Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Nguyên-tắc tạo từ mới

Tác-giả: Đặng-Hải-Nguyên


Hán tự hoặc Nho tự được tạo ra theo sáu cách gọi là phép lục thư (六書).


  1. Tượng Hình (象形): căn cứ trên hình tượng của sự vật. Ví dụ:
    Ghép một gạch ngang (
    ), một sổ thẳng (), hai nét phẩy xuống ở hai bên, tượng trưng một cây có cành ngang, rễ dọc, để ghi chữ Mộc "", có nghĩa là "cây".

  2. Chỉ Sự (指事) hay Biểu Ý (表意) (hay tượng sự, xử sự): Trông mà biết được, xét mà rõ ý. Ví dụ:
    Chữ Bản (
    ), do ghép chữ Mộc () và thêm gạch ngang diễn tả ý nghĩa "gốc rễ".
    Lấy nét ngang (
    ) làm mốc, phần (–) đứng ở trên mốc là () thượng, phần đứng ở dưới mốc là () hạ.

  3. Hội Ý (會意) (hay tượng ý): Mỗi chữ có nhiều phần, mỗi phần có một nghĩa, hợp ý của hai chữ ấy lại để tạo ra một chữ mới với ý mới. Ví dụ:
    Chữ Lâm (
    ) là rừng , do ghép hai chữ Mộc () tạo thành, rừng do nhiều cây hợp thành.
    Chữ Cổ (
    ) là xưa, ngụ ý điều gì mà mười ( Thập) miệng ( Khẩu) đã nói đến là cũ, xưa rồi.

  4. Hình Thanh (形聲), (hay tượng thanh, hài thanh): chiếm 80% toàn bộ chữ Hán. Mượn phần âm () của một chữ có sẵn rồi ghép vào một bộ (phần hình ) chỉ ý nghĩa, để tạo ra chữ mới. Ví dụ:
    Chữ Vị (
    ) trong "khẩu vị" do ghép bộ Khẩu () chỉ việc ăn hoặc nói, và chữ Vị () là "chưa" trong "chưa đến – vị lai" để chỉ cách phát âm.
    Chữ Giang
    là sông, gồm bộ Thuỷ () để chỉ vật gì có liên quan đến nước (ý nghĩa) và chữ công () chỉ cách phát âm của chữ ", Giang". Ghi chú: theo cách tạo từ này, lẽ ra phải đọc là "Giông" chứ không phải "Giang" vì nó lấy âm "ông" trong chữ "công, ".  Nếu thay âm "Gi" Việt cổ (?) hay Hán cổ (?) bằng âm "S" Việt hiện nay, chữ ta đọc là "sông", nghĩa là sông (river) là hợp tình hợp lý nhất?! Trong 80% toàn bộ chữ Hán được tạo theo phương thức Hình Thanh, có bao nhiêu chữ thuộc loại này? Phần này để các bạn cũng như các nhà nghiên cứu suy nghĩ thêm về tính chính danh của cách gọi "từ Nho Việt" thay cho "từ Hán Việt".

  5. Chuyển Chú (轉注): Dùng một chữ có sẵn, thay đổi hình dạng đi đôi chút, để đặt ra một chữ khác có nghĩa tương tự. Ví dụ:
    Ghép bộ Thảo (cây cỏ) vào chữ Lạc (
    , vui vẻ) thành chữ Dược () là thuốc
    Chữ Lão (
    ) là già, thay đổi hình dạng đôi chút ta có Khảo () nghĩa là "sống lâu".

  6. Giả Tá (假借): Mượn âm của một chữ có sẵn:
    a. Biến đổi dấu giọng (thanh) của chữ ấy để tạo thành một chữ mới với nghĩa khác.
    Ví dụ:
    Trường: dài, Trưởng: lớn.
    b. Giữ nguyên thanh âm của một chữ nào đó, rồi gán thêm cho nó một nghĩa mới.
    Ví dụ:
    Vạn, vốn có nghĩa là con bò cạp, nhưng lại dùng thêm nghĩa mới là mười ngàn.


Nhờ chữ quốc ngữ viết bằng mẫu tự La tinh, chúng ta không bị đóng khung trong phép "lục thư" trong việc tạo từ mới. Trong cái rủi có cái may. Người Pháp đã mang chữ viết, dùng chữ cái (mẫu tự) abc để ghi âm Việt, thông qua các cha cố với mục đích truyền bá đạo Công giáo La mã (Roman Catholic). Song song với việc đánh đuổi ngoại xâm, chúng ta có được vũ khí quốc ngữ vô cùng lợi hại (powerful) và kho chữ Nho Việt vô cùng phong phú. Một chân trời mới với khả năng vô hạn. Giới hạn là ở trí tưởng tượng, tinh thẩn sáng tạo, khả năng của mỗi chúng ta trong việc sử dụng chúng một cách nghiêm chỉnh, một cách hệ thống với một tinh thần khoa học; giới hạn là ở tính không bao dung, không cởi mở, bè phái, kẻ cả, tự ái, kỳ thị, cố chấp, tị hiềm, bài ngoại.


Mong rằng từ ngữ Việt nào đúng chính xác, chúng ta sử dụng mà không phân biệt chúng thuộc vùng, miền nào; những gì không đúng, không chính xác sẽ bị đào thải với thời gian. Chúng ta không thể dùng cường quyền, phe phái áp đặt những gì vô lý vào ngôn ngữ , vì nếu được đi chăng nữa, chúng chỉ là một mớ hổ lốn, sẽ làm mất đi tính trong sáng, tính hệ thống và nhất quán của Tiếng Việt. Sử dụng, phổ biến, giữ gìn tính hệ thống và nhất quán của Tiếng Việt, tạo mới các từ ngữ, thuật ngữ theo một nguyên tắc khoa học là nhiệm vụ của mỗi người  Việt Nam.


Tôi xin mạn phép đề nghị một số nguyên tắc tạo từ ngữ mới, thuật ngữ mới dựa vào phương châm: dân tộc, khoa học, đại chúng và khai phóng. Việc áp dụng, chấp nhận chúng tuỳ thuộc vào sự đánh giá của các bạn bởi lẽ cái học thì mênh mông như biển cả mà sự hiểu biết và sức học của tôi thì hạn hẹp. Cái mà tôi cho là hợp lý chỉ dựa trên kiến thức của cá nhân với ít nhiều chủ quan . Rất mong được góp ý xây dựng.



  1. Phương thức láy từ: để tạo ra từ mới với ý nghĩa rõ ràng, chính xác và chuyên biệt hơn, tránh từ đồng âm (tính dân tộc)

    Ví dụ:
    Trắng tinh, trắng toát, trắng xoá
    Đen đúa, đen nghịt, đen ngòm, đen xì.


  2. Thay vì dùng nhiều phương ngữ đã có của các miền khác nhau, để chỉ cùng một sự vật, ta chọn một từ và dùng từ kia để chỉ khái niệm mới. Như vậy, ý nghĩa của mỗi từ sẽ rõ ràng hơn. (tính dân tộc).

    Ví dụ:
    disk: ổ đĩa
    CD, DVD disc: dĩa CD, DVD


    Mail box: hộp thư, thay vì hòm thư. Box thông thường có nghĩa là cái hộp
    Coffin: cái hòm, thay vì cái "quan tài". Ta đã có từ thuần Việt rổi, cớ sao lại phải vay mượn?


    Biện giải (justification)
    "quan tài" là từ thông dụng của người Trung Hoa để chỉ cái hòm (từ thuần Việt). Trong thành ngữ "quan tài", nếu tách riêng chữ "quan" và chữ "tài", mỗi chữ mang một ý nghĩa khác xa với ý nghĩa của từ mới sau khi kết hợp chúng lại với nhau. Cũng như từ "lợi hại" của ta, có nghĩa là powerful trong tiếng Anh, nhưng nếu tách riêng "lợi" và "hại" thì ý nghĩa mỗi từ khác xa với từ mới "lợi hại" sau khi kết hợp lại; từ "ướt ráo" có nghĩa là "completely wet" trong tiếng Anh, nhưng "ướt" và "ráo" đứng riêng ra thì ý nghĩa xa một trời một vực. Người miền Nam, nghe tới chữ "hòm" đã thấy buồn và khóc than vì nghĩ đến chết chóc, xa lìa. Nên chăng sử dụng thành ngữ đặc trưng riêng của Trung Hoa, trong khi ta có thể tạo riêng thành ngữ cho mình? Chẳng hạn như , trong thành ngữ "bao tử" của ta, bao là cái bao, tử có nghĩa là chết, nhưng "bao tử" có nghĩa là "dạ dày", là stomach trong tiếng Anh. Trong từ "hậu môn", từ "hậu" nghĩa là "sau", "môn" là "cửa cái", hậu môn có nghĩa là … rectum trong Tiếng Anh.


  3. Phương thức đồng kết: ghép (kết hợp) từ thuần Việt với từ Nho Việt có cùng nghĩa (đồng nghĩa). Tạo từ bằng cách này giúp chúng ta giải quyết được nhiều từ đồng âm thuộc loại đồng tự hoặc dị tự. (tính dân tộc)

    Ví dụ:
    Hát xướng: hát (Việt), xướng (Nho).
    Trắng bạch: trắng (Việt) + bạch (Nho)
    mầu xanh lục: xanh (Việt) + lục (Nho), green, lục có nghĩa là mầu xanh lá cây.
    mầu xanh lam: xanh (Việt) + lam (Nho), blue, lam có nghĩa là mầu xanh nước biển.
    Hung dữ: hung (Nho) + dữ (Việt).
    Toàn vẹn: toàn (Nho) + vẹn (Việt).
    Phân chia: phân (Nho) + chia (Việt).
    Vân mây: vân (Nho) +mây (Việt), cloud computing: điện toán (mạng) vân mây.


  4. Giữ thứ tự các từ tố theo ngữ pháp Tiếng Việt nếu dùng một từ đơn thuần Việt với một từ đơn Nho Việt, hoặc dùng hai từ kép Nho Việt để dịch một từ đơn Tiếng Anh. (tính dân tộc + tính khoa học)

    Ví dụ:
    command + line ~ lệnh + dòng → commandline = dòng lệnh
    down +load ~ xuống + tải → download = tải xuống
    infra + structure ~ hạ tầng + cấu trúc → infrastructure = cấu trúc hạ tầng
    data + base ~ dữ liệu + cơ sở → database = cơ sở dữ liệu
    auto+mount ~ tự động + gắn kết → automount = gắn kết tự động
    auto+hide ~ tự động + ẩn → autohide = ẩn tự động


  5. Giữ thứ tự các từ theo ngữ pháp thuần Việt, nếu dùng để dich thuật ngữ Tiếng Anh là một cụm từ, một ngữ. (tính dân tộc + tính khoa học)

    Ví dụ:
    email = electronic mail = thư điện tử (electronic mail là một cụm từ), không dịch là điện thư (fax).


  6. Giữ nguyên thứ tự các từ tố theo từ pháp, ngữ pháp ngược của Âu Mỹ, nếu dùng hai từ đơn Nho Việt để dich thuật ngữ Tiếng Anh là một từ đơn. (tính khoa học)

    Ví dụ:
    inter+face ~ giao+diện → interface = giao diện, (interface là từ đơn)
    self+mount ~ tự + gắn kết → self-mount = tự gắn kết
    self+hide ~ tự + ẩn → self-hide = tự ẩn


  7. Phương thức dị tự: Sử dụng chữ cái I hoặc Y tạo ra từ mới. Cách này giúp chúng ta giải quyết được nhiều từ đồng âm đổng tự. (tính khoa học)

    Ví dụ:
    Lí trong "lí nhí" khác với lý trong "lý tưởng"
    Hi trong "hi hữu" khác với hy trong "hy sinh"
    Kì trong "kì cọ" khác với kỳ trong "kỳ ngộ", "kỳ tích"


  8. Căn tố phối hợp với phụ tố (tiền tố, hậu tố). (tính khoa học)

    Ví dụ:
    sub: sub-title, sub-parts: phụ đề, phụ kiện
    multi: multi-tasks, multi-functions, multi-parts: đa tác, đa nhiệm, đa phần
    -ist/ian : specialist, technician: chuyên viên, kỹ thuật viên
    -er/or : subscriber, administrator: người đăng dụng, người quản trị


  9. Ghép các từ đơn Nho Việt để tạo từ mới dựa vào nội dung chính, ý nghĩa chính của từ. (tính khoa học)

    Ví dụ:
    applet: trình nội thi: Chương trình được thiết kế để thực thi từ bên trong một ứng dụng (application) khác. Không giống như một ứng dụng, trình nội thi không thể được thực thi trực tiếp từ hệ điều hành.


  10. Kèm thêm tử phụ dựa vào thông tin liên quan với từ chính để làm rõ thêm nghĩa chính của từ. (tính khoa học)

    Ví dụ:
    bug: bọ lỗi, thêm từ lỗi vào từ bọ
    ISO image: tệp ảnh ISO, thêm từ tệp vào từ ảnh
    CD image: tệp ảnh CD, thêm từ tệp vào từ ảnh
    mouse: trỏ chuột, con trỏ chuột (thiết bị trỏ – pointing device – có dạng giống hình con chuột), không dịch là con chuột.
    cloud: vân mây, thêm từ vân vào từ mây; personal cloud network: mạng vân mây cá nhân (vân cũng có nghĩa là mây), không dịch là đám mây.
    Internet: Liên mạng toàn cầu, thêm từ toàn cầu vào từ Liên mạng (viết đúng chính tả, từ Internet phải được viết hoa).


  11. Tạo tân từ hoàn toàn mới, chưa từng có trong Tiếng Việt. (tính khoa học)

    Trong tất cả các thanh của "the" như the, thè, thẻ, (thẽ), thé, (thẹ), còn hai từ chưa được sử dụng là (thẽ) và (thẹ). Tại sao không dùng từ "thẹ"" để dịch chữ "tag" với môt khái niệm hoàn toàn mới trong ngành điện toán, mà cứ phải tranh dùng từ "thẻ" đã được sử dụng phổ biến và ổn định? Chọn từ "thẹ" có tốt hơn không vì từ "tag" được kết hợp với nhiều từ khác cho riêng ngành điện toán? Trong lĩnh vực khoa học, tính chính xác là quan trọng. Mỗi ý cần riêng một từ.


    Ví dụ:
    tag: thẹ (thay vì dịch là thẻ, từ thẻ đã được dùng để dịch từ card rồi)
    name tag: thẹ tên.
    number tag: thẹ số


    credit card: thẻ tín dụng
    memory card: thẻ nhớ
    phone card: thẻ điện thoại


  12. Sử dụng những từ ngữ sẵn có và tương đương. (tính đại chúng)

    Ví dụ:
    account – tài khoản
    net – mạng


  13. Dựa trên sự liên tưởng về khái niệm. (tính đại chúng)

    Ví dụ:
    client ~ khách hàng → client = máy khách;
    path ~ đường đi → path = đường dẫn;
    cursor ~ mũi tên → cursor = con trỏ


  14. Nới rộng ý nghĩa của từ. (tính khai phóng)

    Ví dụ:
    quarter: quý
    port: cảng
    profile: tư tệp


  15. Phiên âm. (tính khai phóng)

    Ví dụ:
    bit: bít, một bít (viết tắt của binary digit – chữ số nhị phân). Một bít có một giá trị nhị phân là 0 hoặc 1.
    byte: bai, một bai gồm có 8 bít
    chat: chát; chát không chỉ có nghĩa là tán gẩu mà còn là bút đàm, có thể có âm thanh đi kèm. Nó thường được sử dụng những khi bạn vào trang web thương mại lớn và uy tín. Các nhân viên trả lời trực tuyến trên web, thường túc trực để giải đáp mọi thắc mắc của bạn.


Đặng Hải Nguyên
http://thuatngu.tieng-viet.org/


Nguồn: http://tiengvietmenyeu.wordpress.com/2010/12/01/nguyen-tắc-tạo-từ-mới/ (ngày 1 tháng 12 năm 2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét