Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Sự-khác-nhau giữa "cá" và "con-cá"

Tác-giả: hinattvn

Trước hết không bàn đến “cá” trong “cá cược”, vì nó là từ cùng âm khác nghĩa.

Không chắc lắm nhưng có thể hiểu là “cá” có những điểm khác “con cá”.
“Cá” chỉ một loài động vật có xương sống ở nước, thở bằng mang, bơi bằng vây. Và “cá” này dùng với nghĩa chung chung, không cụ thể về một đơn vị nào cả.
Vd:
- Hồ này nhiều cá lắm! (c1)
- Người Việt thích ăn cá. (c2)
- Cơm cá có ngon hơn cơm rau không? (c3)
- Em ra chợ mua giùm anh 5 lạng cá bống! (c4)
- Cá này bán thế nào hả em? (c5)
Chắc là không thể thay thế từ “con cá” vào những chỗ có từ “cá” ở 5 câu trên để giữ i ý của câu.

“Con cá” cũng là nói đến 1 loài động vật là cá nhưng ý chính ở đây là chỉ cho từng đơn vị (những) cá thể động vật; tức là nó có tính chi tiết, cụ thể. Đây là 1 từ ghép, theo đúng cấu tạo ngữ pháp tiếng Việt, “con” là thành tố chính, do đó nói lên ý nghĩa chính của từ; còn “cá” chỉ là thành tố phụ, bổ trợ, làm sáng tỏ cho thành tố chính.
Vd:
- Con cá bơi qua, bơi lại nhưng không chịu đớp mồi. (c6)
- Tôi mới bắt được con cá trắm cỏ nặng cỡ 5 kí. (c7)
- Có mỗi con cá mà cũng giành nhau! (c8)
- Con cá này bán thế nào hả em? (c9)

Khả năng kết hợp từ (kết cấu từ ghép) của tiếng Việt hết sức đơn giản, dễ dàng. Cơ bản là cứ theo trật tự xuôi và có logic về nghĩa là được. Nghĩa này là sự tổng hợp từ những nghĩa của các từ thành phần. Bởi vậy mà có “con cá”, và “cá con” cũng có.
Tiếng Việt cũng lại rất linh hoạt trong khả năng chia tách từ. “Con cá” dễ dàng thành “con” + “cá”. Từ khả năng này mà người ta hoàn toàn có thể gọi tắt, rút bớt từ trong nhưng hoàn cảnh giao tiếp ngôn ngữ cụ thể. Tiếng Việt thường dùng những thành tố chính, từ có nghĩa khái quát để “thay mặt” cho cả cụm từ. Với vd “con cá”, người ta có thể dùng “con” hoặc “cá” để thay thế trong một số trường hợp.
Vd:
- Câu (c5) từ “cá” được thay cho “những con cá”
- Câu (c7) rút gọn được “con cá trắm” thành “con trắm”
- Câu (c9) rút gọn được “con cá” thành “con”

Tây họ học tiếng Việt chắc rất khó phân biệt “con cá”, “con” và “cá”.
“Con cá” là một từ ghép hoàn chỉnh, chức năng chắc cũng giống như “quyển sách”, “nhà khách”, “cây ổi”, “xe máy”,... Nhưng có điều ta khó mà tra được từ điển nào có mục “con cá” hay “cây ổi” trong khi lại có mục “nhà khách”, “xe máy”. Theo các bác thì người ta dựa vào tiêu chí gì để xếp từ vào từ điển?

Tóm lại:
“Cá”: tính khái quát, chung; chỉ loài
“Con cá”: tính đơn vị, cụ thể; nhấn mạnh đến nghĩa “con”
“Con cá” có thể được rút gọn thành “con” hoặc “cá”

Nguồn: http://ttvnol.com/tiengviet/1282637, 13:08, 02 tháng 05 năm 2011 (giờ Việt-Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét