Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Giá trị nhẫn cưới và thời gian tồn tại của hôn nhân

Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn
2014.12.28


Tôi thích đọc những công trình nghiên cứu của giới xã hội học và tâm lí học, vì đề tài nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu vừa gần gũi với đời sống, lại vừa đơn giản và dễ hiểu. Chẳng hạn như bài báo phân tích mối tương quan giữa quà đính hôn và thời gian hôn nhân, với một kết quả bất ngờ. Hai học giả kết luận rằng thời gian hôn nhân có liên hệ nghịch đảo với giá trị quà đính hôn (1). Nói cách khác, những đám cưới mà đôi uyên ương trao quà đắt tiền thì rủi ro li dị sẽ cao hơn những cặp uyên ương trao quà rẻ tiền. Đây là một bài học đắt giá cho những cặp uyên ương tương lai.

Hai nhà kinh tế học Mĩ là Hugo Mialon và Andrew Francis thực hiện công trình nghiên cứu thú vị trên cho biết họ thu thập dữ liệu bằng survey trực tuyến trên hơn 3000 cặp uyên ương ở Mĩ. Họ dùng mô hình Cox để phân tích mối tương quan giữa giá trị quà đính hôn và thời gian hai vợ chồng sống chung nhau từ ngày thành hôn cho đến ngày li dị (họ gọi là duration of marriage). Sau khi điều chỉnh cho các yếu tố liên quan, họ phát hiện rằng người chồng cho vợ nhẫn đính hôn có giá trị từ 2000-4000 USD thì "nguy cơ" li dị tăng 30% so với những người tặng nhẫn đính hôn trị giá 500-2000 USD. Những cặp uyên ương mà nhẫn đính hôn trị giá hơn 20000 USD thì nguy cơ li dị tăng đến 60%!

Một trong những lí do cho tình trạng trên là nợ nần. Hai tác giả phân tích thêm cho thấy những cặp uyên ương chi tiêu cho nhẫn đính hôn trị giá 2000-4000 USD có odds thiếu nợ tăng 2-3 lần so với những cặp vợ chồng mà nhẫn đính hôn chỉ 500-2000 USD. Do đó, áp lực nợ nần có thể giải thích nghịch lí quà cưới càng đắt tiền thì thời gian hôn nhân bị rút ngắn đi.

Các yếu tố có liên quan "tích cực" đến thời gian hôn nhân bao gồm thu nhập cao, thường xuyên đi nhà thờ, và có con. Một yếu tố có liên quan đến thời gian hôn nhân là số khách tham dự đám cưới và đi nghỉ tuần trăng mật. Nói cách khác, những đám cưới có đông đảo khách tham dự và cặp vợ chồng đi nghỉ mát tuần trăng mật sau đó thường có thời gian sống chung lâu dài hơn những đám cưới có ít người tham dự.

Tuy nghiên cứu này có vài vấn đề về phương pháp thiết kế, nhưng tôi nghĩ kết quả nghiên cứu này thú vị và cung cấp một bài học đáng giá cho các cặp vợ chồng tương lai. Để giữ cho cuộc hôn nhân được bền vững lâu dài, chỉ nên cho nhẫn cưới giá trị cỡ 1000 USD hay thấp hơn, cố gắng mời đông đảo khách, và nhớ đi nghỉ tuần trăng mật ở đâu đó. Sau khi đám cưới, cố gắng đi nhà thờ (hay đi lễ chùa) thường xuyên, tìm việc có thu nhật tốt và nhất là có con . Tuy nhiên, kết quả này có thể không áp dụng cho Việt Nam, vì dữ liệu được thu thập bên Mĩ. Do đó, các nhà xã hội học VN nên làm một nghiên cứu khác ở người Việt Nam, nhưng phải thiết kế tốt hơn nghiên cứu của Mĩ.

===

(2) Đọc bài nghiên cứu này làm tôi nhớ đến bài nhạc "sến" rất xưa, trong đó có câu:

"Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương
Tặng em theo sính lễ tơ hồng
Thì đây anh đan nhẫn cỏ
Tặng em coi như bỏ ngõ
Lòng anh chắc em đã biết"

Loại "nhẫn" này tuy rẻ tiền nhưng nó có khả năng kéo dài tuổi thọ của hôn nhân.

Cần nói thêm rằng ở Mĩ, chi phí của một đám cưới tính trung bình là khoảng 30 ngàn USD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét