Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Điểm yếu của người thông·minh

Tác·giả: Hoàng Minh Châu

AI CŨNG CÓ ĐIỂM YẾU

Năm 2007, kỳ thi toán quốc tế được tổ chức tại Hà Nội. Đội tuyển Việt Nam năm đó đạt thành tích rất cao.

Là đơn vị tài trợ chính cho sự kiện, FPT đã tổ chức buổi gặp gỡ mừng công cho các thầy và trò trong đội tuyển. Ngày đó, tôi là trưởng ban truyền thông FPT, nên cũng được phát biểu chúc mừng,

Tôi nói: "Nãy giờ, chúng ta đã nghe nhiều lời chúc mừng thành tích của các thầy và trò. Tôi cũng xin góp thêm một lời chúc, chân thành từ trái tim, tới các thầy và trò vì sự lao động sáng tạo với cường độ rất cao để có thành tích ngày hôm nay".

Sau đó, chẳng hiểu sao, tôi nói thêm những câu chẳng ăn nhập với không khí của buổi lễ mừng công.

Tôi nói với các em, cuộc sống không dừng ngày hôm nay. Chắc chắn mỗi em đều mong muốn đi xa hơn những tấm huy chương này. Trời ban cho các em có một trí tuệ thông minh. Nhưng ông Trời không cho ai tất cả. Những người thông minh có rất nhiều điểm yếu.

Nhìn các thầy trò ngơ ngác, tôi định thôi không nói tiếp, nhưng không hiểu sao, những lời nói vẫn tuôn ra.

Điểm yếu thứ nhất, người thông minh chỉ thích làm phần việc khó, những việc phải động não; tới phần dễ hơn, phải dùng công sức, là coi thường và bỏ không làm. Ví dụ, cần giải bài toán "phân tích đa thức ra thừa số", học sinh giỏi khi thấy rõ hướng giải là dừng, ít khi kiên trì đi đến kết quả cuối cùng. Vì thế sản phẩm của những người thông minh sau này thường là "bán sản phẩm" hoặc sản phẩm chưa hoàn chỉnh.

Điểm yếu thứ hai, họ chỉ thích giải những bài toán mới. Họ ghét nhất phải làm lại một loại bài cũ. Thói quen chỉ làm một lần, dẫn đến cái gì cũng biết, nhưng không có việc gì thuần thục. Những người như thế, trong nhiều công việc sau này, thường không có năng suất cao.

Điểm yếu thứ ba, họ thường tự phụ. Họ có thể chấp nhận học từ một ông thầy giỏi, từ một cuốn sách hay, nhưng ít khi chịu học từ bạn bè, từ những người ngang mình hoặc dưới mình. Họ tự bỏ qua các "ông thầy" hạng nhất, như người xưa thường nói "học thầy không tày học bạn", hay "trong ba người qua đường, có một người xứng đáng làm thầy ta".


Tôi hơi chưng hửng vì hình như chả ai để ý đến phát biểu của mình. May mà, khi tan lễ, có mấy phụ huynh lại gần tôi và nói: "Chúng tôi rất chia sẻ bài phát biểu của thầy. Chúng tôi sẽ về nói lại với các cháu".

Thực ra, đó là kinh nghiệm của chính cá nhân tôi. Tôi đã từng là học sinh chuyên toán, đã từng mắc cả ba lỗi căn bản trên. Chỉ sau rất nhiều vấp ngã, tôi mới hiểu rằng, mình chưa đủ giỏi để chê những việc chân tay; mình chưa đủ thông minh để không phải cần cù và nếu đã mở đầu thì phải đi đến cùng, không nghĩ dọn dẹp là việc của ai đó có trí tuệ thấp hơn.

Sau này, khi qua các khoá đào tạo QTKD, tôi mới biết, team work là lời giải tốt. Nếu bạn thông minh, hãy kết hợp với những người chịu khó và chỉnh chu.

Tôi nói với các con mình, dù có hay đến đâu, một mình luôn không đủ; vẫn cần thêm nhiều người khác để hợp thành một bộ bài đủ chất.

Và cần nhớ, trong bộ bài đủ chất, quân bài nào cũng quan trọng.

Nguồn: Facebook Hoàng Minh Châu, 2014-11-06

Về tác·giả:


Hoàng Minh Châu
Hoàng Minh Châu
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Corp












Là Giám đốc Chi nhánh FPT thành phố Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập năm 1990 đến 10/2009, ông đã xây dựng từ một tổ chức nhỏ bé, lần lượt vượt qua những công ty nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh để trở thành một đơn vị hàng đầu tại đây.

Ông được coi là linh hồn của văn hoá doanh nghiệp FPT, một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển con người của Tập đoàn.

Năm 2002, FPT trở thành công ty cổ phần, ông Hoàng Minh Châu được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn.

Ông Hoàng Minh Châu tốt nghiệp Khoa Toán, Đại học tổng hợp Kishinhov, Cộng hoà Moldova; Khoa Quản trị kinh doanh cao cấp, Đại học Amos Tuck, Mỹ.

Nguồn: http://fpt.com.vn/vn/gioi_thieu/lanh_dao/thong_tin/hoang_minh_chau/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét