... Và khi viết, chữ ‘thị’ không viết hoa và có dấu ngang-nối dính liền với họ, như trên. Xin đừng lầm với chữ ‘thị’ (bộ thị) trong Hán-Việt, thường dùng để chỉ họ, như Đậu thị, Trần thị, ... là họ Đậu, họ Trần; viết không có ngang-nối. Đậu-Thị, Trần-Thị,...là họ Đậu, họ Trần,...tên Thị.

Người Si-la (Khả-pé, Cú-dề-xừ): Nam đệm Chà, nữ đệm Có.

- Nhân-danh có họ, tên lót và tên: Viết hoa họ, viết hoa tên lót, có ngang-nối, viết hoa tên: Lê Văn-A . Ỏ đây ta cũng có hai ý-kiến giống như trên, có người cho là tên lót không nên viết hoa, có người cho tên lót cũng phải viết hoa, bởi-vì khi gọi tên thì phải gọi hai chữ ghép nhau nên chúng có giá-trị như nhau. Nhận-xét sau có vẻ có lý hơn, vì trong hai chữ ghép nhau, phải có dấu ngang-nối, mà chỉ viết hoa chữ sau thì thật khó coi qá. Còn nếu không viết hoa cả hai chữ thì bậy qá, vì nó là danh-tự riêng chứ không phải danh-tự chung.

Cả hai trường-hợp nêu trên (họ, họ lót và tên; họ, tên lót và tên), nếu viết không có ngang-nối, hay có ngang-nối cả ba chữ thì không biết chữ ở giữa là họ lót hay tên lót. Điều nầy chứng-tỏ dùng dấu ngang-nối một cách bừa-bãi cũng giống như không biết giá-trị của dấu ngang-nối. Lý-luận của những người thường dùng ngang-nối cho cả ba chữ là vì họ không biết chữ giữa là họ lót hay tên lót. Tục-ngữ Việt-nam có câu: ‘giòi trong xương giòi ra’, nhiều khi chính người mang tên có ba chữ cũng không viết đúng (như tên tác-giả viết ở đầu sách), thì làm sao trách người khác viết sai?

* Có người cho rằng: ‘Chữ Việt rất dễ, nói sao cũng hiểu được, kể cả nói sai’ (Xin giấu tên. Dùng cho người dốt-chữ).

* Có người lại cho rằng: ‘Theo tôi nghĩ về gạch nối nếu ai đã đi học từ lớp hai trường làng đều biết điều đó’ (Xin giấu tên. Chỉ dùng cho hạng dốt-chữ và thích nói-dóc).

Những ý-kiến vừa nêu chỉ là những ý-nghĩ ngớ-ngẩn, làm thế nào để thuyết-phục được những người hiểu biết chân-chính? Một hệ-thống ngữ-văn (chữ viết) đã từng đồng-hóa Hán-văn qa chữ Nôm rồi đến chữ La-tinh, làm thế nào để một em bé hiểu nổi? Một em bé chỉ có thể làm theo thói-qen do những người đi trước chỉ đúng lại mà thôi. Đó là những cái biết của ‘thiên-tai’ (tai-nạn do trời gây nên) hay thiên-tài?, thần-đồng ( = giỏi) hay thần đồng ( = dở)?, của ngoài sách vở.

Không một ai dám tin rằng một em bé lớp hai trường làng lại có khả-năng giải-thích chữ-nghiã rành-rọt hơn một ông giáo-sư đại-học chuyên-khoa ngữ-học, ngoại-trừ đó là hiện-tượng Hạng-Thác (Hạng-Thác, lúc 7 tuổi đã hỏi Khổng-Tử ba câu mà Khổng-Tử không trả lời được) hay Cam-La (Cam-La, cháu Cam-Mậu, đời nhà Tần, lúc 12 tuổi giải-quyết vài vấn-đề khúc-mắc nhất mà Thừa-tướng Lã Bất-Vi không-thể làm được). Đây là lối lý-luận của những người thích ‘vơ đũa cả nắm’, hay của lũ ‘côn-đồ ngôn-ngữ’, ‘điếc không sợ súng’, ‘ếch ngồi đáy giếng’.

* Không một ai dám tin rằng một em bé học lớp hai trường làng, kể cả thầy cô dạy các em, có đủ khả-năng để phân-biệt yếu-tố cấu-tạo sự khác nhau giữa hai chữ ‘học giả’ (người không có thực học) và ‘học-giả’ (người có thực học) cả (bởi-vì không thuộc khả-năng hay nhiệm-vụ của họ). Từ xưa (kể từ năm 1651, là năm có quyển ‘Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum’ nghiã là ‘Tự-điển An-nam, Bồ-đào-nha và La-tinh’ đầu tiên) đến nay, chưa có một quyển sách văn-phạm tiếng Việt nào bàn thấu-đáo về dấu ngang-nối cả, chỉ chấm-phá một đôi câu chứ không bao-giờ bàn kỹ tại sao, như thế nào, làm gỳ, giải-quyết được cái gỳ,... thậm-chí có người còn khuyên nên bỏ đi, dường như nhận thấy dấu ngang-nối là thừa! (như ‘không kể cái dấu nối thêm một khổ dịch cho người ấn công’ [Việt nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ, quyển 3, trang 63]. (Chỉ đúng cho những người dốt-chữ); hay ‘Thực-tế, việc dùng gạch nối thường chỉ tùy-ý người viết’ [Văn phạm Việt nam, Bùi Đức Tịnh, trang 233]) (Chỉ đúng cho người dốt-chữ, hoặc biết chơi-chữ). Thực-tế: Không phân-biệt Hán-Tạng hay Nam-Á.

* Chắc chắn không có một độc-giả nào có-thể tin khi người viết nói ‘khi viết quá bận rộn không có thời gian để ngang nối’ (Xin giấu tên. Chỉ đúng cho những người dốt-chữ). Thử hỏi khi viết dấu ngang-nối, nó chiếm bao-nhiêu phần thời-gian so với khi viết một mẫu-tự (alphabet) chứ đừng nói cả chữ (word)? Dấu ngang-nối chỉ viết lâu bằng một dấu chấm, nhưng thời-gian quyết-định có dùng dấu ngang-nối hay không thì dài vô-kể, bởi-vì có những người viết văn cả đời vẫn chưa biết dùng dấu ngang-nối ở chỗ nào cả! Cũng có-thể người viết hiểu mang-máng về giá-trị của dấu ngang-nối đi từ hợp-nghiã sang biến-nghiã nên không dám quyết-định như thế nào, đành để cho độc-giả tự tìm-hiểu lấy mà thôi. ‘Làm văn-hóa mà lầm, hại cả muôn đời’ là vậy! Đúng là ‘lấy thúng úp voi’. Chưa một ai giải-thích thật rõ-ràng, chi-tiết về đơn-âm + đơn-âm = đa-âm, hay từ Hán-tự (phức-tạp: tượng-hình + tượng-thanh) đổi ra La-tinh (đơn-giản: tượng-thanh), và dấu ngang-nối làm nhiệm-vụ ngược lại (đơn-giản biến thành phức-tạp; liên-bình-âm = dấu ngang-nối).

Đơn-giản-hóa vấn-đề là một điều tốt, nhưng đơn-giản-hóa phải để hiểu thật rõ vấn-đề lại là một điều tốt hơn. Và nếu những câu nói trên là đúng, thì những người viết sách, làm văn, làm thơ, nghiên-cứu, bình-luận, làm tự-điển tiếng Việt,... đều không học được đến lớp hai trường làng hay sao mà họ qên đi dấu ngang-nối qá nhiều trong tác-phẩm của mình, kể cả cái tên của họ cũng không dùng đến nó (dấu ngang-nối).

Có người cho trong ba chữ chỉ nhân-danh thì chữ đứng đầu là họ, chữ thứ nhì là chữ lót, chữ cuối là tên. Đúng, nhưng chuyện bàn ở đây là chữ thứ nhì: họ lót hay tên lót? Họ và họ lót đã có từ đời nhà Châu bên Tàu, có-thể có từ trước nữa nhưng vì không có sách-vở lưu-truyền, chứ không phải là chuyện mới-mẻ gì, và người Việt đã bắt-chước để phân-chi (chia dòng trong họ chính) cũng chỉ là chuyện thường-tình mà thôi.

Luật ‘liên-bình-âm’ (hai chữ đứng gần nhau mà đọc liền nhau và cùng cao-độ như nhau thì có dấu ngang-nối ở giữa. Có-thể dùng chữ ‘intonation’ = âm-điệu. Bởi-vì nó là một phần trong đó) giải-quyết điều đó. Trong ba chữ, nếu hai chữ đầu đọc liền và có cao-độ như nhau, thì nó là họ ghép (chữ ở giữa là họ lót); nếu hai chữ sau đọc liền nhau và có cao-độ như nhau, thì nó là tên ghép (chữ ở giữa là tên lót). Xin đừng lầm với tiếng-đệm.

Trong Việt-ngữ, viết sai nguyên-âm, trật phụ-âm, không đúng dấu-giọng, thì ai cũng hiểu rõ là ý-nghiã bị lệch-lạc; nhưng rất ít người nhận thấy sự thay-đổi ý-nghiã, nhiều khi đối-nghịch nhau chỉ vì cái dấu ngang-nối giữa hai chữ (ví-dụ: sửa-sai (cách phát-âm: o-o) = sửa đúng (sửa cái sai thành ra đúng); sửa sai (cách phát-âm: / / ) = sửa trật (sửa từ cái đúng ra sai). Đó là hệ-thống then-chuyền trong ngôn-ngữ: nói sai tạo hiểu sai, hiểu sai tạo viết sai, viết sai tạo đọc sai (đọc sai = nói sai). Họ lót, tên lót còn có khi gọi là họ phụ, tên phụ. Chỉ có chữ viết hoa và dấu ngang-nối mới giải-quyết được vấn-đề nhầm-lẫn mà thôi!

- Nhân-danh mang họ và họ lót, tên lót và tên, cũng viết giống như hai trường-hợp vừa nêu trên: Nguyễn-hoàng Lai-Ấn, hoặc Nguyễn-Hoàng Lai-Ấn.

- Những chữ mang thứ-bậc trong dòng họ, thường chỉ có viết hoa chữ đầu, có ngang-nối ở những chữ kế sau:

Công-chúa (con gái của vua, đời thứ 1).
Công-nữ, công-nương (cháu ngoại vua, đời thứ 2).
Công-tôn-nữ (chắt ngoại vua, đời thứ 3).
Công-tằng-tôn-nữ (chiu ngoại của vua, đời thứ 4): tằng? tôn?
Công-huyền-tôn-nữ (chít ngoại của vua, đời thứ 5).
Lai-huyền-tôn-nữ (chút ngoại vua, đời thứ 6): huyền? tôn?
Thái-tử (con trai vua, sẽ làm vua khi cha chết, đời thứ 1).
Hoàng-tử (con vua, đời thứ 1).
Công-tử (cháu nội vua, đời thứ 2). Chữ nầy lại thường dùng để gọi tôn-xưng con trai của các bậc quyền-quý hay giàu-có).
Công-tôn-tử (chắt nội vua, đời thứ 3).
Công-tằng-tôn-tử (chiu nội vua, đời thứ 4): tằng? tôn?
Công-huyền-tôn-tử (chít nội vua, đời thứ 5): huyền? tôn?
Lai-huyền-tôn-tử (chút nội vua, đời thứ 6) (có sách cho đời thứ 5 là chút, đời thứ 6 là chít). Không thấy sách nào dùng đến.
Hựu-huyền-tôn-tử (hay Hựu-lai-huyền-tôn-tử) đời thứ 7.

Tiếp theo thứ-bậc là họ và tên như trên. Ở Việt-nam chỉ có dòng-họ Nguyễn-phúc, bên nữ, còn dùng thứ-bậc mà thôi. Sau ‘Lai-huyền tôn-nữ’ thì hết dùng, vì qá xa với dòng vua, và không bao giờ có mang họ ‘Nguyễn-phúc’ (cháu ngoại mang họ nội là loạn luân, trừ công-chúa (con, đời thứ nhất)). Không biết từ ngày Nguyễn-phúc Ánh lên ngôi là Gia-long (năm 1802) đến nay đã trải qa bao nhiêu đời rồi, nhưng có những người còn mang ‘Công-huyền-tôn-nữ’, và huyền? Hay tôn?

Riêng về bên nam thì có một bài thi, gọi là ‘Đế-hệ-thi’, dành cho dòng trưởng, tức là dòng sẽ làm vua; và có mười bài, gọi là ‘phiên-hệ-thi’, dành cho những dòng thứ (bà-con) với vua. Bài ‘đế-hệ-thi’ và 10 ‘phiên-hệ-thi’ do vua Minh-mạng sáng-tác. Đó là những chữ lót cho tên. Ví-dụ:

Vua Thiệu-trị (niên-hiệu) là Nguyễn-phúc Miên-Tông.
Vua Tự-đức (niên-hiệu) là Nguyễn-phúc Hường-Nhậm.
Vua Đồng-khánh (niên-hiệu) là Nguyễn-phúc Ưng-Đường.
Vua Khải-định (niên-hiệu) là Nguyễn-phúc Bửu-Đảo.
Vua Bảo-đại (niên-hiệu) là Nguyễn-phúc Vĩnh-Thụy.

Những niên-hiệu Minh-mạng, Thiệu-trị, Tự-đức, v.v. có nhiều khi dùng như tên riêng nên có người viết hoa cả hai chữ, làm như thế cũng dễ lầm với người chỉ có họ và tên. Câu đầu của bài ‘đế-hệ-thi’ là ‘Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh’.

Nhận-xét:

a.- Trong hộ-tịch: Cách viết đúng trong giấy khai-sanh.

Họ (-họ lót, không viết hoa; chỉ viết hoa theo trường-hợp đặc-biệt) và (tên lót-, viết hoa) Tên.

b.- Cách gọi đúng: Chỉ dùng một (1) Đẳng hay Bậc mà thôi.

Con (trai: tử; gái: nữ; Thái-tử, Công-chúa,…là tước-phong).
Cháu (trai: tôn; gái: tôn-nữ).
Chắt (trai: tằng; gái: tằng-nữ). Ghép và viết sai: tằng-tôn.
Chiu (trai: huyền; gái: huyền-nữ). Viết sai: huyền-tôn.
Chít (trai: hựu-huyền hay hựu; gái: hựu-huyền-nữ).
Chút (trai: lai-hựu-huyền hay lai; gái: lai-hựu-huyền-nữ).
Có người cho ‘Lai-huyền’ trước ‘Hựu-huyền’, ở đây gọi theo ‘Huyền chi hựu-huyền’ (Kín-sâu lại càng sâu-kín; Lão-Tử, Đạo-đức-kinh, chương 1) nên để ‘Hựu-huyền’ đứng ở trước ‘Lai-huyền’ (còn đọc Lại-huyền).

c.- Công-thức tìm phụ-hệ (họ cha) và mẫu-hệ (họ mẹ):
1. Tước (hoàng [Thái-tử, con Vua], vương [Thế-tử, con Chúa], công [Công-chúa]). ‘Công’ là phong-tước hàng đầu của ngày xưa: ‘công, hầu, bá, tử, nam’. Tiếm-phạm là dùng ‘công’.
2. Hàm (nội, ngoại). Nhiều khi cháu-ngoại cùng họ.
3. Đẳng hay Bậc (tử, tôn, tằng, huyền, hựu, lai). Được xác-định do ‘hàm’: nội-tằng [con của cháu trai, cùng họ] hay ngoại-tằng [con của cháu gái, khác họ, cũng có khi trùng họ].
4. Tính (nam, nữ): tằng-nam (chắt trai), tằng-nữ (chắt gái).
5. Tộc (Họ + họ lót gọi là phân-chi: Lê-tấn, Ngô-văn,…).
6. Danh (Tên + tên lót gọi là dòng: Đình-Hoà, Vân-Anh,…)

Để dễ nhớ theo thứ-tự: Tước Hàm Đẳng Tính Tộc Danh.

Sau ‘tộc-danh’ nhiều khi ghi thêm ngày, tháng, năm sinh và chết, để biết cách xưng vai-vế trong bà-con nội-ngoại.

Tước và Hàm có khi đảo-lộn thứ-tự. Nội (phụ-hệ) thì cùng họ, thường gọi là ‘bà-con cùng họ’ (thúc-bá đồng đường, hay thúc-bá đồng tộc); ngoại (mẫu-hệ) thì khác họ, thường gọi là ‘bà-con khác họ’ (thúc-bá dị đường, hay thúc-bá dị tộc).

Công-thức trên thường được áp-dụng trong ngành ‘Gia-phả-học’ để truy-tầm ‘bà-con’ [phụ-hệ và mẫu-hệ] trong việc hôn-phối. Có khi kể đến 10 đời, thông-thường dùng đến hết đời thứ 6 là kết-hôn được. Gia-phả thường-dân không có tước-phong (trừ tiếm-phạm): (Bỏ Tước) Hàm Đẳng Tính Tộc Danh.

Ví-dụ: Vương-ngoại tằng-nữ Lê-nguyên Như-Ý; (bỏ tước) Ngoại tằng-nữ Lê-nguyên Như-Ý; Ngoại-tằng Lê-thị Như-Ý.

Ỏ trong sử Việt-nam cũng có lưu-truyền một dòng họ mà không biết xuất-xứ, từ đời vua Gia-long về sau: họ ‘Tôn-thất’.

‘Tôn-thất’, tự-điển Hán-Việt giải-thích là ‘họ nhà vua’. Nhưng tra chữ ‘Tôn’ thì đúng là họ, tôn-kính; tra chữ ‘thất’ (bộ miên) thì đúng là nhà. Vậy ‘tôn-thất’ là nhà quyền-quý, người ở (chủ nhà và đầy-tớ) trong nhà quyền-quý.

