Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Co-founder Là Yếu Tố Quyết Định Để Thành Lập IT Startup

“Công ty đầu tiên của tôi đóng cửa cho mâu thuẫn giữa tôi với co-founder. Có những game không tạo lợi nhuận cho công ty trong cả nửa năm… Từ những khó khăn đó, tôi rút ra nhiều bài học để xây dựng Senspark như hôm nay.”
Đọc bài phỏng vấn của ITviec với anh Hồ Việt Lâm, Founder & CEO của Senspark để nghe anh chia sẻ về:
  • Những khó khăn anh từng trải qua khi thành lập Senspark và bài học anh rút ra từ đó.
  • Những yếu tố quyết định khi thành lập một IT startup.
  • Lời khuyên dành cho những developer muốn thành lập startup.
Tiểu sử: Anh Lâm làm việc tại nhiều công ty outsourcing lớn nhỏ khác nhau trong khoảng hai năm rồi quyết định thành lập startup của riêng mình. Anh từng khởi nghiệp ba lần, hai lần thất bại, lần cuối cùng thì thành công với Senspark.
Thành lập được 3,5 năm tại Tp.HCM với gần 10 thành viên, Senspark là công ty game mobile cho điện thoại thông minh và máy tính bảng chạy các hệ điều hành iOS, Android, Windows Phone. Mọi game app đều miễn phí, công ty kiếm lợi nhuận từ dịch vụ quảng cáo tại app.

Vì sao anh lại muốn thành lập một IT startup?

Ban đầu tôi cũng không muốn thành lập công ty. Tuy nhiên để theo đuổi niềm đam mê và hiện thực những ý tưởng của cá nhân, nếu không lập công ty thì tôi khó có thể làm được.

Điểm cộng và điểm trừ của việc thành lập một IT startup là gì?

Điểm trừ là chịu rất nhiều trách nhiệm. Tôi cần lo lắng cho nhân viên và sự nghiệp của họ lẫn tôi. Điểm cộng là khi thành công, tôi đạt được danh vọng, địa vị và tiền bạc mà mình mong đợi.

Anh Lâm (đứng thứ 3 từ trái sang) cùng đồng nghiệp tại Senspark.

Những thử thách anh từng đối mặt khi thành lập Senspark là gì? Anh vượt qua như thế nào và anh học được gì từ đó?

Tôi gặp phải rất nhiều thử thách trong ba lần khởi nghiệp của mình.
1. Khó khăn về tìm co-founder. Tôi gặp một người trong cộng đồng khởi nghiệp và thấy có cùng chí hướng nên bắt tay làm ăn mà chưa tìm hiểu kĩ. Kết quả dẫn đến đóng cửa công ty đầu tiên do mâu thuẫn không thể giải quyết giữa tôi và co-founder đó. Từ bài học ấy, Senspark là kết quả của sự hợp tác giữa tôi và Đức, bạn tôi thời đại học. Vì từng là bạn bè nên tôi biết được mức độ phù hợp khi làm việc. Kết quả là Senspark đã hơn 3,5 năm tuổi.
2. Khó khăn về xác định tầm nhìn. Ban đầu khi thành lập, tầm nhìn của công ty là thứ rất mù mờ với tôi. Tôi và Đức mạnh về lập trình mobile nên chỉ giới hạn làm sản phẩm cho mobile. Nhưng sau một thời gian thì phát hiện rằng “mobile” cũng là rất rộng và dàn trải. Chúng tôi ngồi lại, xác định tầm nhìn là tập trung hoàn toàn vào game để tạo lợi thế cạnh tranh và tích luỹ được nhiều thành tựu hơn. Tôi đã hoạch định công ty mình phát triển theo chiều sâu về game:
  • 3 năm đầu phát triển 2D và casual game (game đơn giản dành cho người chơi bình thường).
  • 5 năm tiếp theo sẽ làm game 3D, online và middle core game.
  • 10 năm tiếp theo sẽ làm hardcore, console game, game platform, game hardware.
3. Khó khăn về tài chính. Khi thành lập công ty, tôi và Đức, mỗi người chỉ có vài chục triệu tiền thưởng nhận được khi nghỉ công ty cũ và tiền tích luỹ lúc đi làm. Thời gian đầu phải chi tiêu nhiều thứ, sản phẩm đầu doanh thu hạn hẹp, lại thêm làm việc không lương, nên công ty rất khó khăn. Nhiều lần chúng tôi cũng thấy chán nản, nhưng rồi vì đam mê làm game, hai đứa tự động viên nhau phải cố gắng. Lúc đó, mọi người nhận thêm dự án outsource để tiếp tục duy trì công ty. Tuy nhiên, tôi không dấn sâu vào các dự án outsource nhiều, vì vẫn muốn tập trung xây dựng sản phẩm của công ty thật tốt để tạo doanh thu từ từ.
4. Khó khăn về các kỹ năng cơ bản cần thiết để vận hành công ty (kế toán, thuế, kinh doanh, marketing, nhân sự, quản lý). Rất nhiều thứ không biết cần bạn học tuy nhiên bạn nên giữ các thứ này đơn giản nhất có thể khi mới đầu lập công ty. Ít nhất bạn phải có được sự nhạy bén trong kinh doanh, hiểu thị trường cần gì. Nếu làm sản phẩm như game thì bạn phải có mắt thâm mỹ, nếu không sẽ dễ thất bại.
Đa số về kế toán, thuế, marketing, kinh doanh, tôi đều thuê ngoài hoặc sử dụng các công cụ online. Làm thế này tôi giữ được mọi thứ mức đơn giản hơn để tập trung phát triển sản phẩm. Ví dụ:
- Khi thành lập Senspark, tôi thuê dịch vụ lập công ty để tránh làm các thủ tục rườm rà.
- Về marketing thì thời gian đầu tôi tận dụng các kênh marketing online như: Facebook, ad network, forums để quảng bá cho sản phẩm của mình trước khi tuyển một marketer.
- Về kế toán thì thời gian đầu tôi cũng outsource ở ngoài, chỉ tuyển một người làm admin phụ trách các vấn đề văn phòng, giấy tờ và các công việc non-tech khác của công ty.
– Về tài chính thì tập trung hướng làm ra tiền (phát triển sản phẩm), tránh đi theo hướng gọi vốn đầu tư. Vì muốn gọi vốn đầu tư cũng mất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân của tôi, vì cũng có nhiều công ty gọi vốn thành công.
5. Khó khăn về kĩ thuật. Tôi và co-founder của mình đều là tech guy, nhưng vẫn gặp vấn đề, vì khi đi làm thuê, tôi chỉ làm một phần trong sản phẩm. Khi tự xây dựng một sản phẩm hoàn chỉnh, thì vấn đề lớn hơn rất nhiều. Bạn phải có kiến thức kĩ thuật ở nhiều mảng để làm nhiều thứ lặt vặt (server, website…) và phải cực giỏi ở kiến thức chuyên môn kĩ thuật của sản phẩm để đưa ra sản phẩm chất lượng, có thể cạnh tranh trên thị trường. Tất nhiên không ai có thể biết hết mọi thứ nhưng nếu chưa biết thì bạn phải có khả năng học và hiểu mọi thứ nhanh.

Làm cách nào để anh xác định được ngách thị trường (niche) của mình, và việc xác định này quan trọng như thế nào?

Tôi xác định ngách thị trường bằng cách xem xét người dùng cần sản phẩm nào mà chưa tồn tạc hoặc chưa có sản phẩm tốt, và sản phẩm đó phù hợp với năng lực của team. Ví dụ, ban đầu, tôi tập trung phát triển các game thể loại casual vì tôi nghĩ rằng thị trường này chưa có sản phẩm tốt, thể loại game này phù hợp nhiều người chơi, và team tôi có khả năng phát triển nhiều casual game hay. Kết quả là cho đến nay, ba game Gold MinerShoot Dinosaur EggsLines 98, tổng cộng đạt khoảng 10 triệu download và có khoảng 1 triệu người dùng tích cực hàng tháng.
Theo cách xác định thị trường này tôi tránh được cạnh tranh với các đối thủ là công ty game lớn làm game 3D, đồ họa đẹp đẽ, phức tạp. Đồng thời, tuy chỉ là ngách thị trường nhỏ nhưng do nhắm đến thị trường toàn cầu, nên dù chỉ là giữ vị trí nhất định trong mảng casual game cũng đã là thành công đáng kể đối với Senspark.
Anh Lâm mặc áo xanh lá ở giữa

Vì sao anh lại chọn game? Anh có cân nhắc đến thế mạnh của mình không khi phát triển sản phẩm game?

Khi còn đi làm, tôi là mobile developer, chuyên về làm app, game. Và rất may là tôi có nhiều kinh nghiệm về game. Từ hồi cấp ba, tôi đã có đam mê và thử sức tạo những game nhỏ, Tetris và Caro. Lên đại học, game Tank1975 của tôi cũng được giải ấn tượng trong kì thi Mobile Labs do FPT tổ chức.
Vì vậy kinh doanh về game là hoàn toàn phù hợp với cả thế mạnh lẫn sở thích của tôi.
Hơn nữa, thị trường game là thị trường toàn cầu nên có nhiều tiềm năng phát triển. Chỉ cần có một game được thế giới đón nhận thì bạn đã thành công lớn. Ba game Gold MinerShoot Dinosaur EggsLines 98 cũng có không ít lượng người sủ dụng download từ nước ngoài.

Anh từng mắc phải sai lầm nào? Anh vượt qua như thế nào và anh học được gì từ đó?

Tôi từng mắc phải hai sai lầm:
Sai lầm đầu tiên là sau khi có một, hai game (dạng cổ điển) ở Việt Nam đạt được download đáng kể vào đầu năm 2012, tôi chuyển chiến lược sang làm một sản phẩm mới hoàn toàn nhắm vào thị trường quốc tế. Sản phẩm này được đầu tư kĩ về công sức và tài chính, tuy nhiên lại đạt kết quả rất thấp so với mong đợi.
Để vượt qua, công ty tôi đã thu hẹp quy mô game lại, làm một sản phẩm nhỏ, dễ chơi, quen thuộc hơn. Bài học rút ra là bạn nên làm những cái vừa với khả năng của mình, như vậy sẽ dễ thành công hơn.
Sai lầm thứ hai là vào đầu năm 2014 khi hiện tượng game Flappy Bird nổi lên và sau đó bị chính tác giả gỡ bỏ, cả thế giới rộ trào lưu làm phiên bản clone của Flappy Bird vì nghĩ sẽ tạo ra lợi nhuận lớn. Trong nửa năm, bên tôi đã làm những game thể loại tương tự nhưng kết quả chẳng đi đến đâu.
Tôi lập tức dừng lại khi nhận ra thất bại này. Bài học rút ra là bạn đừng làm theo trào lưu khi bạn chưa hiểu gì về nó.

Nếu có một điều mà anh ước rằng mình biết trước khi thành lập công ty thì đó là điều gì?

Tôi ước có kinh nghiệm chọn co-founder đúng đắn để khỏi phải gặp thất bại trong công ty đầu tiên. Đó có lẽ là một trong những thời điểm khó khăn nhất trong đời tôi, bởi rất nhiều mâu thuẫn, khó khăn đã xảy ra. Nhưng chính thời điểm đó khiến tôi ghi nhớ rằng phải cố gắng tìm co-founder phù hợp để không lặp lại sai lầm lần nữa.
Tôi chọn được một co-founder phù hợp là Đức, bạn thời đại học. Tôi là người nóng tính, Đức thì điềm tĩnh hơn. Vì vậy khi có mâu thuẫn, chúng tôi không tranh cãi gay gắt mà dễ nói chuyện để giải quyết vấn đề. Nếu Đức cũng là người nóng tính như tôi, có lẽ Senspark đã không tồn tại đến hôm nay.

Theo anh thì đâu là những yếu tố quyết định sự thành công của một startup?

  • Tìm được founder tốt
  • Tìm đúng thị trường
  • Thực hiện được ý tưởng

Anh nhắc nhiều về tầm quan trọng của co-founder trong việc thành lập công ty, vậy theo anh thì như thế nào là một co-founder tốt?

Theo kinh nghiệm cá nhân thì tôi có một số tiêu chí dành cho co-founder tốt:
  • Hiểu rõ co-founder đó là ai và cách làm việc như thế nào. Vì từng là bạn bè nên tôi biết rằng Đức có tính công tư phân minh, khi làm việc thì rất tập trung và rạch ròi giữa công việc với giải trí. Tôi cảm thấy cách làm việc đó phù hợp với mình.
  • Tính cách phù hợp, bổ trợ với mình. Tôi là người nóng tính, Đức lại điềm tĩnh. Chúng tôi bổ trợ và hoàn thiện lẫn nhau.
  • Đam mê và cùng chung tầm nhìn. Tôi xác định rằng mình muốn xây dựng những thứ hay ho rồi từ từ tiền sẽ đến sau, vì vậy khi chọn co-founder, tôi tìm thấy Đức cũng có chung tầm nhìn này, tôi tất mừng.
  • Background không quá chệnh lệch. Ví dụ như tôi và Đức đều cùng là dân tech, có niềm đam mê với game, có kỹ năng kỹ thuật tốt. Cùng background, chúng tôi dễ dàng trao đổi nhiều vấn đề, từ tech đến tài chính, marketing, kế toán…

Anh có lời khuyên nào dành cho dân IT muốn thành lập công ty của riêng mình?

- Thử làm những sản phẩm nhỏ trước. Học cách làm một sản phẩm hoàn thiện. Và tìm hiểu mô hình kinh doanh quanh nó.
- Đặt mục tiêu rõ ràng về thời điểm thành lập công ty. Ví dụ như bạn đề ra mục tiêu là sẽ thành lập công ty trong vòng ba năm tới, thì ngay từ bây giờ, bạn đã phải có kế hoạch về những thứ phải học thêm như kinh doanh, kế toán, marketing… để chuẩn bị từ từ.
- Tôi thường đặt ra yêu cầu cao cho bản thân mình, ngay từ những công việc nhỏ nhất. Từ đó mới có thể tạo ra một sản phẩm chỉn chu, hoàn thiện. Tôi khuyên các bạn developer nên tạo thỏi tỉ mỉ trong công việc hàng ngày, để không chỉ thành lập startup thành công mà còn để tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.
- Có một số resources mà tôi nghĩ rằng hữu ích dành cho các bạn muốn thành lập một IT business:
  • Technology Entrepreuership: khoá học miễn phí về khởi nghiệp công nghệ
  • Bitbucket: private source code git repository
  • Trello: công cụ quản lý dự án
  • Waveapps: công cụ quản lý tài khoản, tiền
  • Sendy: (gửi email số lượng nhiều) / Mailchimp: (gửi email số lượng ít): email marketing
  • WordPress: xây dựng website

About the Author: 

10616082_749274408469346_2840586757398073970_n


MARKETING EXECUTIVE
My name is Dan and I was made for Marketing. Read more...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét