Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Học·sinh Mỹ bê·bết trong các kỳ·thi quốc·tế, thì đã sao? – J. Weissmann, Phương Anh (dịch)

Kết quả của một kỳ thi quốc tế quan trọng nữa lại vừa được công bố, và học sinh Mỹ một lần nữa lại làm bài chẳng ra làm sao. Kỳ thi vừa được nhắc đến là Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, thường được biết đến dưới tên PISA. Học sinh tuổi 15 của chúng ta bê bết môn Toán, đạt trung bình môn Đọc hiểu và Khoa học, và nhìn chung các em hoàn toàn bại trận trước những người đồng lứa từ những vùng nhưThượng Hải, Nhật, Hàn Quốc, Phần Lan.

Thế là một truyền thống của nước Mỹ vẫn đang được duy trì. Học sinh Mỹ thường thất bại trong các kỳ thi ngay từ thập niên 1960, khi các em xếp hạng áp chót ở hầu hết các phần của bài thi trong Nghiên cứu về môn Toán quốc tế lần thứ nhất (FIMS). Trong báo cáo có tựa đề là “Đất nước lâm nguy” (A Nation at Risk) mà giờ đây rất nổi tiếng, một ủy ban đặc trách giáo dục của Nhà trắng thậm chí đã tuyên bố sự cạnh tranh thất bại của Mỹ đối với Nhật đã trở thành một mối đe dọa đến sự thịnh vượng về kinh tế và an ninh của đất nước.

Báo cáo đó được viết từ năm 1983. Điều đó khiến chúng ta phải tự hỏi: Nếu trong suốt mấy chục năm ấy chúng ta vẫn kém cỏi trong các kỳ thi, thì tại sao bây giờ lại phải lo lắng? Trong suốt 30 năm qua, mức phát triển của chúng ta chưa bao giờ thua các nước phát triển khác. Đầu óc được xem là kém cỏi của người Mỹ vẫn xoay sở được sao đó để phát minh ra được Internet. Và coi kìa, dù người Mỹ vốn be bét trong môn Toán ở phổ thông, nhưng những thiên tài toán học của chúng ta ở Phố Wall vẫn có thể suýt làm cả thế giới sập tiệm vì các mô hình quản trị rủi ro rất thuyết phục trên giấy mặc dù sai bét trên thực tế.
Có một câu trả lời đến từ ông Eric Hanushek, một nhà kinh tế học giáo dục và một là người ủng hộ cải cách nhà trường phổ thông từ Học viện Hoover, một đơn vị có tư tưởng bảo thủ thuộc ĐH Stanford (bạn có thể cũng đã nghe tên ông với tập tài liệu có tựa là “Chờ đợi Siêu nhân” – Waiting for Superman). Ông và các đồng sự đưa ra lập luận rằng điểm thi có thể giúp tiên đoán sự tăng trưởng kinh tế, vì các quốc gia thông minh hơn cũng là những quốc gia có nhiều phát minh và nền sản xuất tốt hơn, và có thể thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Nếu Mỹ có thể tăng điểm thi của mình lên cho bằng với mức của Canada, ví dụ thế, thì đất nước này có thể làm tăng thêm 77 ngàn tỷ cho nền kinh tế của họ trong vòng 80 năm tới.
Những lời tuyên bố này dựa trên một cuộc nghiên cứu (nay đã được xuất bản thành một cuốn sách) so sánh điểm thi và sự tăng trưởng của 50 quốc gia từ năm 1960 đến năm 2009. Trong thời gian đó, Hanushek và các cộng sự của ông lập luận, nước Mỹ đã tăng trưởng cao hơn dự đoán nếu xét theo điểm thi của quốc gia này. Nhưng cơ hội này có lẽ sắp không còn nữa bởi vì:
Nền kinh tế của Mỹ tăng trưởng cao hơn mức nó có thể đạt được xét theo kết quả thi cử vốn chỉ đạt mức trung bình của học sinh Mỹ. Mức tăng trưởng này phản ánh những lợi thế mang tính lịch sử mà nước Mỹ đã có được lâu nay. Kinh tế Mỹ được xây dựng dựa trên các thị trường mở, quyền tư hữu vững chắc và mức thuế nhìn chung là dễ chịu; một hệ thống giáo dục đại học thuộc hàng nhất thế giới; và chính sách nhập cư cởi mở cho phép những người có trình độ cao vào làm việc. Nhưng những lợi điểm trên đang giảm đi vì các quốc gia khác hiện cũng đang áp dụng những thể chế và phương pháp tương tự như Mỹ.
Nói cách khác, giờ đây khi Trung Quốc đã trở thành một nền kinh tế thị trường, thì chúng ta có thể dự đoán rằng những nơi như Thượng Hải sẽ dành mất phần ăn của chúng ta.
Nhưng có đúng thế không nhỉ? Như tác giả Rebecca Strauss thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế đã nêu hồi đầu năm nay, mối liên hệ giữa điểm thi toán và khoa học với sức mạnh của nguồn nhân lực dường như không được rõ ràng cho lắm.
Ở Trung Quốc, người ta đang ngày càng ý thức hơn về “tình trạng điểm thi cao, năng lực thấp” của nguồn nhân lực, với những con người khi ra đời làm việc không thể nào phát triển được, nhưng lại có điểm thi đầu vào đại học (gọi là kỳ thi Cao khảo) rất cao, và điểm học tập trong quá trình ở đại học cũng rất tốt. Tại trường ĐH Chicago, một nghiên cứu quan trọng được James Heckman tiến hành đã cho thấy những kỹ năng quan trọng nhất mà học sinh học được ở trường trung học ít có liên quan đến học thuật mà liên quan nhiều hơn đến các đặc điểm về tính cách, như tính “lì đòn”, sự lạc quan, và sự kiên trì vượt qua khó khăn chẳng hạn.
Mối liên hệ giữa điểm thi môn Toán và những đặc điểm nhân lực cần có của một đất nước sáng tạo thì lại càng mơ hồ hơn nữa. Xin hãy tạm gác Thung lũng Silicon và nước Mỹ sang một bên. Thay vào đó, chúng ta thử xét trường hợp Israel, một quốc gia khác có điểm thi chỉ ở hạng thường thường bậc trung nhưng lại là một trung tâm khởi nghiệp và sản xuất phần mềm đáng kể, nơi nhận được mức vốn đầu tư tính theo tỷ lệ GDP cao hơn bất cứ quốc gia khác nào trên thế giới.
Hoặc thử xét điện thoại thông minh. Hãng Apple rõ ràng đã thành công vì biết kết hợp công nghệ với sự phán đoán hợp lý về nghệ thuật của Steve Jobs. Hãng Nokia, đơn vị có tỷ lệ đóng góp chiếm đến một phần tư sự tăng trưởng của Phần Lan trong thập niên từ 1998 đến 2007, đã bán những chiếc điện thoại thời trang được thiết kế bởi một thanh niên người California là Frank Nuovo (nhân tiện, anh chàng này hồi còn tuổi học sinh chỉ suốt ngày gõ trống trong một ban nhạc Jazz Fusion, chứ chẳng hề bỏ thời gian học hành thi cử gì cả).
Có người thậm chí còn cho rằng quá nhấn mạnh thi cử có thể sẽ gây hại cho sự phát triển kinh tế. Sau khi phát hiện ra rằng điểm thi Toán trong kỳ thi FIMS năm 1964 có tương quan nghịch với mức độ tăng trưởng kinh tế, ông Keith Baker, nguyên là nghiên cứu viên của Bộ Giáo dục, đã viết:
Trong số các quốc gia đạt điểm cao, một trình độ học vấn nào đấy – như được phản ánh qua điểm thi – đúng là cần thiết để tạo thành một bệ phóng cho sự thành công của đất nước. Nhưng một khi đã vượt qua ngưỡng ấy thì những yếu tố khác sẽ trở nên quan trọng hơn là tiếp tục cố gắng tăng điểm thi. Thực vậy, một khi đã đạt đến ngưỡng đó rồi, nếu vẫn cứ cố gắng tăng điểm số thì đó là một chính sách sai lầm bởi vì điều này sẽ làm phân tán mối quan tâm, nỗ lực, và nguồn lực mà lẽ ra cần được tập trung vào những yếu tố quan trọng hơn cho sự thành công của một quốc gia.
Lịch sử gần đây của Nhật cũng khiến ta thêm nghi ngờ về giả thuyết rằng có mối liên hệ giữa điểm thi và số phận của mỗi quốc gia. Đã từng là nỗi ám ảnh về kinh tế của nước Mỹ trong thập niên 1990, trong hai thập niên gần đây nền kinh tế của quốc gia này đã trở nên trì trệ, do những sai lầm trong chính sách kinh tế vĩ mô. Hệ thống giáo dục được cả thế giới ca ngợi của nước Nhật đã tạo ra những học sinh có kết quả thi rất tốt, đúng thế. Nhưng khi điều này xảy ra đồng thời với sự tăng trưởng chậm về kinh tế, thì điều này có nghĩa là quốc gia ấy đang có một nguồn nhân lực thừa trình độ phải quẩn quanh trôi nổi trong các thành phần kinh tế của đất nước.
Tất cả những điểm nêu trên không có nghĩa là chúng ta nên vứt bỏ những kỳ thi như PISA. Nó chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng của nền giáo dục của chúng ta, như sự cách biệt về kết quả giữa học sinh giàu và nghèo, hoặc thái độ dửng dưng đối với môn Toán của cả nước. Như Giáo sư Martin Carnoy thuộc Đại học Stanford, một người phê phán quan điểm của Hanushek, đã phát biểu: “Điểm thi chắc chắn là có liên quan đến nguồn vốn nhân lực của một quốc gia.”
Nhưng, ông cũng nói thêm, điểm thi thấp không có nghĩa là không còn hy vọng về tăng trưởng kinh tế. Và điều này sẽ làm cho bọn đần độn người Mỹ chúng ta có thể an lòng đôi chút.
Jordan Weissmann
Vũ Thị Phương Anh dịch
Source: hocthenao 13/12/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét