Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Người hùng một thời Sony đã 'hụt hơi' như thế nào?

11:00 ngày 26/04/2015
 
Từng là biểu tượng của chất lượng, đẳng cấp, thống lĩnh thị trường, nhưng chiến lược kinh doanh sai lầm, không theo kịp thời đại đã biến Sony trở thành người hùng thất thế châu Á.
 
Sony được sáng lập bởi hai thành viên Masaru Ibuka và Akio Morita vào tháng 10/1945, ngay khi Nhật Bản vừa kết thúc thế chiến thứ II.
 
Từ một công ty nhỏ sản xuất nồi cơm điện, Sony vươn lên trở thành hãng công nghệ nổi tiếng toàn cầu. Thương hiệu này cũng là niềm tự hào của Nhật Bản, khi được dòng chữ “Made in Japan”, với chất lượng được cho là tuyệt đối và đẳng cấp trên toàn cầu.
 
Tháng 2/1960, thương hiệu này trở thành công ty Nhật đầu tiên thành lập chi nhánh tại Mỹ. Tháng 5 năm đó, Sony gây sửng sốt cho ngành công nghiệp điện tử thế giới, khi cho ra đời chiếc TV sử dụng công nghệ transistor đầu tiên. Sản phẩm này đánh dấu sự vươn lên của Sony, nước Nhật nói riêng và của cả châu Á, trong cuộc chiến cạnh tranh về điện tử tiêu dùng với Mỹ và phương Tây.
 
Hai năm sau, hãng mở cửa hàng đầu tiên tại đại lộ số 5, New York, bắt đầu quá trình tự giới thiệu, tự bán sản phẩm của mình không qua trung gian. Từ đây, Sony đã thay đổi cái nhìn của phương Tây với dòng chữ “Made in Japan”, biến nó trở thành biểu tượng của chất lượng.
 
Ảnh: Ytimg
Năm 1979, Sony giới thiệu máy nghe nhạc bỏ túi đầu tiên trên thế giới mang tên Walkman. Thương hiệu này được nối tiếp với dòng máy sử dụng đĩa CD và máy nghe nhạc kỹ thuật số. Năm 1988, máy Walkman mở ra thời hoàng kim của công ty. Ước tính, thời kỳ này đóng góp đến 1/4 tài sản của Sony hiện nay.

 
Tuy nhiên, từ một người hùng khổng lồ của châu Á, Sony đang bị tụt lùi trước xu hướng công nghệ thay đổi chóng mặt hiện nay, và bị các hãng công nghệ như Samsung, LG, Apple… vượt mặt. Nguyên nhân thất bại nằm ở chiến lược kinh doanh hạn hẹp, chủ yếu tập trung vào các công nghệ do hãng tự phát triển.
 
Từ năm 2000, hãng đã đánh mất vị thế của mình của mình trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ. Sản phẩm Walkman không có đột phá mới, và không phù hợp với thời đại kỹ thuật số. Sự ra đời máy nghe nhạc iPod của Apple năm 2001 đã đẩy Walkman vào lãng quên. Thất bại này là do chính sự chủ quan và bỏ lỡ thời cơ của Sony.
 
Năm 2009, Sony là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ 4 toàn cầu.
 
Năm 2010, hãng tụt xuống vị trí số 6. Đến nay, gã khổng lồ này bị nhiều các nhà sản xuất Trung Quốc vượt mặt, và sản lượng smartphone Xperia xuất xưởng qua từng quý liên tục sụt giảm.
 
Sony đã từng định nghĩa ra TV màn hình lớn, hay máy nghe nhạc cá nhân và rồi thống trị các thị trường này. Nhưng đến nay, hãng vẫn chưa khai thác thành công dòng sản phẩm mới mẻ nào.
 
Ví dụ điển hình là sản phẩm máy đọc sách do Sony phát minh, và là nhà sản xuất tiên phong. Nhưng do thiếu cải tiến và không bắt kịp xu hướng, máy đọc sách của Sony thất bại trước Kindle của Amazon.
 
Theo số liệu từ Codex Group năm 2014, Kindle chiếm 64% tổng doanh số sách điện tử. Cùng năm đó, máy đọc sách của Sony bị khai tử.
 
Ảnh: Fubiz
Trong nhiều năm liền, tập đoàn Sony gặp liên tiếp khó khăn, bất chấp những nỗ lực vực dậy. Tháng 3/2012, báo cáo tài chính thường niên của Sony cho thấy, tập đoàn đang gánh chịu một khoản thua lỗ nặng nề 455 tỷ yen (khoảng 5,7 tỷ USD). Đây là khoản thua lỗ lớn nhất trong lịch sử 65 năm của tập đoàn.
 
Trong hai quý đầu năm 2012, cổ phiếu hãng này giảm 12% giá trị, và chỉ bằng khoảng 1/4 cách đó một thập niên. Giá trị thị trường của Sony bằng 1/9 Samsung Electronics và 1/30 Apple. Năm 2013, Sony chịu lỗ 128 tỷ yen (khoảng 1,2 tỷ USD).
 
Trong báo cáo mới nhất, doanh thu gộp của Sony năm 2014 là 8.000 tỷ Yen (68 tỷ USD) - lỗ ròng 5 tỷ yen (42 triệu USD). Đầu năm ngoái, hãng này cho biết sẽ đóng cửa 14 cửa hàng bán lẻ tại Canada.
 
Trước tình hình thua lỗ triền miên, Sony phải bán đi mảng máy tính cá nhân, với thương hiệu Vaio một thời lừng lẫy, giảm hoạt động mảng sản xuất TV và sa thải 5.000 nhân viên. Tháng 2/2015, CEO Kazuo Hirai của Sony cho biết, hãng sẽ tiếp tục sa thải thêm 2.100 nhân viên tới tháng 3/2016.
 
Sea Jin Chang, chuyên gia kinh tế của đại học quốc gia Singapore từng nhận xét: “Sony cần phải có chiến lược, bất cứ chiến lược nào cũng được. Bởi thế còn tốt hơn là không có chiến lược gì”.
 
Hiện nay, thương hiệu một thời là số một này chỉ giữ lại được niềm tự hào là máy chơi game PlayStation. Đây là sản phẩm gắn với chất lượng đỉnh cao trong giới game thủ. Tuy nhiên, PlayStation của Sony cũng phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ Nintendo và Microsoft.
 
Tránh được ánh mắt giận dữ từ các nhà đầu tư nhờ mảng giải trí, song gần đây, Sony Pictures tung ra nhiều "bom xịt" khiến giới đầu tư không khỏi lo lắng.
 
Hoài Thu (Tổng hợp)
Nguồn: Zing News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét