Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Cần điều·chỉnh bài Dạ cổ hoài lang đúng nguyên·tác của nhạc·sĩ Cao·Văn·Lầu

Tác·giả: Trần·Trọng·Trí

Ngược dòng thời gian… vào năm 1919, nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang và trưởng thành giữa bầu không khí xôn xao, đầy áp đảo của các điệu Tứ Đại Oán, Văn Thiên Tường, nhất là thời kỳ bản Hành Vân “độc chiếm sân khấu cải lương” (giai đoạn 1919-1935) và trong giới đờn ca tài tử.
Bài Dạ Cổ Hoài Lang, lúc đầu tưởng đã chìm sâu vào tâm sự não nề của một người, không ngờ chẳng mấy chốc đã vươn vai lớn mạnh thần kỳ như “Phù Đổng”. Kể từ năm 1936, với giọng ca ngân nga, chậm rãi của Năm Nghĩa qua bài “Văng vẳng tiếng chuông chùa” (nhịp 8) được giới mộ điệu gọi tắt là Bài Vọng Cổ.
Sau đó, 11 năm, bài Vọng Cổ lại đi vào bước ngoặc mới. Giọng ca của nghệ sĩ Út Trà Ôn qua bài “Tôn Tẩn Giả Điên” (nhịp 6), bằng lối ca luyến láy ngọt mùi truyền cảm, xen lẫn các câu hò, điệu lý, danh ca Út Trà Ôn đã định hình cho bài Vọng Cổ. Về mặt làn điệu và cấu trúc âm thanh, một điệu ca đặc nét Nam bộ, đầy cảm xúc trong hơi điệu và nhạc cảm triền miên, bài Vọng Cổ chiếm dần vị trí chủ đạo trên sân khấu và các tụ điểm đờn ca tài tử. Qua quá trình thời gian, bản Vọng Cổ ngày càng được nhiều người mến mộ mở dần ra nhịp 32, 64, thậm chí 128.
Nhưng mấy năm gần đây, bài Dạ Cổ Hoài Lang, bị “tam sao thất bổn”, mỗi nơi ca mỗi khác, có nơi sai lệch đến phản nghĩa, nghịch lý, thật đáng buồn (?).
Truy nguyên bản gốc theo sách của ông Trịnh Thiên Tư (ca nhạc cổ điển điệu Bạc Liêu) xuất bản tại Sài Gòn năm 1963. Tác giả là cháu gọi Nhạc sư Hai Khị (thầy của ông Sáu Lầu) bằng cậu. Trịnh Thiên Tư là  nhà giáo kiêm soạn giả bài ca tài tử, là cây bút đáng tin cậy, nhà ở Long Xuyên cách nơi ở của Cao Văn Lầu khoảng 150 km(Vĩnh Lợi - Bạc Liêu) nhưng thường qua lại trao đổi âm nhạc, thăm viếng. Xin sao chép lại nguyên văn bản gốc Dạ Cổ Hoài Lang (nhịp 2) để các nhà nghiên cứu, các nhà âm nhạc đối chiếu những chỗ sai lệch và nhận xét phân tích điều chỉnh đúng nguyên tác bài Dạ Cổ Hoài Lang đã đọng lại và lắng sâu trong tâm khảm mọi người, thắp sáng nền văn hoá dân tộc Việt Nam đi khắp năm châu bốn biển: Đây là bản nhạc đặt nền móng cho việc hình thành bài Vọng Cổ hiện nay, là bản gốc bài Dạ Cổ Hoài Lang do Cao Văn Lầu chấm máu, nước mắt làm mực viết ra nhạc và lời như sau:
1- Từ là - từ phu tướng
2- Báu kiếm sắc phán lên đường
3- Vào ra luống trông tin nhạn
4- Năm canh mơ màng
5- Em luống trông tin chàng
6- Ôi gan vàng thêm đau
7- Đường dù xa ong bướm

8- Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
9- Còn đêm luống trông tin bạn
10- Ngày mõi mòn như đá vọng phu
11- Vọng – phu vọng luống trông tin chàng
12- Lòng xin chớ phụ chàng
13- Chàng là chàng có hay
14- Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15- Biết bao thuở đó đây sum vầy ?
16- Duyên sắc cầm đừng lợt phai
17- Là nguyện cho chàng
18- Hai chữ an – bình an
19- Trở lại gia đàng
20- Cho én nhạn hiệp đôi.
Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng và liên hoan đờn ca tài tử khi sử dụng bài Dạ Cổ Hoài Lang có nhiều chỗ sai lệch đáng tiếc khi đối chiếu với nguyên tác, cần điều chỉnh đúng bản gốc là việc cần thiết để tránh lệch lạc ngày càng mất ý nghĩa, giảm chất lượng và âm sắc.
Tuy 2 bài Vọng cổ và dạ Cổ Hoài Lang là một gốc mà ra, nhưng không thể lấy nhạc Vọng cổ áp đặt lên nhạc Dạ Cổ. Vả chăng, nếu có giống thì Vọng cổ giống Dạ Cổ, chớ không thể làm ngược lại vì Dạ cổ có trước Vọng cổ, không lẽ cha lại giống con bao giờ (?)
Dứt khoát không thể bê nguyên nhạc Vọng Cổ vào Dạ Cổ Hoài Lang. Vì Dạ Cổ Hoài Lang phải được tôn vinh ở tầm cao kính trọng trong lòng nhân dân và niềm tự hào của quê hương Nam bộ, góp phần vun xới cho nền văn hoá dân tộc Việt Nam vốn đã phong phú lại càng phong phú thêm.
Niềm tự hào di sản vô giá mà cha ông để lại là trách nhiệm của con cháu hôm nay phải ra sức gìn giữ, đó là công việc mà chúng ta phải làm thể hiện tính trân trọng mà còn là đạo lý: “uống nước nhớ nguồn”, giữ được “cái tâm”trong sáng của lớp người đi sau đối với cha ông.
So sánh, đối chiếu bản gốc, về lời ca có nhiều chỗ sai lệch; điển hình như:
- Câu 1: “Từ là từ phu tướng”, nhiều bản bỏ hẳn chữ “là” cho là dư văn. Như vậy là sai phạm nghiêm trọng bởi nhạc cổ điển đa phần 1 chữ nhạc một lời ca. Nhạc câu 1: “Hò là xang xê cống”- Nếu ca: “Từ phu tướng" là sự thiếu sót không phù hợp nền nhạc.
- Câu 2: “Báu  kiếm sắc phán lên đường”, nhiều bản dùng chữ “phong” thay chữ “phán” là phạm cả ý văn và nền nhạc. Vua phán (ra lệnh) đi dẹp giặc không chấp hành là phạm tội. Không phải vua “phong” chức (phong quan tấn tước). Về nhạc, đây là lấy từ nền nhạc Xuân nữ: “Ú liu cộng liu cộng xê xang”. Chữ nhạc “cộng” là lời “phán” phù hợp. Cần giữ đúng chữ “phán” theo nguyên bản.
- Câu 5: “Em luống trông tin chàng”. Dứt câu đúng điệu nhạc “xàng” không dứt “xề” theo Vọng Cổ được.
- Câu 6: “Ơi, gan vàng thêm đau” có nhiều bài “quặn đau” làm sai bản gốc, giảm ý nghĩa vì thêm đau là đau nhiều, còn quặn đau là đau nhè nhẹ, không đúng
- Câu 7: “Đường dầu xa, ong bướm” có bài “Chàng dù say ong bướm” là sai ý và lời nghiêm trọng. Bởi nếu say ong bướm là chồng sa ngã không chung thuỷ với vợ. Câu khuyên chồng: “Đường dù xa cách, nhiều hoa thơm bướm lạ cũng đừng quên vợ nhà”.
- Câu 13: “Chàng là chàng có hay”. Có nhiều bài: “Chàng có hay”, nếu bỏ chữ “là” là sai với nhạc, vì nhạc đâu, lời đó, nền nhạc “xang là xang công xê”. Vậy nên giữ nguyên tác, không thể lấy kim văn mà phê phán cổ văn được.
- Câu 17: “Là nguyện cho chàng”, có bài chỉ ca “Nguyện cho chàng” là sai với nhạc: “Là xừ cống xê xang hò” Cần theo đúng bản gốc.
- Câu18: “Hai chữ an bình an”, nhiều bài chỉ ca: "Hai chữ, bình an”. Dùng điệp ngữ “an, bình an” đúng với nhạc“líu cống xang xừ xang” nhằm cầu mong cho chồng thật bình an, nếu ca bình an trơ trẽn thì kém chất mặn nồng, mà chỉ mang tính xã giao. Thí dụ câu chúc tụng: “vạn tuế - vạn vạn tuế”, nhằm tăng thêm sự sống mạnh bạo hơn.
- Câu 19: “Trở lại gia đàng”, có bài “Mau trở lại gia đàng” đã sai còn hạ thấp tính thảo hiền và lòng tin tưởng chồng vì hối thúc chồng mau trở lại nhà là điều thiếu lịch sự. Câu ca đúng theo bản gốc cho hợp.
- Câu 20: “Cho én nhạn hiệp đôi” là đúng với câu văn “chim én – chim nhạn liền đôi”. Có bài: “Cho én nhàn hiệp đôi” tuy đúng điệu nhạc “liu xáng xàng xề oan liu”, nhưng sai văn. Vì bài Dạ Cổ Hoài Lang vừa hay cả lời và nhạc mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
Sức sống diệu kỳ của bài Dạ Cổ Hoài Lang đã làm biết bao nhiêu nhà âm nhạc chuyên môn kính phục, cụ thể như Viện sĩ Lưu Hữu Phước đã bộc lộ. “…Chúng ta suy tôn nhạc sĩ Cao Văn Lầu là hậu tổ… nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người tài hoa, cái tài năng đó, thành tựu đó phải tỏa ra cả nước và cả thế giới…”
Qua đó, chúng ta cần nghiên cứu điều chỉnh bài Dạ Cổ Hoài Lang cho đúng nguyên tác là tỏ lòng biết ơn và tôn kính nhạc sĩ tiền bối Cao Văn Lầu đã để lại di sản sáng giá, làm giàu nghệ thuật âm nhạc cổ điển nước ta và giúp cho nhiều nghệ sĩ thành danh, tạo nhà lầu, xe hơi. Đóng góp ý kiến này, nhằm gợi cho giới âm nhạc quan tâm hơn đối với bản gốc bài Dạ Cổ Hoài Lang cho thật đúng và thống nhất chung, tránh tam sao thất bổn, làm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu không vui nơi chín suối.
Trần Trọng Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét