Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Tản·mạn về ngôn·ngữ địa·phương Hà·Tĩnh

Tác·giả: Tống·Trần·Tùng

Phần 1:
Rất nhiều người Hà Tĩnh khi mới ra Bắc vào Nam, nhất là ra Hà Nội hay vào thành phố Hồ Chí Minh để học tập hoặc lập nghiệp, thường ngượng ngùng, lúng túng trong giao tiếp bởi cái “tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để” của họ làm cho người được đối thoại nhiều khi không hiểu. Ấy là những người đó khi nói, mới chỉ có giọng nói và ngữ điệu là “Hà Tĩnh”, còn từ dùng thì chủ yếu là từ phổ thông. Còn nếu họ nói “đặc sệt” “tiếng Hà Tĩnh”, tức là cả ngữ điệu và từ dùng đều là ngôn ngữ địa phương, thì chắc rằng người nghe sẽ ngớ ra cứ như nghe một thứ ngôn ngữ không phải là tiếng Việt vậy. Lúng túng là chuyện thường tình khi mà giao tiếp không suôn sẻ do ngôn ngữ bất đồng. Nhưng liệu có phải ngượng ngùng, xấu hổ đến nỗi cho rằng cái mô tê răng rứa là ngô nghê quê mùa?
Ngôn ngữ nào, kể cả những ngôn ngữ địa phương có ít nhiều dị biệt so với ngôn ngữ chính thống được sử dụng trong một quốc gia, cũng đều có cái văn hóa riêng của nó. Ngôn ngữ địa phương Hà Tĩnh nói riêng và tiếng miền trung của các tỉnh khu 4 cũ (Thanh Hoá , Nghệ An, Hà Tĩnh, Qủang Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) nói chung`cũng vậy. Đấy là chưa kể hiện đang có nhiều nghiên cứu khẳng định, phương ngữ Hà Tĩnh là gốc rễ của tiếng Việt, mới là ngôn ngữ thuần Việt cũng như Việt Thường mới là cái nôi của người Việt cổ, là nơi hình thành Nhà nước đầu tiên của Việt Nam, có kinh đô được xây dựng trên núi Ngàn Hống, tức là dãy Hồng Lĩnh, mà các di chỉ khảo cổ được tìm thấy, các di tích còn lưu giữ trên núi Ngàn Hống có thể chứng minh cho điều đó.

Có thể nói rằng, phương ngữ Hà Tĩnh về mặt cấu trúc, phân chia nhánh ngành, lang lớp, khái niệm bao quát và khái niệm chi tiết v.v. nhiều khi còn khoa học hơn cả ngôn ngữ phổ thông mà ta đang sử dụng. Xin lấy một ví dụ. Nếu nói “khoai” theo tiếng phổ thông thì người ngoài Bắc chỉ hiểu là khoai lang hoặc khoai tây mà thôi. Còn các loại củ ăn được thì kèm luôn tên gọi là “củ từ”, “củ mỡ”, “củ dong riềng”, “củ mài”, .... Còn tiếng Hà Tĩnh thì phân chia rõ ràng hơn. Cây gì có rễ phình to thì cái rễ đó được gọi là “cổ”. “Cổ” gì ăn được thì “cổ” đó được gọi là khoai. Rồi mới đến tên riêng và thành ra “cổ khoai từ”, “cổ khoai vạc” (củ mỡ), “cổ khoai đao” ( củ dong riềng), “cổ khoai mài” (củ mài).... “Thương chồng nấu cháo khoai mài...” (ca dao). Như vậy là “cổ” trở thành khái niệm chung, hay nói cách khác thành một loại quán từ ngang hàng với “con” “cái”... làm cho ngôn ngữ phong phú hơn, chính xác hơn, rõ nghĩa hơn. Cũng chính vì thế nên người Hà Tĩnh ít ai gọi “cổ lạc” (củ lạc) mà thường gọi là “trấy lạc” (trái lạc, quả lạc). Tương tự là từ “ló” (lúa) để rồi có ló kê, ló ré (lúa`tẻ), ló nếp, ló ngô (ngô).... hay “bù” để rồi phân biệt bù ta (bầu), bù rợ (bí đỏ)..... Chưa kể là qua cách gọi có tính chất phân loại lang lớp một cách khoa học này, ta còn có thể biết được ló ngô (ngô, bắp) không phải là loại ngũ cốc bản địa từ xưa mà sau này mới được di thực từ bên Ngô Tàu sang. Mà đúng là như vậy. Học giả Lê Quí Đôn trong tác phẩm “Vân Đài loại ngữ” cho biết: “Hồi đầu đời Khang Hi (1662 – 1723), Trần Thế Vinh, người huyện Tiên Phong, Sơn Tây, sang sứ nhà Thanh, mới lấy giống lúa ngô đem về nước”. Giá như nhà văn người Hà Tĩnh khá nổi tiếng nọ thấu hiểu hơn ngôn ngữ nơi chôn rau cắt rốn của mình thì sẽ không đến nỗi lại hạ bút tả cảnh phi ngựa giữa bãi ngô trong cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về Thăng Long ở thế kỷ XV để cho nhiều độc giả, nhiều nhà phê bình lên tiếng phê phán gay gắt. Còn nữa. Bù rợ (bí đỏ) cũng xuất hiện trên mảnh đất Cửu Đức, mảnh đất Hà Tĩnh sau bù ta (bầu), mà qua tên gọi phải là từ một nước láng giềng nào đó ở phía Tây hoặc Tây Nam nước ta. Nhưng người ngoài Bắc lại gọi bí đỏ là bí ngô, tức là loại bí này có thể được di thực từ bên Trung Hoa sang. Khả năng thứ nhất chắc sẽ thuyết phục hơn, nhưng khả năng nào là đúng thì chỉ có các nhà khoa học nghiên cứu về các loại thực vật mới khẳng định được. Tuy vậy, “bù rợ” và “bí ngô’ cũng có khác nhau chút ít. Bí ngô có hình thù hơi dài hoặc hình cầu, còn “bù rợ” có hình thù hơi dẹt , tại chỗ cuống và trôn quả thường lõm vào.

Đấy là chưa kể rât nhiều tên gọi các lọai nông cụ, công cụ, các đồ dùng thường ngày… của phương ngữ Hà Tĩnh phong phú hơn nhiều và ít vay mượn các từ Hán - Việt hơn so với ngôn ngữ phổ thông. Các dụng cụ đan bằng tre nứa để đựng đồ vật là một ví dụ. Để chỉ đồ tre nứa đan thưa dùng để đựng các loại rau, củ, quả thì tiếng phổ thông chỉ có vài danh từ là “giành”, “rổ”, trong khi phương ngữ Hà Tĩnh nói riêng và của đất Việt Thường nói chung có rất nhiều danh từ để chỉ chúng tùy thuộc vào hình dáng, kích cỡ, sức chưá, mắt đan thưa hay mau, kiểu đan nong mốt, nong đôi hay nong ba v.v. như “giành”, “ky”, “đúa”, “sảo”, “cạo” “rổ” v.v. Còn để chỉ các dụng cụ đan bằng tre nứa có mặt phẳng lớn hơn nhiều so với chiều cao của thành để chứa, đựng thì tiếng phổ thông chỉ có “nong, nia” chung chung, còn phương ngữ Hà Tĩnh lại phân ra cụ thể hơn như “vựa” (được đan ken dày, đường kính lớn trên dưới 1 mét, thành cao vài ba chục phân dùng để đặt ngay dưới cối xay lúa để nhận sản phẩm lúa đã xay nhưng chưa được sàng sảy hoặc dùng để chứa thóc lúa khi chưa được phơi khô, quạt sạch nên chưa được cất giữ vào bồ), “nôống” (gồm nôống nậy là cái nong lớn, nôống con có kích thước nhỏ hơn, nôống gấm dùng để sảy lúa, gạo, nôống sưa là cái nong được đan thưa dùng để phơi khoai, sắn cắt lát cho chóng khô), “ránh” cũng là nong đan thưa nhưng mắt lỗ bé hơn so với nôống sưa nhưng chỉ để dùng phơi cau đã bửa làm cau khô v.v. Từ cổ “vựa” chỉ một đồ đựng bằng tre đan nói trên về sau đã được sử dụng để chỉ những nơi chốn, những vùng và cả những khu vực rộng lớn với sản phẩm đặc trưng như “vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long”, “vựa trái cây miệt vườn Tiền Giang” v.v.

Xin được kể hơi cà kê một chút như vậy để thấy rằng cái mô tê răng rứa của tiếng địa phương Hà Tĩnh là một di sản văn hóa đậm đà bản sắc của ngôn ngữ Việt đáng được trân trọng, tìm hiểu và gìn giữ để không bị mai một trong quá trình “phổ thông hóa, toàn cầu hóa” làm ảnh hưởng đến sự phong phú đa dạng của văn hóa Việt.

Cái sự học trong các bậc phổ thông ngày càng phổ cập với mọi tầng lớp, thành quả của sự nghiệp giáo dục kể từ ngày đất nước độc lập, cũng như sự phổ cập của các phương tiện thông tin đại chúng đã không những giúp cho chỉ đối với những người Hà Tĩnh từng cắp sách đến trường, mà còn giúp cho mọi người dân Hà Tĩnh dù sống ở những vùng miền heo hút nhất đều sử dụng thành thục được tiếng Việt hiện đại trong mọi lĩnh vực. Tuy vậy, cũng chính vì thế mà ngày càng có nhiều người Hà Tĩnh biết rất ít vốn từ của ngôn ngữ địa phương mình, và do đó, nguy cơ mai một của phương ngữ Hà Tĩnh ngày càng rõ. Có những ngôn từ có thể nói là rất “đắt”, “độc nhất vô nhị” nhưng lại đang dần bị biến mất trong đời sống của chính người dân Hà Tĩnh. Ví dụ như động từ “trủ” chỉ công việc thu hái hàng loạt và bằng hết cùng một lúc các loại quả của những cây ăn quả (trủ vải, trủ nhãn, trủ cam...) hay danh từ “lặc lè” chỉ phần mặt sau của đầu gối (có thành ngữ “trục cúi đi mô lặc lè theo đó”, trục cúi chính là đầu gối) hay danh từ riêng “tấy” để chỉ con rái cá, còn gọi là hải ly, với câu thành ngữ “nghịch nhi tấy, khun nhi tấy” (nghịch như rái cá, khôn như rái cá) v.v và v.v

Do vậy, đã đến lúc cần tổ chức sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn một bộ Từ điển phương ngữ Hà Tĩnh nhằm gìn giữ và bảo tồn di sản này. Cùng với các di chỉ khảo cổ, các văn bia, các bằng sắc, các ấn phẩm v. v. thì ngôn ngữ địa phương, nhất là các ngôn ngữ cổ cũng là những chứng tích, những căn cứ khoa học vô cùng quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử nói riêng và các bộ môn khoa học xã hội nói chung.

(nguồn http://forum.hatinhonline.com/topic/49397-tan-man-ve-ngon-ngu-dia-phuong-ha-tinh/)

Phần 2:
Không chỉ vốn từ vựng có thể nói là vừa độc đáo, vừa phong phú, vừa thuần Việt, hội tụ nhiều yếu tố lịch sử, khoa học, bản địa, hầu như không bị lai tạp …như đã được đề cập trong bài viết “Tản mạn về ngôn ngữ địa phương Hà Tĩnh” (xin xem tạp chí “Văn hóa Hà tĩnh” số 158, tháng 9 năm 2011) mà trong phương ngữ Hà Tĩnh nói riêng và vùng khu Bốn cũ nói chung, cách phát âm và yếu tố tượng thanh, tượng hình cũng rất độc đáo.

Trao đổi với nhà nghiên cứu Bùi Thiết xung quanh vấn đề này thì ông cho rằng ngôn ngữ của Hà Tĩnh nói riêng và của vùng khu Bốn cũ nói chung là một hệ thống ngôn ngữ hoàn chỉnh, khoa học, chứ không thể xem đó chỉ là ngôn ngữ địa phương. Tuy vậy, theo nhận thức còn hạn chế của người viết, sau đây, xin vẫn được sử dụng các thuật ngữ “ngôn ngữ địa phương” hay “phương ngữ”. 

Trước hết, xin bàn về cách phát âm của phương ngữ Hà Tĩnh trong mối liên quan đến cách viết của tiếng Việt phổ thông với việc sử dụng các dấu thanh. Ví dụ như từ “ló ngô”đã được nhắc đến trong bài viết trước. Ở Hương Sơn nói riêng và hầu như ở Nghệ Tĩnh nói chung, ngô, bắp được gọi và phát âm là “lồ ngô” hay “lò ngô” để chỉ từ gốc là “ló ngô” (còn một từ nữa là “xà lì” để chỉ ngô, bắp, nhưng là từ mượn của một ngôn ngữ khác). Xin được tạm tạm viết là “lồ ngô” mặc dầu với cách viết này, chữ“lồ” cũng chưa lột tả được cách phát âm của người Hương Sơn đối với từ nàyThường thì người Hà Tĩnh khi nói nhanh, có nhiều từ, nhất là từ kép hay từ láy, không được phát âm rõ ràng ra, mà nó nằm trong cuống họng, hoặc nếu phát âm ra thì hay sử dụng thanh bằng và từ đứng trước được nói lướt qua khá nhanh. “Ló lòn” (lúa tẻ) cũng là một ví dụ. Thực ra khi phát âm từ này, người Hà Tĩnh nói thành “lò lòn”. Quả là khó mà phiên âm chính xác được những phương ngữ loại này bằng cách dùng các chữ cái và 6 dấu thanh của tiếng Việt theo quy tắc viết hiện nay, kể cả những từ như thường vẫn được viết hiện nay để biểu đạt chúng như khôông, eng, hoọc, eéc v.v. Đấy là chưa kể đến việc âm sắc biến đổi theo từng vùng miền có khi đến mức, nhiều từ ngay cả những người trong cùng một làng xã cũng rất khó nghe. Chẳng thế mà ở các làng thuộc tổng An Ấp trước đây, nay là các xã Sơn NinhSơn ThịnhSơn Hòa, Sơn An, Sơn Lễ và Sơn Tiến thuộc vùng hạ Hương Sơn nằm bên tả ngạn sông Phố ai cũng biết câu ca dao: “Kè Đọng nòi giọng khò nghe, Kè E nòi choẹt bè le dìa đèn” (Kẻ biến thành Kè, nói biến thành nòi, khó biến thành khò, dĩa đèn thành dìa đèn. Dĩa đèn là cái đĩa đựng dầu trẩu, dầu bùi hay dầu lạc của cái đèn cổ thắp bằng ruột bấc ngâm trong đó. Câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” chính là nói đến đáy của cái đĩa đèn này). Có nhiều dấu thanh thực ra không tồn tại hoặc tồn tại theo kiểu khác trong phương ngữ Hà Tĩnh, chứ không phải là họ không phát âm được dấu thanh đó. Một số địa phương ở Nghi Xuân, xa hơn như ở Nghi Lộc, Nghệ An, và tận ngoài Ba Vì, Hà Nội và cả trong tiếng nói của dân tộc Mường, cách phát âm các từ cũng tồn tại những nét rất đặc trưng kiểu này.

Yếu tố tượng thanh, tượng hình thường được phát triển và nhân rộng bắt đầu từ một từ ngữ đơn âm. Xin được bắt đầu bằng một âm vần nhưng cũng là một từ có nghĩa, đó là “óc”. Trong phương ngữ Hà Tĩnh, “óc” không chỉ có nghĩa là “khối mềm màu trắng đục chứa trong hộp sọ” như Từ điển tiếng Việt đã dẫn giải mà còn để chỉ một số các loại quả,hạt. Quả ớt được gọi là “trấy óc cay”. Hạt mít lại là “óc mít”. Phần hạt của quả trám là “óc mui”. Hạt bưởi thành “óc bưởi”, hạt bí thành “óc bù”… Phải chăng“óc” là một từ cổ để chỉ hạt. Thế nhưng với một số loại hạt như đậu, lạc, ngô, vừng, kê, lúa… thì từ “óc” hầu như không được dùng. Cũng có thể chúng đã được đổi sang gọi là hạt hay hột trong quá trình giao lưu với các vùng miền khác. Cũng có thể và dường như từ “óc” chỉ dùng để chỉ các loại hạt có kích cỡ nhất định, vì các hạt quá bé hoặc quá lớn thì chẳng bao giờ được gọi là“óc” cả. To như hạt quả xoài, hạt quả quéo thì cũng chẳng ai gọi là “óc xoài” “óc quéo”. “Óc bưởi” nhưng lại là “hột cam”, “hột chanh” (những con cá rô lúc còn bé được gọi là “cá rô óc bưởi” hay nhiều nơi còn gọi chúng là “ô rô óc bưởi”). Với từ “óc” này, một từ láy khác hình thành là “óc nóc” hàm chứa cả tính chất, cả hình tượng, cả âm thanh. Khi nghe bố mẹ nói với một đứa con trai “Mi đúng là kì đồ óc nóc” thì có thể hình dung được đứa con trai này đang là một đứa trẻ con nhưng lại hiếu thắng, hoặc có chút hung hăng, tỏ ra hùng hổ và hay to mồm nhưng lại láu táu,vô tích sự. Phải chăng do con chó còn nhỏ được gọi là “chó nóc” nên mới xuất hiện sau đó từ “óc nóc”? Có thể các từ “thằng nhóc”, “nhóc con” … được hình thành sau này có liên quan với từ “óc nóc” này chăng?. Khi ghép một phụ âm với vần “óc” với ý nghĩa để chỉ các hạt cỡ nho nhỏ như đã dẫn giải ở trên, phương ngữ Hà Tĩnh cho ta những từ vừa tượng thanh, vừa tượng hình rất bản địa để chỉ những cá thể còn “choai choai” hay những sự vật cũng bé nhỏ tương tự. Những từ ngữ này nếu tra cứu “Từ điển tiếng Việt” thì sẽ không thể nào tìm thấy. Đó là các từ ghép như “chó nóc”, “tràu cóc”, “ôống bóc”, “ná bóc”, “trộ mưa cóc”, “ngóc dam”, “ngóc tắn”, “láu nóc” v.v. “Chó nóc” là con chó con nhưng đã chạy nhảy chơi đùa được. “Tràu cóc” là con cá quả (cá chuối, cá lóc) to cỡ bằng ngón tay cái hoặc nhiều nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái. “Ôống bóc” là một loại súng đồ chơi làm bằng tre của trẻ con. Nòng súng là một đoạn ống tre nhỏ không có mắt tre, dài khoảng một đến hai gang tay, đường kính bên trong chỉ khoảng vài ba mi li mét. “Đạn” được nhét vào cả hai đầu ống tre là viên giấy được vo tròn hoặc là các loại quả non như quả cây đình đẹ, ô rô hoặc quả bưởi non chỉ bằng hạt đậu. Qui lát là một thanh tre được vót giống như chiếc que đan len có đường kính nhỏ hơn đường kính bên trong của nòng súng, một đầu được đóng chặt vào tay cầm cũng là một đoạn ống tre có cùng đường kính nòng súng nhưng chỉ dài bằng ngón tay trỏ. Qui lát được đẩy vào một đầu nòng súng để ấn viên “đạn” chạy trong nòng súng. Khi “bắn”, qui lát được ấn thật mạnh, không khí không có lối thoát bên trong nòng súng sẽ làm áp suất tăng đột ngột khiến cho viên đạn ở đâù còn lại bị bắn ra xa. “Ná bóc”, tiếng phổ thông gọi là nứa tép. “Trộ mưa cóc” là một trận mưa lúc mới bắt đầu có vẻ rất dữ dội nhưng chỉ được một lúc đã tạnh hẳn, tương tự như mưa rào, lượng nước trút xuống không đáng kể. Còn “ngóc dam”, “ngóc tắn” là hang cua đồng, hang rắn. Danh từ “ngóc” trong tiếng Việt phổ thông khi đứng một mình thì không có nghĩa rõ ràng mà phải đi cùng từ khác như ngách thành “ngóc ngách”. Trong khi đó, danh từ “ngóc” trong phương ngữ Hà Tĩnh gần như đồng nghĩa với từ “ngách” trong tiếng Việt phổ thông, được dùng để chỉ các hang hốc nhỏ, luồn sâu trong đất, chỉ vừa đủ để các con vật như “dam” (cua đồng), “tắn” (rắn) chui vào ẩn nấp. Từ các danh từ chỉ sự vật, hiện tượng sử dụng âm vần “óc” nêu trên, tính từ “láu nóc” hình thành mang đậm nét phương ngữ Hà Tĩnh. Từ này có thể nói là đặc sệt Hà Tĩnh và khó mà tìm được một từ đồng nghĩa trong tiếng Việt phổ thông. Láu táu? Láu cá? Láu lỉnh? Láu tôm láu cá? Các từ này đều có vẻ giống nhưng không hề đồng nghĩa với “láu nóc”. “Láu nóc” là thái độ và hành động gây sự mang tính chất láo xược, ngỗ ngược nhưng lại là của trẻ con mà đối tượng bị gây sự không thèm chấp vì kẻ gây sự không có thực lực, khó mà mang lại ảnh hưởng hay hậu quả gì.

Ví dụ tiếp theo là âm vần và là động từ “eéc” (tạm phiên âm như vậy nhưng thực tế âm phát ra của người nói đối với từ này không hoàn toàn đúng như cách phiên âm này). Động từ này là để biểu đạt tiếng kêu của con lợn và cùng nghĩa với từ “eng éc” của tiếng Việt phổ thông. Âm vần “eec” khi ghép với các phụ âm có thể tương ứng không những âm vần “ach” mà cả âm vần “anh” trong tiếng Việt phổ thông. 

“Meéc” nghĩa là mách, “nhà có kheéc” nghĩa là nhà có khách, “geẹc ngang” nghĩa là gạch ngang, “nói seéc” nghĩa là nói thách… Cùng với rui, mèn, đòn tay, kẻ… “ngeẹc” là một bộ phận của kết cấu nhà tre, gỗ. “Ngeẹc” là thanh xà ngang bằng gỗ hay tre, cau… được nối mộng liên kết với chân cột để làm chỗ tựa cho các “bức thưng” (vách ngăn) bằng ván gỗ hay bằng phên nứa. Khoảng trống giữa “ngeẹc” với mặt nền thường được chèn bằng gạch, nhưng nhiều khi được để trống tạo hiệu quả thông gió rất tốt cho bên trong ngôi nhà. Với nhà làm mới,“ngeẹc” thường được lắp vào mộng ngay sau khi dựng cột, kèo thành khung nhà. Với nhà đang sử dụng, khi cần phải làm thêm các “bức thưng”, “ngeẹc” được lắp trước một đầu vào cột, đầu còn lại được lắp nhờ một loại mộng đặc biệt sau khi dùng vồ gỗ “đập” cột để nới rộng khoảng cách hai cột thêm khoảng dăm phân. Có thể từ “ngạch” trong tiếng Việt phổ thông có nguồn gốc là từ “ngeẹc” này. Muốn đi vào nhà, từ sân phải bước lên bậc thềm, sau đó bước qua “ngeẹc” cửa, còn gọi là “bậu cửa”. “Ngạch bậc” trong hệ thống thăng tiến của công chức, viên chức, công nhân… chắc chắn có nguồn gốc là các từ ngạch, bậc của một ngôi nhà. Từ điển tiếng Việt giải thích “ngạch” là khoảng trống dưới khung cửa theo tôi là chưa bao quát nên không chính xác. 

Còn trường hợp “eéc” tương ứng với âm vần “anh” trong tiếng Việt phổ thông thì ít gặp hơn, ví dụ như từ “beéc” lại có nghĩa là banh: “beéc meẹng beéc mồm” nghĩa là banh miệng banh mồm. Đặc biệt, với âm vần “eec” này, đôi khi ghép với một phụ âm sẽ cho những từ chỉ có trong phương ngữ Hà Tĩnh. Ví dụ như từ “treéc”. “Treéc” là một dụng cụ để kho cá, kho thịt làm bằng đất nung có hình dáng giống như cái mũ nồi bằng dạ (mũ bê rê) mà trong tiếng Việt phổ thông cũng không có từ tương ứng…

Còn có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ tương tự. Tuy vậy, trong tiến trình lịch sử, sự giao lưu với các vùng miền, sự giao thoa của ngôn ngữ cũng như trào lưu phổ thông hóa thông qua giáo dục học đường đã làm cho khá nhiều từ cổ của phương ngữ Hà Tĩnh dần biến mất hoặc được thay thể. Các âm vần nêu trên cũng được dần thay thế bằng các âm vần của tiếng Việt phổ thông. Các loại hạt không phải bản địa và xuất hiện sau này như hướng dương, cà phê, dẻ cười…. đều không được sử dụng từ “óc” để chỉ chúng. Trong rất nhiều từ của ngôn ngữ Hà Tĩnh, vần “eec” không được sử dụng đối với các khái niệm cận đại hoặc đương đại mà chỉ dùng vần “ach”. Ví dụ như “phụ trách”, “viên gạch”, “quyển sách”. Tương tự, âm vần “eeng” được thay bằng âm vần “anh” như trong quả chanh, đài phát thanh, bức tranh …. mặc dầu vẫn tồn tại các từ cổ như “keeng” (canh), “treeng chắc” (tranh giành nhau)... Nguy cơ biến mất của các từ cổ trong phương ngữ Hà Tĩnh là nhãn tiền.

Do vậy, việc sưu tầm và lưu giữ để vốn từ cổ này không biến mất trong quá trình phát triển ngày càng trở nên cấp bách. Các nhà khoa học trên thế giới đã khuyến cáo là khoảng 50% ngôn ngữ của loài người sẽ biến mất vào cuối thế kỷ XXI khi những nét văn hóa đặc thù xã hội nhỏ hơn bị đồng hoá vào văn hoá quốc gia cũng như văn hóa toàn cầu. Mất đi sự đa dạng về ngôn ngữ sẽ là một đòn giáng mạnh vào những nghiên cứu văn hoá và khoa học nhận thức. Hay nói cách khác, một ngôn ngữ mất đi sẽ kéo cả một thế giới cùng biến mất theo nó như một nhà khoa học Mỹ ở trường Đại học Yale đã từng cảnh báo.


1 nhận xét:

  1. Bạn khá vững về tài liệu và nhận định
    nên đọc Từ điển tiếng Nghệ @ Bùi hữu Thung và Thái kim Đỉnh
    và Từ điển nguồn gốc tiếng việt @ Bs Nguyễn hy Vọng

    Trả lờiXóa