Một anh-hùng dân-tộc không biết xuất-thân ở dòng-họ nào: ‘Năm 1912, ông Thuyết tạ thế tại Thiêu-quan, được ông Lý Can-Nguyên, bấy giờ chấp-chính Bắc-kinh, sót thương người tiết-liệt cho xây một ngôi mộ rất to và lập bia đề là ‘Nguyễn-phúc Thuyết Ngự-tiền Thân-vương chi mộ’ (Việt-sử toàn-thư, Phạm- Văn-Sơn, trang 674). Tại sao ông Lý Can-Nguyên không đề Tôn-thất Thuyết mà đề Nguyễn-phúc Thuyết? Tại sao sinh-thời không gọi là Nguyễn-phúc Thuyết, mà đến lúc chết thì gọi (do người ngoại-kuốc) Nguyễn-phúc Thuyết? Điều chắc-chắn là Tôn-thất Thuyết không thuộc ‘đế-hệ-thi’ và ‘phiên-hệ-thi’.

Mà trong Việt-sử, dòng ‘Nguyễn-phúc’ cũng rắc-rối lắm! ‘Lúc nầy người con thứ ba của chúa Sãi tên là Ánh ngầm tổ-chức một cuộc đảo-chính và thông-đồng với chúa Trịnh’ (Việt-sử toàn-thư, Phạm-văn-Sơn, trang 475). Theo Việt-nam sử-lược, Trần Trọng-Kim, quyển 2, trang 42, thì Ánh bị gyết năm 1635. Năm Đinh-dậu (1777), Nguyễn-Lữ đem quân vào Sài-côn đánh gyết Thái-thượng vương. ‘Trốn thoát, bấy giờ có Nguyễn-Ánh vừa được 17 tuổi, là cháu Thái-thượng vương (gọi Võ-vương bằng ông và là con Chương-võ, con thứ hai của Định-vương), sau nầy trở nên đối-thủ lợi hại của nhà Tây-sơn và là Thế-tổ của triều Nguyễn’ (Việt-sự toàn-thư, Phạm-Văn-Sơn, trang 527).

Hai tên Ánh, cách nhau hơn 100 năm, cũng dòng Nguyễn-phúc, cũng ‘cõng rắn cắn gà nhà’ cả!

Thứ-bậc trong dòng họ chỉ kể có năm đời mà thôi! Lập gia-phả là lập từ đời ông tổ trở xuống.

- Nhân-danh có mang phong-tước, phẩm-hàm, cấp-bậc, bút-danh, biệt-hiệu, niên-hiệu: viết hoa chữ đầu, có ngang-nối cho những chữ đứng sau như: Tiết-độ-sứ Giao-châu (Giao-châu = địa-danh), Ôn-như-hầu Nguyễn Gia-Thiều, Lệ-thần Trần Trọng-Kim, Tản-Đà Nguyễn Khắc-Hiếu (chữ Tản-Đà, phải viết hoa cả hai, vì khi chọn biệt-hiệu, tác-giả có dụng-ý chọn danh-tự ghép: núi Tản + sông Đà), Trần Dụ-tôn, Lê Hiển-tôn, ...


C. Cách viết về địa-danh:


chỉ viết hoa chữ đầu, và có ngang-nối cho những chữ sau: Trần-thương, Việt-nam. Nếu viết hoa cả hai chữ thì nó trở thành nhân-danh như ở trên. Danh-từ Hán-Việt, chữ Hán và Việt đều viết hoa cả là vì nó là danh-từ ghép dành cho hai nước, hay hai dân-tộc (như chữ Tản-Đà ở trên).


D. Có nên dịch danh-từ riêng hay không:


có người thì cho rằng nên dịch để cho dễ hiểu, có người thì cho rằng dịch danh-từ riêng sẽ làm khó hiểu hơn.

1. Những người chủ-trương nên dịch danh-từ riêng thì chữ nào trong tự-điển có dịch, thì chọn một nghiã nghe hay, hay có ý-nghiã như họ muốn là dịch liền. Cho nên mỗi người dịch theo một nghiã khác nhau. Rồi khi phản-dịch, nhiều khi không nhớ rõ nguyên-văn, thì họ lại cho một chữ khác với nguyên-văn. Rồi có người lại lấy chữ đã dịch xong, lại dịch thêm một lần nữa, cuối cùng thì không biết đâu mà đoán. Ví-dụ như ‘Concord’, lúc thì dịch ‘Hòa-thuận’ hay ‘Thuận-hòa’, lúc thì dịch ‘Hòa-âm’, ‘Hòa-điệu’; phản-dịch thì cho là ‘Harmony’. Xứ Yemen, ở Trung-đông, dịch thành Di Miện, chữ Di Miện nầy tra ở sách nào để tìm hiểu? Có người theo Tàu, dịch chữ ‘San Francisco’ là ‘Cựu-kim-sơn’. Người khác giải-thích ‘Cựu-kim-sơn’ lại ở bên Tàu, như sau: ‘Cựu-kim-sơn là núi xưa có chứa kim-loại’. Khi Tần-vương Chính (đời nhà Chu, bên Tàu) sai tướng Vương-Tiễn đem quân đi chinh-phục phương nam, đến Tích-sơn, quân-sĩ đào đất làm bếp nấu cơm bỗng thấy được một tấm bia đá, trong có khắc 12 chữ ‘Hữu tích binh thiên-hạ tranh, vô tích binh thiên-hạ ninh’ (có kim-khí thì thiên-hạ đánh nhau, không có kim-khí thì thiên-hạ thái-bình). Vương-Tiễn lấy làm lạ, bèn cho đòi thổ-dân đến hỏi. Thổ-dân thưa: ‘Núi nầy từ khi nhà Châu dời sang đất Lạc, tiết ra rất nhiều kim-quặng, nên gọi là Tích-sơn, bốn mươi năm nay lấy dùng không hết. Gần đây tiết ra ít dầu. Bia ấy cũng chẳng biết ai làm ra’. Vương-Tiễn nói: ‘Bia nầy lộ ra có lẽ từ nay thiên-hạ được yên-ổn’. Vương-Tiễn liền đặt tên nơi ấy là Vô-tích. Vậy ‘Cựu-kim-sơn’ ở đâu? Châu Mỹ hay Châu Á? White Water = Bạch thủy = Nước trắng = Ba-xị-đế = Rượu. White House = Nhà trắng = Bạch ốc = Nhà bần-tiện = Nhà cơ-hàn = Nhà nghèo. Dịch một lần có-thể hy-vọng tìm lại được nguyên-văn, dịch lần thứ hai chưa biết sẽ đi về đâu. Vậy tại sao phải dịch? Đó là nói có sách, mách có chứng, chứ nếu nghe không rõ, dịch không đúng thì tệ-hại đến đâu nữa.

Người xưa nói ‘bách văn bất như nhất kiến’ (một trăm cái nghe không bằng một cái thấy), có người không hiểu và mượn ý, nói trại ra, để trở thành câu nói của riêng mình, ‘Đừng nghe những gì Cộng-sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng-sản làm’ (Lời của Nguyễn Văn Thiệu khi còn làm Tổng-thống của Việt-nam cọng-hòa, trước năm 1975). Nếu không nghe thì biết Cộng-sản làm đúng hay sai? Phải nghe (bách văn) chứ không phải ‘không nghe’ (bất văn). Người xưa thích gọi đó là ‘ngu-dành’ (dành: Giữ lấy) hay ngu-giành (giành: Chiếm lấy), cái ngu-xuẩn sợ người khác lấy hết, nên cố dành riêng cho mình chứ không chịu chia-sớt cho ai cả! Phải tận-dụng ngũ-qan để biết rõ vấn-đề. Chỉ dùng một trong những giác-quan thì làm sao hiểu được chính-xác? Phải nghe (bằng tai), phải nhìn (bằng mắt), phải ngửi (bằng mũi), phải rờ-mó (bằng tay, bằng da), phải nếm (bằng lưỡi), mới có-thể nhận-xét đúng. Mà thật ra có nhiều khi còn bị lầm-lẫn nữa, huống-chi chỉ thấy thì làm sao đủ để nhận-xét cho đúng? Có người cho chữ ‘đừng nghe’ có nghĩa là ‘đừng tin’.

Không biết những người đó định-nghiã chữ ‘nghe’ (bằng thính-giác) và chữ ‘tin’ (bằng trí-tuệ: nghe + hiểu + làm theo) như thế nào? Người lãnh-đạo (có ngang-nối, dẫn đường chỉ lối) mà dốt-nát như thế thì làm sao không ‘thân bại danh liệt’, gây tang-thương cho người khác, tan cửa nát nhà, mất nước? ‘Con sâu làm rầu nồi canh’, huống-hồ gỳ bọn lãnh đạo (không có ngang-nối: chỉ lo chuyện ăn-cướp)! ‘Ranh ngôn’ (Đừng nghe những gì...) xin đừng lầm với ‘danh ngôn’ (Bách văn...)!

Trở lại vấn-đề dịch danh-từ riêng, nếu có thêm một tên gọi khác thì giải-quyết được cái gì? Muốn biết rõ một nhân-danh, hay một địa-danh, thì phải tra-cứu những sách chuyên-môn khác nữa. Cái lầm ở đây là họ không phân-biệt được loại tự-điển thường dùng hằng ngày và loại tự-điển chuyên-môn cho nhân-danh và địa-danh.

2. Những người chủ-trương không nên dịch danh-từ riêng thì đơn-giản hơn. Khi gặp một địa-danh, hay nhân-danh mà người đó không biết rõ, thì tra-cứu ngay trong những loại tự-điển chuyên về địa-danh (atlas, gazetteer) hay danh-nhân (chẳng hạn như trong encyclopedia). Thiết-nghĩ, Phạm-Quỳnh rất có lý khi viết: ‘Trừ tên các đại châu, các bể lớn cùng mấy cái sông núi lớn trên thế-giới đọc theo chữ Nho đã quen lắm rồi, thì cứ đọc theo như vậy, có muốn rõ khi viết nên chua tên ấy bên cạnh. Còn hết thảy tên người, tên đất khác trong sách Tây, nên đọc, viết theo tiếng Tây cả cho có bằng-cứ để dễ tra-khảo. Ngày nay dù người không biết chữ Tây mà chỉ biết quốc-ngữ, đọc vần Tây cũng được, có sai cũng không sai mấy, còn hơn là theo hẳn chữ Tàu vì Tàu đã phải theo tiếng nước khác, mình lại theo Tàu thành ra cách mấy lần còn biết do đâu mà tra-cứu’.

Cái lợi-thế của nhóm nầy là đối với địa-danh thì họ có sẵn sách chuyên-môn để tra-cứu, đối với nhân-danh thì họ vẫn giữ nguyên danh-tánh mà lại xuyên-tạc dễ-dàng. Tiếng Việt có phần do tiếng Hán-Việt mà ra, tiếng Hán-Việt thì trùng-âm mà dị-nghiã rất nhiều, cứ lấy dị-nghiã mà xuyên-tạc thì lại qá dễ. Ví-dụ như chữ ‘hồ’ có những nghiã như sau: giống chồn, cáo, cung làm bằng gỗ, miếng thịt ở dưới cằm loài thú, trái bầu, cái ao, tỏi tây, chòm râu,...; chữ ‘chí’ có những nghiã sau: đến, rất, to lớn, ý muốn, găm, cắm, thịt xét ra từng miếng lớn, nốt ruồi, cửa sổ, ghi lấy, ngăn trở, mạnh, giận, vấp té, dữ-tợn,...; chữ ‘minh’ có những nghiã như: chiếu sáng, ban ngày, mờ-tối, tối-tăm, mưa nhỏ, biển, thề-ước, tiếng chim kêu, ghi, khắc, ban đêm, nhắm mắt, ngủ,... Chừng ấy nghiã cũng đủ xuyên-tạc rồi chứ không cần kể thêm cho thật đầy-đủ. Cứ để nguyên tên, chỉ biến nghiã của chữ, thì nói đến bao-giờ mới hết được. Mà thật vậy, cái tên dầu đọc lên nghe tốt-đẹp (hay xấu-xí) đến đâu đi nữa, cứ cắt từng chữ rồi giải nghĩa, thì tốt cũng thành xấu (lời chê) mà xấu cũng thành tốt (lời khen) được.

Người-viết đã có dịp trình-bày cùng độc-giả về vấn-đề ‘Dấu ngang-nối trong tiếng Việt’, cũng như ‘Chữ ghép trong Việt-ngữ’, đó chỉ là những vấn-đề ‘nên là’ (should be), nay cũng nên thêm một chút cho rõ hơn về ‘phải là’(have to do with, must be). Đó là cách cấu-tạo tiếng Việt và chữ Việt (theo mẫu-tự La-tinh). ‘Bỉ xuất ư thị, thị diệc nhơn bỉ. Bỉ thị, phương sinh chi thuyết dã. Tuy nhiên, phương sinh phương tử, phương tử phương sinh. Phương khả phương bất khả, phương bất khả phương khả. Nhân thị nhân phi, nhân phi nhân thị’ (Đó, do đây mà ra; đây, nhân đó mà có. Đó Đây, ấy là thuốc của phương sinh. Nên mới có nói Sống, nói Chết, nói Chết, nói Sống, nói được, nói không được, nói không được, nói được. Nhân có Phải, nhân có Quấy; nhân có Quấy, nhân có Phải ‘mà cãi nhau’. Trang-Tử, Nam-Hoa-kinh, Tề-vật-luận. Bản dịch cuả Nguyễn-Duy-Cần, trang 191).

Đầu-tiên ta phải tham-khảo những tự-điển Hán-Việt của nhiều (ít nhất là 3 quyển, cỡ lớn) tác-giả khác nhau để có một nhận-định khách-qan: tiếng Hán có 1,307 và chữ Hán có 9,812 (đơn-tự). Như vậy tiếng Hán nghèo thua chữ Hán, hay nói ngược lại, chữ Hán giàu hơn tiếng Hán; đó là trường-hợp ‘trùng-âm dị-tự’, tức trùng âm mà khác nghiã vậy. Cũng bấy nhiêu chữ Hán, nhưng người Việt phát-âm thành 2,033 tiếng. Điều nầy chứng-tỏ người Việt có tiếng nói phong-phú hơn người Hán, ít ra cũng được 726 tiếng khi sử-dụng cùng một số chữ như nhau. Người Hán dùng 9,812 đơn-tự, rối ghép lại với nhau để thành từ-ngữ (chữ ghép), có hơn 40,000 để theo kịp trào-lưu tiến-hóa của lịch-sử nhân-loại về mọi mặt. Thứ đến, ta tham-khảo những tự-điển tiếng Việt, cũng do nhiều (ít nhất là 3 quyển, cỡ lớn) tác-giả khác nhau để bớt sai-lạc. Tiếng Việt có khoảng 6,800/ 6,800 đơn-tự, nghiã là mỗi tiếng nói thì có một chữ Việt abc.

Tiếng Việt tránh khỏi tình-trạng ‘trùng âm dị tự’, nhưng lại có trường-hợp ‘trùng âm dị nghĩa’. Ví-dụ như chữ ‘câu’, trong tiếng Hán-Việt có 17 chữ, tất có ít nhất 17 nghiã, cọng tiếng Việt có thêm hai nghiã nữa (câu = lời nói; câu ca); và v.v. Ta thấy tiếng Việt dầu có giàu âm, nhiều nghiã như thế nào đi nữa thì vẫn không đủ chữ để theo kịp trào-lưu tiến-bộ, do đó vấn-đề chữ ghép phải đặt ra. Đây là vấn-đề ‘phải là’ (had to be, must be) vậy. Tất-cả những tự-điển tiếng Việt đều có ghi-chú những chữ đứng gần nhau (không dùng dấu ngang-nối), chữ ghép (có dùng dấu ngang-nối), nhưng lại có một số tác-giả, đặc-biệt nhất là những người Cọng-sản soạn tự-điển, không hiểu được dấu ngang-nối nên không dùng nó, kể cả khi dùng cho tên tác-giả. Không một tác-giả nào giải-thích sự khác nhau giữa hai chữ đứng gần mà có dấu ngang-nối và không có mang dấu ngang-nối như: học giả và học-giả, mâu thuẩn và mâu-thuẩn, nghe lời và nghe-lời, sửa sai và sửa-sai, sắp sửa và sắp-sửa, v.v.

Ta thử so-sánh với một vài quyển tự-điển loại thông-dụng của Anh chẳng hạn, loại trung-bình lúc nào cũng chứa vào khoảng 250,000 chữ (entries). Nếu tỉ-số 10,000 đơn-tự + 40,000 từ-ngữ /250,000 entries = 1/5.

Để theo kịp trào-lưu tiến-bộ, ta phải ‘cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân’ (một ngày một mới, ngày ngày càng mới thêm, càng ngày càng mới thêm nữa. Đại-học).

Tục-ngữ Pháp có câu ‘Kẻ nào đi chậm, sẽ chắc-chắn bước đi’ (Celui qui va lentement, va surement [viết thiếu dấu mũ trên mẫu-tự u]), cầu mong sao những người viết văn, làm thơ chịu khó phân-tích chữ-nghiã trước khi cầm bút để độc-giả khỏi phải hiểu sai điều tác-giả muốn nói. Người xưa bảo ‘Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy’ (một lời nói ra, bốn ngựa theo không kịp) là vậy. Sự hiểu lầm nhiều khi nó là một tai-họa rất lớn:

Chữ ‘ngũ quỷ’ mà người đời thường hiểu lầm là ‘năm người con trai sinh cùng trong một gia-đình, và không có thêm người con nào khác nữa’ là sai-trái. Chữ ‘ngũ quỷ’ chỉ dành riêng cho ‘năm người con khác cha-mẹ, hợp lại phá-hoại cuộc-đời như ‘năm con quỷ đời nhà Tống bên Tàu, đó là Vương-Khâm-Nhược, Đinh-Vị, Lâm-Đạc, Trần-Bành-Niên, và Lưu-Thừa-Khuê’; hay ‘năm nịnh-thần nước Ngô: Phùng Diên-Kỳ, Phùng Diên-Lỗ, Trần-Giác, Ngụy-Sầm, và Tra-Văn-Huy’. Năm người con trai cùng một cha-mẹ gọi là ‘ngũ long’ hay ‘ngũ quế’ lấy theo điển-tích trong câu ‘Yên sơn Đậu thị ngũ long’ (năm con rồng họ Đậu ở núi Yên: năm người con trai của Đậu-Võ-Quân ở núi Yên kế tiếp đỗ-đạt, làm nên danh-phận rất hiển-hách).

Có người còn lầm, thêm là ‘ngũ long công chúa’, không có điển-tích nào nói về ‘ngũ long công chúa’ cả, chỉ có những điển-tích nhắc về năm người con gái như ‘mẹ Khổng-Tử là một trong năm người con gái’, ‘nàng Đề-Oanh, một trong năm người con gái của gia-đình dâng thư lên Hán Văn-đế để xin chuộc tội cho cha’, ‘Đời nhà Đường có Qách-Nguyên-Chấn, chức Tể-tướng, có năm người con gái, cho mỗi người con gái cầm một sợi chỉ khác màu, rồi kén rể, cho Trương-Gia-Chính rút một sợi chỉ, nếu trúng của người nào thì kết-hôn với người đó’. Không biết có phải ‘ngũ quế’ nghe lầm ra là ‘ngũ quỷ’ chăng? còn chữ ‘ngũ long’ mà biến thành ‘ngũ long công chúa’ là sự nói đùa hay sao? ‘Rồng’ (long) là một loại động-vật theo truyền-thuyết, chỉ có giống đực, do thần-nhân hóa ra, xuất-hiện đời Hạ-Kiệt, tại Bao-thành, có để lại dấu-tích. (‘Đông châu liệt quốc’, hồi 1).

Sự sửa-sai không phải là chuyện đơn-giản, phải có một nhận-định thật đứng-đắn, chiết-trung, rõ-ràng, vừa khách-qan vừa chủ-qan, vừa tổng-qát vừa chi-ly, vừa phân-tích vừa tổng-hợp, vừa diễn-dịch vừa quy-nạp, vừa truy-nguyên vừa cấp-tiến, vừa văn-chương vừa khoa-học, vừa đơn-giản vừa nhiêu-khê, vừa thích-nghi vừa tiến-bộ, vừa cổ-điển vừa hiện-đại, vừa bình-dân vừa bác-học, vừa đa-số vừa thiểu-số, vừa sơ-khai vừa triển-khai, và vừa...vừa... Những yếu-tố ngăn-cản sự tiến-hóa, sự chính-xác như hám-danh, ích-kỷ, ngoan-cố, kỳ-thị, cố-chấp, lạm-dụng, khuynh-đảo, lợi-dụng, khoa-đại, sủng-nịnh, cầu-an, ám-muội, bè-phái, xu-thời, toa-rập, cậy-công,... mà nặng nhất là ngu-xuẩn, nên thay-thế bằng những cầu-tiến, thích-nghi, tiện-dụng, hợp-lý, chuẩn-xác, minh-thị, qảng-đại, qang-minh, chính-trực,...

Ngày xưa, khi còn ở nước Lỗ, Khổng-Tử đã nhận-xét Lỗ Định-công không thể cải-hóa nổi (ông thánh cũng không dạy nổi thằng dật-dờ!), và nếu ở lại nước Lỗ tất có ngày nguy đến tính-mạng, nên phải bỏ nước ra đi với lời than ‘nếu vậy thì cũng tại lòng trời’ (Đông Châu liệt kuốc, hồi thứ 79). Có lẽ Khổng-Tử đã chịu ảnh-hưởng câu nói của Bá Lý-Hề với Cung-chi Kỳ ‘Thà kẻ ngu chịu mất nước đã đành, còn người hiền không thể để cho kẻ ngu hại mạng’. Khổng-Tử bỏ vua Lỗ Định-công mà đi khỏi nước Lỗ, chứ không bỏ người dân nước Lỗ (Đông Châu liệt kuốc, hồi thứ 81: Khổng-Tử sai Tử-Cống (họ Đoan-mộc, tên Tứ) đi cứu nước Lỗ). Ngược lại, khi Sô-Kỵ yết-kiến Tề Uy-vương, chỉ nói về nhạc-lý mà Tề Uy-vương hiểu được nhiệm-vụ của mình, rồi tự cải-hóa lấy để sau nầy trở-thành nổi tiếng khắp chư-hầu (Đông Châu liệt kuốc, hồi thứ 86). Sau Tề Uy-vương có Tề Tuyên-vương cũng biết tự cải-hóa nhờ lời của Chung Li-Xuân (Đông Châu liệt kuốc, hồi thứ 89). Người xưa rất có lý khi nói ‘Lời đưa-đẩy là hoa, lời chính-đáng là qả, lời cay-đắng là thuốc, lời ngọt-xớt là bịnh’ (Ý nói ‘lời đưa-đẩy thì bóng-bẩy, lời chính-đáng thì chân-thành, lời cay-đắng thì sửa được nết hư, lời ngọt-xớt thì làm cho ta nguy-khốn’. Sử-ký của Tư-mã Thiên, Thương-quân).

Người-viết rất khâm-phục những người thường nói ‘biết sai mà không sửa-sai thì cũng chẳng có giá-trị gỳ’. Lầm-lỗi thì người đời ai cũng có khi mắc phải, chỉ khác nhau ở chỗ có biết sửa-đổi hay không mà thôi. Từ người lãnh-đạo, kẻ có-học cho đến thường-dân cũng như nhau cả. Tưởng cũng nên đọc thêm những bài: ‘Trí, trung, dũng’, ‘Biết dở sửa ngay’, ‘Lệch thừa, không bằng ngay thiếu’, ‘Bắt thay chiếu’ trong ‘Cổ học tinh hoa’ của Ôn-như Nguyễn Văn Ngọc và Tử-an Trần Lê Nhân, trang 44, trang 175, quyển thượng, trang 210, quyển hạ.

Khổng-Tử đã nói: ‘Bất phẫn bất khải, bất phi bất phát. Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục giã’ (Không tức-giận vì muốn biết, thì không truyền-mở cho, không tức-giận vì nói không rõ ra được, thì không bày-vẽ cho. Vật có bốn góc, bảo cho biết một góc mà không suy ra ba góc kia, thì không dạy nữa. Luận-ngữ, Thuật-nhi, VII).

Thưởng-thức văn-chương cũng giống như thưởng-thức đồ-ăn vậy: ‘Nhân mạc bất ẩm thực giã, tiển năng tri vị giã’ (Người ai chẳng ăn uống, nhưng ăn uống mà biết mùi-vị thì ít lắm vậy).

Cùng-lý hay Chân-lý của ngôn-ngữ Việt-nam hiện-nay là trong tiếng-nói có hai loại ngữ-âm: 1/3 nguồn-gốc Hán-Tạng và 2/3 nguồn-gốc Nam-Á; trong chữ-viết có hai loại ký-âm: Ký-âm theo Hán-Nôm tượng-hình có ý-nghĩa, và ký-âm theo mẫu-tự La-tinh giọng Bồ-đào-nha vô-nghĩa. Qa 6 cách-dùng dấu ngang-nối để liên-kết bộ-chữ Hán-Nôm tượng-hình vào kỶ-âm Việt-ngữ abc, tiền-nhân văn-hóa Việt-nam có-thể hiểu Việt-ngữ abc vô-nghiã qa hình-ảnh Hán-Nôm có Ỷ-nghĩa.

Bài viết nầy không có gì mới-lạ cả, cũng giống như các bài khác (Dấu ngang-nối trong Việt-ngữ, Chữ ghép trong Việt-ngữ), chỉ thâu-lượm những ý-kiến rời-rạc của những người còn qan-tâm đến tiếng ( = ngôn) Việt và chữ ( = ngữ) Việt. Mong sao người-viết và người-đọc đều được ‘nhất qán’ với nhau. Mong, chưa chắc đạt được, vì thành-đạt là điều-kiện của ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’ (Vật cùng một thứ tiếng thì ứng nhau, vật cùng một khí-loại thì tìm nhau). Ví-dụ như ‘sắp-sửa sang sông’ (Cách đọc: o-o / / ) là chuyện đơn-giản, chỉ cần tìm phương-tiện để từ bờ sông bên nầy sang bờ sông bên kia là đủ rồi, đừng nên qan-trọng-hóa thành ‘sắp sửa-sang sông’ (Cách đọc: / o-o / ), có nghiã là sẽ tu-bổ cả dòng sông. Và ngược lại, ‘sắp sửa-sang sông’ cũng chớ nên đơn-giản-hóa thành ‘sắp-sửa sang sông’. Người-viết chỉ mong sao không một ai nói, viết, hiểu và làm như ‘sắp sửa sang sông’ thành hai chuyện: tu-bổ hết bờ sông bên nầy, rồi sang bờ sông bên kia tu-bổ tiếp, ‘nói một đàng, làm một nẻo’, hay ‘lập-lờ đánh lận con đen’.

Trân-trọng chúc tất-cả người học Việt-ngữ thành-công.

***


Cước-chú:


Xin đừng thắc-mắc về dấu ngang-nối của những tên và chữ-ghép trong các câu trích-dẫn, chính tác-giả viết như thế.

Sợ rằng sửa-sai sẽ thành sửa sai ý của tác-giả.

* Từ sau ngày phát-minh Việt abc đến nay, chưa có người học Việt-ngữ có đủ khả-năng phân-biệt ngữ-âm và ngữ-pháp Hán-Tạng khác ý-nghĩa với ngữ-âm và ngữ-pháp Nam-Á.

* Không nên hiểu ‘có dùng’ (bỏ < bổ) hay ‘không dùng’ (bỏ < phế) dấu ngang-nối là sai-lầm, chỉ nên hiểu khi dùng dấu ngang-nối không đúng vị-trí là sai-lầm mà thôi.

* Chìa-khoá Việt-ngữ: không dùng Hán-Tạng là Nam-Á.

Nếu không xác-định được, tác-giả và độc-giả phải hiểu ít nhất hai nghiã khác nhau trong cùng một câu nói (câu văn; không chơi-chữ). Ví-dụ: Nếu nói, và viết: ‘Thằng ngoan quá’ (có số chữ Hán: 2+4+2), ‘hàng thông xanh’ (có số chữ Hán: 8+12+4),… Hán-tự và chữ Nôm hoàn-toàn khác ý-nghĩa.

* Chuyển-âm (hay phiên-âm) sai từ Hán-Nôm sang Việt abc, sẽ làm người học Việt-ngữ hiểu sai ý-nghĩa của âm/chữ.

* Viết bằng Hán-Nôm + Nói, đọc bằng Việt abc = Ý-nghĩa.

* *


Mục-lục:

1. Đoàn-Xuân, Về Nguồn - Mở đầu

2. Đoàn-Xuân, Về Nguồn - Thuật nhi bất tác

3. Đoàn-Xuân, Về Nguồn - Hành-trình Việt-ngữ ABC

4. Đoàn-Xuân, Về Nguồn - Dấu ngang-nối trong Việt-ngữ

5. Đoàn-Xuân, Về Nguồn – Vài nhận-xét về danh-từ Việt-ngữ

6. Đoàn Xuân, Về Nguồn - Chữ ghép trong Việt ngữ ABC 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét