Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Kĩ năng trình bày: Cách nói trong hội nghị

Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn

Trước khi trình bày bài nói chuyện, cần phải tìm hiểu vài thông tin cơ bản. Những thông tin cần tìm cho được là: thời lượng được ban tổ chức dành cho là bao lâu, thời gian trình bày lúc nào, kích thước hội trường, thành phần khán giả, ai là chủ tọa (chairs) và ai nói trước mình hay sau mình. Những thông tin này có ý nghĩa quan trọng đến việc cấu trúc bài nói chuyện cho phù hợp với tình hình thực tế.
Biết được thời lượng để quyết định số slides cần thiết. Mỗi slide chỉ nên tiêu ra trung bình 1 phút. Do đó, nếu được nói chuyện 30 phút, chỉ nên soạn 30 hay tối đa là 40 slide – không nên hơn số đó.
Biết được giờ cụ thể để chuẩn bị cách nói. Nếu là buổi sáng, khi khán giả vẫn còn hào hứng, thì cách nói bình thường. Nếu bài nói chuyện rơi vào buổi chiều, nhất là ngay sau giờ ăn trưa, tức là lúc người ta no nê, rất dễ buồn ngủ và khó theo dõi bài nói chuyện, thì người nói chuyện phải tìm cách nói để … không cho họ ngủ. Có những thủ thuật và câu nói có thể nâng cao sự chú ý của họ (thay vì để họ ngủ).
Biết được kích thước phòng ốc để pha màu (theo như bài hướng dẫn trước). Xin nhắc lại là nếu hội trường rộng thì slide nên được thiết kế có màu nền (background) đậm, và chữ (text) màu sáng. Nếu hội trường hẹp thì dùng màu nền sáng (như màu trắng) và chữ màu đậm (như màu đen hay xanh nước biển).
Biết được thành phần khán giả để điều chỉnh cách nói. Nếu là hội nghị quốc tế, thành phần người nghe rất có thể đa dạng, từ nghiên cứu sinh, sinh viên đến những người bậc thầy của mình, và trong trường hợp này nên chọn cách nói professional. Đó là cách nói không mang tính lên lớp, mà là bình đẳng và chứng tỏ kiến thức thâm hậu. Nếu khán giả là đồng môn nghiên cứu sinh thì nên nói một cách thân mật hơn là nói với bậc thầy. Thành phần khán giả cũng quyết định cách nói để sao cho người nghe không cảm thấy bị xúc phạm.
Tìm hiểu ai là chủ tọa để tiện việc xưng hô và nói vài câu xã giao. Thông tin cần tìm hiểu là chức danh của họ là gì? Doctor hay Professor. Nếu không rõ chức danh là gì, thì cứ gọi chung là doctor. Nếu chủ tọa là hai người nam và nữ, thì cách xưng hô hay nhất là Chairperson. Chẳng hạn như câu mở đầu là Thank you chairpersons for your kind introduction; it is my pleasure to be here to share with you some interesting data concerning the ABC. ABC là tựa đề bài nói chuyện của mình. Đó là một cách cám ơn chủ tọa đoàn một cách lịch sụ. Tôi sẽ quay lại cách nói này trong một dịp sau.
Biết được ai nói trước mình để nói một câu dạo đầu gây cảm tình. Chẳng hạn như nếu bạn được sằp xếp nói chuyện sau một bài invited lecture (bài giảng chính của diễn giả được mời), thì cách nói để cho người đó hài lòng là: I am afraid that it will be difficult to arouse your interest in what I am going to say after that outstanding presentation by Dr. Smith, hoặc I certainly enjoyed Dr. Smith’s excellent presentation; it is indeed an honor to speak after him, although I am obviously in another league and I hope I can keep your interest. Nếu tiếng Anh của mình chưa thạo lắm, thì có thể nói ngắn hơn như: That certainly is a hard act to follow, but I will do my best not to bore you. Đó là những câu nói để chứng tỏ rằng mình ứng xử “có trước có sau” và lúc nào người nói trước mình cũng vui lòng.
Ngoài ra, ngay khi trước khi nói, bạn cần phải lên bục giảng để làm quen với các công cụ. Cố gắng tìm giờ giải lao, lên bục giảng xem xét máy computer đặt ở đâu, thực hành các nút nhấn để chuyển slides, và thực hành cách đứng sao cho đối diện với khán giả (chứ không phải cứ thò đầu ra nhìn slides). Nên nhớ là bạn nói chuyện với khán giả (con người) chứ không phải nói chuyện với … slide! Phải tỏ ra mình quan tâm đến khán giả; người ta bỏ ra thì giờ đến nghe, mình phải tỏ ra tôn trọng họ.
Soạn bài nói chuyện
Đối với nghiên cứu sinh không thạo tiếng Anh, bí quyết để thành công trong bài thuyết trình là soạn sẵn bài nói chuyện. Bởi vì nhiều nghiên cứu sinh không rành tiếng Anh nên việc soạn bài nói chuyện rất cần thiết. Đó cũng là cách hệ thống hóa mình muốn nói cái gì. Khi nói soạn bài nói chuyện, tôi muốn nói rằng bạn phải soạn “diễn văn” cho mỗi slide. Ngay cả slide đầu (tựa đề) cũng nên viết ra mình muốn nói gì. Không phải viết theo kiểu chung chung, mà là viết cụ thể. Viết y như một bài nói chuyện hoàn chỉnh.   Chú ý đến văn phạm và từ ngữ sử dụng sao cho trong sáng.
Sau khi viết xong, bạn đọc và cố gắng học thuộc lòng. Cách làm đơn giản là sau khi đã tạm thuộc lòng, bạn bỏ bài nói chuyện qua một bên. Sau đó chiếu slide trên máy tính và tự mình thực tập (không cần bài nói chuyện). Giai đoạn kế tiếp là mời một đồng môn hay vài bạn bè khác đến làm khán giả, và bạn thực tập trước mặt họ. Nhờ các bạn ấy xem xét giờ (có quá giờ không), xem xét nhịp điệu nói chuyện (có monotone không), xem xét điệu bộ (có phải đứng như trời trồng không), đánh giá ánh mắt và cách giao tiếp khán giả, v.v. Sau khi xong phần thực tập thì bạn đã nắm vững câu chuyện mình sắp nói. Cho dù buổi hội thảo có cúp điện, bạn vẫn có thể nói vanh vách và tự tin. Tự tin là yếu tố rất quan trọng để thành công trong bài nói chuyện. Không có gì xấu hổ hơn là mình nói những điều mình không biết hay không nắm vững (vì như thế thì có khác gì là con vẹt). Không có gì xấu hổ hơn nói chuyện mà chẳng có cái gì là của mình, mà toàn là lấy của người khác, và vì lấy của người khác nên mình sẽ thiếu tự tin (do không hiểu có ý nghĩa gì). Do đó, tự tạo sự tự tin là cực kì quan trọng.
Đó chính là lời khuyên của tôi cho tất cả những nghiên cứu sinh đã qua lab tôi. Và, tôi có thể tự hào nói rằng 99% nghiên cứu sinh của tôi đều thành công.
Câu mở đầu
Chúng ta có câu vạn sự khởi đầu nan. Trong kĩ năng nói chuyện trước công chúng trong hội nghị khoa học, câu đó có thể hiểu là câu mở đầu rất quan trọng. Nếu câu mở đầu trôi chảy, bài nói chuyện của bạn sẽ 95% thành công. Nếu câu mở đầu lắp bắp là “triệu chứng” của thiếu tự tin, hoặc “có vấn đề”, và từ đó vấn đề sẽ tích lũy làm cho diễn tiến của bài nói chuyện càng lúc càng xấu. Hãy tin tôi.   Đó là kinh nghiệm cá nhân. Vì thế, cần phải chọn một câu mở đầu cho hay.
Theo tôi, câu mở đầu nên theo trình tự sau đây: (a) tự giới thiệu mình với khán giả; (b) nói lời cám ơn chủ tọa; (c) nói lời xã giao với người nói trước mình (như tôi mô tả trên). Cần phải nói cho cử tọa biết rằng bạn rất vui có cơ hội trình bày bài nói chuyện. Cũng nên có vài câu xã giao về thành phố tuyệt vời hay trung tâm vĩ đại mà mình đang nói chuyện (cứ khen!).
Ví dụ câu mở đầu: Good morning/afternoon/evening. Chú ý phải xem giờ mình nói chuyện. Tôi đã từng nghe người ta nói good morning trong khi giờ nói chuyện là 2 giờ chiều! Chỉ nói good evening khi sau 6 giờ chiều.
Sau đó là cám ơn chủ tọa:
Thank you, Dr. Nguyen, for your kind introduction. It is indeed my honor to be in this beautiful city to present the data to you on behalf of my colleagues.
Nếu có 2 người hay trong trường hợp tên của họ khó đọc quá thì nói:
Thank you very much, Chairperson, for your kind words of introduction.
Ngay sau đó, nói vài chữ tự giới thiệu:
My name is Thanh, and I’m a doctor from the ABC Hospital in Ho Chi Minh City.
và vài chữ xã giao và nói ngay chủ đề của bài nói chuyện, như:
It is my pleasure to be here to share with you some interesting data concerning the relationship between sex hormones and osteoporosis
hay: It is an honor to speak in such a wonderful conference. Montreal is a great city and it’s great to be here. This is my first visit to this city, and I know that it is not my last.
Cũng có khi nói “bài bản” hơn nếu ai đó mời mình nói:
I would like to thank Professor Jones for giving me this opportunity to talk to you today. In this presentation, I’m going to tell you about the effect of sex hormones on fracture risk, an area of research that I have pursued for more than 5 years …
Cũng có thể nói:
It is a pleasure/I’m very grateful/to have this opportunity to talk to you about a topic close to my heart: sex hormones and bone health.
Thỉnh thoảng cũng nhấn mạnh những gì mình không nói: 
This presentation will not give you a general overview of the complications of hip replacement surgery; rather I will limit my discussion to prosthetic loosening I’m afraid that I won’t have time to delve into the interesting new developments in minimally invasive surgery, but I understand Dr. Pham will be talking about that later today.
Thỉnh thoảng cũng cám ơn đồng tác giả của mình ngay từ lúc mở đầu bài nói chuyện:
I’m presenting this paper on behalf of my colleagues, Drs. Thanh and Tran.
Hoặc: I am grateful to have the support of experienced, knowledgeable researchers like
Dr. Thanh and Dr. Tran as well as of brilliant and hardworking research fellows like Dr. Smart.
Ngay sau khi câu mở đầu xong, thì tay bạn nên sẵn sàng chuyển sang slide kế tiếp. Nên nhớ là không bao giờ để cho khán giả phải chờ! Lúc nào cũng tạo hào hứng, không có khán giả nghỉ và … ngủ.
Nội dung
Một bài nói chuyện cần có slide về nội dung mình sắp nói là gì để khán giả dễ theo dõi. Sau slide tựa đề (đã bàn trong bài 1), cần có một slide nội dung (không dài quá 6 dòng!) về những ý mình sắp trình bày trong bài nói chuyện. Tiếng Anh gọi là mapping slide. Trong mapping slide bạn có thể trình bày (tôi lấy ví dụ chuyên ngành tôi):

Bone markers and Fragility Fracture

• Bone remodeling
• Serum bone turnover markers (BTM)
• BTM and fracture risk
• Interpretation of marker values
• Conclusions


Có thể xem đó như là một slide dẫn nhập. Chú ý rằng thay vì viết Contents, tôi viết về chủ đề của bài nói chuyện “Bone markers and Fragility Fracture”. Cách viết này đòi hỏi người nói chuyện phải rành tiếng Anh và biết nói ra ngoài đề tài; nếu không rành thì nên viết Contents (hay What I am going to say) cho … chắc ăn.
Sau khi đã giới thiệu xong và nội dung, đến phần đặt câu hỏi hay đặt vấn đề. Có một vài câu nói “tủ” rất có ích mà các bạn có thể sử dụng:
The question is then ….
This made us wonder….
So, the question is this ….
Thus, we aimed to ….
Therefore, we hypothesized that….
So, we wanted to know….
Sau phần dẫn nhập, khi nói về phương pháp, bạn phải nói cho khán giả biết là mình “chuyển chủ đề”. Những câu giới thiệu phương pháp có thể là:
These were the inclusion criteria:
We excluded patients with any of the following:
We recorded the following variables:

Phương pháp dĩ nhiên có liên quan đến thiết bị, và bạn cần phải nói rõ. Có thể trình bày một slide có hình thiết bị để người ta thấy rằng công trình này có qui mô, chứ không phải loại làng nhàng, chay, hay “soft research”. Khi slide hiện, bạn mở đầu bằng cách nói:
This is the quadrature head coil we used for the MRI studies.
We used ELISA for all determinations.
All patients underwent T1- and T2-weighted MRI sequences.

Cũng có thể nói về qui trình:

We considered prostates with asymmetries, indurations, or nodules abnormal.
TIA was defined as an isolated episode of amaurosis fugax or focal cerebral dysfunction of ischemic origin with complete recovery within 24 h.

Nếu qui trình quá phức tạp, kinh nghiệm tôi cho thấy một diagram mô tả qui trình sẽ rất có ích cho khán giả theo dõi.
Đến phần kết quả (results), tức phần quan trọng, bạn cần phải ra “tín hiệu” cho khán giả biết. Nói theo ngôn ngữ thông thường là “chuyển hệ”. Chẳng hạn như bạn có thể nói:
Now I would like to turn to the results section
and shown here is some basic characteristics of participants
As you can see …

Thỉnh thoảng phải nhấn mạnh một điểm nào đó trong bài nói chuyện. Có nhiều cách nhấn mạnh (cũng là cách không để cho khán giả ngủ!), nhưng ở đây tôi bàn về cách nói, nên những câu sau đây sẽ có hiệu quả:
I want you to pay attention to THIS SLIDE (nhấn mạnh bằng cách lên giọng chữ THIS SLIDE)
This finding is very STRIKING
It is very REMARKABLE that
This is a CRUCIAL point

I can’t overestimate the importance of this point
I want to STRESS that...
I want to emphasize this point.
This is a really IMPORTANT point.
… is of paramount importance...
This is the key to understanding…
Whatever you do, do not forget that...
Do not underestimate the role of...
This is essential.
This is important, so I want to make it crystal clear/I want to be sure that you get it.
Let me point out THIS VERY RELEVANT POINT …
Vấn đề là có khi khán giả quên những gì mình nói. Đó là điều rất bình thường. Vì thế thỉnh thoảng phải nhắc lại điểm chính mình muốn nói. Cách để nói là:
In other words, ….
What I am trying to say is that ….
To put it another way, ….
What this really means is that ….
In a bit more detail,…
Let me stress AGAIN
OK, let me ELABORATE FURTHER …
Mỗi khi chuyển slide này sang slide khác, bạn cũng có thể nói một câu giới thiệu (trước khi bấm nút forward). Cách này rất hiệu quả vì giữ khán giả không rời mắt bài nói chuyện. Những câu nói phổ biến cho bối cảnh này là:
Now we’re going to look at ….
This next slide shows ….
And here you can see ….
Let’s look at a concrete example of this.
This next case (image, graph, etc.) is an example of ….
These data showed that … is important, [advance to the next slide], but these other data show that … is also important.
Another factor that plays an important role in this process is ….
Đến phần kết luận, cũng cần phải có những câu nói để người ta chú ý. Không có gì chán bằng những slide kết luận lặp lại những số liệu trong phần Results! Đó là cách trình bày thiếu chuyên nghiệp, của … trẻ con. Chúng ta là “người lớn”, nên phải trình bày chuyên nghiệp. Một cách thể hiện tính chuyên nghiệp là thể hiện qua lời nói. Mở đây phần kết luận, bạn có thể nói:   OK, I think it’s time for me to leave you, but before leaving, I would like to make a number of points as follows. Cũng có thể nói ngắn hơn như:
I’d like to take a minute to go over these three take-home points.
If you forget everything else I have discussed here today, remember these three points.
That just about wraps things up.
I hope you have enjoyed my talk.
Thank you for your attention. I would be happy to try to answer any questions you might have.
Tôi tạm ngưng ở đây để các bạn thực hành. Trong những bài sau tôi sẽ nói về cách nói / diễn giải số liệu, cách trả lời câu hỏi, cách làm chair, và cách thể hiện điệu bộ (body language).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét