Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Sơ·lược về vấn·đề dịch·thuật

Tác·giả: Dũng Vũ
(Germany, Stuttgart, 13 tháng 04 năm 2004)

Là một trong những dạng sinh hoạt ngôn ngữ phức tạp, trước khi chính thức trở thành một bộ môn khoa học [1] , dịch thuật được hiểu là quá trình hoán chuyển chữ viết một văn bản từ ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác (s. s. Koller, 1992:80).

Riêng tại Âu châu, sinh hoạt dịch thuật đã được biết đến từ khá lâu, ví dụ dịch Kinh Thánh. Martin Luther là người nổi tiếng về công việc này và cũng là người đã góp nhiều công lao phát triển lý thuyết dịch thuật tại đây (Stedje, 1999:123).


Vào khoảng đầu thập niên 60, để định nghĩa cũng như cắt nghĩa quá trình dịch, giới ngôn ngữ học đã tiến hành những cuộc nghiên cứu về dịch thuật tự động [2] . Một lý thuyết khoa học dịch thuật đã hình thành từ đó với tiền đề: mỗi từ của một ngôn ngữ có thể được diễn tả bằng một từ, một ngữ đoạn của một ngôn ngữ khác tương ứng một trăm phần trăm.

Suy nghĩ nặng tính cách ngôn ngữ học rằng dịch thuật chỉ đơn thuần là sự chuyển tải nội dung từ một ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ dịch, cũng như việc coi trọng hình thức ngôn ngữ hơn nội dung chính là nguyên do khiến cho có nhiều văn bản không được lưu tâm đúng mức, cụ thể là những văn bản văn chương.

Nhận thức được giới hạn ấy, độc lập với dịch thuật văn chương, trong nội bộ dịch thuật khoa học đã xuất hiện một xu hướng mới: dịch thuật không còn được hiểu đơn giản là sự chuyển tải nội dung mà còn cả văn hóa. Sự đảm bảo tính giao lưu đã trở thành một điều kiện ắt có. Kết quả dịch thuật phải chứng minh được giá trị tương đương về tính giao lưu của văn bản gốc đối với văn bản dịch.

Xu hướng này có thể tìm thấy trong lý thuyết Skopos (Skopostheorie) đã được K. Reiß và H. -T. Vermeer giới thiệu vào những năm 80. Với phương châm "chủ điểm của mọi dịch thuật là mục đích của chúng", công việc dịch thuật phải hướng văn hóa đíchhướng người nhận (Kopetzki, 1996:105-111). Nó cho phép người dịch được tự do kiến tạo miễn đạt được hiệu quả của văn bản gốc. Lý tưởng nhất là một sản phẩm dịch thuật được người đọc đón nhận mà đến chính anh ta cũng không biết đó là một bản dịch.

Bên cạnh giới Skopos, giới khoa học văn chương cũng có lý thuyết dich thuật riêng. Trong khi giớì Skopos tìm cách xây dựng một bài bản chung cho mọi loại văn bản, thì giới khoa học văn chương đã chú tâm vào việc phân tích phong cách của bản gốc và bản dịch. Ðối với họ, kết quả dịch thuật là một sản phẩm của quá trình cảm nhận chủ quan. Thay vì dựa vào những quy tắc dịch có tính kỹ thuật chung hoặc những chuẩn tắc được định sẵn nhằm đánh giá tính khách quan của kết quả dịch thuật, thì tiền đề của nó là gắng làm sáng tỏ mọi điều kiện có liên quan đến mối quan hệ giữa bản gốc và bản dịch, cũng như giữa người dịch và người nhận. Ðối với họ, dịch là quá trình kiến tạo chủ quan; nó không có quy tắc chuẩn và cũng không muốn bị lệ thuộc vào những mô hình khoa học mà dịch thuật được hiểu như một sự mã hóa. Tuy vậy, tính tự do ấy không đồng nghĩa với tính tự do kiến tạo của phỏng dịch [3] .


Đòi hỏi của dịch thuật

Làm việc với dịch thuật, người dịch bao giờ cũng vừa là tác giả vừa không phải là tác giả, vừa là người nói vừa không phải là người nói; mọi diễn đạt vừa là của anh ta, vừa không phải của anh ta. Mặc dầu giữ hai vai trò độc lập, người dịch cũng không được độc lập mà bị ràng buộc vào tính độc lập của văn bản gốc để đảm bảo tính tương đương.
Tất nhiên bản dịch phải tương đương với bản gốc. Ðó là đòi hỏi của dịch thuật. Một bản dịch lý tưởng nhất là một bản dịch hoàn toàn tương đương với bản gốc từ nội dung cho tới hình thức. Song trong thực tế, rất khó thỏa mãn được yêu cầu này vì lý do: sự khác biệt giữa ngôn ngữ và ngôn ngữ. Cũng cùng một nội dung, nhiều khi ngôn ngữ này dùng từ ngữ, đặt câu thế này, ngôn ngữ kia lại dùng từ ngữ, đặt câu thế khác. Hoặc, cũng cùng một câu nhưng ý nghĩa lại khác nhau. Dẫu vậy, điều đòi hỏi căn bản của dịch thuật vẫn là làm sao diễn đạt được ý nghĩa của văn bản gốc một cách trung thực. Cụ thể là ít nhất người dịch phải thỏa hai điều kiện chính, một là nhuần nhuyễn ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch, hai là, tùy lĩnh vực, phải nắm được những hậu cảnh văn hóa, xã hội, lịch sử, khoa học kỹ thuật, ... và kể cả quan niệm thẩm mỹ trong nguyên tác.

Koller đề nghị người làm công việc dịch thuật nên lưu ý đến "5 tính tương đương" sau đây (s. s. Koller, 1992:216):
  • Tương đương nghĩa hẹp (Denotative Äquivalenz)
    Nghĩa hẹp được hiểu là nghĩa chính về mặt từ vựng của một từ chưa bị người sử dụng biến đổi. Tính tương đương nghĩa hẹp đòi hỏi ý nghĩa từ vựng của hai văn bản phải tương đương bất kể ngôn ngữ. Có ít nhất 6 loại quan hệ tương đương:


    • Quan hệ 1:1 (1 ứng 1):Một từ tương đương với một từ. "vườn" (Việt) tương đương "garden" (Anh), "Garten" (Ðức)
    • Quan hệ 1:n (1 ứng n):Một từ tương đương với nhiều từ. "tự động" (Việt) tương đương "automatisch", "selbsttätig" (Ðức)
    • Quan hệ n:1 (n ứng 1):Nhiều từ tương đương với một từ. "hổ", "cọp" (Việt) tương đương "tiger" (Anh), "Tiger" (Ðức)
    • Quan hệ m:n (m ứng n):Nhiều từ tương đương với nhiều từ. Trong trường hợp này, một ngôn ngữ có thể có nhiều từ hoặc ít từ hơn ngôn ngữ kia. "mẹ", "má", "mạ" (Việt) tương đương "Mutter", "Mutti", "Mami" (Ðức)
    • Quan hệ 1:0 (1 ứng 0):Một ngôn ngữ có một hay nhiều từ mà ngôn ngữ kia không có. "bể dâu", "trống canh", "đồng bào" (Việt). Tiếng Ðức, tiếng Anh không có.
    • Quan hệ tương đương từng phần. Một ngôn ngữ có một từ gần nghĩa với một từ của ngôn ngữ kia. Những tiếng xưng hô của tiếng Việt như "anh", "em", "mày", "mi",  "con", ... gần nghĩa với "Du" của tiếng Ðức, "Tu" của tiếng Pháp [4] . Hoặc "Onkel" của tiếng Đức gần nghĩa với "bác", "chú", "cậu" của tiếng Việt.
  • Tương đương nghĩa rộng (Konnotative Äquivalenz)Nghĩa rộng được hiểu là ý nghĩa của một từ đã được mở rộng. Ý nghĩa thay đổi tùy người sử dụng và/hoặc ngữ cảnh, hoàn cảnh. Tính tương đương nghĩa rộng còn đòi hỏi sự lưu ý đến những từ được sử dụng như một ẩn dụ hoặc từ gần nghĩa (trong tiếng lóng, tiếng địa phương, ... ).
    • Nghĩa rộng của "đầu" (Việt) là hiểu biết (có đầu óc), tương đương với "Kopf" (Ðức)
    • Nghĩa rộng của "tim" (Việt) là tấm lòng (có trái tim), tương đương với "Herz" (Ðức)

  • Tương đương văn bản chuẩn (Textnormative Äquivalenz)
    Văn bản chuẩn được hiểu là những văn bản được lập thức (formulieren) một cách chuẩn xác (normativ)để được mọi người hiểu một cách thống nhất. Tiêu biểu là văn bản hiến pháp, văn bản luật, văn bản hành chính, văn bản hướng dẫn sử dụng, văn bản khoa học kỹ thuật, ...
    Văn bản chuẩn có tính hiển ngôn và độ chính xác cao. Ý nghĩa chính hoặc quan trọng được diễn tả bằng thuật ngữ hay từ chuyên môn. Cách đặt từ, câu cú có phong cách riêng. Phong cách viết chuyên luận khoa học khác phong cách viết hiến pháp, phong cách viết luật khác phong cách viết văn kiện hợp đồng, ... Tính tương đương văn bản chuẩn đòi hỏi bản dịch phải có độ chính xác cao hầu như tuyệt đối. 

  • Tương đương ngữ dụng (Pragmatische Äquivalenz)
    Để diễn tả một ý nghĩa, nhiều khi cách hành ngôn của hai ngôn ngữ không giống nhau và không thể dịch 1:1, tức dịch sát từng chữ một. Trong trường hợp này, người dịch phải theo cách hành ngôn của ngôn ngữ dịch. Ví dụ:
    "Good Morning, Mr. Hung" không thể dịch 1:1 sang tiếng Việt thành "Chào buổi sáng, ông Hùng" vì người Việt không có lối hành ngôn "chào buổi sáng", "chào buổi tối", ... giống người Tây phương. Ở đây chỉ có thể dịch thành "Chào ông Hùng". "What is your name?" không thể dịch 1:1 sang tiếng Việt thành "Tên anh là gì?". Người Việt không hỏi vậy mà là hỏi "Anh tên là gì?" theo nguyên tắc Ðề-Diễn (Theme-Rheme) [5] (Dũng Vũ 2003:36) hoặc "Anh tên gì?"

  • Tương đương mỹ hình (Formal-ästhetische Äquivalenz)
    Tương đương mỹ hình được hiểu là tương tự về mặt thẩm mỹ trong việc tạo hình. Tính cách này có ý nghĩa đặc biệt đối với những tác phẩm văn chương. Từ vựng, cú pháp, văn phong, lối dàn dựng văn bản dịch phải được kiến tạo sao cho đạt được tác dụng thẩm mỹ tương tự văn bản gốc.
    Dịch văn chương cần nhiều cảm xúc, song không có nghĩa là tùy tiện. Trái lại, người dịch phải thật kỷ luật để tránh những kiến tạo thiếu kiểm soát, vụng về có thể làm cho bản dịch lệch ý bản gốc hoặc mất tính văn chương. Người dịch cần phân tích kỹ lưỡng tính tương đương theo nhiều phạm trù: niêm luật, biến thể, âm điệu, đặc biệt là phong cách diễn đạt dựa vào lối chơi chữ, ẩn dụ, từ vựng và cú pháp.

    "...
    Mais, vrai, j'ai trop pleuré. Les aubes sont navrantes,
    Toute lune est atroce et toul soleil amer.
    L'âcre amour m'a gonflé de torpeurs enivrantes.
    Oh ! que ma quille éclate ! Oh ! que j'aille à la mer !
    ... "
    (Le bateau ivre - Arthur Rimbaud, 1872)

    Thi đoạn trên là một phần được trích từ nguyên bản Le bateau ivre của Arthur Rimbaud. Mỗi thi đoạn như vậy gồm có bốn dòng và có vần. Bản dịch tiếng Ðức của Walther Küchler dưới đây cố giữ nguyên hình thức ấy:
    "...
    Ich hab zuviel geweint. Weh tun die Morgenhellen,
    Wahr, jeder Mond ist bös und jede Sonne Leid.
    Die bittre Liebe ließ zu starrem Rausch mich schwellen.
    Oh ! bräche doch mein Kiel ! O Meer, ich bin bereit !
    ... "
    (bản dịch tiếng Ðức: Das trunkene Schiff - Walther Küchler (1978))
    Khác với hình thức dịch của Küchler, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Chí Trung [6] bên dưới thể hiện rõ tính tương đương mỹ hình. Vì lý do khó diễn tả ý nguyên tác trong bốn dòng, tác giả đã chọn một hình thức tạo hình tương tự: mỗi thi đoạn gồm sáu dòng. Ðể diễn tả vần, tác giả chọn thể thơ lục bát:
    "...
    Quả thật, ta khóc nhiều rồi.
    Bình minh bi thống. Mặt trời đắng cay,
    Mặt trăng tàn nhẫn. Tình này
    Tình khắc nghiệt cho ta say mê hồn
    Ván thuyền ôi hãy vỡ luôn !
    Ôi ! Cho ta mất vào nguồn biển sâu !
    ... "
    (bản dịch tiếng Việt: Con tàu say - Nguyễn Chí Trung (2000))
    Dù người dịch được tự do sáng tạo bằng một hình thức tương tự nhưng đôi lúc vẫn không tránh khỏi những trường hợp bất khả dịch, chẳng hạn như cách chơi chữ của bản gốc. Gặp trường hợp này, thay vì bỏ qua, người ta thường để nguyên những cụm từ nguyên gốc và bình luận, giải thích thêm ở phần chú thích (sẽ nói sau).

    Tóm lại, theo Koller, đó là 5 tính tương đương cần lưu ý trong dịch thuật. Một bản dịch càng đạt khi càng thỏa các tính tương đương ấy, đặc biệt là tính tương đương mỹ hình.
Vấn đề dịch thuật

"Ngôn ngữ bất đồng" là nguyên nhân chính của mọi vấn đề có liên quan đến dịch thuật. Có những vấn đề nội tại của ngôn ngữ, có những vấn đề phát sinh. Có những vấn đề khách quan, có những vấn đề chủ quan. Vấn đề tồn tại khắp nơi: trong thực hành (tỉnh lược, bổ sung, dịch tự do, . . ), trong từ ngữ, thành ngữ (tên riêng, lối chơi chữ, ẩn dụ), trong ngữ pháp, cú pháp, ngữ nghĩa, dụng pháp, ...
  • Tỉnh lược
    Tỉnh lược được hiểu là lược bỏ một từ, đoạn câu, câu của văn bản gốc vì một lý do nào đó trong quá trình dịch. Hành động này có thể dẫn đến hai kết quả: bản dịch hoặc mất thông tin cần thiết, hoặc mất thông tin không cần thiết.
    Mất thông tin cần thiết là hậu quả của việc dịch thiếu. Dịch thiếu có thể vì lý do kiểm duyệt, hoặc chủ ý dịch lướt, dịch tóm tắt, hoặc thiếu kiến thức ngôn ngữ. Ngược lại, lược bỏ những thông tin dư thừa, không thực dụng đối với ngôn ngữ dịch thì lại hữu lý. Câu người Anh nói "Good morning Mr. Bush" dịch sang tiếng Việt thành "Chào ông Bush" là hữu lý. Từ "morning" được lược bỏ vì người Việt không có lối hành ngôn "chào buổi sáng".
  • Bổ sung
    Thường thì không có lý do gì để bổ sung vào bản dịch những ý tưởng không tồn tại trong bản gốc. (Chẳng hạn không thể dịch "Kiều" thành "Das Mädchen Kiêu" (Người con gái Kiều) theo cách dịch của Faber ở ví dụ bên dưới, bởi trong tựa đề "Kiều" không có cụm từ "người con gái") [7] . Bổ sung chỉ có ý nghĩa khi người dịch muốn lập câu cho đúng ngữ pháp ngôn ngữ dịch hoặc muốn làm rõ ý tác giả, ẩn dụ bằng cách ghi chú, giải thích (ở phần chú thích). Ví dụ:
    • Lập câu đúng ngữ pháp:Tiếng Anh (văn bản gốc): He has done his duty, as we have ours. Tiếng Việt (văn bản dịch): Hắn đã làm tròn bổn phận của hắn cũng như chúng ta đã làm tròn bổn phận của chúng ta.
      Mệnh đề sau của văn bản gốc được hiểu ngầm là "as we have done our duty". Hai phần tử "done""duty" bị lược bỏ, một dạng tỉnh lược (Ellipse) thường dùng trong tiếng Anh. Về mặt ngữ dụng, người Anh có thể hành ngôn như thế nhưng người Việt thì không. Không thể dịch văn bản tiếng Anh bên trên sang tiếng Việt thành "Hắn đã làm tròn bổn phận của hắn cũng như chúng ta đã của chúng ta" (= "as we have ours"). Bởi mệnh đề sau ("chúng ta đã của chúng ta") không đúng ngữ pháp tiếng Việt, nên mới cần được bổ sung bằng cụm từ "làm tròn bổn phận" : "cũng như chúng ta đã làm tròn bổn phận của chúng ta".
    • Ghi chú, giải thích: Tiếng Việt (văn bản gốc):
      "...
      Cung thương làu bậc ngũ âm
      Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
      Khúc nhà tay lựa nên xoang,
      Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân... . "
      (Kiều - Nguyễn Du)
      Tiếng Ðức (văn bản dịch):
      "... Wer
      vermochte es wie sie,
      den Reigen der
      fünf Töne zu gestalten ?
      In ihren Händen blühte das
      Gitarrenspiel der Hô, erwachten neu
      die Lieder ferner Zeit.
      Wen rührten nicht
      die Klänge des Bac-Mênh !
      ... "
      (Das Mächen Kiêu - Faber (1964:16))

      Dịch giả chú thích:
      Gitarrenspiel der Hô - Anspiellung auf die Geschichte der Chiêu Quân, die mit ihrem herrlichen Gitarrenspiel die Hô begeisterte, bei denen sie als Geisel leben mußte.

      Bac-Mênh -
      ungerechtes Los. Damit ist besonders das Schicksal jener Frauen gemeint, die die Lebensumstände zwangen, ihren Körper zu verkaufen.


      Theo quan niệm của người trung thành với "nguyên tắc khả diễn", tiêu biểu là R. J. Searle, thì: Mọi thứ được ám chỉ đều có thể diễn tả được bằng ngôn ngữ. Xét về mặt lý thuyết, suy nghĩ này không sai. Chẳng hạn như có một từ tiếng Việt mà tiếng Ðức không có, người ta vẫn có thể diễn tả được ý nghĩa của nó bằng một câu, bằng nhiều câu, bằng biện pháp chú thích (như ví dụ bên trên). Song trong thực tế, không thể thay thế một từ nằm trong một bài thơ có luật (v. d. lục bát) bằng cách nhét một đống lời chú thích vào vị trí ấy.

  • Dịch lệch ýVấn đề dịch lệch ý rất thường xảy ra trong dịch thuật. Người đọc không thể nào thấy lỗi này nếu không có bản gốc để mà đối chiếu. Nguyên nhân của dịch lệch ý thường là:
    • thiếu thẩm năng ngôn ngữ. Ví dụ người dịch rất giỏi tiếng Việt (ngôn ngữ dịch) nhưng yếu tiếng Anh (ngôn ngữ gốc), hoặc ngược lại.
    • không nắm vững tư tưởng, tính văn hóa, xã hội, tôn giáo, lịch sử, ... của nguyên tác. Ví dụ, Allah là Chúa của tín đồ Hồi giáo nhưng thường được dịch sang tiếng Việt là thánh Allah.
    • thiếu kiến thức chuyên môn. Ví dụ nguyên bản là một chuyên luận nói về tin học, nhưng người dịch lại không có hoặc có rất ít kiến thức về lĩnh vực này, kể cả những kiến thức liên quan đến nó.
    • tái dịch một văn bản đã được dịch từ văn bản gốc. Ví dụ dịch lại một bản tiếng Anh đã được dịch từ nguyên bản tiếng Ðức. Hoặc dịch lại một từ tiếng Anh đã được dịch từ một từ tiếng Pháp.
    • thiếu cẩn thận, thiếu kiên nhẫn. Ví dụ dịch sai một từ vốn quen thuộc, hoặc thiếu kiên nhẫn tìm hiểu ý nghĩa thật của từ gốc.
    • thiên vị, xuyên tạc. Ví dụ cách dịch tiếng xưng hô ngoại ngữ sang tiếng Việt: "he" (tiếng Anh) được dịch thành "Người", "ngài", "ông ta", ... nếu nhân vật ấy được kính trọng, còn không, rất dễ bị dịch thành "nó", "hắn", ... Nét cá biệt của tiếng xưng hô trong ngôn ngữ (điển hình là tiếng Việt) cũng là một trong những vấn đề dịch thuật.
    • dịch tự do (xem bên dưới).

  • Dịch tự do
    Dịch tự do là cách dịch không theo sát câu cú mà chỉ nắm ý văn bản gốc rồi hành ngôn theo ngôn ngữ dịch. Lợi điểm của cách dịch này là lời văn nghe tự nhiên hơn. Trái lại, nhược điểm của nó là vì được tự do, cho nên thường xảy ra hiện tượng biến tấu tùy tiện, quá đà, đặc biệt là đối với những văn bản mang tính tinh thần như triết học, thần học, văn chương. Nên nhớ, mỗi văn bản đều gắn chặt với mối tương quan văn hóa nhất định; người dịch cần tôn trọng điểm này của văn bản gốc. Thiếu kỷ luật, người dịch dễ làm hỏng tính tương đương mỹ hình, dễ làm lệch ý văn bản gốc; thậm chí công việc đang làm không còn có nghĩa là dịch nữa mà là phỏng tác, phỏng dịch.

  • Ða nghĩa
    Ða nghĩa là một vấn đề lớn của dịch thuật. Đôi khi có một từ đa nghĩa trong bản gốc được hiểu theo nhiều nghĩa mà không thể diễn tả được hết bằng ngôn ngữ dịch.
    "Bà già đi chợ cầu Ðông,
    Hỏi thăm thày bói có chồng lợi chăng.
    Thày bói xem quẻ nói rằng,
    Lợi thì có lợi nhưng răng không còn. "
    Chữ "lợi" trong bài ca dao trên có hai nghĩa: ích lợi và nướu răng. Có lẽ không có một thứ tiếng nào ngoài tiếng Việt có một từ chứa hai nghĩa ấy. Nếu vậy, muốn diễn tả đủ ý thì phải dùng đến hai từ, và vì thế mà bản dịch sẽ mất hay. Đây là một trường hợp mà giới trung thành với nguyên tắc khả diễn phải bó tay.
    Trong trường hợp này, nếu chấp nhận giải pháp dịch sát, người dịch phải kèm theo chú thích.
  • Tên riêngTên riêng được ví như một nhãn hiệu, một biểu tượng có nghĩa dành riêng cho một cá thể. Theo nguyên tắc tôn trọng biểu tượng cá nhân, không nên dịch tên riêng. Ví dụ, "Formel 1" là tên một giải đua xe quốc tế thường thấy báo chí quốc nội dịch sang tiếng Việt thành "Công thức 1". Nếu cái tên đã có nghĩa thì nó nên nói với người đọc bản dịch đúng cái nghĩa mà nó đã nói với người đọc bản gốc(Güttinger 1963:79). Do đó, thay vì dịch, chỉ nên ghi chú khi cần thiết. Ngoài ra, phiên âm tên riêng cũng là một điểm cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Cách thức này chỉ hợp lý và cần thiết khi chữ viết của ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch không có cùng một hệ thống ký tự (v. d. tiếng Việt dùng hệ thống ký tự Latinh, tiếng Hoa dùng hệ thống ký tự Hán). Còn không, nên giữ đúng tên riêng của nguyên bản, không nên biến hóa tên riêng bằng cách phiên âm như "Goethe" thành "Gớt", "Karl Marx" thành "Các Mác", "Alexandre de Rhodes" thành "A-lếch-xăng Đờ Rốt" ... [8] .
  • Chơi chữ
    Chơi chữ là một cách hành ngôn đặc thù của ngôn ngữ thơ. Hình thức này rất khó dịch hoặc không dịch được ngoài biện pháp cắt nghĩa. Hồ Xuân Hương là một ví dụ nổi tiếng về nghệ thuật chơi chữ của Việt Nam.

  • Nói lái"Ðang cơn nắng cực chửa mưa tè
    Rủ chị em ra tát nước khe. "
    ...
    (Tát nước- Hồ Xuân Hương) 
  • Cụm từ nói lái được: "nắng cực".

  • Ðối"Da trắng vỗ bì bạch"Câu đối này rất khó dịch hoặc không thể dịch được sang một ngôn ngữ khác (Anh, Ðức, Pháp, ... )
    • Tượng thanh, tượng hìnhTượng thanh, tượng hình là một trong những nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong văn chương. Rất khó dịch, nhất là cần có vần, có điệu.Một vài ví dụ:
      Tượng hình, sống động:
"Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá ?
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không. "

(Ðánh đu- Hồ Xuân Hương)

Tượng thanh lẫn tượng hình:
"Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau
Con cò mấp máy suốt đâm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau,
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả,
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau. "
...
(Dệt cửi- Hồ Xuân Hương)
Một cách tạo từ của Hồ Xuân Hương khiến dịch giả phải đầu hàng:

"Trời đất sinh ra đá một chòm.
Nứt ra đôi mảnh hỏm hòm hom.
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẽn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm,
Con đường vô ngạn tối om om. "
...
(Hang cắc cớ- Hồ Xuân Hương)

Các cụm từ không dịch được: "hỏm hòm hom", "toen hoẽn", "phập phòm".
  • Ẩn dụ, thành ngữẨn dụ là một phép dùng một đối tượng cụ thể có nghĩa đen ngầm ám chỉ một điều gì đó theo nghĩa bóng. Thành ngữ cũng có tính nói bóng gió tương tự. Ví dụ, người Ðức có lối diễn tả một cái gì đã "xưa rồi", "cũ rồi", "lỗi thời rồi" bằng cách nói "Schnee vom gestern" (dịch sát chữ thành "tuyết hôm qua"; ý muốn nói là tuyết cũ, đã vữa). Người Việt không có thành ngữ chứa ẩn dụ ấy. Ngược lại, những cách nói như "Tre già, măng mọc", "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", "Buôn phấn, bán hương", ... có lẽ chỉ có người Việt mới hiểu nổi. Ẩn dụ, thành ngữ thường mang tính địa phương, dân tộc; cho dù có dịch được nhưng chưa chắc người lạ đã hiểu được nghĩa ám chỉ, nếu không nhờ chú thích.

  • Vần, thanh điệuMỗi ngôn ngữ đều có vần song không hẳn đã là một ngôn ngữ thanh điệu (Tonsprache). Tiếng Việt là một ngôn ngữ thanh điệu tiêu biểu của vùng Ðông Á. Đối với loại ngôn ngữ này, thanh điệu là một trong những yếu tố quyết định chữ/tiếng [9] . Tiếng Việt có 6 thanh điệu được ký hiệu bằng dấu sắc, hỏi, huyền, ngã, nặng và không dấu. (V. d. : cộng 6 nét thanh điệu trên với chữ "ma" , ta sẽ được 6 chữ khác nhau: "má", "mả", "mà", "mã", "mạ", "ma"). Trong thơ có luật, thanh điệu còn được chia ra hai loại "bằng" và "trắc":
    "Trải qua một cuộc bể dâu,
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. "
    (Kiều - Nguyễn Du)
    Theo thi luật lục bát, tiếng thứ 6 ("dâu") của câu lục và tiếng thứ 6 ("đau") của câu bát bên trên có thanh bằng và cùng vần. Khó có thể dịch một bài thơ lục bát vừa đúng thanh điệu vừa đúng vần sang một ngôn ngữ phi thanh điệu như tiếng Anh, tiếng Ðức. Muốn dịch loại thơ này, có lẽ phải dùng đến lối kiến tạo tương đương mỹ hình.
[1] Riêng tại Đức, Khoa học dịch thuật (Übersetzungswissenschaft) là một bộ môn khoa học quen thuộc được giảng dạy trong nhiều đại học như: Uni Saarland (www. uni-saarland. de), Uni Bonn (www. philfak. uni-bonn. de), Uni Leipzig (www. uni-leipzig. de), Uni Heidelberg (www. zuv. uni-heidelberg. de), Uni Berlin (www. hu-berlin. de), v. v.
[2] Dịch tự động (automatische Übersetzung) là một ứng dụng ngôn ngữ tự nhiên trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (Künstliche Intelligenz, artificial intelligence).


[3]Phỏng dịch có tính cách vay mượn ý tưởng nguyên tác để làm thành một sản phẩm mới bằng một ngôn ngữ mới hơn là trung thành với ý tưởng nguyên tác. Kiến tạo trong phỏng dịch hoàn toàn mang tính chủ quan từ nội dung cho tới hình thức. Nó không lệ thuộc vào một bài bản, khoa học nhất định. Không có một thước đo nào xác định được giá trị nghệ thuật của sản phẩm phỏng dịch với tư cách như là một sản phẩm dịch thuật.
[4]"Du", "Tu" có tính trung hòa, chứ không hẳn là "mày", "mi" như tiếng Việt (thường được dịch như thế). Đặc điểm chung của tiếng xưng hô trong tiếng Việt là rất phong phú, tinh vi về mặt cá nhân, tôn ti và tinh thần giao tế, nhưng cũng chính vì đó mà thiếu tính trung hòa.
[5]Nhìn chung, trong ngôn ngữ Âu châu, hiện tượng chủ ngữ trong câu không tương ứng với vị từ (predicate) (động từ, tính từ) ít xảy ra hơn so với tiếng Việt. Ðối với người Việt, khi bắt đầu muốn diễn tả điều gì, họ sẽ nghĩ ngay đến một chủ thể. Nó có thể là một người gây ra hành động, tức một tác nhân (actor). Loại đối tượng này được gọi là chủ thể logic (logical subject). Hoặc nó cũng có thể là một chủ đề (theme). Loại đối tượng này được gọi là chủ thể tâm lý (psychological subject). Hoặc nó là chủ thể trong câu. Loại chủ thể này được gọi là chủ thể ngữ pháp (grammatical subject) hay chủ ngữ ngữ pháp (xem Halliday 1994:32). Có chủ thể rồi, người nói sẽ tìm cách diễn giải. Diễn giải không có gì khác hơn là thuyết minh, định nghĩa, miêu tả, giải thích, bổ sung ý nghĩa cho cái chủ thể muốn nói hoặc giới thiệu phần thông báo từ chủ thể ấy. Tạm gọi đây là nguyên tắc Ðề-Diễn (Theme-Rheme). Ví dụ:

  • Anh tên là gì ?
  • Anh người nước nào ?
Chủ thể tâm lý là nhân vật "anh", tức chủ thể muốn nói. Trước nhất phải có đối tượng này. Kế tiếp, người nói sẽ kèm thêm một câu, mệnh đề, thành tố theo sau như một hình thức bổ nghĩa, nói thêm về đối tượng đó. "Tên", "người" là các chủ thể ngữ pháp.
Tương tự lý thuyết Đề-Diễn được Halliday giới thiệu là lý thuyết Đề-Thuyết của Cao Xuân Hạo (1998:420), (2000). Không rõ có phải hai lý thyết này là một hay không, vì không thấy Cao Xuân Hạo nhắc tới Halliday. Cả khái niệm chủ thể tâm lý cũng không thấy Cao Xuân Hạo đề cập đến.
[6]Nguyễn Chí Trung còn dịch một số tác phẩm thi ca thế giới sang tiếng Việt (Brot und Wein – Hölderlin, Faust I – Goethe, Die letzten Gedichten – Ernst Meister, ... ). Anh được biết đến qua sinh hoạt dịch thuật của Goethe Institut, Hà Nội (99, 2000). Dr. Nguyễn Chí Trung hiện sống tại Stuttgart và làm việc chủ yếu về dịch thuật.
[7]Thực ra, chủ ý của tác giả là muốn cho độc giả Tây phương biết nhân vật Kiều là phái nữ. Tuy vậy, thay vì cho biết phái tính của Kiều ngay trong tựa đề thì ghi chú trong phần chú thích có lẽ vẫn là cách hay hơn.
[8]Phiên âm có thể giúp người đọc phát âm được một từ lạ, nhưng rất tai hại khi cách viết mặt chữ nguyên thủy bị biến hóa làm người đọc không thể tra cứu được. Hơn nữa, cách phát âm chưa hẳn đã đúng. Chắc chắn người Đức khi nghe một người Việt nói "Các Mác" (Karl Marx, một tên riêng của Đức), họ sẽ không hiểu đó là cái gì.
[9]Đơn vị cú pháp nhỏ nhất (minimal syntax unit) trong ngôn ngữ Âu châu là từ, còn trong tiếng Việt là chữ/tiếng. Xét về mặt viết thì gọi là chữ, xét về mặt phát âm thì gọi là tiếng. Từ của tiếng Việt là sản phẩm của một (tổ hợp) chữ/tiếng. .


--------------------------------------------------------------------------- 

Ngữ pháp, cú pháp, ngữ nghĩa, dụng pháp

Làm việc với dịch thuật, người dịch không những chỉ đương đầu với những vấn đề nội tại của nó mà còn vướng phải những vấn đề do chính mình gây ra. Thông thường, thiếu thành thạo ngôn ngữ gốc là nguyên do khiến một bản dịch không đạt. Ví dụ, người dịch rất giỏi tiếng Anh nhưng yếu tiếng Ðức, cho nên khó có thể dịch một văn bản tiếng Ðức sang tiếng Anh một cách hoàn hảo. Thế nhưng lại có trường hợp trái ngược là người dịch vốn thành thạo ngôn ngữ dịch, nhưng sau một thời gian làm việc dịch thuật, thẩm năng này bị yếu dần. Ví dụ, một dịch giả Việt Nam vốn rất giỏi tiếng Việt; sau một thời gian dịch tiếng Anh sang tiếng Việt, tiếng Việt của anh ta dần dần hóa thành tiếng Anh.

Bị ngôn ngữ gốc ảnh hưởng là một hiện tượng thiếu bản lĩnh ngôn ngữ điển hình. Thiếu bản lĩnh ngôn ngữ, người dịch có thể làm hỏng ngôn ngữ mình thông thạo lúc nào không biết. Thực chất của vấn đề này chẳng qua là do thiếu kiến thức lý thuyết ngôn ngữ (cú pháp, ngữ pháp, ngữ nghĩa, dụng pháp). Thiếu các vốn liếng đó, người dịch khó hiểu được sự khác biệt về cấu trúc giữa hai ngôn ngữ (ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch). Do đó, thay vì chỉ nên làm công việc chuyển tải tinh thần nội dung đúng theo nghĩa dịch thuật, người dịch đã vô tình làm thêm một công việc nữa là chuyển tải cả cấu trúc ngôn ngữ gốc vào ngôn ngữ dịch. Vấn đề này càng dễ xảy ra khi dịch sát chữ. Người đọc tiếp cận những cấu trúc lạ, quen dần, và tiếp tục truyền bá trong cộng đồng ngôn ngữ của mình. Cuối cùng, cấu trúc ngôn ngữ dịch bị cấu trúc ngôn ngữ gốc đồng hóa. Thế nhưng không toàn phần mà chỉ từng phần. Chính vì từng phần mà hệ thống cấu trúc ngôn ngữ bị pha trộn lộn xộn, mất tính thuần nhất. Một ví dụ:

Cấu trúc câu tiếng Anh thường có dạng: Subject + Verb + Object (SVO).
My name           is              John
(Subject)       (Verb)        (Object)
"Is" trong câu trên đóng vai động từ (được chia từ động từ nguyên mẫu "to be") được dùng cho chủ ngữ "My name". Đây là loại chủ ngữ ngữ pháp (grammatical subject) (chủ thể ngữ pháp). Nó bắt buộc phải có để câu đừng sai ngữ pháp.

Cấu trúc câu tiếng Đức tương tự vậy ("Mein Name ist John"). Nói chung, đây là một cấu trúc câu mẫu theo mô hình chủ vị (Subject-Predicate) tiêu biểu của ngôn ngữ Âu châu.

Dịch sát câu tiếng Anh trên sang tiếng Việt, ta có câu: "Tên tôi là John". Trong thực tế, đây không phải là lối hành ngôn của người Việt. Thay vì vậy, người Việt nói "Tôi tên là John". Câu này có đến hai chủ ngữ: "Tôi", "tên". Rất có thể vì không thể giải thích cấu trúc của nó theo mô hình SVO, mà sẽ có người cho rằng, câu này sai ngữ pháp. Suy nghĩ này không đúng. Thực ra phải nói rằng, vì cấu trúc SVO bị giới hạn nên mới không giải thích được loại cấu trúc Đề-Diễn của những ngôn ngữ khác ngôn ngữ Âu châu, điển hình là tiếng Việt, tiếng Hoa.

Nên hiểu rõ vấn đề là, trong quá khứ, mọi lý thuyết ngữ pháp Tây phương đều được dựng nên từ nền tảng cấu trúc ngôn ngữ Âu châu. Ngôn ngữ của phần thế giới còn lại hầu như không được khảo cứu. Đến khi gặp gỡ những ngôn ngữ phi Âu châu (như tiếng Việt, Hoa, Nhật, Đại Hàn, Nam Dương, Thái, Tagalog, ... ), các nhà ngôn ngữ học Tây phương mới ngộ ra rằng: Không phải ngôn ngữ nào cũng giống ngôn ngữ Âu châu như người ta hằng tưởng. Cho nên không thể cắt nghĩa cấu trúc những ngôn ngữ ấy một cách hoàn hảo bằng những lý thuyết ngữ pháp Âu châu cổ điển được. Và logic là vậy. Nhận thấy được điều ấy, giới ngôn ngữ học hiện đại mới đưa ra những lý thuyết ngữ pháp mới để giải quyết vấn đề này. Cụ thể là Ngữ pháp chức năng (Functional Grammar) (Halliday 1994), Ngữ pháp chức năng từ vựng (Lexical Functional Grammar) (Bresnan 1982), Head-Driven Phrase Structure Grammar (HPSG) (Pollard, Sag 1994). Ví dụ "Tôi" "tên" trong cấu trúc "Tôi tên là John" có thể giải thích bằng ngữ pháp chức năng như sau: "Tôi" là chủ thể tâm lý, "tên" là chủ thể ngữ pháp. (Xem thêm chú thích [4] của kỳ trước hoặc tài liệu tham khảo).

Hiểu được một từ lạ trong văn bản gốc mà ngôn ngữ dịch không có đã là một điều khó, dịch được nó lại càng khó. Gặp trường hợp này, người dịch chỉ có hai lựa chọn: hoặc để nguyên từ nguyên gốc, hoặc tạo ra một từ mới.

Ðể nguyên từ nguyên gốc (và kèm theo chú thích) là cách đơn giản nhất. Chọn cách này chưa hẳn vì lý do nhàn hạn mà có thể vì không dịch được.

Tạo từ mới có hai cách: hoặc phiên âm từ gốc, hoặc tạo ra một từ mới hoàn toàn.

Phiên âm là biện pháp bản ngữ hóa một từ lạ của một ngoại ngữ thành một từ mới của bản ngữ. Từ mới thường có dạng viết gần giống từ gốc và được ghi âm theo cách phát âm của bản ngữ. "Café" (tiếng Pháp) được phiên âm (Việt hóa) thành "cà phê" (tiếng Việt).

Tạo một từ mới hoàn toàn là biện pháp khó nhất. Nó đòi hỏi người dịch phải thấu hiểu ngữ nghĩa của từ gốc và kiến thức về cách tạo từ sao cho đúng cú pháp của từng ngôn ngữ (ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch). Ngoài những phạm trù ngôn ngữ, người dịch còn phải để ý tới nhiều yếu tố khác như lĩnh vực của đối tượng dịch, kiến thức chuyên môn, hậu cảnh văn hóa, xã hội, lịch sử, nghệ thuật, ... Thậm chí muốn dịch một số lượng lớn thuật ngữ, người dịch còn cần có bài bản, hệ thống quy tắc dịch thuật thống nhất. Thử lấy lĩnh vực tin học làm ví dụ:

Tin học là một ngành khoa học mới mẻ, đại diện cho thời đại thông tin. Có rất nhiều khái niệm mới đã ra đời từ khoa học này. Mỗi khái niện cần có một cái tên gọi (hardware, software, ... ). Việc dịch thuật thuật ngữ tin học sang bản ngữ đã trở nên cần thiết đối với những xứ phát triển. Bởi số lượng thuật ngữ quá lớn và ngày càng tăng nhanh chóng, cho nên công việc dịch thuật càng trở nên phức tạp, từ đó, đã nảy sinh ra nhiều vấn đề. Điển hình là bài học kinh nghiệm Việt Nam.

Chỉ cần nhìn sơ qua một số thuật ngữ tin học được dịch sang tiếng Việt và đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam như thể đã được công nhận là những sản phẩm dịch thuật hoàn hảo, không cần điều chỉnh, bất kỳ người hiểu biết nào cũng có cùng một nhận xét rằng, dịch thuật thuật ngữ tin học ở Việt Nam ngay từ đầu đã thiếu hẳn bài bản. Nó có tính cách tự phát từ cá nhân hơn là đã được nghiên cứu kỹ lưỡng xuyên qua một hội đồng ngôn ngữ chuyên tin học. Vài ví dụ:

"Phần cứng" (hardware), "phần mềm" (software) là hai thuật ngữ tin học rất quen thuộc. Hai sản phẩm dịch thuật này có vấn đề.

Theo tác giả hai sản phẩm trên, thì "ware" được hiểu là "phần", "soft""mềm", "hard" "cứng", ghép "phần" với "mềm" thành ra "phần mềm", ghép "phần" với "cứng" thành ra "phần cứng". Cách tạo từ này theo đúng quy tắc cú pháp tiếng Việt: danh từ (noun) + bổ ngữ (complement) (bổ ngữ có thể là tính từ hay danh từ):
"Phần"           + "mềm" = "phần mền"(danh từ)             (tính từ)
"Phần"           + "cứng" = "phần cứng"(danh từ)             (tính từ)
Khác với tính phóng khoáng của dịch thuật văn chương, dịch thuật khoa học cần tính hiển ngôn và thống nhất về mọi phạm trù ngôn ngữ (cú pháp, ngữ pháp, ngữ nghĩa) như có thể để đạt tính tương đương. Cách tạo từ trên đã thỏa tính thống nhất về mặt cú pháp theo quy tắc: danh từ + bổ ngữ. Nó cũng thống nhất luôn về mặt ngữ nghĩa qua cách hiểu "ware" "phần" (trong "phần cứng", "phần mềm"). Vậy, có thể tin rằng, kết quả dịch thuật đã hoàn hảo ? Câu trả lời là: cần xét lại !

Từ "ware" của tiếng Anh ("Waren" của tiếng Đức) thực ra không có nghĩa là "phần" (part) mà là "đồ", "hàng". Ngoài "hardware", "software", trong kho tàng thuật ngữ tin học còn có những từ khác cũng chứa chữ "ware" như: "freeware", "shareware", "bookware".

Để thống nhất theo cách dịch "hardware" thành "phần cứng", "software" thành "phần mềm", ta phải dịch "freeware" thành "phần miễn phí", "shareware" thành "phần chia sẻ", "bookware" thành "phần sách". Kết quả là những từ tối nghĩa và tự động đã không tự chứng minh được tính hiển ngôn, tính tương đương ngữ nghĩa.

Còn nếu cho rằng, trong trường hợp này, không nên dịch "ware" thành "phần", mà là "đồ", "hàng" chẳng hạn (nghe có vẻ hợp lý hơn), thì lại thiếu tính thống nhất. Đó là vấn đề.

Rất dễ đoán được vấn đề của sản phẩm "phần cứng", "phần mềm" từ đâu ra. Một là do thiếu hiểu biết về tin học. Hai là có hiểu biết nhưng vội vã, thiếu tầm nhìn xa. Người dịch chỉ nhìn thấy trước mắt "software", "hardware", "firmware" chứ không ngờ sẽ còn có những thuật ngữ khác nữa sẽ lần lượt xuất hiện như "freeware", "shareware", "bookware", ... và bị hố.

Kinh nghiệm dịch thuật đã chỉ ra rằng, cách ứng xử khôn ngoan nhất đối với một khoa học còn mới mẻ là nên theo sát từ ngữ, dịch sát từng ngữ nghĩa nằm trong đó.

Đối với tiếng Việt nói riêng, muốn làm được việc ấy, điều cần thiết trước nhất là chọn một hình thức tạo từ tiếng Việt tối ưu nhất (thống nhất về mọi phạm trù ngôn ngữ như có thể). Có hai lựa chọn, hoặc theo hình thức Việt, hoặc theo hình thức Hán-Việt. So sánh hai hình thức này với nhau, ta thấy hình thức Hán-Việt có nhiều ưu điểm hơn, chẳng hạn khả năng làm tiền tố/hậu tố, bổ nghĩa bên tay trái, cấu trúc từ chặt chẽ (không bị lẫn lộn với cấu trúc mệnh đề, cấu trúc từ Việt với lối bổ nghĩa bên tay phải), ... Hầu hết thuật ngữ tiếng Việt đều theo hình thức Hán-Việt cũng vì ưu điểm của nó. Hình thức dịch thuật danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn là một ví dụ điển hình [1] .

Chỉ cần phân tích sơ hai từ "phần cứng", "phần mềm" bên trên cũng đủ thấy công việc tạo từ khoa học không đơn giản chút nào. Còn nhiều yếu tố khác nữa cần lưu ý. Tất cả đều nằm trong lý thuyết ngôn ngữ. Lý thuyết ngôn ngữ có thể khô khan, phức tạp, thế nhưng đối với người làm công việc dịch thuật một cách nghiêm túc, đó là những cái thực sự cần thiết, không thể thiếu. (Có thể xem thêm tài liệu: Nguyễn Kim Thản (1997), Nguyễn Tài Cẩn (1999), Phan Khôi (1997), Nguyễn Đức Dân (1998)) [2] .

Thêm một vài vấn về dịch thuật văn chương, triết học

Câu hỏi phải dịch sát đến độ nào, được tự do đến độ nào đối với một văn bản văn chương vẫn còn là một đề tài tranh cãi suốt mấy trăm năm nay. Vấn đề chính vẫn nằm ở chỗ: tính đa dạng của văn bản văn chương. Theo nhóm ủng hộ lối dịch sát, dịch từng chữ một và trung thành tối đa với thể loại mới là biện pháp tốt nhất để đạt tính thẩm mỹ, tính đa nghĩa và tính nguyên gốc của văn bản gốc, kể cả việc bất phục tùng cú pháp ngôn ngữ dịch, nếu cần. Ðối nghịch lại quan niệm hướng người gửi ấy là quan niệm hướng người nhận của nhóm ủng hộ lối dịch tự do. Nhóm này cho rằng, dịch một văn bản một cách chủ quan chỉ có thể là một trong nhiều cách thức khả dĩ; sự chuyển tải tính đa dạng của văn chương thực ra chỉ bị ràng buộc vào cách thức ấy. Khó có thể tưởng tượng được điều, có hai dịch giả cùng dịch một văn bản gốc mà kết quả giống hệt nhau.

Để giải quyết xung đột này, Mounin (1967:19) đề nghị, dịch thuật văn chương nên hướng đến nguyên bản càng nhiều càng tốt, song không nhất thiết phải đi ngược lại văn phong, cú pháp, ngữ pháp của ngôn ngữ dịch. Cả hai ngôn ngữ (gốc và dịch) cần được tôn trọng giống như nhau. Được vậy, dịch thuật sẽ không còn thuần tính hướng người gửi hoặc hướng người nhận theo chủ trương của nhóm dịch sát cũng như của nhóm dịch tự do. Chẳng hạn, người dịch có thể diễn tả sát ý tưởng của Nguyễn Du bằng một thể thơ khác, thay vì lục bát; ngược lại, người dịch được quyền diễn đạt ý tưởng của Hölderlin bằng thể thơ lục bát hoặc một thể thơ nào đó.

Ngoài thể thơ có luật, đối tượng dịch thuật còn bao gồm các thể văn xuôi (truyện, kịch, ký, ... ). Sự giới hạn số chữ trong mỗi dòng thơ có luật thường là một chướng ngại vật khiến câu cú không thể theo đúng ngữ pháp. Song ở thể văn xuôi, câu cú không bị giới hạn này. Người dịch có thể hành ngôn đúng cú pháp, ngữ pháp, dụng pháp của ngôn ngữ dịch. Sử dụng đúng ngôn ngữ dịch trong văn xuôi vừa là một nghệ thuật và đồng thời là một điều kiện "phải" ("Muß"-Bedingung).

Ðiều kiện "phải" càng cần được lưu ý đối với loại văn bản tinh thần có tính tư duy nghiêm túc, tiêu biểu là văn bản triết học. Làm việc với loại văn bản này, điều đòi hỏi tuyệt đối là ngoài khả năng chuyển tải đúng nội dung nguyên bản, người dịch còn phải có khả năng diễn đạt đúng ý tác giả (cách đặt vấn đề, cách suy diễn, quy nạp, ... ). Ngay đến những nét ngữ nghĩa, tu từ, giá trị logic tinh vi nằm trong từng từ, từng chữ một cũng phải được lập thức đúng ý tác giả bằng một hình thức ngữ dụng tương tự. Ví dụ nét ngữ nghĩa phủ định trong cách dùng chữ của I. Kant trong tiểu luận Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung?
[3] .
"Unmündig" (adj), "Unmündigkeit" (n) = "chưa trưởng thành", "vị thành niên" [4]

"Mündig" (adj), "Mündigkeit" (n) = "trưởng thành", "thành niên"
Tiền tố "un" (của tiếng Ðức) có nghĩa là "chưa", "không", "vô", "bất" (giá trị phủ định (Negation) trong logic học). Chủ ý của Kant là muốn diễn dịch nét phủ định của từ về mặt cú pháp cũng như ngữ nghĩa để rút ra công thức khai sáng. Về mặt cú pháp (tức cách tổ chức từ): bỏ tiền tố "Un" trong "Unmündig(keit)", ta được từ "Mündig(keit)". Về mặt ngữ nghĩa: muốn "mündig" (trưởng thành), thì phải bỏ tính "un" (chưa) của "unmündig" (chưa trưởng thành) đi. Bỏ nghĩa là phủ định. Đã hiểu được ý tác giả, người dịch cần tìm một lối ngữ dụng tương ứng (tương đương mỹ hình). Tiếng Việt cũng có lối ngữ dụng này: bỏ "chưa" trong "chưa trưởng thành", thì được từ "trưởng thành"; bỏ "vị" trong "vị thành niên", thì được từ "thành niên".

Nói tóm lại, dịch thuật văn chương, triết học đòi hỏi, thứ nhất, muốn hiểu rõ nguyên tác, người dịch phải có khả năng suy nghĩ, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ gốc như chính tác giả, đồng thời phải hiểu tác giả đã suy nghĩ, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ đó như thế nào; thứ hai, muốn chép lại nguyên tác ấy bằng một ngôn ngữ dịch, tốt nhất, người dịch nên nhuần nhuyễn ngôn ngữ đó như tiếng mẹ đẻ của mình.

Tài-liệu tham-khảo
  1. Brekle, Herbert E. (1972) Semantik, 3. Auflage. München: Wilhelm Fink Verlag.
  2. Bresnan, Joan (ed. ) (1982). The Mental Representation of Grammatical Relations. Cambridge: MIT Press
  3. Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim (1925) Kiều. Hà Nội: Vĩnh Hưng Long Thư Quán.
  4. Cao Xuân Hạo (1998) Tiếng Việt: Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. TP. HCM: Nxb Giáo Dục.
  5. Cao Xuân Hạo và nhiều tác giả (2000) Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, quyển 1 - Câu trong tiếng Việt. TP. HCM: Nxb Giáo Dục.
  6. Dũng Vũ (2003) Tiếng Việt và ngôn ngữ học hiện đại - Sơ khảo về cú pháp. Stuttgart: VIET.
  7. Đào Duy Anh (1957) Hán-Việt Từ-Điển, Sài Gòn: Nxb Trường Thi.
  8. Faber, Irene & Franz (1964) Nguyên Du - Das Mädchen Kiêu. Berlin: Rütten & Loening
  9. Güttinger, Fritz (1963) Zielsprache - Theorie und Technik des Übersetzens, 2. Auflage. Zürich: Manesse.
  10. Habermas, Jürgen (1971) Vorbereitende Bemerkungen zu einer Theorie der kommunikativen Kompetenz. In: Jürgen Habermas/Niklas Luhmann (Hrsg. ), Theorie der Gesellschaft oder Sozialtechnologie - Was leistet die Systemforschung. Frankfurt/M: Suhrkamp.
  11. Halliday, M. A. K (1994) An Introduction to Functional Grammar. London: Edward Arnold.
  12. Hồ Xuân Hương (1991) Thơ Hồ Xuân Hương. Hà Nội: Nxb. Văn Hóa (Hrsg. )
  13. Hönig, Hans G. (1995) Konstruktives Übersetzen, Mary (Hgsg. ). Studien zur Translation. Bd. 1. Tübingen: Stauffenburg.
  14. Hönig, Hans G. /Kussmal, Paul (1996), Strategie der Übersetzung. Tübingen: Gunter Narr Verlag. Narr Verlag.
  15. Hymes, Dell (1972) Competence and performance in linguistic theory. In: R. Huxley & E. Ingram (eds. ), Language Acquisition: Models and Methods. New York: Academic Press.
  16. Koller, Werner (1992) Einführung in die Übersetzungswissenschaft, 4. Auflage. Heidelberg: Quelle & Meyer Verlag.
  17. Kopetzki, Anenette (1996) Beim Wort nehmen: Sprachtheoretische und ästhetische Probleme der literarischen Übersetzung. Stuttgart: M & P. Verlag für Wissenschaft und Forschung.
  18. Mounin, Georges (1967) Die Übersetzung: Geschichte. Theorie und Anwendung. München: Nymphenburger.
  19. Nguyễn Chí Trung (2000) Le bateau ivre. Con tàu say. Bản dịch tiếng Việt (tài liệu riêng của tác giả).
  20. Nguyễn Đức Dân (1998) Lôgích và tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. Giáo Dục.
  21. Nguyễn Kim Thản (1997) Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. Giáo Dục.
  22. Nguyễn Tài Cẩn (1999) Ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. ÐHQG Hà Nội.
  23. Phan Khôi (1997) Việt Ngữ Nghiên Cứu. Ðà Nẵng: Nxb. Ðà Nẵng.
  24. Pollard, Carl and Ivan Sag (1994) Head-Driven Phrase Structure Grammar. Standford: CSLI Publications and Chigago: The University of Chicago Press.
  25. Reiß, K. & Vermeer, H. -J. (1984) Grundlegung einer allgemeinen Translationstheorie. Tübingen: Niemeyer.
  26. Rimbaud, Arthur (1972) Oeuvres complètes. Paris: Eđition Gallimord (Bibliothèque de la Pléiade).
  27. Walther Küchler (1978) Rimbbaud, Arthur.
    Sämtliche Dichtungen. Französisch und Deutsch. (Hrsg. und übertragen von Walther Küchler). Heidelberg: Verlag Lambert Schneider.
  28. Searle, John R. (1969) Speech Acts : An Essay in the Philosophy of Language. Cambridge University Press.
Có thể xem thêm:
  1. Minds, Brains, and Programs. Cambridge University Press, 1980.
  2. Consciousness and Language, Cambridge University Press, 2002.
  3. Störig(1973) Das Problem des Übersetzens, Wege der Forschung VIII. Darmstadt: Wissenschaftliche Buchgesellschaft.
[1]Ví dụ này còn cho thấy một điều thú vị là một việc to lớn thế, không thua kém gì dịch thuật thuật ngữ tin học, mà một mình Hoàng Xuân Hãn cũng làm được chứ không cần đến một viện ngôn ngữ, hội đồng khoa học hay một đội ngũ dịch thuật.
[2]Các tài liệu ngữ pháp và cú pháp này giải thích khá kỹ về cách cấu tạo từ tiếng Việt. Tự chúng cũng khá thú vị. Có thể đọc Phan Khôi trước. Ông viết tương đối không nặng về lý thuyết như Nguyễn Kim Thản. Văn phong của Nguyễn Tài Cẩn cũng dễ đọc. Khác lối quan sát cấu trúc chữ/từ theo phạm trù cú pháp như những tác giả khác, Nguyễn Đức Dân chú tâm vào tính Logic của tiếng Việt. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc tạo từ tiếng Việt mà xưa nay ít được để ý tới.
[3]Xem bản dịch Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? - Thái Kim Lan, Talawas 12. 02. 2004. Chú dẫn của dịch giả: I. Kant: Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung?, S. 1 ff. Digitale Bibliothek Band 2: Philosophie, S. 24932 (vgl. Kant-W Bd. 11, S. 53 ff. ). Các khái niệm Vormund, Unmündigkeit được dịch giả diễn đạt đúng ý Kant và đúng theo tinh thần tiếng Ðức.
[4]"Vị thành niên" là một từ Hán-Việt. "Vị" có nhiều nghĩa và ở đây có nghĩa là "chưa". (Đào Duy Anh (1957) Hán-Việt Từ-Điển, Sài Gòn: Nxb Trường Thi. )

Stuttgart, 13. 04. 2004

© 2004 talawas

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1648&rb=07 (4. 5. 2004)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét