Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

GS Nguyễn Tiến Dũng: "Sách giáo khoa Toán 6, song ngữ Anh Việt dịch sai rất nhiều"

GS. Nguyễn Tiến Dũng
06:54 08/03/17

(GDVN) - Sách giáo khoa 6 song ngữ Anh-Việt có tất cả các điểm dở của SGK6, cộng thêm những điểm sai về mặt dịch thuật. Mà dịch sai rất nhiều.

LTS: Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Toán lý thuyết - Viện Toán học Toulouse - Cộng hòa Pháp, Giáo sư Đại Học Toulouse tiếp tục chỉ ra những bất cập trong sách giáo khoa Toán lớp 6 (tác giả gọi tắt là SGK6).

Theo tác giả, sách giáo khoa Toán 6 song ngữ hiện nay sai rất nhiều, nhất là lỗi chuyển ngữ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

----

Sách dịch sai càng hại học sinh 


Bộ Giáo dục và Đào tạo có làm cả SGK6 phiên bản song ngữ Anh - Việt, với nội dung tiếng Việt hệt như SGK6 bình thường, chỉ khác ở chỗ có phần tiếng Anh. 

SGK6 song ngữ Anh-Việt vì vậy có tất cả các điểm dở của SGK6, cộng thêm những điểm sai về mặt dịch thuật. Mà dịch sai rất nhiều. 

Những người dịch có lẽ chưa thạo tiếng Anh nói chung và tiếng Anh trong toán học nói riêng, dịch theo kiểu dịch từng từ rồi chắp ghép vào nhau chứ không theo cách hành văn của người Anh-Mỹ. 

Đơn cử một câu ví dụ, ngay từ trang nội dung đầu tiên của Chương 1 của SGK6 song ngữ Anh-Việt tập 1:
Lỗi dịch sai tiếng Anh trong sách Toán song ngữ

Trong một câu đó mà đã nhiều lỗi sai về từ vựng và ngữ pháp: 

- “Khái niệm tập hợp” trong tiếng Anh thông dụng gọi là “notion of sets” hay “concept of sets” chứ người ta không gọi là “conception of sets”, dù cho từ điển Anh-Việt có dịch từ “conception” là “khái niệm”. 

(Đấy cũng là một điều nguy hiểm khi dịch theo từ điển mà không tra lại xem người ta dùng các từ trong từng tình huống ra sao). 

Từ “‘conception” hay được dùng với nghĩa “tạo thành” hay “thai nghén”.

Trong toán học, khi nói “conception of sets” thì nó có nghĩa là “xây dựng tập hợp”, chẳng hạn “iterative conception of sets” thì là xây dựng tập hợp theo phép lặp (ví dụ như tập Cantor). 

Ngoài ra, các danh từ chung tiếng Anh hay đi kèm với tiếp đầu ngữ (the concept, a concept) mà trong câu dịch phía trên bị thiếu. 

- Khi nói “thường gặp” trong câu tiếng Việt phía trên, thì chữ thường đó có nghĩa tiếng Anh là “often” thay vì “usually”. 

Từ “usually” cũng là “thường”, nhưng với hàm ý bao trùm (thường là thế này chứ không thế khác).

Ví dụ, nói “An thường được điểm cao” (chứ không bị điểm thấp) thì chữ thường đó 15 là “usually”, còn nói “An đá bóng thường xuyên” (hay chơi đá bóng) thì chữ thường đó là “often”. 


- Từ “even” trong câu dịch tiếng Anh là thừa, và nó làm thay đổi sắc thái của câu. Nếu dịch ngược lại sang tiếng Việt thì thành “thậm chí cả trong cuộc sống” (thừa từ “thậm chí”). 

- Từ “đời sống” trong câu tiếng Việt thì người ta thường gọi là “real life” chứ không chỉ cộc lốc mỗi từ “life”. 

Thật nguy hiểm khi học sinh học theo thứ tiếng Anh lủng củng như trong SGK6 song ngữ, sẽ thành “nói ngọng”, về sau sửa lại rất khó. 

Vấn đề dịch thuật là một vấn đề nan giải ở Việt Nam. Phần lớn sách dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt hiện tại đầy rẫy lỗi sai, hiểu ngược ý tác giả, do người dịch chưa thực sự nắm vững tiếng nước ngoài và thiếu hiểu biết về văn hoá chung của nước ngoài.

Việc dịch ngược lại từ tiếng Việt sang tiếng Anh tất nhiên còn khó hơn là dịch xuôi từ tiếng Anh sang tiếng Việt, càng dễ sai nếu không làm thật cẩn thận, chọn người có trình độ thật cao, đầu tư thật thích đáng. 

Ý tưởng làm sách song ngữ là tốt, nhưng nó chỉ thật sự trở thành tốt nếu cả phần tiếng Việt và phần tiếng Anh tương ứng đều tốt, chứ phần tiếng Việt đã dở phần tiếng Anh lại càng dở thì chỉ làm hại học sinh.
GS. Nguyễn Tiến Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét