Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Mua danh khoa học bằng tiền

Tác·giả: Nguyễn·Văn·Tuấn
2014-12-01

King Abdulaziz University (KAU) là một đại học lớn của vương quốc Saudi Arabia. Tôi từng dính dáng đến đại học này một thời gian trong vai trò của người thanh tra và scientific consultant cho trung tâm xuất sắc về nghiên cứu loãng xương. Mới đọc tin mới biết KAU đang bị mang tiếng xấu trong khoa học. Số là bảng xếp hạng đại học US News and World Report (USNWR) mới công bố bảng xếp hạng năm nay và KAU được xếp hạng 7 trong chuyên ngành toán học. Danh sách 10 đại học có thành tích hàng đầu về toán học là như sau:

1. Berkeley
2. Stanford
3. Princeton
4. UCLA
5. University of Oxford
6. Harvard
7. King Abdulaziz University
8. Pierre and Marie Curie – Paris 6
9. University of Hong Kong
10. University of Cambridge

Một đại học tương đối "trẻ" (mới thành lập vào năm 1967) và chưa có tiếng tăm trên thế giới, mà đột nhiên nhảy một phát lên ngồi chung chiếu với các đại học lừng danh thế giới! Xin nhắc lại là chỉ nói về môn toán thôi, chứ tính chung thì KAU vẫn còn khá thấp, nhưng vẫn là trong "top 200". Cần nhắc lại rằng USNWR xếp hạng đại học dựa vào 8 tiêu chí sau đây:
1. Danh tiếng toàn cầu
2. Danh tiếng về nghiên cứu khoa học trong vùng 
3. Công bố quốc tế 
4. Tầm ảnh hưởng của nghiên cứu 
5. Tần số trích dẫn
6. Số bài báo có nhiều trích dẫn (highly cited papers)
7. Phần trăm bài báo có nhiều trích dẫn (hi-ci papers)
8. Hợp tác quốc tế

Sự nhảy vọt của KAU trong ngành toán làm giới hàn lâm quốc tế ngạc nhiên. Ai cũng hỏi bằng cách nào mà KAU có thể tiến bộ thần kì như thế. Có người nói rằng họ làm trong ngành toán lâu năm, mà chưa bao giờ nghe đến một nhà toán học có tiếng nào từ KAU đến giảng cả. Câu trả lời dần dần cũng sáng tỏ, khi người ta xem xét đến công bố quốc tế của KAU.

Hoá ra, các giáo sư "thường trú" của KAU thì không có nhiều bài báo và cũng chẳng có nhiều trích dẫn, nhưng các "adjunct professors" (tôi tạm dịch là "giáo sư liên kết") của KAU thì có rất nhiều công bố quốc tế và nhiều bài thuộc vào hạng hi-ci. Hơn 25% những tác giả có bài hi-ci trên thế giới là giáo sư liên kết của KAU!

Nhớ có lần tôi đề cập một lá thư ngắn trên Science ("Saudi Universities Offer Cash in Exchange for Academic Prestige") gây chấn động trong giới hàn lâm vì người ta không ngờ đồng tiền có thể mua cả uy danh! Chuyện kể rằng KAU nhận dạng những giáo sư quốc tế thuộc hạng hi-ci và bổ nhiệm họ làm " adjunct professors " với mức lương 72000 USD/năm. Không có cái gì là "free lunch", và hợp đồng với KAU cũng thế. KAU yêu cầu rất đơn giản: các giáo sư liên kết chỉ đề tên trường KAU khi công bố bài báo khoa học. Rất nhiều giáo sư trên thế giới trở thành adjunct professors của KAU qua hình thức "hợp tác" như thế. Đó cũng chính là một lí do có thể giải thích tại sao KAU có thành tích công bố quốc tế rất tốt, và thứ hạng của trường tăng rất nhanh trong thời gian gần đây.

Nói cho công bằng, việc bổ nhiệm adjunct professors là rất bình thường ở các đại học phương Tây. Tuy nhiên, chỉ có khác biệt là ở phương Tây các adjunct professors không có lương, mà chỉ được hưởng vài quyền lợi của trường. Nói theo tiếng Việt chúng ta là đương sự "có tiếng mà không có miếng". Chẳng hạn như tại Viện Garvan của tôi, có nhiều người giữ chức adjunct professors không lương của các đại học Úc, nhưng khi công bố bài báo khoa học thì họ có nghĩa vụ phải đề tên trường như là một affiliation. Mối liên hệ này diễn ra khá lâu và riết rồi bình thường, cho đến khi có người chất vấn. Họ hỏi tại sao mình làm ra sản phẩm mà để người khác hưởng, còn mình chỉ có cái danh. Thật vô lí. Nhưng không ai có thể giải quyết vấn đề này, vì nhiều trường đại học nghèo đâu có đủ tiền để trả lương cho adjunct professors.

Biết được cái khó đó, nên KAU có cách giải quyết thực tế hơn: trả lương cho adjunct professors. Đối với vương quốc nổi tiếng về dầu hoả này, việc tiêu ra vài chục ngàn USD cho một giáo sư nổi tiếng chỉ là chuyện nhỏ. Hai bên cùng có lợi. Trường thì được tiếng thơm và gia tăng năng suất khoa học. Còn cá nhân giáo sư thì có thêm một affiliation không tệ (có tên trong "top 200" đại học thế giới) mà lại có tiền lương đàng hoàng. Danh thì chính, mà ngôn cũng thuận.

Tuy nhiên, có cái gì đó không "phải đạo" ở đây. Một trường chưa bao giờ đầu tư nhiều cho nghiên cứu về chủ đề [ví dụ như] toán, nhưng đột nhiên nhảy lên thành hạng rất cao trên thế giới thì cũng đáng đặt câu hỏi. Nó cũng giống như một đại học quốc gia của VN đột nhiên một ngày đẹp trời nào đó nhảy tót lên hạng 20 thì chắc chắn làm cho nhiều người đặt dấu hỏi lớn. Câu chuyện xảy ra ở KAU cũng thế. Cho dù KAU đang được xếp vào hạng top trong ngành toán trên thế giới, ai cũng biết đó là do ngoại lực và do mua, chứ không phải do nội lực. Câu chuyện ở KAU còn cho thấy việc xếp hạng đại học, mà VN đang có chủ trương, nếu không làm cẩn thận thì rất dễ bị lạm dụng.

===

TB: Xin nói thêm rằng KAU là một trường rất lớn ở Saudi Arabia. Lúc tôi ghé đó và nghe ông hiệu trưởng kể thì trường có khoảng 45 ngàn sinh viên (1). Trường có 2 campus, một dành cho nam và một dành cho nữ. KAU ra sức thu hút người nước ngoài rất dữ. Chính tôi suýt tí nữa thành một adjunct professors của họ. Tôi vẫn còn giữ lá thư của ông hiệu trưởng KAU với lời lẽ ngọt ngào và hấp dẫn. Tuy nhiên, KAU đang bị cạnh tranh ác liệt bởi một đối thủ mới nổi là KAUST (King Abdulah University of Science and Technology). KAUST tuyển toàn những giáo sư có hạng trên thế giới, và chỉ 20 năm mà trường đã thành đại học hàng đầu thế giới. Tôi có đến thăm và nói chuyện ở KAUST một buổi, và thấy trường có campus cực kì hiện đại và đẹp mê li ở một vùng sa mạc. Tôi nghĩ sự phát triển của hai trường này cũng là bài học quí giá cho các đại học VN.

(1) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2009/10/nhat-ki-saudi-arabia-3-ai-hoc-king_08.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét