Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Tản·mạn về ngôn·ngữ địa·phương Hà·Tĩnh

Tác·giả: Tống·Trần·Tùng

Phần 1:
Rất nhiều người Hà Tĩnh khi mới ra Bắc vào Nam, nhất là ra Hà Nội hay vào thành phố Hồ Chí Minh để học tập hoặc lập nghiệp, thường ngượng ngùng, lúng túng trong giao tiếp bởi cái “tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để” của họ làm cho người được đối thoại nhiều khi không hiểu. Ấy là những người đó khi nói, mới chỉ có giọng nói và ngữ điệu là “Hà Tĩnh”, còn từ dùng thì chủ yếu là từ phổ thông. Còn nếu họ nói “đặc sệt” “tiếng Hà Tĩnh”, tức là cả ngữ điệu và từ dùng đều là ngôn ngữ địa phương, thì chắc rằng người nghe sẽ ngớ ra cứ như nghe một thứ ngôn ngữ không phải là tiếng Việt vậy. Lúng túng là chuyện thường tình khi mà giao tiếp không suôn sẻ do ngôn ngữ bất đồng. Nhưng liệu có phải ngượng ngùng, xấu hổ đến nỗi cho rằng cái mô tê răng rứa là ngô nghê quê mùa?