Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Vấn·đề tiếng đồng·âm trong Việt·ngữ và dấu nối trong tên họ

Tác·giả: Lê·Ngọc·Trụ

(Tạp·chí Văn số 25, Chuyên·mục Giải·đáp thắc·mắc bạn đọc, ngày 1 tháng 1 năm 1965)

* HỎI : (bạn Trương-Bạch-Mai, Long-thành.)
1.) Vấn-đề tiếng đồng-âm trong Việt-ngữ : « Va, Da, Gia » có thể là những tiếng đồng-âm không ? Tôi cho những cặp tiếng sau đây là đồng-âm có đúng không : ngan và ngang, tất và tấc, lòng và lồng? Hay tiếng đồng-âm chỉ có thể là những tiếng như hiên trong « hiên-ngang » và hiên trong « mái hiên ».
2.) Dấu nối trong tên họ. Chẳng hạn như tên tôi, theo ý-kiến của ông, nên viết theo một trong những lối sau đây : Trương-Bạch-Mai, Trương Bạch-Mai. Lối sau, riêng theo ý tôi, nó không có một liên-lạc gì giữa họ và tên. Và tôi cũng không đồng ý khi người ta cho rằng chỉ có dấu nối giữa những tiếng trong tên ghép hoặc chữ ghép, chẳng hạn : Nguyễn-Phúc Ánh, Trần thị Kim-Chi.


* ĐÁP :

Những tiếng « đồng-âm », đúng theo nghĩa của nó, là những tiếng giống nhau về phương-diện phát-âm.

Những tiếng như « hiên » trong « hiên ngang » và « hiên » trong « mái hiên » mà ông bạn nêu ra, là đồng-âm. Nhưng đúng ra, đây chỉ là một chữ Hán hiên 軒 có nhiều nghĩa khác nhau. Hán-Việt từ-điển Đào-Duy-Anh cho bốn nghĩa : 1.) xe của quan đại-phu ngồi ngày xưa ; 2.) chỗ trước xe ; 3.) mái hiên của nhà ; 4.) dáng tự-đắc. Hán-Việt tự-điển Thiều-Chửu cho thêm : 5.) cao vòi vọi ; 6.) mỉm cười. Trung-Hoa đại tự-điển cho đến 23 nghĩa khác nhau. Một chữ Hán đọc ra một « âm » mà có nhiều nghĩa thì đương-nhiên là « giống nhau » trong những từ-ngữ mà có chữ ấy kết hợp : hiên-ngang, hiên-cừ, lâm-hiên... Hán-Việt tự-điển Nguyễn-Văn-Khôn có ghi 22 âm « hy » của 22 chữ Hán viết khác nhau, với nghĩa khác nhau, đó là 22 tiếng « đồng-âm ».

Và, như ta có sáu tiếng « da » đồng âm : ba tiếng Việt, da (thịt), cây da, ma da ; ba tiếng Hán-Việt, da là « vậy », da « cây dừa », da : « người trưởng thượng, cha ». Sáu tiếng nầy, tuy chữ Hán và chữ nôm viết khác nhau, nhưng cách phát-âm của chúng nó « giống nhau », cũng đều đưa đầu lưỡi áp sát nớu hàm trên khi phát-âm, nên đều được ghi bằng chữ quốc-ngữ « da » với d khởi đầu.

Còn ba tiếng va, da, gia không phải đồng-âm vì cách phát âm của ba tiếng ấy không giống nhau. Muốn phát-âm va, phải cho môi dưới áp gần hàm răng trên mới phát-âm được phụ-âm môi-răng v ; cơ-quan chánh-yếu để phát-âm phụ-âm nầy là môi.

Muốn phát-âm gia phải cho lưng lưỡi áp sát cúa cứng (phần cứng ở phía trước của nắp miệng) và lưỡi phải uốn lòng máng cho nghe tiếng gió. Vậy chỗ khác giữa da và gia, đồng loại âm lưỡi (thiệt âm), là với da, đầu lưỡi cử động áp sát gần nớu mà không uốn lưỡi ; với gia, lưng lưỡi cử động và uốn lòng-máng, áp sát gần cúa. Vì ba cách phát-âm khác nhau, nên được ghi bằng ba phụ-âm khác nhau : v, d và gi. Như thế, ba tiếng va, da, gia không đồng-âm.

Những tiếng ngan và ngang, tất và tấc cũng vậy, không phải đồng-âm, vì ngan và tất có tiếng phụ-âm nớu cuối : n và t, khi phát-âm những loại vận nầy, phải cho thêm chót lưỡi chạm chưn răng cửa hàm trên ; còn hai tiếng ngang và tấc thuộc loại vận có phụ-âm màng-cúa cuối : ng và c, khi phát-âm, chưn lưỡi đưa gần màng-cúa, chỉ hả miệng ra là được. Thành ra, cách phát-âm những tiếng có phụ-âm cuối ng và c dễ hơn cách phát-âm những tiếng có n và l cuối, vì với loại sau, còn phải cho thêm chót lưỡi chạm răng cửa hàm trên. Cách phát-âm hai loại có phụ âm n/t và ng/c không giống nhau thì kết-quả không đồng-âm, và lối viết chữ quốc-ngữ cũng khác nhau.

Về những vận ong/ông, oc/ôc, cũng như ăm/âm, ăp/âp ; iêm/im, iêp/ip ; ao/au, ai/ay, iêu/iu... cho đến hai giọng hỏi và ngã, mỗi cặp đều khác nhau về cách phát-âm, nên cũng không thể là « đồng-âm ».

Chánh-tả tiếng Việt được cái đặc-sắc là ghi lại trung-thực « giọng phát-âm đúng ». Nhưng xét kỹ ra, trong ba miền Nam, Trung, Bắc, không có miền nào phát-âm hoàn-toàn thật đúng. Miền Bắc phân-biệt được vận cuối ai/ay, ao/au... , có n/t với có ng/c... , giọng hỏi với ngã, nhưng lẫn-lộn phụ-âm khởi đầu ch/tr, s/x ; phát-âm được v nhưng lại đọc lẫn-lộn d với gi thành z. Miền Nam phân biệt được ch/tr, s/x nhưng lẫn-lộn các vận cuối, đọc hai giọng hỏi và ngã thành một giọng hỏi cả. Phụ-âm v thì phát-âm ra d hoặc b(y) : « đi về » thành « b(y)ề » ; còn hai âm d và gi thì thành một âm d : da (thịt) và gia (đình) đều phát âm « da » hết.

Vì thế, không thể vịn vào cách phát-âm, nhứt là người miền Nam, để viết đúng chánh-tả. Có lẽ, nhận xét điểm này, nên ông Nguyễn-Văn-Mai đầu tiên đã soạn quyển Đồng âm tự vị (xuất-bản năm 1912 và tái-bản năm 1925), sắp xếp đối chiếu những tiếng có thể vì phát-âm không phân-biệt được mà phải viết sai chánh-tả, như : ác / át, an / ang, ắc / ắt, bả / bã ...

Về sau, mấy tác-giả loại sách chánh-tả nầy cũng dùng từ-ngữ « đồng-âm », như ông Trần Văn Khải với quyển «Đồng âm vận tuyển», ông Trần-Văn-Thanh, quyển «Đồng-âm dẫn-giải».

Về « dấu nối trong tên họ », vấn-đề nầy thật là tế-nhị, vì có nhiều nhóm văn-nhân học-giả chủ-trương và áp-dụng lối viết khác nhau. Thêm vào đó, mỗi cá-nhân lúc viết tên họ của mình, lắm khi theo « thói quen » từ nhỏ hơn là nhớ đến nguyên-tắc hợp lý. Rồi khi ấn-loát, trên báo-chí hay ngay trong quyển sách, tác-giả có chú trọng đến lối viết, mà ấn-công và thầy « cò » lại không chú ý sắp hoặc sửa bản in cho đúng. Ai cũng biết « tập-tục là chủ-nhân-ông của ngôn-ngữ », nên vì thế, cũng khó mà nhất-trí lối viết – dùng hay không dùng gạch nối, cũng như viết chữ hoa hay chữ thường những tiếng lót –, nếu không có một cơ quan có uy tín, như « viện hàn-lâm » chẳng hạn, nghiên-cứu và quyết-định dứt khoát.

Vì là bài giải-đáp, không phải là một bài khảo-cứu (1), nên ở đây, tôi chỉ tóm-tắt những lối viết khác nhau, những lối nầy tựu trung gồm trong hai chủ trương chánh : không dùng gạch-nối, hoặc dùng gạch-nối giữ họ và tên.

I. Chủ-trương không dùng gạch-nối giữa họ và tên, và tiếng lót nếu có, vì cho rằng mỗi thành-phần : họ, tiếng lót, tên có nghĩa riêng-biệt ; giữa họ và tên không có quan-hệ về ý-nghĩa. Khi đặt tên, người ra chú-trọng chọn một tiếng hoặc một từ-ngữ có ý-nghĩa tốt-đẹp. Nên chỉ với tên kép, hoặc họ kép, mới dùng gạch-nối.

Nguyễn Du là ông tên Du của dòng họ Nguyễn. cũng như Trần văn Xuân là ông tên Xuân của dòng họ Trần. Thông thường người ta gọi ông « Xuân », hoặc ông « Trần », nếu kính nể muốn tránh tên ; lúc phải kể trọn tên và họ thì gọi ông « Trần văn Xuân ».

Đặng-Trần Côn nguyên họ Trần làm con nuôi nhà họ Đặng. Nguyễn-Huỳnh Đức nguyên họ Huỳnh được vua cho « ăn họ » Nguyễn. Đó là họ đôi. Nguyễn-Phúc (Ánh) là họ kép (Lê văn) Tất Thắng hoặc (Trần thị) Kim-Chi là tên kép, mà hai tiếng kết hợp bằng gạch nối có một ý nghĩa : Tất-Thắng (= ắt sẽ thắng), Kim-Chi (= nhành vàng).

1) theo chủ trương không dùng gạch nối giữa họ và tên nầy, có vị viết tiếng lót : văn, thị, mạnh, trọng, quý, thúc, bá, kim, ngọc... bằng chữ thường, vì cho rằng « tiếng lót là tiếng đặt lót, để phân biệt nam, nữ như thị, hay để cho thuận tai như một số các tiếng khác. Nó không phải là một « tên » như người ta lầm tưởng ».

2) Cũng theo chủ trương trên, nhưng viết hoa tất cả luôn tiếng lót, vì cho rằng đây là đặc-danh (nom propre), tên riêng của mỗi người : Trần Văn Xuân, Trần Thị Kim Chi, Lê Văn Tất Thắng, Nguyễn Ngọc Danh...

3) Cũng chủ trương viết rời họ và tên, tiếng lót viết chữ thường, họ đôi viết hoa cả hai tiếng vì là hai họ ráp lại ; họ kép thì tiếng thứ nhì viết thường : Đoàn thị Điểm ; Đặng-Trần Côn ; Nguyễn-phúc Ánh, Nguyễn khắc Hiếu...

Về tên kép, dùng gạch-nối, theo ông Nguyễn Bạt-tụy, khi tiếng thứ nhì là một tiếng họp với tiếng thứ nhất thành một từ ngữ, thì tiếng thứ nhì viết thường : Nguyễn Xuân-lai, Nguyễn Thu-hòa, Nguyễn Cư-dật, Lương Như-đỉnh. Khi tiếng thứ nhì là một tiếng có nghĩa nhất định ghép với tiếng thứ nhất cũng có nghĩa thì hai tiếng đều viết hoa cả : Phạm Đức-Hạnh, Trần Quang-Diệu, Nguyễn Hưng-Đạt...

Ông Nguyễn Xuânquang (2) chủ trương viết dính những tiếng kép trùng điệp và chỉ một ý niệm, viết có gạch nối những tiếng kép phức hợp và hội ý, nên về những tên người, ông viết :

Lê Thư-Hùng, Nguyễn Sơn-Hà,
Trần Trọngkim, Hồ văn Minhcảnh
Nguyễn-Huỳnh Đức, Trươnggia Kỳsanh,
Trương Minhký-Bá, Tônthất Hân
Cônghuyềntôn Hoàgiai...

. . . . . . . . . . . . . . . .

II. – Chủ trương dùng gạch nối vì cho rằng nhóm chữ tên, họ và tiếng lót nếu có, có liên lạc với nhau, khi kết họp, lại chỉ định riêng về một người, nên viết nối lại cho dễ biết cũng như một nhóm tiếng kép có gạch nối để chỉ một ý niệm : Nguyễn-Du, Lê-Lợi, Nguyễn-Đình-Chiểu...

Vả lại, không ai có thể biết rõ hết những tập quán riêng của mỗi gia đình, mỗi tộc họ, mà viết cho đúng được. Như tiếng lót văn, ngọc chẳng hạn, có khi được nhập với họ làm họ kép : Trần-Văn, Lê-Ngọc ; có khi nhập với tên làm tên kép : Văn-Ngôn, Ngọc-Trụ.

1) Theo chủ-trương nầy, phần đông viết tiếng lót không hoa : Trần-văn-Xuân, Nguyễn-thị-Yến, Lê-ngọc-Diệp, Nguyễn-an-Ninh, Tạ-thu-Thâu...

2) Để thống-nhất cách viết và cũng theo thói quen của phần đông, nhóm soạn Từ-điển Bách-khoa Việt-nam của ông Đào-Văn-Tập ấn định nguyên tắc :

a) về nhân danh Việt,

kể như những từ kép : « tên, họ và cả chữ đệm đều viết hoa » và có gạch nối : Lý-Thường-Kiệt, Trần-Thủ-Độ...

b) Về nhân danh ngoại quốc,

1) tên ngoại quốc bằng chữ Hán phiên âm ra Hán Việt cũng theo ước-lệ trên : Gia-Cát-Lượng...

2) tên ngoại quốc không phải chữ Hán, phiên âm thẳng ra tiếng Việt, chỉ viết hoa chữ đầu : Găng-đi, Na-pô-lê-ông...

Đại để, có những chủ-trương và lối viết khác nhau như trên, những học giả chưa thỏa-thuận với-nhau về nguyên-tắc, hay nói đúng hơn, chưa có một quyết-định chính-thức nào, nên mạnh ai nấy viết theo ý mình.

LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 25, 1.1.1965

Chú thích:
(1) Xin xem bài khảo cứu rất chính-xác, công-phu và đầy-đủ của ông Nguyễn Bạt Tụy. - Tên người Việt-Nam đăng trong quyển Tạp-khảo của Hội Khuyến-học Nam-Việt xuất-bản năm 1954, trang 47 - 77.
(2) một lối viết chữ quốcngữ mới nênđể hay bỏ gạchnốiliền, tập Kỷ-yếu Hội Khuyến-học năm 1942, trang 22 – 52
Nguồn: http://my.opera.com/ntd1712/blog/giai-dap-thac-mac-ban-doc-van25

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét