Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Ngụy biện con gái miền Tây lười biếng, thất học, và dễ bị dụ dỗ

Nguyễn Văn Tuấn - Đọc “vì sao gái miền Tây làm nghề nhạy cảm?” 

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Thoạt đầu tôi không để ý đến bài báo "Vì sao gái miền Tây hay làm nghề nhạy cảm?" (nguyên văn bài báo bạn đọc có thể đọc ở cuối bài viết này), nhưng thấy phóng viên Lê Ngọc Sơn đưa vào Facebook và thấy các bạn bàn luận tôi mới đọc qua cho biết. Đọc xong tôi thấy đây là một bài báo có rất nhiều điểm đáng bàn. Đáng bàn không phải vì sự thật (đúng ra là tính hư cấu) trong bài báo, mà là khả năng nhận thức của người viết bài báo. Có nhiều câu chữ mang hơi hám khoa học nhưng thật ra là phi khoa học. Đáng lẽ toàn bộ bài viết phải gọi là “ngụy khoa học” thì đúng hơn. Tính nguỵ khoa học (pseudoscience) trong bài này nó bàng bạc trong các thói nguỵ biện phổ biến.

Cái nguỵ biện thứ nhất là nói bâng quơ. Chẳng hạn như câu “con gái miền Tây đi làm những nghề nhạy cảm như massage, tiếp viên… nhiều hơn những con gái miền khác. Thật ra, tôi cũng có thể nói khơi khơi thế này: “con gái miền Tây đi làm công nhân trong mấy hãng xưởng ở Bình Dương và Long An nhiều hơn con gái miền khác”. Tôi nói thế là vì tôi hay đi đến những hãng xưởng đó và có cảm nhận như thế. Còn những người hay đi uống bia ôm và massage thì thấy gặp con gái miền Tây nhiều, nên có cảm nhận như thế. Nó cũng chẳng khác gì người ta thấy nhiều người mắc bệnh tả có thói quen ăn thịt chó, thế là người ta nghi rằng thịt chó là nguyên nhân bệnh tả. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là so sánh giữa bao nhiêu người ăn thịt chó mắc bệnh tả, và bao nhiêu người không ăn thịt chó mắc bệnh tả. Bài học thứ nhất ở đây là: nói một chiều và không có nhóm chứng (control) là phạm phải lỗi nguỵ biện.

Thứ hai là nguỵ biện thống kê. Tiêu biểu cho nguỵ biện này là câu khẳng định “Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên”. Đây là một câu phát biểu rất khoa học, vì không phải ngẫu nhiên, tức là có hệ thống. Cái lỗi hệ thống mà tác giả này chứng minh trong mấy đoạn sau là do con gái miền Tây hay đua đòi, thất học, và do đó suy nghĩ đơn giản (dễ bị chiêu dụ). Quan trọng là chữ “ngẫu nhiên”. Nếu tác giả chỉ đọc vài bài báo thấy ai cũng nói con gái miền Tây đua đòi và còn thất học, tác giả đã bị người khác cấy vào não cái ý tưởng rằng con gái miền Tây quả thật hay đua đòi và thất học. Nhưng có thể đó chỉ là ý kiến cá nhân của vài kí giả, chứ chẳng có dữ liệu gì để đi đến một kết luận nghiêm chỉnh. Vài kí giả thì có thể chỉ là ngẫu nhiên (có thể họ hay đi nhậu nhẹt trong các quán bia ôm), nên khó mà nói mang tính đại diện được. Do đó, đáng lí ra, để chứng minh không phải là ngẫu nhiên, tác giả phải trình bày vài dữ liệu để thuyết phục độc giả. Hay hơn nữa, tác giả có thể tính toán (như trị số P) để độc giả thấy. Khi các kí giả có trình độ khá đưa tin về vaccine phòng chống HIV bên Thái Lan, người ta trình bày trị số P = 0.04 để cho thấy hiệu quả đó không phải là ngẫu nhiên. Nhưng tôi ngờ rằng tác giả bài này khó mà tính được trị số P, mà có tính được thì chắc gì đã hiểu. Lỗi nguỵ biện thứ hai ở đây là hồ đồ.

Thứ ba là tác giả đi từ võ đoán này đến võ đoán khác. Sau khi cho rằng “nhiều người” (lại “nhiều”!) miền Tây “cực kì cưng chiều con gái”, tác giả đi đến một phán xét rằng “Thế nên, ngay từ nhỏ, con gái miền Tây đã không phải lao động dãi nắng, dầm mưa, quá lắm chỉ là làm các công việc nội trợ trong gia đình.” Cái này là rõ ràng một sự võ đoán. Là bậc cha mẹ ai không cưng chiều con, đặc biệt là con gái. Đáng lẽ phải thấy đó là một điểm son chứ, để phân biệt với loại người (phải dùng chữ “loại”) trọng nam khinh nữ. Nhưng cưng chiều không có nghĩa là ở nhà suốt ngày lo mài dũa móng tay, bôi son, trét phấn như mấy cô gái thị thành. Tôi có thể lấy gia đình tôi ra làm ví dụ. Mấy em gái của tôi vẫn làm ruộng. Thật ra, hầu hết những người gặt lúa, cấy lúa ở miền Tây là phụ nữ. Có lẽ tác giả bài này chưa sống ở miền Tây nên nói quá bậy. (Chữ "bậy" ở đây là còn nhẹ, tôi có thể dùng chữ nặng hơn, nhưng có lẽ không cần thiết).

Cũng nằm trong cái lỗi võ đoán, tác giả phóng bút viết rằng “Chỉ cần quăng tay lưới hoặc cắm cây xuống lớp đất màu mỡ, họ sớm nhận được thành quả mà ít phải bỏ công sức hơn nơi khác.” Nếu tác giả này được đẻ ra vào thế kỉ 19 hay đầu/giữa thế kỉ 20 thì câu này có thể tạm chấp nhận được, nhưng đây là thế kỉ 21, tình trạng nông thôn đã có nhiều đổi thay (theo chiều hướng xấu đi) nên không có chuyện quang lưới xuống sông là có cá ăn đâu nhé. Có lẽ tác giả hoặc là đang nằm mơ giữa ngày (day dreaming), hoặc là đang “phê” những cuốn sách của bác Sơn Nam nên mới bạo tay gõ bàn phím như thế. Viết mà không đi thực tế thì chẳng khác gì – nói theo cách nói của dân miền Tây – nói dóc, tào lao.

Thứ tư là nguỵ biện theo kiểu lợi dụng trường hợp cá biệt. Đó là câu “Có thể thấy, lối suy nghĩ của nhiều cô gái miền Tây khá đơn giản, mộc mạc. Những phát ngôn “kinh điển” của Ngọc Trinh, người đẹp đến từ Trà Vinh, là ví dụ tiêu biểu nhất.” Phải nói đây là một câu phát biểu ngờ nghệch nhất mà tôi thấy từ một nhà báo! Lấy một trường hợp cá biệt để đi đến kết luận cho một cộng đồng là một sai lầm, một nguỵ biện thấp nhất. Nguỵ biện này chẳng khác gì lấy một cô hoa khôi nào đó ở Hà Nội giết tình nhân, rồi suy luận rằng gái Hà Nội là ác ôn! Dùng cách nói của nhà báo này, con gái miền Tây cũng có thể nói rằng nhà báo Việt Nam rất dốt nhưng ngạo mạn làm bộ như ta đây là những người đạo cao đức trọng - một kiểu đeo mặt nạ đạo đức giả.

Nên nhớ rằng miền Tây là vựa lúa của cả nước và cũng là nơi nuôi Việt Nam. Trong số những người làm ra hạt lúa để nuôi cả nước, có phân nửa là lao động nữ. Ấy thế mà có người vô ơn đến nỗi viết hẳn một bài báo để nói rằng con gái miền Tây lười biếng, thất học, và dễ tin! Nếu tác giả thật sự nghĩ như thế, thì đáng lẽ tác giả nên chịu khó suy nghĩ và đặt câu hỏi “tại sao”. Tại sao người dân miền Tây ít học? Tại sao người dân miền Tây bỏ làng đi làm thuê ở Bình Dương? Tôi nghĩ nếu tác giả tìm được câu trả lời thì có lẽ tác giả sẽ cảm thấy xấu hổ với những nhận định của mình, và nợ người dân miền Tây một lời xin lỗi. Dĩ nhiên, xin lỗi chỉ tồn tại ở những người có nhân cách.

Người Tây phương có câu “In God we trust, all others must bring data” (có thể hiểu câu đó là: chỉ có Thượng đế là đáng tin, còn tất cả những cái khác phải dựa trên dữ liệu). Hình như là câu nói của Edward Deming, người đem khái niệm quality control đến kĩ nghệ xe hơi của Nhật. Để đi đến kết luận về một cộng đồng, người ta cần chứng cứ. Chứng cứ có thể là định tính, nhưng tốt hơn nữa là định lượng đàng hoàng. Có lần nói chuyện ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn (thời ông Võ Văn Kiệt còn sống) tôi có nói về evidence based journalism mà tôi tạm dịch là “Báo chí thực chứng” (giống như y học thực chứng). Theo đó, phóng viên nên dựa vào chứng cứ mà viết thì tốt hơn là dựa vào những cảm nhận cá nhân.

Nói không có chứng cứ là nói dóc. Nói dóc, nói chuyện tào lao là chuyện của dân nhậu nhẹt. Rượu vào lời ra mà. Chẳng ai thèm để ý đến những lời nói dóc của những người say men rượu. Nhưng nhà báo, dù gì cũng mang danh là “có học”, mà nói dóc thì đáng trách, nếu không muốn nói là đáng kinh tởm. Khoảng cách thái độ từ kinh tởm đến khinh bỉ chẳng bao xa. Tác giả bài này cho rằng con gái miền Tây suy nghĩ đơn giản, nhưng những phân tích trên đây cho thấy thấy chính tác giả mới là người suy nghĩ đơn giản. Suy nghĩ đơn giản là biểu hiện của sự yếu kém về trình độ và nhận thức. Suy nghĩ đơn giản còn thể hiện sự lười biếng tư duy. Dù lí do gì đi nữa thì những nhận định trong bài viết của tác giả cũng đáng trách. Bài báo cũng là một trường hợp để phân biệt cách làm báo tử tế và cách làm báo bất lương.



=====
Bài báo trên Yume.vn

Vì sao gái miền Tây hay làm nghề nhạy cảm?


Ở Sài Gòn hay thậm chí Hà Nội, có thể gặp nhiều cô gái miền Tây làm massage, tiếp viên.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Dù người miền Tây không thích, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận: con gái miền Tây đi làm những nghề nhạy cảm như massage, tiếp viên… nhiều hơn những con gái miền khác. 

Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên. Điều đó bắt nguồn một phần từ nếp sống, lối suy nghĩ cũng như văn hóa của cư dân miền Tây.

Quá xinh đẹp và ngọt ngào


Trong giới ăn chơi, thương hiệu “con gái miền Tây” đã được bảo chứng. Vì điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện sống cũng như gen di truyền, miền Tây luôn có rất nhiều con gái đẹp. 

Thêm nữa, con gái miền Tây dậy thì sớm, có những em chỉ mới 15 hoặc 16 đã rất ra dáng phụ nữ. Những cô gái với thân hình của người lớn và suy nghĩ của trẻ con là kiểu cực kỳ dễ bị dụ dỗ. So với các miền khác, gái miền Tây cũng cao ráo và trắng trẻo hơn.

Ngoài sắc đẹp, gái miền Tây còn có một vũ khí cực kỳ lợi hại: giọng nói ngọt ngào. Đã có rất nhiều anh trai Bắc và Trung cưới nguyên một cô gái miền Tây chỉ vì giọng nói ấy. 

“Các em gái miền Tây nói chuyện dễ thương đến nỗi, nghe mấy em nói thôi mình cũng đã muốn yêu rồi”, Tú sinh 1986, nhân viên của một công ty về truyền thông nhận xét. 

Giọng nói ngọt ngào, kiểu nói chuyện thật thà dễ thương, gái miền Tây luôn khiến những khách hàng khó tính nhất cũng phải dịu xuống.

Hoa hậu Việt Nam 2012 - Thu Thảo đến từ Bạc Liêu.
Một người con gái, chỉ cần có một trong hai cái vừa kể trên thôi là đã ăn tiền, thế mà các cô gái miền Tây có cả hai thì làm sao không khiến tất cả đàn ông Việt Nam thất điên bát đảo và cứ tới quán là “cho gái miền Tây”. 

Có cung, ắt có cầu. Các tú ông hay tú bà tất nhiên sẽ tìm cách dụ dỗ, chèo kéo càng nhiều gái miền Tây càng tốt thay vì gái các miền khác. Ngoài ra, ít nhất cũng phải dễ nhìn mới làm tiếp viên được. Quả thật, không biết “vốn trời cho” là phúc phận hay nỗi bất hạnh của các cô gái đến từ các tỉnh miền Tây.

Cha mẹ miền Tây chiều con gái


Khác với miền Bắc và Trung, người miền Tây cực kỳ cưng chiều con gái. Với sản vật phong phú và đất đai phì nhiêu, người miền Tây không phải làm lụng vất vả như miền Trung. Chỉ cần quăng tay lưới hoặc cắm bất cứ cây gì xuống đất, sớm hay muộn họ cũng nhận được thành quả mà không cần bỏ ra nhiều công sức. 

Thế nên, ngay từ nhỏ, con gái miền Tây đã không phải lao động dãi nắng, dầm mưa, quá lắm chỉ là làm các công việc nội trợ trong gia đình. 

Không những thế, người miền Tây thường không ngại vung tiền làm đẹp cho con gái như cách đầu tư cho sau này. Ngược lại, hầu hết con gái miền Tây rất thương cha mẹ của mình.

Người miền Tây kỳ vọng rất nhiều từ con gái, nhưng không phải từ cái mà bản thân con cái họ tự làm ra mà từ việc con cái họ thu về từ người khác, cụ thể là chồng.
Ảnh minh họa.
Ngay từ nhỏ, người miền Tây đã nhồi nhét vào đầu con gái tư tưởng: học không cần giỏi, chỉ cần lấy được chồng giỏi và để chồng nuôi. 

Chị X, vừa tốt nghiệp thạc sỹ Xã hội học, người Vĩnh Long đã khiến bạn bè té ngửa khi tuyên bố: “Nếu không xin được việc thì ở nhà chồng nuôi, lo gì”. 

Ngọc Thạch, siêu mẫu đình đám đến từ Hậu Giang vừa “lặn” khỏi showbiz sau khi kết hôn với một thiếu gia Hà Thành.

Suy nghĩ của Ngọc Trinh tiêu biểu cho nhiều cô gái miền Tây.
Thế nên, ba mẹ miền Tây cho con gái nghỉ học khá sớm. Để lấy được chồng không cần phải học cao, chỉ cần xinh đẹp và biết chiều chuộng. Sau khi nghỉ học, họ cũng không được ba mẹ cho học một nghề đàng hoàng để nuôi thân mà chỉ ngồi đợi lấy chồng. 

Hiện tại, ở miền Tây, một chàng trai muốn cưới được vợ phải có ít nhất 60 triệu đồng. Bởi ngoài tiền cưới, chàng trai phải có nhiệm vụ mua lễ vật vòng vàng nhẫn cưới cho vợ và gia đình vợ. Không có tiền, đừng mơ cưới được vợ.

Giống như ba mẹ của mình, lối suy nghĩ của các cô gái miền Tây khá đơn giản, thoáng đãng, bản năng. Những phát ngôn “kinh điển” của Ngọc Trinh, người đẹp đến từ Trà Vinh là ví dụ tiêu biểu nhất. Họ bằng lòng với cuộc sống êm đềm mà ba mẹ đã dành cho, không nghĩ tới chuyện đi ra ngoài giao lưu, học hỏi. 

Ở miền Tây có hai loại con gái: kiểu vẫn ở nhà và kiểu đã lên thành phố về nhà. Kiểu đầu tiên thì khá rụt rè, chỉ ru rú ở nhà, thật thà và chất phác; còn kiểu thứ hai ăn nói bạt mạng, ăn chơi tung trời và mặc đồ mát mẻ hơn bất cứ cô gái thành thị nào.


Hệ quả phụ


Con gái miền Tây không quen chịu khó, chịu khổ nên việc lao động quần quật chỉ để kiếm vài triệu còm như làm công nhân hoặc bán dạo là quá sức chịu đựng của họ. 

Thêm nữa, họ cần phải nhanh kiếm ra nhiều tiền gửi về nhà để làm đẹp lòng cha mẹ, khiến cha mẹ nở mày, nở mặt với hàng xóm.. 

Thế là, những “việc nhẹ, lương cao” như làm tiếp thị cà phê, nhân viên massage trá hình…được họ nhanh chóng chấp nhận. Thêm nữa, mình ở quá xa làm sao ba mẹ biết.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Có thể, rất nhiều người trong số họ nghĩ rằng: mình chỉ làm một thời gian rồi sẽ hoàn lương, nhưng ai cũng biết khi đã dẫm chân vào “vũng bùn” đó thì rất khó để rút chân ra. Kể cả khi họ biết mình sai hoặc bị áp bức cũng không biết cách thoát ra hoặc đối phó. 

Lý do khiến Mỹ Xuân, Hoa hậu Mêkong 2009 phải sa lưới pháp luật vì đi bán dâm và tổ chức bán dâm là do thù lao nghề người mẫu không đủ cho tiền son phấn, trang phục, tiêu xài hàng hiệu, xe sang…nên phải đi “làm thêm”.

Việc nghĩ quá hời hợt khiến nhiều ông bố bà mẹ ở miền Tây gần như muốn bán con, chỉ để có tiền. Rất nhiều câu chuyện về việc ba mẹ bắt ép con lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan…chỉ để nhận lại vài cây vàng bất chấp đã có rất nhiều trường hợp thương tâm của việc lấy chồng ngoại đã được báo chí nói nhan nhản. 

Họ tự dối lòng mình rằng, những trường hợp đó là do quá xui xẻo, con gái họ sẽ không vậy. Hay chuyện rất nhiều người cho con đi theo những người lạ chỉ bằng vài lời hứa ngon ngọt và ít tiền trao tay. Với những cha mẹ như thế, thì con cái làm nghề gì cũng thế mà thôi, chỉ cần có tiền.

Quỳnh Như
Theo Mốt và Cuộc sống
Baomoi.com
Yume.vn

10/07/2013 - 9:31

1 nhận xét:

  1. Bài viết đúng.trong các quán ...Tôi thấy con gái miền tây toàn...

    Trả lờiXóa