Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Một ngày phỏng vấn ứng viên Assistant Professor

Một ngày phỏng vấn
Tác giả: Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Thứ Bảy, ngày 4 tháng 2 năm 2017
Hình minh họa. Nguồn: Hahien

Hôm 20/1 tôi tham dự một buổi phỏng vấn mang tính lịch sử: bổ nhiệm các Assistant Professor cho Đại học Tôn Đức Thắng. Đây là một cách làm mới ở VN, và làm hoàn toàn theo mô hình các đại học Mĩ và Úc. Qua phỏng vấn 8 ứng viên, tôi thấy VN mình có nhiều nhân tài, nhưng cái cơ chế hiện hành khó phát hiện họ.

Chuyến về VN lần này tiếng là nghỉ holiday, nhưng suốt gần 20 ngày qua, tôi chỉ làm việc! Giảng suốt 16 ngày! Làm mấy việc cho nhóm nghiên cứu, gặp gỡ vài em nghiên cứu sinh để tư vấn và cho định hướng, hoàn tất vài bản thảo, v.v. Nhưng một việc rất quan trọng là chủ trì buổi phỏng vấn để bổ nhiệm chức vụ giáo sư cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng.


Đây là đợt phỏng vấn đầu tiên sau thông báo về qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư của Trường vào giữa năm ngoái. Sau nhiều tháng chuẩn bị và hoàn thiện thủ tục, Trường đã có một số ứng viên cho chức vụ Asst Professor, Assoc Professor, và Full Professor. Và, lần này chỉ dành cho ứng viên chức vụ Asst Professor. Có 8 ứng viên được chọn cho buổi phỏng vấn, trong số đó chỉ có 1 ứng viên nữ duy nhất. Tất cả các ứng viên đều học PhD ở nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc và Đài Loan, có cả một em từ Bỉ. Một ứng viên là người Đài Loan nhưng tốt nghiệp ở Mĩ. Một số đã làm postdoc ở nước ngoài. Do đó, nói chung là họ cũng đã làm quen với văn hoá khoa học phương Tây.


Hội đồng phỏng vấn gồm 5 người, 4 là người nước ngoài (Đức, Úc), chỉ có một giáo sư từ VN. Họ là những nhà khoa học thành danh và đang giữ các chức vụ quan trọng trong đại học, nên ai cũng quen với qui trình làm việc. Nói chung là "cùng bộ lạc". Ba người phải tham dự qua Skype, nhưng cũng như ngồi trong phòng họp vì họ thấy hết phòng và nói chuyện bình thường như ở trong phòng họp. Tôi chủ toạ buổi phỏng vấn.

Hồ sơ của mỗi ứng viên đã được bình duyệt trước đó bởi 3 giáo sư trong chuyên ngành. Do đó, buổi phỏng vấn được xem là dịp để ứng viên giải thích thêm các thành quả nghiên cứu của họ và những đóng góp cho chuyên ngành và cho VN. Đó cũng là dịp họ có thể nói thêm những gì chưa được đề cập trong hồ sơ. Còn phía hội đồng thì đây là dịp chúng tôi trực tiếp nói chuyện với ứng viên, và qua đó có thêm dữ liệu cho việc đi đến quyết định bổ nhiệm. Mỗi ứng viên có 30 phút để trả lời các câu hỏi của hội đồng. Ngôn ngữ trong buổi phỏng vấn là tiếng Anh.

Trong vai trò chủ toạ, tôi phải quản lí qui trình làm việc và lặp lại qui định phỏng vấn chomỗi ứng viên. Cũng mệt, nhưng phải làm cho chuyên nghiệp và đúng thủ tục. Cứ mỗi ứng viên tôi phải đích thân ra mời, và sau khi an toạ, tôi giới thiệu các giáo sư trong hội đồng phỏng vấn. Sau đó tôi nói về qui định trong buổi phỏng vấn, chẳng hạn như câu trả lời của họ sẽ được xem xét như là chứng cứ trong quá trình đi đến quyết định bổ nhiệm. Chẳng hạn như ứng viên không được challenge hội đồng, nhưng họ có quyền phản đối nếu có ai đó hỏi câu hỏi xúc phạm hoặc không thích hợp. Tất cả các câu hỏi đều được chuẩn hoá để đảm bảo tính khách quan. Tất cả đều được ghi lại bằng video, và có sự chứng kiến của 2 quan sát viên (observer) của Trường. Nếu ứng viên ok thì tiếp tục. Ai cũng ok.

Chúng tôi làm việc đến 7 giờ tối! Mệt lã người, nhưng vì tính lịch sử của buổi phỏng vấn nên ai cũng làm việc hết sức nghiêm túc nhưng thân thiện. Ứng viên thì mỗi người một vẻ, một phong cách, rất hay. Nhớ khi một giáo sư hỏi có phải ứng viên là người "Chinese", thì lập tức ứng viên đó xác định: "No, no. I am Taiwanese". Tôi mà ngồi gần anh ấy và nếu không là Chair của buổi họp thì đã bắt tay anh ấy rồi. Có những tràng cười sảng khoái trước những câu trả lời bất ngờ và thú vị, làm cho buổi phỏng vấn bớt căng thẳng.

Tôi nghĩ rằng qua buổi làm việc các ứng viên đã có dịp tự nhìn lại mình. Họ đã nhận thức rằng cái bằng PhD chỉ mới là cái giấy thông hành để vào khoa học, chứ nó không nói lên điều gì quan trọng, càng không phải là "expert". Họ đã nhận thức được rằng làm khoa học không chỉ đơn thuần là công bố quốc tế, mà còn phải đạt nhiều "tiêu chuẩn tròn" khác, những tiêu chuẩn mà có lẽ các hội đồng khác ở VN không quan tâm. Họ còn phải chứng tỏ tiềm năng trong tương lai, tiềm năng trở thành leader. Dĩ nhiên, không có ai có thể đạt hết mọi tiêu chuẩn, nhưng đó cũng chính là điểm họ cần phấn đấu để đạt được sau khi bổ nhiệm.

Thật ra, triết lí và cũng là nguyên lí của việc bổ nhiệm chức vụ giáo sư của Trường là thưởng và tìm leader. Mục đích đầu tiên là ghi nhận và tưởng thưởng cho sự đóng góp của họ trong khoa học và cộng đồng. Mục đích thứ hai và quan trọng hơn là bổ nhiệm là hình thức giúp cho ứng viên trở nên leader trong chuyên ngành, để tạo ra một thế hệ tiếp nối cho Trường. Tôi nghĩ các ứng viên đã biết ý nghĩa này vì các thành viên trong hội đồng phỏng vấn có nhắc đến triết lí thưởng và lãnh đạo.

Nhìn chung, tất cả 8 ứng viên đều có thành tích khoa học rất tốt, thậm chí excellent. Lí do là họ đã tự lượng định theo tiêu chuẩn đã công bố. Ngoài ra, họ đã được "screened" ngay từ vòng đầu. Nhưng qua phỏng vấn chúng tôi mới phát hiện thêm những điểm mạnh của họ mà họ viết không đầy đủ. Nhưng cũng qua phỏng vấn, họ tự cảm thấy còn yếu ở một số ít "tiêu chuẩn mềm." Một vài ứng viên chưa nghĩ đến vai trò leader, có lẽ vì họ lớn lên trong xã hội và môi trường VN nên chưa quen nghĩ đến cái đó. Cá nhân tôi thì thấy các ứng viên rất ư là tiêu biểu Việt Nam: làm rất giỏi, nhưng nói ... hơi dở.

Nếu phải chọn một ứng viên để làm một ca tiêu biểu, tôi chọn em ứng viên nữ. Em này xuất hiện cuối cùng, nhưng lại là ứng viên "nổi" nhất. Từ tính khiêm tốn (dù với thành tích đáng khen), sự mạch lạc trong cách trả lời, sự tự tin vừa phải, khả năng diễn đạt bằng tiếng Anh rất tốt, đến cách trang phục đơn giản nhưng smart, em này toát lên một phong cách của một người thầy (cô) đúng nghĩa. Em này có tiềm năng leader vì có vision, có initiative và sự dấn thân vì sinh viên. Một ứng viên Đài Loan cũng thuộc nhóm có tiềm năng leader, và có thể giúp Trường về lâu dài. Nhưng các em ứng viên khác cũng đều có thành tích khoa học tốt. Thật ra, tôi có thể nói thành tích của họ không hề thua kém, thậm chí còn trội hơn, các Asst Professor bên Mĩ và Úc.

Năm hết Tết đến, tôi rất muốn đem tin vui cho các ứng viên, nhưng không thể, vì hội đồng còn đánh giá lần cuối. Vả lại, hội đồng không phải là người có tiếng nói sau cùng. Nhưng tôi thành thật chúc mừng các ứng viên, một phần là công trạng khoa học của họ, một phần là họ đã cùng chúng tôi viết một trang sử khoa bảng mới cho Trường và có lẽ cho cả đất nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét