Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Phải chăng Ngũ Lĩnh là "Biên giới cổ của tộc Việt"?

Tác-giả: Hà-Văn-Thùy


Để “Tìm lại biên giới cổ của Việt-nam*,” bác sĩ Trần Đại Sỹ bỏ ra khá nhiều tâm lực. Không phải chuyện ngồi nhắp chuột trước màn hình “search maps” mà là cuộc dấn thân trên hàng ngàn cây số, tiêu tốn nhiều thời gian, sức lực tuổi già cùng tiền bạc. Nhưng chính cái tâm lực ấy cống hiến cho bạn đọc nhiều điều thú vị. Từ những dòng truyền thuyết mờ mờ sương khói hiện lên ngôi chùa cổ trơ vữa lở lói được xây trên nền đất ngày xưa Lạc Long Quân tế trời. Một “cánh đồng Tương” mơ màng huyền thoại cũng hiện hình ngay trước mắt… Đặc biệt quý giá là, lần đầu tiên sau 5000 năm, chúng ta có vật chứng để tin vào truyền thuyết họ Hồng Bàng, tin rằng giang sơn xưa gấm vóc của tộc Việt là có thực! Riêng tôi, vô cùng cảm ơn nhà văn-bác sĩ, người hành hương tuyệt vời mang lại thêm cho mình sự hiểu biết cùng lòng thương yêu nòi giống.


 Tuy nhiên, có điều tôi phân vân: phải chăng « Quả có núi Ngũ-lĩnh phân chia Nam, Bắc Trung-quốc hiện thời, vậy có thể núi này đúng là nơi phân chia lãnh thổ Văn-Lang và Trung-Quốc khi xưa »? Và phải chăng  “Trong khoảng 5000 trước Tây-lịch, lãnh thổ tộc Việt nằm từ phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan.” ?


Tôi nghĩ rằng không phải vậy. Cả truyền thuyết họ Hồng Bàng, cả sách Toàn thư đều nghi nhận: “Biên giới Văn Lang phía Bắc tới Ngũ Lĩnh” mà không hề nói phía trên nó là Trung Quốc! Đọc truyền thuyết và chính sử, ai cũng hiểu, vào thời đó, phía Bắc Văn Lang là nước của Đế Lai, con Đế Nghi và cố nhiên đều là dòng giống Việt! Viết “núi này đúng là nơi phân chia lãnh thổ Văn-Lang và Trung-Quốc khi xưa”  vô hình trung tác giả đã tặng cho nước Trung Quốc (2400 năm sau mới ra đời) vùng đất mênh mông đang thuộc quyền tộc Việt. Một lầm lẫn đáng buồn!


Trong bài viết của mình, tác giả có nói đã sử dụng tài liệu của nhóm Y.Chu, Ly Yin… Khai thác triệt để những tài liệu này, cùng nhiều tư liệu hiện có, người ta sẽ thấy: khoảng 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đã đi lên khai phá đất Trung Hoa để tới 4000 năm TCN người Bách Việt thuộc nhóm loại hình Australoid, do chủng Indonesien dẫn đạo về xã hội và ngôn ngữ, xây dựng tại Đông Á nền văn hóa nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Trong tình hình như vậy, trên đất Trung Hoa 5000 năm TCN làm gì có chỗ cho một nước gọi là Trung Quốc?


Từ nhiều nguồn tư liệu, trong đó có cả di truyền học, nay ta biết rằng, người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán chỉ ra đời khoảng 2600 năm TCN, kết quả của sự lai giống giữa người du mục Mông Cổ và người Bách Việt sau cuộc xâm lăng của tộc Mông Cổ. Vài trăm năm, từ Hoàng đế tới nhà Hạ, do luôn bị người Việt chống trả và cũng do nước lũ Hoàng Hà đe dọa, các nhà nước Hoàng đế chỉ đặt thủ phủ ở phía Bắc Hoàng Hà. Thời đó, Trung Quốc còn là nước nhỏ nằm kẹp giữa Ba Thục phía Tây và khối dân cư Việt đông đảo ở phía Đông. Chỉ khi nước Tần thôn tính nước Sở năm 223 TCN, biên giới Trung Quốc mới tới bờ sông Dương Tử.


 


Từ thực trạng lịch sử đó, ta thấy ý tưởng nêu trên của bác sĩ Trần Đại Sỹ không có cơ sở. Rõ ràng là, 5000 năm TCN, phía trên Văn Lang vẫn là đất của tộc Việt. Mặc nhiên, lãnh thổ của tộc Việt không chỉ từ Ngũ Lĩnh tới vịnh Thái Lan là trải dài từ Nam Hoàng Hà tới tận Cà Mau.


 Có một điều đáng để suy nghĩ là, sự ngộ nhận này không chỉ của riêng bác sĩ Trần Đại Sỹ mà còn ở nhiều người khác. Họ lầm tưởng rằng, người Hoa Hạ có lịch sử lâu đời hơn Việt tộc, đã sớm chiếm miền Bắc Trung Hoa và sáng tạo nền nông nghiệp trồng khô là kê và mạch. Trong khi đó, tộc Việt xưa nay chỉ làm chủ từ Nam Ngũ Lĩnh và trồng lúa nước! Thực ra lịch sử đã đi theo con đường ngược lại: Người Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa theo kiểu cuốn chiếu. Khu vực Bắc Dương Tử được khai thác muộn hơn. Thêm nữa, ở trên vĩ tuyến 35, phía Nam Hoàng Hà, khí hậu quá khô, lúa nước không sống được nên tổ tiên ta chuyển sang trồng kê, mạch, phương thức canh tác khô. Mặt khác, do vùng này bị xâm lăng sớm nên dấu vết văn hóa Việt mờ nhạt đi khiến cho sau này nhiều người nhìn nhận đó là đặc trưng văn hóa Hán. Trong khi đó vùng Nam Dương Tử, do được kinh doanh từ rất sớm nhưng bị xâm chiếm muộn nên dấu vết văn hóa Việt còn in đậm, làm cho người ta lầm tưởng là địa bàn của tộc Việt chỉ tới Ngũ Lĩnh.


 


Sự lầm lẫn của bác sĩ Trần Đại Sỹ cũng như nhiều người là kết quả của một thời gian dài người Việt không có cách nào khác để tìm lịch sử của mình ngoài việc nghe theo cổ thư Tàu. Nay đọc sách Toàn thư, thấy dòng đầu tiên viết: “Từ Hoàng đế dựng muôn nước” ta không trách mà cảm thấy thương cha ông! Biến dòng họ Hiên Viên ngoại tộc sinh sau đẻ muộn trở thành thủy tổ các dân tộc Đông Á là mưu đồ xuyên tạc, cướp đoạt lịch sử trắng trợn. Tổ tiên ta rồi cả chúng ta từng bị lừa bởi trò lừa đảo vĩ đại này. Nhưng tới nay, vẫn còn mang những ý tưởng như vậy là điều đáng phiền trách.                                                                                             


 Sài Gòn, tháng Sáu 2010


 *Mạng Anviettoancau.net


http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=2227


Nguồn: http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=2266


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét