Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Facebook đang biến người dùng thành... lũ ngốc

Hoàng Nam/theo Bloomberg | 11/01/2016 16:43
Tại sao nhưng thông tin lá cải thường lan truyền rất nhanh trên các trang mạng xã hội? Tại sao các thông tin sai lệch đó không được sửa chữa? Tại sao người dùng có thể dễ dàng tìm ra sự thật nhưng họ vẫn chấp nhận tin vào các thông tin sai lệch?
 
Một nghiên cứu mới đây đối với người dùng Facebook cho thấy mọi người có xu hường tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội để khẳng định quan điểm của bản thân và thường bỏ qua những thông tin trái chiều.
 
Nghiên cứu này được dẫn đầu bởi Giáo sư Michela Del Vicario của phòng thí nghiệm LCSS tại Italy, qua đó nghiên cứu hành vi của người dùng Facebook trong khoảng 2010-2014 với nhiều câu hỏi khảo sát quan điểm người dùng về những vấn đề gây tranh cãi trong xã hội.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người dùng đã lan truyền các giả thuyết âm mưu qua 32 trang web công cộng, tuyên truyền các tin tức logic mang tính khoa học qua 35 trang web và lan truyền những thông tin sai lệch qua 2 trang web.
 
 
Tập hợp dữ liệu của nghiên cứu này là khá lớn khi liên quan đến hầu hết tất cả các thông tin được chia sẻ trên Facebook trong vòng 5 năm qua. Tổng cộng có khoảng 69 trang web liên quan đến những đường link chia sẻ được người dùng đăng lên mạng xã hội.
 
Theo bà Del Vicario và các đồng sự, tập hợp những người dùng này thường có chung quan điểm về một vấn đề dù thông tin đó là chính xác hay vô căn cứ và đây là nguyên nhân chính khiến các giả thuyết âm mưu lan truyền chóng mặt trên mạng.
 
Hiểu theo cách khác, người dùng Facebook có xu hướng chia sẻ những câu chuyện với quan điểm mà họ chấp nhận và bỏ qua những thông tin mà họ không đồng ý. Nếu một bài báo, câu chuyện hay thông tin nào đó phù hợp với quan điểm của người dùng thì họ có xu hướng bị thu hút đọc cũng như chia sẻ nhiều hơn.
 
Các thông tin này, dù đúng hay sai cũng sẽ được lan truyền vô cùng nhanh chóng giữa những nhóm người dùng thân thiết hoặc có cùng quan điểm
 
Điều này càng làm gia tăng cơ hội lan truyển của những thông tin vô căn cứ, sự hoài nghi cũng như "hoang tưởng" trong cộng đồng mạng. Dù nghiên cứu trên chỉ tập trung vào người dùng Facebook nhưng nhiều chuyên gia đồng ý rằng điều tương tự cũng đang xảy ra đối với các mạng xã hội khác và trên toàn thế giới.
 
Đặc biệt, khi các nhóm người dùng có cùng quan điểm nói chuyện với nhau, quan điểm dù đúng hay sai của họ sẽ được củng cố thêm khi cho rằng có nhiều người đồng ý với mình.
Đây là một vòng luẩn quẩn bởi việc tìm kiếm những người cùng quan điểm kéo các nhóm người lại với nhau và thúc đẩy họ giao tiếp, qua đó tăng cường niềm tin vào ý kiến cá nhân và thúc đẩy họ tìm kiếm cũng như chia sé thông tin với người khác.
 
 
Xu thế này khá nguy hiểm trong xã hội ngày nay khi nó khiến những người có quan điểm sai lầm, cực đoan tự tin hơn và trở nên mù quáng hơn.
 
Giả sử bạn cho rằng Nga đang bành trướng tại Đông Âu, Trung Quốc là đối tác thương mại tốt, Tổng thống Barack Obama đã đóng kịch khi khóc và ứng cử viên Donald Trump có thể trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo.
 
Mới đầu, bạn sẽ nhìn nhận những thông tin này với cách nhìn cẩn trọng và sẵn sàng chấp nhận các ý kiến trái chiều để làm rõ thực tế.
 
Tuy nhiên, khi bạn nhận ra có nhiều người cùng quan điểm trên, bạn bắt đầu chắc chắn rằng những ý kiến trên là chính xác và dần khó chấp nhận các ý kiến khác. Đồng thời, bạn có xu hướng "công kích" những người không cùng quan điểm cũng như coi thường ý kiến của họ.
 
Một nghiên cứu khác về người dùng Facbook cũng cho thấy những nỗ lực vạch trần các thông tin sai lệch thường không thành công trên mạng xã hội, thay vào đó chúng chỉ khiến người dùng càng tin vào những quan điểm vốn có hơn.
 
Giải pháp tốt nhất để giải quyết hiểm họa này là thúc đẩy sự thay đổi trong văn hóa xã hội. Một số quốc gia hay cộng đồng có nền văn hóa cũng như quan điểm xã hội định kiến, bảo thủ và không cởi mở trước những cái mới, qua đó tạo nên các ý kiến lệch lạc, sai lầm trong xã hội.
 
Bên cạnh đó, những công ty quản lý mạng xã hội hay phương tiện truyền thông, như Google, Facebook, cần có biện pháp để giúp người dùng kiểm chứng thông tin mà họ đọc. Mới đây, Google cho biết họ đang nghiên cứu phát triển hệ thống xếp hạng không chỉ dựa trên sự phổ biến, độ lan tỏa của thông tin mà còn bao gồm sự chính xác của chúng.
Mặc dù vậy, mảng phát triển này vẫn còn sơ khai và nhận được nhiều tranh cãi khi các chuyên gia cho rằng không có một quy chuẩn nào hoàn toàn đủ công bằng để đánh giá một quan điểm xã hội.
 
 
Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, thẩm phán liên bang nổi tiếng, ông Leanerd Hand đã từng nói tinh thần tự do là "tinh thần mà không bao giờ chắc chắn hoàn toàn điều gì là đúng".
 
Những người sử dụng mạng xã hội được trao quyền tự do ngôn luận, chia sẽ thông tin. Tuy vậy, khi họ ngộ nhận một quan điểm và được nhiều người đồng tình thì họ thường sử dụng quyền tự do để thúc đẩy ý kiến này, và tất cả những quan điểm trái chiều đều bị coi là "chống lại tự do".
 
Trong khi thực tế, chính bản thân những người dùng này đang buộc những người khác phải đồng ý với quan điểm của họ.
 
 
Created with Microsoft OneNote 2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét