Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Họ sẽ không bao giờ cô-đơn nếu đồng-hành với những ý-tưởng cao đẹp

"Họ sẽ không bao giờ cô đơn nếu đồng hành với những ý tưởng cao đẹp" nguyên văn “They are never alone that are accompanied with noble thoughts”) - triết lý nổi tiếng này là của văn hào Anh Philip Sidney (1554 - 1586), đại biểu kiệt xuất của văn học Phục Hưng, được khắc ghi ở đại sảnh của Thư viện Quốc hội Mỹ (thư viện lớn nhất thế giới) tại Washington, D.C.

Nguồn: Trích từ http://www.baomoi.com/Lanh-dao-thi-co-don/146/8707294.epi

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

God, Chúa, Trời

Nếu dịch chữ God thành chữ Trời chứ đừng dịch thành chữ Chúa, có lẽ đạo Công-giáo đã có nhiều tín-đồ người Việt-Nam hơn so với hiện-nay. Ông Trời thì chỉ có một, còn chúa-tể thì vô-vàn, và chẳng mấy ai ưa họ.

--Nguyễn Tiến Hải

Phát-biểu của Bill Gates về ngành học máy trong Tin-học

 “Mỗi đột phá trong ngành học máy có thể đáng giá mười Microsoft” (Bill Gates)

(“A breakthrough in machine learning would be worth ten Microsofts”)

Đánh-giá người khác

"Mọi người đều là thiên-tài. Nhưng nếu bạn đánh-giá khả-năng một con cá qua việc nó không biết leo cây, thì suốt đời nó sẽ sống và tin rằng nó ngốc-nghếch!" (Albert Einstein)


“Everybody is a genius. But if you judge a fish by its ability to climb a tree, it will live its whole life believing that it is stupid.”

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Trách-nhiệm liên-đới

Một người lau dọn luôn có ý-thức giữ-gìn cái nền nhà luôn sạch mọi lúc, thì mình cũng không nỡ làm bẩn nó. Tự-nhiên ý-thức của mình tăng lên tự lúc nào mà mình cũng không hay. Cái này gọi là trách-nhiệm liên-đới, từ đó hình-thành ý-thức có hệ-thống.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Y-éc-xanh là ai?

Tác-giả: Thùy-Ngân

Báo Thanh niên, 02/05/2012 3:08 GMT+7


Viết đúng, phát âm chính xác tên của một người là thể hiện sự tôn trọng, phép lịch sự trong giao tiếp. Đối với tên riêng nước ngoài, điều này thật sự càng có ý nghĩa. Có nhiều câu chuyện cho thấy tầm quan trọng của việc gọi đúng tên, đúng người.

Theo Dale Carnegie, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm (How to win friends & influence people), một trong 30 nguyên tắc dẫn đến thành công là “Luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ”. Ông đã dẫn chứng trong lịch sử thế giới, nhiều người thành công vì biết rằng “mỗi cái tên dù đơn giản đến đâu, cũng chính là điều quan trọng và niềm vui của người ấy”.

Để khuyến khích sinh viên viết đúng tên riêng nước ngoài, cố Giáo sư Cao Xuân Hạo hay kể câu chuyện một chuyên gia ngôn ngữ học người nước ngoài thường yêu cầu mọi người hãy viết chính xác tên của ông. Ông có thể bỏ qua nếu tên bị đọc sai đôi chút nhưng không thể chấp nhận viết sai.

Tiếng Việt: Có còn trong sáng?

Tác-giả: PGS. TS. Phạm-Văn-Tình


Kể từ khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động công cuộc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (Tạp chí Học tập, s. 4-1966) cho đến nay đã tròn 44 năm. Phong trào này đã được toàn xã hội, đặc biệt là giới Việt ngữ học hưởng ứng với một “lộ trình” lúc lên, lúc xuống, lúc rầm rộ, lúc âm ỉ… Nhưng chưa bao giờ vấn đề giữ gìn và bảo vệ tiếng Việt lại được dư luận quan tâm nhiều như thời gian vừa qua.




Tiếng Việt đang ở đâu?

Nên bỏ phiên âm!

Tác-giả: Vũ-Đức-Sao-Biển

Báo Thanh niên, 13/05/2012 8:45 GMT+7

Tôi xin mở đầu bài viết bằng cách bàn về phiên âm của người Trung Quốc. Chữ viết của người Trung Quốc không sử dụng hệ thống alphabet của ngữ căn Latin (như của ta). Vì vậy, họ bắt buộc phải phiên âm tên nước, tên đất, tên người... của tất cả các quốc gia khác ra thành những âm tương đương với cách phát âm của họ để họ có thể viết và nói được. Tôi nói “âm tương đương” bởi những âm này nghe ra gần giống với âm gốc nhưng không giống hẳn. Họ gọi đó là phép chuyển ngữ.

Thí dụ: Tên nước - Italie thành Ý Đại Lợi; Australia thành Úc Đại Lợi; Hungarie thành Hung Gia Lợi; Laos thành Lào; Korée thành Cao Ly... Tên đất - Paris thành Ba Lê; Washington thành Hoa Thịnh Đốn; Sài Gòn thành Tây Cống; Moscou thành Mạc Tư Khoa... Tên người - Andrew thành An Đắc Lộ; Clinton thành Cơ Lâm Đôn; Ivan thành Y Phàm; Napoléon thành Nã Phá Luân...

Tư thế của họ là bắt buộc phải phiên âm để có chữ mà dùng, có âm mà đọc. Tuy vậy, những phiên âm đó cũng có quy ước khá rõ. Một - chỉ lấy âm thuần túy để đọc và viết. Thí dụ Norvège thành Na Uy; France thành Pháp; (sông) Danuble thành Đa Não hà; Brazil thành Ba Tây; Thailand thành Thái Lan; Bangkok thành Vọng Các; Rangoon thành Ngưỡng Quang; Roma thành La Mã... Hai - lấy một nghĩa, cộng một âm cho ra chữ rõ hơn. Thí dụ: New Zealand (New: mới, tân) thành Tân Tây Lan; Yougoslavie (Yougo: phía Nam) thành Nam Tư Lạp Phu; Mer Méditerranée (terranée: từ chữ terre - đất) thành Địa Trung Hải...


Một số quy ước chuyển ngữ như sau. Tất cả các tiếp vĩ ngữ Ria, Lais, Le, Lie, Ly, Li đều ra chữ Lợi: Anglais thành Anh Cát Lợi; Italie thành Ý Đại Lợi; Bulgarie thành Bảo Gia Lợi; Chile thành Chí Lợi... Tất cả những âm đứng đầu hoặc đứng giữa mang các chữ S, Z, Si, Zea, Se đều được phiên âm thành Tư, Tây, Tô: Sibérie thành Tây Bá Lợi Á; Scotland thành Tô Cách Lan; Spagne thành Tây Ban Nha; Einstein thành Ái Nhân Tư Thản; Montesquieu thành Mạnh Đức Tư Cưu; New Zealand thành Tân Tây Lan... Tất cả các tiếp vĩ ngữ Land đều thành Lan: Poland thành Ba Lan; Holland thành Hà Lan; Finland thành Phần Lan...

Trung Quốc dùng cách phiên âm - chuyển ngữ như vậy để giải quyết vấn đề khó nhất của ngôn ngữ họ là không dùng ngữ căn Latin. Ngôn ngữ, chữ viết của ta dùng hệ thống alphabet của ngữ căn Latin, nghĩa là có thế mạnh có thể viết và đọc tất cả các loại từ ngữ của mọi quốc gia theo alphabet của ngữ căn Latin, điều mà ngôn ngữ Trung Quốc không có. Vậy thì việc gì ta phải học theo kiểu phiên âm, nhằm “lấy âm mà đọc” theo cách làm của ngôn ngữ Trung Quốc?

Đầu thế kỷ 20, một số nhà báo tiền bối của chúng ta đã áp dụng kiểu phiên âm nhằm “lấy âm mà đọc” này, cho ra một số từ nghe ra âm gần giống với phiên âm của Trung Quốc nhưng ngữ nghĩa lại xa cách một trời một vực. Thí dụ hai vở kịch Horace và Le Cid của kịch tác gia Corneille (Pháp) được phiên âm ra là tuồng Hòa Lạc và tuồng Lôi Xích (viết hoa). Vở kịch Andromaque của kịch tác gia Racine được phiên âm thành Nàng An Lộ Mã. Cách phiên âm như vậy thật sự không cần thiết so với một xã hội mà tiếng Pháp đang thịnh hành và xét ra nguy hiểm cho kiến thức của người đọc. Vậy thì để nguyên văn tên các vở kịch ấy vẫn hay hơn.

Mấy chục năm qua, trong ngôn ngữ viết của sách giáo khoa, sách dịch, sách nghiên cứu và một số tờ báo, nhiều tác giả vẫn giữ cách phiên âm các thuật ngữ chỉ tên nước, tên đất, tên người vẫn theo kiểu “lấy âm mà đọc”. Báo Thanh Niên vừa đề cập đến loạn phiên âm trong văn viết. Mười bảy năm trước, tôi đã viết một bài phê phán nạn phiên âm bừa bãi này trên Tạp chí Kiến thức ngày nay và nhận được hai thư phản đối của hai vị học giả... chuyên phiên âm. Nay, tôi xin được bày tỏ lại quan điểm của mình. Tôi xin khẳng định phiên âm như cách “lấy âm mà đọc” thì chẳng đem lại được kiến thức nào cho người đọc và người học cả và là một nguy cơ cho người đọc, người học.

Một là - có một số âm trong ngữ căn Latin hoàn toàn không tìm thấy âm nào tương đương trong tiếng Việt. Thí dụ âm J từ tiếng Pháp không thể phiên âm ra âm R, âm D hay âm Gi trong tiếng Việt. Cho nên gặp chữ Johan mà cứ nhắm mắt phiên ra là Rô-han, Dô-han hay Giô-han đều sai toét. Thật khiên cưỡng và buồn cười khi tên của nhà khoa học Einstein được phiên âm ra thành Anh-xtanh. Cách đọc tên của ông này gần gũi với âm Ai-xthai hơn, mà phải đọc bằng giọng mũi thì mới đúng.

Hai là - cách phiên âm của những người “chơi” phiên âm không ra một chương pháp nào cả. Cũng với âm Anh-xtanh trên, có người phiên ra thành Anh-x-tanh, Anh-stanh, Anhxtanh, Anhstanh, Anh-s-tanh. Vậy cách nào mới là đúng đây? Viết sách giáo khoa, viết báo, dịch sách, viết phê bình là công việc khoa học. Hễ công việc khoa học thì đòi hỏi phải có phương pháp rõ ràng, chuẩn mực nhất định. Làm sao lại có thể chấp nhận tình trạng ba phải trong sáu từ trên, từ nào cũng được?

Ba là - cách phiên âm đầy tính bảo thủ, tạo ra một sự sai lầm lâu dài, nguy hiểm cho người đọc và người học. Trên báo chí ngày nay, người ta vẫn đọc thấy tên ông Bush - cựu Tổng thống Mỹ, bị phiên âm ra thành ông Busơ. Làm quái gì có một ông Busơ như vậy? Tiếp vĩ ngữ sh ở sau chỉ còn là một nửa âm, phát ra thành tiếng gió, không thể là sơ được. Cứ giữ một cái phiên âm như vậy là có lỗi, thậm chí có tội với người đọc và người học vì ta làm văn hóa sai!

Bốn là - dù có phục vụ được cho mục đích lấy âm mà đọc đi nữa thì cách phiên âm ấy vẫn là phản khoa học bởi người ta phải đọc sai, không hiểu âm ấy nói lên nội dung gì, lại làm cho văn chương tiếng Việt tối nghĩa. Hãy tưởng tượng một câu: “Ông Busơ thị sát thành phố Lốt Ăn-giơ-létx sau đó về Niu-Óoc”. Thiệt là mệt cái lỗ tai. Thì thôi, ta cứ viết “Ông Bush thị sát thành phố Los Angeles sau đó về New York” - vừa dễ viết, vừa dễ đọc. Bởi ai cũng có thể nghe được Los Angeles và New York và biết đó là hai thành phố của Mỹ.

Năm là - ngày trước, dân trí còn thấp, nhân dân ít tiếp cận với ngoại ngữ; chỉ có một bộ phận đi học mới học được ngoại ngữ. Ngoại ngữ ngày trước cũng chỉ giới hạn trong phạm vi tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung. Ba mươi bảy năm sau ngày thống nhất, lớp trẻ đã được học ngoại ngữ trong giáo trình trung học và đại học. Ngoại ngữ đã mở rộng ra với tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha... Kỹ thuật truyền thông - báo chí bùng nổ, ngành du lịch phát triển, nhân dân có cơ hội sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp. Một xã đảo xa vắng như xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) ở Quảng Nam có trên 60% người biết giao tiếp tiếng Anh. Tiếng Anh đã trở thành ngoại ngữ phổ thông nhất trong các ngoại ngữ, sau đó là tiếng Pháp.

Vậy thì, với thế mạnh của một ngôn ngữ dùng alphabet Latin, chúng ta còn duy trì cách phiên âm loạn cào cào theo kiểu “lấy âm mà đọc” làm gì? Người đọc sách, đọc báo, nghe đài có quyền tiếp cận với thuật ngữ gốc của tên nước, tên người, tên đất... quốc gia ấy. Tôi không đồng ý với quan điểm vừa dùng tên gốc, có mở ngoặc đơn dùng chữ phiên âm. Chữ nghĩa của người ta là như vậy và phải học đúng như vậy. Với các nhóm ngữ căn đặc biệt (khối Slave, Arab, Sanskrit, Hindou), ta bắt buộc phải dùng thuật ngữ phiên âm chuẩn của tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Học sinh phải đọc được các tên Pythagore, Euclide, Joule, Newton, Pavlov, Beethoven, Mozart, Washington, Dubai, Tungku Abdul Razak, Upanishad, Paris, Caracas, Moscow... Nhà giáo phải dạy các em đọc đúng tên. Sách và báo phải viết đúng chữ. Giữ lại cách phiên âm thô thiển chỉ làm chậm dân trí, lại làm cho con người sợ... ngoại ngữ.

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

"Khi thủy triều rút đi người ta sẽ thấy ai bơi không áo tắm"

‎"Khi thủy triều rút đi người ta sẽ thấy ai bơi không áo tắm" (tỉ phú Warren Buffett)

"It's only when the tide goes out that you learn who's been swimming naked."

"After all, you only find out who is swimming naked when the tide goes out"

(Berkshire Hathaway 2001 Chairman's Letter http://www.berkshirehathaway.com/2001ar/2001letter.html)

Về các thuật ngữ phát minh, phát hiện, sáng chế

Tác-giả: TS. Trần-Văn-Hải


Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.


Chúng ta thường gặp những cách viết khác nhau về các khái niệm phát minh, phát hiện, sáng chế. Chẳng hạn: “Mỗi năm trôi qua, giới khoa học trên thế giới đều bội thu với những phát minh độc đáo, mang lại tiện ích thực sự cho cuộc sống con người, ví dụ như bàn chải đánh răng biết hát, máy giặt truyền động bằng xe đạp…” [1]. Ngay một thuật ngữ invention dịch ra tiếng Việt cũng không nhất quán, khi thì phát minh, khi thì sáng chế. Hầu hết các từ điển Anh – Việt đều dịch invention theo cả hai nghĩa “phát minh và sáng chế”, thậm chí có người còn dịch cả patent và license là phát minh hoặc bằng phát minh (!).


Vậy nên hiểu và viết thế nào để nhất quán về bản chất khoa học và phù hợp với những quy định về bảo hộ pháp luật đối vớicác đối tượng được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam?
Việc hiểu đúng các thuật ngữ phát minh, phát hiện và sáng chế không những có tác dụng trong việc phân loại các sản phẩm của nghiên cứu, mà còn có ý nghĩa trong việc xác định giá trị thương mại, giải quyết hợp lý khi có tranh chấp xảy ra.



Khái niệm phát minh, phát hiện và sáng chế


Phát minh (tiếng Anh là Discovery, tiếng Pháp là Découverte, tiếng Nga là Otkrưtije [открытие])


Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “Phát minh: Sự phát hiện một sự vật, một hiện tượng hoặc một quy luật tồn tại khách quan của tự nhiên mà con người chưa từng biết tới. Phát minh làm thay đổi, nâng cao trình độ nhận thức của con người đối với tự nhiên và tạo cơ sở để con người lợi dụng, chế ngự tự nhiên. Phát minh khoa học là yếu tố quyết định đối với tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Phát minh thường gắn liền với những nghiên cứu cơ bản trong khoa học lý thuyết và khoa học ứng dụng. Phát minh phản ánh các mối quan hệ hiện thực khách quan cơ bản và những tính chất của các hiện tượng trong thế giới hiện thực”[2]
Theo tác giả Vũ Cao Đàm thì phát minh là sự khám phá ra những quy luật, những tính chất hoặc những hiện tượng của thế giới vật chất tồn tại một cách khách quan mà trước đó chưa ai biết, nhờ đó làm thay đổi cơ bản nhận thức của con người [3].


Một số ví dụ về phát minh như: Archimède phát minh định luật sức nâng của nước, Newton phát minh định luật vạn vật hấp dẫn, Nguyễn Văn Hiệu phát minh định luật bất biến tiết diện của các quá trình sinh hạt…


Phát minh có các tiêu chí sau: Chỉ có trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, đã tồn tại khách quan (không có tính mới), có khả năng áp dụng để giải thích thế giới, nhưng chưa thể áp dụng trực tiếp vào sản xuất hoặc đời sống mà phải thông qua các giải pháp kỹ thuật, nó không có giá trị thương mại.


Phát hiện (tiếng Anh cũng là Discovery, tiếng Pháp là Découverte):


Là việc khám phá ra những vật thể, những quy luật xã hội đang tồn tạimột cách khách quan. Ví dụ: Kock phát hiện vi trùng lao, Marie Curiephát hiện nguyên tố phóng xạ radium, Colomb phát hiện châu Mỹ, Adam Smith phát hiện quy luật “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường [4].


Tương tự như phát minh, phát hiện cũng không có tính mới, nó chỉ khám phá ra các vật thể hoặc các quy luật xã hội, làm thay đổi nhận thức, chưa thể áp dụng trực tiếp vào đời sống, nó không có giá trị thương mại. Bởi vậy người ta không mua, bán, chuyển quyền sử dụng các phát minh, phát hiện.


Sáng chế (tiếng Anh và tiếng Pháp là Invention, tiếng Nga là Izobretenije [изобретение])


Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “Sáng chế: Giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Sáng chế là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ” 5.


Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam định nghĩa: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyếtmột vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.


Ví dụ: James Watt sáng chế máy hơi nước, Nobel sáng chế công thức thuốc nổ TNT…


Giải pháp kỹ thuật có thể tồn tại dưới các hình thức sau: Là dạng vật thể, ví dụ: Máy móc, dụng cụ, thiết bị, linhkiện…; là dạng chất thể, ví dụ: Thực phẩm, dược phẩm, vật liệu…; là dạng quy trình, ví dụ: Quy trình xử lý nước thải, quy trình công nghệ sản xuất xi măng…


Sáng chế có khả năng áp dụng trực tiếp vào sản xuấtvà đời sống, nó có ý nghĩa thương mại, trong thực tế người ta có thể mua, bán sáng chế (chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế) hoặc license sáng chế (chuyển quyền sử dụng sáng chế).


Có 3 tiêu chí bắt buộc để một giải pháp kỹ thuật được cấp Bằng độc quyền sáng chế (Patent), đó là: Có tính mới (so vớithế giới); có trình độ sáng tạo; có khả năng áp dụng công nghiệp.


Tính mới là một trong những tiêu chí hàng đầu của sáng chế (phát minh và phát hiện không có tiêu chí này). Như vậy, một sáng chế không sử dụng tình trạng kỹ thuật đã biết.


Trình độ sáng tạo của sáng chế được thể hiện trên 3 khía cạnh, đó là: Vấn đề cần giải quyết, giải pháp cho vấn đề đó và các ưu điểm của sáng chế so với tình trạng kỹ thuật đã biết.


Khả năng áp dụng công nghiệp của một sáng chế là việc sản xuất, sử dụng sáng chế đó bằng những phương tiện kỹ thuật ở một quy mô nhất định. Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kếtquả ổn định.



Có bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ đối với phát minh, phát hiện và sáng chế không?


Luật SHTT đã chỉ rõ đối tượng quyền SHTT bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu côngnghiệp; quyền đối với giống cây trồng.


Bảo hộ bản viết về phát minh và phát hiện


Bản viết về phát minh và phát hiện được coi là tác phẩm khoa học, là một trong các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo Công ước Berne 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật và theo Luật SHTT.


Cần phải nhấn mạnh rằng, Luật SHTT không bảo hộ bản thân phát minh và phát hiện, mà chỉ bảo hộ bản viết về phát minh và phát hiện. Tuy nhiên, việc bảo hộ bản viết về phát minh và phát hiện không đồng nghĩa với việc bắt buộc phải cấp văn bằng bảo hộ chúng. Quyền tác giả đối với bản viết về phát minh và phát hiện tự động phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm viết về chúng được định hình dưới một dạng vật chất nhất định, nhân đây cũng cần nhắc lại là một số người đã quan niệm sai rằng để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả thì nhất thiết phải đăng ký bảo hộ nó. Luật SHTT quy định: “… việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả”. Không một quốc gia nào trên thế giới lại cấp Patent cho phát minh, ngoại trừ trước đây có Liên Xô (cũ) đã cấp Diplôm cho phát minh.


Bảo hộ sáng chế


Sáng chế là một trong các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của Công ước Paris 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp và theo Luật SHTT. Căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế là Bằng độc quyền sáng chế (Patent), có hiệu lực trên lãnh thổ quốc gia cấp bằng và kéo dài trong thời hạn 20 năm. Như vậy, để bảo hộ một sáng chế, bắt buộc nó phải được cấp Patent (khác biệt cơ bản so với phát minh và phát hiện).


Cần lưu ý rằng, Luật SHTT coi bản thân phát minh không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế. Như vậy, nói “bảo hộ phát minh” là sai.


Sự khác nhau về việc bảo hộ bản viết về phát minh, phát hiện và bảo hộ sáng chế


Đặc trưng đáng chú ý nhất của việc bảo hộ bản viết về phát minh và phát hiện theo cơ chế quyền tác giả, đó là pháp luật không ngăn cấm người khác quyền sử dụng bản thân phát minh và phát hiện, nhưng lại ngăn cấm hành vi của người khác sửa chữa, thay đổi, xuyên tạc bản thân phát minh và phát hiện.


Đặc trưng đáng chú ý nhất của việc bảo hộ sáng chế theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp, đó là pháp luật ngăn cấm người khác quyền sử dụng sáng chế trong thời hạn và trên lãnh thổ được bảo hộ nếu chưa được phép của chủ sở hữu sáng chế.


Quyền nhân thân không thể chuyển giao của tác giả phát minh và phát hiện tồn tại vĩnh viễn, bao gồm: Quyền đặt tên cho phát minh và phát hiện; quyền đứng tên đối với phát minh và phát hiện; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của phát minh và phát hiện. Trong khi đó, quyền nhân thân của tác giả sáng chế chỉ bao gồm: Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế; quyền được nêu tên trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế.


Như vậy, trong trường hợp đã chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế hoặc chuyển quyền sử dụng sáng chế, thì tác giả của sáng chế không có quyền ngăn cấm chủ sở hữu mới hoặc người sử dụng mới quyền cải tiến sáng chế mà mình là tác giả. Quy định này trái ngược hoàn toàn với quyền bảo vệ sự toàn vẹn của phát minh và phát hiện đối với tác giả của chúng.



Chú thích:


1. VnExpress (theo Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 10.12.2006).


2. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa,Hà Nội, 2003.


3. Vũ Cao Đàm, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2005 (xuất bản lần thứ mười, cóchỉnh lý và bổ sung), trang 25.


4. Vũ Cao Đàm, đã dẫn, trang 26.


5. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, đã dẫn.


SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
URL: http://www.kienthucluat.vn/kien-thuc-luat/lcmvt,1,9,0/61/Ve-cac-thuat-ngu-phat-minh,-phat-hien,-sang-che/2147/