Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Pháo-đài Hwaseong - Di-sản văn-hóa thế-giới

Hwaseong (Hangul: 화성; Hanja: 華城; Hán ViệtHoa Thành) là một thành cổ tọa lạc tại SuwonHàn Quốc, cách Seoul 30 km. Pháo đài này được xây dựng từ 1794 đến 1796. Vua Triều Tiên Chính Tổ đã cho xây dựng pháo đài để vinh danh và chứa những di vật của cha mình là Trang Hiến Thế Tử - người đã bị vua cha là Triều Tiên Anh Tổ buộc tử. Pháo đài này được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1997. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_Hwaseong]

Được xây dựng 34 tháng tại Suwon, phía Nam Seoul, vào năm 1796. Phần bên ngoài của pháo đài dài 5.743 m vẫn còn tồn tại. Vào năm 1997, UNESCO đã ghi nơi này vào Danh sách những sự kiện tưởng nhớ của thế giới, với mục đích gìn giữ những bản ghi chép và số tài liệu đã mở ra một chân trời mới cho khoa học vào chính thời kỳ mà pháo đài này được xây dựng.

Pháo đài này là một thành quả rực rỡ của một vị vua thông thái đã đi đầu trong công cuộc phục hưng chính trị và văn hóa cùng với một nhóm học giả trẻ tuổi luôn tìm tòi đổi mới hiến pháp và áp dụng các học thuyết khoa học vào thực tế.



Trong một trang hồi ký đầy nước mắt, Hyegeong, một công chúa triều Joseon 18 đã thốt lên "Ôi ! Nỗi buồn! Làm sao ta có thể diễn tả bằng lời những gì xảy ra ngày hôm nay? Bầu trời như sụp đổ xuống mặt đất; mặt trời như không còn chiếu sáng và tất cả mọi vật như đều chìm trong bóng tối”.


Công chúa cho biết nàng không muốn vương vấn trên cõi đời thêm một giây nào nữa sau vụ cha con giết nhau khủng khiếp vừa diễn ra. "Tôi muốn tự tử, tôi tìm xung quanh xem có vật gì sắc nhọn không, nhưng chẳng thấy". Trong bản tự truyện của công chúa, Hanjungnok (hồi ký khi công chúa đã từ phẩm hàm), một tuyệt tác trong các tác phẩm văn học của cung đình và một tài liệu lịch sử đáng giá, công chúa Hyegyeong tưởng nhớ lại cái chết của phu quân, hoàng tử Sado, được coi là một tai nạn lạ kỳ nhất trong lịch sử 5 thế kỷ của triều đại Joseon. Vào một ngày hè nắng nóng năm 1762, vua Yeongjo cáo buộc hoàng tử tội hủy hoại thanh danh hoàng tộc cùng tội phản loạn và buộc chàng phải tìm đến cái chết. Khi những nỗ lực liên tiếp nhằm tự sát của hoàng tử không thành, nhà vua nổi giận và yêu cầu hoàng tử trèo vào một chiếc rương gỗ đựng gạo lớn và khóa lại.

Tám ngày sau, vị hoàng tử 27 tuổi bị chết đói trong rương gạo. Trong ký ức của công chúa, một bản ghi chép sống động về những thử thách của bản thân công chúa cũng như những bằng chứng thực sự mang tính chính trị, công chúa cho rằng vụ việc mang tính định mệnh này là do xung đột bè phái lên đến đỉnh điểm trong cung đình và xung đột mang tính chất cá nhân giữa vị vua trị vì có tư tưởng giáo điều và người con trai nhút nhát của ông, thái tử kế vị. Mặc dù rơi vào hố sâu tuyệt vọng đến mức mong được tự kết liễu cuộc đời, công chúa Hyegyeong cuối cùng đã sống và dồn tình thương vào con trai sau cái chết bi kịch của người cha. Công chúa cho biết nàng không nỡ tự kết liễu cuộc đời theo chồng để rồi đứa con nhỏ bé của mình phải gánh chịu nỗi buồn gấp đôi. "Và, một vấn đề quan trọng hơn tất cả, tôi muốn thấy hoàng tử kế vị có thể làm những gì với vai trò là một nhà vua tương lai nếu không có tôi”." Hoàng tử kế vị, vào thời điểm đó chưa đầy 10 tuổi, đã lớn lên trở thành một nhà vua thông thái. Thừa kế tên hiệu Jeongjo, nhà vua là một người giám sát đầy tài năng các vấn đề quốc gia và một người nhà bảo trợ đáng tin cậy cho khoa học và nghệ thuật, giúp cho quốc gia bắt đầu tiến trình hiện đại hóa.

Với những ký ức tuổi thơ đầy biến động xung quanh cái chết của người cha và sự bất cập của hệ thống luật pháp của chính quyền, Jeongjo được biết đến với đức hiếu nghĩa phi thường. Năm 1777, một năm sau khi lên ngôi, thừa hưởng ngôi vị từ người ông nội của mình, Jeongjo đã phục hồi danh hiệu thái tử của cha, Yeongjo. Vào năm 1789, khi hoàng tộc đã có được một cơ sở vững chắc và quốc gia đã trở nên hưng thịnh dưới quyền trị vì của ông, ông đã ra lệnh chuyển mộ của cha từ vùng ngoại ô phía Đông Seoul về núi Hwasan, cách thành phố Suwon ngày nay 8km, vốn được coi là một trong những địa điểm thuận lợi nhất trong vùng. Khu vực Suwon đã được cải tạo thành một thành phố độc lập và một pháo đài tráng lệ được xây dựng xung quanh thị trấn cũ có tên gọi Hwaseong, có nghĩa là "Pháo đài nguy nga".

Ôm trọn lấy khu vực nội thành tấp nập của thành phố Suwon hiện nay - thủ đô của tỉnh Gyeonggi-do, cách Seoul 30km, pháo đài Hwaseong hiện thân cho sự thành tâm của Jeongjo đối với người cha bất hạnh và ý tưởng của ông về một chính quyền hiện đại và một trung tâm thương mại với hệ thống quốc phòng vững chắc. Tường thành dài 5,74km, được trang bị bằng hàng loạt các thiết bị quân sự, là những thành quả rực rỡ của vị vua thông thái đã chủ trương một cuộc phục hưng chính trị và văn hóa với sự ủng hộ của các học giả mang tư tưởng cải cách hiến pháp và áp dụng các học thuyết khoa học vào thực tế. Đi dọc theo bờ thành, ta như cảm nhận được ước nguyện của vị vua cổ đại, người đã áp dụng sự tinh thông về khoa học và nghệ thuật để xây dựng một thành phố với quan điểm hoàn toàn mới mẻ, bảo đảm các hoạt động của người dân được bảo vệ khỏi sự xâm lược từ phía bên ngoài. Đối với những ai nghiêng về sự lãng mạn mang tính lịch sử, ký ức tuổi thơ đầy bi kịch của nhà vua và những ảnh hưởng ông thừa hưởng từ cha mẹ đã mang đến vẻ đẹp hơi sầu thảm cho toà thành này, tòa thành trang bị những lỗ châu mai điểm xuyết bởi những tháp đồng hồ cao sừng sững và những cửa bí mật dẫn đến một mê cung tối. Pháo đài Hwaseong trải dài trên những địa hình khác nhau từ khu vực núi cao nhìn xuống trung tâm ngoại ô đông đúc cho đến vùng đồng bằng với những bãi cỏ xanh tốt, khu vực mua bán với khu dân cư tập trung đông đúc. Pháo đài trông khá khác biệt so với những thành trì cổ đại khác cũng như các công sự rải rắc trên khắp đất nước. Đây không chỉ là một công trình đa năng mà còn là một tác phẩm mỹ thuật, một sự cải tiến công nghệ ảnh hưởng đến cả thiết kế và kiến trúc của tòa thành.

Hệ thống phòng thủ của một thủ phủ độc lập

Pháo đài Hwaseong được xây dựng trong 2 năm rưỡi từ năm 1794 đến năm 1796, theo bản thiết kế của Jeong Yak-yong. Đây là một học giả trẻ sau này đã đi đầu trong phong trào “Học thuyết thực tế” hay còn gọi là silhak. Jeong sau đó đã làm việc tại thư viện hoàng gia – Gyujanggak, do Jeongjo xây dựng nhằm khuyến khích nghiên cứu học thuật. Jeong đã sử dụng rộng rãi những kiến thức khoa học của các học giả Silhak trong việc thiết kế và lập kế hoạch xây dựng công trình này. Dựa trên kiến thức nghiên cứu những pháo đài cổ của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật bản, ông đã đưa ra một bản quy hoạch kỳ diệu cho một pháo đài quân sự, khai thác đối đa lợi thế về địa hình trong khu vực, bổ sung điểm còn thiếu sót của những công trình đã được xây dựng trước đó. Suwon và khu vực lân cận là khu vực giàu có về sản vật, nguồn lao động đồi dào, đồng thời có vị trí dễ dàng tiếp cận với Seoul và cả Trung Quốc qua biển Đông, đã trở thành một vị trí có lợi ích chiến lược từ thời Ba Vương quốc. Jeongjo dự kiến xây dựng Suwon trở thành một thành phố thịnh vượng thông qua tăng cường các hoạt động thương mại cũng như sản xuất. Ngoài ra, theo phỏng đoán của các nhà sử học, vị vua này muốn di chuyển thủ phủ tới gần khu vực khu mộ của người cha mà ông hết mực kính yêu và thực hiện các cuộc cải tổ chính trị đối với những cận thần mang tư tưởng bè phái trên đất nước của ông.



Vua Jeongjo đã dùng 100 nghìn lượng vàng trong ngân khố quốc gia (1 lượng tương đương 37,5 gram) để di rời dân sống quanh khu vực núi Hwasan xuống khu vực nội thị hiện nay tại thành phố Suwon. Cư dân ở đây được miễn tất cả các loại thuế trong vòng 10 năm sau đó, cơ sở hạ tầng nông thôn trong đó có cơ sở hành chính, công nghiệp và giáo dục đều được xây mới. Ba năm sau đó, ông đã ra lệnh xây dựng Suwon thành một thành phố độc lập và chỉ định Chae Je-gong, một vị triều thần đáng tin cậy đang đảm nhiệm vai trò Thượng thư , vào vị trí quan tòa tại Suwon. Công trình xây dựng pháo đài Hwaseong bắt đầu từ tháng 2 năm 1794 theo sắc lệnh của cung đình. Về mặt chiến lược, pháo đài này khác xa một công trình xây dựng đơn thuần gồm các tường thành bao quanh các thành phố, thị trấn cùng những pháo đài độc lập tại các ngọn núi gần đó làm nơi tản cư cho cư dân trong thời kỳ chiến tranh. Toà thành này được trang bị một loạt các cơ sở quốc phòng như bộ chỉ huy, đài quan sát, lỗ châu mai, cổng bí mật và những bệ phóng tên được xây dựng dọc theo tường thành với những ụ hào có lỗ châu mai. Tòa thành có 4 cổng chính quay ra 4 hướng chính đóng vai trò là cổng của thị trấn. Chi phí xây dựng công trình này là 870,000 nyang (đơn vị tiền tệ thời Joseon), 1500 bao gạo và 700 nghìn ngày công lao động. Thợ thuyền được huy động trên khắp đất nước và được trả công từ ngân khố quốc gia. Đây được coi là một chính sách mới hoàn toàn, vì tất cả các dự án của chính phủ từ trước tới nay đều được thực hiện bằng lao động khổ sai. Nhà vua nhiều lần trực tiếp đến hiện trường để giám sát công việc khi pháo đài được hoàn thiện vào tháng 9 vào năm 1796. Ông đã thực sự ấn tượng song vẫn lo ngại rằng tòa thành này trông quá sang trọng. Nhà vua đã mời nhiều quan lại và kỹ thuật viên làm việc tại công trình xây dựng đến cung điện, khen ngợi và ban tặng nhiều món quà.

Các hạng mục chính

Pháo đài Hwaseong minh chứng cho ý thức cao của các nhà lãnh đạo Joseon về sự cần thiết phải có một lực lượng quân sự hữu hiệu sau cuộc xâm lược của Hideyoshi (1592-1598) đã tàn phá bán đảo. Trong cuốn hồi ký chiến tranh của ông, Jingbirok (Sám hối và cảnh báo), Quan Thượng thư thời chiến Yu Seong-yong, người dẫn đầu cả chính phủ và lực lượng quân sự của Joseon trong suốt 7 năm xung đột, lấy làm ân hận vì hàng phòng thủ phía trước đã bị sụp đổ quá nhanh, gây ra sự mất mát lớn về cả người và tải sản, do lực lượng quân sự được trang bị quá sơ sài. Ông cũng chỉ ra rằng tường thành và pháo đài cần phải thiết kế những lỗ châu mai cùng với các trang thiết bị khác để có thể tiêu diệt một cách có hiệu quả các đội quân xâm lược.

Nằm trên diện tích 130 héc ta, pháo đài Hwaseong vốn có tới 48 hạng mục chạy dọc theo khu vực ngoại vi, gồm có 4 cửa chính, 5 cửa bí mật, 2 cửa xả lũ, 3 đài quan sát, 2 trạm chỉ huy, 2 đài phóng tên, 5 lỗ châu mai, 4 tháp góc, một tháp đèn hiệu, 4 tháp canh, 9 pháo dài và 2 kho. 7 trong số các hạng mục này đã bị phá huỷ trong bão lũ và chiến tranh, nên không còn tồn tạị cho đến ngày nay. Trong số đó có 1 cửa xả lũ, một đài quan sát, hai cửa bí mật, 2 trạm gác và 2 kho. Các cửa chính nằm ở 4 hướng: Janganmun nằm ở phía Bắc, Paldalmun ở phía Nam, Changnyongmun ở phía Đông và Hwaseomun ở phía Tây. Hai cửa lớn hơn, Janganmun và Paldalmun, hai cửa chính của Seoul, Namdaemun (cửa nam) và Dongdaemun(cửa Đông), có hình mái nhà và những chi tiết trang trí làm bằng đá và gỗ mang phong cách tinh tế nhất mọi thời đại. Hai cửa chính có thiết kế và kích thước tương tự song Janganmun ngày nay được đánh giá cao hơn vì đây là cửa thành còn nguyên vẹn trong khi Paldalmun bị lửa thiêu trụi vào năm 1950 - thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, sau đó được xây dựng lại vào năm 1975.

Báo cáo về công trình xây dựng

Công trình xây dựng pháo đài Hwaseong hé mở những thành quả to lớn chưa từng có trong lịch sử: In ấn báo cáo về toàn bộ công trình xây dựng. Ấn phẩm gồm 10 chương này được in bằng những tấm kim loại. "Hwaseong Seong-yeokuigwe" (Ghi chép về công trình xây dựng pháo đài Hwaseong) được xuất bản vào năm 1800, ngay sau khi vua Jeongjo qua đời. Cuốn sách này là nguồn thông tin mang tính quyết định để phục chế lại tòa thành này, sau khi toà thành đã bị phá huỷ nghiêm trọng trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên. Công trình tái tạo lại pháo đài này được thực hiện vào những năm 1970 theo yêu cầu của Tổng thống Park Jeong-hui.

Tập 1 giới thiệu về lịch trình xây dựng tòa thành, danh sách những người hỗ trợ cùng với tên và cấp bậc, quy hoạch kiến trúc và các bản vẽ chi tiết. Nội dung chính, nằm trong chương 6, bao gồm những tài liệu chính xác có liên quan, các bản hướng dẫn của hoàng gia, trình tự các cuộc họp cung đình, bảng tên nhân công và những quy định về lương, danh mục và số lượng nguyên liệu sử dụng trong từng hạng mục công trình riêng biệt, địa điểm và chi phí cụ thể. Ba chương phụ lục đề cập đến những ghi chú về từng hạng mục công trình xây dựng riêng biệt, trong đó có nội dung miêu tả chi tiết mỗi công trình, những bản ghi chép và tài liệu liên quan.

Theo hồ sơ này, nguồn nhân lực chủ yếu được chia thành những bộ phận phụ trách có vai trò hỗ trợ, thủ quỹ, thủ thư, người trông giữ kho tàng, kỹ sư, kỹ thuật viên và người lao động chân tay. Tổng số 1856 lao động có kỹ năng đã được tuyển chọn vào 22 công việc khác nhau, trong đó có 662 thợ phụ, 235 thợ mộc, 295 thợ mạ vàng, 150 thợ xây, 83 thợ kim loại, 46 thợ sơn vẽ, 48 thợ sơn mài, 36 thợ chạm khắc và 8 thợ tiện.

Trong tổng số nhân công kỹ thuật, có đến 1101 người Seoul và số còn lại là dân các tỉnh thành trên khắp đất nước. Trong báo cáo này, trên nguyên tắc, các nguyên liệu xây dựng được chính phủ thu mua song một số ít được mua từ những nhà cung cấp đơn lẻ khi nhu cầu tăng cao. Nguyên liệu cần thiết cho công trình xây dựng này gồm có 195.241 tấm gạch, 800 phiến đá sử dụng cho hệ thống sưởi ấm sàn nhà, 9.686 tấm gỗ, 14.212 thanh rui xà, 2.300 phiến gỗ thông, 695.000 viên gạch, 2.900 Geun (1 geun tương đương với 600 gram) sắt, 530.000 viên ngói và 86.000 bao vôi. Rất nhiều thiết bị tiên tiến, bao gồm cần cẩu, ròng rọc, đòn bẩy, xe trượt và xe kéo đã được sử dụng để vận chuyển nguyên liệu xây dựng, nhằm giảm thiểu đáng kể sức lao động và thời gian công trình. Chi phí cho công trình này tiêu tốn đến 320.000 lượng cho nguyên vật liệu xây dựng, 300.000 lượng cho nhân công, 220.000 lượng cho chi phí vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng và 90.000 lượng vào các chi phí khác. Hầu hết chi phí cho nguyên vật liệu xây dựng đều được chi vào việc khai thác và vận chuyển đá. Chi phí phụ khác gồm 12.000 lượng chi vào việc mua đất tại các khu vực cận kề và di rời nhà cửa tư nhân. 8000 lượng được dùng vào việc thưởng cho các công nhân và chữa bệnh cho họ.

Nguồn nhân lực và nguyên vật liệu được cung cấp không gặp phải quá nhiều khó khăn đã giúp cho dự án được hoàn tất trong thời gian ngắn. Dự án quy mô lớn này được hoàn thiện một cách suôn sẻ là nhờ sự ổn định về kinh tế, xã hội - một đặc trưng cho xã hội Joseon vào thời kỳ bấy giờ. Dự án này đã tạo việc làm và tăng cường hoạt động kinh tế xung quanh thành phố mới. Dự án này cũng đại diện cho sự đổi mới của hệ thống tuyển dụng. Tính đến thời điểm đó, lao động khổ sai luôn là lực lượng đi đầu trong các dự án xây dựng do chính phủ thực hiện. Song đến cuối thế kỷ 18, lao động cho các công trình xây dựng bắt đầu được trả lương. Pháo đài Hwaseong đóng vai trò là một điển hình cho tiến trình hiện đại hóa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét