Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Người Nhật dạy con

Kì 1: Cho đi học một mình từ nhỏ
 
(Dân Việt) Trong những ngày lạnh giá này, hình ảnh học sinh Nhật Bản mặc quần cộc đi học trong cái rét tê tái khiến nhiều người nước ngoài ngạc nhiên. Nhưng bố mẹ Nhật Bản còn có nhiều nguyên tắc dạy con khác mà nhiều bố mẹ Việt Nam hay các nước khác chưa chắc dám thử, như cho con tự đi học một mình từ lúc còn nhỏ.
   
Cách dạy con của người Nhật thường gây ngạc nhiên cho các ông bố bà mẹ ở nước khác. Loạt bài này sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu, lý giải những nguyên tắc dạy con đôi khi "trái khoáy" của bố mẹ người Nhật.
Kênh truyền hình Úc SBS 2 gần đây chia sẻ bộ phim tài liệu ngắn có tựa đề "Những đứa trẻ độc lập của Nhật Bản" trên YouTube, trong đó so sánh một bé gái Nhật Bản và một bé gái người Úc, đồng thời xem xét các yếu tố xã hội dẫn đến sự khác nhau trong kỳ vọng của bố mẹ về tính độc lập của con họ ở từng nước.
Đoạn phim dài 8 phút bắt đầu bằng câu tục ngữ của người Nhật Bản "Kawaii ko ni wa tabi o saseyo", nghĩa là "Hãy để con yêu của bạn có một cuộc hành trình".

Cô bé Noe Ando, 7 tuổi, tự đi học hằng ngày (Ảnh: Japan Today)

Ý nghĩa của câu tục ngữ này là trẻ em cần học cách trải qua thách thức và khó khăn ngay từ giai đoạn đầu đời, cho thấy thực tế rằng trẻ em Nhật tự hòa nhập xã hội để trở nên độc lập và tự chăm sóc bản thân từ lứa tuổi nhỏ hơn nhiều so với trẻ em ở nhiều nước khác. Một ví dụ điển hình là học sinh tiểu học Nhật tự đi học mỗi ngày.
Người xem phim sau đó được gặp cô bé 7 tuổi rất dễ thương Noe Ando trong một ngày bé tự bắt tàu đi học. Cô bé thậm chí còn phải chuyển tàu ở JR Shinjuku, nhà ga đông đúc nhất thế giới tính theo lượng hành khách. Chỉ riêng việc đi bộ trong nhà ga này cũng khó khăn đối với người lớn, chưa nói đến một đứa trẻ nhỏ như vậy trong giờ cao điểm.
Việc để con 7 tuổi tự tìm đường trong hệ thống giao thông công cộng phức tạp là điều không thể tưởng tượng được đối với các ông bố bà mẹ ở nhiều nước khác, nhưng mẹ của Ando có quan điểm riêng của mình: "Bố mẹ của cháu không thể lúc nào cũng ở bên, nên cháu phải học cách tự giải quyết mọi việc. Nếu bị lạc hay bắt sai tàu, cháu sẽ phải tìm cách tự giải quyết".
Đoàn làm phim sau đó phỏng vấn Jake Adelstein, một nhà báo điều tra người Mỹ và là chuyên gia về vấn đề tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản. Adelstein cũng bị sốc văn hóa khi con gái 4 tuổi của anh bắt đầu tự đi bộ đi học. Từ quan sát cá nhân, nhà báo này thấy rằng xã hội và văn hóa làm việc của người Nhật cần được sắp xếp lại toàn bộ nếu các ông bố bà mẹ phải đảm trách việc đưa đón trẻ đi học mỗi ngày.
Phần tiếp theo của đoạn phim là hình ảnh gia đình Fraser Úc với cô con gái 10 tuổi Emily được bố lái xe đưa đi học mỗi ngày. Khi được nói rằng nếu sống ở Nhật, Emily đã phải tự đi học cách đây 4 năm, cô bé trả lời: "Điều đó thật tuyệt". Emily đang mong được lên trung học để được tự đi học và được giao chìa khóa riêng.

Những em bé dù còn rất nhỏ nhưng tự đi học là hình ảnh thường thấy ở Nhật Bản (Ảnh: The Atlantic)
Phần cuối của phim bàn luận nhanh về những khác biệt và kỳ vọng xã hội đối với trẻ em ở Úc và Nhật Bản. Một người Úc nhận xét: "Xã hội của chúng ta mắc chứng kiêu căng thái quá về việc để trẻ em tự lo". Người kể chuyện trong phim còn cho biết dân số Nhật Bản gấp 5 lần dân sÚc, nhưng tỷ lệ giết người chỉ bằng 1/4.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Time vào tháng 7/2015, tác giả Maryanne Murray Buechner kể rằng, khoảng 1 năm sau khi cô chuyển đến Tokyo cùng chồng và hai con trai, cậu con trai 6 tuổi của cô biến mất khi họ đang đi trên phố. Cậu bé không bị bắt cóc, không rơi xuống hố, mà chỉ chạy khuất tầm nhìn khi mẹ không đý.
Buechner kể, lúc đầu cô cảm thấy hơi lo lắng, vì cô đến từ New York. Nhưng cuối cùng cô cũng tìm thấy con đang đứng trước một cửa hàng tiện ích và đang khóc vì sợ. Mặc dù chưa thoát được cảm giác lo lắng cố hữu của một người nước ngoài, Buechner vẫn nói với con rằng cậu sẽ không gặp nguy hiểm gì cả, vì họ đang ở Tokyo, và rất nhiều trẻ em Nhật Bản tầm tuổi cậu tự đi khắp thành phố.
Buechner cho biết đó là một trong những điều đầu tiên chị học được về cách làm bố mẹ ở Nhật Bản, rằng đứa trẻ nào cũng được kỳ vọng phải có tính độc lập và tự lo từ khi còn rất nhỏ để tự bắt xe buýt, tàu hay đi bộ qua những con phố cực kỳ đông đúc.
Tất nhiên, để làm được như vậy cũng cần những điều kiện nhất định. Chẳng hạn, tỷ lệ tội phạm ở Nhật Bản rất thấp khiến người dân yên tâm, và các ông bố bà mẹ thường nghĩ rằng có thể tin tưởng vào cộng đồng vì họ sẽ giúp trông chừng con của mình. 
_____________
Nhiều người cho rằng, sở dĩ người Nhật có thể cho con tự đi học vì xã hội Nhật Bản văn minh, giao thông tốt, không lo bị bắt cóc. Điều đó đúng, nhưng không thể phủ nhận các bố mẹ Nhật luôn muốn rèn con mình ngay từ khi còn bé đã có tính độc lập. Các bài tiếp theo sẽ dần tìm hiểu về nguyên tắc giáo dục của bố mẹ Nhật. 
 
 
Kì 2: Cách chiều và phạt ngược với "Tây"
 
(Dân Việt) Một người Mỹ tỏ ra kinh ngạc khi thấy một đứa trẻ Nhật khoảng 5 tuổi đấm vào người mẹ đang mang bầu để đòi chỗ ngồi của mẹ trên tàu điện ngầm và được bà chấp thuận.
   
Cách dạy con của người Nhật thường gây ngạc nhiên cho các ông bố bà mẹ ở nước khác. Loạt bài này sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu, lý giải những nguyên tắc dạy con đôi khi "trái khoáy" của bố mẹ người Nhật.
Tình da thịt
Các bà mẹ Nhật thường dẫn con đi mọi nơi, bằng cách bế hoặc đẩy xe, đi quanh nhà, tới cửa hàng, thậm chí đạp xe quanh thị trấn. Không hiếm cảnh những ông bố vừa trượt tuyết vừa địu con sau lưng.
Ở hầu hết các gia đình Nhật, trẻ con ngủ chung với bố mẹ, thường là con nằm giữa, giống như chữ    (sông) trong tiếng Nhật. Điều này sẽ kéo dài tới khi trẻ đi học, thậm chí đến 14-15 tuổi. Và bạn có thể thấy rất nhiều người mẹ dẫn con mình tới tắm ở các bể bơi công cộng. Người Nhật gọi đó là "tình da thịt" – tt c mi người đều khỏa thân trong bể tắm nước nóng. Nhưng bố mẹ Nhật không ôm hôn con họ, vì đó không phải cách họ thể hiện tình cảm.

Một ông bố địu con trên lưng khi đang trượt tuyết (Ảnh: Time)
Ngược lại, văn hóa phương Tây chú trọng cho con cái ngủ riêng, thường là trong nôi hoặc cũi, ở phòng riêng. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của việc để trẻ ngủ riêng là nhằm khuyến khích tính tự lập ở trẻ. Nhưng thật kì lạ, hầu hết nghiên cứu cho rằng ngủ chung khiến trẻ tự lập và tự giác hơn khi chúng lớn lên. Sự thỏa mãn về nhu cầu tình cảm, sự gắn bó và quan tâm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến chúng có lòng tự tin và tự tôn cao hơn.
Ở Nhật Bản, nhiệm vụ tối quan trọng của người mẹ là tạo ra mối gắn kết như một với con và gìn giữ mối liên hệ đó suốt thời thơ ấu của trẻ. Phát triển sự gần gũi này còn được chú trọng hơn những kĩ thuật làm gương, thương lượng và kỉ luật trẻ trong quá trình giúp chúng hòa nhập với những giá trị về đạp đức và xã hội Nhật. Theo truyền thống, người mẹ sẽ dựa vào sự gắn kết tối cao đó để dạy con cư xử phải phép hơn là các phương pháp trừng phạt hay ép buộc.
Cách phạt con
Dù rèn giũa con rất nghiêm khắc, cha mẹ Nhật cũng rất chiều con họ, theo cách mà người phương Tây không thể tưởng tượng ra.

Các bà mẹ Nhật luôn tạo tình cảm gần gũi với con, nhưng không ôm hôn
Tim Sullivan, một người Mỹ có vợ Nhật, kể lại trên trang web cá nhân về việc anh cảm thấy ngạc nhiên vô cùng khi chứng kiến cảnh một đứa trẻ khoảng 5 tuổi đấm vào người mẹ đang mang bầu của mình ở trên tàu điện ngầm trong giờ cao điểm vì mẹ mình được ngồi trong khi cậu bé đứng. Thật đáng kinh ngạc, người mẹ đứng dậy nhường chỗ cho cậu bé. Sullivan cho rằng, trong văn hóa Mỹ, người mẹ sẽ dùng tình huống này để dạy con cách tôn trọng và thể hiện hành vi tốt.
Mặc dù vậy, người Nhật Bản còn có cách hiệu quả hơn nhiều để phạt trẻ nhỏ: sự tẩy chay, đẩy người mắc lỗi ra khỏi tập thể.
Sullivan đưa ra hai ví dụ để so sánh cách anh và vợ anh khi còn nhỏ bị phạt vì không ngoan.
Khi còn nhỏ, Sullivan thường bị mẹ nhốt trong phòng nếu mắc lỗi. Còn vợ anh, chị Kurumi cho biết mẹ chị thường đẩy chị ra khỏi nhà và khóa cửa lại, khiến chị khóc lóc và cào cửa xin mẹ cho vào.
Hai phương pháp trừng phạt trẻ áp dụng trong những nền văn hóa khác nhau có vẻ đối nghịch, nhưng nếu nhìn kĩ hơn, bạn sẽ thấy điều cốt lõi: cả hai đều từ chối đứa trẻ thứ mà nó coi trọng.
Trong trường hợp của Sullivan, bố mẹ từ chối thứ mà anh coi trọng nhất: tự do và độc lập, niềm vui của việc ra khỏi nhà và tụ tập bạn bè ở bên ngoài.
Trong trường hợp của Kurumi, bố mẹ cô ấy từ chối thứ quan trọng nhất trong hệ giá trị của cô ấy nói riêng và xã hội Nhật nói chung: sự gắn bó. Hình phạt này hữu dụng trong văn hóa tập thể của Nhật, khi cá nhân luôn hòa trong tập thể. Trong xã hội Nhật, cá nhân không được đề cao trong vai trò một chủ thể đứng tách biệt.
Thực tế ở Nhật, một người phải là một phần của tập thể, và sẽ không trọn vẹn khi thiếu sự gắn bó với tập thể. Vì thế, sự tẩy chay là một phương pháp hiệu quả để phạt những người ao ước được gắn bó, và điều này cũng được sử dụng rộng rãi ở nơi làm việc của người Nhật.
______________
 
 
Kì 3: Kỳ công trả lại một đồng Xu
 
(Dân Việt) Người Nhật rèn luyện cho trẻ những giá trị khắt khe từ khi chúng còn nhỏ, như việc tôn trọng tài sản của người khác, dù chỉ là một đồng xu 1 yen.
   
Trong bài viết "Dạy văn hóa xấu hổ cho trẻ nhỏ" đăng trên báo Mỹ New York Times gần đây, tác giả Nicholas Kristof nói rằng những ông bố bà mẹ nước ngoài khi đến Nhật thường cảm thấy tò mò và ghen tị trước những em bé giống như thiên thần trong các trường mầm non, trong các nhà hàng, khi chúng chẳng bao giờ sờ mó nghịch ngợm lọ muối, hạt tiêu trên bàn, không bao giờ đòi hỏi, mè nheo khi đi qua quầy kem giữa mùa hè.

 Trẻ em Nhật được bố mẹ dạy dỗ nghiêm túc việc trả lại đồ đánh rơi. ảnh Japan Times
Vì thế, khi có cơ hội, Kristof quyết định học cách dạy con của người Nhật. Khi cậu con trai 5 tuổi Gregory của anh nhặt được một đồng xu 100 yen (gần bằng 1 USD) trên sân chơi, Kristof quyết định đưa con đến đồn cảnh sát để nộp lại.
Người cảnh sát trẻ lấy ra một tờ khai rồi hỏi Gregory: "Cháu nhặt được đồng xu ở đâu?". "Hôm qua ạ", Gregory trả lời. "Lúc mấy giờ?" - anh cảnh sát hỏi tiếp. Hai bố con Kristof không nhớ rõ, nhưng họ đưa ra thời gian áng chừng luc 5h chiều. Anh cảnh sát tiếp tục hỏi địa chỉ, nghề nghiệp và vị trí chính xác mà Gregory tìm thấy đồng xu, rồi gọi điện đến nơi có vẻ như văn phòng trung tâm để báo cáo tỉ mỉ về việc một cậu bé vừa nộp đồng xu 100 yen.
Sau khi gắn số quản lý cho đồng xu bị đánh rơi này, anh cảnh sát khen ngợi sự trung thực của Gregory, đưa cho hai bố con cậu bé một tờ giấy xác nhận với nội dung họ có thể đến nhận lại đồng xu sau 6 tháng nếu không có ai đến nhận.
Anh cảnh sát mất hơn 30 phút để giải quyết vụ việc. Người Tây có thể coi đây là việc phí thời gian, vì thực tế có những bố mẹ đưa con đến nộp đồng xu chỉ 1 yen. Nhưng người Nhật coi đó là một sự đầu tư cho lòng trung thực. Khi ra khỏi đồn cảnh sát, Kristof nói rằng anh nhận thấy đây thực sự là ý tưởng hay. Nhưng anh cũng sớm nhận ra, mọi việc với anh không đơn giản như vậy.
Ba ngày sau, cậu bé Gregory khi đang đi bộ gần nhà lại nhặt được đồng xu 10 yen. "Đi đến đồn cảnh sát thôi bố ơi!", cậu nói với bố.
Kristof nghĩ rằng anh cảnh sát có thể kiên nhẫn lần đầu, nhưng lần thứ hai sẽ không như vậy. May thay, nhà trẻ nơi Gregory đang học có chương trình quyên góp tiền giúp người nghèo, nhưng phải là tiền của bọn trẻ, không phải tiền xin bố mẹ.
Kristof nói với cậu bé rằng cậu có thể quyên góp đồng xu cậu nhặt được để giúp người nghèo, và cậu bé có vẻ thấy khó hiểu khi đột nhiên cậu có thể cho đi đồng tiền mà trước đó cậu được dạy rằng nó không thuộc về cậu. Kristof  bắt đầu nhận ra rằng dạy con những giá trị của người Nhật không dễ như anh nghĩ ban đầu.

Người Nhật coi việc dạy con trả lại đồ đánh rơi là một sự đầu tư cho lòng trung thực. ảnh: Mirror
Văn hóa trả lại đồ nhặt được và không giữ những thứ gì của người lạ khiến những sở cảnh sát như ở Tokyo có riêng một nhà kho chứa đầy giầy, ô và ví mà người dân nhặt được và nộp cho cảnh sát.
Nét văn hóa này được giáo dục từ nhỏ, nên đã ăn sâu vào văn hóa của người Nhật, đến mức sau khi xảy trận động đất và sóng thần dữ dội năm 2011, cảnh sát cho biết thói quen trả lại đồ nhặt được, trong đó có cả tiền mặt, vẫn được người dân Nhật thực hiện.
Các nhà nhân chủng học nhấn mạnh "văn hóa xấu hổ" của người Nhật khiến họ luôn hành xử theo cách không để người xung quanh đánh giá xấu.
Áp lực xã hội khiến những bố mẹ Nhật không thể lái một chiếc xe bẩn đi ra ngoài hoặc mặc áo phông khi đưa con đi họ. Áp lực cũng khiến họ không làm những việc xấu khác. Vì thế, Nhật Bản có tỷ lệ tội phạm rất thấp nhưng có tỷ lệ tự tử cao. Khi người Nhật chán nản, họ không giết hàng xóm như nhiều người Mỹ, mà tự giết chính mình.
___________________
 
 
Ngọc Minh (theo Time, Japan Today) 
 
 
Created with Microsoft OneNote 2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét