Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Y-éc-xanh là ai?

Tác-giả: Thùy-Ngân

Báo Thanh niên, 02/05/2012 3:08 GMT+7


Viết đúng, phát âm chính xác tên của một người là thể hiện sự tôn trọng, phép lịch sự trong giao tiếp. Đối với tên riêng nước ngoài, điều này thật sự càng có ý nghĩa. Có nhiều câu chuyện cho thấy tầm quan trọng của việc gọi đúng tên, đúng người.

Theo Dale Carnegie, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm (How to win friends & influence people), một trong 30 nguyên tắc dẫn đến thành công là “Luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ”. Ông đã dẫn chứng trong lịch sử thế giới, nhiều người thành công vì biết rằng “mỗi cái tên dù đơn giản đến đâu, cũng chính là điều quan trọng và niềm vui của người ấy”.

Để khuyến khích sinh viên viết đúng tên riêng nước ngoài, cố Giáo sư Cao Xuân Hạo hay kể câu chuyện một chuyên gia ngôn ngữ học người nước ngoài thường yêu cầu mọi người hãy viết chính xác tên của ông. Ông có thể bỏ qua nếu tên bị đọc sai đôi chút nhưng không thể chấp nhận viết sai.


Nguyên tắc đơn giản nhưng quan trọng này dường như bị xem thường trong cách giáo dục của chúng ta. Lâu nay, từ sách giáo khoa (SGK) đến một số văn bản khác vẫn dùng lối phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt theo kiểu chữ viết một đằng, phiên âm một nẻo. Điều này dẫn đến hậu quả là chúng ta chẳng những đọc sai mà còn khó viết đúng tên riêng, địa danh tiếng nước ngoài.

Trong SGK hiện hành có vô số những trường hợp phiên âm và từ nguyên bản khó khớp nhau, thậm chí phần phiên âm sai so với nguyên bản. Có những trường hợp, nhiều khi để nguyên bản còn dễ đọc hơn cả phiên âm.

Trong sách tiếng Việt lớp 3, tập 2 hiện hành có những từ phiên âm khiến chúng ta vừa buồn cười vừa lo ngại cho con cái. Vì nếu quen đọc theo kiểu này, về sau nếu tiếp xúc từ nguyên bản làm thế nào học sinh có thể đọc đúng? Chẳng hạn tên bác sĩ Yersin được phiên âm thành Y-éc-xanh, tay đua xe đạp nổi tiếng thế giới Armstrong đọc là Am-xtơ-rông… Tên nhà bác học Edison chắc hẳn không khó để những người làm SGK phiên âm thành Ê-đi-xơn? Những người tên tuổi đã vậy, với những cái tên bình thường như Cô-rét-ti, Xtác-đi, Nen-li… người đọc đành “bó tay” nếu muốn biết từ nước ngoài. Buồn cười nhất là trong thời đại này mà vẫn phiên âm in-tơ-net cho từ internet! Chắc hẳn không ít người đã từng bối rối khi muốn biết từ tiếng Anh của các thành phố trong SGK môn địa lý như thành phố Lốt An-giơ-let, Côn-ca-ta, Xơ-un, Tê-hê-ran, Niu Đê-li, Gia-các-ta…

Cách phiên âm này có thể phù hợp trong một giai đoạn, khi nước ta chưa có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, trình độ dân trí còn thấp, mức độ hội nhập chưa cao… Ngày nay, tình hình đã khác. Theo chương trình giáo dục hiện hành, trẻ lớp 3 đã bắt đầu học ngoại ngữ. Chưa kể ở các thành phố lớn, trẻ đã tiếp xúc với ngoại ngữ (tiếng Anh) từ mẫu giáo, lớp 1 nên rất khập khiễng khi chúng ta vẫn dùng lối phiên âm theo kiểu mấy chục năm trước. Cuộc sống đã có quá nhiều thay đổi nhưng nhiều điều trong nền giáo dục của ta rất cũ, đứng im từ bao nhiêu năm qua. Khi đối tượng học sinh ngày nay đã tiếp xúc ngoại ngữ từ rất sớm, tiếp cận internet từng phút mà chúng ta vẫn dùng cách phiên âm từ nước ngoài theo kiểu đã tồn tại hàng mấy thập niên thì sẽ không tránh khỏi những bất cập. Chính vì thế dù SGK dạy vậy nhưng khi phải vận dụng trong thực tế, những người hiểu biết đều không theo cách phiên âm đã được dạy. Và nhiều văn bản chính thống khác vẫn không chuộng cách phiên âm của sách SGK.

Cần phải thay đổi. Theo cách nào đó thì những người quản lý giáo dục và nhà ngôn ngữ học nước nhà phải tính, nhưng chắc chắn người học ngày nay không thể chấp nhận những điều đã quá lạc hậu so với cuộc sống.

*************************************************************************

BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (52)

Sắp xếp theo thứ tự thời gian comment từ gần đây nhất đến phản hồi đầu tiên (đọc từ dưới lên)

William
Phiên âm nghĩa ĐỌC NHƯ THẾ NÀO. Nên giữ nguyên từ gốc (chữ viết) rồi chú thích phiên âm. Ví dụ: "TTXVN đưa tin, ngày 4.6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Edward Panetta." (*) (*) Leon Edward Panetta đọc là Lê-on Ét-quợt Pa-nét-ta. Cách này một mặt giúp cho người đọc có thể giao tiếp (miệng) với đối tượng cần chia sẻ, một mặt giúp ai quan tâm nhân vật sẽ dùng từ gốc, ở đây là Leon Edward Panetta, để tra cứu và nghiên cứu. Không nên đánh đồng phiên âm và chữ viết.
Huy Nhân
Tôi nhất trí với ý kiến của bạn Kiến Nghiệp, Lê Hải và bạn Như Ngọc. Mỗi nước đều có cách viết riêng của mình danh từ riêng tiếng nước ngoài , tại sao Tiếng Việt lại không ? Sao lại đi vay mượn lung tung? Khả năng phiên âm tiếng nước ngoài của Tiếng Việt không đến nỗi nào, làm sao mà giống y nguyên gốc được miễn là mọi người hiểu là được. Tôi không hiểu sao người Việt Nam lại có người không biết Y-éc-xanh là ai? thật buồn cười ! Còn nếu bạn nào khó chịu khi nghe phiên âm Tiếng Việt thì thử hỏi người Nga khi nghe người Anh hay người Trung Quốc phát âm tên thủ đô Mátx-cơ-va theo cách viết của họ thì sao ? có giống y như là nguyên gốc không? Và có người Anh hay người Trung Quốc than phiền rằng chữ ta phiên âm không sát nguyên mẫu không?
Nguyễn Huy Nhân
Phiên âm tên riêng nước ngoài trong Tiếng Việt không phải là đánh giá thấp trình độ ngoại ngữ của người đọc. Tôi có thầy dạy ngoại ngữ là người Anh, khi dịch ra Tiếng Việt tên riêng của nhà văn Đich-Ken thì vẫn viết theo kiểu phiên âm Tiếng Việt có nghĩa là vẫn : "Đich-Ken ", như thế có phải thầy ấy đánh giá thấp trình độ ngoại ngữ của ai đâu? mà họ tôn trọng cách viết của Tiếng Việt. Ở đây không ai đánh giá thấp trình độ ngoại ngữ của ai nhưng vẫn có ai đó đánh giá thấp khả năng của phiên âm Tiếng Việt.
Nam
Nếu bạn có xem tường thuật bóng đá trên VTV3, VTC, K+... các đài phía Bắc...cái cách mà họ bình luận và gọi tên các cầu thủ thấy tức muốn chết...
Mai Minh Man
Rất đồng ý với bạn Thùy Ngân. Đã đến lúc các nhà giáo dục - các nhà ngôn ngữ học phải xem lại vấn đề này và việc 7 chữ cái vô thừa nhận cùng 4 chữ cái dùng lậu mà một số báo đã nêu. Cảm ơn tác giả đã gợi nhớ cho mình những kỷ niệm ngày còn đi học với những tên các nhà toán học - vật lý học hết sức ngộ nghĩnh như: Vôn, Cu-lông, Ác-si-mét, Pi-ta-go, Đề-các, Ta-lét, Anh-xtanh, Niu-tơn, Bôi-Ma-ri-ốt,..
Chu Quang Khuê
Nhắc đến chuyện phiên âm tên nước ngoài ra Tiếng Việt, tôi vẫn còn nhớ như in cách đây 17 năm, khi đó tôi học lớp 7. Cô giáo địa lý của tôi đọc Alaska là A-na-xít-ca, Còn Australia là Ô-xít-tờ-rây-ni-a. Có lẽ cách đọc buồn cười này tôi sẽ chẳng bao giờ quên.
Nguyễn thế hùng
@Hoa Nở, Luis de Broglie phiên âm theo tôi là "LU-I ĐỜ-BROI" không đọc từ LIE như tên của tuớng Pháp ở ĐBP De Castries các báo vẫn phiên âm sai là "ĐỜ -CÁT-TRI". Chắc anh, chị biết nhưng hỏi chơi.
Nguyễn thế hùng
@phạm nguyên Cách phát âm hay phiên âm Y-éc-xanh thay vì Xe đặc thù là do nguời Bắc phát âm.Hối nhỏ tôi học tiếng Pháp với ông thầy nguời Bắc phát âm cụm từ "Demain matin" là "Đờ Manh Ma tanh"(ngày mai), chúng tôi không thắc mắc nhưng khi viết trên bảng đen thì thầy viết không sai.Cho nên khi đọc báo khi gặp phiên âm kiểu nầy , tôi phải đọc lớn lên để "giải mã "rất mất thì giờ
Hoa Nở
Này các bạn ơi! Có ai biết cách phiên âm nhà vật lý nổi tiếng Louis de Broglie thì chỉ cho tớ với! Cảm ơn nhiều!
nguyen tho
Nên mở một cuộc hội thảo,còn chủ trì là ai thì có lẽ phải do VIỆN NGÔN NGỮ HỌC đề xuất (.Nghe cứ khó như là việc định giá đất vậy !) Đất nước thống nhất 37 năm rồi mà chẳng ai quan tâm .Giống như lũ trẻ bây giờ, mà cô giáo cấp 1 ở một trường điểm nọ ,vẫn dạy các cháu là S là sờ nặng còn X là sờ nhẹ !

Một lần tôi ra Hà nội và bật cười khi thấy tên đường là Y éc xanh... Tôi nghĩ nên ghi tên đúng Yersin, tuy nhiên nên giải thích bên dưới Yersin: phát âm theo tiếng Việt là Y-éc-xanh
Hạ
Tác giả Thùy Ngân viết cũng còn phiến diện. Đâu phải học sinh tiểu học nào cũng học tiếng Anh, tiếng Pháp từ nhỏ. Hơn nữa như nikname Thái trao đổi cứ viết tên nguyên bản nếu gặp tên tiếng Trung, Nhật, Triều Tiên ... thì người giỏi tiếng Anh cũng bó tay luôn. Vì vậy để vẹn toàn như bạn Thái góp ý "Những danh từ riêng, tên riêng của nước ngoài khi viết trên sách báo tiếng Việt thì phải phiên âm và viết có nguyên tắc" sau đó sẽ mở ngoặc viết nguyên bản theo tiếng của nơi phát sinh danh từ riêng đó.
Nguyễn Xuân
Các bạn có biết ông Lu-ix Pa-xơ-tơ là ai không ? Tôi đã từng đọc và không biết ông này là ai, cho đến khi đọc vào nội dung bài viết thì mới hiểu là họ đang nói đến nhà bác học vĩ đại mà ai cũng biết: Louis Pasteur.
Thái
Những danh từ riêng, tên riêng của nước ngoài khi viết trên sách báo tiếng Việt thì phải phiên âm và viết có nguyên tắc. Nếu viết đầy đủ tên "nguyên mẫu" thì khi gặp những tên riêng của các quốc gia dùng chữ tượng hình như TQ, Nhật, khối arap thì viết kiểu gì. Hơn nữa sẽ rất buồn cười khi 1 người nước ngoài biết tiếng Việt lại không thể đọc được sách báo tiếng Việt, đơn giản vì họ không biết tiếng Anh, tiếng Pháp....
phạm nguyên
Tên là một danh từ riêng nhất thiết phải viết chính xác, thí dụ Bác sĩ Yersin thì không thể là Y-ec-xanh được ! Nếu không đọc được thì cứ mở ngoặc và phiên âm (Y-ec-xanh) Nếu một thông dich viên Pháp muốn dịch bản tin này, anh ta sẽ bí ngay khi dịch đến nhân vật Bác sĩ Y-ec-xanh, nhưng nếu ta mở ngoặc thì tất cả đều hiểu và không ai thắc mắc. Chính tôi rất ngỡ ngàng khi phải nghe cách phiên âm có phần rắc rối này Yersin là người Pháp, theo cách đoc của họ thì chữ "in" trong chữ Yersin (theo cách phiên âm của chúng ta phải là "e", và chúng ta phiên âm là Y-ec-xe thay vì Y-ec-xanh) ! Nhưng than ôi ! càng phiên âm càng trật xa lơ xa lắc !
tran
Viết đúng, phát âm chính xác
phung
Có nhiều cái tồn tại mà hiện nay ngành giáo dục chưa sửa được. Tôi phải có gắng giải thích lắm học sinh mới hiểu Y-éc-xanh là Yersin để các em khi có ra Nha Trang, Đà Lạt thì còn biết Yersin là vị bác sĩ trong bài tập đọc mà các em đã được học. Mà nếu như để nguyên tên quốc tế thì liệu học sinh nhớ nổi hay không? Mỗi lần tôi dạy đến bài tập đọc có tên các nhân vật thật tôi đêu viết ra tên tiếng Anh của các vị ấy. SGK có nhiều vấn đề tồn tại mà vẫn chưa sửa chữa. Cái gì cần thì làm ngay, chúng ta toàn nghe câu "làm gì cũng có lộ trình". Đợi khi thực hiện thì Việt Nam ta lạc hậu, và tiếp tục đợi lộ trình. Cái vòng lẩn quẩn khiến cho ngành giáo dục toàn bị chê là lạc hậu.
hà anh vũ
Bản thân tôi và 1 số nguời quen của tôi thuờng đọc tiếng Anh theo kiểu bản thân tự đặt , sau đó sẽ tra từ điển hoặc nhờ nguời khác chỉ hoặc có thể nghe lỏm đâu đó để có cách phát âm chính xác từ mình cần biết . Trong giáo dục người cần phải biết cách phát âm chính xác đầu tiên là giáo viên , từ đó giáo viên sẽ truyền đạt đến các em cách đọc đúng . Sách giáo khoa nên viết từ nguyên bản tiếng Anh , với các thứ tiếng như bạn Lê Hải nói thì dùng theo phiên âm Latin , đọc theo tiếng Anh .
Lê Ngôn
Nhớ lại ngày xưa đi học, cô giáo hóa học viết lên bảng chất "a xít cờ lo hi đờ ríc"
Kiến Nghiệp
Tôi hoàn toàn ủng hộ cách viết của sách giáo khoa và một số văn bản chính thống khác hiện nay là khi viết tên riêng của nước ngoài thì phiên âm ra tiếng Việt để viết. Vì một lẽ đơn giản là sách tiếng Việt là để dạy tiếng Việt chứ không phải để dạy ngoại ngữ và văn bản tiếng Việt là để cho người đọc tiếng Việt chứ không phải để cho người đọc tiếng nước ngoài? Vì thế cho nên sách tiếng Việt viết bằng chữ Việt là lẽ phải thường tình. Chỉ có điều cần bàn thêm là cách phiên âm sao cho gần với nguyên ngữ và phải có một cơ quan chuyên môn quản lí việc phiên âm sao cho tất cả các văn bản đều viết thống nhất với nhau, tránh tình trạng mỗi nơi viết một kiểu. Lại nói về ngoại ngữ, theo tác giả Thùy Ngân và một số người ủng hộ thì ngoại ngữ ngày nay hình như chỉ có tiếng Anh? mà không biết rằng còn nhiều thứ tiếng khác nữa. Nếu những người học tiếng Nga, tiếng Pháp cũng muốn biết tên thành phố trong SGK viết bằng thứ tiếng họ đang học thì sao? vả lại muốn viết theo nguyên ngữ thì tên người Nga phải viết bằng tiếng Nga, tên người Trung Quốc phải viết bằng tiếng Trung Quốc... Vậy thì trong một quyển sách tiếng Việt làm sao viết được hàng trăm thứ ngôn ngữ? Một ví dụ: Người Việt Nam ai cũng biết thủ đô của nước Nga là Mátx-cơ-va (tiếng Nga viết là москова) vậy mà báo Thanh niên cứ vô tư viết là Moscow, thủ đô nước Nga, trong khi những người hiểu biết tiếng Anh đều biết Moscow phải là thủ đô của Russia. Hoặc giả sử sách tiếng Việt có viết tên nước ngoài bằng tiếng Anh đi nữa thì với cách phát âm theo kiểu xì-tin như một số người đang nói hiện nay thì chắc gì học sinh của chúng ta sẽ nói được tiếng Anh.!.
Bành Ui
Việc chưa tốt rành rành thì phải sửa nhưng khổ nỗi cũng còn những bạn như Lê Hải (chép lại, nêu ra tới 3,4 thứ tiếng nước ngoài) nhưng vẫn không chịu thay đổi cách dạy cho các em sao cho giỏi như Lê Hải - tôi đã từng nghe thuyết minh phim của VTV1 đọc cụm từ "vua George V" là "vua gióc giơ vê" thay vì "đệ ngũ" . Nhưng nói chi xa, cơ quan tôi rất nhiều chuyên viên chính hiện không biết đủ tiếng Anh để đọc bảng chì dẫn, còn dùng laptop thì đầy nhưng chủ yếu đánh mò. ô hô
hobaminh
Từ nào nước ngoài thì lấy tiếng Anh quốc tế làm chuẩn, phiên âm latinh. Ở đó mà nói A đúng, B đúng.
Thiện Mỹ
Đã từ lâu rất nhiều tờ báo lớn, nhỏ, báo giấy, báo mạng đã không còn phiên âm kiểu này. Vậy sao ta không tổ chức tìm hiểu, thăm dò, thống kê xem bạn đọc nghĩ gì? Hàng năm có bao nhiêu bài viết, thư từ, cuộc gọi phàn nàn của bạn đọc về việc thiếu phiên âm? Một sự kiện đáng chú ý là đã có khoảng 30% người Việt Nam biết dùng internet. Trên mạng lại có rất nhiều từ điển, tiện ích hướng dẫn cách đọc, cách phát âm , đọc cho nghe bằng tiếng địa phương v.v.. Vậy khách quan mà nói, tình hình nay đã thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Riêng với sách giáo khoa, hay nói rộng hơn, trong môi trường giáo dục, tôi đồng ý với bài viết. Đã từng có những thầy cô than thở với tôi là mấy nốt nhạc do, re, mi, fa, sol, la ,si học sinh đều đã đọc trơn tru cả vậy mà các "chuyên viên" giáo dục xuống dự giờ cứ giãy nảy lên bắt phải viết là đồ, rê, mi, pha, son mới cho là đúng! Tôi đề xuất thêm một phương cách: Tại sao không huấn luyện cho giáo viên phát âm cho thật đúng những từ chuyên môn, nhân danh, địa danh trong sách giáo khoa để rồi các vị về hướng dẫn cho học trò của mình? Như vậy, ngay từ nhỏ học sinh đã có thể biết đọc Yersin theo tiếng Pháp, Newton theo tiếng Anh, Beethoven theo tiếng Đức v.v..
Quách Kim Lam
Cám ơn Thùy Ngân cùng báo Thanh Niên đã trị được căn bệnh tức có lẽ không chỉ của riêng tôi mà còn của nhiều người khắp cả nước từ rất lâu.Chuyện phiên âm tiếng tây sang tiếng ta trong sách giáo khoa theo kiểu hổng giống ai làm cho tôi rất khó chịu, thú thật tính tình có nguội, mềm dẻo mấy đi nữa cũng phải chửi thầm trong bụng(xin lỗi), nhất là lúc kiểm tra bài vở cho con cháu ở nhà. Không biết những người làm công tác soạn sách có nghĩ rằng sản phẩm làm ra cho học sinh, sinh viên toàn quốc học hay chỉ làm cho riêng mình họ đọc chơi? Không thăm dò ý kiến của toàn dân ,ít ra cũng phải tham khảo với các nhà chuyên môn hoặc thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp, kể cả học trò từ nhỏ đến lớn, được vậy chắc chắn sẽ không có bài báo hôm nay.Từ cách phiên âm cẩu thả như thế đã góp phần làm mụ mẫm đi đầu óc các em cháu học ngoại ngữ, nhất là môn tiếng Anh, nguy hiểm hơn nó đã thành nếp nghĩ quen hằn sâu trong đầu, vì thế chẳng trách sao lúc ra trường làm việc, du học khi đụng thực tế thì hỡi ơi, tây nói tây nghe, ta nói tây biết chết liền! Còn tài liệu kỹ thuật chuyên môn ư?,Tìm đến "nhắm con mắt bên phải,mở con mắt bên trái"cũng không thấy đâu là rô-tơ, xì-ta-tơ, rơ-le, áp-tô-mát trong ngành điện mặc dù nó sờ sờ trước mắt! Cách đây không lâu,xem buổi họp quan trọng trực tiếp truyền hình trên VTV1,một vị đại biểu đọc tài liệu trong đó có từ Giơ-nê-vơ(Genève) được lập đi lập lại rõ ràng nhiều lần, lạ quá không biết địa danh của nước nào, chừng nghe có 1954 thì mới à, thì ra là vậy! Nên nhớ, do cấu trúc âm của tiếng Việt rất đặc biệt hoàn toàn khác xa với nước ngoài, nhất là các nước phương tây, thế nên không có bất cứ một phiên âm bằng chữ viết nào của ta khi phát âm giống tây được. Phải giữ nguyên mẫu tiếng nước ngoài viết trong sách báo do: -Đọc dễ hiểu. - Là một trong những cách kích thích sự tò mò học hỏi, bổ sung thêm kiến thức ngoại ngữ thiết thực nhất vì khi chưa hiểu người ta sẽ tra tự điển để tìm tòi nghĩa của nó, kể cả cách phát âm. Với những ai không biết ngoại ngữ (tức nhiên không đọc được) họ sẽ nhờ người biết giải thích giùm để hiểu cặn kẽ còn hơn là đọc được bằng phiên âm "cà khổ"sai be bét!
Bình
Thật ra tôi đã từng phản ánh vấn đề này lâu rồi, khi đọc những tờ báo phát hành ở ngoài Bắc và nhất là ngày nào cũng coi tin tức trên VTV ,những phiên âm trên báo và cách phát âm của phát thanh viên trên đài làm tôi rất khó chịu , ( New York mà đọc là : niu -ót ,thật hãi hùng), truyền thông cấp Quốc gia mà còn vậy ,thì nói sao được với cách dạy hoc cho học trò !!!
Nguyễn Hoàng Hải
Ý kiến cơ bản của tôi: tiếng nước ngoài và cụ thể ở đây phiên âm tiếng nước ngoài là vấn đề không hề nhỏ, nên tôi nghĩ một mặt cần mạnh dạn dám thay đổi những cái lạc hậu, bất cập của nó nhưng để thay đổi nên có những tham khảo, nghiên cứu, hội đàm rộng rãi - đặc biệt của các chuyên gia ngôn ngữ, ngoại ngữ, - mang tính khoa học và chú ý theo thông lệ quốc tế chứ không đơn giản chỉ bức xúc đơn thuần, hay chỉ theo một nhóm người như học sinh. Tôi nói điều này vì sự thay đổi sẽ tác động lớn đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, sách vở ... và tất nhiên tốn phí không hề nhỏ! Riêng thay đổi không chuẩn sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Kể cả nếu thay đổi quá nhanh cũng đã có thể có nhiều bất lợi. Ví dụ nhỏ: Hiển nhiên ta không thể ghi nguyên tiếng Trung Quốc, Nhật, Ả Rập ... vì họ không phải gốc La-tinh (Latin "tiếng Anh", Latein "tiếng Đức", Từ điển Việt ghi: La tinh). Ngay trong từ gốc La tinh (Latin) thì giữa các nước sử dụng vẫn có chữ cái riêng mà nước kia không có. Ví dụ tiếng Đức có: ü, ä, ö, w, j, ß, z. Riêng phát âm nếu người Việt cứ theo tiếng Anh để phát âm cho các tiếng dùng chữ La Tinh (Latin) khác sợ trong nhiều trường hợp sẽ không chuẩn!
sỹ văn
Tôi không đồng ý hoàn toàn với bài này. Tôi đồng ý là tên người ta dù ở nước nào thì cũng cần được phát âm cho đúng (hay gần đúng nhất), nhưng tên tiếng Anh của một người chỉ được đọc đúng khi người đọc có trình độ tiếng Anh nhất định, mà sách báo tiếng Việt thì không thể vừa viết bằng tiếng Việt vừa viết bằng tiếng Anh được. Sách báo tiếng Việt phải đảm bảo cho những người không biết ngoại ngữ phải đọc được bình thường. Chính vì vậy mà có chuyện phiên âm các tên người nước ngoài thành âm (gần giống nhất để có thể viết dược bằng chữ) Việt. Chúng ta viết Einstein, Schrodinger, Yersin trên báo tiếng Việt thì sẽ là đánh đố với những người không học ngoại ngữ,và chúng ta không có quyền yêu cầu mọi người Việt đều phải biết cách đọc tên của người Pháp, người Đức khi các tên ấy lại đang được viết bằng tiếng ... Anh. Đến người Anh cũng không phải ai cũng đọc đúng tên của Einstein bằng tiếng Đức (lâu nay ở ta thường đọc tên Albert Einstein bằng âm gần với tiếng ...Pháp là Anhxtanh). Tôi cho rằng chúng ta vẫn phải phiên âm tên nước ngoài ra âm gần đúng bằng tiếng Việt để cho người Việt có thể đọc được, song bên cạnh đó cần có chú thích cách đọc đúng tên (bẳng tiếng nước) người đó. Rõ ràng là để phát âm đúng tên người nước ngoài thì cần phải học rất công phu. Chúng ta đâu có thể ai cũng biêt tiếng Bồ Đào Nha mà đọc đúng tên của Luis Figo, nếu chúng ta đọc kiểu tiếng Anh thì chưa chắc đã đúng. Hennry trong tiếng Anh đọc gần là Hen -ry, nhưng tên cầu thủ (người Pháp) này phải được đọc theo tiếng Pháp là Ăng - ry (tất nhiên chỉ là gần đúng) ... Trong khi không ai có thể biết đủ các thứ tiếng mà đọc đúng tên của mọi người ở mọi nước có ngôn ngữ và cách phát âm khác nhau thì rõ ràng vẫn phải chọn cách phiên ra âm gần đúng cho người Việt đọc tạm đã. Còn với tư cách là người làm việc trực tiếp với người nước ngoài, thì phải biết tên người đó được phát âm thế nào (bằng ngôn ngữ của họ - chứ không phải bằng tiếng Anh) mà nói cho chính xác.
Hong Tran
Bài báo rất hay . Khi đọc 1 bài trong sách gk lớp 3 viết rằng ông Y-ec-xanh là người tìm ra vi trùng dịch hạch thì mới té ngửa ông chính là bác sĩ Yersin mà không có người VN nào không biết . Lúc đó tôi đã nói với cháu rằng : không có ai đọc tên vị bác sĩ này là Y - ec - xanh đâu .
Lê Hải
BẠN THÙY NGÂN À, THEO BẠN THÌ PHẢI VIẾT TÊN NGƯỜI, TÊN SỰ VIỆC ĐÚNG VỚI NGUYÊN BẢN CỦA NÓ MỚI LÀ TÔN TRỌNG, LỊCH SỰ... XIN BẠN ĐỌC DÙM TÔI NHỮNG TÊN NGƯỜI RẤT NỔI TIẾNG THẾ GIỚI SAU ĐÂY. TÔI CHẮC RẰNG CÔ KHÔNG THỂ VÀ CẢ BAN BIÊN TẬP CỦA THANH NIÊN CŨNG THẾ (TRỪ VÀI TRƯỜNG HỢP THÔNG THÁI). VẬY THÌ PHIÊN ÂM RA TIẾNG VIỆT NHƯ BÁO NHÂN DÂN, TTXVN, VOV... ĐỂ CHO NGƯỜI VIỆT BÌNH THƯỜNG CÓ THỂ ĐỌC ĐƯỢC LÀ CHUYỆN CẦN THIẾT. HÃY XEM LẠI LỜI PHÊ PHÁN CỦA MINH NHỈ? 胡锦涛,习近平 Дмитрий Медведев محمود أحمدي نجاد 野田佳彦 मनमोहन सिंह Đó là Chủ tịch Trung quốc Hồ Cẩm Đào, phó chủ tịchTập Cận Bình, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
nguyen huy
Bệnh viện Saint-Paul người ta thì bóp méo thành Xanh-Pôn. Cái lối giáo dục "phản giáo dục" nên chấm dứt.
Như Ngọc
Mấy anh chị thấy buồn cười khi đọc phiên âm Việt hóa thì vui lòng đọc to cho những người bên cạnh xem từ "François Mitterrand" đọc như thế nào nhé. Thùy Ngân khi đi Tây có được Tây nó viết đủ là "Thùy Ngân" hay chỉ viết "Thuy Ngan" nhỉ. Những người chỉ biết tiếng Anh mà không biết tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha thì khi đọc danh từ riêng theo nguyên bản thì sao nhỉ (à mà đúng ra phải viết là Deutsch, Français và Español mới đúng chứ nhỉ!), có ai thấy khó chịu khi đọc các nước là Đức, Pháp, Tây Ban Nha không nhỉ.
Phan Văn Đỗ
Tôi rất đồng tình với tác giả bài viết. Theo tôi nguyên nhân: - Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, nên theo thói quen người ta hay thích phiên âm ra từng âm đơn cho dễ đọc, xu hướng Việt hóa tiếng nước ngoài - Đánh giá thấp trình độ ngoại ngữ của người đọc, cho nên mới phiên âm hỗ trợ - Do cách phát âm từng vùng miền. Ví dụ: một số địa phương miền Bắc không thể phát âm "y" như là phụ âm, như trong từ Yersin, hậu quả: - Đọc lên nghe ngô nghê như trẻ mới tập đánh vần - Khó tiếp cận truy cập từ gốc trong nghiên cứu, nhất là đối với người nước ngoài đọc tiếng Việt - Hạn chế người khác học ngoại ngữ. Đề nghị: - Giữ nguyên văn bản từ gốc trong sách GK và báo chí, ngày nay với phương tiện interrnet, nếu muốn biết phát âm như thế nào, chỉ cần nhấp chuột là có ngay. - Ngoài phiên âm trong văn bản viết, phát âm các từ tiếng nước ngoài trong các chương trình TV hay radio cũng cần phải xem lại trình độ ngoại ngữ của phát thanh viên.
tom celica
Cứ dùng từ Yersin , chứ y- ét-xen là cái gì ????? Những ai dốt ko biết phát âm thì ráng chịu .
Nguyễn Minh
Nếu tôi nhớ không lầm thì báo Nhân dân là "chuyên gia" dịch ra tiếng Việt những danh từ nước ngoài, đọc xong mà chẳng hiểu tác giả muốn nói gì. VD thành phố sankt peterburg thì họ dịch là xanh pê téc bua...thà để nguyên tiếng nước ngoài còn hơn...
Nguyễn
Rất đồng tình với tác giả. Rất không chịu được với cách phiên âm các danh từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Nhiều khi đọc đến một quá quen thuộc trở thành xa lạ chỉ vì không hiểu nổi cách phiên âm. Học trờ bây giờ lớp 6 đã học ngoại ngữ nên không khó khăn khi đọc tên nước ngoài. Cái lối phiên âm "xưa rồi Diễm ơi" này nên bỏ đi là vừa.
Dang Quang
Bạn xem báo Nhân dân rồi sẽ biết! Toàn là phiên âm không, đôi lúc đọc không biết gì hết! Ví dụ: ông Rô-bớt Dô-ê-lích sẽ làm chủ tịch ngân hàng thế giới, Lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô ...
Hưng
Sách giáo khoa và Báo Nhân dân là có cách phiên âm như vậy. Newcastle phiên âm thành Niu-cát-tơn, hết chịu nổi
Nguyen Tuyen
Chuyện tiếng Việt không có mẫu tự W, nhưng TW là viết tắt của "trung ương" thật là đánh đố.
Mai Hữu Châu
Vừa rồi có một tờ báo lớn viết cái title: nhiệt liệt chào đón đồng chí thủ tướng Lào "Xổm Sặc Kiệt Xộ Ra Nôn". Đối với tên tiếng Anh thì không khó nhưng tên của các nước có chữ tượng hình nên viết theo phiên âm tiếng Anh khi họ xưng tên trên báo quốc tế.
Phu Mai
Thật vô cùng cám ơn tác giả viết bài này. Tôi thật sự khiếp sợ cách phát âm kiểu này từ lâu lắm nhưng không biết kêu cứu ở đâu
Tân
Tôi không đồng ý với tác giả ở phần phiên âm cho Yersin và Armstrong. Cách phiên âm mà SGK đặt ra cho hai từ này là hợp lý trong khả năng của tiếng Việt (không tính các âm đặc biệt như âm mũi mà tiếng Việt không diễn tả được). Yersin là người Pháp, đọc gần như Y-éc-xanh, Armstrong có phiên âm IPA là /aʁm.stʁɔ̃ŋ/, đọc (nhanh) Am-xtơ-rông. Học sinh cấp 1 cũng như bất cứ ai mới học tiếng nước ngoài cần ghi chú âm tiếng Việt để làm quen, điều này là cần thiết. Tôi chỉ mong SGK ghi luôn cả từ gốc. Tuy thêm một từ để nhớ nhưng có ích hơn khi học sinh muốn tra cứu.
Võ Đình Út
Tác giả viết bài này chính xác quá. Mình đọc sách báo mà gặp phiên âm như vậy thì rất chóng mặt, nhức đầu... Thà viết đúng từ gốc (tất nhiên chỉ tiếng Anh thôi), còn từng người đọc phát âm sao thì tuỳ.
long
Tôi quá hãi hùng khi đọc báo Ngoại giao VN ...với những tên quốc gia hay tên nhân vật . Còn nhiều ...nhiều nữa . Ấy mà luôn khoe toàn là tiến sĩ , thạc sĩ không thôi .
Katy Chen
Cám ơn bài viết. Nhưng mình nghĩ cần phải có một chiến dịch mà mọi phụ huynh vì thế hệ con em mình hãy gửi thư trực tiếp đến Bộ giáo dục năn nỉ họ hãy nghiêm túc đánh giá và sửa đổi tư duy phiên âm cổ lỗ và lệch lạc này. Tình trạng này thật ra đây không phải là lần đầu tiên được bàn tới, nhưng bao nhiêu năm rồi vẫn...không có gì thay đổi. Thiết nghĩ, trong hệ thống tiếng Việt vẫn có khái niệm "từ mượn" thì "internet" hay tên riêng của địa danh, con người có gì phải phiên âm??? Để tránh việc nói cũng như không, mình cần phải quyết liệt đề nghị chấm dứt tình trạng phiên âm phản khoa hoc này.
Trần
Cám ơn tác giả Thủy Ngân về bài viết. Con mình đang học lớp 5, mỗi lần đọc sách tiếng Việt của cháu, mình chỉ biết lắc đầu. Nếu cách phiên âm như vậy thì bao giờ các cháu tiếng bộ môn tiếng Anh được.
khangpham
Trong chương trình giáo dục, tuyệt đối không được viết tên nước ngoài bằng phiên âm. Làm như vậy là làm ngu thêm học sinh. Sinh viên VN khó hòa nhập với thế giới không phải thiếu thông minh mà là "bị dạy ngu" theo kiểu đó.
Hoàng
Những người quản lý giáo dục và nhà ngôn ngữ học nước nhà hình như không biết tiếng Anh, hoặc biết tiếng Anh nhưng biết do học lóm. Hãy thông cảm cho họ và "năn" nỉ họ đổi cách phiên âm, VD: viết chữ gốc + mở ngoặc kèm chữ phiên âm, như vậy nếu phiên âm không chính xác thì vẫn chấp nhận được.
V.Tính
Vừa rồi có quan chức ở TP Hải Phòng phát biểu ở hội trường Google là Gu gồ đã có sao ? Cũng vì mấy ông bà biên soạn của ngành giáo dục cả .
Lê Phát Anh Duy
Bài báo quá chính xác và rất ý nghĩa. Viết sai, phiên âm sai, đọc sai.. khiến cho công việc tra cứu trở nên khó khăn hơn, khi làm việc với đối tác nước ngoài họ không hiểu ta đang đề cập đến ai, đến vấn đề gì, vì ta đọc họ không hiểu.
Nguyen Thuy
Thời đại này rồi mà còn tồn tại cái trình độ Y-éc-xanh thì....bó tay! Văn hóa đâu rồi hỡi những người làm văn hóa! Cứ thế này mãi thì làm sao đất nước tiến bộ được hả trời!
vu thanh an
Còn nữa "Cu-lông""Anh xì tanh"
Son
Từ lâu tôi cũng đã "dị ứng" và thấy buồn cười về cách phiên âm "Việt hóa" kiểu này khi đọc trên các báo trong nước, và cũng cảm thấy rất khó chịu vì không thể nào hiểu hay hình dung được tên gốc của người hay địa danh nước ngoài "bị" phiên âm, ngoại trừ đó là tên đã quen thuộc của các nguyên thủ quốc gia hay địa danh nổi tiếng tôi mà đã biết tên gốc! Tôi ủng hộ quý báo với đề nghị bỏ kiểu phiên âm không nhất quán và tùy tiện này, thay vào đó là 1 bộ quy tắc hoặc tốt nhất là để luôn tên gốc tiếng Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét