Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Chuyến bay chậm hoặc bị hủy: trường hợp nào hành khách được đền bù?

Chuyến bay chậm hoặc bị hủy: Trường hợp nào hành khách được đền bù? Bà Ngô Thị Thu Hiền - phó trưởng phòng bán vé đặt chỗ, Hãng hàng không Vietnam Airlines - cho biết:
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Theo đó, nếu do lỗi của nhà vận chuyển mà hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc chuyến bay bị hủy, nhà vận chuyển phải bồi thường cho hành khách với mức bồi thường đối với các chuyến bay nội địa là 100.000 đồng (độ dài đường bay dưới 500km), 200.000 đồng (đường bay 500-1.000km) và 300.000 đồng (đường bay trên 1.000km).

Với các chuyến bay quốc tế, mức bồi thường là 25 USD (đường bay dưới 1.000km), 50 USD (đường bay 1.000-2.500km), 80 USD (đường bay từ 2.500-5.000km) và 150 USD (đường bay trên 5.000km). Đây là mức tối thiểu mà nhà vận chuyển phải chi trả cho hành khách hay còn gọi là bồi thường ứng trước không hoàn lại (cho dù chưa chứng minh thiệt hại hành khách vẫn được nhận bồi thường ngay lập tức, và sau này nếu hành khách không bị thiệt hại cũng không phải hoàn trả mức bồi thường đã nhận). Nhà vận chuyển có thể quy định riêng đối với mức bồi thường nhưng không được phép thấp hơn mức đã nêu. 

* Trường hợp nào hành khách sẽ không được nhận bồi thường ứng trước không hoàn lại, thưa bà?

- Các trường hợp sau đây sẽ không được bồi thường: hành khách có thể bị từ chối vận chuyển do tình trạng sức khỏe hoặc để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh; hành khách không tuân thủ nghĩa vụ, không chấp hành đúng điều lệ, không có mặt làm thủ tục tại sân bay, có các hành vi làm mất trật tự công cộng, uy hiếp an toàn bay, say rượu...

Trường hợp nếu hành khách tự nguyện từ bỏ xác nhận chỗ; hành khách đã được thông báo về việc hủy chuyến bay trước ít nhất 24 giờ hoặc hành khách không đăng ký địa chỉ liên lạc, người vận chuyển không liên lạc được với địa chỉ đã đăng ký... thì người vận chuyển cũng được miễn trách nhiệm trả tiền bồi thường.

Ngoài ra, nhà vận chuyển sẽ được miễn bồi thường với những trường hợp chậm, hủy chuyến được coi là bất khả kháng như: ảnh hưởng của thời tiết, nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay, chuyến bay không thực hiện được theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nhà vận chuyển cũng được miễn trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật trong quá trình khai thác máy bay, tính từ thời điểm người chỉ huy máy bay ký tiếp nhận máy bay cho đến khi kết thúc chuyến bay... Hoặc nhà vận chuyển bố trí cho khách đến điểm theo kế hoạch của chuyến bay bị hủy không quá thời gian dự kiến của chuyến bay đã được xác nhận chỗ ba giờ.

Ví dụ, hành khách bay chuyến TP.HCM - Hà Nội, giờ khởi hành là 17g, dự kiến đến Hà Nội lúc 19g. Chuyến bay có trục trặc nhưng nhà vận chuyển đưa hành khách đến Hà Nội không quá 22g thì không phải đền bù. Trong trường hợp chuyến bay bị hủy là điểm nối chuyến, thời gian đến không quá thời gian dự kiến trên sáu giờ. Ví dụ, hành khách bay TP.HCM - Đà Nẵng, rồi bay tiếp Đà Nẵng - Hà Nội, dự kiến đến Hà Nội lúc 19g. Ở chặng đầu tiên, vì lý do nào đó chuyến bay bị trễ, nhà vận chuyển sắp xếp đưa hành khách đến Hà Nội không trễ hơn 1 giờ sáng thì họ cũng không phải đền bù.

* Hành khách sẽ nhận đền bù tại đâu?

- Hành khách sẽ nhận đền bù bằng tiền, dịch vụ miễn phí hay vé miễn cước (nếu khách hàng chấp thuận) ngay tại sân bay. Nhà vận chuyển cũng có thể thỏa thuận với hành khách nhận ở địa điểm khác. Số tiền đền bù cũng có thể được trả qua tài khoản của khách hàng trong vòng 14 ngày kể từ ngày hủy chuyến bay.

* Về vấn đề đền bù trong trường hợp chuyến bay khởi hành chậm gây thiệt hại về kinh tế cho hành khách, ông Lại Xuân Thanh - cục phó Cục Hàng không VN - cho biết:

- Trường hợp chậm chuyến và liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển được quy định rất rõ trong Luật hàng không.

Luật dân sự và Luật hàng không đều có quy định nếu như chuyến bay bị chậm gây thiệt hại cho hành khách, hành khách có thể khiếu kiện với nhà vận chuyển để nhận được đền bù nếu chứng minh được sự chậm chuyến này gây thiệt hại cho họ. Trong trường hợp nhà vận chuyển vẫn không đền bù, hành khách có thể kiện ra tòa.

Ngọc Thắng (Theo Tuổi Trẻ)

14:48 ngày 22 tháng 09 năm 2014

Trễ chuyến bay 2 lần, khách được bồi thường phiếu ăn trưa

Ông Đặng Xuân Trường, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, ông mua v​é từ TP HCM đi Hà Nội chuyến 6h35 sáng ngày 15/9 nhưng 22h30 đêm 14/9 hãng hàng không Vietjet Air thông báo hoãn đến 11h trưa.

Trễ chuyến 2 lần được bồi thường phiếu ăn trưa. Ảnh: NVCC.


Đến sáng 15/9, hành khách đến sân bay làm thủ tục, xếp hàng chờ thì tiếp tục nhận được thông báo trễ chuyến lần thứ hai. Lần này máy bay Airbus A320 chuyển giờ cất cánh sang 12h với lý do bị lỗi kỹ thuật.

“Việc chuyển giờ liên tục khiến nhiều người bị lỡ dở công việc. Tôi là giáo viên thỉnh giảng tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội nên khi trễ chuyến tôi đã bị mất một buổi dạy”, ông Trường nói.

Ông Trường còn cho biết thêm, hãng này đã bồi thường bằng phiếu ăn trưa miễn phí cho hành khách trễ chuyến. Trị giá của phiếu ăn này khoảng 40.000 đồng.

“Tôi không biết các hãng hàng không Việt Nam đang gặp vấn đề gì nhưng tình trạng chậm, hoãn chuyến xảy ra liên tục và mức bồi thường này là chưa thỏa đáng so với quy định”, ông Trường nói thêm.

Trước đó, trong chuyến bay 5/10 từ TP HCM đi Hà Nội hãng nãy cũng hoãn giờ bay đột ngột và trễ chuyến 8-9 giờ đồng hồ vì lý do máy bay bị lỗi kỹ thuật và không thể cất cánh. Hành khách bức xúc và đòi bồi thường khá gay gắt, còn hãng thì lại giải thích thiếu rõ ràng về sự cố cũng như quy định bồi thường dẫn tới thiếu cảm thông cho nhau.

Thống kê mới đây của Cục hàng không cho thấy, từ 13/7 đến 29/7, Vietnam Airlines có 64 chuyến bay chậm do máy bay về muộn, 21 chuyến khác do lỗi kỹ thuật và thời tiết. Jetstar Pacific cũng bị chậm chuyến do 20 máy bay về muộn, cùng 12 trường hợp khác do thời tiết và lỗi kỹ thuật. Vietjet vẫn có tỷ lệ chậm chuyến cao do 91 máy bay về muộn. Ngoài ra, một số lý do khác như thiếu xe thang, cửa ra máy bay trùng nhau hoặc thiếu quầy làm thủ tục... khiến khách hàng phải đợi hàng giờ đồng hồ. 

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Vietjet Air cho hay việc trễ chuyến ngày 15/9 là vì hôm đó máy bay bị trục trặc kỹ thuật cộng thêm thời tiết xấu nên để đảm bảo an toàn cho hành khách, hãng buộc phải hoãn thời gian bay. Còn việc hãng bồi thường bằng phiếu ăn là căn cứ theo quy định của Cục Hàng không.

Đại diện truyền thông của hãng này cho biết, hiện chỉ có quy định bồi thường tiền mặt bắt buộc với trường hợp hủy chuyến, còn chậm chuyến thì tùy theo thời gian chậm, phải phục vụ đồ ăn, nước uống, chỗ nghỉ cho hành khách. Cụ thể, chậm từ 3 đến 6 giờ, hành khách có quyền được cung cấp phiếu ăn uống miễn phí tại sân bay. Nếu chậm chuyến trên 6 giờ, hãng sẽ bồi thường 200.000 - 300.000 đồng tùy chặng, riêng chặng bay TP HCM - Hà Nội là 300.000 đồng.

Còn về phía Vietnam Airline, đơn vị này cũng cho hay, trường hợp chuyến bay bị chậm nguyên nhân từ phía của hãng, đơn vị sẽ phục vụ uống nếu hoãn 1-2 giờ. Trong khoảng 2-6 giờ, hãng sẽ phục vụ ăn và uống, trên 6 giờ sẽ bố trí khách sạn cho khách.

Trường hợp chuyến bay bị hủy do hãng, hành khách có chỗ đã được xác nhận sẽ được bồi thường dựa trên độ dài chặng bay như: nội địa 100.000-300.000 đồng, còn quốc tế xuất phát từ Việt Nam 25-150 USD (500.000-3 triệu đồng).

Đối với Jetstar Pacific, hãng cũng cho biết phục vụ đầy đủ các dịch vụ theo quy định của Cục Hàng không. Tuy nhiên, để thể hiện thiện chí, tùy theo trường hợp hãng sẽ bồi thường thêm cho khách hàng bằng phiếu thanh toán 200.000-300.000 đồng.

Ngoài những nguyên nhân bắt nguồn từ hãng thì đối với một số sự cố do thời tiết, đình công, thiên tai, chiến tranh, yêu cầu từ nhà chức trách, an ninh hàng không, các đơn vị bay sẽ được miễn trừ trách nhiệm theo thông tư 36/2014/TT-BGTVT.

Mới đây, Cục Hàng không vừa hoàn tất dự thảo Thông tư về việc bồi thường trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thay thế cho Quyết định 10 đã được ban hành cách đây 8 năm. Theo cơ quan này, mức bồi thường trong trường hợp hủy chuyến, hành khách bị từ chối vận chuyển, hiện tại khá thấp so với mặt bằng giá hiện nay, không thỏa mãn yêu cầu của hành khách.

Cho nên, theo dự thảo Thông tư mới, với chuyến bay nội địa bị chậm chuyến trên 4 giờ có mức bồi thường tăng 100.000 đồng so với quy định hiện hành. Như vậy, chuyến bay có độ dài dưới 500 km mức đền bù là 200.000 đồng; từ 500 km đến dưới 1.000 km bồi thường 300.000 đồng và 400.000 đồng cho quãng đường từ 1.000 km trở lên.

Riêng về chuyến bay quốc tế, dự thảo thông tư vẫn giữ nguyên mức bồi thường là 25 USD cho chuyến bay dưới 1.000 km, 50 USD cho quãng đường từ 1.000 đến 2.500km, 80 USD cho chuyến bay dài từ 2.500 đến dưới 5.000 km, 150 USD cho chuyến bay từ 5.000 km trở lên. 

Theo Hồng Châu

VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét