Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Chữ vuông và chữ Quốc ngữ: Cái mất và cái được

Tác-giả: Phan-Quý-Bích

Khi đặt câu hỏi "Chữ Tây, chữ Hán, thứ chữ nào hơn?"[i], ông Cao Xuân Hạo muốn đi tìm một hình thức ký chép phù hợp cho tiếng Việt chứ hoàn toàn không có ý rẻ rúng thứ chữ này hay thứ chữ kia, như có một vài người đã ngộ nhận. Đối với chúng ta, cũng như đối với tuyệt đại đa số các dân tộc trên thế giới, kể cả các dân tộc như Anh, Pháp, Nhật, chữ viết là cái đi vay mượn. Mà đã vay mượn thì vì sao ta lại không xét xem hình thức vay mượn nào phù hợp hơn với tiếng nói dân tộc? Đó là thiện chí khoa học của bài viết. Cho dù, việc vay mượn một chữ viết mang tính cách thừa kế hơn là lựa chọn, cho dù lịch sử là cái không thể đảo ngược, con mắt nhìn khoa học cũng không thừa, vì nó sẽ giúp chúng ta sử dụng tốt hơn công cụ mà chúng ta đang có là quốc ngữ. Những gì ông Cao Xuân Hạo đã bàn còn có thể hữu ích cho việc nghiên cứu Việt ngữ dưới hình thức ngôn ngữ viết.

Tuy nhiên, câu trả lời của ông, theo đó, chữ Hán có ưu điểm hơn abc ở chỗ : 1. phù hợp với ngữ âm của tiếng Việt hơn; 2. thuận cho việc đọc hơn, mới chỉ xét chữ viết về phương diện ký chép lời nói. Vì thế, ý kiến của Léon Vandermeersch mà ông dẫn ra, về việc bỏ chữ Hán là có hại, tuy cũng liên quan đến việc tri giác tiếng Việt, nhưng không dính dáng gì đến sự tri giác ngữ âm, mà liên quan đến việc ký chép óc tưởng tượng xã hội, đến di sản văn hoá và qui tắc tư duy trong chữ viết, một chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta hãy bàn trước hết đến việc ký chép thanh âm.



Để nêu chỗ thua kém của chữ quốc ngữ so với chữ Hán trong việc cho phép ta tri giác tiếng Việt, ông Cao Xuân Hạo đã lấy khả năng phản ánh từ[ii]
làm tiêu chí. Theo ông, chữ quốc ngữ, vì "phân tách mỗi tiếng (âm tiết) ra thành nhiều âm tố (speech sound), rồi thành nhiều âm vị (phonems)" nên "khó lòng thích hợp với tiếng Việt và cách tri giác của người Việt với tiếng mẹ đẻ của họ" (tr. 105). Vì tiếng Việt là một thứ tiếng đơn âm tiết. Chữ Hán, phản ánh tiếng[iii], tức là vỏ âm thanh của tiếng Việt ở cấp độ từ, nên tránh được nhược điểm đó. Kết luận : để ghi tiếng Việt, dùng chữ Hán thì phù hợp hơn là dùng chữ quốc ngữ. Nhưng để chứng minh chỗ hơn hẳn của việc dùng chữ Hán, ông Cao Xuân Hạo lại không đứng trên lập trường phản ánh tiếng mà đưa ra lý thuyết về diện mạo chung : "khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần. Họ nhận ra các từ qua diện mạo chung của chúng..." (tức là mặt chữ - PQ). Chứng minh cho điều này, ông dẫn việc một số nhà ngữ học Mỹ đã dùng chữ Hán như một thứ văn tự bán ghi âm (không phân tích âm vị mà vẫn ký chép vỏ âm thanh đa âm tiết của từ) để ghi tiếng Anh rồi dùng thứ văn tự thể nghiệm này để dạy tiếng Anh cho trẻ mắc chứng dislexia. Do kết quả của việc ghi và dạy tiếng Anh như thế có kết quẩ tốt, ông đi đến kết luận rằng, chữ Hán hơn hẳn abc vì diện mạo của nó cho phép ta đọc nhất mục thập hàng theo nghĩa là đọc từng chữ trong chớp mắt: chữ Hán hơn quốc ngữ.

Chúng ta có thể thấy rằng, khi chữ Hán được xem là hơn abc trong việc ghi một thứ tiếng như tiếng Anh thì lợi thế phản ánh tiếng tương đương với âm tiết đơn lập của nó không còn nữa vì tiếng Anh là một thứ tiếng đa âm tiết. Vậy thì, nếu quốc ngữ không thuận cho người Việt chúng ta trong việc tri giác tiếng mẹ đẻ của chúng ta thì chữ Hán dĩ nhiên cũng không thuận cho người nói tiếng Anh tri giác tiếng mẹ đẻ của họ. Vì thế, không thể vừa cho abc là không thích hợp với tiếng Việt trên lập trường âm vị học lại vừa cho chữ Hán là có ưu điểm trong việc ký chép tiếng Anh bất chấp cái lập trường âm vị học đó. Nhằm hóa giải sự không nhất quán này, ông Cao Xuân Hạo cho rằng, chỗ không tương thích giữa chữ quốc ngữ với tiếng Việt trong việc ký chép âm vị của tiếng Việt cũng không phương hại gì lắm. Vậy thì cái hơn của chữ Hán mà ông vạch ra cũng chưa đáng coi là hơn, cái thua của abc mà ông nêu ra cũng chưa đáng coi là thua. Sở dĩ ông Cao Xuân Hạo rơi vào tình trạng không duy nhất về lập luận như vậy là vì ông đã lấy từ làm tiêu chí[iv] để xem xét hiệu quả của việc dùng chữ Hán, tức là ông mặc nhiên xem rằng, khi chữ Hán được dùng như một thứ văn tự ghi âm, nó cũng vận hành như một thứ văn tự ghi âm : hình nét của ký tự chỉ là cái biểu hiện của cái biểu hiện, tức là cái biểu hiện cho vỏ âm thanh của từ mà không hề chi phối sự cảm nhận âm và nghĩa. Muốn cho chữ Hán có thể vận hành được như vậy thì điều kiện tối thiểu cần có là, vốn chữ Hán phải tương đương với vốn từ của thứ tiếng mà nó ký chép để khi nhìn vào chúng, sự khu biệt giữa các yếu tố chữ luôn luôn tương ứng với sự khu biệt giữa các yếu tố tiếng trong ngôn ngữ. Vì trên lý thuyết, bất chấp sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Hán trên nhiều phương diện, người ta có thể dịch một văn bản tiếng Anh sang tiếng Hán. Điều đó có nghĩa là, vốn từ vựng của tiếng Anh và của tiếng Hán phải được xem là tương đương. Cho nên, nếu số lượng chữ Hán có thể đủ để ghi vốn từ tiếng Anh thì trước hết, nó phải đủ để ghi vốn từ tiếng Hán trong tương quan 1/1, tức là người Hán dùng chữ Hán nhưng vẫn có thể tư duy bằng từ như khi dùng abc. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng giả định này không có cơ sở nếu quan sát văn bản Hán – Nôm của ta.

Khi xét từng chữ riêng biệt thì một chữ Hán có thể đồng nhất với một từ nhưng sự đồng nhất như thế chỉ có thể tìm với một số lượng từ hạn chế. Khi một chữ được đặt trong một nhóm chữ và ta phải ta phải đọc chúng lên như đọc một dòng lời nói, nghĩa là khi mối liên hệ giữa chữ được nhận diện bằng mắt với lời nói được thiết lập bằng cách ta gọi mỗi chữ này bằng một tiếng (vỏ thanh âm của từ), sự đồng nhất này không còn nữa. Ví dụ, trong tám chữ y giả tắc ý chi dĩ chi (không có áo thì ta cho để mặc) mà Trần Quốc Tuấn viết trong "Hịch tướng sĩ" của ông thì chữ thứ hai và chữ thứ năm là một chữ duy nhất. Một chữ duy nhất mà được đọc thành hai
tiếng, vỏ âm thanh của hai từ khác nhau thì chứng tỏ rằng, người dùng chữ Hán không vận dụng theo lối 1/1 giữa chữ và từ. Nói một cách khác, khi người ta phát âm một chữ không phải là phát âm vỏ âm thanh của một từ duy nhất tương thích với chữ đó mà chỉ là gọi tên chữ đó theo những tiếng khác nhau do yêu cầu tại chỗ của việc hiểu tập hợp chữ này theo cú pháp của dòng lời nói, áp đặt. Không có sự đồng nhất chữ - tiếng với văn bản Hán-Nôm thì không thể dùng chữ Hán để ghi toàn bộ một thứ tiếng khác theo lối bán abc, tức là không phân tích âm vị trên mặt chữ (cho dù có theo nguyên tắc tuyến tính hay không) nhưng vẫn ký chép đầy đủ vốn từ của nó mà không gây ra thừa thiếu. Lợi thế của chữ Hán trong việc dùng để ghi 1 600 từ tiếng Anh mà ông Cao Xuân Hạo nói đến mới chỉ là lợi thế ở những trường hợp đặc biệt chứ chưa phải là lợi thế của toàn bộ hệ thống chữ Hán. Bởi vì khi dùng chữ Hán như cách mà ông Cao Xuân Hạo đề xuất, người ta lại gặp những rắc rối khác, lợi bất cập hại. Người Nhật phải sáng tạo thêm cả hệ thống chữ ghi âm đi kèm với vốn chữ ghi ý nhập cảng từ Trung quốc và biến văn tự của họ trở thành một sự thách đố với cả những người kiên nhẫn nhất. Hiện nay, một học trò tốt nghiệp phổ thông ở Nhật mà không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp khi viết vẫn còn là những trường hợp hiếm hoi. Hơn nữa, việc đọc chữ Hán lại không đơn giản như ông Cao Xuân Hạo hình dung.

Ông Cao Xuân Hạo cho rằng, "mỗi chữ Hán là một Gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La-Tinh chắp thành một hàng dài không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ Hán" (chúng tôi nhấn mạnh, PQ). Nếu chúng tôi hiểu đúng ý kiến trên thì, với chữ Hán, nhờ giá trị hình ảnh của hình nét mà ta nhanh chóng nhận ra nghĩa, ra âm. Thực tế hình như không đúng như vậy. Với chữ ghép, đọc không phải là nhận diện hình ảnh, còn với chữ đơn thì nghĩa của hình ảnh và nghĩa từ vựng của âm mà ta gán cho chữ đó lại không trùng nhau.

Với các chữ ghép, có người suy luận rằng, mỗi chữ ghép (chữ biểu ý – idéogramme) là một đơn vị ghép hình và các yếu tố được dùng để thực hiện sự ghép hình ấy là chữ đơn (trong chữ ghép chúng được gọi là các yếu tố hài ý, hài âm, bộ thủ) vốn là các hình nét họa lại sự vật trong hiện thực (chữ tượng hình – pictogramme). Vậy thì, theo phép loại suy, nếu mỗi chữ đơn đã là một hình ảnh về sự vật thì các chữ ghép vận dụng lại chúng cũng là hình ảnh về hiện thực. Thực ra, các chữ đơn không phải là hình ảnh về hiện thực. Thứ nhất, chữ đơn không chỉ tượng hình mà còn trừu tượng như các chữ được chế tác theo lối chỉ sự. Thứ hai, để mỗi chữ có thể đủ cho ta suy nghĩ độc lập, nó có thể được gọi là đơn (hay là "văn" theo lối định nghĩa cổ) nhưng lại bao gồm nhiều hình nét như chữ "nhẫn" với nghĩa là mũi nhọn, được tạo nên từ hình nét của chữ "đao" với nghĩa là con dao và một nét chỉ vào phần lưỡi dao. Vậy thì cái đích của việc chế tác nhiều hình nét lộn xộn như vậy không phải là mô tả (bằng hình ảnh) mà là để tạo ra ý nghĩa. Thứ ba, không thể coi chữ đơn trong chữ ghép (hay là "tự" theo cách nói cổ) là những hình ảnh về hiện thực, vì, các chữ đơn trong khi vẫn giữ cái vẻ ngoài của hình ảnh lại không mang giá trị của hình ảnh nữa. Thật vậy, chúng ta thấy rõ nghịch lý này, nếu ta xét một chữ ghép như chữ "danh" chẳng hạn. Nó được tạo nên từ chữ "tịch" nghĩa là đêm tối và chữ "khẩu" nghĩa là cái miệng. Nhưng ta phải hiểu nghĩa của chữ ghép này là tên người, tên gọi chứ không thể hiểu nó theo phép cộng thông thường là đêm tối và cái miệng. Điều này cũng giống hệt như khi ta nhìn vào một cái biển chỉ đường hiện đại, trên đó vẽ một cái xích lô và hai gạch đỏ chéo. Cái biển này không nhằm chỉ ra cái xích lô (miêu tả hay biểu vật), cũng không nhằm thông báo về sự có mặt hay vắng mặt của cái xích lô (kể chuyện) mà là một lệnh cấm : xích lô không được đi vào đường này. Chữ ghép đã ra đời hệt như vậy : nó thu nhận dạng thức tự nhiên của chữ đơn (tượng hình hay chỉ sự) ; nó cho phép chữ đơn vẫn giữ những dạng thức ban đầu nhưng lại là biểu đạt lời nói trong cú pháp của sự ghép hình. Thành thử, chữ ghép là kết quả của việc các hình ảnh trong chữ đơn được nhìn sai lạc đi (không còn là tượng hình nữa). Phép đọc chữ ghép không phải là nhận diện hình ảnh mà là tưởng ngộ, tức là giải tự hay là giải mã, một quá trình so sánh đối chiếu, tìm ra cách kết hợp giữa các âm phù, nghĩa phù để đoán định ra nghĩa, ra âm. Nó chẳng hề diễn ra trong "chớp mắt". Có những chữ đến mấy chục năm người ta vẫn không biết đọc thế nào cho đúng. Cái gọi là đọc nhất mục thập hàng có lẽ không phải là đọc nhanh từng chữ một mà đọc một lúc mười hàng, dù rằng cách giải thích có khác nhau : có người cho rằng, đó là cách đọc nhờ các bộ thủ - các chỉ dẫn câm về nghĩa - mà chỉ nhìn thoáng người ta đã biết đại khái văn bản nói về cái gì ; có người cho nó là nguyên tắc của việc đọc chữ Hán vì người đọc bao giờ cũng phải ước lượng trước chỗ nên "đặt dấu chấm, dấu phảy" cho văn bản. Nhưng điều quan trọng nhất mà chúng tôi muốn nói ở đây là, đọc chữ Hán, chữ Nôm không hề giản đơn là nhận diện hình ảnh.

Với các chữ đơn là những chữ mà nguồn gốc hình ảnh còn giữ được thì diện mạo của chữ và nghĩa của từ mà ta gán cho chữ đó lại không phải là một. Độ chênh về ý nghĩa giữa diện mạo của chữ "thiên" và hàm nghĩa của âm thiên (trời) mà chúng tôi đã dẫn trong câu thơ Hồ Xuân Hương trong bài báo trước chứng minh điều đó. Vì khi chúng ta thay nghĩa hiện đại của từ vào vị trí mà nó được xem là từ cổ, câu thơ vẫn không đọc được. Vậy thì tiếng mà ta gán cho chữ với hình ảnh của mặt chữ có quan hệ thế nào với nhau? Hãy hình dung các nhà sư tụng kinh với một bản kinh trước mặt. Họ phát âm một tiếng không phải như việc phát âm một tiếng trong chữ quốc ngữ, tức là đi tìm ý nghĩa mà giá trị âm thanh của tiếng đó biểu hiện. Họ phát âm như thể họ nhìn một chữ và gọi tên chữ đó, giống như ngày nay, khi các bình luận viên truyền hình theo dõi một trận bóng đá, thấy bóng đến chân ai thì chỉ cần gọi tên cầu thủ đó là đủ vì khán giả cùng theo dõi trận đấu bằng mắt với anh ta. Mặt chữ giống như câu hỏi và tiếng giống như câu trả lời. Kiểu diễn đạt "vấn - đáp" này không xa lạ trong văn hoá cổ. Câu ngạn ngữ cơm gà, cá gỏi, nhân tình vợ, đầy tớ con , có thể viết như sau : "- Cơm? – Gà / - Cá? – Gỏi / - Nhân tình? - Vợ / - Đầy tớ? – Con" [v]. Tức là, cơm (thì) gà (là ngon nhất) cá (thì) gỏi (là khoái khẩu nhất), nhân tình (thì) vợ (là tiện nhất), đầy tớ (thì) con (là trung thành nhất). Có thể mượn thuật ngữ của ông Cao Xuân Hạo trong mục Linh hồn tiếng Việt[vi] mà cho rằng, mặt chữ với tiếng có quan hệ với nhau theo kiểu đề – thuyết. Đề và thuyết không đồng nhất về nghĩa, như sự không đồng nhất giữa cơm với, với gỏi. Giá trị thanh âm của chữ đơn thực chất chỉ như sự gọi tên chữ đơn đó. Chữ "nhật" không phải là mặt trời (như hàm nghĩa của từ "mặt trời" trong tiếng Việt), cũng không phải là hình ảnh mặt trời (cho nên người ta có thể viết theo các lối khác nhau, thậm chí dưới hình thức giản thể) mà chỉ là sự hiện hình của mặt trời dưới dạng thức văn tự. Chữ đơn không đồng nhất với từ còn vì rằng, hệ thống âm vị của từ này tuột khỏi mặt chữ. Nhưng điều quan trọng là, chữ chỉ là một thực thể tồn tại cho nó còn tất cả các trường nghĩa mà các từ liên quan do chữ ấy gợi ra (như từ "hạ" có nghĩa là ở dưới hay từ há có nghĩa là đi sang cùng do một chữ "hạ" đại diện) lại phụ thuộc vào vị trí mà chữ ấy chiếm giữ trong một tập hợp chữ được diễn giảng như dòng lời nói[vii]. Độ chênh về ý nghĩa hình ảnh của mặt chữ và ý nghĩa từ vựng của tên chữ (bằng thanh âm) khiến lý thuyết nhận diện mặt chữ (để tìm ra nghĩa, ra âm của từ mà nó "ký chép") là không đủ độ tin cậy. Vì việc "tư duy bằng mặt chữ" và "tư duy bằng âm chữ" là không trùng khớp[viii]. Nó không thể trở thành chữ viết ghi âm hoàn hảo.

Nay ông Cao Xuân Hạo đề nghị sử dụng chữ Hán theo lối của người Nhật, tức là lấy chữ Hán nguyên xi để "ghi" âm, như cách làm của abc, nhưng không phải trên cấp độ âm vị mà trên cấp độ từ, những rắc rối về việc đọc chữ Nôm, như tôi vừa nói, có thể giảm thiểu, nhưng trong trường hợp này, sẽ nảy sinh hai khó khăn mới, một là, vốn từ tiếng Việt có bao nhiêu từ thì phải có bấy nhiêu chữ Hán và hai là, đối với mỗi từ mới, lại phải có một cơ quan đặt chữ cho nó (vì sự phân tích âm và nghĩa hoàn toàn biến mất trên mặt chữ).

(nên ngắt từ đây để in số sau)

Ông Cao Xuân Hạo cho rằng nếu dùng chữ Hán, ta sẽ chẳng gặp rắc rối như người Nhật vì tiếng ta là tiếng đơn âm tiết. Nhưng xét trên khía cạnh ký chép âm thanh (tri giác tiếng) và tiện dụng (cho việc đọc) thì chúng tôi không nghĩ như ông Cao Xuân Hạo. Cho dù chúng ta có thể không dùng chữ Hán theo lối các cụ ta viết chữ Nôm, tức là không làm cho chữ vuông trở nên phức tạp đến quá mức, chữ vuông vẫn là chữ ghi ý, vẫn là một bộ ghi kép (ý nghĩa nằm ở cả mặt chữ và thanh âm), văn tự vẫn không tránh được tình trạng một trận đồ bát quái, hoặc như bạch thoại, hoặc như văn tự của người Nhật. Và đây có lẽ là lý do mà người Hàn dùng thêm văn tự bán abc. Về mặt ký chép thanh âm của tiếng Việt, quốc ngữ tỏ ra hơn hẳn chữ vuông, dù sự tương hợp về mặt tuyến tính không phải là không có vấn đề. Đặc biệt là nó rất tiện dụng. Dĩ nhiên, một công cụ dễ dùng không hẳn là một công cụ tốt, một công cụ khó dùng không hẳn là một công cụ dở. Việc người Trung hoa, người Nhật, người Hàn thủy chung với chữ Hán (vị thế chữ Hán ở Hàn quốc khác hẳn vị thế chữ Hán ở ta) cũng đáng để ta suy nghĩ. Nhưng để hiểu điều này, ta không thể xét mối liên hệ giữa văn tự với tiếng nói mà phải xét nó trong mối liên hệ với việc bảo lưu óc tưởng tượng văn hoá như ý kiến của nhà nghiên cứu người Pháp mà ông Cao Xuân Hạo dẫn ra.

Tôi nghĩ rằng, muốn bàn cái lợi và cái hại của một hình thái chữ viết thì không nên chỉ xét nó với tư cách là bộ ghi tiếng, như định nghĩa theo kiểu, một từ được viết thì được gọi là chữ, còn được phát âm thì được gọi là từ. Cách nghĩ này chỉ đúng vói abc, còn trong chữ Hán, như trên tôi đã chứng minh, hoàn toàn khác. Hơn nữa, mỗi văn tự tương ứng với một quy tắc của tư duy. Cụ Cao Xuân Huy cho rằng, tư duy Phương Tây là tư duy chủ biệt (thế giới khách quan và thế giới nhận thức hoàn toàn tách bạch) thì hình thức nền tảng của lối tư duy này là abc: cái biểu hiện và cái được biểu hiện thuộc về hai hệ thống ký hiệu hoàn toàn khác nhau, một cái là hình nét, một cái là thanh âm; tư duy Phương Đông là tư duy chủ toàn (thế giới khách quan và thế giới của nhận thức không tách bạch) thì hình thức nền tảng của nó chính là chữ Hán, chữ Nôm: một chữ bao giờ cũng có giá trị kép ngay trên mặt chữ (âm và nghĩa) nhưng sự ký nghĩa được coi trọng hơn (bộ thủ bao giờ cũng hiện diện trong chữ biểu ý). Nếu chúng ta dùng chữ Hán theo lối abc (điều này là có thể được trên nguyên tắc vì quan hệ giữa lời nói và chữ viết là quan hệ lỏng lẻo, chữ viết là do vay mượn), cái lợi và cái hại không đơn thuần về mặt ký chép nhưng ngay ở việc ký chép, vấn đề không đơn giản như ông Cao Xuân Hạo muốn chứng minh.

Bởi vì, nếu mối liên hệ giữa chữ viết và tiếng nói là lỏng lẻo, tức là người Nhật có thể dùng chữ Hán để ghi thứ tiếng đa âm tiết của họ còn trái lại, chúng ta lại dùng abc để ghi thứ tiếng đơn âm tiết của ta, thì mối liên hệ giữa chữ viết và văn hoá, văn minh lại không lỏng lẻo. Chữ Hán đắc dụng ở ta là bằng cứ cho thấy rằng, tư duy thị giác quan trọng thế nào đối với cha ông ta. Người nông dân ta xưa :

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm,

Trông cho chân cứng, đá mềm,

Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.

Nghĩa là, con đường tiếp cận chân lý hoàn toàn có thể là con đường của tư duy thị giác chứ không, hoặc không chỉ là con đường của lời nói như trong quan niệm của văn minh Phương Tây. Điều ấy cũng giống như điều xảy ra với Kinh Dịch, một cuốn sách không biểu đạt chân lý bằng tiếng nói mà bằng nét liền và nét gãy. Đó là một cách thức cảm nhận về thế giới mà chữ vuông (chữ Hán và chữ Nôm) là sản phẩm và là phương tiện bảo tồn. Việc đọc chữ không thể phó thác hoàn toàn cho cảm nhận thanh âm mà cứ phải chú mục vào các chỉ dẫn nghĩa (bộ thủ) trước một văn bản chữ vuông là bằng chứng cho sức sống mãnh liệt của cách nhìn thế giới đến với chúng ta từ thời cổ xưa đó. Nó không chịu mất đi ngay cả khi chúng ta dùng quốc ngữ và ít nhiều thành thục với quốc ngữ nên đã buộc quốc ngữ phải đảm nhiệm một chức năng vốn xa lạ với abc như trong thư pháp quốc ngữ hiện nay. Điều này không biết do vay mượn chữ Hán mà chúng ta có hay do nguồn gốc nền văn hoá của chúng ta đã tạo ra ý thức đó từ xa xưa, nên khi chúng ta vay mượn chữ Hán, chúng ta đã tạo ra chữ Nôm theo cách của người Hán. Dù thực tế lịch sử là như thế nào thì tư duy phân tích và khái quát cũng chỉ đến với chúng ta vào thời mà chúng ta dùng quốc ngữ. Cho nên, chữ vuông, với chúng ta, đồng nghĩa, trên phương diện này, với truyền thống văn hoá và văn minh. Đây là điều mà Léon Vandermeersch muốn chứng minh trong cuốn sách nói về thế giới của nền văn minh hán hóa hiện đại của ông. Theo ông, một trong những nét của truyền thống Phương Đông là tổ chức cuộc sống xã hội như tổ chức một gia đình. Sự đồng thuận giữa công nhân và chủ xí nghiệp ở các quốc gia và lãnh thổ được gọi là năm con rồng châu Á là có lý do về qui tắc tư duy mà qui tắc tư duy lại do văn tự là khuôn mẫu: nếu tôi coi ông chủ như cha, anh hay em (tư duy chủ toàn, lấy cái cụ thể để diễn tả cái cụ thể, do chữ vuông lưu giữ) thì khi xí nghiệp gặp khó khăn, tôi sẽ chia xẻ khó khăn đó mà không đòi tăng lương, chẳng hạn. Nếu tôi coi ông chủ là kẻ bóc lột (tư duy phân tích và khái (chữa) quát hoá, lấy cái trừu tượng thay cho cái cụ thể mà hình mẫu là quốc ngữ), thì khi không vừa lòng với xí nghiệp, tôi sẽ bãi công hay đình công, chẳng hạn. Vì thế, nhà nghiên cứu người Pháp cho rằng, nếu giữ được chữ vuông, chúng ta sẽ giữ được lối tư duy và hành xử của dân chúng trong xứ sở của năm con rồng. Cái hại khi chúng ta bỏ chữ vuông là như thế. Tôi không biết luận điểm này đúng đắn đến đâu, nhưng cũng đáng để chúng ta suy nghĩ.

Dù sao thì cũng không có sự lựa chọn nào lại không đối mặt với đồng thời cả cái được và cái mất. Người Nhật muốn bảo tồn truyền thống văn hoá và tư duy bằng chữ viết nhưng lại gặp biết bao rắc rối trong việc ký chép tiếng nói, đến nỗi, trí thức của họ cũng có người bất mãn về văn tự. Chúng tôi đã đọc ở đâu đó ý kiến của một nhà ngữ học Nhật nói rằng, cách đây vài bốn mươi năm, thà người Nhật cứ lấy abc và tiếng Pháp làm quốc tự và quốc ngữ thì lại hóa hay (!). Chắc không mấy người Nhật đồng ý với ý kiến đó. Nhưng một văn tự rắc rối cũng không phải không gây ra nhiều khó khăn. Thử hình dung rằng, nếu chúng ta không có quốc ngữ, việc truyền bá văn tự để tổ chức chính quyền ngay sau Cách mạng Tháng Tám sẽ tốn phí bao nhiêu thời gian? Không thể tính được. Mà vấn đề chữ viết lại trước hết là vấn đề của chính trị, của việc giữ nước, chứ không phải trước hết là vấn đề văn hoá: một nhà nước pháp quyền thì nhất thiết phải có chữ viết. Cho nên, quốc ngữ có mặt đắc dụng của nó như ông Cao Xuân Hạo đã khẳng định. Đó là lý do của chiến dịch diệt dốt, một trong những nhân tố làm nên sự thành công của việc giữ gìn nhà nước non trẻ. Nhưng từ đó mà nói rằng, quốc ngữ đáp ứng được mọi yêu cầu của chúng ta thì thật quá vội vàng. Nghĩ như vậy thì không khác gì cha anh đầu thế kỷ trước đã nghĩ, khi mà hiểu biết về văn tự còn quá sơ sài.

Người Nhật phải chấp nhận được cái này nhưng mất cái khác, chúng ta cũng khó mà tài giỏi hơn họ. Ý thức về sự được mất là cần thiết cho công cuộc xây dựng văn hoá hôm nay. Vả chăng, quốc ngữ đến với chúng ta như một sự thừa kế hơn là lựa chọn. Đông Kinh Nghĩa Thục không có cách nào khác hơn là dùng chữ "của kẻ thù" làm quốc ngữ, làm chữ viết của dân tộc, khi chữ Nôm còn xa mới trở thành một hệ thống văn tự hoàn chỉnh. Ngày nay chúng ta biết rằng, thành kiến "chữ của kẻ thù" là oan cho quốc ngữ: người Pháp không đẻ ra nó và không phải là người đầu tiên mang nó đến với chúng ta. Giống như chữ Nôm, nó là một văn tự phái sinh và là sự sáng tạo của bao trí thức Việt, tuy họ không được lưu danh như Alexandre de Rhode. Nó cũng phải được đánh giá cao.

Điều đáng buồn với chúng ta không phải là ta đã bỏ chữ Hán vì sự từ bỏ là bất khả kháng như chúng tôi đã nói. Xin nhắc lại rằng, chữ Nôm cho đến bây giờ vẫn chưa là một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh, có thể ghi âm được tiếng Việt một cách hoàn hảo. Điều đáng buồn là chúng ta không nghiên cứu nghiêm túc về những cái được mất khi chúng ta thay đổi văn tự. Biểu hiện trân trọng quá khứ của chúng ta thể hiện trong dăm ba giờ dạy Hán-Nôm ở học đường là không đủ. Không nghiên cứu, chính chúng ta, rồi con cháu chúng ta chẳng hiểu quá khứ và hiện tại chi phối chúng ta ra sao. Không biết cái gì là của mình, chúng ta còn cách nào khác hơn là tôn sùng cái của người khác, nói theo giọng điệu của người khác? Ngày nay, trong nghiên cứu và phê bình văn chương, chúng ta vẫn còn bắt cô Tấm phải thật như trong đời, bắt Nguyễn Du phải sáng tạo giống như Balzac, vì chúng ta không hiểu gì về văn tự. Thái độ đối với quốc ngữ của chúng ta càng hời hợt. Quốc ngữ, ngoài ý nghĩa là quốc tự của chúng ta ra, không phải không có những ưu điểm hơn hẳn chữ Hán, chữ Nôm. Cái ưu điểm về mặt dễ học thì không còn gì để bàn nữa. Nó cũng rất thuận cho tư duy ký hiệu như nghiên cứu đại số hay ngôn ngữ học. Để đi vào khoa học tự nhiên hay kỹ thuật, chắc không có cản trở gì lớn. Nhưng quốc ngữ còn thuận cho sự trình bày lôgic, cho tư duy phân tích (như việc chia chương mục, xác lập trật tự văn bản). Nhưng chúng ta đâu có cần biết đến những ưu điểm đó. Thậm chí, chúng ta cũng không cần biết đến cả sự tồn tại của văn tự nữa như cách nhìn của các tác giả trong cuốn sách giáo khoa lớp một vừa qua : sách lớp một đã được xác định là sách dạy tiếng rồi và các lý lẽ đưa ra đều là lý lẽ ngôn ngữ học. Chẳng cần biết lý lẽ ấy đúng sai đến đâu, ta cũng hiểu rằng, với họ và với cả bộ máy giáo dục tương ứng, khái niệm dạy chữ không tồn tại.

Tình yêu tiếng Việt và thái độ đúng đắn với chữ viết không phải là hai chuyện khác nhau. Việc không suy nghĩ nghiêm túc về chữ viết, cũng đồng nghĩa với thái độ khinh thị tiếng nói dân tộc vì nếu không có chữ viết, tiếng nói dân tộc không thể thành một ngôn ngữ bác học được. Chẳng phải chỉ có chữ vuông mà quốc ngữ cũng phải tự rung hồi chuông báo động về sự hiểu biết vai trò của nó trong lịch sử và trong thực tiễn đời sống của chúng ta hôm nay. Vì lẽ đó, chúng tôi trân trọng bài viết của ông Cao Xuân Hạo nhưng cũng trình bày với tác giả bài viết và bạn đọc chỗ tương đồng và dị biệt trong nhìn nhận của chúng tôi.

Hà Nội, mùa thi 2002

Phan Quý Bích

(Văn nghệ trẻ, 2002)

[i] Trong "Tiếng Việt, văn Việt, người Việt", Nxb Trẻ, tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 99.

[ii] Về khái niệm từ trong tiếng Việt, chúng tôi dựa theo các quan điểm của ông Nguyễn Thiện Giáp trong "Từ và nhận diện từ tiếng Việt", Nxb. Giáo dục, H, 1996.

[iii] "Quả nhiên, khác với các hình vị tiếng châu Âu, các "tiếng" của tiếng Việt cũng có cấu trúc chặt chẽ và cố định như các từ của các thứ tiếng Âu châu, chứ không phải chỉ có tính hiện thực tâm lý tiềm năng, chỉ có được khi nào tham gia vào sự thể hiện của một đơn vị cao hơn, như hình vị của các thứ tiếng này." Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt. Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Nxb. Giáo dục, H. 1998, tr. 182.

[iv] Thực chất là trên lý thuyết, ông Cao Xuân Hạo đã nhìn chữ Hán như văn tự ghi âm.

[v] Về cách hiểu các câu tục ngữ kiểu này, xem Linh hồn tiếng Việt (trong "Tiếng Việt, văn Việt, người Việt" tr. 25).

[vi] Sách đã dẫn, tr. 25.

[vii] Ta hãy hình dung như khi tên các quan chức được sắp đặt thành một câu thì tổ hợp hình ảnh – tên người được hợp nhất với một vài nghĩa mờ ảo để cho ta một tổ hợp hình ảnh – cú pháp. Đó là lúc ta có chữ vuông hoạt động trong dòng lời nói.

[viii] Điều này giải thích vì sao việc ngâm thơ cổ lại rất thành công vì nghệ sĩ có thể chỉ tuân theo nhạc của khúc ngâm còn việc ngâm thơ viết bằng quốc ngữ đôi khi lại kém hiệu quả vì nhạc điệu của thơ (để biểu nghĩa) trong nhiều trường hợp không trùng với nhạc điệu quy ước của thể ngâm.

http://khoavanhoc-ussh.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=128:phan-quy-bich&catid=84:han-nom&Itemid=248

2 nhận xét:

  1. "Vậy thì, nếu quốc ngữ không thuận cho người Việt chúng ta trong việc tri giác tiếng mẹ đẻ của chúng ta thì chữ Hán dĩ nhiên cũng không thuận cho người nói tiếng Anh tri giác tiếng mẹ đẻ của họ." ==> lập-luận này không ổn vì chữ tượng-hình nói riêng và hình-ảnh mô-tả một khái-niệm nói chung bao-giờ cũng dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ hơn là tổng-hợp từ từ các chữ-cái khô-khan

    Trả lờiXóa
  2. "Chứng minh cho điều này, ông dẫn việc một số nhà ngữ học Mỹ đã dùng chữ Hán như một thứ văn tự bán ghi âm (không phân tích âm vị mà vẫn ký chép vỏ âm thanh đa âm tiết của từ) để ghi tiếng Anh rồi dùng thứ văn tự thể nghiệm này để dạy tiếng Anh cho trẻ mắc chứng dislexia." "Lợi thế của chữ Hán trong việc dùng để ghi 1 600 từ tiếng Anh mà ông Cao Xuân Hạo nói đến mới chỉ là lợi thế ở những trường hợp đặc biệt chứ chưa phải là lợi thế của toàn bộ hệ thống chữ Hán."

    ==> Tác-giả Phan-Quý-Bích cần phải tìm-hiểu tường-tận về công-trình của các nhà-ngôn-ngữ-học người Mỹ mà Cao-Xuân-Hạo đã nói, trích-dẫn tài-liệu tham-khảo cụ-thể thì mới có giá-trị thuyết-phục, chứ võ-đoán như vậy không phải là phong-cách tranh-luận khoa-học.
    Bài báo không hề có tham-khảo tài-liệu nước ngoài.

    Trả lờiXóa