Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Cuộc rượt đuổi Nhật - Hàn

Việc coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất mới của các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm cho cuộc rượt đuổi giữa họ trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trở nên gay cấn và hấp dẫn. - Thái Bình.




Trong khi người Nhật cẩn trọng, thì người Hàn thường mạnh mẽ và nhanh chóng chớp thời cơ.

Dù hiện tại trong “bảng tổng sắp” về FDI, Nhật Bản vẫn đang là nhà đầu tư đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng Hàn Quốc cũng đã từng ở vị trí ấy. Nếu tính kỹ ra, chưa biết mèo nào căn mỉu nào!

Sức mạnh của VUA

Một câu chuyện bên lề: cán bộ của một dự án thép khá lớn, có lần đã không ngớt lời than thở, cô cảm thấy tủi thân ghê gớm khi trước đây, “xin” gì địa phương cũng lắc, còn bây giờ đề nghị gì địa phương cũng gật, từ chuyện xin thêm đất, đến việc xem xét các ưu đãi đầu tư… Sự khác nhau ấy xuất phát từ việc cách đây ít lâu, một tên tuổi lớn của Nhật Bản quyết định bỏ vốn vào dự án này, thậm chí có thể nắm giữ tới 80% vốn đầu tư của dự án.

Không hẳn là một sự phân biệt đối xử, song một thực tế khá rõ ràng, các địa phương thường tỏ ra có thiện cảm hơn với các nhà đầu tư Nhật Bản, lâu nay vốn nổi tiếng là làm ăn nghiêm túc và đầu tư bài bản.

Một câu chuyện khác: Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) ban đầu khá vất vả trong việc, xin cơ chế ưu đãi đầu tư với khoản đầu tư 670 triệu USD đầu tiên của nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh, thậm chí cả khoản tăng thêm 830 triệu USD để nâng vốn đầu tư lên 1,5 tỷ USD. Song sau một thời gian, Samsung đầu tư lớn và có hiệu quả, dường như các cơ quan chức năng và Chính phủ Việt Nam cũng đã không quá khó khăn khi gật đầu với các ưu đãi về thuế đối với dự án 2 tỷ USD ở Thái Nguyên và phần tăng thêm 1 tỷ USD nữa ở Bắc Ninh của nhà đầu tư này.

Tất nhiên, khi đã có tiền lệ mọi thứ bao giờ cũng trở nên dễ dàng hơn. Nhưng điều quan trọng khiến Samsung có thể nhận được các ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất, đó là vì những gì mà tập đoàn này đang đóng góp cho Việt Nam và vì các dự án đầu tư của họ thực sự được thực hiện rất nhanh và hiệu quả: đầu tư 5,7 tỷ USD trong vòng 6 năm, trong đó có tới 4,2 tỷ USD riêng trong năm 2013 và cũng trong năm này, SEV đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 23,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động…
CẢ NHẬT BẢN VÀ HÀN QUỐC ĐỀU CÓ TÊN TRONG DANH SÁCH CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC MÀ VIỆT NAM MUỐN MỜI GỌI ĐẦU TƯ

Đó chính là sức mạnh của “vua”, của những nhà đầu tư đứng đầu, làm ăn nghiêm túc và lâu dài, của những dự án FDI quy mô lớn và hiệu quả. Cũng vì sức mạnh này, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có tên trong danh sách các nhà đầu tư chiến lược mà Việt Nam muốn mời gọi đầu tư. Các chuyến xúc tiến đầu tư ở nước ngoài của các địa phương cũng luôn xướng danh hai điểm đến Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Đây là hai quốc gia mà chúng tôi ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới”, ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp Bắc Ninh phát biểu mà như nói hộ nỗi lòng của tất cả các cán bộ phụ trách công tác xúc tiến đầu tư trong cả nước.

Cuộc rượt đuổi Nhật – Hàn

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2013, tính cả vốn cấp mới và tăng thêm, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đổ vào Việt Nam hơn 5,7 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ở Việt Nam. Nếu tính lũy kế, con số này là 34,58 tỷ USD – Nhật Bản vẫn giữ vững ngôi vương.

Trong khi đó, với nhà đầu tư Hàn Quốc, con số của năm nay là gần 4,3 tỷ USD, còn lũy kế là hơn 29 tỷ USD. Hàn Quốc đứng vị trí thứ ba, sau Nhật Bản và Singapore. Tuy nhiên, nếu khoản đầu tư 2 tỷ USD của Samsung ở Thái Nguyên và 1 tỷ USD tăng thêm ở Bắc Ninh được tính qua Hàn Quốc (hai dự án này, Samsung đăng ký đầu tư theo pháp nhân Singapore – PV), thì không những Singapore bị vượt mặt mà ngay cả vị trí hàng đầu của Nhật Bản cũng lung lay. Thậm chí, năm 2013, thực sự thì Hàn Quốc mới là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Nói về hai nhà đầu tư này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng nhận xét rằng, có sự khác biệt khá lớn trong cách đầu tư của họ. Trong khi người Nhật quá cẩn trọng, tính toán theo kiểu chậm mà chắc, thì người Hàn thường mạnh mẽ và nhanh chóng chớp thời cơ. Và trong khi nhà đầu tư Nhật thường đầu tư những dự án nhỏ hơn, thì nhà đầu tư Hàn Quốc lại “xoay chuyển tình thế” bằng những dự án lớn.

Nhìn vào thực tế hiện nay, thì đúng là dù những tên tuổi lớn của Nhật Bản như Honda, Panasonic, Toyota… đều đã có mặt ở Việt Nam, nhưng dự án quy mô lên tới cả tỷ đô-la vẫn là hàng hiếm. Mới nhất có dự án Tokyu (Bình Dương), 1,2 tỷ USD; Bridgestone (Hải Phòng), 1,22 tỷ USD; hay Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), 9 tỷ USD, với phần tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản gần 40%…

Trong khi đó, chỉ trong năm 2013, riêng phần đầu tư của Samsung đã là 4,2 tỷ USD. Chưa kể, còn dự án 1,5 tỷ USD của LG hay trước đó là dự án Tây Hồ Tây, 2,5 tỷ USD… Nếu kế hoạch đầu tư tổng lực của Samsung ở Việt Nam được hiện thực hóa thì thời gian tới, vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tuôn chảy mạnh mẽ. Và lúc ấy, chưa biết Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ giành ngôi vương.

“Chưa bao giờ quan hệ Nhật Bản – Việt Nam tốt như hiện nay. Hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang được nâng lên tầm cao mới sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Park Geun-hye vừa rồi. Đây là một trong những lý do khiến tôi tin rằng, vốn FDI từ hai quốc gia này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI bày tỏ quan điểm.

Đích ngắm vẫn là tập đoàn lớn

Dòng chảy FDI từ Nhật Bản và Hàn Quốc vào Việt Nam dường như đang một lần nữa được định hình lại. Trong khi Hàn Quốc bật lên với Samsung, LG, Lotte, CJ – những Chaebon hàng đầu ở xứ sở kim chi thì Nhật Bản tiến những bước đi vững chắc bằng các dự án nhỏ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.



Xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư khỏi Trung Quốc khiến các nhà đầu tư Nhật Bản tìm đến các quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam. “Khẩu vị” của nhà đầu tư này đã thay đổi, khi thay vì đầu tư để gia công xuất khẩu, thì chuyển sang đầu tư để đáp ứng nhu cầu thị trường Việt Nam và ASEAN. Các doanh nghiệp nhỏ Nhật Bản cũng đang tìm hướng vào Việt Nam để cung ứng nguyên vật liệu cho các đối tác của họ, các tập đoàn lớn hiện đang đầu tư ở Việt Nam.

Trong khi đó, sự trỗi dậy của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao đang biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới của họ. Và công thức đúng trong trường hợp này là: “tập đoàn lớn + các doanh nghiệp vệ tinh = thành công và hiệu quả”.

Samsung chẳng hạn, sau khi vào Việt Nam, đã góp phần hình thành một hệ thống các nhà cung cấp với tổng vốn đầu tư hiện đã vượt mức 2 tỷ USD.

Tất nhiên, còn chưa được như kỳ vọng, vì thực tế hệ thống các vệ tinh mới đang trong giai đoạn đầu hình thành và vẫn còn thiếu hụt sự có mặt của các doanh nghiệp Việt Nam. Song xét trên bình diện này, có vẻ người Nhật kém thức thời hơn người Hàn. Và việc hiện nay nhà đầu tư nhỏ và vừa Nhật đang tìm đường sang Việt Nam chính là để bù đắp cho “khiếm khuyết” này. Có lẽ cũng không có cách lý giải nào hợp lý hơn việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa, với mũi nhọn là 6 ngành công nghiệp hỗ trợ, chính là họ đang cố gắng mang lại những thuận lợi cao nhất cho các doanh nghiệp của mình đang hoạt động tại Việt Nam. Những Toyota, Panasonic, Canon… đang từng ngày “kêu” về việc không tìm được nhà cung cấp từ Việt Nam. Khi công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, chính họ sẽ được hưởng lợi.

“Dù xu hướng đầu tư cho công nghiệp phụ trợ là rõ ràng, nhưng tôi cho rằng, đích ngắm của chúng ta vẫn phải là các tập đoàn lớn”, GS. Nguyễn Mại nói. Lý do rất đơn giản, có tập đoàn lớn, ắt sẽ có doanh nghiệp nhỏ đi theo. “Hoa thơm đánh cả cụm” là vậy.

Chính TS. Trần Đình Thiên cũng đã có lần hồ hởi nói rằng, việc Việt Nam thu hút được các dự án đầu tư lớn như của Samsung sẽ góp phần quan trọng để kéo các nhà đầu tư nhỏ và vừa vào Việt Nam, tạo sức lan tỏa đến hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển…

Có lẽ, đó mới chính là cách thu hút đầu tư thông minh và hiệu quả nhất.

Doanh nhân số 148-149 LeMedia

http://d9mbmkvnkwxlo.cloudfront.net/dn148-149/Cuoc-ruot-duoi-Nhat---Han.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét