Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

David Landes: Điều gì quyết định sự thịnh vượng và nghèo khó?

Landes nói người châu Âu cho dù là công nhân bình thường hay quan chức đều đọc, viết và xuất bản ấn phẩm của chính họ. 

Động cơ thúc đẩy họ chính là mong muốn ghi chép lại nhưng đồng thời cũng vì sự ham hiểu biết. 
“Thành công thật sự không bao giờ là một sự tình cờ. Người thành công có một văn hóa tiến bộ kết hợp sự ham học hỏi và vận dụng liên tục.” Landes.

Nội dung nổi bật:

- David Landes là giáo sư dạy môn lịch sử và kinh tế học tại trường đại học danh tiếng Harvard và cũng được biết đến qua vai trò là một sử giả xuất sắc.

- Trả lời cho câu hỏi điều gì tạo ra sự khác biệt giữa thịnh vượng và nghèo khó, Landes cho rằng chính văn hóa sẽ là cơ sở để kiến tạo tương lai cho mỗi cá nhân và các quốc gia trên thế giới.

Văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển
Là một trong những sử gia xuất sắc người Mỹ thời hậu chiến, Landes sinh năm 1924 và theo trường City College, New York trước khi gia nhập trường Harvard. Landes dạy môn lịch sử và kinh tế học tại đại học Harvard cũng như tại một số trường đại học hàng đầu ở Mỹ và châu Âu. Ngoài vai trò là giáo sư môn lịch sử kinh tế, Landes còn tham gia viết sách về nhiều thể loại khác nhau.

Trong một nghiên cứu về sự thịnh vượng và nghèo khó của các quốc gia, Landes cho rằng mặc dù địa lý đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của các quốc gia nhưng nếu xem địa lý là số mệnh thì đó sẽ là một sai lầm lớn.

Chính văn hóa của sự tiến bộ kết hợp sự ham học hỏi, cải tiến và ứng dụng là nhân tố x cho sự giàu có hay nghèo khổ của các quốc gia. Thay vì tự mãn, sự khiêm tốn, óc tưởng tượng kết hợp dám nghĩ dám làm và cách tân thường là con đường dẫn đến sự giàu có. Những văn hóa đó, dĩ nhiên là yếu tố mang lại thành công cho lục địa châu Âu và nước Mỹ.

Landes cho rằng một số đặc điểm của quốc gia giàu có là họ tin vào sự tiến bộ, mở cửa đón nhận tri thức bên ngoài, khao khát tạo ra sản phẩm hơn tiêu thụ, chú trọng vấn đề giáo dục và nhà nước do dân và vì dân.

Các quốc gia lạc quan, chăm chỉ lao động sẽ luôn có được lợi thế. Trong sự giàu có hay nghèo nàn, thành công hay thất bại của các quốc gia, văn hóa đóng một vai trò quan trọng. Trong sự thành công hay thất bại của các cá nhân, “văn hóa” chính là tính cách.


Sự phát triển của người châu Âu

Theo Landes, một ngàn năm trước, không ai có thể dự báo được sự giàu có của lục địa châu Âu bởi vì họ bị tấn công từ nhiều phía. Khi đó, lục địa châu Âu bị người Viking tấn công từ phía Bắc, người Marốc từ phía Nam và người Hung từ phía Đông. Vì thế, người châu Âu bị lạc hậu về mặt trí tuệ và kỹ thuật trong việc theo kịp văn minh của người Ả rập và Trung Hoa.

Ngoài ra, yếu tố về sự ưu đãi của thiên nhiên cũng là nguyên nhân tại sao châu Âu phát triển chậm hơn trong thời Trung cổ. Khí hậu và địa lý khiến cho một số nước gặp bất lợi. Đặc biệt là những vùng có khí hậu nóng. Trong khi đó những vùng đất ôn hòa thường được hưởng những trận mưa rào, đất trồng trọt tốt, những khu rừng và điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi gia súc. Những yếu tố như vậy cũng góp phần tạo định hình một xã hội ổn định và mức phát triển kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, người châu Âu sở hữu một tính cách rất có giá trị. Họ thừa kế truyền thống dân chủ và trọng nhân tài, tuy vẫn chưa hoàn thiện, của người La Mã cổ điển và người Hy Lạp. Chính quan niệm về sở hữu tư nhân đã thúc đẩy con người và khuyến khích doanh nghiệp làm giàu.

Điều này đã làm cho châu Âu khác biệt với những lãnh thổ khác. Bánh xe, mắt kính, đồng hồ và sách in đều là những phát minh của châu Âu thời trung cổ. Trong khi đó, sự phát triển vượt trội của Trung Hoa khiến họ bình thản với việc cô lập với thế giới cũng như không học hỏi cái mới từ bên ngoài.

Do đó, châu Âu bắt đầu vượt qua Trung Quốc nhờ cải tiến và phỏng theo các phát minh của người Trung Quốc. “Châu Âu là một lục địa học hỏi.” Landes nói. Mặc dù có những kiểu nhà nước phong kiến có vua và hoàng hậu, quý tộc và tá điền nhưng châu Âu thời trung cổ có những thành phố và vùng miền sống động và tự tổ chức.

Về cơ bản đó là một thị trường tự do không chỉ về sản phẩm mà còn về tư tưởng. Văn chương không phải là sản phẩm xa hoa chỉ dành cho người giàu mà mọi gia cấp đều được tiếp thu. Landes nói người châu Âu cho dù là công nhân bình thường hay quan chức đều đọc, viết và xuất bản ấn phẩm của chính họ.

Động cơ thúc đẩy họ chính là mong muốn ghi chép lại nhưng đồng thời cũng vì sự ham hiểu biết.

Mọi quốc gia phát triển đều biểu lộ cái mà ông gọi là “văn hóa xây dựng”. Tức là sự tích lũy kiến thức và bí quyết qua năm tháng. Từ đó sẽ bắt đầu đạt tới một ngưỡng mà ở đó mọi việc đều tự lấy đà và bật lên. Thời điểm đó chính là sự đột phá.

24/06/2015 15:55

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét