Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử

ĐỖ KIÊN CƯỜNG
Thứ hai, 22 Tháng 9 2014 07:26

Đặt vấn đề:
Tìm về cội nguồn là nhu cầu tự thân của con người. Chính vì vậy nhiều thế hệ người Việt Nam đã cố gắng đi tìm nguồn gốc dân tộc trên nhiều góc độ như truyền thuyết, ngôn ngữ, sử sách, dân tộc học, khảo cổ… Tuy nhiên cho đến nay, chưa thấy những cố gắng tìm tòi dựa trên bằng chứng phân tử và di truyền học, cơ sở của ngành nhân chủng học phân tử. Đó là một khiếm khuyết lớn, vì theo nhà di truyền học Spencer Wells, từng lãnh đạo Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ, "cuốn lịch sử vĩ đại nhất từng được viết là cuốn ẩn giấu trong ADN của chúng ta"1. Bài viết này dùng các bằng chứng nhân chủng học phân tử trong hai mươi năm qua và phát hiện năm 2012 về nguồn gốc mới của lúa nước thuần hóa để đưa ra một giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt. Theo đó người Việt là hậu duệ của những người đã tới Việt Nam từ 45.000 - 30.000 năm trước, và cùng với các cư dân Đông Nam Á khác, họ chính là nguồn gốc chủ yếu của cư dân Đông Á.

  
Các giả thuyết về nguồn gốc người Việt:


  
Về cơ bản có hai giả thuyết chính về nguồn gốc người Việt. Đó là thuyết bản địa và thuyết thiên di.


Đại diện cho thuyết bản địa là nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn, khi từ 1960 đã cho rằng nguồn gốc người Việt là những người thuộc chủng Mã Lai cổ (mà ông gọi là Indonesien theo tiếng Pháp)2. Theo ông, họ là chủ nhân của các nền văn hóa đồ đá tại Việt Nam. Hà Văn Tấn cũng cho rằng, chủng Mã Lai cổ thuộc tiểu chủng Nam Á (Mongoloid phương Nam), xuất hiện do sự hòa huyết nhiều lần giữa đại chủng Á (Mongoloid) từ phương Bắc đi xuống với đại chủng phương Nam (Australoid). Quan điểm của ông ảnh hưởng rõ trên trang bách khoa thư mở Wikipedia tiếng Việt trên Internet. Theo đó thì lần hòa huyết thứ nhất giữa đại chủng phương Nam và đại chủng Á tạo nên chủng Mã Lai cổ, và lần hòa huyết thứ hai giữa chủng Mã Lai cổ với đại chủng Á tạo nên người Việt3.


Thuyết thiên di xem người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng hoặc Hoa Nam. Dựa trên bằng chứng ngôn ngữ, một số học giả Pháp cho rằng người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng. Như sẽ thấy ở các phần sau, giả thuyết này có tính trực giác cao và thực ra có cơ sở, nhưng không được thừa nhận do dấu ấn văn hóa Trung Á quá mờ nhạt so với dấu ấn văn hóa phương Bắc trong văn hóa Việt.



Giả thuyết nguồn gốc Bách Việt Hoa Nam được ủng hộ trên nhiều khía cạnh như truyền thuyết, thư tịch, khảo cổ… như truyền thuyết Hồng Bàng, các bộ sử thời Trần (Đại Việt sử lược), Lê (Đại Việt sử ký toàn thư), hay bộ lịch sử cổ đại Việt Nam của Đào Duy Anh, được in vào các năm 1957, 2005 và 2010. Gây chú ý gần đây là cuốn Nguồn gốc người Việt - người Mường của Tạ Đức, 2013, được tác giả tự đánh giá là "đưa ra những câu trả lời mới, đầy đủ và chi tiết hơn, nhưng về cơ bản đồng thuận với những câu trả lời đã có trong truyền thuyết Hồng Bàng và trong các công trình đã nêu"4. Theo Tạ Đức, người Mường, chủ nhân văn hóa đá mới Phùng Nguyên, có nguồn gốc từ người Mân Việt tại Phúc Kiến - Quảng Đông thiên di xuống khoảng 4.000 năm trước; còn người Việt là di dân gốc Lạc Việt từ Hồ Nam xuống Việt Nam thời đồng thau Đông Sơn 2.700 năm trước5. Và do đó người Việt và người Mường không có nguồn gốc chung, như từng được quan niệm6, cho dù tiếng Việt và tiếng Mường có thể chung một gốc. Theo Tạ Đức thì "khái niệm Việt - Mường chung chỉ là một khái niệm ngôn ngữ học và không thể chuyển sang một khái niệm dân tộc học".



Cần nhấn mạnh rằng, giả thuyết thiên di từ Hoa Nam được xem là có nền tảng vững chắc trên khía cạnh nhân chủng và khảo cổ. Về mặt nhân chủng, quan niệm truyền thống xem đại chủng Á có nguồn gốc phương Bắc, và sự thiên di xuống phía Nam góp phần tạo nên tiểu chủng Nam Á, trong đó có người Việt. Về mặt khảo cổ, bằng chứng thuần hóa lúa nước tại lưu vực sông Dương Tử 9.000 - 7.000 năm trước7 cho thấy, đây chính là nơi phát tán nông nghiệp, với các dòng thiên di liên tục xuống phía Nam. Bất cứ giả thuyết nào không phù hợp với các dòng thiên di tự nhiên này đều khó được chấp nhận. Do đó, để bác bỏ giả thuyết về nguồn gốc thiên di từ Hoa Nam của người Việt, cần bác bỏ các nền tảng nhân chủng và khảo cổ này.


  
Nhân chủng học phân tử và Thuyết rời khỏi châu Phi:



Nhân chủng học phân tử là một chuyên ngành nhân chủng chuyên dùng các phân tích phân tử và di truyền để khám phá nguồn gốc và tiến hóa loài người hay phân loại và xem xét quá trình tiến hóa của các động vật nhân hình. Nó bắt nguồn từ Thế chiến I, khi hai thầy thuốc tại thành phố Thessaloniki, Hy Lạp, nhận thấy thương binh bị tai biến truyền máu phụ thuộc vào quốc tịch. Đầu những năm 1950, nhà nghiên cứu tiền phong Cavalli-Sforza, Đại học Stanford, Mỹ, nghiên cứu sự khác biệt di truyền giữa các tộc người bằng cách khảo sát các protein đặc trưng trong các nhóm máu. Khác biệt ở protein phản ánh sự khác biệt trong bộ gien mã hóa chúng8.



Bộ gien của con người là tổ hợp của hai bộ gien từ cha và mẹ. Tuy nhiên có một số gien không bị tái tổ hợp; do đó chúng cho phép truy tìm nguồn gốc sâu xa về mặt di truyền của từng cá thể. Nói cách khác, chúng giúp vẽ được các cây phả hệ di truyền và sự tiến hóa giữa các tộc người khác nhau. Đó là ADN ty thể, do mẹ truyền cho con; và ADN nhiễm sắc thể Y, do cha truyền cho con trai. Đó là các công cụ cực kỳ hữu ích để theo dõi các dòng thiên di của loài người trong suốt tiến trình lịch sử 70.000 - 50.000 năm qua. Bằng cách theo dõi các dấu gien (genetic marker), là các đột biến ADN đặc trưng cho một nhánh cụ thể trong cây phả hệ di truyền, các nhà khoa học đã vẽ được các con đường thiên di chiếm lĩnh địa cầu của người hiện đại, với điểm gốc là Đông Bắc Phi, bắt đầu từ 70.000 - 50.000 năm trước9.



Cần nhấn mạnh hai khám phá mang tính bước ngoặt. Đó là khám phá của Cann, Stoneking và Wilson, 1987, xem toàn bộ nhân loại hiện nay là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Đông Bắc Phi 172 ngàn năm trước; và khám phá của Underhill và 22 đồng sự, 2000, xem toàn bộ nam giới hiện tại có nguồn gốc từ một người đàn ông cũng sống tại Đông Bắc Phi 59 ngàn năm trước (những công bố mới 2011 và 2013 lùi niên đại này tới 142.000 hoặc 338.000 năm trước nhưng chưa thực sự đạt được sự đồng thuận)10. Đó là nàng Eva ty thể và chàng Adam nhiễm sắc thể Y, theo cách gọi của giới truyền thông. Cần lưu ý, tại Ethiopia có nhiều Adam và Eva, nhưng chỉ Adam của Underhill và Eva của Cann mới có hậu duệ hiện còn tồn tại. Con cháu của các Adam và Eva khác đều đã tuyệt chủng. Eva của Cann và Adam của Underhill được gọi là tổ tiên chung gần nhất của loài người, theo các tiêu chí ADN ty thể và ADN nhiễm sắc thể Y.



Hình 1:Bản đồ thiên di rời khỏi châu Phi theo dấu chân những người mẹ (màu vàng) và những người cha (màu xanh)


Nhân chủng học phân tử cũng phát hiện hai làn sóng thiên di từ Đông Bắc Phi. Làn sóng thứ nhất men theo bờ Ấn Độ Dương tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trước khi tới Úc và ngược lên Bắc Á rồi sang Bắc Mỹ qua eo Bering. Những người có nước da đen, tóc quăn tại Nam Á, Đông Nam Á và các đảo Nam Thái Bình Dương là hậu duệ trực tiếp của làn sóng này. Tại Đông Nam Á, Hoa Nam và Nhật Bản, nó có phần đóng góp khoảng 20 - 30% vào vốn gien chung9 (hình 1).


Làn sóng thiên di thứ hai, với vai trò làn sóng chủ yếu, đi ngược lên Trung Cận Đông và Trung Á, trước khi lan tỏa khắp địa cầu. Trong làn sóng này có người đàn ông mang dấu gien M89, sống khoảng 45.000 năm trước tại Đông Bắc Phi hoặc Trung Đông. Hơn 90% số nam giới ngoài châu Phi hiện nay là hậu duệ của ông. Các hậu duệ của người đàn ông này đã men theo dãy Himalaya tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và cực nam Hoa Nam (cụ thể là Vân Nam và Quảng Tây, được các nhà nhân chủng học phân tử Trung Quốc xác định là nơi người hiện đại tới Trung Quốc đầu tiên) khoảng 30.000 năm trước11. Làn sóng này đóng góp khoảng 70 - 80% vào vốn gien chung của cư dân phía Đông lục địa Á - Âu, tức các vùng Đông Nam Á, Đông Á và Bắc Á9.



Để hiểu thêm về nguồn gốc người châu Á, tức đại chủng Mongoloid, cần nhấn mạnh nhóm đơn bội O3 (dấu gien M122), xuất hiện 10.000 năm trước tại cực nam Hoa Nam hoặc Đông Nam Á, trước khi Bắc tiến mạnh mẽ (nhóm đơn bội là nhóm người mang chung một dấu gien đặc trưng do đột biến di truyền, tức cùng chung một nhánh trong cây phả hệ di truyền). Hơn một nửa số đàn ông Trung Quốc mang dấu gien này, cho thấy sự Bắc tiến này là kết quả của sự lan tỏa kỹ thuật trồng lúa nước9, một điều dường như trái ngược với quan niệm truyền thống về quê hương lúa nước tại lưu vực sông Dương Tử (hình 2).




Hình 2:Bản đồ thiên di của những người cha cho thấy nguồn gốc Đông Nam Á của đại chủng Mongoloid



Nguồn gốc đại chủng Á (Mongoloid):



Carl von Linne (sau Latin hóa thành Linnaeus), nhà thực vật học Thụy Điển thế kỷ XVIII, là người đầu tiên đưa ra hệ thống phân loại cho mọi loài sinh học trên thế giới. Trong quá trình đặt tên cho hơn 12.000 loài, ông chọn cái tên Homo sapiens ("người khôn") cho loài người. Thêm nữa, khi nhìn ra toàn nhân loại trên thế giới, ông thấy dường như họ phân thành các nhóm khác nhau căn cứ theo biểu hiện bên ngoài. Do đó Linnaeus phân loại loài người thành năm nhóm chủng tộc: Afer, hay người châu Phi; Americanus, người châu Mỹ; Asiaticus, người châu Á; Europaeus, người châu Âu; và Montrosus, gồm tất cả những chủng người mà ông không thích, kể cả những chủng không có thật12.



Cách phân loại này khá giống những phân loại được dùng đến tận 20 năm trước. Chẳng hạn giữa những năm 1960, Carleton Coon, nhà nhân chủng Mỹ ủng hộ Giả thuyết tiến hóa trên nhiều vùng về nguồn gốc loài người (ngược với Thuyết rời khỏi châu Phi về nguồn gốc duy nhất tại Đông Bắc Phi), xuất bản cuốn Nguồn gốc chủng tộc, được xem là sách gối đầu giường của các sinh viên chuyên ngành nhân chủng. Trong đó Coon dùng chính cách phân loại của Linnaeus, với các chủng tộc Caucasoid (tương đương Europaeus của Linnaeus), Negroid (Afer) và Mongoloid (kết hợp Asiaticus và Americanus), cũng như thêm hai chủng tộc mới: Capoid (người Khoisan phía nam Cape châu Phi) và Australoid (thổ dân Australia và New Guinea)13.



Cho rằng cách phân loại trên thiếu tính khoa học, năm 2002, nhà nhân chủng Rich tại Đại học California, San Francisco, đưa ra cách phân loại mới dựa theo địa lý như sau: 1) Người Phi, gồm cả người châu Mỹ gốc Phi; 2) Người Âu, là người phía tây lục địa Á - Âu (châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi và tiểu lục địa Ấn Độ (Ấn Độ và Pakistan)); 3) Người Á, là người phía Đông lục địa Á - Âu (Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Dương, Philippines và Siberia); 4) Người quần đảo Thái Bình Dương, gồm thổ dân Úc và người New Guinea, Melanesia và Micronesia; và 5) Người Mỹ bản địa, kể cả tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ14. Tuy nhiên cách phân loại của Coon vẫn được dùng rộng rãi trong nhân chủng học.



Khi đặt tên người châu Á là Mongoloid, tức "giống người Mông Cổ", vào năm 1775, có lẽ các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn đã ám ảnh Blumenback, Đại học Gottingen, Đức15. Và sự ám ảnh đó đã gieo vào tâm thức cộng đồng khoa học rằng, đại chủng Mongoloid phát tích từ Bắc Á, trước khi tràn xuống phía nam, góp phần tạo thành tiểu chủng Mongoloid phương Nam (qua nhiều lần hòa huyết với đại chủng phương Nam Australoid). Cho đến cuối thế kỷ XX, quan điểm này đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng khoa học, nhất là khi nó phù hợp với quan niệm về sự lan tỏa nông nghiệp từ các lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử tại Trung Quốc.



Quan điểm truyền thống đó bị thách thức vào năm 1998, khi Chu, Viện sinh học y khoa thuộc Viện hàn lâm y học Trung Quốc tại Côn Minh, cùng 13 nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ công bố công trình Quan hệ di truyền của cư dân Trung Quốc trên tạp chí Kỷ yếu Viện hàn lâm khoa học Mỹ PNAS ngày 29/09/1998. Nghiên cứu trên 28 nhóm cư dân Trung Quốc thuộc nhiều ngữ hệ khác nhau (Hán - Tạng, Tạng - Miến, Mon - Khmer, Hmong - Miên, Daic, Altaic và Nam Đảo), các tác giả nhận thấy, "cư dân Đông Á là đích đến của nhiều nguồn gien: Đông Nam Á, Altai từ Đông Bắc Á, Trung Á và châu Âu". Căn cứ theo tỷ lệ đóng góp, Chu và đồng sự kết luận, "phát sinh chủng loại cũng giả định rằng, nhiều khả năng hơn cả là cư dân Đông Á đến từ Đông Nam Á"16. Cần lưu ý một điểm quan trọng, trước năm 2000, làn sóng thiên di thứ hai từ châu Phi chưa được công nhận chính thức, nên các nhà nhân chủng học phân tử đều xem người Đông Á có nguồn gốc từ những người đến Đông Nam Á qua làn sóng thiên di thứ nhất (men theo bờ Ấn Độ Dương). Tuy nhiên đến nay thì họ đã biết con đường này chỉ đóng góp không quá 20 - 30% vào vốn gien của người Đông Á mà thôi.



Mười một năm sau, Tổ chức bộ gien người HUGO (Human Genome Organisation) đã công bố công trình mang tính bước ngoặt Vẽ bản đồ đa dạng di truyền người châu Á trên tạp chí Science danh tiếng ngày 11/12/2009. Nghiên cứu chi tiết trên 64.794 kiểu biến thiên hình thái gien của 1928 người thuộc 73 sắc dân khắp châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á (để so sánh), các nhà khoa học quốc tế của HUGO kết luận, hơn 90% thể đơn bội gien người Đông Á tìm thấy ở người Đông Nam Á hoặc người Nam Trung Á, và sự đa dạng giảm dần từ phía Nam lên phía Bắc. Ngoài ra, 50% thể đơn bội chỉ tìm thấy ở người Đông Nam Á và 5% chỉ tìm thấy ở người Nam Trung Á cho thấy, người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á17. Công trình này là một bước tiến lớn so với công trình của Chu và đồng sự 11 năm trước, khi định lượng hóa được phần đóng góp của dòng gien Đông Nam Á đối với vốn gien tại Đông Á (khoảng 80 - 90%). Nói cách khác, các bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, đại chủng Mongoloid được hình thành tại Đông Nam Á, điều hoàn toàn ngược với quan niệm truyền thống về nguồn gốc phương Bắc của đại chủng này. (Công bố của HUGO năm 2009 từng được các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam đăng tải rộng rãi; tuy nhiên ý nghĩa của nó không được các nhà nhân chủng học nước ta chú ý).



Nguồn gốc Đông Nam Á của chủng Mongoloid càng được khẳng định qua nghiên cứu so sánh kiểu răng của người phía Nam và người phía Bắc vùng Đông Á. Nhiều sắc người trên thế giới, như người Phi vùng hạ Sahara hay người Âu, vẫn giữ nguyên kiểu răng của người thiên di lúc mới rời châu Phi. Nhưng cư dân Đông Nam Á, Đa Đảo, Úc, Hoa Nam và Nhật Bản cổ đã phát triển một kiểu răng hoàn toàn khác, được gọi là kiểu Sunda (tên gọi của lục địa Đông Nam Á cuối kỷ băng hà cực đại 22.000 - 15.000 năm trước, khi mực nước biển thấp hơn hàng trăm mét so với hiện nay). Kiểu răng thứ ba, phát triển từ kiểu Sunda, với tên gọi kiểu Trung Hoa, thuộc về cư dân Hoa Bắc, Nhật Bản hiện đại và các tộc thiểu số tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ18. Nói cách khác, chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.



Vậy người Mongoloid hoàn chỉnh xuất hiện trong khoảng thời gian nào? Các bằng chứng khảo cổ cho thấy sọ Mongoloid điển hình chỉ xuất hiện khoảng 10.000 năm trước. Theo nhà cổ nhân chủng học Klein, Đại học Chicago, 1999, "phần lớn sọ người hiện đại ban đầu không có các đặc trưng khác biệt như bất cứ chủng tộc hiện đại nào; và dường như các chủng tộc hiện nay hình thành chủ yếu trong kỷ Toàn Tân, sau giai đoạn 12.000 - 10.000 năm trước. Điều đó đặc biệt rõ ràng với vùng Đông Á (trái tim của các chủng Mongoloid), nhưng cũng đúng với châu Âu (đất mẹ của người Caucasoid)"19.



Cần nhấn mạnh rằng, quan niệm của Klein rất phù hợp với phát hiện mới về thuần hóa lúa nước khoảng 10.000 năm trước (sẽ trình bày dưới đây) và sự thiên di từ phía Nam lên phía Bắc của nhóm đơn bội O3 (với dấu gien M122, cũng xuất hiện khoảng 10.000 năm trước) đặc trưng cho người Hán (xem hình 2).



Đó là những kết luận gây sốc thực sự đối với quan niệm thiên di từ Bắc xuống Nam truyền thống tại Đông Á, đến mức nhiều nhà nhân chủng học kịch liệt phản đối. Họ dẫn ra bằng chứng khảo cổ về sự thuần hóa lúa nước tại lưu vực Dương Tử khoảng 9.000 - 7.000 năm trước để bác bỏ. Lịch sử nhân loại cho thấy, chỉ có sự thiên di từ các vùng nông nghiệp đầu tiên lan tỏa ra xung quanh, chứ không có sự thiên di theo hướng ngược lại. Vùng Lưỡi liềm phì nhiêu Trung Cận Đông là minh họa điển hình cho xu hướng thiên di tự nhiên đó; và do đó lưu vực Dương Tử cũng không thể là ngoại lệ. Mâu thuẫn giữa dòng gien và sự lan tỏa nông nghiệp được giải quyết như thế nào?


Sự thuần hóa lúa nước:
Quan điểm truyền thống xem lưu vực Dương Tử, ranh giới tự nhiên giữa Hoa Bắc và Hoa Nam, là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới khoảng 9.000 - 7.000 năm trước. Quan điểm đó dựa trên những bằng chứng khảo cổ không thể bác bỏ.


Năm 2006, trên PNAS, Londo và bốn nhà khoa học tại ba trường đại học Mỹ và Đài Loan cho rằng, phân bố chủng loại của giống lúa dại Oryza rufipogon châu Á cho thấy, lúa nuôi cấy Oryza sativa được thuần hóa nhiều lần, trong đó giống Oryza japonica được thuần hóa tại Hoa Nam, còn giống Oryza indica được thuần hóa tại Đông Ấn và Đông Nam Á, chủ yếu từ các giống lúa dại Đông Dương20.



Tuy nhiên vào năm 2011, cũng trên PNAS, Molina và đồng sự đưa ra chứng cứ phân tử cho thấy lúa nước chỉ được thuần hóa một lần khoảng 13.500 hoặc 8.200 năm trước, tùy theo phương pháp xử lý số liệu được sử dụng. Đó là giống Oryza japonica. Và sau đó giống Oryza japonica mới được lai ghép với các giống lúa dại địa phương để tạo ra giống Oryza indica và giống lúa thơm Aus. Các tác giả cũng cho rằng, có thể giống lúa dại Oryza rufipogon tại Ấn Độ hoặc Đông Dương là tiền thân của lúa nước thuần hóa21. Nói cách khác, nghiên cứu này cũng gián tiếp ủng hộ giả thuyết lưu vực Dương Tử là quê hương của nền nông nghiệp lúa nước.



Khám phá mang tính cách mạng về nguồn gốc lúa nước thuần hóa được công bố một năm sau đó. Ngày 25/10/2012, trên tạp chí Nature danh tiếng, các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản so sánh sự biến thiên bộ gien của lúa nước nuôi cấy với các giống lúa dại tại châu Á và kết luận, lưu vực Tây Giang thuộc Quảng Tây, chủ lưu của sông Châu chảy ra biển tại Quảng Đông, chính là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới22.



Với khám phá này, sự mâu thuẫn giữa dòng gien (từ Nam lên Bắc) và sự lan tỏa nông nghiệp (từng được xem là từ lưu vực Dương Tử đi xuống Đông Nam Á) đã được giải quyết. Cần nhấn mạnh rằng, ba sự kiện quan trọng nhất thời tiền sử phía Đông lục địa Á - Âu (xuất hiện người Mongoloid hoàn chỉnh, thuần hóa lúa nước và dòng thiên di hướng lên phía Bắc) đều có cùng niên đại (khoảng 10.000 năm trước) và cùng vị trí địa lý (Đông Nam Á và cực nam Hoa Nam). Điều đó chứng tỏ, dòng gien từ phía Nam hướng lên lưu vực Dương Tử và Hoa Bắc chính là dòng thiên di của những người nông dân Mongoloid đầu tiên.


  
Người Việt cổ thiên di tới Việt Nam như thế nào?

Theo dấu chân thiên di của những người mẹ, để tìm hiểu nguồn gốc người Việt, cần lưu ý các nhóm đơn bội như sau (hình 1): Đầu tiên là nhóm đơn bội M thuộc làn sóng thiên di thứ nhất, được xem là những người đầu tiên tới Đông Nam Á bằng cách men theo bờ Ấn Độ Dương. Tại Hoa Nam và Nhật Bản, nhóm này chiếm 15% vốn gien phụ nữ. Tại Việt Nam, có lẽ nhóm này cũng có tỷ lệ không nhỏ hơn 15%. Tiếp theo là nhóm đơn bội D, tách ra khỏi nhóm đơn bội M và đi ngược lên Trung Á trước khi đông tiến. Tại Bắc Á, nó chiếm tỷ lệ hơn 20% vốn gien những người mẹ; còn tại Đông Nam Á, tỷ lệ cũng đạt tới 17%. Thứ ba là nhóm đơn bội B, thuộc làn sóng thiên di thứ hai. Nó chiếm khoảng 20% vốn gien tại Trung Quốc và 17% tại Đông Nam Á. Hậu duệ của nhóm này, nhóm đơn bội con B4 (cùng một số nhóm khác), đã từ Đông Nam Á tràn ra vùng Đa Đảo ngoài Thái Bình Dương khoảng 5.000 năm trước. Cuối cùng là nhóm đơn bội F, xuất hiện tại Trung Á khoảng 45.000 năm trước, cũng thuộc làn sóng thiên di thứ hai. Các thành viên của nhóm tràn tới Đông Nam Á và cực nam Hoa Nam khoảng 30.000 năm trước. Hiện nhóm chiếm hơn 25% vốn gien phụ nữ tại Đông Nam Á. Tại Việt Nam, nhóm có sự biến đổi chuỗi ADN lớn nhất, cho thấy đây chính là nơi họ đặt chân tới đầu tiên. Để tìm hiểu nguồn gốc người Việt, bên cạnh dấu chân của những người mẹ, cần dõi theo bước chân của những người cha như sau (hình 2): Trước tiên là nhóm đơn bội C, với dấu gien đặc trưng M130, xuất hiện tại Đông Bắc Phi hoặc Nam Á khoảng 50.000 năm trước, thuộc làn sóng thiên di thứ nhất. Nhóm này tương ứng với nhóm đơn bội M theo đường mẹ. Nhóm tới Đông Nam Á, xuôi về nam tới Úc, ngược lên bắc tới Hoa Bắc, Nhật Bản và Siberia trước khi tràn sang Bắc Mỹ. Kèm theo là nhóm đơn bội D (dấu gien M174), cũng tới Đông Nam Á rồi lên Nhật Bản, vào Mông Cổ và tràn xuống Tây Tạng. Tiếp theo là nhóm đơn bội O (dấu gien M175) thuộc làn sóng thiên di thứ hai. Xuất hiện tại Trung Á hoặc Đông Á khoảng 35.000 năm trước, nhóm này đông tiến mạnh mẽ, tạo thành nhóm chủ yếu tại phía đông lục địa Á - Âu. Từ nhóm này, khoảng 30.000 năm trước, xuất hiện nhóm đơn bội O1a (dấu gien M119) tại cực nam Hoa Nam hoặc Đông Nam Á. Sau đó họ tỏa ra khắp Đông Nam Á, nam Hoa Nam và Đài Loan. Có lẽ nhóm này tương ứng với nhóm đơn bội F của những người mẹ.

  
Di truyền học của người Việt Nam:

Với vị trí địa lý liền kề nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới (sông Bằng tại Cao Bằng và sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn đều là chi lưu của Tây Giang), rất khó hiểu nếu người Việt cổ không tham gia vào ba sự kiện chính yếu nói trên (xuất hiện đại chủng Á, thuần hóa lúa nước và Bắc tiến). Vậy những nghiên cứu về di truyền có khẳng định người Việt là những cư dân đã cư ngụ lâu đời tại vùng phát tích đại chủng Mongoloid hay không?


Ngay từ 1992, khi nghiên cứu ADN ty thể của nhiều sắc dân châu Á (trong đó có người Việt, người Hoa tại ven biển Hoa Nam và Đài Loan, và người Nhật), nhà nghiên cứu Ballinger, Đại học Emory, Mỹ, đã kết luận, sự đa dạng ADN ty thể lớn nhất và tần suất xuất hiện cao nhất của một hình thái gien HpaI/HincII tại Việt Nam dẫn tới giả thuyết nguồn gốc Mongoloid phương Nam của người châu Á23. Nói cách khác, trong số những người được nghiên cứu, do có sự đa dạng di truyền cao nhất, nên người Việt nằm gần gốc cây phả hệ di truyền hơn so với người Hoa Nam và người Đông Bắc Á. Tại thời điểm công bố, nghiên cứu này không những không được đánh giá cao, mà còn bị xem là một kết luận lạc dòng chính thống, khi giả định đại chủng Á có nguồn gốc phương Nam.



Năm 2002, khi nghiên cứu 84 người Hoa Bắc tại Tây An, 82 người Hoa Nam tại Trường Sa, 89 người Nhật và 35 người Việt Nam, nhà nghiên cứu Nhật Hiroki Oota, Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck, Đức, nhận thấy, các cư dân châu Á có sự biến thiên ADN ty thể cao, trong đó người Việt có sự biến thiên cao nhất. Tuy nhiên, khoảng cách di truyền giữa các tộc người châu Á nói chung là nhỏ. Và sự gần gũi về mặt di truyền đó được giải thích bằng sự lan tỏa của nông nghiệp24. Nói cách khác, nghiên cứu này cho thấy, so với người Hoa Nam và Hoa Bắc, người Việt nằm gần gốc của cây phả hệ di truyền hơn; và  sự lan tỏa của lúa nước không phải từ Bắc xuống Nam, mà từ Nam lên Bắc! Đó cũng là một kết luận từng bị xem ngược dòng chính thống, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với khám phá năm 2012 về nguồn gốc mới của lúa nước thuần hóa.



Tuy những nghiên cứu phân tử và di truyền về người Việt còn tương đối ít, nhưng cũng có thể kết luận sơ bộ rằng, người Việt có nguồn gốc từ những người cổ đã cư ngụ lâu đời tại Việt Nam và họ thuộc nhóm những người đầu tiên thiên di tới Đông Nam Á. Và chỉ những nghiên cứu sau này mới có thể vẽ được bức tranh hoàn chỉnh hơn về nguồn gốc thực sự của người Việt.


  
Gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau:

Chỉ đứng sau các bằng chứng di truyền học, ngôn ngữ có vai trò thiết yếu trong việc phân loại các tộc người và theo dõi sự tiến hóa của các nhóm cư dân gần gũi nhau về mặt nhân chủng. Điều đó đã được khẳng định sau các công trình của nhà ngữ học tài năng dị thường Josep H. Greenberg (vốn được đào tạo về nhân chủng học xã hội) và nhà di truyền học tiền phong Cavalli-Sforza, cùng tại Đại học Stanford. Trước khi mất năm 2001 ở độ tuổi 86, Greenberg đã phân loại các ngôn ngữ trên toàn thế giới thành 14 ngữ hệ chính, ngoại trừ các ngôn ngữ Đông Nam Á (khi đồng nghiệp tới thăm trên giường bệnh, ông nói trong nước mắt rằng, điều đó khiến cho công trình ngôn ngữ thế giới của ông không thể hoàn thành25). Ông cũng đưa ra siêu ngữ hệ Á - Âu, cho phép tìm sự liên quan giữa các ngôn ngữ rất xa nhau, chẳng hạn tiếng Anh và tiếng Nhật. Các nhà ngôn ngữ không ủng hộ ông cho đến khi Cavalli-Sforza chứng tỏ rằng, các ngữ hệ chính của Greenberg hoàn toàn phù hợp với phân loại các chủng tộc trong nhân chủng học phân tử26 và với các bằng chứng khảo cổ27. Theo Cavalli-Sforza, gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau.


Tại sao gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau? Theo nhà tâm lý học tiến hóa Dunbar, Đại học Liverpool, ngoài chức năng thực hiện và chuyển tải tư duy và truyền thông kinh điển, ngôn ngữ còn nhiều chức năng khác như chức năng kết nối các cá nhân trong một nhóm xã hội ngày càng lớn, chức năng giới tính (hấp dẫn bạn tình bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm) hay chức năng bảo vệ. Do các nhóm săn bắt - hái lượm có quy mô không thể quá vài trăm cá thể, nên việc kiểm soát nhân số là vấn đề cốt tử. Và ngôn ngữ là phương tiện hữu hiệu cho phép phát hiện một kẻ không mời khi người đó vừa mở miệng. Đó là lý do có rất nhiều ngữ giọng khác nhau, cho phép phân biệt thậm chí các nhóm người nói cùng một ngôn ngữ. (Sự đồng tiến hóa của gien và ngôn ngữ cũng cho thấy, kết luận của Tạ Đức về tiếng Việt - Mường chung không đi kèm với người Việt - Mường chung có lẽ không đúng sự thật).



Điều đó dẫn tới các vùng ngôn ngữ lan tỏa và các vùng khảm ngôn ngữ. Nước Mỹ rộng lớn chỉ nói một ngôn ngữ; còn New Guinea, diện tích nhỏ hơn nhiều, nhưng có tới 1.200 ngôn ngữ. Các nhà ngữ học gọi vùng đủ rộng chủ yếu chỉ nói một ngôn ngữ là vùng lan tỏa; còn vùng phân chia thành nhiều vùng nhỏ, mỗi vùng đều có ngôn ngữ riêng, là vùng khảm. Các yếu tố biến vùng lan tỏa thành vùng khảm và ngược lại cũng chính là các yếu tố sắp xếp lịch sử và văn hóa. Khi vùng lan tỏa vỡ vụn thành vùng khảm, điều gì thúc đẩy vùng khảm biến đổi ngược lại? Có ba khả năng là thảm họa tự nhiên, sự xuất hiện của nông nghiệp và chiến tranh. Liên quan với nguồn gốc người Việt, hãy xem xét ảnh hưởng của cuộc cách mạng nông nghiệp lên sự tiến hóa ngôn ngữ.



Các nhà khảo cổ Renfrew, Đại học Cambridge, Bellwood, Đại học quốc gia Úc tại Canberra, và nhà địa sinh học Diamond (tác giả bộ ba cuốn sách nổi tiếng Loài tinh tinh thứ ba; Súng, thép và vi trùng; và Sụp đổ; chúng đều đã được dịch ra tiếng Việt) cho rằng, từ các trung tâm phát tích nông nghiệp, những người nông dân sẽ lan tỏa ra xung quanh, mang theo ngôn ngữ của họ, do đó làm xuất hiện các vùng ngôn ngữ lan tỏa28. Chẳng hạn vùng Lưỡi liềm phì nhiêu Cận Đông là nơi phát sinh ít nhất hai đại ngữ hệ, hệ Ấn - Âu và hệ Á - Phi. Và vùng thuần hóa lúa nước đầu tiên phía Đông lục địa Á - Âu cũng là nơi lan tỏa không ít hơn bốn ngữ hệ. Đầu tiên, những người nói tiếng Nam Á, bao gồm 150 ngôn ngữ, như tiếng Việt và tiếng Khmer, lan tỏa khắp Đông Nam Á (và có thể một phần Hoa Nam). Theo chân họ là những nông dân nói tiếng Tày - Thái, như tiếng Lào và tiếng Thái. Làn sóng thứ ba là những người nói tiếng Hán - Tạng. Thứ tư là những người thuộc ngữ hệ phương Nam, tới Đài Loan 5.000 năm trước. Họ dong thuyền tới vùng Đa Đảo, và cuối cùng đặt chân tới New Zealand vào năm 1.200 CN. Tuy sai về vị trí địa lý (lưu vực Tây Giang chứ không phải lưu vực Dương Tử), nhưng trực giác đã cho phép Diamond và Bellwood đưa ra trình tự các làn sóng lan tỏa ngôn ngữ hoàn toàn phù hợp với những phát hiện về nhân chủng học phân tử và về nơi thuần hóa lúa nước gần mười năm sau.


  
Tiếng Việt lưu giữ được tiếng vọng của ngôn ngữ nguyên thủy 50.000 năm trước?



Như đã trình bày, gien và ngôn ngữ tiến hóa cùng nhau. Với hệ gien, khoa học có thể xác định được tuổi của các dấu gien (nhờ các "đồng hồ phân tử", là thời gian trung bình để xuất hiện một đột biến gien được di truyền cho thế hệ sau), do đó xác định được các con đường thiên di theo địa lý và theo thời gian. Tuy nhiên, giới ngữ học thiếu các phương pháp hữu hiệu để xác định tuổi của một ngôn ngữ. Một tiếp cận là đánh giá tốc độ thay đổi trong một ngữ hệ bằng cách phân tích sự tương tự trong từ vựng của hai ngôn ngữ, chẳng hạn đánh giá phần trăm các từ đồng âm mà hai nguôn ngữ cùng có (các từ đồng âm có chung một gốc, chẳng hạn apple (quả táo) trong tiếng Anh đồng âm với Apfel trong tiếng Đức, nhưng không đồng âm với pomme trong tiếng Pháp).



Để so sánh, các nhà ngữ học dùng danh sách Swadesd, tên nhà khoa học phát minh ra phương pháp. Danh sách này bao gồm 100 từ ít chịu tác động của những biến động ngôn ngữ, như các từ về con số hay bộ phận cơ thể. Khi so sánh hai ngôn ngữ với nhau, nhà ngữ học xem xét tỷ lệ đồng âm của các từ trong danh sách, tỷ lệ đồng âm càng thấp thì hai ngôn ngữ càng xa cách nhau về mặt thời gian. Chẳng hạn tỷ lệ 5% tương ứng với thời gian chia tách 10.000 năm trước; trong khi tỷ lệ 86% tương ứng với chỉ 500 năm. Dùng phương pháp này, giới ngữ học tính được thời điểm các ngôn ngữ Ấn - Âu bắt đầu chia tách khỏi ngôn ngữ nguyên thủy khoảng 8.700 năm trước, phù hợp với giả thuyết của Diamond và Bellwood về sự thiên di của những người nông dân đầu tiên tại vùng Lưỡi liềm phì nhiêu29.



Với giới hạn xác định tuổi của ngôn ngữ không quá 10.000 năm trước, liệu các nhà ngữ học có thể khôi phục được tiếng nói của những người thiên di đầu tiên rời khỏi châu Phi hay không? Trong khi đa số giới nghiên cứu xem đó là điều bất khả thi thì Greenberg không nghĩ như vậy. Chính sự tồn tại của danh sách Swadesh cho thấy, một số từ có thể ít thay đổi hơn các từ khác. Theo nhà sinh học tiến hóa Pagel, trong tiếng Anh, các từ như mới, lưỡi, ở đâu, cái gì có thể có thời gian bán hủy (thời gian thay đổi một nửa) lớn hơn 13.000 năm. Bảy từ - tôi, chúng ta, ai, hai, ba, bốn, năm - còn ít thay đổi hơn nữa. Từ một có thời gian bán hủy 21.000 năm. Điều đó có nghĩa, nó có khả năng 22% không thay đổi sau 50.000 năm!



Trong một bài giảng năm 1977, Greenberg cho rằng, ông tìm thấy một từ có thể là tiếng vọng của tiếng mẹ đẻ ban đầu từ 50.000 năm trước của cả loài người. Đó là nhóm các từ đồng âm dựa trên tập các ý tưởng một/ngón tay/chỉ và được dẫn xuất từ gốc *tik (dấu * ứng với tiền tố). Greenberg nói rằng, ông tìm thấy các đồng âm của *tik ít nhất trong một ngôn ngữ của mọi ngữ hệ trong cách phân loại của ông.



Chẳng hạn trong siêu ngữ hệ Á - Âu (theo phân loại của Greenberg), các từ kiểu *tik trải từ digital trong tiếng Anh và daktulos trong tiếng Hy Lạp cho tới tiqik trong tiếng Eskimo. Chúng đều có nghĩa là "ngón trỏ". Trong ngữ hệ Nile - Sahara, nhiều ngôn ngữ có cấu trúc t-k để chỉ từ "một". Trong các ngôn ngữ Amerind của thổ dân châu Mỹ, cũng có nhiều từ cấu trúc kiểu "tik" để chỉ "ngón tay" hay "một mình". Vậy trong ngữ hệ Nam Á có cấu trúc nguyên thủy đó hay không? Câu trả lời là có: tiếng Khmer có từ "tai" để chỉ "bàn tay"; còn trong tiếng Việt thì đó chính là "tay"!



Và như vậy theo nhà ngôn ngữ mà tài năng được đánh giá là dị thường, tiếng Việt có thể là một trong những ngôn ngữ cổ nhất phía Đông lục địa Á - Âu, khi còn giữ được những vang vọng mơ hồ của tiếng nói chung của cả loài người từ 50.000 năm trước?



Giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt:


  
Từ những bằng chứng về nhân chủng học phân tử, về nguồn gốc đại chủng Mongoloid và về nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên, cũng như giả thuyết Greenberg về tiếng vọng của ngôn ngữ nguyên thủy, xin đưa ra một giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt như sau. Khoảng 45.000 năm trước, người hiện đại với nước da đen nguyên thủy đã tới Việt Nam theo làn sóng thiên di thứ nhất; họ góp khoảng 20% vào vốn gien người Việt hiện tại. Khoảng 30.000 năm trước, những người thiên di thuộc làn sóng thứ hai men theo rặng Himalaya để tới Bắc Việt Nam và nhiều nơi khác tại Đông Nam Á, cũng như Vân Nam và Quảng Tây (nơi xuất hiện người hiện đại đầu tiên tại Trung Quốc). Họ có phần đóng góp khoảng 80% trong vốn gien người Việt hiện nay. Qua quá trình tiến hóa lâu dài khoảng 35.000 - 20.000 năm, màu da và hình thái của họ dần biến đổi để trở thành người nguyên Mongoloid (Proto-Mongoloid). Có lẽ người Việt cổ tại Cao Bằng và Lạng Sơn không phải là những người thuần hóa lúa nước đầu tiên khoảng 10.000 năm trước, nhưng do cùng nằm trong lưu vực Tây Giang, nên họ học được rất nhanh kỹ thuật tiên tiến đó. Và cùng cộng đồng Mongoloid mới hình thành trong một khu vực trải rộng từ cực nam Hoa Nam tới Đông Nam Á, người Việt cổ cũng có thể góp phần vào làn sóng Bắc tiến của các cư dân nông nghiệp, hình thành nên cộng đồng Đông Á ngày càng đông đúc. Các dòng gien đi từ Hoa Nam lên Hoa Bắc bắt đầu từ 10.000 năm trước (khám phá của các nhà khoa học tại Đại học Fudan Thượng Hải trong Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ) là bằng chứng xác thực của sự lan tỏa đó (hình 2). Có sự đa dạng di truyền lớn nhất trong các cư dân Đông Nam Á và Đông Á, người Việt chính là những cư dân đầu tiên đặt chân tới vùng phát tích đại chủng Mongoloid này.



Giả thuyết này cho thấy, quan niệm người Việt bắt nguồn từ người Bách Việt phía nam  Dương Tử có lẽ sai sự thật. Theo quan niệm đó thì người Việt không thể có sự đa dạng di truyền lớn hơn so với người Hoa Nam ven biển và người Hoa Nam tại Trường Sa, như các nghiên cứu của Đại học Emory, Mỹ, và Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck, Đức, đã chứng tỏ. Cần nhấn mạnh rằng, quá trình Nam tiến chỉ xẩy ra mạnh mẽ sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc năm 221 trước CN, đặc biệt sau khi nhà Hán thay thế nhà Tần. Các nhà khoa học Đại học Fudan cũng nhận thấy ba làn sóng chính trong các thời kỳ 265 - 316, 618 - 907 và 1127 -  1279 CN, do chiến tranh và nạn đói (hình 3)30. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa thấy bằng chứng nhân chủng học phân tử ủng hộ sự thiên di của các tộc người ngữ hệ Nam Á từ ven biển Hoa Nam xuống Việt Nam 4.000 năm trước, cũng như từ giữa Hoa Nam xuống Việt Nam 2.700 năm trước, như Tạ Đức giả thuyết.



Trong lúc chưa có bằng chứng phân tử và di truyền về các dòng thiên di như vậy, có lẽ nên xem xét sự tương đồng về văn hóa vật thể và phi vật thể giữa Hoa Nam và Việt Nam thời văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn chủ yếu trên các khía cạnh giao lưu và tiếp biến văn hóa. Sự đa dạng di truyền của người Việt lớn hơn của người Hoa Nam và Hoa Bắc, bao gồm cả các tộc ít người, cũng cho thấy, sự hòa huyết giữa người phương Bắc và người Việt chỉ góp một phần nhỏ vào vốn gien người Việt hiện đại và có lẽ chỉ xẩy ra từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất, sau khi An Dương Vương mất nước năm 179 trước CN. Theo cách nói của Trần Trọng Kim thì sau khi lập nước Nam Việt, Triệu Đà đã "đem văn minh nước Tàu sang truyền bá ở phương Nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn minh ấy"31.


  
Hình 3:Bản đồ các làn sóng Nam tiến của người Hoa


  
Kết luận:


1. Ngược với quan niệm truyền thống về nguồn gốc phương Bắc, đại chủng Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện khoảng 10.000 trước tại cực nam Hoa Nam và Đông Nam Á. Các bằng chứng di truyền học và kiểu răng cũng cho thấy, chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.

2. Không phải lưu vực Dương Tử là nơi phát tích nông nghiệp, mà cực nam Hoa Nam (lưu vực Tây Giang, Quảng Tây) mới là nơi thuần hóa lúa nước đầu tiên trên thế giới, cũng khoảng 10.000 năm trước.

3. Sự thiên di của những người nông dân trồng lúa nước từ Nam lên Bắc phù hợp với sự lan tỏa các dấu gien tại Trung Quốc, như các nhà khoa học tại Đại học Fudan, Thượng Hải, trong Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ 2005 - 2010, và Tổ chức bộ gien người HUGO 2009, đã chứng tỏ.

4. Bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, người Việt có sự đa dạng di truyền lớn nhất trong số cư dân Đông Nam Á và Đông Á, chứng tỏ họ thuộc về nhóm cư dân lâu đời nhất trên vùng đất rộng lớn này.

5. Không có bằng chứng nhân chủng học phân tử cho giả thuyết người Việt có nguồn gốc từ những người thiên di phương Bắc thời văn hóa Đông Sơn. Có lẽ sự hòa huyết giữa người bản địa và người thiên di chỉ xẩy ra rõ rệt từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất.

6. Trong lúc chờ đợi bằng chứng nhân chủng học phân tử về sự thiên di của người Bách Việt Hoa Nam, cần xem xét sự tương đồng về văn hóa vật thể và phi vật thể giữa Hoa Nam và Việt Nam thời văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn chủ yếu trên các khía cạnh giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Tài liệu tham khảo:

1. Wells S, Available online at: genographic/nationalgeographic.com/About; Retrieved on June 1rst, 2014
2. Hà Văn Tấn (1998), Theo dấu các văn hóa cổ, NXB Xã hội, trang 335-401
3. Nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, Trên trang mạng: vi.wikipedia.org/wiki/Nguồn_gốc_các_ dân_ tộc_Việt_Nam; Truy cập ngày 01/06/2014
4. Tạ Đức (2013), Nguồn gốc người Việt - người Mường, NXB Tri thức, trang 13
5. Tạ Đức (2013), sđd, trang 394
6. Hà Văn Tấn (1998), sđd, trang 753-765
7. Fuller DQ, Qin L (2010), Declining oaks, increasing artistry, and cultivating rice: The environmental and social context of the emergence of farming in the Lower Yangtze Region, Environmental Archaeology, 15(2): 139-159
8. Stix G (2008), Traces of a distant past, Scientific American, 299(1): 38-45
9. Wells S (2007), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, National Geographic Society
10. Y-chromosomal Adam, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Y-Chromosomal_Adam; Retrieved on May 30th, 2014
11. DeSalle R, Tattersall I (2008), Human Origins: What Bones and Genomes Tell Us About Ourselves, Texas A & M University Press, p152
12. Carl Linnaeus, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Carl_Linnaeus; Retrieved on August 9th, 2008
13. Carleton S. Coon, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Carlleton_S._Coon; Retrieved on August 9th, 2008
14. Neil Rich, et al, Categorization of humans in biomedical research: genes, races and disease, Available online at: genomebiology.com/2002/3/7/comment/2007; Retrieved on August 9th, 2008
15. Mongoloid, Available online at: en.wikipedia.org/wiki/Mongoloid; Retrieved on August 9th, 2008 & May 30th, 2014
16. Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768
17. The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545
18. Wade N (2006), Before the Dawn: Recovering the Lost History of Our Ancestors, Penguin Press, pp 119-122
19. Klein RG (1999), The Human Career: the Biological and Cultural Basis of Human, 2nd edition, University of Chicago Press, p502
20. Londo JP, et al (2006), Phylogeography of Asian wild rice, Oryza rufipogon, reveals multiple independent domestications of cultivated rice, Oryza sativa, PNAS, 103(25): 9578-9583
21. Molina J, et al (2011), Molecular evidence for a single evoluationary origin of domesticated rice, PNAS, 108(20): 8351-8356
22. Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501
23. Ballinger SW, et al (1992), Southeast Asian mitochondrial DNA analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migrations, Genetics, 130(1): 139-152
24. Oota H, et al (2002), Extreme mtDNA homogeneity in continental Asia populations, American Journal of Physical Anthropology, 118(2): 146-153
25. Wade N (2006), Ibid, p131
26. Cavalli-Sforza LL, et al (1992), Coevolution of genes and languages revisited, PNAS, 89(12): 5620-5624
27. Cavalli-Sforza LL, et al (1988), Recontruction of human evolution: Bringing together genetic, archaeological, and linguistic data, PNAS, 85(16): 6002-6006
28. Diamond J, Bellwood P (2003), Farmers and their languages: The first expansions, Science, 300(5619): 597-603
29. Wade N (2006), Ibid, pp 211-218
30. Bo W, et al (2004), Genetic evidence supports demic diffusion of Han culture, Nature, 431(7006): 302-305
31. Trần Trọng Kim (2003), Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng, trang 30


Phê bình bài "Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử" của tiến sỹ Đỗ Kiên Cường

HÀ VĂN THÙY
Thứ tư, 15 Tháng 10 2014 16:29


Trên tạp chí Văn hóa Nghệ An*, Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường có bài "Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân học phân tử." Bài viết được dư luận quan tâm, nhiều trang mạng đăng lại. Là người nhiều năm nghiên cứu cùng đề tài và có tham khảo tư liệu di truyền học, tôi xin trao đổi với tác giả đôi điều.


I. Những điểm thành công

  
Phải nói rằng, viết tiểu luận trên, tác giả đã có công sưu tập khối lượng lớn tài liệu chuyên ngành di truyền nhân học, kết nối chúng và đưa ra được một số nhận định mới, góp phần đưa nhân học Việt Nam tiến gần hơn tới chân lý: 1. Các cư dân châu Á có sự biến thiên ADN ty thể cao, trong đó người Việt có sự biến thiên cao nhất. Tuy nhiên, khoảng cách di truyền giữa các tộc người châu Á nói chung là nhỏ. Và sự gần gũi về mặt di truyền đó được giải thích bằng sự lan tỏa của nông nghiệp. Nói cách khác, nghiên cứu này cho thấy, so với người Hoa Nam và Hoa Bắc, người Việt nằm gần gốc của cây phả hệ di truyền hơn; và  sự lan tỏa của lúa nước không phải từ Bắc xuống Nam, mà từ Nam lên Bắc! 2. Người Việt có nguồn gốc từ những người cổ đã cư ngụ lâu đời tại Việt Nam và họ thuộc nhóm những người đầu tiên thiên di tới Đông Nam Á. 3. Vùng thuần hóa lúa nước đầu tiên phía Đông lục địa Á - Âu cũng là nơi lan tỏa không ít hơn bốn ngữ hệ. Đầu tiên, những người nói tiếng Nam Á, bao gồm 150 ngôn ngữ, như tiếng Việt và tiếng Khmer, lan tỏa khắp Đông Nam Á (và có thể một phần Hoa Nam). Theo chân họ là những nông dân nói tiếng Tày - Thái, như tiếng Lào và tiếng Thái. 5. Quan niệm người Việt bắt nguồn từ người Bách Việt phía nam Dương Tử có lẽ sai sự thật. Theo quan niệm đó thì người Việt không thể có sự đa dạng di truyền lớn hơn so với người Hoa Nam ven biển và người Hoa Nam tại Trường Sa, như các nghiên cứu của Đại học Emory, Mỹ, và Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck, Đức, đã chứng tỏ. 6. Sự thiên di của những người nông dân trồng lúa nước từ Nam lên Bắc phù hợp với sự lan tỏa các dấu gien tại Trung Quốc, như các nhà khoa học tại Đại học Fudan, Thượng Hải, trong  Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ 2005 - 2010, và Tổ chức bộ gien người HUGO 2009, đã chứng tỏ. 7. Vùng thuần hóa lúa nước đầu tiên phía Đông lục địa Á - Âu cũng là nơi lan tỏa không ít hơn bốn ngữ hệ. Đầu tiên, những người nói tiếng Nam Á, bao gồm 150 ngôn ngữ, như tiếng Việt và tiếng Khmer, lan tỏa khắp Đông Nam Á (và có thể một phần Hoa Nam). Theo chân họ là những nông dân nói tiếng Tày - Thái, như tiếng Lào và tiếng Thái. Những phát hiện trên khác với quan niệm truyền thống của học giả Việt Nam thể hiện trong bàitrả lời phỏng vấn BBC Vietnamese tháng 2 năm 2005, của Giáo sư Trần Quốc Vượng: "Việt Nam ủng hộ thuyết đa vùng" và "không có chuyện nông nghiệp từ vùng nọ ảnh hưởng tới vùng kia" "Người Việt bị Hán hóa đứt đuôi." Chúng khẳng định, người Việt Nam là người cổ nhất Đông Á vì là hậu duệ của di dân từ châu Phi tới đầu tiên. Việt Nam cung cấp con người, tiếng nói và cả nông nghiệp cho châu Á. Chính việc áp dụng công nghệ di truyền vào khảo cứu nguồn gốc người Việt, tác giả Đỗ Kiên Cường đã góp phần hiện đại hóa khoa học nhân văn già nua, lạc hậu của Việt Nam, khiến không ít học giả Việt Nam phải nhìn lại mình. Tiếc rằng phần thành công không tương xứng với sai lầm của bài viết.


  
II. Sai lầm bất cập


Cái cảm giác đầu tiên xuất hiện nơi tôi là, ở bài viết có nột dung rất chuyên sâu này, tác giả dẫn ra quá nhiều kiến thức mang tính giáo khoa phổ thông (như quá trình hình thành tư tưởng phân loại sinh vật), những kiến thức chết, vô bổ chỉ có tác dụng duy nhất là khoe chữ khiến cho bài viết trở nên dài dòng, rối rắm. Vượt qua cái cảm giác ban đầu đó, có thể chọn ra những sai lầm, bất cập sau đây:

1. Chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.   Sai lầm nghiêm trọng do thiếu kiến thức sinh học. Mongoloid phương Nam là sản phẩm lai giống giữa chủng Mongoloid phương Bắc và chủng phương Nam Australoid. Con không thể sinh ra cha!


2.  60.000 năm trước, đợt di cư đầu tiên theo ven biển Nam Á tới Đông Nam Á.  Thông tin này do Spence Wells đưa ra. Nhưng hoàn toàn sai. Bởi lẽ khảo cổ học phát hiện cốt sọ 60.000 (1) năm tuổi ở hồ Mungo châu Úc, là một người Australoid. Hơn thế nữa, khảo cổ cũng tìm được bộ xương người Mongoloid 68.000 năm trước  ở Lưu Giang Quảng Tây (2). Như vậy, cuộc di cư khỏi châu Phi phải diễn ra trước 60.000 năm cách nay!


3. "Dòng gien từ phía Nam hướng lên lưu vực Dương Tử và Hoa Bắc (khoảng 10.000 năm trước) chính là dòng thiên di của những người nông dân Mongoloid đầu tiên." Không đúng! Khảo sát gần một trăm sọ Thời Đồ Đá ở Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, cổ nhân chủng học khẳng định: từ 32.000 năm (sọ Sarawak) tới khoảng 5000 năm trước, dân cư Đông Nam Á (bao gồm Nam Dương Tử) chỉ duy nhất loại hình Australoid (3).Vậy người Mongoloid ở đâu ra để từ đây đi lên Hoa Bắc?

4. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa thấy bằng chứng nhân chủng học phân tử ủng hộ sự thiên di của các tộc người ngữ hệ Nam Á từ ven biển Hoa Nam xuống Việt Nam 4.000 năm trước.   Điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế. Khảo cổ và nhân chủng học Đông Nam Á khẳng định, khoảng thiên niên kỷ III TCN, có sự dịch chuyển lớn của người Mongoloid phương Nam từ phía Bắc tới Đông Nam Á, tạo nên sự kiện được nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á, chuyển hóa đại bộ phân dân cư Đông Nam Á từ Astraloid sang Mongoloid phương Nam. Tại Việt Nam thời kỳ này, người Australoid văn hóa Đa Bút tiếp nhận người di cư Mongoloid phương Nam để chuyển thành con người và văn hóa Phùng Nguyên.

5. Khoảng 30.000 năm trước, những người thiên di thuộc làn sóng thứ hai men theo rặng Himalaya để tới Bắc Việt Nam và nhiều nơi khác tại Đông Nam Á, cũng như Vân Nam và Quảng Tây (nơi xuất hiện người hiện đại đầu tiên tại Trung Quốc). Họ có phần đóng góp khoảng 80% trong vốn gien người Việt hiện nay. Qua quá trình tiến hóa lâu dài khoảng 35.000 - 20.000 năm, màu da và hình thái của họ dần biến đổi để trở thành người nguyên Mongoloid (Proto-Mongoloid). Thực tế bác bỏ chuyện này bởi lẽ, trong thời gian trên, Đông Nam Á kể cả Quảng Tây chỉ duy nhất người Australoid sinh sống, với bốn chủng Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, có mã di truyền ổn định. Có nghĩa là không có nguồn gen bên ngoài xâm nhập. [Nguyễn Đình Khoa, 1983]. Mặt khác, về mặt sinh học, người Australoid không thể biến đồi màu da và hình thái để trở thành ngườiNguyên Mongoloid. Hơn nữa, thực tế khảo cổ và cổ nhân chủng học cho thấy, người Mongoloid đã xuất hiện trong tư cách một đại chủng khi đặt chân tới Việt Nam 70000 năm trước.

6. Đại chủng Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện khoảng 10.000 trước tại cực nam Hoa Nam và Đông Nam Á. Hoàn toàn sai. Ngay tại châu Phi, ba đại đại chủng Europid da trắng, Australoid da đen và Mongoloid da vàng đã hình thành và cùng rời khỏi đất tổ 85000 năm cách nay. Trước bức thành băng sừng sững chắn lối, không biết vì lẽ gì, Australoid và Mongoloid "rủ nhau" về phương Đông. Trong khi đó, Europid ém lại trên đất Yemen để 52000 năm trước, khi khí hậu thuận lợi, họ di cư vào Trung Đông, sau đó vượt eo Posphorus xâm nhập châu Âu. Không chỉ tìm thấy bộ xương Mongoloid 68000 năm tuổi mà khảo cổ học Mông Cổ còn phát hiện vô số xương cốt tổ tiên Mongoloid của họ 40.000 năm trước! Có thể chỉ ra nhiều thêm sai lầm khiếm khuyết trong bài viết nhưng xin dừng ở đây để tìm nguyên nhân của chúng.

  
III. Nguyên nhân của sai lầm


Tìm nguồn gốc người Việt là chuyện vô cùng khó khăn nên suốt thế kỷ trước, học giả trong nước và thế giới, trong đó có các bác học của Viện Viễn Đông Bác Cổ, dù bỏ nhiều tâm lực cũng đành bó tay. Không thành tựu vì thiếu một tri thức đột phá.

Sang thế kỷ này, di truyền học mở ra phương cách mới để tiếp cận vấn đề. Nhưng thực tế cho thấy, như những phương pháp đã có, di truyền học cũng chỉ là ngón tay chỉ trăng mà không phải trăng! Nó không ít nhược điểm, thậm chí sai lầm. Muốn giải được bài toán, chỉ có thể là người nắm vững tài liệu di truyền nhưng cũng phải uyên bác, lịch lãm, có vốn tri thức đa - liên ngành cần thiết để có thể vận dụng chìa khóa sinh học phân tử mở cánh cửa bí ẩn của tự nhiên.

Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường không có bản lĩnh đó. Thực tế cho thấy, ông có công sưu tầm một số nghiên cứu di truyền xung quanh đề tài. Nhưng trong nhiều trường hợp, không đủ sức hiểu tài liệu. Hạn chế lớn hơn là ông không có những kiến thức chuyên, liên ngành về khảo cổ, cổ nhân chủng, văn hóa học… để kết nối, giải mã tư liệu.

Do thiếu hụt kiến thức cơ bản về sinh học nên ông nói rất sai rằng, chủng Mongoloid phương Bắc được sinh ra từ Mongoloid phương Nam. Đứng về di truyền, Mongoloid phương Bắc là nguyên chủng, còn Mongoloid phương Nam là con lai. Đa dạng di truyền của Mongoloid phương Bắc lớn hơn. Vì vậy, nó tuyệt đối không thể do Mongoloid phương Nam sinh ra! Thực tế cho thấy, người Mongoloid phương Bắc (bộ xương Lưu Giang) xuất hiện 68.000 năm trước. Trong khi đó, người Mongoloid phương Nam mới ra đời 7000 năm cách nay tại văn hóa Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ. Cái sai này khiến tác giả bị rối khi nhìn nhận về nhân chủng Đông Á.

Rất sai lầm trong phương pháp luận, khi khảo cứu nguồn gốc người Việt, tác giả không bắt đầu bằng việc tìm hiểu xem khảo cổ học, cổ nhân học đã làm được những gì rồi trên cơ sở thành quả của người đi trước, sửa điều sai, phát huy cái đúng. Do thiếu kiến thức về khảo cổ, cổ nhân học và văn hóa học nên khi tiếp xúc tư liệu di truyền, tác giả trở nên thụ động, lửng lơ, "chân không tới đất, cật chẳng tới trời," không thể phân biệt đúng sai, đã đem cái sai của người vào lập thuyết của mình. Điển hình là trường hợp tư liệu của Spence Wells. Quả thật, lúc đầu cũng như ông Cường, tôi đã theo ý kiến của Wells. Nhưng sau đó, thấy mâu thuẫn nên phải đối chiếu với công trình của Y.J. Chu và S. Oppenheimer cùng nhiều bằng chứng khảo cổ học, để loại Wells khỏi tài liệu tham khảo. Điều này tôi đã nói rất rõ trong cuốn Tìm Cội Nguồn Qua Di Truyền Học. (4)

Jared Diamond của Đại học California mà ông Cường dẫn trong bài, có câu nói đáng suy ngẫm: "Giờ không còn là lúc chơi với những mẩu xương và những hòn đá nữa. Tất cả những gì thuộc về con người mà không được di truyền học kiểm định, đều không đáng tin cậy." Câu nói đó chỉ đáng tin ở nửa sau. Không chơi với xương với đá là thiệt. Ý đồ giải quyết mọi chuyện về con người chỉ cần thông qua di truyền học không khác gì leo cây tìm cá!   


Với bài viết trên, Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường không chỉ tỏ ra là người đa thư loạn thuyết hoang tưởng mà còn biến mình thành thày bói xem voi trong ngụ ngôn! ............................................................                   * http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/mot-gia-thuyet-ve-nguon-goc-nguoi-viet-dua-tren-bang-chung-nhan-chung-hoc-phan-tu


Tài liệu tham khảo:

1. The LakeMungo remains are three prominent sets of bodies: LakeMungo 1 (also called Mungo LadyLM1, and ANU-618), LakeMungo 3 (also called Mungo ManLake Mungo III, and LM3), and LakeMungo2 (LM2). Lake Mungo is in New South WalesAustralia, specifically theWorld Heritage listed Willandra Lakes Region.[1][2] LM1 was discovered in 1969 and is one of the world's oldest knowncremations.[1][3] LM3, discovered in 1974, was an early humaninhabitant of the continent of Australia, who is believed to have lived between 40,000 and 68,000 years ago, during the Pleistocene epoch. The remains are the oldest anatomically modern human remains found in Australia to date. His exact age is a matter of ongoing dispute. http://en.wikipedia.org/wiki/Lake_Mungo_remains  


2.Liujiang-Mensch (柳江人,  Liǔjiāngrénenglisch Liujiang Man) bezeichnet man hominine Fossilien, die 1958 in einer Höhle bei der Ortschaft Tongtianyan inLiujiang im Autonomen Gebiet Guangxi der Zhuang entdeckt und ins späte Mittelpleistozän / frühe Jungpleistozän datiert wurden.[1] Bei diesen Fossilien handelt es sich um einen vollständigen Schädel sowie um einige Knochen aus der Region unterhalb des Kopfes. Die chinesischen Bearbeiter des Fossils ordneten es dem frühen modernen Menschen (Homo sapiens) zu und verwiesen darauf, dass es Merkmale eines frühen Vertreters der Mongoliden (yuánshǐ Měnggǔ rénzhǒng) aufweise.[2] Der Schädel gilt als möglicher Kandidat für das älteste Fossil des modernen Menschen, das in Ostasien gefunden wurde, da eine Uran-Thorium-Datierung ein Alter von 67.000 ± 6000 Jahren ergab.[3]  http://de.wikipedia.org/wiki/Liujiang-Mensch


3. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. DH&THCN, H. 1983

4. Hà Văn Thùy. Tìm cội nguồn qua di truyền học. NXB Văn học. 2011.



Trả lời ông Hà Văn Thùy
ĐỖ KIÊN CƯỜNG
Thứ năm, 16 Tháng 10 2014 06:15


Sau cuộc tranh luận trên trang viet-studies.info của Trần Hữu Dũng, cựu giáo sư kinh tế Mỹ, năm 2008, ông Hà Văn Thùy còn nợ tôi câu trả lời về bằng chứng của giả thuyết người Việt khai phá Trung Hoa từ 40.000 năm trước. Trong cuộc tranh luận đó, tôi đã khá nặng lời khi cho rằng ông Hà Văn Thùy "suy bụng ta ra ... bằng chứng". Mới đây trên Văn Hóa Nghệ An online, tôi tiếp tục đòi nợ mà ông Hà Văn Thùy vẫn chưa chịu trả. Những tưởng sau các sự vụ đó, ông Hà Văn Thùy sẽ im lặng lui vào bóng tối. Nên tôi khá ngạc nhiên và rất khâm phục lòng dũng cảm và sự dấn thân của ông Hà Văn Thùy khi thấy bài viết Phê bình bài Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử của tiến sỹ Đỗ Kiên Cường. Tuy nhiên trong khoa học, lòng dũng cảm và sự dấn thân chỉ là điều kiện cần, muốn thành công thì phải có các điều kiện đủ, điều mà có lẽ ông Hà Văn Thùy còn thiếu. Để chỉ ra những thiếu hụt đó, tôi xin mạn phép bạn đọc được trao đổi với ông Hà Văn Thùy một số vấn đề như sau (Để tiện trao đổi, tôi xin trả lời từng vấn đề theo thứ tự mà ông Hà Văn Thùy đã nêu trong bài phê bình trên VHNA online ngày 15-10-2014 nói trên).


1.Chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam:


Ông Hà Văn Thùy cho rằng, đó là một sai lầm nghiêm trọng do thiếu kiến thức sinh học, vì theo ông chủng Mongoloid phương Nam là con lai của chủng Mongoloid phương Bắc và chủng Autraloid. Theo ông thì con không thể sinh ra cha! Tuy nhiên như tôi đã trình bày rõ trong bài Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử, kết luận của tôi xuất phát từ các khám phá trong 20 năm qua trong lĩnh vực nhân chủng học phân tử. Tôi đã trích dẫn đầy đủ các công trình gốc, ông Hà Văn Thùy có thể truy cập internet để tìm hiểu thêm. Ở đây tôi chỉ xin được nhấn mạnh rằng, tôi hoàn toàn không hiểu sự tự mâu thuẫn trong tư duy của ông Hà Văn Thùy. Một mặt ông đồng ý người Việt có sự đa dạng di truyền cao nhất trong các sắc dân châu Á; mặt khác ông lại cho rằng người Mongoloid phương Nam (trong đó có người Việt) là hậu duệ của người phương Bắc (?). Sao lại tự mâu thuẫn như vậy, thưa ông Hà Văn Thùy?

2. 60.000 năm trước, đợt di cư đầu tiên men theo ven biển Nam Á, tới Đông Nam Á:


Xin bạn đọc hãy đọc kỹ bài viết của tôi, xem tôi có viết như vậy hay không. Tôi chỉ viết là khoảng 70.000 - 50.000 năm trước, chứ không phải 60.000 năm! Tôi xin trân trọng đề nghị với ông Hà Văn Thùy rằng, muốn phê bình người khác, ông nên trích dẫn điều cần phê bình thật chính xác.


Tại sao ông Hà Văn Thùy đưa ra con số 60.000 năm trước? Có lẽ vì tôi viết rằng, chàng Adam nhiễm sắc thể Y, ông tổ của loài người, sống tại Đông Bắc Phi 59.000 năm trước. Tuy nhiên tôi xin lưu ý bạn đọc rằng, niên đại 59.000 năm trước là con số trung bình trong toán thống kê. Nó có thể nằm trong khoảng từ 45.000 tới 75.000 năm trước; tuy nhiên niên đại 59.000 năm trước có xác suất cao nhất (đỉnh của đường cong hình chuông trong thống kê học). Ông Hà Văn Thùy cũng cho rằng, niên đại này do Spencer Wells đưa ra. Đó là thông tin sai sự thật. Trong bài viết của mình, tôi viết rõ đó là khám phá của Underhill và 22 đồng sự năm 2000. Một lần nữa tôi đề nghị ông Hà Văn Thùy trích dẫn chính xác những gì cần phê phán.

Tôi xin nói thêm về các thông tin của ông Hà Văn Thùy (cốt sọ Australoid ở hồ Mungo, Úc, 60.000 năm trước và di cốt Mongoloid tại Quảng Tây 68.000 năm trước) để bạn đọc phán xét. Chính ông Hà Văn Thùy viết trong phần tài liệu tham khảo rằng, cốt sọ Mungo có tuổi từ 40.000 tới 68.000 năm trước. Vậy nếu phải lấy một con số, thì nó nên là 54.000 năm, chứ không phải 60.000 năm. Hoàn toàn không có mâu thuẫn giữa tuổi của cốt sọ này với thời điểm rời khỏi châu Phi của người hiện đại mà tôi đã viết, thưa ông Hà Văn Thùy!

Một thông tin khác mà ông Hà Văn Thùy đưa ra là di cốt Mongoloid tại Quảng Tây 68.000 năm trước. Tôi cho đó là một thông tin sai sự thật, theo quan điểm di truyền học. Các nhà khoa học tại Đại học Fudan (tham gia Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ) thấy người hiện đại chỉ đến Vân Nam và Quảng Tây 30.000 năm trước mà thôi, như tôi đã nhấn mạnh trong bài viết của mình. Bạn đọc có thể truy cập mục từ Mongoloid trên Bách khoa thư mở Wikipedia trên mạng để thấy rằng, năm 1999, nhóm nghiên cứu của Peter Brown, Khoa nhân chủng học và cổ nhân chủng học, Đại học New England, đã nghiên cứu hai địa điểm tại Trung Quốc, trong đó có Quảng Tây, và một địa điểm tại Okinawa, Nhật Bản và nhận thấy các di cốt 10.175 và 33.200 năm trước không phải là di cốt của người Proto-Mongoloid (tức loại người sẽ trở thành người Mongoloid trong tương lai gần). Điều đó cũng phù hợp với giả thuyết người Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện trong vòng 10.000 năm nay, như tôi đã từng viết.

3. "Dòng gien từ phía Nam hướng lên lưu vực Dương Tử và Hoa Bắc (khoảng 10.000 năm trước) chính là dòng thiên di của những người nông dân Mongoloid đầu tiên":

Để bác bỏ giả thuyết này của tôi, ông Hà Văn Thùy dẫn cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á của Nguyễn Đình Khoa năm 1983, cho rằng từ 32.000 năm tới 5.000 năm trước, tại Đông Nam Á và Hoa Nam chỉ có người Australoid mà thôi. Tôi e rằng ông Hà Văn Thùy đã mắc chứng bệnh quên trong tâm thần học mất rồi! Ông vừa viết về di cốt Mongoloid 68.000 năm trước tại Quảng Tây; vậy mà chỉ mấy dòng sau, quên mất điều vừa viết chưa ráo mực, ông lại bảo ở Đông Nam Á (tính từ phía Nam sông Dương Tử trở xuống) tịnh không có người Mongloid nào (!). 


Đến phần phê bình thứ 5, ông lại viết "người Mongoloid đã xuất hiện trong tư cách một đại chủng khi đặt chân tới Việt Nam 70.000 năm trước"!


Tôi cũng đang cầm trong tay cuốn sách mà ông Hà Văn Thùy nhắc tới (mà ông đã chép rất nhiều trong cuốn Tìm cội nguồn qua di truyền học năm 2011 của mình). Do đó tôi cho rằng, dùng một cuốn sách từ năm 1983 (chưa có các thông tin nhân chủng học phân tử) để bác bỏ các khám phá di truyền học 30 năm sau là một hành vi phản tiến hóa. Chính ông Hà Văn Thùy cũng đồng ý với  Jared Diamond rằng, "tất cả những gì thuộc về con người mà không được di truyền học kiểm định, đều không đáng tin cậy". Vậy tại sao ông lại không tin các khám phá di truyền học của Dự án bản đồ gien Hội địa lý quốc gia Mỹ và Tổ chức Bộ gien người HUGO so với Nguyễn Đình Khoa từ 30 năm trước?

4. "Cho đến thời điểm hiện tại, chưa thấy bằng chứng nhân chủng học phân tử ủng hộ sự thiên di của các tộc người ngữ hệ Nam Á từ ven biển Hoa Nam xuống Việt Nam 4.000 năm trước".

Tôi xin nhấn mạnh lại rằng, cho đến thời điểm hiện tại, do hiểu biết hạn hẹp, nên tôi chưa biết các bằng chứng nhân chủng học phân tử của giả thuyết thiên di của người Bách Việt Hoa Nam xuống Việt Nam 4.000 năm trước và 2.700 năm trước. Nếu có tài liệu gốc, mong ông Hà Văn Thùy hãy đưa ra để tôi được tham khảo và học hỏi thêm. Những gì ông viết để phê bình tôi trong phần này đều không thuộc lĩnh vực nhân chủng học phân tử, thưa ông!  


5. "Khoảng 30.000 năm trước, những người thiên di thuộc làn sóng thứ hai men theo rặng Himalaya để tới Bắc Việt Nam và nhiều nơi khác tại Đông Nam Á, cũng như Vân Nam và Quảng Tây (nơi xuất hiện người hiện đại đầu tiên tại Trung Quốc). Họ có phần đóng góp khoảng 80% trong vốn gien người Việt hiện nay. Qua quá trình tiến hóa lâu dài khoảng 35.000 - 20.000 năm, màu da và hình thái của họ dần biến đổi để trở thành người nguyên Mongoloid (Proto-Mongoloid)".


Ông Hà Văn Thùy cho rằng điều này sai, vì "người Mongoloid đã xuất hiện trong tư cách một đại chủng khi đặt chân tới Việt Nam 70.000 năm trước". Trên thì ông đồng ý với tôi rằng, người Việt có sự đa dạng di truyền lớn nhất, ở dưới thì ông lại cho rằng "đa dạng di truyền của Mongoloid phương Bắc lớn hơn" (?). 


Vậy là ông hoàn toàn không biết khám phá của HUGO 2009 về đa dạng di truyền tại châu Á rồi, theo đó sự đa dạng di truyền giảm dần từ Nam lên Bắc. Còn về chứng bệnh quên của ông Hà Văn Thùy, tôi đã nhắc tới ở mục 3, nên không nhắc lại ở đây. Và việc dùng cuốn sách của Nguyễn Đình Khoa, 1983, để bác bỏ các bằng chứng di truyền học hiện tại là một sự bất cập về nhận thức, như tôi vừa nhận xét ở trên.  



6. "Đại chủng Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện khoảng 10.000 trước tại cực nam Hoa Nam và Đông Nam Á".


Ông Hà Văn Thùy cho rằng điều này hoàn toàn sai, vì "ngay tại châu Phi, ba đại đại chủng Europid da trắng, Australoid da đen và Mongoloid da vàng đã hình thành và cùng rời khỏi đất tổ 85.000 năm cách nay". 


Đây là giả thuyết một ông sống với ba bà, sinh ra ba chủng đen, trắng và vàng nổi tiếng (!) mà ông Hà Văn Thùy từng viết trên tờ Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Để bạn đọc tiện so sánh, tôi xin lưu ý rằng, quan điểm các chủng Mongoloid (Á) và Caucasoid (Âu) chỉ xuất hiện hoàn chỉnh 12.000 - 10.000 năm trước là của Richard G. Klein, giáo sư nhân chủng học và sinh học người thuộc Đại học Stanford danh tiếng. Ông đưa ra giả thuyết đó trong cuốn The Human Career: Human Biological and Cultural Origins, do Đại học Chicago ấn hành năm 1999. Để viết cuốn sách đó, ông dẫn ra 2537 tài liệu tham khảo, trong đó có 21 công trình của chính ông. Số tài liệu đó chiếm 148/744 trang sách! Còn giả thuyết "một ông ba bà" của ông Hà Văn Thùy chỉ là sự tư biện không hơn không kém. (Nếu không đồng ý, tôi đề nghị ông Hà Văn Thùy đưa ra các bằng chứng không thể bác bỏ của giả thuyết kỳ dị này). Và nếu phải đặt cược giữa nhà văn Hà Văn Thùy và giáo sư nhân chủng học Richard G. Klein, tôi không bao giờ bỏ tiền vào cửa nhà văn của chúng ta, thưa bạn đọc!


7.Tôi đã trả lời đầy đủ và rõ ràng mọi phê phán của ông Hà Văn Thùy. Tuy nhiên tôi thấy cần nói thêm một điểm, đó là nhận xét về Chu, Oppenheimer và Wells. Bạn đọc không chuyên có thể không biết rằng, trong phạm vi tranh luận, Chu chỉ có một bài báo Quan hệ di truyền của cư dân Trung Quốc trên tạp chí Kỷ yếu Viện Hàn lâm khoa học Mỹ năm 1998, còn Oppenheimer là một bác sỹ nhãn khoa chuyên viết sách phổ biến kiến thức về nhân chủng học phân tử. Trong khi đó, Spencer Wells là giám đốc Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ. Do đó, công bố của Wells là kết quả chung của hàng trăm nhà khoa học trên khắp thế giới được mời tham gia dự án. Chính vì vậy tôi cho rằng, chỉ có thể dùng Wells để bác bỏ Chu hoặc Oppenheimer (nếu phải làm như vậy), chứ không phải ngược lại, như ông Hà Văn Thùy quan niệm.

8. Cuối cùng, tôi xin thưa với bạn đọc rằng, tôi không quy kết ông Hà Văn Thùy "đa thư loạn thuyết hoang tưởng" hoặc "thày bói xem voi", vì tôi cho rằng, những ngôn ngữ như thế không nên xuất hiện trên một diễn đàn văn hóa. Tôi chỉ xin được chúc ông Hà Văn Thùy nhiều sức khỏe và may mắn. TP Hồ Chí Minh ngày 16-10-2014 




Cho một Giả thuyết về Nguồn gốc Việt…
LÊ NGUYỄN K.
Thứ sáu, 17 Tháng 10 2014 08:39

“Giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt…” của tác giả Đỗ Kiên Cường (ĐKC) là bài viết tôi chờ đợi từ khi ông úp mở trong tranh luận với nhà nghiên cứu Tạ Đức. Tuy nhiên khi được đọc nó trên báo mạng Văn hóa Nghệ An, (1 ) thú thật tôi thấy hụt hẫng và muốn đưa ra vài ý kiến, trong ý nghĩ đúng sai là thường tình nhưng nếu sai thì thông qua sự sửa sai chúng cũng ít nhiều góp phần làm vấn đề trở nên sang tỏ hơn.


Tôi chỉ nhắm vào điều tác giả ĐKC nói là “ba sự kiện chính yếu” hay “ba sự kiện quan trọng nhất thời tiền sử phía Đông lục địa Á - Âu cùng xảy ra cách đây khoảng 10.000 năm (….) và cùng vị trí địa lý Đông Nam Á và cực nam Hoa Nam.” Theo tác giả, nguồn gốc người Việt có quan hệ với ba “sự kiện chính yếu” này. Trong tương quan này tôi cũng nhắc tới một vài điểm trong “phê bình” của ông Hà Văn Thùy (2), một điều đã có trước khi tôi vào trang mạng Văn hóa Nghệ An, hôm nay (16/10-14), và thấy rằng nó bị ĐKC bác bỏ (3); do thấy không có mấy trùng lập, tôi vẫn giữ nguyên những điều đã viết.

Để tiện thảo luận, xin được nhắc lại điều được tác giả ĐKC gọi là các “sự kiện chính yếu” như sau. Thứ nhất, lúa nước được thuần hóa trước tiên ở lưu vực Tây giang, thuộc Quảng Tây, nam Trung quốc. Nhờ sự lan tỏa từ đây mà việc trồng lúa ở lưu vực sông Dương tử mới có. Thứ hai, “đại chủng Mongoloid” hay “đại chủng Á” đã xuất hiện đầu tiên ở Đông Nam Á khg. 10.000 năm trước -nói cách khác, đây là kết quả của một quá trình tiến hóa tiệm tiến, địa phương. Và thứ ba, nhóm đơn bội “cha truyền con trai”O3 với đột biến chỉ định (“dấu gien”) M122, thường viết tắt là O3-M122, có nơi hơn một nửa đàn ông Trung quốc, đã xuất hiện trong thời gian đó (khg. 10.000 năm trước) ở Đông Nam Á (ĐNA) hoặc cực nam Hoa Nam và sau đó bắc tiến mạnh mẽ.

Ba “sự kiện chính yếu” này cho thấy rõ là, sự bắc tiến của O3-M122 giải thích hợp lí ý tưởng nông nghiệp lúa nước đã chỉ ngược bắc chứ không xuôi nam từ lưu vực Dương tử như đồng thuận mà tác giả muốn bác bỏ, hay như ông nói, “dòng gien từ phía Nam hướng lên lưu vực Dương Tử và Hoa Bắc chính là dòng thiên di của những người nông dân Mongoloid đầu tiên.” Nếu chúng đúng là sự kiện.

1.

Về điểm lúa được thuần hóa từ lúa dại ở lưu vực sông Tây, Quảng Tây, chỉ một lần duy nhất, cách đây khg. 10 nghìn năm rồi từ đó sự thuần dưỡng, lai tạo lan tỏa sang các nơi khác ở ĐNA, Ấn Độ, Đông Bắc Á (ĐBA) vv. Về điểm này, trong bài của ông, Hà Văn Thùy hơn một lần nói rõ rằng ông xem nó là một trong các chân lí mà các nhà khoa học người Việt cần biết đến. Nhưng không có gì gần chân lí nơi một ý kiến như vậy!

Khi nghiên cứu bề thế, với kết luận như trên được công bố, nó lập tức tạo một làn sóng phấn khởi. Người Việt cũng mau chóng thông báo cho nhau (như ở diễn đàn viethoc.com) do thấy hệ luận quan trọng của nó, với sự bán tin bán nghi. Quả thật chỉ một tuần sau đó (thg 10/2012) một thẫm quyền lớn trong ngành, Gs Dorian Fuller, đã đưa những công kích nặng nề hiếm thấy. Kết luận dó không đáng tin, lạc dẫn, do những giả định không chứng không bàn, lầm lẫn về sự phân bố lúa dại thời tiền sử, ông nói. Từng cho rằng luận điểm lúa chỉ được thuần hóa độc nhất một lần (của Molina và cộng sự) chỉ là một trong các khả năng, (4) ông lí luận: Lúa được thuần hóa từ các giống lúa dại ở những nơi mà ngày nay chúng gần như chắc chắn là đã mất giống, chứ không thể từ giống lúa dại vẫn còn sống ở Quảng Tây như nhóm tác giả kia đã kết luận quá vội. (5)

Đánh giá bước đầu của Fuller được hỗ trợ hoàn toàn bởi các nghiên cứu di truyền sau đó: Ngay trong phạm vi Trung quốc, khả năng cao là lúa dại được thuần hóa nhiều lần, nhiều nơi. Trong một bài bình duyệt được công bố gần đây, lưu vực sông Dương tử vẫn được nghiễm nhiên xem là nơi lúa được thuần hóa trước tiên; chuyện thuần hóa lúa dại ở Quảng Tây 10 nghìn năm trước bị đánh giá là một sai lầm đáng tiếc do các kĩ thuật mạnh mẽ, có khả năng đưa đến kết luận chính xác hơn về lịch sử quần thể của lúa dại và lúa thuần hóa, dù sẵn có nhưng đã không được vận dụng.(6)

Như bài bình duyệt này đề cập, nhận thức tổng hợp, được khẳng định từ nghiên cứu di truyền học và khảo cổ học hiện nay là, sự thuần hóa lúa đã diễn ra lâu dài, nhiều giai đoạn, cho thấy nhiều yếu tố tương tác con người-môi trường, và có nhiều khả năng độc lập (như phát triển ban đầu ở Ấn độ muộn hơn nhưng trong buổi đầu không do sự lan truyền từ lưu vực Dương tử. Thế nên dù ông Hà Văn Thùy nặng lời chê bai (các nhà khoa học VN) nhưng thuyết phát triển đa vùng, độc lập vẫn chưa có vẻ gì bị đào thải.(Thuyết này áp dụng được cho trường hợp Việt Nam hay không lại là chuyện khác.)

2.

Về sự xuất hiện người châu Á với đặc trưng hình thái Mongoloid. (7) Người Mongoloid có phải vốn là người bản địa Đông Nam Á và cực nam Hoa nam nhưng qua một quá trình tiến hóa lâu dài hàng chục nghìn năm, màu da đen và hình thái nguyên thủy của họ dần biến đổi để trở thành người nguyên Mongoloid, sau đó, khg. 10 nghìn năm trước, họ tiến hóa thành người “Mongoloid hoàn chỉnh” và bắc tiến, chiếm lĩnh một phần lớn châu Á?

Hà Văn Thùy quả quyết rằng điểm này “hoàn toàn sai”, rằng “chủng Europid da trắng, Australoid da đen và Mongoloid da vàng đã hình thành và cùng rời khỏi đất tổ [châu Phi] 85000 năm cách nay.” Nhiều năm trước, trên báo mạng Talawas có người hỏi ai là tác giả của cái thuyết này và muốn biết cộng đồng khoa học đã đánh giá ra sao về nó. Không biết ông HVT có đáp ứng đòi hỏi này hay chưa. Trong bài “phê bình” giả thuyết ĐKC, có lẽ ông chỉ cho thấy, thuyết này có từ một cách hiểu rất riêng, điển hình là qua câu này: “Không chỉ tìm thấy bộ xương Mongoloid 68000 năm tuổi mà khảo cổ học Mông Cổ còn phát hiện vô số xương cốt tổ tiên Mongoloid của họ 40.000 năm trước!”

Không như ông quả quyết, trang Wikipedia tiếng Đức mà ông dẫn ra chỉ nói, niên đại 67.000 ± 6000 năm là niên đại bị ngờ vực một cách chính đáng và có những niên đại khác hẳn được đề nghị. “Bộ xương Mongoloid 68000 năm tuổi” của ông đơn giản là “đại biểu sơ khai” hay tiền-Mongoloid theo như đề nghị của các nhà nghiên cứu liên quan. Cũng thế, “xương cốt tổ tiên Mongoloid 40.000 năm trước” của ông đơn giản không phải là “Mongoloid hoàn chỉnh” mà tác giả ĐKC nói đến. Và trang Wikipedia tiếng Anh mà ông dẫn cũng không hề nói về “cốt sọ 60000 năm tuổi” ở hồ Mungo: Di cốt LM3 được nói rõ là có khg. 40 nghìn tuổi theo đồng thuận rộng rãi nhất, còn con số 60 nghìn năm chỉ được nối kết với cuộc thiên di khỏi châu Phi của người hiện đại!

Nhưng không vì thế mà tôi nghĩ tác giả Đỗ Kiên Cường nói đúng. ĐKC dẫn các công trình như HUGO 2009 vv., quả quyết rằng ”các bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, đại chủng Mongoloid được hình thành tại Đông Nam Á.” Tôi không đủ hiểu biết để nghĩ là có chuyên gia đã xem các nghiên cứu như vậy như một chứng minh.

Từ công trình trên, có khẳng định rằng người Đông Bắc Á vv. chỉ phát sinh từ người Đông Nam Á. Không hiếm tác giả đã đánh giá hoặc chứng minh rằng nó một chiều, thiếu thuyết phục. Nhưng cứ dựa vào đó mà suy đoán thì đúng là có thể thấy nó hỗ trợ cho ý kiến, đại khái, rằng hình thái Mongoloid là kết quả của sự thích nghi với môi trường khắc nghiệt, đầy băng tuyết ở phía bắc, tây bắc Đông Á vv. trong thời Băng hà Cực đại Cuối cùng. Nhưng Đông Nam Á chưa bao giờ đến mức đó. Còn một chứng minh ở bình diện di truyền học phân tử (molecular genetics) – một gien hay tổ hợp gien được nhận diện như nguyên nhân, nguyên động lực làm nên đặc trưng di truyền Mongoloid? Khi một chứng minh như thế chưa có, làm thế nào dựa vào nó để nói là có bằng chứng di truyền học phân tử cho một quá trình tiến hóa tiệm tiến, địa phương ở chính Đông Nam Á?

Một phần khác của vấn đề thì có liên quan đến việc chứng minh qua đối chiếu hình thái học của kiểu răng. Tác giả nói ”Nguồn gốc Đông Nam Á của chủng Mongoloid càng được khẳng định qua nghiên cứu so sánh kiểu răng của người phía Nam và người phía Bắc vùng Đông Á,”rằng kiểu răng Sinodont phát sinh từ kiểu răng Sundadont, do đó loại hình Mongoloid phương bắc có nguồn gốc từ loại hình Mongoloid phương nam.Thuyết này đã từng bị người trong ngành phê phán. Chẳng những thế, còn có các nghiên cứu đưa ra một hình ảnh khác hẳn. Một trong số này (Matsumura and Hudson, 2005) cho thấy, giòng chảy của gien là từ người có kiểu răng Sinodont ĐBA đến người có kiểu răng Sundadont ĐNA! Đó là nói theo hai chuyên gia mà tên tuổi không xa lạ gì với người Việt,M.F. Oxenham và H. Matsumura.

Trong nghiên cứu tầm vóc, mới công bố gần đây của họ, hai chuyên gia này cho rằng mô hình tiến hóa địa phương (thuyết bản địa) có một vấn đề cơ bản, hai mặt: thứ nhất là sự nghiên cứu, so sánh kiểu răng phần nhiều được thực hiện nơi con người hiện tại, thứ hai là thiếu số đo các kiểu răng qua các thời. (8) Nhận định này rõ giống như ý của Dorian Fuller về lúa dại Quảng Tây.

Quả thật, sự so sánh chỉ số răng của người đang sống giữa hai vùng không thể đưa đến những kết quả vững chắc cho mô hình này khi không có số đo cho các kiểu răng qua nhiều thời kì từ quá khứ đến hiện tại. Ở ĐNA (lục địa và hải đảo), do những cuộc thiên di lớn từ phương bắc từ thời Đá mới đến nay, không thể giả định tiên nghiệm rằng đặc trưng Sundadont / Mongoloid hiện tại là kết quả di truyền của đặc trưng hình thái học Sundadont / Mongoloid nguyên thủy khi mà sự kiện này phải đưa đến sự pha trộn gien và hình thái. Và thiếu các kiểu răng qua các thời, từ thời tiền nông nghiệp, tiền Đá mới trở đi, rõ ràng không thể nói chắc là có hay không một quá trình tiến hóa bản địa và liên tục, ở Nam cũng như ở Bắc.

Mô hình tiến hóa địa phương đã lộ rõ nhược điểm khi có đủ dữ liệu cần thiết, theo hai chuyên gia trên. Đây là nói về khối dữ liệu khổng lồ về dấu răng của con người từ trước thời Đá mới cho đến nay, ở nhiều địa điểm từ Đông Nam Á đến Đông Bắc Á. Nó được họ sử dụng để thử thách cả hai mô hình, chủ yếu là mô hình ”hai lớp người” của họ (”thiên di-đồng hóa” theo cách gọi Tạ Đức). Mô hình này giải thích thông suốt lượng dữ liệu. Mô hình tiến hóa địa phương thì không thể, chẳng hạn nó không vẽ được một diễn trình tiên hóa giữa dấu răng Hòa Bình, Sơn Vi vv ở một phía và Mán Bạc, Đông Sơn ở phía khác.

Chưa biết người theo quan điểm tiến hóa địa phương sẽ trả lời thế nào. Điều chắn chắn là số đông chuyên gia từ nhiều năm qua đã nhìn dữ liệu Mán Bạc (và số liệu tương tự ở vài nơi khác bên ngoài Việt Nam) theo cách mà Matsumura vv. trước đây từng đề nghị: bằng chứng cho thấy loại hình Mongoloid đã đến Việt Nam vv. từ phía bắc. Và khi chưa có một câu trả lời vững chắc từ mô hình tiến hóa địa phương, ta không thể nghiễm nhiên xem điểm 2 là một sự kiện.

3.

Về ý tưởng nhóm O3-M122 xuất hiện khg. 10.000 năm trước ở Đông Nam Á hoặc cực nam Hoa Nam và sau đó bắc tiến. Con số 10 nghìn năm được nhóm Spencer Wells (Genographic Project) đưa ra, cùng với giả định nhóm này phát sinh từ Trung quốc rồi đến ĐNA vv. Đây là kết hợp một đồng thuận trong khảo cổ (dấu tích nông nghiệp và sự lan truyền của nó) và hiểu biết rất sơ lược về nhóm O3-M122. Thế nên một hiểu biết đầy đủ hơn đã làm “Đông Á” và “khg. 10 nghìn năm” trở thành “miền nam Đông Á”, ”khg. 25-30 nghìn năm” trong công trình năm 2005 của Hong Shi và cộng sự. (9)

”Miền nam Đông Á” là tính từ bờ nam sông Dương tử, và theo bối cảnh nghiên cứu, không bao gồm ĐNA. Nhưng suy đoán ”nam Hoa Nam hay Đông Nam Á” có cái hợp lí của riêng nó, theo hiểu biết cho đến năm 2011. Từ năm này, một nghiên cứu của Shi Yan và cộng sự (Yan et al 2011) đưa đến sự việc phả hệ di truyền của O3-M122 được sửa đổi và bổ sung với hiếu biết mới. Nhưng nó vẫn chưa đủ để họ nói cụ thể và chính xác hơn về địa điểm phát sinh và niên đại của nhóm này. Điều này không nằm ngoài dự đoán của những người không tin nhóm O3-M122 có nguồn gốc phương nam.

Quan điểm này không mấy khi thấy xuất hiện, và chỉ mới đây nó mới có được một chiến thắng rõ rệt, nổi trội -do chính Yan và những nhà nghiên cứu có quan điểm đối nghịch cung cấp. Được lưu truyền rộng rãi trong dạng preprint từ năm 2013, công trình này được đánh giá cao và tạo nên những thảo luận tích cực. Với rất nhiều phát hiện mới về O3 và các nhóm liên quan, Yan và đồng sự trình bày một cây phả hệ chi chít những cành nhánh và thứ bậc mới, và họ đưa ra một niên đại ít dao động nhất cho đến nay, cùng một khu vực rõ rệt, cụ thể cho sự thành hình và sinh tụ nhóm này: O3-M122 khởi đầu khg. 23,0 – 26,5 nghìn năm trước ở phía bắc sông Dương tử và quần tụ ở khu vực được tin là khg. 20 nghìn năm về sau sẽ trở thành chỗ phát sinh ngữ hệ Hoa-Tạng. (10)

Hình dưới đây, với các niên đại ước tính được cho ba phân nhóm thuộc hàng chít chắt xa tít của nhóm O3-M122, giúp hình dung được một diễn biến nhanh chóng, đột ngột và, nếu muốn, gần như có tính cách thiên tai: các tộc người nói tiếng Hoa-Tạng sinh ra từ ba người đàn ông có gốc O3 khg. 6 nghìn năm trước, trong một thời gian ngắn ngũi bỗng trở nên thật đông đảo với gần 30 chi hệ; từ ba cá nhân ban đầu ở lưu vực Hoàng hà, 6 nghìn năm sau thế giới có được 300 triệu đàn ông Trung quốc!


Hình A) Một phần của cây phả hệ di truyền O3. B) Bùng nổ dân số trong thời Đá mới và quan hệ có-thể-có của chúng với các nhóm ngôn ngữ ngày nay.(11)

Niên đại và vùng sinh tụ O3-M122 nêu trên đưa đến một hệ quả trùng khít với hiểu biết khảo cổ: Sự bùng nổ dân số nói trên rõ ràng rơi đúng vào thời kì nông nghiệp phát triển mạnh ở khu vực đó. Cũng thế, địa phương sinh tụ của nhóm O-F78 (một nhóm thuộc hàng cháu chắt của O1, mới nhận biết, ”F” là Fudan University) và thời khoảng bùng phát dân số của nhóm này, cách đây khg. 5 nghìn năm, cũng trùng khít với văn hóa nông nghiệp Lương Chử.

Nhóm Shi Yan cho thấy họ bị hấp dẫn bởi điều này và cho rằng sự bùng nổ dân số có do lúc đó nông nghiệp đã phát triển hoàn chỉnh. Họ cũng mạnh dạn suy đoán, ba tổ tiên Hoa-Tạng kia có lẽ là các vị vua trong truyền thuyết của tộc Hán. Nhưng nếu niên đại O3-M122 bị sửa đổi, trở nên lớn hơn một ít, sự phân nhánh như thấy trong hình A và sự gia tăng dân số sẽ không quá nhanh và dồn dập, diễn ra từ cách đây khg. 10-6 nghìn năm, trong một liên hệ tương tác hỗ tương với phát triển tiệm tiến của nông nghiệp – nói cách khác, theo hiểu biết khảo cổ đã nhắc ở phần đầu bài này, giải thích này có vẻ uyển chuyển, xác thực hơn dù như thế nhiều người sẽ mừng hụt, như chuyện đã xảy ra với “Long An, Quảng Tây – vùng khai sinh nông nghiệp lúa nước”.

Việc thay thế niên đại khg. 24,7 nghìn năm bằng một niên đại lớn hơn một ít, là điều có thể xảy ra. Yan và cộng sự nói, nhờ vào các SNP (single nucleotide polymorphism, ”đa hình đơn phân tử”) mới được phát hiện nên niên đại nêu trên được lượng định vững chắc, chính xác hơn các niên đại được đề nghị trước đây, nhưng theo dự đoán của họ niên đại này có thể sớm bị thay thế. Từ một nghiên cứu mới hơn, có thể đoán hướng đi của nhóm NO (sinh ra nhóm N và O, “nhóm cha” của O3, O2 và O1) có lẽ từ ĐNA/Tây Bắc Ấn đi lên chứ không như Yan và cộng sự phác họa.

Nhưng nói chung, nếu có những thay đổi như thế thì nhóm O3-M122 vẫn khó quay lại với ”niên đại 10 nghìn năm” và ”quê hương ĐNA hay cực nam Trung quốc”.

4.

Những tài liệu mà tôi đề cập trong bài này phần nhiều mới công bố. Tôi nghĩ tác giả Đỗ Kiên Cường không có thời gian tiếp cận, thẫm định chúng khi đề ra giả thuyết của ông về nguồn gốc người Việt dựa trên di truyền học phân tử. Điều này thường tình thôi nhưng việc góp ý là cần thiết để có thể đi đến một phác họa vững chắc hơn, điều mà tôi đoán, có lẽ ít nhiều làm được từ hiểu biết và sự đón bắt xu thế phát triển hiện tại. Nhưng đây là chuyện lần khác, của người khác.

Để chấm dứt tôi muốn nói sơ về một huyền thoại có vẻ phổ biến, rằng sự đa dạng di truyền nơi người Việt cao hơn người các nước láng giềng khiến có thể khẳng định, chúng ta có gốc gác từ những cư dân đầu tiên của ĐNA. Một tin tưởng như thế, nếu không nói rõ đó là nói về phía các nhóm giòng mẹ hay cha, vv. dễ đưa đến những suy đoán sai lầm. Tự thân nó cũng không theo kịp hiểu biết mới, vì chẳng hạn sự đa dạng di truyền theo giòng mẹ nơi người Việt thật ra thấp hơn các quần thể thiểu số ở Campuchea, một phần do đó mà ngay từ giòng mẹ chúng ta đã không gần gũi mấy với những cư dân đầu tiên của ĐNA, đó là chưa nói, trễ nhất từ thời kì Mán Bạc ta đã có một ít dấu vết di truyền theo giòng mẹ giống người Đông Bắc Á!

Và sự đa dạng di truyền cao độ tự nó cũng chưa nói lên được gì. Theo các ước tính di truyền học hiện có, từ thời con người hiện đại đặt chân đến ĐNA đến nay, có không ít lần phần đất nay là Việt Nam chứng kiến những nhóm dân ngược bắc, xuôi nam, qua núi, xuống biển... Sự ”hòa huyết”, ”trao đổi gien” do đó phải có, và ở một mức độ điều này sẽ làm nên sự đa dạng di truyền đáng kể. Thế nên, như đã được nhắc gián tiếp (phần 2), và cũng giống với chuyện quần tụ và phát tán Việt-Mường mà Tạ Đức đã lí giải, (12) không thể đơn giản xem đa dạng di truyền cao độ tự nó là cái cho thấy người Việt có gốc gác cư dân bản địa lâu đời hay, tệ hơn, nguồn gốc của tộc này tộc kia, người Việt cung cấp tiếng nói, con người (và cây lúa) cho thế giới vv…

• 14-16/10-2014


Ghi chú:

Người Tàu là tổ tiên của người Việt?



Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn
(Giáo sư tiến sĩ Y khoa Garvan,, Australia)
2015-10-25
"Một nghiên cứu mới nhất và qui mô lớn nhất công bố trên Science cho thấy người Đông Nam Á chính là tổ tiên của người Đông Á, kể cả người Tàu"
 Hình: livescience.com
        
Tôi nghĩ nhiều người Việt nghĩ như thế: tổ tiên chúng ta (người Việt) là người Tàu. Họ không hẳn là thuộc nhóm "thân Tàu" hay Lê Chiêu Thống hiện đại đâu, mà có thể là những người có tinh thần dân tộc tốt và có học thức khá. Nhưng chứng cứ khoa học mới nhất cho thấy ngược lại: Người Tàu có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Có thể nhiều bạn cảm thấy sốc với phát biểu đó, nhưng đó chính là bằng chứng về di truyền học chứ không phải của cá nhân tôi. Xin nhắc lại để nhấn mạnh: Người Đông Nam Á là tổ tiên của người Tàu.
Hôm kia, khi bàn về Tố Hữu là nhà văn hoá dân tộc, có một bạn đọc gửi tôi một bài thơ của thi sĩ này. Bài thơ có tựa đề là "Nhớ người chị phương Bắc" do Tố Hữu viết vào năm 1946 để ca tụng giặc Tàu. Bài thơ chẳng có gì đặc sắc, nhưng có những câu làm tôi chú ý và do đó làm động cơ để viết cái note này:

"Cả Trung Hoa đứng dậy thét vang lừng
và Nam Việt em cũng nghe chừng nôn nả
Chị đây rồi Trung Hoa người chị cả
Mấy nghìn năm Đông Á mái che chung
Mà biên cương không xé được đôi lòng ...
...
Trong máu em có dòng máu của chị
Núi sông em rên siết đã bao lần
Dưới vó ngựa bạo tàn quân Nguyên
Những lúc ấy chị cũng đau lòng huyết thống"

Phải công nhận là một cây bút nịnh bợ có hạng, mà Lê Chiêu Thống nếu có sống lại chắc phải chào thua. Thi sĩ tự nhận Việt Nam là "em", còn Tàu là "chị". Em có sau, chị có trước. Vì nhận chị em như thế, nên ông xem hai dân tộc này có cùng huyết thống. Tuy Tố Hữu không viết ra, nhưng tôi đoán rằng trong đầu ông lúc đó nghĩ rằng người Tàu là tổ tiên của ông, của người Việt.

Nhưng công bằng mà nói, ông không phải là người đầu tiên nhận bừa như thế (nếu có), nhiều người Việt Nam cũng tự nhận một cách thành kính rằng họ có nguồn gốc từ người Tàu. Chẳng hạn như mấy năm trước có một cô tên là Đỗ Ngọc Bích viết một bài mà trong đó có câu “Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha… từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v…”

Nhưng đó là một nhận định chủ quan, thiếu chứng cứ khoa học. Chứng cứ khoa học thuyết phục nhất là gen, là chất liệu di truyền. Đã có nhiều nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc và văn minh Đông Nam Á, và tôi có lần tổng kết trong một bài báo cũng khá lâu rồi. Một trong những tác giả đi tiên phong về lĩnh vực nghiên cứu này là Bác sĩ Stephen Oppenheimer, người Anh và nay làm việc ở ĐH Oxford (sau này là chỗ quen biết của tôi). Trong cuốn sách nổi tiếng "Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia" (tạm dịch là "Địa đàng ở phương Đông: Lục địa chìm đắm của Đông Nam Á) (1), qua những dữ liệu dồi dào được thu thập một cách công phu từ nhiều ngành nghiên cứu khác nhau, Oppenheimer đi đến kết luận rằng Đông Nam Á là cội nguồn của văn minh hiện đại, và người Đông Nam Á chính là tổ tiên của người Tàu. Đó là một thách thức ghê gớm với quan điểm chính thống, nhưng cho đến nay khó ai có thể bác bỏ dữ liệu của Oppenheimer.

Gần đây, một nghiên cứu hết sức công phu về nguồn gốc dân tộc chứng minh rằng nhận định của Oppenheimer có thể đúng. Đó là công trình nghiên cứu qui mô lớn gọi là HUGO Pan Asian SNP Consortium công bố trên tập san Science (2) người Đông Á có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Nghiên cứu này phân tích khoảng 50,000 SNP trên 2000 người thuộc 73 sắc tộc, và họ đi đến kết luận:

• Người Đông Á và Đông Nam Á có cùng nguồn gốc;
• Người Đông Á chủ yếu xuất phát từ cư dân vùng Đông Nam Á.

Xin nhắc lại Đông Á ở đây là Tàu, Hàn Quốc, Mông Cổ, và có thể kể cả Nhật. Nên nhớ rằng ngày xưa không có người Thái, Việt, Mã Lai, v.v. mà chỉ có Đông Nam Á nói chung. Do đó, nói Đông Nam Á ở đây tôi muốn nói đến người Thái, Mon-Khmer, Tạng-Miến, Mã Lai, hay gọi chung là Bách Việt.

Đây là một nghiên cứu có thể nói là "final say" - lời phát biểu sau cùng về nguồn gốc dân tộc. Thật ra, trước đó cũng đã có một vài nghiên cứu cho thấy người Đông Nam Á chính là tổ tiên của người Đông Á. Dĩ nhiên, cũng có nghiên cứu cho thấy kết quả ngược lại, nhưng do phương pháp chưa tốt nên cũng khó thuyết phục. Tôi thì thấy chứng cứ trên (Đông Nam Á có trước Đông Á) rất thuyết phục. Thuyết phục là vì nhiều dữ liệu ngoài di truyền cũng cho thấy Đông Nam Á là một trung tâm văn minh thế giới cổ.

Trước hết, hãy nói về trồng lúa nước. Nhiều sách vở Việt Nam (và thế giới) cho rằng Tàu là dân tộc đầu tiên thuần hoá và phát triển kĩ thuật trồng lúa nước. Sách sử Tàu còn viết rằng mấy quan thái thú Tàu như Nhâm Viên và Tích Quang dạy người Việt làm lúa nước (3). Nhưng bây giờ thì chúng ta biết rằng quan điểm này SAI. Người Đông Nam Á mới chính là chủ nhân của kĩ thuật này. Hạt lúa lâu đời nhất được tìm thấy trong một hang động ở Thái Lan. Điều này có lí vì nghề trồng lúa nước đòi hỏi người dân phải nắm vững và thích nghi với thời tiết, môi trường sông nước, rất thích hợp với người Đông Nam Á.

Thứ hai là thuần hoá gia cầm. Nghiên cứu di truyền gần đây cho thấy tất cả các loài gia cầm như gà, chó, heo, v.v. trên thế giới đều có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Trong cuốn “Origin of species”, Darwin cũng từng khẳng định rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều có nguồn gốc từ gà rừng Đông Nam Á. Trong một bài viết cho Tập san National Geographic, W. G. Solheim II nhận xét rằng Đông Nam Á là nơi phát triển nền chăn nuôi đầu tiên trên trái đất. Điều này phù hợp với giả thuyết Đông Nam Á là một cái nôi văn minh nông nghiệp đầu tiên của con người, và cư dân tại đây rất là những người phát minh ra kĩ thuật trồng lúa nước, chăn nuôi, và truyền các kĩ thuật này lên phía Bắc (tức miền Nam của Tàu ngày nay).

Câu chuyện người Đông Nam Á là tổ tiên người Đông Á khá dài dòng và phức tạp, nên tôi hẹn các bạn một bài sau để nói chi tiết hơn. Câu chuyện chúng ta nói ở đây xảy ra gần 10 ngàn năm trước, và xảy ra trong bối cảnh di dân từ Phi châu. Nói tóm lại, một nghiên cứu mới nhất và qui mô lớn nhất công bố trên Science cho thấy người Đông Nam Á chính là tổ tiên của người Đông Á, kể cả người Tàu. Phát hiện này giúp chúng ta suy nghĩ lại nguồn gốc dân tộc, mà cũng khẳng định câu của Nguyễn Trãi:

Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cỏi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Đúng quá!

Nghiên cứu mới nhất công bố trên Science và lời Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi còn là một lời nhắc nhở cho những ai còn ảo tưởng rằng tổ tiên của chúng ta là người Tàu.
=====

(1) Cuốn sách "Eden in the East" do tôi giới thiệu lần đầu ở VN khoảng 10 năm trước, và đã được dịch sang tiếng Việt. Tôi có viết lời giới thiệu cho cuốn sách ở đây: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/dia-dang-o-phuong-dong


(3) Sách Hậu Hán thư (tức sử của Trung Quốc) chép: "Phàm đất thuộc bộ Giao Chỉ, tuy đã đặt quận, huyện, nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, nhưng ngôn ngữ vẫn khác nhau, phải có thông ngôn mới hiểu. Người như cầm thú, không phân biệt trưởng ấu (tức không có tôn ti trật tự), búi tóc ở gáy, đi chân không, lấy vải quấn qua đầu làm áo. Sau đó những người tội phạm Trung Quốc đến ở lẫn với họ, mới biết ngôn ngữ dần dần thấy hóa theo lễ. Đến thời Quang Vũ Trung Hung, Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm thái thú Cử Chân, bấy giờ mới dạy cho dân biết cày cấy, biết đội mũ đi giày, đặt mối lái, dân mới biết hôn nhân, dựng học hiệu dạy lễ nghĩa …"
Nguồn: Facebook Nguyễn Văn Tuấn, https://www.facebook.com/drtuanvnguyen/posts/1506998419613279

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét